KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN

– Hán dịch: Căn cứ bản dịch của Tam Tạng Pháp sư Đàm Vô Sấm,
Sa môn Tuệ Nghiêm, Tuệ Quán, và Tạ Linh Vân sửa lại
 – Đời Tống
 – Việt dịch: Tuệ Khai cư sĩ – Phan Rang
Chứng nghĩa: Tỳ Kheo Thích Đổng Minh

 

PHẨM THỨ HAI MƯƠI LĂM: KIỀU TRẦN NHƯ

(Quyển 35 và 36)

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo ngài Kiều Trần Như rằng:

– Sắc là vô thường. Nhân diệt sắc này chứng được sắc giải thoát thường trụ. Thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Nhân diệt… thức này chứng được… thức giải thoát thường trụ. Này Kiều Trần Như! Sắc tức là khổ. Nhân diệt sắc này chứng được sắc giải thoát an lạc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Này Kiều Trần Như! Sắc tức là không. Nhân diệt sắc không chứng được sắc giải thoát chẳng phải không. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Này Kiều Trần Như! Sắc là vô ngã. Nhân diệt sắc này chứng được sắc giải thoát chân ngã. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Này Kiều Trần Như! Sắc là bất tịnh. Nhân diệt sắc này chứng được sắc giải thoát thanh tịnh. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Này Kiều Trần Như! Sắc là tướng của sinh già bịnh chết. Nhân diệt sắc này chứng được sắc giải thoát chẳng phải tướng của sinh già bịnh chết. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Này Kiều Trần Như! Sắc là nhân của vô minh. Nhân diệt sắc này chứng được sắc giải thoát chẳng phải nhân của vô minh. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Này Kiều Trần Như!   Cho đến sắc là sinh nhân. Nhân diệt sắc này chứng được sắc giải thoát chẳng phải sinh nhân. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Này Kiều Trần Như! Sắc tức là nhân của bốn điên đảo. Nhân diệt sắc điên đảo chứng được sắc giải thoát chẳng phải nhân của bốn điên đảo. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Này Kiều Trần Như! Sắc là nhân của vô lượng ác pháp như là thân trai gái, thực ái, dục ái, tham, sân, si, tật đố, xan tâm, ác tâm, đoàn thực, thức thực, tư thực, xúc thực, noãn sinh, thai sinh, thấp sinh, hóa sinh, ngũ dục, ngũ cái.v.v… Những pháp như vậy đều nhân với sắc. Nhân diệt sắc này nên chứng được sắc giải thoát không có vô lượng những ác như vậy. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Này Kiều Trần Như! Sắc tức là trói buộc. Nhân diệt sắc trói buộc chứng được sắc giải thoát không trói buộc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Này Kiều Trần Như! Sắc tức là dòng chảy. Nhân diệt sắc dòng chảy chứng được sắc giải thoát chẳng phải dòng chảy. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Này Kiều Trần Như! Sắc chẳng phải qui y. Nhân diệt sắc này chứng được sắc giải thoát qui y. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Này Kiều Trần Như! Sắc là ghẻ lở. Nhân diệt sắc này chứng được sắc giải thoát không ghẻ lở. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Này Kiều Trần Như! Sắc chẳng phải tịch tịnh. Nhân diệt sắc này chứng được sắc Niết Bàn tịch tịnh. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Này Kiều Trần Như! Nếu có người có thể biết như vậy thì người đó gọi là Sa môn, gọi là Bà la môn, đầy đủ pháp Sa môn, Bà la môn. Này Kiều Trần Như! Nếu lìa khỏi Phật pháp thì không có Sa môn và Bà la môn, cũng không có pháp Sa môn, Bà la môn. Tất cả ngoại đạo hư dối giả trá xưng đều là hạnh không thật. Tuy họ tạo tác tướng mạo nói rằng có hai thứ này, nhưng thật không có điều đó. Vì sao vậy? Vì nếu không có pháp Sa môn, Bà la môn thì sao mà nói có Sa môn và Bà la môn? Ta thường ở trong đại chúng này rống tiếng rống Sư tử! Các ngươi cũng phải ở trong đại chúng rống tiếng rống sư Sư tử.

Bấy giờ, có vô lượng người ngoại đạo nghe lời nói đó rồi lòng sinh ra sân ác mà rằng: “Ông Cù Ðàm nay nói trong chúng của chúng ta không có Sa môn và Bà la môn, cũng không có pháp Sa môn, Bà la môn thì chúng ta phải làm sao thiết lập phương tiện rộng rãi để nói với ông Cù Ðàm rằng, trong chúng của chúng ta cũng có Sa môn, có pháp Sa môn, có Bà la môn, có pháp Bà la môn?” Trong chúng đó có một Phạm chí xướng lên như vầy: “Thưa các ngài! Lời nói của ông Cù Ðàm như lời cuồng điên, không khác! Sao có thể kiểm nghiệm? Người cuồng của thế gian hoặc ca, hoặc múa, hoặc khóc, hoặc cười, hoặc mắng chưỡi, hoặc khen ngợi, đối với người thân kẻ oán đã chẳng thể phân biệt. Ông Sa môn Cù Ðàm cũng lại như vậy, hoặc nói ta sinh ở nhà vua Tịnh Phạn, hoặc nói chẳng sinh, hoặc nói sinh rồi đi bảy bước, hoặc nói chẳng đi, hoặc nói từ nhỏ học tập thế sự, hoặc nói ta là người Nhất Thiết Trí, hoặc khi ở cung hưởng thụ lạc sinh con, hoặc khi chán ghét khổ hoạn quở trách ác hèn, hoặc khi gần gũi tu khổ hạnh sáu năm, hoặc khi quở trách ngoại đạo khổ hạnh, hoặc nói rằng từ ông Uất Ðầu Lam Phất, ông A La La.v.v… bẩm thừa điều chưa nghe, hoặc khi nói những ông ấy không có sự hiểu biết, hoặc khi nói rằng dưới cây Bồ Ðề được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, hoặc khi nói rằng ta chẳng đến cây không có sự thu hoạch ấy, hoặc khi nói rằng thân này của ta hôm nay tức là Niết Bàn, hoặc nói thân diệt mới là Niết Bàn… Lời nói của ông Cù Ðàm như cuồng điên không khác thì tại sao vì những lời này mà buồn lo bối rối vậy?” Các Bà la môn liền đáp rằng: “Thưa Ðại sĩ! Chúng tôi hôm nay sao chẳng buồn được? Ông Sa môn Cù Ðàm trước xuất gia rồi, nói vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh. Các đệ tử của tôi nghe được còn sinh ra sợ hãi thì làm sao chúng sinh vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh mà chẳng thọ nhận lời nói của ông ấy? Hôm nay ông Cù Ðàm  lại đến trong rừng Ta La này vì những đại chúng nói có pháp Thường Lạc Ngã Tịnh. Các đệ tử của tôi nghe lời nói rồi đều bỏ tôi đi thọ lời nói của ông Cù Ðàm. Do những nhân duyên đó nên tôi sinh ra sầu khổ lớn”. Bấy giờ lại có một Bà la môn nói rằng: “Thưa các ngài! Hãy lắng nghe! Lắng nghe! Ông Sa môn Cù Ðàm gọi là tu Từ Bi! Lời nói này hư vọng chẳng phải chân thật vậy! Nếu có Từ Bi thì làm sao dạy các đệ tử của tôi.v.v… tự thọ pháp ấy? Quả Từ Bi là thuận theo ý người khác, nay lại trái ý nguyện của tôi thì sao nói rằng có? Nếu có người nói rằng, ông Sa môn Cù Ðàm chẳng bị nhiễm tám pháp của thế gian thì đó cũng hư vọng. Nếu nói ông Cù Ðàm thiểu dục tri túc thì hôm nay sao lại đoạt lấy lợi của chúng ta? Nếu nói dòng họ là thượng tộc thì đó cũng hư vọng. Vì sao vậy? Vì từ xưa đến nay chẳng thấy chẳng nghe vua Ðại Sư Tử tàn hại loài chuột nhắt. Nếu giả sử ông Cù Ðàm là dòng giống trên thì làm sao hôm nay lại não loạn chúng ta? Nếu nói ông Cù Ðàm đủ thế lực lớn thì đó cũng hư vọng. Vì sao vậy? Vì từ xưa đến nay cũng chẳng thấy nghe vua chim cánh vàng cùng với quạ tranh nhau. Nếu nói lực ông ấy lớn thì lại vì việc gì cùng với chúng ta chung đấu tranh? Nếu nói ông Cù Ðàm đủ trí biết lòng người khác (tha tâm trí) thì đó cũng hư vọng. Vì sao vậy? Vì nếu đủ trí này thì vì nhân duyên gì chẳng biết lòng chúng ta? Thưa các ngài! Tôi, khi xưa đã từ người trí tuệ kỳ cựu, nghe nói việc này, qua trăm năm rồi thì có một kẻ yêu huyễn xuất hiện, tức là ông Cù Ðàm. Như vậy kẻ yêu mị huyễn hoặc hôm nay đang ở trong rừng Ta la này sắp diệt chẳng lâu nữa. Các ngài hôm nay chẳng nên sầu não!”   Lúc ấy lại có một Ni Kiền Tử đáp rằng: “Thưa ngài! Tôi nay sầu khổ chẳng vì sự cúng dường của đệ tử bản thân mình mà chỉ vì thế gian tối tăm không có mắt, chẳng nhận thức được ruộng phước hay chẳng phải ruộng phước, xả bỏ những vị Bà la môn trí tuệ kỳ cựu, cúng dường cho hạng thiếu niên nên lấy làm buồn vậy! Ông Sa môn Cù Ðàm cả biết chú thuật, nhân lực của chú thuật có thể khiến cho một thân làm ra vô lượng thân rồi khiến cho vô lượng thân trở lại thành một thân, hoặc dùng thân mình hóa làm hình dáng nam, nữ, trâu, dê, voi, ngựa… Sức của tôi có thể tiêu diệt thứ chú thuật như vậy. Chú thuật của ông Sa môn Cù Ðàm đã diệt rồi thì chúng ta sẽ trở lại được nhiều sự cúng dường  hưởng thụ an lạc!” Lúc bấy giờ, lại có một người Bà la môn nói lên rằng: “Thưa các ngài! Sa môn Cù Ðàm thành tựu đầy đủ vô lượng công đức. Vậy nên chúng ta chẳng nên cùng ông ấy đấu tranh!” Ðại chúng đáp rằng: “Này người ngu si! Sao nói rằng, ông Sa môn Cù Ðàm đầy đủ công đức lớn? Ông ấy sinh ra được bảy ngày thì mẹ liền mạng chung mà đó có thể được gọi là tướng phước đức sao?” Vị Bà la môn đáp rằng: “Khi bị mắng chẳng sân giận, khi bị đánh chẳng đánh lại thì phải biết là người đó có tướng phước đức lớn. Thân ông ấy đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp và vô lượng thần thông. Vậy nên phải biết đó là tướng phước đức. Lòng không kiêu mạn, có ý trước thăm hỏi, lời nói dịu dàng, trước không thô ác, lòng chẳng bạo ngược, vương quốc nhiều của cải mà không có sự luyến ái, bỏ hết tất cả mà xuất gia như nhổ bỏ nước dãi. Vậy nên tôi nói ông Sa môn Cù Ðàm thành tựu đầy đủ vô lượng công đức!” Ðại chúng đáp rằng: “Hay thay! Thưa ngài! Ông Sa môn Cù Ðàm thật đúng như lời ngài nói, thành tựu vô lượng thần thông biến hóa, chúng ta chẳng cùng với ông đó thi đấu việc này được! Ông Sa môn Cù Ðàm bẩm tính nhu nhuyến, chẳng kham khổ hạnh, sinh trưởng ở thâm cung, chẳng nắm được việc bên ngoài. Ông chỉ có thể dùng lời nói dịu ngọt, chứ chẳng biết kỹ nghệ, thư tịch, nghị luận… Hãy thỉnh ông ấy chung biện luận tường tận điều cốt yếu của chính pháp! Ông đó nếu thắng tôi thì tôi sẽ làm cấp sự cho ông! Nếu tôi thắng ông đó thì ông đó sẽ làm cấp sự cho tôi!” (cấp sự: người cung cấp mọi việc).

Lúc bấy giờ, có ngoại đạo nhiều không lường chung hòa hợp kéo đến chỗ của A Xà Thế, vua nước Ma Dà Ðà. Nhà vua thấy họ liền hỏi: “Này các ngài! Các ngài mỗi mỗi đều tu tập Thánh Ðạo, là người xuất gia, lìa bỏ của cải và việc tại gia mà nhân dân của nước ta đều chung cúng dường, lòng cung kính ngắm nhìn, không xúc chạm nhau mà vì sao các ngài hòa hợp nhau lại, kéo đến đây? Này các ngài! Các ngài đều thọ pháp khác, giới khác, xuất gia chẳng đồng. Các ngài cũng lại mỗi mỗi đều tự theo giới pháp, xuất gia tu đạo mà vì nhân duyên gì hôm nay một lòng chung hòa hợp giống như lá rụng cuốn theo gió thổi tụ về một chỗ? Hãy nói vì nhân duyên gì mà các ngài đi đến đây! Ta thường ủng hộ người xuất gia, thậm chí chẳng tiếc thân cùng mạng!” Bấy giờ, tất cả các chúng ngoại đạo đều nói lên rằng: “Thưa Ðại vương! Xin ngài hãy lắng nghe! Ðại vương, hôm nay chính là cây cầu của Ðại pháp, là viên đá mài Ðại pháp, là cái cân của Ðại pháp… tức là pháp khí của tất cả công đức, tính chân thật của tất cả công đức, đường lối của chính pháp, tức là ruộng tốt của hạt giống, căn bản của tất cả đất nước,  gương sáng của tất cả đất nước, hình tượng của tất cả chư thiên, cha mẹ của tất cả người trong nước. Thưa Ðại vương! Bảo tàng công đức của tất cả thế gian tức là thân của nhà vua. Vì sao vậy? Gọi là công đức tạng là vì nhà vua quyết đoán việc nước chẳng lựa kẻ oán người thân. Lòng ngài bình đẳng như đất nước lửa gió. Vậy nên gọi vua là công đức tạng. Thưa Ðại vương! Chúng sinh hiện tại tuy thọ mạng lại ngắn ngủi, nhưng công đức của vua thì như của vua thời an lạc sống lâu thuở xưa. Ngài cũng như vua Ðỉnh Sinh Thiện Kiến Nhẫn Nhục Na Hầu Sa, vua Na Na Ðế, vua Thi Tỳ, vua Nhất Xoa Cưu.v.v… những vị vua như vậy đầy đủ thiện pháp. Ðại vương hôm nay cũng lại như vậy. Thưa Ðại vương! Do nhân duyên của vua nên đất nước an lạc, nhân dân đông đúc nên người xuất gia hâm mộ ưa thích đất nước này, trì giới tinh tấn tu tập Chính đạo. Thưa Ðại vương! Trong kinh ta nói rằng, nếu người xuất gia theo nước sở trụ mà trì giới tinh tấn, siêng tu chính đạo thì vua nước ấy cũng có phần tu thiện. Thưa Ðại vương! Tất cả đạo tặc, nhà vua đã chỉnh lý thì người xuất gia đều không có gì kinh sợ, chỉ có một người đại ác, ông Sa môn Cù Ðàm! Nhà vua chưa kiểm nghiệm, chúng tôi thì rất sợ! Người ấy tự cậy vào dòng giống hào tộc và sắc thân đầy đủ, lại nhân vào quả báo bố thí đời quá khứ được nhiều sự cúng dường. Ông ấy ỷ thị vào những việc này mà sinh ra đại kiêu mạn: hoặc nhân chú thuật mà sinh kiêu mạn. Do nhân duyên đó nên chẳng thể tu khổ hạnh mà thâu nhận chứa chấp đồ tế nhuyễn, y phục, ngọa cụ… Vậy nên tất cả người ác của thế giân vì lợi dưỡng nên đến tụ tập ở chỗ ông ấy mà làm quyến thuộc, chẳng thể tu khổ hạnh. Nhờ sức chú thuật nên điều phục được ông Ca Diếp. Ông Xá Lợi Phất và ông Mục Kiền Liên.v.v… hôm nay ông ấy lại đi đến chỗ trú xứ của tôi trong rừng Ta La, tuyên nói, thân này Thường Lạc Ngã Tịnh để dụ dỗ các đệ tử của tôi. Thưa Ðại vương! Ông Cù Ðàm trước nói vô thường, vô lạc, vô tịnh, vô ngã thì tôi có thể nhịn dược. Nhưng nay ông tuyên nói Thường Lạc Ngã Tịnh thì tôi thật chẳng nhịn được! Nguyện xin Ðại vương cho phép tôi cùng ông Cù Ðàm kia luận nghị!” Nhà vua liền đáp rằng: “Này các đại sĩ! Các ông hôm nay bị ai dạy bảo dẫn dắt mà khiến cho lòng các ông cuồng loạn bất định như nước nổi ba đào, lửa xoáy vòng bánh xe, vượn khỉ ném mình trên cây vậy? Việc này đáng xấu hổ. Kẻ trí nên nghe được tức thời sinh thương xót, kẻ ngu nghe được liền sinh ra chê cười. Các ông nói ra lời chẳng phải tướng xuất gia. Các ông nếu bị bệnh hoạn phong hoàng thủy (?) thì ta đều có thuốc có thể trị liệu cho. Còn như các ông bị quỉ bệnh thì gia huynh là Kỳ Bà giỏi có thể trị khỏi được! Các ông hôm nay muốn dùng móng tay bào mòn núi Tu Di, muốn dùng răng của miệng cắn vỡ Kim Cương, này các đại sĩ thì ví như người ngu khi thấy vua Sư tử đói nằm ngủ mà muốn thức nó dậy, như người dùng ngón tay đặt vào miệng rắn độc, như người muốn lấy tay sờ trong đám tro phủ trên lửa! Các ông hôm nay cũng lại như vậy! Này thiện nam tử! Ví như con cáo hoang làm tiếng rống Sư tử, giống như con muỗi cùng với chim cánh vàng thi đấu đi mau chậm, như con thỏ qua biển muốn đến tận đáy biển! Các ông hôm nay cũng lại như vậy. Các ông nếu mơ thấy thắng ông Cù Ðàm thì giấc mơ này cuồng hoặc chưa đủ đáng tin! Này các Ðại sĩ! Các ông hôm nay dấy lên ý này, giống như loài bướm đêm bay gieo mình vào đám lửa lớn! Các ông theo lời nói của ta chẳng cần nói nữa! Các ông tuy khen ta bình đẳng như cái cân nhưng chớ để cho người ngoài nghe lời nói này!” Bấy giờ ngoại đạo lại nói rằng: “Tâu Ðại vương! Sa môn Cù Ðàm đã làm huyễn thuật đến bên ngài chưa vậy mà khiến cho lòng ngài nghi ngờ chẳng tin những Thánh nhân này? Thưa Ðại vương! Ngài chẳng nên khinh miệt các vị Ðại sĩ như vậy! Thưa Ðại vương! Vầng trăng này tăng giảm, vị mặn của biển cả, núi Ma La Diên… Những việc như vậy là sự tạo tác của ai? Há chẳng phải Bà la môn chúng ta sao?! Thưa Ðại vương! Ngài chẳng nghe vị tiên A Kiệt Ða, trong mười hai năm, chận đứng nước của sông Hằng trong tai sao? Thưa Ðại vương! Ngài chẳng nghe vị tiên nhân Cù Ðàm đại hiện thần thông, trong mười hai năm, biến làm thân Ðế Thích, đồng thời khiến cho thân Ðế Thích trở thành hình dáng con dê đực và làm ra một ngàn nữ căn tại thân Ðế Thích sao? Thưa Ðại vương! Ngài chẳng nghe tiên nhân Kỳ Miễn, trong một ngày, uống cạn nước bốn biển khiến cho  đại địa khô ráo sao? Thưa Ðại vương! Ngài chẳng nghe tiên nhân Bà Tẩu vì trời Tự Tại làm ba con mắt sao? Thưa Ðại vương! Ngài chẳng nghe tiên nhân La La biến thành Ca Phú La (Ca La Phú?) trở thành vùng đất mặn sao? Thưa Ðại vương! Trong hàng Bà la môn có những vị tiên lực lớn như vậy.v.v… hiện có thể kiểm nghiệm. Thưa Ðại vương! Làm sao mà ngài thấy khinh miệt vậy?” Nhà vua nói rằng: “Này các ngài! Nếu các ngài chẳng tin nên muốn làm gì thì đức Như Lai Chính Giác nay ở gần đây, tại trong rừng Ta La, các ông có thể đến mà tùy ý vấn nạn. Ðức Như Lai cũng sẽ vì các ông mà phân biệt đáp vừa ý của các ông.

Lúc bấy giờ, vua A Xà Thế cùng các ngoại đạo và đồ chúng, quyến thuộc của họ đi đến chỗ đức Phật, đầu mặt làm lễ, đi nhiễu về bên phải ba vòng, tu kính đã xong, lui về trụ ở một bên, bạch đức Phật rằng:

– Thưa đức Thế Tôn! Những ngoại đạo này muốn được tùy ý vấn nạn! Nguyện xin đức Như Lai tùy ý đáp lại họ!

Ðức Phật dạy rằng:

– Này Ðại vương! Thôi đi ta tự biết lúc!

Bấy giờ, trong chúng có Bà la môn tên là Xà Ðề Thủ Na nói rằng:

– Thưa ông Cù Ðàm! Ông nói Niết Bàn là pháp Thường chăng?

– Ðúng vậy! Ðúng vậy! Thưa ông Ðại Bà la môn.

Vị Bà la môn nói rằng:

– Thưa ông Cù Ðàm! Nếu nói Niết Bàn thường thì nghĩa đó chẳng đúng! Vì sao vậy? Vì pháp của thế gian thì từ hạt sinh ra quả, nối tiếp nhau chẳng đoạn dứt như từ bùn làm ra bình, từ lụa được áo. Ngài Cù Ðàm thường nói tu vô thường tưởng chứng được Niết Bàn. Nhân đó làm sao mà vô thường quả nói là thường? Ông Cù Ðàm lại nói, Giải thoát Dục tham tức là Niết Bàn, giải thoát Sắc tham và Vô sắc tham tức là Niết Bàn, diệt vô minh.v.v… tất cả phiền não tức là Niết Bàn. Từ Dục cho đến vô minh phiền não đều là vô thường. Nhân sự vô thường đó mà sở đắc Niết Bàn thì Niết Bàn đó cũng nên vô thường! Ông Cù Ðàm lại nói, từ nhân nên sinh  lên trời, từ nhân nên đọa vào địa ngục, từ nhân nên được giải thoát . Vậy nên các pháp đều từ nhân sinh ra. Nếu từ nhân nên được giải thoát  thì làm sao nói là thường?. Ông Cù Ðàm cũng nói, sắc từ duyên sinh nên gọi là vô thường. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Như vậy, giải thoát nếu là sắc thì phải biết nó là vô thường. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Nếu lìa năm ấm có giải thoát, thì phải biết tức là hư không. Nếu là hư không thì chẳng được nói rằng, từ nhân duyên sinh. Vì sao vậy? – Vì là thường, là một mà cùng khắp tất cả chỗ. Ông Cù Ðàm cũng nói từ nhân sinh thì tức là khổ vậy. Nếu là khổ thì sao lại nói giải thoát là vui? Ông Cù Ðàm lại nói, Vô thường tức là Khổ, Khổ tức là vô ngã. Nếu là Vô thường, Khổ, Vô ngã thì tức là bất tịnh. Tất cả các pháp sinh ra từ nhân đều Vô thường, Khổ, Vô ngã, bất tịnh thì sao lại nói Niết Bàn tức là Thường Lạc Ngã Tịnh?. Nếu ông Cù Ðàm nói rằng cũng Thường, cũng Vô thường, cũng Khổ, cũng Vô ngã, cũng tịnh và bất tịnh. Như vậy há chẳng phải là lời nói hàng hai sao? Tôi cũng từng từ người trí kỳ cựu trước đây nghe nói đến lời nói này. Phật nếu ra đời thì lời nói không hai. Ông Cù Ðàm hôm nay nói lời nói hàng hai, lại còn nói Phật tức là thân ta đó vậy. Ý nghĩa này ra sao?

Ðức Phật dạy rằng:

– Này Bàlamôn! Như lời ông nói, ta nay hỏi ông thì ông cứ theo ý của mình mà đáp.

Vị Bà la môn nói rằng:

– Hay thay! Thưa ông Cù Ðàm.

Ðức Phật nói rằng:

– Này ông Bà la môn! Tính của ông thường hay vô thường vậy?

Bà la môn đáp rằng:

– Tính của tôi là thường.

– Này Bà la môn! Tính đó có thể tạo tác nhân của tất cả pháp nội ngoại?

– Ðúng vậy! Thưa ông Cù Ðàm!

Ðức Phật nói rằng:

– Này ông Bà la môn! Sao gọi là tác nhân?

– Thưa ông Cù Ðàm! Từ tính sinh ra đại, từ đại sinh ra mạn, từ mạn sinh ra mười sáu pháp. Ðó là đất, nước, lửa, gió, không, năm trí căn; mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, năm nghiệp căn; tay, chân; miệng, tiếng, nam nữ hai căn, tâm bình đẳng căn. Mười sáu pháp đó từ năm pháp sinh ra là sắc, thanh, hương, vị, xúc. Căn bản của hai mươi mốt pháp này có ba: Một là nhiễm, hai là thô, ba là đen (hắc). Nhiễm gọi là ái, thô gọi là sân, đen gọi là vô minh. Này ông Cù Ðàm! Hai mươi bốn pháp này đều nhân tính sinh ra!

– Này ông Bà la môn! Những pháp đại.v.v… này Thường hay Vô thường vậy?

– Thưa ông Cù Ðàm! Tính pháp của ta Thường! Ðại.v.v… các pháp đều Vô thường!

– Này ông Bà la môn! Như trong pháp của ông thì Nhân thường mà Quả vô thường. Nhưng trong pháp của ta nhân tuy vô thường nhưng quả là thường thì có gì lỗi? Này ông Bà la môn! Trong pháp của các ông có hai nhân chăng:

Ðáp rằng:

– Có!

Ðức Phật hỏi:

– Cái gì là hai?

Bà la môn đáp:

– Một là Sinh nhân, hai là Liễu nhân!

– Ðức Phật hỏi:

– Sao là Sinh nhân? Sao là Liễu nhân?

Bà la môn đáp:

– Sinh nhân thì như đất bùn làm ra cái bình. Liễu nhân thì như đèn soi vật!

Ðức Phật nói rằng:

– Hai thứ nhân này nhân vào tính là một. Nếu là một thì có thể khiến cho sinh nhân tác động đến liễu nhân và có thể khiến cho liễu nhân tác động đến sinh nhân chăng?

– Chẳng vậy! Thưa ông Cù Ðàm!

Ðức Phật nói rằng:

– Giả sử, nếu sinh nhân chẳng tác động đến liễu nhân và liễu nhân chẳng tác động đến sinh nhân thì có thể được nói rằng là tướng của nhân không?

Vị Bà la môn nói rằng:

– Tuy chẳng tương tác nhưng có tướng của nhân!

– Này ông Bà la môn! Cái liễu (rõ) của liễu nhân tức là đồng với liễu chăng?

– Chẳng đồng! Thưa ông Cù Ðàm!

Ðức Phật nói rằng:

– Pháp của ta tuy từ vô thường chứng được Niết Bàn mà chẳng phải vô thường. Này Bà la môn! Niết Bàn được từ liễu nhân nên Thường Lạc Ngã Tịnh, còn cái được từ sinh nhân nên vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Vậy nên lời nói của Như Lai có hai. Như vậy lời nói hàng hai mà không có hai. Vậy nên Như Lai gọi là Vô Nhị Ngữ. Như lời nói của ông, từng nghe từ bên những người trí kỳ cựu trước, Phật ra đời không có lời nói hàng hai, lời nói này hay lắm! Lời nói của tất cả các đức Phật ba đời mười phương không sai. Vậy nên nói rằng, Lời của Phật không hai! Không sai là sao? Là có thì đồng nói có, không thì đồng nói không nên gọi là một nghĩa. Này Bà la môn! Như Lai Thế Tôn tuy gọi là hai lời nhưng được hiểu là một lời. Sao là hai lời mà hiểu (rõ) là một lời? Như mắt thấy sắc là hai lời, sinh ra thức là một lời… cho đến ý và pháp cũng lại như vậy!

Bà la môn nói rằng:

– Thưa ông Cù Ðàm! Ông khéo có thể phân biệt nghĩa của lời nói như vậy mà tôi nay chưa lý giải sự phát ra hai lời mà hiểu được một lời!

Bấy giờ đức Thế Tôn liền vì ông ấy tuyên nói bốn pháp Chân Ðế:

– Này ông Bà la môn! Khổ Ðế thì cũng hai cũng một… cho đến Ðạo đế cũng hai cũng một.

Bà la môn bạch rằng:

– Thưa đức Thế Tôn! Con đã biết rồi!

Ðức Phật dạy rằng:

– Này thiện nam tử! Sao là biết rồi?

Vị Bà la môn bạch rằng:

– Thưa đức Thế Tôn! Khổ Ðế thì tất cả phàm phu hai, thánh nhân một… cho đến Ðạo đế cũng lại như vậy!

Ðức Phật dạy rằng:

– Hay thay! Ông đã hiểu rồi!

Vị Bà la môn bạch rằng:

– Thưa đức Thế Tôn! Con nay nghe pháp rồi, rồi Chính Kiến. Hôm nay con sẽ qui y Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Nguyện xin đấng Ðại Từ cho phép con xuất gia!

Bấy giờ đức Thế Tôn bảo ông Kiều Trần Như rằng:

– Ông phải vì ông Xà Ðề Thủ Na này cạo bỏ râu tóc, cho ông ấy xuất gia.

Ông Kiều Trần Như liền nhận lời dạy bảo của đức Phật, vì ông ấy xuống tóc. Khi ông Kiều Trần Như xuống tay thì có hai thứ rơi xuống theo: Một là râu tóc, hai là phiền não. Tức thời ở tại chỗ ngồi ông Xà Ðề Thủ Na đắc quả A la hán.

Lại có ông Phạm chí họ Bà Tư Tra, lại nói rằng:

– Thưa ông Cù Ðàm! Ông nói Niết Bàn là Thường sao?

– Ðúng vậy! Thưa ông Phạm chí!

Ông Bà Tư Tra nói rằng:

– Thưa ông Cù Ðàm! Ông sẽ chẳng nói không phiền não là Niết Bàn ư?

– Ðúng vậy! Thưa ông Phạm chí!

Ông Bà Tư Tra nói rằng:

– Thưa ông Cù Ðàm! Thế gian có bốn thứ gọi là không: Một là pháp chưa xuất hiện thì gọi đó là không, như bình mà khi đất bùn chưa làm ra thì gọi là không có bình. Hai là pháp đã diệt thì gọi đó là không, như bình vỡ rồi thì gọi là không có bình. Ba là cái khác hỗ tương không thì gọi đó là không, như trong trâu không có ngựa, trong ngựa không có trâu. Bốn là rốt ráo không nên gọi đó là Không, như lông rùa, sừng thỏ. Thưa ông Cù Ðàm! Nếu vì trừ phiền não rồi mà gọi là Niết Bàn thì Niết Bàn tức là Không. Nếu đó không thì sao nói rằng có Thường Lạc Ngã Tịnh?

Ðức Phật dạy rằng:

– Này thiện nam tử! Như vậy Niết Bàn chẳng phải trước không đồng với khi đất bùn chưa là bình. Cũng chẳng phải “diệt không” đồng với cái không của bình vỡ. Cũng chẳng phải rốt ráo không như lông rùa sừng thỏ. Niết Bàn đồng với “khác không”. Này thiện nam tử! Như lời ông nói, thì tuy trong trâu không có ngựa, nhưng chẳng thể nói rằng, trâu cũng Không. Tuy trong ngựa không có trâu nhưng cũng chẳng thể nói ngựa cũng là Không. Niết Bàn cũng vậy, trong phiền não không Niết Bàn, trong Niết Bàn không phiền não. Vậy nên gọi là khác hỗ tương không.

Ông Bà Tư Tra nói rằng:

– Thưa ông Cù Ðàm! Nếu vì khác không là Niết Bàn thì phàm khác Không là không Thường Lạc Ngã Tịnh, thưa ông Cù Ðàm! Sao ông nói rằng, Niết Bàn Thường Lạc Ngã Tịnh?

Ðức Phật dạy rằng:

– Này thiện nam tử! Như lời ông nói thì cái khác không này có ba thứ Không. Trâu, ngựa đều là trước Không sau có, đó gọi là trước Không. Ðã có rồi trở lại Không, đó gọi là hoại Không. Tướng khác Không thì như lời ông nói. Này thiện nam tử! Ba thứ Không này, trong Niết Bàn không có. Vậy nên Niết Bàn Thường Lạc Ngã Tịnh. Như người bệnh của thế gian: Một là bệnh nóng, hai là bệnh gió, ba là bệnh lạnh. Ba thứ bệnh này có ba thứ thuốc có thể trị liệu. Người có bệnh nóng thì tô (váng sữa) có thể trị khỏi. Người có bệnh gió thì dầu có thể trị khỏi. Người có bệnh lạnh thì mật có thể trị khỏi. Ba thứ thuốc này có thể trị liệu ba thứ ác bệnh như vậy. Này thiện nam tử! Trong gió không có dầu, trong dầu không có gió… cho đến trong mật không có lạnh, trong lạnh không có mật. Vậy nên có thể trị. Tất cả chúng sinh cũng lại như vậy, có ba thứ bệnh: Một là tham, hai là sân, ba là si. Như vậy ba bệnh thì có ba thứ thuốc: Quán bất tịnh có thể là thuốc trị tham, quán từ tâm có thể là thuốc trị sân, quán trí nhân duyên có thể là thuốc trừ si. Này thiện nam tử! Vì trừ tham nên tác khởi sự quan sát phi tham, vì trừ sân nên tác khởi sự quan sát  phi sân, vì trừ si nên tác khởi sự  quan sát  phi si. Trong ba thứ bệnh không có ba thứ thuốc, trong ba thứ thuốc không có ba thứ bệnh. Này thiện nam tử!  Trong ba thứ bệnh không ba thứ thuốc nên vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh. Trong ba thứ thuốc không ba thứ bệnh, vậy nên được xưng là Thường Lạc Ngã Tịnh.

Ông Bà Tư Tra bạch rằng:

– Thưa đức Thế Tôn! Ðức Như Lai vì tôi nói Thường và Vô thường. Sao gọi là Thường? Sao gọi là Vô thường?

Ðức Phật dạy rằng:

– Này thiện nam tử! Sắc là vô thường, sắc giải thoát là thường… cho đến thức là vô thường, thức giải thoát là thường. Này thiện nam tử! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân có thể quán từ sắc cho đến thức chính là vô thường thì phải biết người đó chứng được Thường pháp.

Ông Bà Tư Tra bạch rằng:

– Thưa đức Thế Tôn! Con nay đã biết pháp Thường và Vô thường!

Ðức Phật dạy rằng:

– Này thiện nam tử! Ông biết pháp Thường và Vô thường ra sao?

Ông Bà Tư Tra bạch rằng:

– Thưa đức Thế Tôn! Con nay biết sắc của ngã là Vô thường, được giải thoát là Thường… cho đến thức cũng như vậy.

Ðức Phật dạy rằng:

– Này thiện nam tử! Hay thay! Ông nay đã báo đáp thân này.

Ðức Phật bảo ông Kiều Trần Như rằng:

– Ông Bà Tư Tra này đã chứng quả A la hán! Ông hãy đem cho ông ấy pháp khí ba y và bát!

Ông Kiều Trần Như theo đúng lời dạy của đức Phật cho ông ấy y bát. Ông Bà Tư Tra nhận y bát rồi, nói rằng:

– Thưa Ðại đức Kiều Trần Như! Tôi hôm nay nhân tấm thân tệ ác này được quả báo thiện, nguyện xin Ðại đức vì tôi mà khuất ý đi đến chỗ đức Thế Tôn, tuyên nói đầy đủ nỗi lòng của tôi. Tôi đã là người xấu, xúc phạm đến đức Như Lai, dối trá họ Cù Ðàm. Nguyện xin ngài vì tôi sám hối tội này. Tôi cũng chẳng thể trụ lâu trong tấm thân độc hại. Hôm nay xin vào Niết Bàn!

Ông Kiều Trần Như liền đến chỗ đức Phật nói lên như vầy:

– Thưa đức Thế Tôn! Tỳkheo Bà Tư Tra sanh lòng hổ thẹn tự nói mình ngu dại xúc phạm đến đức Như Lai, dối trá họ Cù Ðàm, chẳng thể trụ lâu ở tấm thân độc hại này, hôm nay muốn diệt thân và gởi cho con lời sám hối.

Ðức Phật nói rằng:

– Này Kiều Trần Như! Tỳkheo Bà Tư Tra đã ở chỗ của vô lượng đức Phật quá khứ, thành tựu căn lành, hôm nay thọ lời nói của ta, theo đúng như pháp mà trụ. Do theo đúng như pháp mà trụ nên chứng được chính quả. Các ông nên phải cúng dường thân của ông ấy.

Lúc bấy giờ, ông Kiều Trần Như theo đức Phật nghe rồi, trở lại cho thân ông ấy mà thiết lễ cúng dường. Vào lúc thiêu đốt thân, ông Bà Tư Tra làm đủ thứ thần túc. Những bọn ngoại đạo thấy việc này rồi, cao giọng xướng lên rằng: Ông Bà Tư Tra này đã được chú thuật của ông Cù Ðàm Sa môn. Người này chẳng bao lâu sẽ hơn ông Sa môn Cù Ðàm kia.

Lúc bấy giờ, trong chúng lại có ông Phạm chí tên là Tiên Ni lại nói lên rằng:

– Thưa ông Cù Ðàm! Có Ngã ư?

Ðức Như Lai mặc nhiên (lặng im).

– Thưa ông Cù Ðàm! Không Ngã ư?

Ðức Như Lai mặc nhiên. Lần thứ hai, lần thứ ba cũng hỏi như vậy. Ðức Phật đều mặc nhiên. Ông Tiên Ni nói rằng:

– Thưa ông Cù Ðàm! Nếu tất cả chúng sinh có Ngã khắp tất cả chỗ thì tức là một tác giả! Thưa ông Cù Ðàm! Vì sao ngài mặc nhiên chẳng đáp?

Ðức Phật nói rằng:

– Này ông Tiên Ni! Ông nói Ngã khắp tất cả chỗ ư?

Ông Tiên Ni đáp rằng:

– Thưa ông Cù Ðàm! Chẳng chỉ mình tôi nói mà tất cả kẻ trí cũng nói như vậy.

Ðức Phật dạy rằng:

– Này thiện nam tử! Nếu Ngã cùng khắp tất cả chỗ thì nên phải năm đường thọ báo cùng một lúc. Nếu có năm đường thọ báo một lúc thì Phạm chí các ông vì nhân duyên gì chẳng tạo tác mọi sự ác vì ngăn chận địa ngục? Tu các pháp thiện vì thọ thân trời?

Ông Tiên Ni đáp rằng:

– Thưa ông Cù Ðàm! Trong pháp của tôi thì Ngã có hai thứ: một là ngã của thân tạo tác, hai là ngã của thân thường hằng. Vì ngã của thân tạo tác nên tu lìa khỏi pháp ác để chẳng vào địa ngục, tu các thiện pháp để sinh lên trời.

Ðức Phật nói rằng:

– Này thiện nam tử! Như ông nói Ngã khắp tất cả chỗ. Ngã như vậy thì nếu trong thân tạo tác thì phải biết là vô thường, còn nếu thân tạo tác không có thì làm sao nói khắp được?

– Thưa ông Cù Ðàm! Ngã sở lập (cái do ngã lập nên) và ngã cũng lại trong thân tạo tác, cũng là thường pháp. Thưa ông Cù Ðàm! Như người bị cháy nhà, khi nhà bị cháy, người chủ nhà ấy ra khỏi thì chẳng thể nói rằng, nhà cửa bị cháy, chủ cũng bị thiêu. Pháp của tôi cũng vậy, thân tạo tác này tuy là vô thường nhưng khi đang vô thường thì ngã ra khỏi. Vậy nên ngã của tôi cũng cùng khắp cùng thường hằng.

Ðức Phật dạy rằng:

– Này thiện nam tử! Như lời ông nói, ngã cũng cùng khắp, cũng thường hằng, thì nghĩa này chẳng đúng. Vì sao vậy? Vì cùng khắp có hai thứ: Một là thường, hai là vô thường. Lại có hai thứ nữa: Một là sắc, hai là vô sắc. Vậy nên nếu nói rằng, tất cả có, thì cũng thường, cũng vô thường, cũng sắc, cũng vô sắc. Nếu nói chủ nhà được ra khỏi nên chẳng gọi là vô thường thì nghĩa này chẳng đúng. Vì sao vậy? Vì nhà chẳng gọi là chủ, chủ chẳng gọi là nhà. Vì cái khác cháy, cái khác ra khỏi nên được như vậy, Ngã thì chẳng vậy. Vì sao vậy? Vì Ngã tức là sắc, sắc tức là Ngã, vô sắc tức là Ngã, Ngã tức là vô sắc thì làm sao mà nói khi sắc vô thường thì ngã được ra. Này thiện nam tử! Ý ông nếu cho là tất cả chúng sinh đồng một Ngã thì như vậy tức là trái với thế pháp và xuất thế pháp. Vì sao vậy? Vì pháp thế gian gọi cha, mẹ, con trai, con gái mà nếu Ngã là một thì cha tức là con trai, con trai tức là cha, mẹ tức là con gái, con gái tức là mẹ, oán tức là thân, thân tức là oán, đây tức là đó, đó tức là đây. Vậy nên nếu nói tất cả chúng sinh đồng một ngã thì điều đó liền trái ngược với pháp thế gian và pháp xuất thế gian.

Ông Tiên Ni thưa rằng:

– Tôi cũng chẳng nói tất cả chúng sinh đồng một ngã mà nói mỗi người đều có một ngã.

Ðức Phật nói rằng:

– Này thiện nam tử! Nếu nói mỗi người đều có một ngã thì đó là nhiều ngã. Nghĩa này chẳng đúng. Vì sao vậy? Vì như ông trước đã nói, ngã cùng khắp tất cả. Nếu ngã cùng khắp tất cả thì gốc nghiệp (nghiệp căn) của tất cả chúng sinh nên đồng: khi trời được thấy thì Phật được cũng thấy, khi trời được tạo tác thì Phật được cũng tạo tác, khi trời được nghe thì Phật được cũng nghe. Tất cả các pháp đều cũng như vậy. Nếu trời được thấy chẳng phải Phật được thấy thì chẳng nên nói Ngã cùng khắp tất cả chỗ, còn nếu chẳng cùng khắp thì đó tức là vô thường.

Ông Tiên Ni nói rằng:

– Thưa ông Cù Ðàm! Ngã của tất cả chúng sinh cùng khắp tất cả, pháp cùng phi pháp chẳng cùng khắp tất cả. Do nghĩa này nên Phật được tác khác, trời được tác khác. Vậy nên, thưa ông Cù Ðàm! Chẳng nên nói rằng, khi Phật được thấy thì trời được nên là thấy, khi Phật được nghe thì trời được nên là nghe!

Ðức Phật nói rằng:

– Này thiện nam tử! Pháp cùng phi pháp chẳng phải là nghiệp tác ư?

Ông Tiên Ni nói rằng:

– Thưa ông Cù Ðàm! Chính là sở tác của nghiệp!

Ðức Phật dạy rằng:

– Này thiện nam tử! Nếu pháp và phi pháp là tạo tác của nghiệp thì tức là đồng pháp thì làm sao nói rằng khác? Vì sao vậy? Vì Phật được chỗ nghiệp có thì trời được ngã. Trời được chỗ nghiệp có thì Phật được ngã. Vậy nên khi Phật được tác thì trời cũng được tác. Pháp và phi pháp cũng nên như vậy. Này thiện nam tử! Vậy nên tất cả chúng sinh, pháp cùng phi pháp nếu như vậy thì quả báo sở đắc cũng nên chẳng khác. Này thiện nam tử! Từ hạt sinh ra quả thì hạt này nhất định chẳng suy nghĩ phân biệt: Ngã chỉ sẽ tạo tác quả Bà la môn, chẳng cùng Sát lợi, Tỳ xá, Thủ đà mà tạo tác quả vậy. Vì sao vậy? Vì từ hạt sinh ra quả thì nhất định chẳng ngăn ngại. Bốn dòng họ như vậy. Pháp cùng phi pháp cũng lại như vậy, chẳng thể phân biệt, ngã chỉ sẽ cùng Phật được tác quả, chẳng cùng trời được tác quả, làm trời được quả chẳng làm Phật được quả. Vì sao vậy? Vì nghiệp bình đẳng vậy.

Ông Tiên Ni nói rằng:

– Thưa ông Cù Ðàm! Ví như một ngôi nhà có trăm ngàn ngọn đèn. Bấc đèn tuy có khác nhưng ánh sáng thì không sai.Bấc đèn biệt dị dụ cho pháp và phi pháp. Ánh sáng những ngọn đèn ấy không sai khác dụ cho ngã của chúng sinh.

Ðức Phật nói rằng:

– Này thiện nam tử! Ông nói ánh sáng của đèn dụ cho Ngã thì nghĩa này không đúng! Vì sao vậy? Vì nhà khác và đèn khác. Ánh sáng của đèn này cũng ở tại bấc đèn, cũng sáng cùng khắp trong nhà. Theo lời nói của ông, Ngã nếu như vậy thì bên pháp và phi pháp đều nên có Ngã và trong Ngã cũng nên có pháp và phi pháp. Nếu pháp và phi pháp không có ngã thì chẳng được nói rằng, cùng khắp tất cả chỗ mà nếu đều có thì sao được dùng ánh sáng của bấc đèn làm ví dụ? Này thiện nam tử! Nếu ý ông cho là bấc đèn cùng ánh sáng khác biệt chân thật thì vì nhân duyên gì bấc đèn tăng thì ánh sáng thịnh, bấc đèn khô thì ánh sáng tắt. Vậy nên chẳng nên đem pháp và phi pháp dụ cho bấc đèn, ánh sáng không sai khác dụ cho Ngã vậy. Vì sao vậy? Vì pháp, phi pháp và Ngã ba việc tức là một.

Ông Tiên Ni nói rằng:

– Thưa ông Cù Ðàm! Ông dẫn ra cái ví dụ về đèn thì việc này chẳng tốt. Vì sao vậy? Vì cái dụ về đèn nếu tốt thì tôi đã dẫn ra trước rồi. Như dụ ấy chẳng tốt thì vì sao ngài lại nói?

– Này thiện nam tử! Sự dẫn dụ của ta đều cũng chẳng làm cho tốt vì chẳng tốt là theo ý của ông nói! Dụ này cũng nói lìa khỏi bấc đèn có ánh sáng tức là bấc đèn có ánh sáng. Lòng ông chẳng bình đẳng nên nói đèn và bấc đèn dụ cho pháp và phi pháp, ánh sáng dụ cho Ngã. Vậy nên ta trách ông! Bấc đèn tức là ánh sáng, lìa bấc đèn có ánh sáng. Pháp tức có ngã, ngã tức có pháp, phi pháp tức ngã, ngã tức phi pháp, ông nay vì sao chỉ thọ nhân một bên, còn một bên chẳng thọ nhân? Dụ như vậy thì đối với ông chẳng tốt. Vậy nên ta nay trở lại lấy nó để dạy ông! Này thiện nam tử! Dụ như vậy thì tức là chẳng phải dụ. Cái chẳng phải dụ này đối với ta thì tốt còn đối với ông chẳng tốt. Này thiện nam tử! Nếu ý của ông cho là ta chẳng tốt, ngươi cũng chẳng tốt thì nghĩa này chẳng đúng! Vì sao vậy? Vì thấy người thế gian dao mình hại mình, mình làm người khác hưởng! Sự dẫn dụ của ông cũng lại như vậy, đối với ta thì tốt còn đối với ông chẳng tốt.

Ông Tiên Ni nói rằng:

– Thưa ông Cù Ðàm! Trước ông trách tôi, lòng chẳng bình đẳng, nay lời nói của ông cũng chẳng bình đẳng. Vì sao vậy? Thưa ông Cù Ðàm! Vì hôm nay ông đem cái tốt hướng về mình, đem cái chẳng tốt hướng về phía tôi. Do đó suy ra quả thật là chẳng bình đẳng!

Ðức Phật nói rằng:

– Này thiện nam tử! Như bất bình đẳng của ta có thể phá bất bình đẳng của ông. Vậy nên bình đẳng của ông là bất bình đẳng của ta tức là tốt vậy. Bất bình đẳng của ta phá bất bình đẳng của ông khiến cho ông được bình đẳng tức là ta bình đẳng. Vì sao vậy? Vì đồng với các thánh nhân được bình đẳng!

Ông Tiên Ni nói rằng:

– Thưa ông Cù Ðàm! Tôi luôn là bình đẳng mà sao ông nói rằng, phá hoại cái bất bình đẳng của tôi! Tất cả chúng sinh bình đẳng có Ngã mà sao ông nói rằng, Ngã là bất bình đẳng vậy?

– Này thiện nam tử! Ông cũng nói rằng, sẽ thọ địa ngục, sẽ thọ ngã quỉ, sẽ thọ súc sinh, sẽ thọ người, trời. Nếu Ngã trước đã cùng khắp trong năm đường thì làm sao mà nói sẽ thọ các đường? Ông cũng nói rằng, cha mẹ hòa hợp nhiên hậu sinh ra con. Nếu con trước đã có thì sao lại nói rằng, hòa hợp rồi mới có? Vậy nên một người có thân ở năm đường. Nếu năm chỗ này trước đã có thân thì vì nhân duyên gì mà vì thân tạo nghiệp? Vậy nên chẳng bình đẳng. Này thiện nam tử! Ý ông nếu cho là Ngã chính là tác giả thì nghĩa này chẳng đúng. Vì sao vậy? Vì nếu Ngã là tác giả thì vì nhân duyên gì tự tạo tác việc khổ? Nhưng nay chúng sinh quả thật có chịu khổ. Vậy nên phải biết Ngã chẳng phải là tác giả. Nếu nói rằng, khổ này chẳng phải là sở tác của Ngã, chẳng từ nhân duyên sinh. Tất cả các pháp cũng phải như vậy, chẳng từ nhân duyên sinh thì vì nhân duyên gì mà nói Ngã tạo tác vậy? Này thiện nam tử! Khổ vui của chúng sinh quả thật từ nhân duyên. Như vậy khổ vui có thể tạo ra lo, mừng. Khi lo thì không có mừng, khi mừng thì không lo. Hoặc lo, hoặc mừng thì người trí làm sao nói là thường vậy? Này thiện nam tử! Ông nói Ngã thường. Nếu là thường thì sao nói có mười thời gian khác biệt. Pháp thường chẳng nên có lúc ca la la…. cho đến lúc già. Thường pháp hư không còn không một thời huống là có mười thời! Này thiện nam tử! Ngã thì chẳng phải là lúc ca la la cho đến lúc già thì làm sao nói có mười thời khác biệt? Này thiện nam tử! Nếu ngã là tác giả thì ngã này cũng có lúc thịnh, lúc suy, chúng sinh cũng có lúc thịnh lúc suy. Nếu Ngã là vậy thì sao gọi là thường? Này thiện nam tử! Nếu Ngã là tác giả thì sao mỗi người có linh lợi, có ngu độn khác nhau? Này thiện nam tử! Ngã nếu là tác giả thì Ngã này có thể tạo tác nghiệp thân, nghiệp miệng, nghiệp ý. Nếu sở tác này là của Ngã thì sao miệng nói không có Ngã vậy? Sao tự nghi ngờ có hay không có Ngã vậy? Này thiện nam tử! Ý ông nếu cho là, lìa khỏi mắt có sự thấy thì nghĩa này chẳng đúng. Vì sao vậy? Vì nếu lìa khỏi mắt rồi có sự thấy khác thì cần gì đến mắt này?… Cho đến thân căn cũng lại như vậy. Ý ông nếu cho là Ngã tuy có thể thấy nhưng cần phải nhân vào sự thấy của mắt. Nghĩa này cũng chẳng đúng. Vì sao vậy? Vì như có người nói rằng, hoa Tu mạn na có thể đốt cháy cả thôn lớn. Làm sao có thể đốt? Nhân lửa có thể đốt! Ông lập sự nhận thức về Ngã cũng lại như vậy.

Ông Tiên Ni nói rằng:

– Thưa ông Cù Ðàm! Như người cầm liềm thì có thể cắt cỏ. Ngã nhân năm căn để thấy, nghe… đến chạm xúc cũng lại như vậy.

– Này thiện nam tử! Người và liềm đều khác. Vậy nên cầm liềm có thể có sở tác nhưng rời ra bên ngoài của căn lại không có Ngã khác thì sao nói rằng, Ngã nhân cái căn có thể có sở tác? Này thiện nam tử! Ý ông nếu cho là cầm liềm có thể cắt cỏ, Ngã cũng như vậy thì Ngã này có tay hay là không có tay vậy? Nếu có tay thì sao chẳng tự cầm, nếu không tay thì sao nói rằng, Ngã chính là tác giả? Này thiện nam tử! Cái có thể cắt cỏ tức là liềm, chẳng phải Ngã, chẳng phải người. Nếu Ngã và người có thể cắt thì vì sao phải nhân vào cái liềm? Này thiện nam tử! Người có hai nghiệp: Một là nắm cỏ, hai là cầm liềm. Liềm này chỉ có công nặng đoạn thôi. Chúng sinh thấy pháp cũng lại như vậy, mắt có thể thấy sắc từ sự hòa hợp sinh ra. Nếu từ nhân duyên hòa hợp mà thấy thì kẻ trí làm sao nói rằng có Ngã? Này thiện nam tử! Ý ông nếu cho là thân làm, ngã thọ thì nghĩa này chẳng đúng. Vì sao vậy? Vì thế gian chẳng thấy trời được tác nghiệp mà Phật được thọ quả. Nếu nói rằng, chẳng phải là thân tạo tác, Ngã chẳng nhân thọ thì các ông vì sao từ nhân duyên cầu giải thoát vậy? Thân này của ông trước chẳng phải nhân duyên sinh ra mà được giải thoát rồi thì cũng nên chẳng phải nhân mà lại sinh ra thân. Như thân, tất cả phiền não cũng nên như vậy.

Ông Tiên Ni nói rằng:

– Thưa ông Cù Ðàm! Ngã có hai thứ: Một là biết, hai là không biết. Ngã không biết có thể được thân. Ngã có biết có thể lìa bỏ thân giống như cái bình đất thô đã bị nung rồi mất đi hình sắc cũ lại chẳng sinh trở lại. Phiền não của kẻ trí cũng lại như vậy, đã hoại diệt rồi nhất định chẳng sinh trở lại.

Ðức Phật nói rằng:

– Này thiện nam tử! Cái nói là biết đó là trí có thể biết hay Ngã có thể biết vậy? Nếu trí có thể biết thì vì sao nói rằng, Ngã là biết vậy? Nếu Ngã biết thì vì sao phương tiện lại cầu đến trí? Ý ông nếu cho là Ngã nhân trí mà biết thì đồng với cái dụ về hoa hư hoại. Này thiện nam tử! Ví như tính của cây gai là tự có thể đâm, chẳng được nói rằng, cây cầm gai đâm. Trí cũng như vậy, trí tự có thể biết làm sao nói rằng, Ngã nắm trí để biết? Này thiện nam tử! Như trong pháp của ông, Ngã được giải thoát mà không biết Ngã có được biết Ngã được giải thoát không vậy? Nếu không biết được thì phải biết vẫn còn như cũ với đầy đủ phiền não. Nếu biết được thì phải biết đã có các căn của năm tình. Vì sao vậy? Vì lìa khỏi bên ngoài của căn lại không có cái biết khác. Nếu đủ các căn thì sao lại gọi là được giải thoát vậy? Nếu nói rằng, ngã này, tính của nó thanh tịnh lìa khỏi năm căn thì làm sao nói rằng, cùng khắp năm đường có Ngã? Vì nhân duyên gì mà vì giải thoát nên tu các thiện pháp? Này thiện nam tử! Ví như có người nhổ gai hư không, ông cũng như vậy. Ngã nếu thanh tịnh thì sao lại nói cắt đứt các phiền não? Ý ông nếu cho là chẳng từ nhân duyên chứng được giải thoát thì tất cả súc sinh vì sao chẳng được?

Ông Tiên Ni nói rằng:

– Thưa ông Cù Ðàm! Nếu không Ngã thì ai có thể nhớ nghĩ?

Ðức Phật bảo ông Tiên Ni rằng:

– Nếu có Ngã thì vì duyên gì lại quên? Này thiện nam tử! Nếu niệm là Ngã thì vì nhân duyên gì mà nghĩ đến niệm ác? Nghĩ điều chẳng nên nghĩ? Chẳng nghĩ điều nên nghĩ?

Ông Tiên Ni lại nói rằng:

– Thưa ông Cù Ðàm! Nếu không có Ngã thì ai thấy? Ai nghe?

Ðức Phật dạy rằng:

– Này thiện nam tử! Bên trong có sáu nhập, bên ngoài có sáu trần, trong, ngoài hòa hợp sinh ra sáu thứ thức. Sáu thứ thức này  nhân duyên được tên gọi. Này thiện nam tử! Ví như thứ lửa nhân cây được nên gọi là lửa cây, nhân cỏ được nên gọi là lửa cỏ, nhân trấu được nên gọi là lửa trấu, nhân phân trâu được nên gọi là lửa phân trâu. Ý thức của chúng sinh cũng lại như vậy, nhân mắt, nhân hình sắc, nhân ánh sáng, nhân dục gọi là nhãn thức. Này thiện nam tử! Như vậy nhãn thức chẳng ở tại trong mắt… cho đến trong dục, nhưng do bốn việc hòa hợp nên sinh ra thức này… cho đến ý thức cũng lại như vậy. Nếu là nhân duyên hòa hợp nên sinh ra trí thì chẳng nên nói “thấy” tức là Ngã… cho đến xúc tức là Ngã. Này thiện nam tử! Vậy nên ta nói, nhãn thức… cho đến ý thức, tất cả các pháp tức là huyễn vậy. Sao gọi là như huyễn? Là cái vốn không nay có, đã có rồi trở lại không. Này thiện nam tử! Ví như váng sữa, miến (một thứ bún làm từ bột), mật, gừng, hồ tiêu, cây tất bát (cây lá lốt), Bồ đào, hồ đào, thạch lựu, huyên tử… như vậy hòa hợp lại gọi là viên hoan hỷ. Lìa khỏi sự hòa này thì không có hoàn hoan hỷ; trong ngoài sáu nhập đó gọi là chúng sinh, ta, người, sĩ phu. Lìa khỏi sáu nhập trong ngoài thì không có chúng sinh, ta, người, sĩ phu nào khác!

Ông Tiên Ni nói rằng:

– Thưa ông Cù Ðàm! Nếu không có Ngã thì làm sao nói rằng, ta thấy, ta nghe, ta khổ, ta vui, ta lo, ta mừng?

Ðức Phật dạy rằng:

– Này thiện nam tử! Nếu nói: Ta thấy, ta nghe mà gọi là có Ngã thì vì nhân duyên gì thế gian lại nói rằng, sự tạo tác tội của ông chẳng phải việc thấy nghe của ta? Này thiện nam tử! Ví như bốn thứ binh hòa hợp gọi là quân. Như vậy bốn binh chẳng gọi từng thứ một mà đều nói rằng: Quân ta dũng kiện, quân ta thắng quân kia. Việc tạo tác của sáu nhập trong ngoài hòa hợp cũng lại như vậy, tuy chẳng là một nhưng cũng được nói rằng, ta làm, ta chịu, ta thấy, ta nghe, ta khổ, ta vui.

Ông Tiên Ni nói rằng:

– Thưa ông Cù Ðàm! Như lời ông nói, trong ngoài hòa hợp thì ai phát ra tiếng nói: Ta làm, ta chịu…?

Ðức Phật nói rằng:

– Này ông Tiên Ni! Từ nhân duyên vô minh ái sinh ra nghiệp, từ nghiệp sinh ra hữu, từ hữu sinh ra vô lượng tâm số, tâm sinh ra giác quán, giác quán lay động gió, gió theo tâm chạm xúc yết hầu, lưỡi, răng, môi. Chúng sinh tưởng điên đảo mà lên tiếng nói rằng: Ta làm, ta chịu, ta thấy, ta nghe… Này thiện nam tử! Như cái chuông nhỏ gắn ở đầu Tràng nhờ nhân duyên gió nên liền phát ra âm thanh, gió lớn tiếng lớn, gió nhỏ tiếng nhỏ, không có tác giả. Này thiện nam tử! Ví như sắt nóng ném vào trong nước phát ra đủ thứ âm thanh mà trong đó chân thật không có tác giả. Này thiện nam tử! Phàm phu chẳng thể suy nghĩ phân biệt việc như vậy nên nói rằng, có ngã và có ngã sở, ngã tác, ngã thọ!

Ông Tiên Ni nói rằng:

– Như lời ông Cù Ðàm nói, không có ngã và ngã sở thì vì duyên gì lại nói Thường Lạc Ngã Tịnh?

Ðức Phật nói rằng:

– Này thiện nam tử! Ta cũng chẳng nói trong ngoài sáu nhập và sáu thức ý Thường Lạc Ngã Tịnh. Ta đã tuyên nói, diệt sự sinh ra sáu thức của sáu nhập trong ngoài thì gọi đó là Thường. Do thường này nên gọi đó là ngã. Có thường có ngã nên gọi đó là lạc. Thường, Ngã, Lạc nên gọi đó là Tịnh. Này thiện nam tử! Chúng sinh chán khổ, đoạn trừ nhân của khổ này, tự tại xa lìa thì đó gọi là Ngã. Do nhân duyên này nên ta nay tuyên nói Thường Lạc Ngã Tịnh.

Ông Tiên Ni nói rằng:

– Thưa đức Thế Tôn! Nguyện xin đấng Ðại Từ vì con tuyên nói! Con phải làm sao để chứng được Thường Lạc Ngã Tịnh như vậy?

Ðức Phật dạy rằng:

– Này thiện nam tử! Tất cả thế gian từ trước đến nay đầy đủ đại mạn (kiêu mạn) có thể tăng trưởng mạn, cũng lại tạo tác nhân của mạn, nghiệp của mạn. Vậy nên hôm nay họ chịu quả báo mạn, chẳng thể xa lìa tất cả phiền não, được Thường Lạc Ngã Tịnh. Nếu các chúng sinh muốn được xa lìa tất cả phiền não thì trước phải lìa khỏi mạn!

Ông Tiên Ni bạch rằng:

– Thưa đức Thế Tôn! Ðúng vậy! Ðúng vậy! Quả đúng như lời dạy của đức Thánh! Con trước có kiêu mạn! Nhân cái nhân duyên của mạn nên xưng hô đức Như Lai bằng họ Cù Ðàm ấy! Con nay đã lìa khỏi lòng đại mạn như vậy nên thành tâm khải thỉnh cầu pháp: Con làm sao sẽ được Thường Lạc Ngã Tịnh?

Ðức Phật dạy rằng:

– Này thiện nam tử! Hãy lắng nghe! Lắng nghe! Ta nay sẽ vì ông phân biệt giải nói! Này thiện nam tử! Nếu chẳng phải tự mình, chẳng phải người khác, chẳng phải chúng sinh thì xa lìa được pháp đó!

Ông Tiên Ni bạch rằng:

– Thưa đức Thế Tôn! Con nay đã hiểu biết được chính pháp nhãn!

Ðức Phật dạy rằng:

– Này thiện nam tử! Ông đã biết đã hiểu được chính pháp nhãn ra sao?

– Thưa đức Thế Tôn! Cái gọi là sắc thì chẳng phải tự mình, chẳng phải người khác, chẳng phải các chúng sinh… cho đến thức cũng lại như vậy. Con quan sát như vậy nên được Chính pháp nhãn. Thưa đức Thế Tôn! Con nay rất ưa xuất gia tu đạo, nguyện xin ngài hứa cho phép!

Ðức Phật dạy rằng:

– Thiện lai Tỳkheo!

Ông ấy tức thời đầy đủ Phạm hạnh thanh tịnh, chứng quả A la hán.

Trong ngoại đạo lại có Phạm chí họ Ca Diếp lại nói rằng:

– Thưa ông Cù Ðàm! Thân tức là mạng, thân khác, mạng khác!

Ðức Như Lai mặc nhiên. Nói lần thứ hai, lần thứ ba, đức Như Lai cũng lại như vậy. Ông Phạm chí lại nói rằng:

– Thưa ông Cù Ðàm! Nếu người xả thân mà chưa được thân sau thì ở khoảng trung gian ấy đâu có thể chẳng gọi là thân khác, mạng khác? Nếu là khác thì vì sao ngài Cù Ðàm lặng im chẳng đáp?

– Này thiện nam tử! Ta nói, thân mạng đều từ nhân duyên, chẳng phải chẳng nhân duyên. Như thân mạng, tất cả các pháp cũng như vậy.

Ông Phạm chí lại nói rằng:

– Thưa ông Cù Ðàm! Tôi thấy thế gian có pháp chẳng từ nhân duyên sinh.

Ðức Phật nói rằng:

– Này ông Phạm chí! Làm sao ông thấy thế gian có pháp chẳng từ nhân duyên?

Ông Phạm chí nói rằng:

– Tôi thấy lửa lớn đốt cháy bụi cây, gió thổi ngọn lửa rơi ở chỗ khác. Ðó há chẳng gọi là không nhân duyên sao?

Ðức Phật nói rằng:

– Này thiện nam tử! Ta nói lửa này cũng từ nhân duyên sinh, chẳng phải chẳng từ nhân duyên sinh!

Ông Phạm chí nói rằng:

– Thưa ông Cù Ðàm! Khi ngọn lửa lan đi chẳng nhân vào củi than thì làm sao mà nói rằng, nhân vào nhân duyên được?

Ðức Phật dạy rằng:

– Này thiện nam tử! Tuy không củi than nhưng nhân theo gió mà đi. Do nhân duyên gió nên lửa ấy chẳng tắt!

– Thưa ông Cù Ðàm! Nếu người xả thân mà chưa được thân sau thì thọ mạng trung gian lấy cái gì làm nhân duyên?

Ðức Phật nói rằng:

– Này ông Phạm chí! Lấy vô minh cùng ái mà làm nhân duyên. Nhờ hai nhân duyên vô minh và ái nên thọ mạng được trụ. Này thiện nam tử! Có nhân duyên nên thân tức là mạng, mạng tức là thân. Có nhân duyên nên thân khác, mạng khác. Kẻ trí chẳng nên theo một hướng mà nói là thân khác, mạng khác!

Ông Phạm chí nói rằng:

– Thưa đức Thế Tôn! Nguyện xin ngài vì con phân biệt giải nói, khiến cho con được tỏ rõ biết được nhân quả!

Ðức Phật dạy rằng:

– Này Phạm chí! Nhân tức là năm ấm, quả cũng là năm ấm. Này thiện nam tử! Nếu có chúng sinh chẳng đốt lửa thì tức là không có khói.

Ông Phạm chí nói rằng:

– Thưa đức Thế Tôn! Con đã biết rồi! Con đã hiểu rồi!

Ðức Phật dạy rằng:

– Này thiện nam tử! Ông biết ra sao? Hiểu thế nào?

– Thưa đức Thế Tôn! Lửa tức là phiền não, có thể đốt cháy ở địa ngục, ngã quỉ, súc sinh, người, trời. Khói tức là quả báo của phiền não. Nó vô thường, bất tịnh, xú uế đáng ghét nên gọi là khói. Nếu có chúng sinh chẳng tạo tác phiền não thì người đó không có quả báo phiền não. Vậy nên Như Lai nói, chẳng đốt lửa thì không có khói!

– Thưa đức Thế Tôn! Con đã có chính kiến, nguyện xin đức Từ Bi cho phép con xuất gia!

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo ông Kiều Trần Như cho ông Phạm chí này xuất gia thọ giới. Ông Kiều Trần Như nhận lệnh của đức Phật rồi, hòa hợp chúng Tăng lại, cho phép ông ấy xuất gia, thọ cụ túc giới, qua năm ngày rồi, đắc  quả A la hán.

Trong ngoại đạo lại có ông Phạm chí tên là Phú Na lại nói rằng:

– Thưa ông Cù Ðàm! Ông thấy pháp thế gian là thường rồi nên nói thường chăng? Nghĩa như vậy thật hay hư vậy? Thường hay vô thường? Hay cũng thường cũng vô thường? Hay chẳng phải thường, chẳng phải vô thường? Có biên hay vô biên? Hay cũng hữu biên cũng vô biên? Hay chẳng phải hữu biên, chẳng phải vô biên? Thân này là mạng hay thân khác mạng khác? Ðức Như Lai sau khi diệt độ như đi khỏi hay chẳng như đi khỏi? Cũng như đi cũng chẳng như đi? Hay chẳng phải như đi chẳng phải chẳng như đi?

Ðức Phật dạy rằng:

– Này Phú Na! Ta chẳng nói thế gian thường, hư hay thật! Là thường, vô thường cũng thường cũng vô thường, chẳng phải thường, chẳng phải vô thường – Hữu biên vô biên, cũng hữu biên cũng vô biên, chẳng phải hữu biên chẳng phải vô biên, là thân là mạng, thân khác mạng khác. Như Lai sau khi diệt độ như đi khỏi, chẳng như đi khỏi, cũng như đi khỏi cũng chẳng như đi khỏi, chẳng phải như đi khỏi, chẳng phải chẳng như đi khỏi!

Ông Phú Na lại bạch rằng:

– Thưa ông Cù Ðàm! Hôm nay ngài thấy tội lỗi gì mà chẳng nói lời nói này?

Ðức Phật nói rằng:

– Này ông Phú Na! Nếu có người nói, thế gian là thường và chỉ lời này là thật còn những lời nói khác là nói dối thì đó gọi là kiến (thấy). Thấy cái chỗ thấy thì đó gọi là kiến hành, đó gọi là kiến nghiệp, đó gọi là kiến trước, đó gọi là kiến phược, đó gọi là kiến khổ, đó gọi là kiến thủ, đó gọi là kiến bố (úy), đó gọi là kiến nhiệt, đó gọi là kiến triền. Này Phú Na! Người phàm phu bị sự trói buộc của kiến, chẳng thể xa lìa sinh già bệnh chết, trôi lăn trong sáu đường, chịu khổ không lường… Cho đến chẳng phải như đi khỏi, chẳng phải chẳng như đi khỏi cũng lại như vậy. Này Phú Na! Ta thấy cái kiến này có những lỗi như vậy. Vậy nên ta chẳng chấp trước, chẳng vì người mà nói!

– Thưa ông Cù Ðàm! Nếu thấy như vậy tội lỗi nên chẳng chấp trước, chẳng nói ra thì, thưa ông Cù Ðàm! Hôm nay thấy gì? Chấp trước gì? Ở đâu? Mà ngài tuyên nói?

Ðức Phật nói rằng:

– Này thiện nam tử! Phàm kiến trước (sự chấp trước của kiến) thì gọi là pháp sinh tử. Như Lai đã lìa khỏi pháp sinh tử. Vậy nên chẳng chấp trước. Này thiện nam tử! Như Lai gọi là Năng kiến, Năng thuyết (giỏi thấy, giỏi nói), chẳng gọi là trước!

– Thưa ông Cù Ðàm! Sao gọi là Năng kiến? Sao gọi là Năng thuyết?

Ðức Phật nói rằng:

– Này thiện nam tử! Ta có thể thấy sáng tỏ Khổ Tập Diệt Ðạo và phân biệt tuyên nói bốn đế như vậy. Ta thấy như vậy nên có thể xa lìa tất cả kiến, tất cả ái, tất cả lưu (dòng chảy), tất cả mạn. Vậy nên ta đầy đủ Phạm hạnh Vô thượng tịch tịnh thanh tịnh, chứng được thân thường hằng. Thân này cũng chẳng phải là Ðông Tây Nam Bắc.

Ông Phú Na nói rằng:

– Thưa ông Cù Ðàm! Vì nhân duyên gì mà thân thường hằng chẳng phải là Ðông Tây Nam Bắc?

Ðức Phật dạy rằng:

– Này thiện nam tử! Ta nay hỏi ông cứ theo ý của mình mà đáp! Ý ông thế nào? Này thiện nam tử! Như ở trước ông nhen đống lửa lớn thì khi sắp nhen đống lửa ấy, ông có biết nó đang nhen nhúm không?

– Biết như vậy, thưa ông Cù Ðàm!

– Khi lửa này tắt thì ông có biết nó tắt không?

– Biết như vậy, thưa ông Cù Ðàm!

– Này Phú Na! Nếu có người hỏi ông, đống lửa trước khi nhen từ đâu đến? Sau khi tắt đi về đâu? Thì ông sẽ đáp ra sao?

– Thưa ông Cù Ðàm! Nếu có người hỏi thế thì tôi sẽ đáp rằng: “Lửa này khi sinh thì nhờ vào mọi duyên. Duyên cũ đã hết mà duyên mới chưa đến thì tắt”.

– Nếu lại có người hỏi: Lửa này tắt rồi đi đến phương nào? Thì ông đáp thế nào?

– Thưa ông Cù Ðàm! Tôi sẽ đáp rằng: “Duyên hết thì tắt (diệt) chẳng đến phương nào cả”.

– Này thiện nam tử! Như Lai cũng vậy! Nếu có sắc vô thường… cho đến thức vô thường nhân vào ái nên nhen nhúm. Nhen nhúm nghĩa là thọ hai mươi lăm cõi hữu. Vậy nên khi nhen nhúm thì có thể nói là lửa ở Ðông Tây Nam Bắc. Hiện tại ái diệt thì quả báo của hai mươi lăm cõi hữu chẳng nhen nhúm. Do chẳng nhen nhúm nên chẳng thể nói lửa có ở Ðông Tây Nam Bắc. Này thiện nam tử! Như Lai đã diệt sắc vô thường… cho đến thức vô thường. Vậy nên thân thường hằng. Thân nếu là thường thì chẳng nói có Ðông Tây Nam Bắc.

Ông Phú Na nói rằng:

– Tôi muốn nói một thí dụ! Nguyện xin ngài cho phép!

Ðức Phật nói rằng:

– Hay thay! Hay thay! Tùy ý ông! Hãy nói đi!

– Thưa đức Thế Tôn! Như bên ngoài cái làng lớn có rừng cây Ta La. Trong rừng có một cây sinh trước, sống đủ một trăm năm. Lúc đó người chủ rừng tưới cây này, dùng nước tùy lúc sửa trị. Cây ấy cũ mục, da dẻ, cành lá đều rơi rụng hết, chỉ phần cốt lõi tồn tại. Ðức Như Lai cũng vậy, những thứ cũ mục vốn có đều đã trừ hết, chỉ còn có tất cả pháp chân thật tồn tại. Thưa đức Thế Tôn! Con nay rất ưa xuất gia tu đạo!

Ðức Phật dạy rằng:

– Thiện lai Tỳ kheo!

Nói lời này xong, ông ấy tức thời được xuất gia, lậu tận, chứng được quả A la hán.

*********

Lại có ông Phạm chí tên là Thanh Tịnh Phù nói rằng:

– Thưa ông Cù Ðàm! Tất cả chúng sinh chẳng biết pháp gì mà thấy thế gian thường vô thường, cũng thường cũng vô thường, chẳng phải hữu thường chẳng phải vô thường… cho đến chẳng phải như đi khỏi, chẳng phải chẳng như đi khỏi?

Ðức Phật nói rằng :

– Này thiện nam tử! Chúng sinh chẳng biết sắc… cho đến chẳng biết thức nên thấy thế gian thường… cho đến chẳng phải như đi khỏi, chẳng phải chẳng như đi khỏi.

Ông Phạm chí nói rằng :

–  Thưa ông Cù Ðàm! Chúng sinh biết pháp gì nên chẳng thấy thế gian thường… cho đến chẳng phải như đi khỏi, chẳng phải chẳng như đi khỏi?

Ðức Phật nói rằng :

– Này thiện nam tử! Chúng sinh biết sắc cho đến biết thức nên chẳng thấy thế gian thường… cho đến chẳng phải như đi khỏi, chẳng phải chẳng như đi khỏi.

Ông Phạm chí nói rằng :

– Thưa đức Thế Tôn! Nguyện xin ngài vì con phân biệt giải nói thế gian thường hay vô thường!

Ðức Phật dạy rằng :

– Này thiện nam tử! Nếu người bỏ nghiệp cũ chẳng tạo nghiệp mới thì người đó có thể biết thường cùng vô thường.

Ông Phạm chí bạch rằng :

– Thưa đức Thế Tôn! Con đã thấy biết rồi!

Ðức Phật dạy rằng :

– Này thiện nam tử! Ông thấy thế nào? Ông biết thế nào?

– Thưa đức Thế Tôn! Nghiệp cũ là gọi vô minh cùng với ái. Nghiệp mới là gọi thủ, hữu. Nếu người xa lìa vô minh, ái đó, chẳng tạo tác thủ, hữu thì người đó chân thật biết thường và vô thường. Con nay đã được mắt tịnh Chánh pháp, qui y Tam bảo, nguyện xin đức Như Lai cho phép con xuất gia!

Ðức Phật bảo ông Kiều Trần Như cho ông Phạm chí này xuất gia, thọ giới. Ông Kiều Trần Như nhận lệnh của đức Phật rồi, đem ông ấy đến trong chúng Tăng, vì ông ấy làm phép yết ma, khiến cho được xuất gia. Mười lăm ngày sau, ông ấy hết lậu vĩnh viễn, đắc quả A la hán.

Phạm chí Ðộc Tử lại nói rằng :

– Thưa ông Cù Ðàm! Tôi nay muốn hỏi mà có thể được phép chăng?

Ðức Như Lai lặng thinh. Hỏi lần thứ hai, lần thứ ba, đức Như Lai cũng lại như vậy. Ông Ðộc Tử lại nói rằng :

– Thưa ông Cù Ðàm! Tôi từ lâu đã cùng ông chung làm bạn thân. Ông cùng tôi tình nghĩa không có hai, tôi muốn hỏi han. Vì sao ông lặng thinh?

Bấy giờ, đức Thế Tôn suy nghĩ rằng, như vậy ông Phạm chí này, tính tình nhu nhã, thuần thiện, chất trực, thường vì sự hiểu biết mà đến hỏi han chứ chẳng vì muốn não loạn. Nếu ông đó hỏi thì sẽ theo ý mà đáp. Ðức Phật nói rằng :

– Này Ðộc Tử! Hay thay! Hay thay! Ông cứ theo điều mình nghi ngờ mà hỏi! Ta sẽ giải đáp cho!

Ông Ðộc Tử bạch rằng :

– Thưa ngài Cù Ðàm! Ðời có thiện sao? Phạm chí như vậy! Ðời có bất thiện sao? Phạm chí như vậy! Thưa ngài Cù Ðàm! Xin nguyện Ngài vì tôi giải nói cho tôi được biết pháp thiện và bất thiện.

Ðức Phật dạy rằng :

– Này thiện nam tử! Ta có thể phân biệt, giải nói rộng rãi nghĩa ấy. Nhưng nay ta sẽ vì ông nói giản lược vấn đề này. Này thiện nam tử! Dục gọi là bất thiện. Giải thoát dục thì gọi đó là thiện. Sân nhuế, ngu si cũng lại như vậy. Sát (giết hại) gọi là bất thiện, bất sát thì gọi là thiện… cho đến tà kiến cũng lại như vậy. Này thiện nam tử! Ta nay đã vì ông nói ba thứ pháp thiện, bất thiện và nói mười thứ pháp thiện, bất thiện. Nếu đệ tử  của ta có thể làm sự phân biệt như vậy về ba thứ pháp thiện và bất thiện cho đến mười thứ pháp thiện và bất thiện thì phải biết người này có thể hết tham dục, sân nhuế, ngu si, tất cả các lậu, cắt đứt tất cả hữu.

Ông Phạm chí nói rằng :

– Thưa ngài Cù Ðàm! Trong Phật pháp này hẳn có một vị Tỳkheo có thể hết tham dục, sân nhuế, ngu si, tất cả các lậu, tất cả hữu như vậy không?

Ðức Phật nói rằng :

– Này thiện nam tử! Trong Phật pháp này chẳng phải là một, hai, ba mà cho đến năm trăm, thậm chí có vô lượng những Tỳkheo.v.v.. có thể hết tham dục, sân nhuế, ngu si, tất cả các lậu, tất cả các hữu như vậy.

– Thưa ngài Cù Ðàm! Thay vì một Tỳkheo, trong Phật pháp này vả có một Tỳkheo ni có thể hết tham, sân, si, tất cả các lậu, tất cả hữu như vậy chăng?

Ðức Phật nói rằng :

– Này thiện nam tử! Trong Phật pháp này chẳng phải một, hai, ba… cho đến năm trăm mà có đến vô lượng những Tỳkheo ni có thể đoạn trừ tham dục, sân, si, tất cả các lậu, tất cả các hữu như vậy.

Ông Ðộc Tử nói rằng :

– Thưa ngài Cù Ðàm! Thay vì một Tỳkheo, một Tỳkheo ni, trong Phật pháp này vả có một ưa bà tắc trì giới tinh cần, phạm hạnh thanh tịnh, qua khỏi bờ nghi kia, đoạn trừ lưới nghi chăng?

Ðức Phật nói rằng :

– Này thiện nam tử! Trong Phật pháp của ta chẳng phải một, hai, ba… cho đến năm trăm mà có đến vô lượng những Ưu bà tắc trì giới tinh cần, phạm hạnh thanh tịnh, đoạn trừ năm kết dưới, được quả A na hàm, qua được bờ nghi kia, cắt đứt lưới nghi.

Ông Ðộc Tử nói rằng :

– Thưa ông Cù Ðàm! Thay vì một Tỳkheo, một Tỳkheo ni, một Ưu bà tắc, trong Phật pháp này, vả có một Ưu bà di trì giới tinh cần, phạm hạnh thanh tịnh, qua được bờ nghi kia, cắt đứt lưới nghi không?

Ðức Phật đáp rằng :

– Này thiện nam tử! Trong Phật pháp của ta chẳng phải một, hai, ba… cho đến năm trăm mà có đến vô lượng những Ưu bà di trì giới tinh cần, phạm hạnh thanh tịnh, đoạn trừ năm kết dưới, được quả A na hàm, qua được bờ nghi kia, cắt đứt lưới nghi.

Ông Ðộc Tử nói rằng :

– Thưa ngài Cù Ðàm! Thay vì một Tỳkheo, một Tỳkheo ni hết tất cả các lậu, một Ưu bà tắc, một Ưu bà di trì giới tinh cần, phạm hạnh thanh tịnh, cắt đứt lưới nghi, trong Phật pháp này vả có một Ưu bà tắc thọ niềm vui năm dục mà lòng không lưới nghi ngờ không?

Ðức Phật đáp rằng :

– Này thiện nam tử! Trong Phật pháp này chẳng phải một, hai, ba cho đến năm trăm mà có đến vô lượng những Ưu bà tắc đoạn trừ ba kết, được Tu đà hoàn, ít tham sân si được Tư đà hàm. Như Ưu bà tắc, Ưu bà di cũng như vậy.

– Thưa đức Thế Tôn! Con hôm nay ưa nói thí dụ!

Ðức Phật dạy rằng :

– Hay thay! Hay thay! Thích nói thì nói đi!

– Thưa đức Thế Tôn! Ví như vua rồng Nan Ðà Bà Nan Ðà.v.v… tuông xuống mưa lớn. Mưa pháp của đức Như Lai cũng lại như vậy, bình đẳng mưa xuống cho Ưu bà tắt, Ưu bà di. Thưa đức Thế Tôn! Nếu các ngoại đạo muốn đến xuất gia thì chẳng rõ đức Như Lai thử thách bao nhiêu tháng?

Ðức Phật dạy rằng :

– Này thiện nam tử! Họ đều qua bốn tháng thử thách nhưng chẳng nhất định là một thứ.

– Thưa đức Thế Tôn! Nếu chẳng một thứ thì nguyện xin đức Ðại Từ cho phép con xuất gia!

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo ông Kiều Trần Như cho phép ông Ðộc Tử này xuất gia thọ giới. Ông Kiều Trần Như nhận lệnh của đức Phật rồi, đứng trong chúng Tăng, vì ông ấy làm phép yết ma cho xuất gia, sau đủ mười lăm ngày thì được quả Tu đà hoàn. Ðã đắc quả rồi, ông ấy lại nghĩ rằng : “Nếu có người trí tuệ theo học được thì ta nay đã được đủ điều kiện thấy đức Phật”. Ông liền đi đến chỗ đức Phật, đầu mặt làm lễ, kính lễ xong rồi lùi về đứng một bên mà bạch với đức Phật rằng :

– Thưa đức Thế Tôn! Những người có trí tuệ mà theo học được thì con nay đã được. Nguyện xin đức Phật vì con một lần nữa phân biệt giải nói, khiến cho con chứng được trí tuệ vô học!

Ðức Phật dạy rằng :

– Này thiện nam tử! Ông siêng tinh tấn tu tập hai pháp, một là Xa ma tha (chỉ), hai là Tỳ bà xá na (quán). Này thiện nam tử! Nếu có Tỳkheo muốn được quả Tu đà hoàn cũng phải siêng tu tập hai pháp như vậy. Nếu lại muốn được quả Tư đà hàm, A na hàm, quả A la hán cũng phải tu tập hai pháp như vậy. Này thiện nam tử! Nếu có Tỳkheo muốn được bốn thiền, bốn vô lượng tâm, sáu thần thông, tám bối xả (trái bỏ), tám thắng xứ, trí vô tránh (không tranh cãi), trí đỉnh, trí rốt ráo, bốn vô ngại trí, Kim Cương tam muội, Tận trí, Vô sinh trí… cũng phải tu tập hai pháp như vậy. Này thiện nam tử! Có Tỳkheo nếu muốn được Thập trụ địa, Vô sinh pháp nhẫn, Vô tướng pháp nhẫn, Bất khả tư nghị pháp nhẫn, Thánh hạnh, Phạm hạnh, Thiên hạnh, Bồ tát hạnh, Hư không tam muội, Trí ấn tam muội, Không Vô Tướng Vô Tác tam muội, Ðịa tam muội, Bất Thoái tam muội, Thủ Lăng Nghiêm tam muội, Kim Cương tam muội, Phật hạnh Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác… cũng phải tu tập hai pháp như vậy.

Ông Ðộc Tử nghe rồi, lễ bái đức Phật mà đi ra, ở tại trong rừng Ta La, tu hai pháp này, chẳng bao lâu liền được quả A la hán. Lúc đó lại có vô lượng Tỳkheo muốn đi đến chỗ đức Phật, ông Ðộc Tử thấy họ rồi hỏi rằng :

– Thưa các Ðại đức! Các ngài muốn đi đến đâu?

Các vị Tỳkheo đáp rằng :

– Chúng tôi muốn đến chỗ đức Phật!

Ông Ðộc Tử lại nói rằng :

– Thưa các Ðại đức! Nếu các ngài đi đến chỗ đức Phật thì nguyện xin các ngài vì tôi bày tỏ với đức Phật rằng : “Phạm chí Ðộc Tử tu hai pháp đã được trí Vô Học! Nay để báo ơn đức Phật, xin vào Bát Niết Bàn!”

Các vị Tỳkheo đến chỗ đức Phật rồi bạch với đức Phật rằng :

– Thưa đức Thế Tôn! Tỳkheo Ðộc Tử gởi lời cho chúng con thưa rằng : “Thưa đức Thế Tôn! Phạm chí Ðộc Tử tu tập hai pháp được Vô Học trí. Nay để báo ơn đức Phật xin vào với Niết Bàn!”.

Ðức Phật nói rằng :

– Này các thiện nam tử! Phạm chí Ðộc Tử đã đắc quả A la hán! Các ông có thể đến đó cúng dường thân ông ấy.

Các vị Tỳkheo thọ lệnh đức Phật rồi trở lại chỗ thi thể ông ấy, thiết đại lễ cúng dường.

Phạm chí Nạp Y lại nói rằng :

– Như lời ngài Cù Ðàm nói, trong vô lượng đời làm việc thiện hay bất thiện thì đời vị lai trở lại được thân thiện hay bất thiện. Nghĩa lý này chẳng đúng! Vì sao vậy? Vì như lời nói của ngài Cù Ðàm, nhân phiền não nên có được thân này. Nếu nhân phiền não có được thân này thì thân tồn tại trước hay phiền não tồn tại trước? Là sở tác của ai? Trụ tại chỗ nào? Nếu thân tồn tại trước thì sao nói rằng, nhân phiền não được? Vậy nên nếu nói phiền não tại trước thì điều đó chẳng thể. Nếu nói thân tại trước thì điều đó cũng chẳng thể. Nếu nói tồn tại cùng một lúc thì lại cũng chẳng thể. Trước, sau, cùng một lúc mà nghĩa lý đều chẳng thể. Vậy nên tôi nói tất cả các pháp đều có tự tính, chẳng từ nhân duyên.

Lại nữa, thưa ngài Cù Ðàm! Cứng là tánh của đất, ẩm thấp là tánh của nước, nóng là tánh của lửa, động là tánh của của gió, không có gì trở ngại là tánh của hư không, đó là tánh của năm đại, chẳng phải do nhân duyên mà có, giả dụ trong thế gian có một pháp tánh, chẳng phải do nhân duyên mà có, thì tất cả pháp tánh cũng nên như vậy, chẳng phải do nhân duyên mà có. Nếu có một pháp từ nhân duyên mà có, thì tại sao nhân duyên tánh của năm đại  không từ nhân duyên mà có.

Thưa ngài Cù Ðàm! Chúng sanh thân thiện và thân bất thiện đều được giải thoát, đều là tự tánh, chẳng từ nhân duyên, vậy nên tôi nói tất cả các pháp tự tánh vốn có, chẳng phải từ nhân duyên sinh.

Lại nữa, thưa ngài Cù Ðàm! Pháp của thế gian có chỗ định dụng của nó. Ví như người thợ mộc giỏi định rằng, gỗ như vầy dùng làm trục xe, gỗ như vầy dùng làm cửa, giường, ghế… Cũng như khả năng chế tác của người thợ vàng giỏi : cái đặt bên trên trán thì gọi là vòng cài tóc, cái đeo dưới cổ thì gọi là chuỗi, cái đeo trên cánh tay thì gọi là xuyến (vòng), cái đeo ở trên ngón tay thì gọi là hoàn (nhẫn)… Chỗ sử dụng của pháp được quyết định nên gọi là định tánh. Thưa ông Cù Ðàm! Tất cả chúng sinh cũng lại như vậy, có tính của năm đường nên có địa ngục, ngã quỉ, súc sinh, người, trời. Nếu như vậy thì làm sao nói rằng, từ ở nhân duyên được? Lại nữa, thưa ông Cù Ðàm! Tất cả chúng sinh, tính của họ đều khác. Vậy nên gọi là tất cả tự tính. Thưa ông Cù Ðàm! Như rùa sống trên đất mà tự có thể vào trong nước. Con trâu nghé sinh ra rồi có thể tự uống sữa. Con cá thấy mồi lưỡi câu tự nhiên đớp ăn. Con rắn độc sinh ra rồi tự nhiên ăn đất (?). Những việc như vậy có ai dạy bảo đâu? Như cây gai sinh ra rồi thì tự nhiên nhọn đầu. Lông vũ loài chim bay tự nhiên có màu sắc riêng biệt. Chúng sinh ở thế gian cũng lại như vậy, có linh lợi, có ngu độn, có giàu, có nghèo, có đẹp, có xấu, có được giải thoát, có được hạ hữu (dưới có?). Vậy nên phải biết, trong tất cả pháp đều có tự tính.

Lại nữa, như lời ông Cù Ðàm nói, tham dục, sân, si từ nhân duyên sinh. Như vậy ba độc nhân duyên năm trần thì nghĩa này chẳng đúng! Vì sao vậy? Vì khi chúng sinh ngủ thì  lìa xa năm trần mà cũng lại sinh ra tham dục sân si. Ở trong thai cũng vậy. Khi thai mới sinh ra chưa thể phân biệt năm trần tốt xấu mà cũng lại sinh ra tham dục sân si. Chư tiên, thánh hiền ở chỗ nhàn tịnh không có năm trần mà cũng có thể sinh ra tham dục sân si. Nhưng cũng lại có người nhân vào năm trần mà sinh ra chẳng tham, chẳng sân, chẳng si. Như vậy chẳng nhất định phải là từ ở nhân duyên sinh ra tất cả pháp mà do tự tính vậy.

Lại nữa, thưa ông Cù Ðàm! Tôi thấy người đời, có kẻ năm căn chẳng đủ mà rất nhiều của báu, được tự tại lớn, có người các căn đầy đủ mà nghèo cùng hạ tiện, chẳng được tự tại, làm nô bộc cho kẻ khác. Nếu có nhân duyên thì vì sao như vậy. Vậy nên các pháp đều có tự tính, chẳng do nhân duyên.

Lại nữa, thưa ông Cù Ðàm! Trẻ con ở thế gian cũng lại chưa có thể phân biệt năm trần, hoặc cười, hoặc khóc, khi cười biết mừng, khi khóc biết buồn. Vậy nên phải biết tất cả các pháp đều có tự tính.

Lại nữa, này ông Cù Ðàm! Pháp thế gian có hai : Một là có, hai là không. Có tức là hư không, không tức là sừng của thỏ. Như vậy hai pháp, một là có nên chẳng từ nhân duyên, hai là không nên cũng chẳng phải nhân duyên. Vậy nên các pháp có tự tính nên chẳng từ nhân duyên.

Ðức Phật nói rằng :

– Này thiện nam tử! Như lời ông nói, như tính của năm Ðại, tất cả các pháp cũng nên như vậy thì nghĩa này chẳng đúng. Vì sao vậy? Này thiện nam tử! Vì trong pháp của ông cho năm đại là thường thì vì nhân duyên gì mà tất cả các pháp đều chẳng là thường? Nếu vật của thế gian là vô thường thì tính của năm đại này vì nhân duyên gì mà chẳng là vô thường? Nếu năm đại thường thì vật của thế gian cũng nên là thường. Vậy nên ông nói tính của năm đại có tự tính nên chẳng từ nhân duyên khiến cho tất cả pháp đồng với năm đại thì điều này không có!

Này thiện nam tử! Ông nói chỗ dùng đã định nên có tự tính thì nghĩa này chẳng đúng. Vì sao vậy? Vì đều từ nhân duyên được tên gọi vậy. Nếu từ nhân duyên được tên gọi thì cũng từ nhân duyên được nghĩa. Sao gọi là từ nhân duyên được danh? Như cái ở tại bên trên trán thì gọi đó là vòng cài tóc (man), cái ở tại cổ gọi là chuỗi, cái ở tại cánh tay gọi là xuyến, vòng tại xe gọi là bánh xe, lửa ở tại cây cỏ gọi là lửa cỏ cây…

Này thiện nam tử! Khi cây mới sinh ra không có tính mũi tên, cây giáo nhưng từ nhân duyên nên người thợ làm ra mũi tên, từ nhân duyên nên người thợ làm ra cây giáo. Vậy nên  chẳng nên nói tất cả pháp có tự tính.

Này thiện nam tử! Ông nói rằng, như tính của con rùa sống trên đất tự vào nước. Con trâu nghé sinh ra rồi tính có thể uống sữa thì nghĩa này chẳng đúng. Vì sao vậy? Vì nếu nói rằng vào nước chẳng phải nhân duyên thì đều chẳng phải nhân duyên mà sao nó chẳng vào lửa? Trâu nghé sinh ra rồi tính có thể bú sữa chẳng từ nhân duyên thì đều chẳng phải nhân duyên mà sao nó chẳng bú sừng.

Này thiện nam tử! Nếu nói các pháp đều có tự tính chẳng cần dạy bảo tập tành, không có tăng trưởng thì nghĩa này chẳng đúng. Vì sao vậy? Vì nay thấy có dạy bảo và nhờ dạy bảo nên tăng trưởng. Vậy nên phải biết là không có tự tính.

Này thiện nam tử! Nếu tất cả pháp có tự tính thì các thầy Bà la môn, tất cả chẳng nên vì thân thanh tịnh mà giết dê cúng tế. Nếu vì thân mà cúng tế thì phải biết là không có tự tính.

Này thiện nam tử! Thế gian nói về pháp thường có ba thứ : Một là muốn làm, hai là khi làm, ba là làm rồi. Nếu tất cả pháp có tự tính thì vì sao trong đời có ba lời nói đó. Vì có ba lời nói nên biết tất cả không có tự tính.

Này thiện nam tử! Nếu nói các pháp có tự tính thì phải biết các pháp đều có định tính. Cây mía, một vật nếu có định tánh thì vì duyên  gì làm ra nước uống, làm ra mật, làm ra thạch mật, rượu và rượu đắng.v.v… Nếu nó có một tính thì vì duyên gì mà sinh ra những vị như vậy? Nếu trong một vật sinh ra nhiều thứ như vậy thì phải biết các pháp chẳng được nhất định đều có một tính.

Này thiện nam tử! Nếu tất cả pháp có định tính thì Thánh nhân vì sao uống nước mía, ăn thạch mật, hắc mật còn rượu thì chẳng uống? Về sau vì rượu đắng nên trở lại được uống? Vậy nên phải biết là không có định tính. Nếu không định tính thì làm sao chẳng nhân vào nhân duyên mà có.

Này thiện nam tử! Ông nói tất cả pháp có tự tính thì làm sao mà nói dụ. Nếu có ví dụ thì phải biết các pháp không có tự tính. Nếu có tự tính thì phải biết không có ví dụ. Người trí tuệ của thế gian đều nói ví dụ nên phải biết các pháp không có tự tính, không có một tính.

Này thiện nam tử! Ông nói rằng, thân là tồn tại trước hay phiền não tồn tại trước thì nghĩa này chẳng đúng! Vì sao vậy? Vì nếu ta sẽ nói thân tồn tại trước thì ông có thể nạn vấn rằng: “Ông cũng đồng với ta! Thân chẳng tồn tại trước thì vì nhân duyên gì mà tạo ra sự khó khăn này?”.

Này thiện nam tử! Tất cả thân của chúng sinh và phiền não đều không trước sau, cùng một lúc mà có. Tuy là nhất thời có nhưng cần phải nhân vào phiền não mà được có thân, nhất định chẳng nhân vào thân mà có phiền não. Ý ông nếu cho là như hai mắt của con người cùng một lúc mà được chẳng nhân đợi nhau, mắt trái chẳng nhân vào mắt phải, mắt phải chẳng nhân vào mắt trái, phiền não và thân cũng lại như vậy thì nghĩa này chẳng đúng! Vì sao vậy? Này thiện nam tử! Vì như mắt của thế gian thấy bấc đèn cùng ánh sáng tuy là một lúc nhưng ánh sáng cần phải nhân vào bấc đèn, nhất định chẳng nhân vào ánh sáng mà có bấc đèn vậy.

Này thiện nam tử! Ý ông nếu cho là thân chẳng tồn tại trước nên biết không nhân duyên thì nghĩa này chẳng đúng! Vì sao vậy? Vì nếu do thân trước không nhân duyên nên gọi là không thì ông chẳng nên nói tất cả các pháp đều có nhân duyên. Nếu nói chẳng thấy nên chẳng nói thì nay đã thấy cái bình.v.v… từ nhân duyên sinh ra mà vì sao chẳng nói là như cái bình, nhân duyên trước của thân cũng lại như vậy.

Này thiện nam tử! Nếu thấy rằng, chẳng thấy tất cả các pháp đều từ nhân duyên, không có tự tính, này thiện nam tử! Mà nếu nói tất cả pháp đều có tự tính, không có nhân duyên thì ông vì nhân duyên gì nói đến năm đại. Tính của năm đại này tức là nhân duyên.

Này thiện nam tử! Nhân duyên năm đại tuy lại như vậy nhưng cũng chẳng nên nói các pháp đều đồng với nhân duyên năm đại, như người đời nói, tất cả người xuất gia tinh cần trì giới, chiên đà la.v.v… cũng nên như vậy, tinh cần trì giới.

Này thiện nam tử! Ông nói năm đại có tính quyết định bền chắc, còn ta quan sát thấy tính đó chuyển biến nên chẳng định.

Này thiện nam tử! Váng sữa (tô), sáp, hồ, keo…. ở trong pháp của ông gọi chúng là đất (địa). Ðất này bất định, hoặc đồng với nước, hoặc đồng với đất nên chẳng được nói là tự tính bền chắc.

Này thiện nam tử! Bạch lạp (một thứ hợp kim có chì), chì, thiếc, đồng, sắt, vàng, bạc… ở trong pháp của ông gọi chúng là lửa (hỏa). Bốn tính của lửa này là khi chảy thì tính nước, khi động thì tính gió, khi nóng thì tính lửa, khi cứng thì tính đất thì sao nói rằng, quyết định gọi là tính của lửa.

Này thiện nam tử! Tính của nước gọi là chảy, nếu khi nước đóng băng chẳng gọi là đất mà vẫn gọi là nước thì vì nhân duyên gì khi sóng động chẳng gọi là gió? Nếu động, chẳng gọi là gió thì khi nước đóng băng cũng nên chẳng gọi là nước. Nếu hai nghĩa này từ nhân duyên thì vì sao nói rằng, tất cả các pháp chẳng từ nhân duyên.

Này thiện nam tử! Nếu nói tính của năm căn có thể thấy, nghe, hay, biết, chạm xúc nên đều là tự tính, chẳng từ nhân duyên thì nghĩa này chẳng đúng. Vì sao vậy? Này thiện nam tử! Vì tính của tự tính là tính chẳng thể chuyển. Nếu nói tính của mắt là thấy thì thường nên có thể thấy, chẳng nên có khi thấy, có khi chẳng thấy. Vậy nên phải biết là từ nhân duyên mà thấy, chẳng phải không nhân duyên mà thấy được.

Này thiện nam tử! Ông nói chẳng phải nhân vào năm trần sinh ra tham giải thoát thì nghĩa này chẳng đúng. Vì sao vậy? Này thiện nam tử! Vì sinh ra tham giải thoát tuy lại chẳng nhân vào nhân duyên năm trần, nhưng  nếu ác giác quán thì sinh ra tham dục, còn thiện giác quán thì được giải thoát.

Này thiện nam tử! Nhân duyên bên trong nên sinh ra tham giải thoát, nhân duyên bên ngoài thì có thể tăng trưởng. Vậy nên ông nói rằng, tất cả các pháp đều có tự tính, chẳng nhân vào năm trần sinh ra tham, giải thoát thì không có chỗ đó.

Này thiện nam tử! Ông nói rằng, người đầy đủ các căn thiếu thốn của cải, chẳng được tự tại còn người các căn tàn khuyết giàu có nhiều của báu, được đại tự tại. Nhân vấn đề này dùng minh chứng là có tự tính, chẳng từ nhân duyên thì nghĩa này chẳng đúng! Vì sao vậy? Này thiện nam tử! Vì chúng sinh từ nghiệp mà có quả báo. Quả báo như vậy thì có ba thứ : Một là hiện báo, hai là sinh báo, ba là hậu báo. Bần cùng, cự phú, căn đủ hay chẳng đủ là do nghiệp đều khác. Nếu có tự tính, đủ các căn thì nên giàu có của báu, giàu có của báu thì nên đủ các căn, nhưng nay thì chẳng vậy. Vậy nên nhất định biết là không có tự tính, đều từ nhân duyên.

Này thiện nam tử! Như lời ông nói, trẻ con ở thế gian chưa thể phân biệt nhân duyên năm trần, cũng khóc cũng cười.Vậy nên tất cả có tự tính thì nghĩa này chẳng đúng! Vì sao vậy? Vì nếu có tự tính thì cười nên luôn cười, khóc nên luôn khóc. Nếu lúc cười, lúc khóc thì phải biết tất cả đều từ nhân duyên. Vậy nên chẳng nên nói tất cả pháp có tự tính, chẳng từ nhân duyên.

Ông Phạm chí bạch rằng :

– Thưa đức Thế Tôn! Nếu tất cả pháp từ nhân duyên mà có thì như vậy thân có từ nhân duyên nào?

Ðức Phật dạy rằng :

– Này thiện nam tử! Nhân duyên của thân này là phiền não  cùng với nghiệp.

Ông Phạm chí bạch rằng :

– Thưa đức Thế Tôn! Như thân ấy từ nghiệp phiền não thì nghiệp phiền não này có thể đoạn không vậy?

Ðức Phật dạy rằng :

– Ðúng vậy! Ðúng vậy!

Ông Phạm chí lại bạch rằng :

– Thưa đức Thế Tôn! Nguyện xin ngài vì con phân biệt giải nói, khiến cho con nghe rồi chẳng dời khỏi chỗ này đều đoạn hết.

Ðức Phật dạy rằng :

– Này thiện nam tử! Nếu biết khoảng giữa của hai bên không ngăn ngại thì người đó có thể đoạn được phiền não nghiệp.

– Thưa đức Thế Tôn! Con đã biết hiểu được chính pháp nhãn!

Ðức Phật dạy rằng :

– Thế nào là biết?

– Thưa đức Thế Tôn! Hai biên tức là sắc và sắc giải thoát. Trung gian tức là Bát chính đạo vậy. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.

Ðức Phật dạy rằng :

– Hay thay! Hay thay! Này thiện nam tử! Ông giỏi biết hai biên, đoạn trừ nghiệp phiền não.

– Thưa đức Thế Tôn! Nguyện xin ngài cho phép con xuất gia thọ giới!

Ðức Phật dạy rằng :

– Thiện lai Tỳkheo!

Tức thời ông ấy đoạn trừ phiền não của ba cõi, được quả A la hán.

Lúc bấy giờ, lại có một vị Bà la môn tên là Hoằng Quảng lại nói rằng :

– Thưa ông Cù Ðàm! Ngài có biết điều suy nghĩ của tôi hôm nay không?

Ðức Phật nói rằng :

– Này thiện nam tử! Niết Bàn là thường, hữu vi là vô thường. Quanh co tức là tà kiến, ngay thẳng tức là Thánh đạo!

Bà la môn nói rằng :

– Thưa ông Cù Ðàm! Vì nhân duyên gì mà nói như vậy?

– Này thiện nam tử! Ý ông cho là khất thực là thường, thỉnh mời riêng là vô thường. Quanh co là cái khóa cửa, ngay thẳng là Ðế tràng! Vậy nên ta nói Niết Bàn là thường, hữu vi là vô thường. Quanh co gọi là tà kiến, ngay thẳng gọi là Bát chánh, chẳng phải như sự suy nghĩ trước tiên của ông.

Ông Bà la môn nói rằng :

– Thưa ông Cù Ðàm! Ngài quả thật biết được lòng tôi! Bát chánh đạo này có khiến cho chúng sinh được tận diệt không?

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn mặc nhiên chẳng đáp. Ông Bà la môn nói rằng :

– Thưa ông Cù Ðàm! Ngài đã biết lòng con, lời hỏi của con hôm nay vì sao ngài lặng im mà chẳng thấy đáp?

Ông Kiều Trần Như liền nói rằng :

– Này ông đại Bà la môn! Nếu có người hỏi đời hữu biên hay vô biên thì đức Như Lai thường lặng im như thế, chẳng đáp. Tám thánh đạo là ngay thẳng, Niết Bàn là thường. Nếu tu tám Thánh đạo tức là được diệt tận còn nếu chẳng tu tập thì chẳng thể được. Này ông Ðại Bà la môn! Ví như ngôi đại thành mà bốn vách ngôi thành ấy đều không lỗ, chỉ có một cái cửa. Người giữ cửa thành ấy thông minh, có trí tuệ, có thể giỏi phân biệt, đáng thả thì thả, đáng ngăn thì ngăn. Tuy chẳng thể biết người ra vào nhiều hay ít nhưng nhất định biết tất cả người vào ra đều theo cửa này. Này thiện nam tử! Ðức Như Lai cũng vậy. Thành dụ cho Niết Bàn, cửa dụ cho tám Chánh đạo, người giữ cửa dụ cho Như Lai. Này thiện nam tử! Ðức Như Lai hôm nay tuy chẳng đáp lại ông tận cùng chẳng tận, nhưng người có tận ấy thì cần phải tu tập tám Chánh đạo ấy.

Ông Bà la môn nói rằng :

– Hay thay! Hay thay! Thưa Ðại đức Kiều Trần Như! Ðức Như Lai khéo có thể nói pháp vi diệu! Tôi nay thật muốn biết thành (Niết Bàn) biết đạo (tám chánh) và tự làm người giữ cửa.

Ngài Kiều Trần Như nói rằng :

– Hay thay! Hay thay! Này ông Bà la môn! Ông có thể phát tâm Vô Thượng rộng lớn!

Ðức Phật dạy rằng :

– Dừng lại! Dừng lại! Này ông Kiều Trần Như! Ông Bà la môn này chẳng phải đến ngày hôm nay mới phát tâm! Thuở quá khứ xa xưa, vô lượng kiếp, có đức Phật Thế Tôn hiệu là Phổ Quang Minh Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri Minh Hành Túc Thiện Thệ Thế Gian Giải Vô Thượng Sĩ Ðiều Ngự Trượng Phu Thiên Nhân Sư Phật Thế Tôn. Người này trước đã ở chỗ đức Phật đó phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Trong kiếp Hiền này ông ấy sẽ được làm Phật. Ðã lâu rồi ông ấy thông đạt, rõ biết pháp tướng, vì chúng sinh nên hiện ở ngoại đạo làm ra vẻ không biết gì! Do nhân duyên đó, này ông Kiều Trần Như! Ông chẳng nên khen ngợi rằng : “Hay thay! Hay thay! Ông nay có thể phát tâm rộng lớn như vậy!”

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn biết rồi liền bảo ông Kiều Trần Như rằng :

– Tỳkheo A Nan nay ở đâu?

Ông Kiều Trần Như bạch rằng :

– Thưa đức Thế Tôn! Tỳkheo A Nan đang ở ngoài rừng Ta La, cách đại hội này mười hai do tuần, đang bị sự nhiễu loạn của sáu vạn bốn ngàn ức ma. Những ma chúng đó đều tự biến thân làm hình dáng đức Như Lai. Hoặc có ma tuyên nói tất cả các pháp từ nhân duyên sinh. Hoặc có ma nói rằng, tất cả các pháp chẳng từ nhân duyên sinh. Hoặc có ma nói rằng, tất cả nhân duyên đều là thường pháp, từ nhân duyên sinh ra thì đều là vô thường. Hoặc có ma nói rằng, năm ấm là thật, hoặc nói hư giả, nhập, giới cũng vậy. Hoặc có ma nói rằng, có mười hai duyên. Hoặc có ma nói rằng, chính là có bốn duyên, hoặc nói các pháp như huyễn như hóa, như nóng, như ngọn lửa. Hoặc có ma nói rằng, nhân nghe mà được pháp. Hoặc có ma nói rằng, nhân tư duy mà đắc pháp. Hoặc có ma nói rằng, nhân tu mà đắc pháp. Hoặc lại có ma nói phép quán bất tịnh. Hoặc lại có ma nói phép quán hơi thở vào ra. Hoặc lại có ma nói quán bốn niệm xứ. Hoặc lại có ma nói bảy thứ phương tiện của nghĩa ba thứ quán. Hoặc lại có ma nói : Noãn pháp, đỉnh pháp, nhẫn pháp, thế gian đệ nhất pháp, học địa và vô học địa, Bồ tát Sơ trụ cho đến Thập trụ. Hoặc có ma nói, “Không”, vô tướng vô tác. Hoặc lại có ma nói : Tu Ða La, Kỳ Dạ, Tỳ Dà la Na, Dà Ðà, Ưu Ðà Na, Ni Ðà Na, A Ba Ðà Na, Y Ðế Mục Ða Ðà, Xà Ðà Dà, Tỳ Phật Lược, A Phù Ðà Ðạt Ma, Ưu Ba Ðề Xá (12 bộ kinh). Hoặc có ma nói : bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác phận, tám thánh đạo. Hoặc có ma nói : Nội không, ngoại không, nội ngoại không, hữu vi không, vô vi không, vô thỉ không, tính không, viễn ly không, tán (tan) không, tự tướng không, vô tướng không, ấm không, nhập không, giới không, thiện không, bất thiện không, vô ký không, Bồ đề không, đạo không, Niết Bàn không, hành không, đắc không, đệ nhất nghĩa không, không không, đại không. Hoặc có ma thị hiện thần thông biến hóa, thân sinh ra nước lửa. Hoặc phần trên thân tuông ra nước, phần dưới thân phát ra lửa, dưới thân tuông ra nước, trên thân phát ra lửa, hông bên trái nghiêng xuống, hông bên phải tuông ra nước, hông bên phải nghiêng xuống, hông bên trái tuông ra nước, một bên hông nổi sấm, một bên hông tuông mưa. Hoặc có ma thị hiện thế giới chư Phật. Hoặc lại có ma thị hiện cảnh Bồ tát sơ sinh đi bảy bước, cảnh khi ở tại thâm cung hưởng thụ năm dục,cảnh khi mới bắt đầu xuất gia tu khổ hạnh, cảnh khi đến dưới gốc cây, ngồi vào tam muội phá hoại ma quân, cảnh khi chuyển pháp luân, cảnh khi thị hiện Ðại thần thông vào Niết Bàn. Thưa đức Thế Tôn! Tỳkheo A Nan thấy những việc này rồi, tác khởi ý niệm rằng : “Những thần thông biến hóa như vậy xưa nay chưa thấy. Việc làm này của ai? Há chẳng phải là việc làm của đức Thế Tôn Thích Ca sao?” Ông muốn đứng dậy, muốn nói điều chẳng theo ý. Tỳkheo A Nan rơi vào dây trói của ma nên lại nghĩ rằng : “Lời nói của chư Phật mỗi mỗi chẳng đồng, ta nay phải thọ lời nói của ai?” Thưa đức Thế Tôn! A Nan hôm nay cực thọ đại khổ! Ông tuy nghĩ đến Như Lai nhưng không ai có thể cứu. Do nhân duyên này nên ông ấy chẳng đi đến trong đại chúng này.

Lúc bấy giờ, Ðại Bồ tát Văn Thù Sư Lợi bạch đức Phật rằng :

– Thưa đức Thế Tôn! Trong đại chúng này có các Bồ tát đã ở từ một đời phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác đến ở vô lượng đời phát tâm Bồ đề, đã có thể cúng dường vô lượng chư Phật, lòng những vị ấy kiên cố tu hành đầy đủ Ðàn Ba la mật cho đến Bát nhã Ba la mật, thành tựu công đức, đã lâu rồi thân cần vô lượng chư Phật, tịnh tu Phạm hạnh được tâm Bồ đề Bất thoái chuyển, được Nhẫn bất thoái chuyển, Trì bất thoái chuyển, được Như pháp nhẫn, Thủ Lăng Nghiêm.v.v.. vô lượng tam muội… Những vị như vậy nghe kinh Ðại Thừa nhất định chẳng sinh nghi, giỏi có thể phân biệt tuyên nói Tam Bảo đồng một tính tướng, thường trụ chẳng biến đổi, nghe điều chẳng nghĩ  bàn chẳng sinh kinh sợ quái lạ, nghe đủ thứ Không lòng không sợ sệt, tỏ rõ thông đạt tất cả pháp tính, có thể trì tất cả mười hai bộ Kinh, rộng lý giải nghĩa của những Kinh ấy, cũng có thể thọ trì mười hai bộ Kinh của vô lượng chư Phật… Lo gì các vị ấy chẳng thể thọ trì kinh điển Ðại Niết Bàn như vậy, đức Phật vì nhân duyên gì mà hỏi ông Kiều Trần Như về chỗ ở của ông A Nan?

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo ngài Văn Thù Sư Lợi rằng :

– Hãy lắng nghe! Lắng nghe! Này thiện nam tử! Ta thành Phật đã qua hai mươi năm, trụ ở thành Vương Xá, bấy giờ ta bảo các Tỳkheo rằng : “Này các Tỳkheo! Hôm nay trong chúng này, ai có thể vì ta thọ trì mười hai bộ Kinh của Như Lai và cung cấp sự cần dùng bên phải bên trái mà cũng khiến cho chẳng mất phần thiện lợi của thân mình?” Ông Kiều Trần Như ở trong chúng lúc đó, đến bạch với ta rằng : “Con có thể thọ trì mười hai bộ Kinh, cung cấp tả hữu mà chẳng mất việc làm lợi ích của mình”. Ta nói rằng : “Này Kiều Trần Như! Ông đã già cả đáng cần người sai khiến thì làm sao muốn làm cấp sứ cho ta?” Ông Xá Lợi Phất lại nói rằng : “Con có thể thọ trì tất cả lời dạy của đức Phật, cung cấp việc cần dùng cho ngài mà chẳng mất việc làm lợi ích của mình”. Ta nói rằng : “Này Xá Lợi Phất! Ông đã già cả rồi phải cần người sai bảo thì làm sao muốn làm cấp sư của ta được?”… cho đến năm trăm các vị A la hán đều cũng như vậy và ta đều chẳng thọ. Lúc bấy giờ, ông Mục Liên ở trong đại chúng tác khởi suy nghĩ rằng: “Ðức Như Lai hôm nay chẳng nhận năm trăm vị Tỳkheo làm cấp sứ thì ý đức Phật vì muốn ai làm vậy?” Tư duy thế rồi ông liền vào định, quan sát thấy lòng đức Như Lai đặt tại ông A Nan như mặt trời mới mọc chiếu sáng lên vách phía Tây. Thấy việc này rồi ông liền rời khỏi định nói với ông Kiều Trần Như rằng : “Thưa Ðại đức! Tôi thấy đức Như Lai muốn khiến ông A nan làm cấp sứ tả hữu!”. Bấy giờ, ông Kiều Trần Như cùng với năm trăm vị A la hán đến chỗ ông A Nan mà nói rằng : “Thưa ngài A Nan! Ngài nay phải vì đức Như Lai làm cấp sứ! Kính mời ngài nhận việc đó cho!”. Ông A Nan nói rằng : “Thưa các Ðại đức! Tôi thật chẳng đủ sức làm cấp sứ cho đức Như Lai! Vì sao vậy? Vì Như Lai là đấng Tôn Trọng như vua Sư Tử, như rồng, như lửa! Tôi nay uế nhược (bẩn, yếu) thì làm sao có thể đảm đương được!”. Các vị Tỳkheo nói rằng : “Thưa ngài A nan! Ngài hãy nhận lời của chúng tôi làm cấp sự cho đức Như Lai, được lợi ích lớn!” Nói lần thứ hai, lần thứ ba cũng lại như vậy. Ông A Nan nói rằng : “Thưa các Ðại đức! Tôi cũng chẳng cầu việc ích lợi lớn mà thật chẳng đủ sức đảm nhiệm phụng cấp tả hữu cho đức Như Lai!”. Ông Mục Kiền Liên lại nói : “Thưa ngài A Nan! Nay ngài chưa biết!”. Ông A Nan nói : “Thưa Ðại đức! Nguyện xin ngài nói cho!”. Ông Mục Kiền Liên nói rằng : “Ngày hôm trước, đức Như Lai, ở trong Tăng chúng tìm kiếm cấp sứ. Năm trăm La hán đều xin làm mà đức Như Lai chẳng cho. Tôi liền vào định thì thấy ý đức Như Lai muốn khiến cho ngài làm. Ngài nay làm sao từ chối chẳng nhận?”. Ông A Nan nghe rồi, chắp tay, quì dài nói lên lời rằng : “Thưa các Ðại đức! Nếu có việc này thì xin đức Như Lai cho tôi ba nguyện, tôi sẽ thuận theo mệnh lệnh của chúng Tăng làm cấp sự tả hữu!”.

Ông Mục Kiền Liên nói rằng : “Những gì là ba nguyện?”.

Ông A Nan nói rằng :

– Một là đức Như Lai giả sử đem áo cũ ban cho tôi thì cho phép tôi chẳng nhận.

– Hai là đức Như Lai giả sử nhận lời mời riêng của Ðàn việt thì cho phép tôi chẳng đến.

– Ba là cho phép tôi ra vào không có thời tiết. Ba việc như vậy nếu đức Phật cho phép thì tôi sẽ thuận theo mạng lệnh của chúng Tăng”.

Ông Kiều Trần Như và năm trăm vị Tỳkheo trở lại chỗ của ta mà nói rằng : “Chúng con đã khuyên ông A Nan Tỳkheo, ông ấy chỉ cầu xin đức Thế Tôn ba nguyện. Nếu đức Phật cho thì sẽ thuận theo mệnh lệnh của Tăng!”

Này Văn Thù Sư Lợi! Ta vào lúc ấy, khen ông A Nan rằng : “Hay thay! Hay thay! Tỳkheo A Nan đầy đủ trí tuệ đã dự kiến được sự ngờ vực xằng bậy. Vì sao vậy? Vì sẽ có người nói rằng, ông vì ăn mặc mà phụng cấp đức Như Lai. Vậy nên trước cầu xin chẳng nhận áo cũ, chẳng đi theo lời mời riêng. Này Kiều Trần Như! Ông A Nan Tỳkheo đầy đủ trí tuệ, nếu vào ra có lúc thì tức là chẳng thể làm lợi ích rộng rãi cho bốn bộ chúng. Vậy nên ông ấy xin được vào ra không theo thời tiết. Này ông Kiều Trần Như! Ta vì ông A Nan mở ra ba việc này để theo ý nguyện của ông ấy”. Ông Mục Kiền Liên trở lại chỗ ông A Nan, nói với ông A Nan rằng : “Tôi đã vì ngài khải thỉnh ba việc và đức Như Lai đại từ đều đã hứa cho!” Ông A Nan nói rằng : “Thưa Ðại đức! Nếu đức Phật đã cho phép thì tôi xin đến làm người hầu cung cấp!”.

Này Văn Thù Sư Lợi! Ông A Nan phụng sự ta hơn hai mươi năm, đầy đủ tám thứ chẳng thể nghĩ bàn. Những gì là tám?

– Một là phụng sự ta từ bấy đến nay hơn hai mươi năm, chẳng bao giờ theo ta khi ta nhận bữa mời ăn riêng.

– Hai là từ khi phụng sự ta đến nay, chẳng nhận quần áo cũ của ta.

– Ba là từ khi phụng sự ta đến nay, ông ấy đến chỗ của ta trọn chẳng phi thời.

– Bốn là từ khi phụng sự ta đến nay, tuy đầy đủ phiền não nhưng khi theo ta vào ra chỗ những vua, sát lợi, họ lớn giàu sang, thấy các nữ nhân và con gái trời, rồng…. chẳng sinh dục tâm.

– Năm là từ khi phụng sự ta đến nay, trì giữ lời nói mười hai bộ Kinh của ta. Một Kinh đã vào tai rồi chẳng từng hỏi lại như rót nước ở bình này đựng vào một bình khác. Chỉ trừ có một lần ông ấy hỏi. Này thiện nam tử! Khi thái tử Lưu Ly giết hại dòng họ Thích, phá hoại thành Ca Tỳ La, bấy giờ ông A Nan, lòng ôm sầu não, gào khóc lớn tiếng, đi đến chỗ của ta nói rằng : “Con cùng đức Như Lai đều sinh ra ở thành này, đồng một dòng họ Thích mà sao quang nhan của đức Như Lai như thường, còn con thì tiều tụy?. Khi đó ta đáp rằng : “Này A Nan! Ta tu không định nên chẳng đồng với ông!”. Qua ba năm rồi, ông ấy trở lại hỏi ta : “Thưa đức Thế Tôn! Trước kia, ở thành Ca Tỳ La, con từng nghe nói đức Như Lai tu Không tam muội. Việc này hư hay thật?”. Ta nói rằng : “Này A Nan! Ðúng vậy! Ðúng vậy! Ðúng như lời ông nói!”.

– Sáu là từ khi phụng sự ta đến nay, tuy chưa chứng được trí biết tâm người khác, nhưng thường biết việc vào các định của Như Lai.

– Bảy là từ khi phụng sự ta đến nay tuy chưa được nguyện trí mà có thể rõ biết chúng sinh đến chỗ Như Lai như vậy thì hiện tại có thể được bốn quả Sa môn, có người về sau sẽ được, có người được thân người, có người được thân trời.

– Tám là từ khi phụng sự ta đến nay, lời nói bí mật sở hữu của Như Lai, ông ấy đều có thể rõ biết. Này thiện nam tử! Tỳkheo A Nan đầy đủ tám thứ chẳng thể nghĩ bàn như vậy nên ta khen ông A Nan Tỳkheo là Ða văn tạng.

Này thiện nam tử! Tỳkheo A Nan đầy đủ tám pháp có thể thọ trì đầy đủ mười hai bộ Kinh. Những gì là tám?

– Một là Tín căn kiên cố.

– Hai là lòng ông ấy chất trực.

– Ba là thân không bệnh khổ.

– Bốn là thường siêng tinh tấn.

– Năm là niệm tâm đầy đủ.

– Sáu là tâm không kiêu mạn.

– Bảy là thành tựu định tuệ.

– Tám là đầy đủ từ nghe sinh ra trí.

Này Văn Thù Sư Lợi! Ðệ tử thị giả của đức Phật Tỳ Bà Thi tên là A Thúc Ca cũng lại đầy đủ tám pháp như vậy. Ðệ tử thị giả của đức Phật  Thi Khí tên là Sai Ma Ca La, đệ tử thị giả của đức Phật Tỳ Xá Phù tên là Ưu Ba Phiến Ðà, đệ tử thị giả của đức Phật Ca La Cưu Thôn Ðà tên là Bạt Ðề, đệ tử thị giả của đức Phật Ca Na Hàm Mâu Ni tên là Tô Chỉ, đệ tử thị giả của đức Phật Ca Diếp tên là Diếp Bà Mật Ða đều cũng đầy đủ tám pháp như vậy. A Nan của ta hôm nay cũng lại như vậy, đầy đủ tám pháp. Vậy nên ta khen Tỳkheo A Nan là Ða văn tạng. Này thiện nam tử! Ðúng như lời ông nói, trong đại chúng này tuy có vô lượng vô biên Bồ tát, nhưng những Bồ tát đó đều có trách nhiệm nặng, như là Ðại Từ Ðại Bi. Nhân duyên từ bi như vậy nên mỗi mỗi đều chuyên chăm lo điều phục quyến thuộc và trang nghiêm thân mình. Do nhân duyên này nên sau khi ta Niết Bàn, những vị ấy chẳng thể tuyên thông mười hai bộ Kinh mà nếu có Bồ tát, hoặc khi có thể nói thì người chẳng tín thọ. Này Văn Thù Sư Lợi! Tỳkheo A Nan là em của ta, làm cấp sự cho ta đến nay hơn hai mươi năm, pháp được nghe ông ấy thọ trì đầy đủ ví như rót nước vào đồ đựng nước. Vậy nên hôm nay ta lưu ý hỏi ông A Nan đang ở đâu? Là muốn khiến cho ông ấy thọ trì Kinh Niết Bàn này. Này thiện nam tử! Sau khi ta Niết Bàn, những điều chưa nghe của Tỳkheo A Nan thì Bồ tát Hoằng Quảng sẽ có thể lưu bố còn điều ông A Nan tự có thể tuyên thông.

Này Văn Thù Sư Lợi! Tỳkheo A Nan nay ở chỗ khác cách chỗ hội này mười hai do tuần mà đang bị sự nhiễu loạn, của sáu vạn bốn ngàn ức ma. Ông có thể đến đó, lớn tiếng xướng với tất cả ma như vầy : Hãy lắng nghe! Lắng nghe! Nay Như Lai nói Ðại Ðà la ni thì tất cả trời, rồng, Càn thát bà, A tu la, Ca lâu la, Khẩn na la, Ma hầu la già, người chẳng phải người, thần núi, thần cây, thần sông, thần biển, thần nhà cửa.v.v… nghe tên tổng trì này không ai chẳng cung kính thọ trì. Ðà la ni này đã được các đức Phật Thế Tôn nhiều bằng mười lần cát sông Hằng chung tuyên nói. Ðà la ni này có thể chuyển nữ thân, tự biết túc mạng nếu người thọ trì làm năm việc : Một là Phạm hạnh, hai là đoạn nhục (cắt đứt việc ăn thịt), ba là đoạn tửu (rượu), bốn là đoạn tân (vị cây), năm là ưa ở tịch tịnh. Người thọ năm việc này rồi, chí tâm đọc tụng, ghi chép Ðà la ni này thì phải biết người đó liền được siêu việt bảy mươi bảy ức thân tệ ác!

Lúc bấy giờ, đức Như Lai liền nói chú rằng :

A ma lê – A ma lệ – Niết ma lệ – Măng dà lệ – Ế ma la – Nhã kiệt tỳ – Tam mạn na bạt đề – Ta bà tha ta đan ni – Ta la ma tha ta đàn ni – Ma na tư – A quật đề – Tỳ la kỳ – Am la lại đê – Bà lam di – Bà lam – Ma tá lệ – Phú nê phú na ma nô lại đề.

Bấy giờ, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi theo đức Phật thọ Ðà la ni này rồi, đi đến chỗ ngài A Nan, ở tại trong chúng ma, nói lên rằng : “Này các ma và quyến thuộc hãy lắng nghe ta nói chú Ðà la ni mà ta thọ được từ đức Phật”.

Ma vương nghe Ðà la ni này rồi đều phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, xả bỏ ma nghiệp, liền thả ông A Nan. Văn Thù Sư Lợi cùng với A Nan đều đi đến chỗ đức Phật. A Nan thấy đức Phật hết lòng lễ kính, rồi lui về trụ một bên.

Ðức Phật bảo ông A Nan rằng :

– Bên ngoài rừng Ta La này có một Phạm chí tên là Tu Bạt Ðà, tuổi đến một trăm hai mươi, tuy được ngũ thông nhưng chưa xả kiêu mạn, chứng được Phi tưởng phi phi tưởng định, sinh ra Nhất thiết trí, khởi lên Niết Bàn tưởng. Ông có thể đến nói với ông Tu Bạt kia rằng : “Ðức Như Lai ra đời như hoa Ưu Ðàm, vào giữa đêm nay ngài sẽ Bát Niết Bàn! Nếu có việc gì làm thì hãy kịp thời làm ngay, chớ để ngày hôm sau mà sinh lòng hối hận!”.

Này A Nan! Lời nói của ông nhất định ông đó tín thọ. Vì sao vậy? Vì ông, thuở xưa trong năm trăm đời, đã từng làm con của ông Tu Bạt Ðà. Lòng yêu mến của người ấy tập quen còn chưa hết. Do nhân duyên này nên tín thọ lời của ông!

Lúc bấy giờ, ngài A Nan nhận lời đức Phật day rồi, đi đến chỗ của ông Tu Bạt nói như vầy : “Thưa ngài! Ngài phải biết, đức Như Lai ra đời như hoa Ưu Ðàm! Vào giữa đêm hôm nay ngài sẽ Bát Niết Bàn! Nếu có việc gì làm thì hãy kịp thời làm ngay! Chớ để ngày sau mà sinh ra lòng hối hận vậy!”. Ông Tu Bạt Ðà nói rằng : “Hay thay! Hay thay! Thưa ngài A Nan! Hôm nay tôi sẽ đi đến chỗ đức Như Lai!”. Lúc bấy giờ, ngài A Nan cùng ông Tu bạt Ðà quay trở lại chỗ đức Phật. Ðến nơi rồi, ông Tu Bạt Ðà thăm hỏi đức Phật rằng :

– Thưa ngài Cù Ðàm! Tôi nay muốn hỏi, xin tùy ý ngài đáp!

Ðức Phật nói rằng :

– Này Tu bạt! Hôm nay chính là lúc đó! Theo lời hỏi của ông ta sẽ phương tiện theo ý của ông mà đáp!

– Thưa ngài Cù Ðàm! Có các Sa môn, Bà la môn.v.v… nói rằng : “Tất cả chúng sinh thọ quả báo khổ, vui đều theo nhân duyên nghiệp cũ ngày trước. Vậy nên nếu có trì giới tinh tấn mà thọ khổ thân tâm thì có thể phá hoại nghiệp cũ. Nghiệp cũ đã hết thì mọi khổ tận diệt. Mọi khổ tận diệt tức là được Niết Bàn!”. Nghĩa lời này ra sao?

Ðức Phật nói rằng :

– Này thiện nam tử! Nếu có Sa môn, Bà la môn nói lời nói như vậy thì ta vì thương xót họ nên thường phải qua lại chỗ của những người này. Ðã đến với họ rồi ta sẽ hỏi họ rằng : “Các ông có thật nói như vậy không?”. Nếu thấy họ đáp rằng : “Chúng tôi nói như vậy! Vì sao vậy? Thưa ngài Cù Ðàm! Vì tôi thấy chúng sinh quen làm các việc ác mà được nhiều của báu, thân được tự tại. Lại thấy kẻ tu thiện mà nghèo cùng nhiều thiếu thốn, chẳng được tự tại. Lại thấy có người nỗ lực làm nhiều việc để cầu của cải nhưng chẳng được. Lại thấy có người chẳng cầu mà tự nhiên được. Lại thấy có người từ tâm chẳng giết hại mà ngược lại chết yểu giữa chừng. Lại thấy kẻ ưa giết hại mà bảo toàn tuổi thọ. Lại thấy có người tịnh tu Phạm hạnh, tinh cần trì giới mà có kẻ được giải thoát, có kẻ chẳng được. Vậy nên tôi nói tất cả chúng sinh thọ quả báo khổ vui đều do nhân duyên nghiệp cũ ngày trước!”.

Này ông Tu Bạt!  Ta lại sẽ hỏi : “Này các ông! Các ông có thật thấy nghiệp quá khứ không? Nếu có thấy thì nghiệp này nhiều hay ít? Khổ hạnh hiện tại có thể phá được nhiều hay ít vậy? Có thể biết nghiệp đó đã hết hay chẳng hết vậy? Nghiệp đó đã hết thì tất cả hết chăng?” Nếu thấy những người kia đáp : “Chúng tôi thật chẳng biết!” thì ta sẽ vì những người đó dẫn dụ rằng : “Ví như có người, thân bị tên độc, gia đình, quyến thuộc người ấy mời thầy thuốc đến nhổ tên ra. Tên đã nhổ xong, thân được yên ổn. Sau mười năm người này còn nhớ việc ấy rõ ràng phân minh. Thầy thuốc đó vì ta nhổ ra tên độc, dùng thuốc bôi đắp vào, khiến cho ta được khỏi, yên ổn hưởng thọ niềm vui! Các ông đã chẳng biết nghiệp cũ quá khứ thì làm sao có thể biết khổ hạnh hiện tại quyết định có thể phá hoại nghiệp quá khứ vậy?” Nếu những người kia lại nói rằng : “Thưa ông Cù Ðàm!  Nay ông cũng có nghiệp cũ quá khứ mà vì sao trách một mình nghiệp quá khứ của tôi? Trong kinh của ông Cù Ðàm cũng nói rằng, nếu thấy có người giàu sang tự tại thì phải biết người đó đời trước bố thí tốt. Như vậy mà chẳng gọi là nghiệp quá khứ sao?”. Ta lại đáp rằng : “Này các ông! Biết như vậy thì gọi là biết so sánh, chẳng gọi là biết chân thật. Trong pháp Phật của ta, hoặc có do nhân biết quả, hoặc có từ quả biết nhân, Trong pháp Phật của ta, có nghiệp quá khứ, có nghiệp hiện tại còn các ông thì chẳng vậy mà chỉ có nghiệp quá khứ, không có nghiệp hiện tại. Pháp của các ông chẳng từ phương tiện đoạn trừ nghiệp, còn pháp của ta chẳng vậy, từ phương tiện đoạn trừ nghiệp. Các ông, nghiệp hết rồi thì được khổ hết. Còn ta thì chẳng vậy, phiền não hết rồi thì nghiệp khổ hết. Vậy nên ta nay trách nghiệp quá khứ của ông!” Người kia nếu nói rằng : “Thưa ông Cù Ðàm! Tôi thật chẳng biết, theo thầy thính thọ điều đó, thầy nói thế thì tôi thật không có lỗi!”. Ta nói rằng : “Này ông! Thầy của ông là ai?”. Nếu thấy người kia đáp là Phú Lan Na thì ta lại nói rằng : “Khi xưa sao ông chẳng nhất nhất hỏi han đại sư thật có biết nghiệp quá khứ không? Thầy ông nếu nói rằng, ta chẳng biết, thì ông sao lại thọ nhận lời nói của vị thầy này? Nếu thầy nói biết thì lại nên hỏi rằng : nhân duyên khổ hạ có thọ khổ trung, thượng không? Nhân duyên khổ trung có thọ khổ hạ, thượng không? Nhân duyên khổ thượng có thọ khổ trung, hạ không? Nếu thầy nói không thì nên hỏi rằng : Sao thầy nói quả báo khổ, vui chỉ do nghiệp quá khứ, chẳng phải hiện tại vậy? Lại nên hỏi rằng : Khổ hiện tại này do quá khứ có chăng? Nếu quá khứ có thì nghiệp quá khứ đã đều hết mà nếu đều hết thì sao lại thọ thân ngày hôm nay? Nếu quá khứ không chỉ hiện tại có thì sao lại nói rằng, khổ vui của chúng sinh đều do nghiệp của quá khứ? Này ông! Nếu biết khổ hạnh hiện tại có thể phá hoại nghiệp của quá khứ thì khổ hạnh hiện tại lại lấy cái gì để phá? Như khổ hạnh ấy chẳng phá thì khổ tức là thường. Nếu khổ là thường thì sao nói rằng, được giải thoát khổ? Nếu lại có hành động phá hoại khổ hạnh thì quá khứ đã hết làm sao có khổ? Này ông! Như vậy khổ hạnh có thể khiến cho nghiệp vui phải chịu quả khổ chăng? Lại khiến cho nghiệp khổ được thọ quả vui chăng? Có thể khiến cho nghiệp không khổ không vui tạo tác mà chẳng thọ quả chăng? Có thể khiến cho hiện báo tạo tác sinh báo chăng? Có thể khiến cho sinh báo tạo tác hiện báo chăng? Có thể khiến cho hai báo này tạo tác vô báo chăng? Có thể khiến cho định báo tạo tác vô báo chăng? Có thể khiến cho vô báo tạo tác định báo chăng?” Người kia nếu lại nói rằng : “Thưa ông Cù Ðàm! Chẳng thể!” thì ta lại sẽ nói rằng : “Này ông! Như khổ ấy chẳng thể vì nhân duyên gì nên thọ khổ hạnh này thì ông phải biết nhất định có nghiệp quá khứ và nhân duyên hiện tại. Vậy nên ta nói rằng, nhân phiền não sinh ra nghiệp, nhân nghiệp thọ báo! Ông phải biết tất cả chúng sinh có nghiệp quá khứ, có nhân hiện tại. Chúng sinh tuy có nghiệp sống lâu (thọ nghiệp) quá khứ nhưng hiện tại cần phải nhờ vào nhân duyên ăn uống. Nàyông! Nếu nói chúng sinh thọ khổ thọ vui quyết định do nhân duyên nghiệp cũ quá khứ thì việc này chẳng đúng! Vì sao vậy? Này ông! Ví như có người vì vua trừ oán địch. Do nhân duyên này nên được nhiều của báu. Nhân của báu này mà họ hưởng thụ niềm vui hiện tại. Như vậy người này hiện tại tạo tác nhân duyên vui, hiện tại thụ hưởng quả báo vui. Ví như có người giết đứa con yêu của vua. Do nhân duyên này nên chết mất thân mạng. Như vậy người này hiện tại tạo tác nhân duyên khổ, hiện tại chịu quả báo khổ. Này ông! Tất cả chúng sinh hiện tại nhân vào bốn đại thời tiết, đất đai, nhân dân mà thọ khổ hay thọ vui. Vậy nên ta nói rằng, tất cả chúng sinh chẳng nhất định nhân hết vào nghiệp cũ quá khứ để thọ khổ hay vui vậy. Này ông! Nếu do sức nhân duyên đoạn trừ nghiệp nên được giải thoát thì tất cả thánh nhân chẳng được giải thoát. Vì sao vậy? Vì nghiệp cũ quá khứ của tất cả chúng sinh không đầu đuôi (thỉ chung) vậy. Vậy nên ta nói rằng, khi tu Thánh đạo thì đạo này có thể ngăn chận nghiệp không thỉ chung. Này ông! Nếu thọ khổ hạnh mà được đạo thì tất cả súc sinh đều nên đắc đạo. Vậy nên trước phải điều phục tâm mình, chẳng điều phục thân. Do nhân duyên này nên trong Kinh ta nói rằng, chặt phá rừng này, chớ chặt cây! Vì sao vậy? Vì từ rừng sinh ra sợ hãi, chớ chẳng từ cây sinh ra. Muốn điều phục thân thì trước phải điều phục tâm. Tâm dụ cho rừng, thân dụ cho cây!

Ông Tu Bạt Ðà bạch rằng :

– Thưa đức Thế Tôn! Con đã trước điều phục tâm!

Ðức Phật dạy rằng :

– Này thiện nam tử! Ông nay làm sao có thể trước điều phục tâm?

Ông Tu Bạt Ðà bạch rằng :

– Thưa đức Thế Tôn! Con trước suy nghĩ dục là vô thường, vô lạc, vô tịnh. Quán sắc tức là thường, lạc, thanh tịnh. Tác khởi sự quan sát đó rồi thì kết sử của Dục giới đoạn dứt, chứng được Sắc xứ. Vậy nên gọi là trước điều phục tâm. Lại nữa quan sát sắc : Sắc là vô thường như ung bướu, như ghẻ lở, như chất độc, như mũi tên thì thấy Vô sắc thường, thanh tịnh, tịch tịnh. Quan sát như vậy rồi thì kết sử của Sắc giới hết và được Vô sắc xứ. Vậy nên gọi là trước điều phục tâm. Tiếp đến lại quan sát tưởng tức là vô thường, ung bướu, ghẻ lớ, chất độc, mũi tên. Quan sát như vậy rồi thì chứng được Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Phi tưởng phi phi tưởng tức là Nhất Thiết Trí, tịch tịnh thanh tịnh, không có rơi rớt vào thường hằng chẳng biến đổi. Vậy nên con có thể điều phục tâm mình.

Ðức Phật dạy rằng :

– Này thiện nam tử! Ông làm sao có thể điều phục tâm vậy? Ông nay đã được Phi tưởng phi phi tưởng định còn gọi là tưởng mà Niết Bàn vô tưởng thì ông làm sao nói rằng, chứng được Niết Bàn? Này thiện nam tử! Ông trước đã có thể quở trách thô tưởng (ý tưởng thô to) thì nay làm sao ái trước tế tưởng (ý tưởng vi tế), chẳng biết quở trách Phi tưởng phi phi tưởng xứ nên gọi tưởng như như ung nhọt, như ghẻ lở, như chất độc, như mũi tên. Này thiện nam tử! Thầy của ông là Uất Ðầu Lam Phất, căn tính linh lợi, thông minh còn chẳng thể đoạn trừ Phi tưởng phi phi tưởng xứ như vậy mà phải thọ thân ác huống là những người còn lại ấy!

– Thưa đức Thế Tôn! Làm sao thể đoạn trừ tất cả các hữu?

Ðức Phật dạy rằng :

– Này thiện nam tử! Nếu quan sát thật tướng thì người này có thể đoạn tất cả hữu!

Ông Tu Bạt Ðà bạch rằng :

– Thưa đức Thế Tôn! Sao gọi là thật tướng?

– Này thiện nam tử! Tướng của vô tướng gọi là thật tướng.

– Thưa đức Thế Tôn! Sao gọi là tướng của vô tướng?

– Này thiện nam tử! tất cả pháp không có tự tướng, tha tướng và tự tha tướng, không tướng vô nhân, không tướng tác, không tướng thọ, không tướng tác giả, không tướng thọ giả, không tướng pháp phi pháp, không tướng nam nữ, không tướng sĩ phu, không tướng vi trần, không tướng thời tiết, không tướng vì mình, không tướng vì người khác, không tướng vì mình vì người, không tướng có, không tướng không, không tướng sinh, không tướng người sinh, không tướng nhân, không tướng nhân của nhân, không tướng quả, không tướng quả của quả, không tướng ngày đêm, không tướng sáng tối, không tướng thấy, không tướng người thấy, không tướng nghe, không tướng người nghe, không tướng giác tri, không tướng người giác tri, không tướng Bồ đề, không tướng người được Bồ đề, không tướng nghiệp, không tướng chủ nghiệp, không tướng phiền não, không tướng chủ phiền não. Này thiện nam tử! Những tướng như vậy tùy theo chỗ diệt thì gọi là tướng chân thật. Này thiện nam tử! Tất cả các pháp đều là hư giả, tùy theo chỗ diệt ấy thì đó gọi là thật. Ðó gọi là thật tướng. Ðó gọi là pháp giới, gọi là trí rốt ráo, gọi là Ðệ nhất nghĩa đế, gọi là Ðệ nhất nghĩa không. Này thiện nam tử! Tướng pháp giới, trí rốt ráo, Ðệ nhất nghĩa đế, Ðệ nhất nghĩa không này mà nếu kẻ hạ trí quan sát thì được Thanh Văn Bồ Ðề, người trung trí quan sát thì được Duyên Giác Bồ Ðề, bậc thượng trí quan sát thì được Vô Thượng Bồ Ðề.

Khi nói pháp này thì mười ngàn Bồ tát đươc Nhất Sinh Thật Tướng, một vạn năm ngàn Bồ tát được Nhị Sinh Pháp Giới, hai vạn năm ngàn Bồ tát được trí rốt ráo, ba vạn năm ngàn Bồ tát ngộ Ðệ nhất nghĩa đế. Ðệ nhất nghĩa đế này cũng gọi là Ðệ nhất nghĩa không, cũng gọi là Thủ Lăng Nghiêm tam muội. Bốn vạn năm ngàn Bồ tát được hư Không tam muội, cũng gọi là Quảng Ðại tam muội, cũng gọi là Trí Ấn tam muội. Năm vạn năm ngàn Bồ tát được Bất Thoái Nhẫn. Bất Thoái Nhẫn này cũng gọi là Như Pháp Nhẫn, cũng gọi là Như Pháp Giới. Sáu vạn năm ngàn Bồ tát được Ðà La Ni. Ðà la Ni này cũng gọi là Ðại niệm tâm cũng gọi là Vô Ngại Trí. Bảy vạn năm ngàn Bồ tát được Sư Tử Hống tam muội. Sư Tử Hống tam muội này cũng gọi là Kim Cương tam muội, cũng gọi là Ngũ Trí Ấn tam muội. Tám vạn năm ngàn Bồ tát được Bình Ðẳng tam muội. Bình Ðẳng tam muội này cũng gọi là Ðại từ Ðại Bi. Vô lượng hằng hà sa số chúng sinh phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Vô lượng hằng hà sa số chúng sinh phát tâm Duyên Giác. Vô lượng hằng hà sa số chúng sinh phát tâm Thanh Văn. con gái người, con gái trời hai vạn ức người hiện chuyển nữ thân được thân nam tử. Ông Tu Bạt Ðà La được quả A la hán.