PHẬT ĐIỂN PHỔ THÔNG
DẪN VÀO TUỆ GIÁC PHẬT
Nhiều tác giả
Chủ biên bản dịch Việt: LÊ MẠNH THÁT – TUỆ SỸ
Phiên dịch: Thích Hạnh Viên, Thích Nữ Khánh Năng, Thích Thanh Hòa, Pháp Hiền, Nguyễn Quốc Bình
Sản xuất & Ấn hành: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm, Thùy Duyên
PHẦN II
PHÁP
CHƯƠNG 6
ĐẠO TÍCH VÀ ĐẠO HÀNH (TT)
Trung Đạo
M.58 Nỗ lực không hoãn, không căng
Đoạn này chỉ ra một điểm đơn giản mà quan trọng cho tinh tấn (cf. *L.30).
Có một sa-môn, ban đêm tụng kinh, cảm thấy sầu muộn; ý có hối tiếc, muốn nghỉ về nhà. Phật gọi sa-môn đến mà hỏi rằng, ‘Khi ông tại gia, thường làm gì vui?’ Sa-môn ấy đáp, ‘Con thường chơi đàn.’ Phật nói, ‘Dây chùng thì sao?’ Thưa rằng, ‘Không kêu’. Phật hỏi, ‘Nếu căng?’ Thưa, ‘Đàn nghe chát.’- ‘Không chùng, không căng, thì sao?’ Thưa ‘Nghe êm, hòa.’
Phật dạy sa-môn: ‘Học đạo cũng vậy. Giữ tâm hài hòa, đạo có thể đắc.’
‘Sūtra of Forty-two Sections’/ Sishierzhang jing, section 33, Taishō vol.17, text 784, p.723c13–17, trans, D.S.
M.59 Hành không biên chấp
Đoạn này xem hành trung đạo là bị kẹt trong tâm phân biệt, cũng không phải tránh xa tâm phân biệt. Do vậy, bản chất của trung đạo không thể bị ghim chặt vào đâu.
Này Thiện Dũng Mãnh (Suvikrāntavikrāni), nói phân biệt (cấu trúc tâm lý) là một biên (cực đoan). Nói dị phân biệt là một biên (cực đoan) khác. Bồ-tát không hành theo biên (cực đoan) hay vô biên (không cực đoan). Nếu các Bồ-tát đều có sở hành nơi biên và vô biên, các Bồ-tát này cũng không thấy quãng giữa. Không thấy có giữa, thì đó là hành quãng giữa. Nếu hành quãng giữa, đó là hành theo một biên, không phải ở giữa có hành, có hiển, có thị, vì xa lìa các tướng.Trung đạo không phải là một cái gì để chấp thủ, được thấy và được làm cho hiển lộ.
Lại nữa, Thiện Dũng Mãnh, nên biết, nói rằng ‘giữa’, đó là Thánh Đạo tám chi. Như vậy, Thánh Đạo hoàn toàn không thể nắm bắt trong tất cả pháp nhưng vẫn hiện tiền, ngay trước mắt, không thể thấy được trong tất cả các pháp nhưng vẫn hiện tiền, ngay trước mắt.
Mahā-prajñāpāramitā Sūtra, Taishō vol. 7, text 220, p. 1092a25– b03, dịch Anh T.T.S. and D.S.
M.60 Thánh Đạo tám chi
Đoạn trích này cho thấy các chi của đạo khởi đầu từ chánh kiến – viễn kiến không chấp thủ nhìn thấy các pháp đều không tự tánh cố định.
Này Vô Biên Tuệ (Anantajñāna), ý nghĩa của Đạo và Đạo thanh tịnh là gì? Nói Đạo, đó là Thánh Đạo tám chi vậy, tức chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mệnh, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Chánh kiến là sự đoạn trừ thân kiến (satkāyadṛṣṭi: tát-ca-da kiến) vượt qua tất cả cảnh giới hành của kiến. Hết thảy kiến đều thành tịnh trong mọi trường hợp, liễu tri tất cả phân biệt, hoặc thắng phân biệt hoặc biến hành phân biệt, đều là không phân biệt, không có thắng phân biệt, không có biến hành phân biệt, không trụ tà tư duy, không đoạn tà tư duy.[1] Kiến-thấy chánh mạng, kiến-thấy chánh mạng tưởng, kiến-thấy mạng thanh tịnh, trụ thanh tịnh mạng, một cách như lý kiến-thấy thân nghiệp thanh tịnh, ngữ nghiệp thanh tịnh, ý nghiệp thanh tịnh, trụ nơi chánh nghiệp, chánh kiến ngữ nghiệp; thấy biết người nói nơi ngữ, bằng niệm thanh tịnh mà trụ nơi chánh niệm, chánh kiến, tam-muội (định); trong tam-muội không có nơi nào để y chỉ mà làm thanh tịnh kiến của tam-muội trụ nơi chánh định.
Này Vô Biên Tuệ, khi các Bồ-tát ma-ha-tát kiến – thấy như vậy, đạt được chánh kiến thanh tịnh trong mọi trạng huống và an trú trong đạo thanh tịnh. Đạo thanh tịnh này là sở hành của thiện sĩ. Đạo ấy được người trí tôn kính, được chư Thánh mến yêu và được chư Như Lai tán thán.
Varma-vyūha-nirdeśa, section 7 of the Mahā-ratnakūṭa Sūtra, Taishō vol.11, text 310, pp.120c29–121a16, dịch Anh T.T.S. and D.S.
M.61 Trung đạo tránh xa phân biệt nhị nguyên
Tu trung đạo quán chiếu nơi không có hai tướng, trí nhận thức đạo đế… Để biết rằng đạo (con đường) vốn không thể nắm bắt, bằng chánh trí quán sát tự tánh đều không, đó là trí nhận thức trung đạo.
Varma-vyūha-nirdeśa, section 7 of the Mahā-ratnakūṭa Sūtra, Taishō vol.11, text 310, pp.120c29–121a16, dịch Anh T.T.S. and D.S.
M.62 Duyên khởi và trung đạo I
Đoạn này y cứ trên quan điểm cho rằng duyên khởi có nghĩa là pháp không tồn tại cố định, bất biến, thực hữu, cũng không phải nhất thiết không tồn tại – các pháp này tạo thành dòng chảy sát-na diệt mà tự không thể bắt nắm. Hành trung đạo y cứ trên nhận thức trung đạo thực tướng này và không chấp thủ những gì mà tự tánh không phải như vậy..
Duyên khởi không phải hữu (tồn tại) hay vô (không tồn tại), không phải thực, cũng không phải hư.
Như vậy thể nhập trung đạo, được nói là không chấp trước.
Mahā-avataṃsaka Sūtra, Taishō vol.10, text 279, p. 316c21–22, dịch Anh T.T.S. and D.S.
M.63 Duyên khởi và trung đạo II
Đoạn này cho rằng, pháp hữu vi, duyên khởi thật là sâu xa (xem *Th.156ff, *M.130 và 138) không thể được nhận thức bằng những khái niệm và tư duy thế tục hay tư duy quy ước, bởi vì nó là vô tướng, đồng nhất với Niết-bàn. Mặc dù vậy, thiết thực để mô tả nó là tự tánh ‘trung đạo’ siêu việt những cực đoan hoàn toàn phi hữu và thực hữu (cf.*Th.168 và
*V.32). Các pháp trống rỗng không có biên tế, thế nhưng phàm phu không liễu tri điều này và luôn bám vào một trong hai quan điểm cực đoan về bản chất của thực tại.
Mọi pháp đều được nhiếp nhập trong duyên khởi; pháp được nhiếp nhập trong duyên khởi thì không hoặc giữa (trung) hoặc là bên (biên). Nếu pháp lìa ngôn thuyết, thế thì không có bất cứ pháp nào là khả đắc.
Này Vô Biên Trang Nghiêm (Anantavyūha), ông nay hãy quán sát, pháp vô sở hữu,[2] pháp không có biên, đó được gọi là trung đạo. Chỉ bằng phương tiện mà nói rằng, có giác tuệ thọ trì các pháp, thế nhưng, người trì pháp cũng bất khả đắc. Do vì, bất khả đắc, không thể nhận thức, cho nên không có ngôn thuyết.
Này Vô Biên Trang Nghiêm, các ông, những bậc trí giả, nên biết như vầy, tướng chân thật của tất cả pháp là không đến, không đi, không phân chia, không gián đoạn, không đồng nhất tánh, không dị biệt tánh, đến bờ kia cao nhất của hết thảy pháp. Không có bất cứ pháp nào mà không đến bờ kia. Đến bờ kia chính là Niết-bàn. Chân thật tướng của các pháp là Niết-bàn. Vì vậy, nên biết, là bất khả thuyết. Chỉ trừ thế tục mà nói là trung đạo. Trung đạo như vậy chính là con đường đưa tới Niết-bàn. Nhưng cũng không có Niết-bàn mà con đường ấy hướng đến. Nếu có Niết-bàn là định hướng mà con đường ấy dẫn đến, thế thì các pháp có đến có đi. Tự tánh của hết thảy pháp là bình đẳng. Vì vậy Niết-bàn không phải là nơi được hướng đến. Này Vô Biên Trang Nghiêm, đó gọi là trung đạo.
Thế nhưng, trung đạo đó cũng chính là phi trung đạo. Vì sao vậy? Vì trung đạo là không tăng, không giảm, không biên tế (không có cực đoan) và không chấp thủ. Nếu chư pháp là không biên tế, sao lại gọi là hữu biên? Các pháp là không có xứ sở, nên tự tánh của chúng là không biên tế. Chúng sanh phàm phu vì không thấy được điều này, cho nên nơi cái không tồn tại được chấp là nơi có biên tế. Do vì thấy có biên tế, nên không đạt được giải thoát, bởi vì trong chân thật thì không có xứ sở.
Này Vô Biên Trang Nghiêm, ông hãy quán sát Như Lai bằng giác tuệ quyết định của phương tiện mới có thể nói về trung đạo như vậy.
Ananta-mukha-pariśodhana-nirdeśa, section 2 of the Mahā- ratnakūṭa Sūtra, Taishō vol.11, text 310,pp.29c15–30a04, dịch Anh T.T.S. and D.S.
Bồ-tát đạo cao hơn Thanh Văn và Độc Giác
Về Thanh Văn và Độc Giác, xin xem *Th I.6 trong phần Thượng tọa bộ.
M.64 Bồ-tát đạo tối thắng
Đoạn trích thứ nhất khẳng định rằng, Bồ-tát đạo là con đường tối thắng. Phật tử lý tưởng không chọn con dường nào tương đối ngắn hơn, của Thanh văn hay Độc Giác, mà vì đại bi, chọn con đường rất dài nhắm thành tựu Phật quả, trải qua vô số kiếp lưu lại trong sinh tử luân hồi để cứu giúp chúng sinh, đồng thời tu tập các công đức cần thiết để thành Phật quả. Đoạn thứ hai giải thích rằng, những vị đạt tới địa thứ sáu trong mười địa của Bồ-tát và những ai dẫu chưa đạt tới chánh đẳng chánh giác, thì vẫn cao hơn các thánh giả Thanh Văn (A-la-hán) và Độc giác.
Này thiện nam tử, có ba Pháp, hạ, trung và thượng. Hạ, là Thanh Văn.[3] Trung, là Độc Giác. Thượng, là Phật.… Này thiện nam tử, nếu Bồ-tát đạt được pháp thuộc giải thoát phần, vị ấy không bao giờ tạo các nghiệp cầu sanh dục giới, sắc giới và vô sắc giới, mà thường phát nguyện sanh vào nơi đâu chỉ vì lợi lạc chúng sinh. Nếu như vị ấy biết chắc nghiệp của mình sẽ dẫn đến tái sinh về cõi trời, liền hồi chuyển nghiệp này cầu sanh trong loài người. Nghiệp, ở đây là bố thí, trì giới và tu định.
Thanh văn nào tu đắc giải thoát phần, vị ấy sẽ không quá ba lần thọ thân (ba đời) thì đạt giải thoát hoàn toàn. Độc Giác cũng vậy.
Bồ-tát ma-ha-tát mà đạt được giải thoát phần, tuy phải trải qua vô lượng thân, trung gian thường không thoái chuyển, vượt lên hết thảy Thanh Văn, Độc Giác.
Thiện Sinh (Singalaka) bạch Thế Tôn, ‘Chúng sinh làm sao phát tâm bồ-đề?’ Phật dạy, ‘Này thiện nam tử, do hai sự phát tâm bồ-đề… Một là, quán sát rằng, một người trú ở địa thứ sáu của Bồ-tát, dù có thể chuyển tâm nhưng vẫn vượt trên tất cả các Thanh Văn và Độc Giác. Hai là, tinh tấn cầu quả vô thượng.
Upāsaka-śīla Sūtra, Taishō vol.24, text 1488, ch.4, p.1037b09–10,
14–21, and ch.2, p.1035b18–23, dịch Anh T.T.S. and D.S.
M.65 Tuệ siêu việt của Chánh đẳng giác
Này thiện nam tử, Như Lai có trí nhận thức duyên khởi viên mãn. Thanh Văn và Bích-chi-phật tuy cũng có nhận thức bốn Thánh Đế, thế nhưng trí duyên khởi không trọn vẹn, vì vậy không được gọi là Phật. … Thanh Văn và Bích-chi-phật này tuy đã đoạn trừ phiền não, nhưng chưa đoạn tập khí của phiền não. Như Lai đã nhổ sạch gốc rễ tập khí của tất cả phiền não, do vậy gọi là Phật.
Upāsaka-śīla Sūtra, Taishō vol.24, text 1488, ch. 5, p.1038b, dịch Anh T.T.S. and D.S.
M.66 Chỉ có chư Phật mới tận diệt vô minh và chứng nghiệm Niết-bàn toàn diện
Trong đoạn này, Thắng Man phu nhân nêu pháp Đại thừa rằng chỉ vị Chánh đẳng chánh giác mới hoàn mãn các công việc chuyển hóa tinh thần.
Bạch Thế Tôn, A-la-hán, Bích-chi-phật và Bồ-tát tối hậu thân bị che lấp và trở ngại bởi vô minh trụ địa cho nên đối với pháp này pháp kia không biết, không thấy. Vì không biết và không thấy cho nên những gì cần đoạn trừ thì không được đoạn trừ, không được rốt ráo. Do không đoạn trừ nên nói là giải thoát với khuyết điểm còn tàn dư, không phải là giải thoát với sự dứt lìa hết thảy khuyết điểm; gọi là thanh tịnh hữu dư chứ không phải là thanh tịnh tất cả; gọi là thành tựu công đức hữu dư chứ không phải là công đức tất cả. Vì thành tựu giải thoát hữu dư, thanh tịnh hữu dư, công đức hữu dư cho nên biết khổ hữu dư, đoạn tập hữu dư, chứng diệt hữu dư, tu đạo hữu dư. Đó gọi là đạt được một phần Niết-bàn.
Đạt được một phần Niết-bàn, gọi là hướng Niết-bàn giới. Nếu biết hết thảy khổ, đoạn hết thảy tập, chứng hết thảy diệt, tu hết thảy đạo, đối với thế gian vô thường bại hoại, đối với thế gian vô thường bịnh hoạn mà chứng đắc thường trụ Niết- bàn; đối với thế gian không được che chở, không nương tựa mà che chở và làm nơi nương tựa. Vì sao? Vì pháp không có hơn kém mà chứng đắc Niết-bàn; vì trí tuệ bình đẳng mà chứng đắc Niết-bàn; vì giải thoát bình đẳng mà chứng đắc Niết-bàn; vì thanh tịnh bình đẳng mà chứng đắc Niết-bàn. Cho nên Niết-bàn chỉ có một vị, vị bình đẳng, gọi là vị giải thoát.
Śrīmālādevī-siṃhanāda Sūtra, Taishō vol.12, text 353, ch.5, p.220a25-b10; cf. Taishō vol. 11, text 310, p.675c08–18, dịch Anh T.T.S. and D.S.
M.67 Bồ-tát hành hoạt không mệt mỏi trong luân hồi, nhưng vẫn không rời Niết-bàn
Trong đoạn này, đức Phật nói với các Bồ-tát đến từ những thế giới khác tường tận Bồ-tát hành không mỏi mệt trong thế giới hữu vi, quán sát các công đức vô vi, Niết-bàn, nhưng không cho phép mình rời xa thế giới luân hồi hữu vi. Đây là trạng thái mà đôi khi được gọi là ‘vô trụ Niết-bàn’. (apratiṣṭhita-nirvāṇa).
Đức Thế Tôn nói, ‘Này thiện gia nam tử, có môn giải thoát của Bồ-tát, gọi là “tận-vô tận”, các ông nên học tập trong đó. Đó là những gì? “Tận” được nói là hữu vi; “vô tận” là vô vi. Bồ-tát không đoạn tận hữu vi, nhưng cũng không trụ trong vô vi.
Trong đây, không đoạn tận hữu vi không thối đại từ, không xả đại bi; không lãng quên tâm nhất thiết trí xác lập trên ý chí hướng thượng (tăng thượng ý lạc); không mệt mỏi trong các sự nghiệp thuần thục chúng sinh; không từ bỏ các nhiếp sự; xả bỏ thân mạng để nhiếp hộ chánh pháp; không thỏa mãn trong các thiện căn; an trụ thiện xả hồi hướng; cầu học pháp không giải đãi; không nắm tay giấu kín khi thuyết pháp; nhiệt thành chiêm bái, cúng dường các Như Lai; không sợ hãi quyết tâm thọ nhận sinh tử; thịnh không kiêu, suy không nản; không khinh thường những người không học; yêu thương người có học như yêu kính thầy; dẫn tiếp thọ như lý những ai nhuốm đầy phiền não; không đắm mình trong những vui thú viễn ly, không tầm cầu an lạc cho riêng mình mà chuyên tâm vì lợi ích cho người; xem tĩnh lự (dhyāna), đẳng trì (samādhi), đẳng chí (samāpatti) như địa ngục A-tỳ (Avīci); xem luân hồi như cung điện thượng uyển; [4] xem những người hành khất như thiện tri thức; xem xả bỏ sở hữu riêng mình như sung mãn nhất thiết trí; xem người phạm giới như những người giải thoát mình; xem những ba-la-mật như cha– mẹ; các pháp bồ-đề phần như những quyến thuộc; tích tập tư lương tất cả thiện căn mà không thấy đủ; thành tựu quốc độ của mình có những công đức của quốc độ hết thảy chư Phật; thiết đại thí hội mở rộng (vô già đại thí hội) để thành tựu các tưởng và tùy hình hảo; không tạo tác tất cả ác hành để trang nghiêm thân, ngữ, ý; lưu chuyển sinh tử trong vô số kiếp để thanh tịnh thân, ngữ, thanh tịnh tâm ý; với tâm dũng mãnh không giải đãi lắng nghe vô lượng công đức của chư Phật; cầm gươm trí đánh bại các kẻ thù phiền não; biến tri uẩn, xứ giới để nâng gánh nặng của hết thảy chúng sanh; nhiệt hành tinh tấn để hàng phục các đội quân Ma; lìa kiêu mạn để cầu cầu các pháp, thiểu dục tri túc để nhiếp hộ chánh pháp, cần cầu trí tuệ; không vướng mắc hết thảy các pháp thế gian để thương yêu tất cả thế gian; tùy thuận thế gian mà không hoại oai nghi; phát khởi thần thông để thị hiện hết thảy sự nghiệp; trí tuệ ức niệm tổng trì[5] để thọ trì tất cả những gì được nghe; biết các căn cao thấp để đoạn trừ nghi hoặc của hết thảy chúng sanh; chứng đắc vô ngại biện, biện tài không chướng ngại, để thuyết giảng các pháp, gia trì không ngưng trệ; thanh tịnh mười thiện nghiệp để thọ hưởng vinh quang thiên giới và loài người; phát khởi bốn vô lượng[6] an lập Phạm đạo; tán thán, tùy hỷ, thỉnh thuyết pháp để sở đắc âm thanh Phật; không bị vướng mắc hết thảy pháp, tu ba nghiệp thù thắng, để có được oai nghi cử chỉ của chư Phật; tập hợp Bồ-tát Tăng để khuyến hóa Đại thừa; không phóng dật để không làm tiêu mất hết thảy công đức.
Này thiện gia nam tử, có thắng giải trong các pháp này như vậy Bồ-tát không đoạn tận hữu vị.
Thế nào là không trụ vô vi? Bồ-tát tu Không tánh, [7]mà không chứng Không tánh; tu Vô tướng mà không chứng Vô tướng; tu Vô nguyện mà không chứng Vô nguyện;[8] tu vô tác hành mà không chứng vô tác hành; quán vô thường mà không nhàm chán thiện căn; quán khổ nhưng cố ý thọ sanh tử; quán vô ngã nhưng không xả tự thân; quán tịch tĩnh nhưng không phát khởi cứu cánh tịch tĩnh; quán viễn ly, nhưng thân tâm sách tấn; quán không chấp tàng mà không bỏ tích chứa các pháp bạch tịnh; quán vô chấp nhưng mang gánh nặng và chấp thọ của các chúng sanh; quán vô lậu nhưng thường xuyên lưu chuyển sanh tử; quán vô hành nhưng du hành để thuần thục chúng sanh; quán vô ngã nhưng không xả đại bi đối với chúng sanh; quán vô sanh, nhưng không rơi và trong chánh vị của Thanh văn;[9] quán cái này là rỗng không nhưng phước không rỗng không; cái này là vô dụng, nhưng trí không vô dụng; cái này là không chắc thật, nhưng thành mãn tư duy; cái này là không chủ tể, nhưng nhiệm mạng tự nhiên trí; cái này là không sở y nhưng tinh cần liễu giải tự nhiên trí, an trụ chủng tánh Phật.
Như vậy, này các thiện nam tử, thắng giải các pháp như vậy, Bồ-tát không trụ vô vi, không tận hữu vi.
Vimalakīrti-nirdeśa Sūtra, ch.10, sections 16–18, dịch Anh from Sanskrit by D.S.
Thầy dạy Đạo
M.68 Chuyển hóa bản thân– Thiện tri thức
Đoạn này Bồ-tát cảnh giác cần tránh những việc ác mang lại khổ trong tương lai.
Phật bảo Diêm-la thiên tử (Yama)[10] rằng, ‘Chúng sinh trong châu nam Diêm phù này tánh tình ương ngạnh ngoan cố, khó huấn luyện, khó khuất phục. Vị Đại Bồ-tát ấy trải qua trăm ngàn kiếp cứu vớt chúng sanh như vậy sớm được giải thoát. Những kẻ phạm nhiều tội ác ấy, cho đến đọa vào ba nẻo khổ, Bồ-tát bằng lực phương tiện cứu thoát ra khỏi căn bản nghiệp duyên, khiến cho tỏ ngộ sự việc đang làm trong đời trước.
Chỉ vì chúng sinh trong cõi này, đã kết tập ác nghiệp sâu dày, đã thoát ra rồi lại đọa vào, khiến cho Bồ-tát phải lao nhọc trải qua vô số kiếp mới cứu chúng ra khỏi.
Như những người lạc mất quê nhà, nhầm vào đường hiểm; trong đường hiểm ấy có rất nhiều dạ-xoa (Yakṣa),[11] cọp, sói, sư tử, trăn, rắn độc, bò cạp. Kẻ bị lầm đường lạc vào đường hiểm thì chỉ thoáng chốc sẽ gặp phải độc hại. Bấy giờ, có một người quen biết nhiều pháp thuật, rành cấm chú trị độc, cho đến dạ-xoa, ác thú các thứ; chợt thấy kẻ lạc đường sắp sửa đi vào đường hiểm, liền nói rằng,“Ôi, này bạn, chuyện gì mà đi vào đường hiểm? Bạn có thuật lạ gì để ngăn được các thứ độc hại?” Người lạc đường bỗng nghe nói vậy, mới biết đây là đường hiểm, tức thì bước lui, muốn ra khỏi đường này. Người quen tốt bụng kia bèn nắm tay dẫn ra khỏi đường hiểm, tránh các thứ độc hại, đi đến đường chính khiến cho được an lành; rồi bảo: “Này ông bạn lạc đường, từ nay về sau, chớ đi lối đó nữa. Con đường này mà đã lạc vào thật khó thoát ra, mà lại mất mạng.”
Kẻ lạc đường, giờ rất cảm động. Khi từ biệt, người quen kia lại bảo: ‘Nếu có gặp người quen biết hoặc người đi đường, bất luận nam hay nữ, bất kỳ người đi đường nào khác, nam hay nữ, hãy báo cho biết, con đường này có nhiều hiểm độc, khiến cho tan thây mất mạng đấy. Chớ để mọi người tự tìm cái chết.” Cũng vậy, Địa Tạng (Kṣṭigarbha) Bồ-tát với tâm đại từ bi, cứu vớt chúng sinh tội khổ, khiến cho họ được sinh vào giữa chư thiên, loài người, thọ hưởng khoái lạc.
Các chúng sanh tội khổ ấy biết rõ khổ do các nghiệp đạo, đã được giải thoát xuất ly vĩnh viễn sẽ không bao giờ lặp lại, như kẻ lạc đường kia đi lầm vào đường hiểm, may gặp thiện tri thức, dẫn dắt ra khỏi, rồi khi gặp người khác, sẽ khuyên không nên đi vào lối ấy, bảo rằng, “Do bởi lầm đường, nhưng nay được thoát khỏi rồi, tuyệt không vào đấy nữa.” Nếu lại lạc vào lần nữa, do bởi còn mê lầm, quên mất đường hiểm mà trước đã lạc vào, có nguy cơ mất mạng.
Như rơi vào các nẻo dữ, Bồ-tát Địa Tạng, bằng lực phương tiện, cứu thoát khiến được sinh vào giữa chư thiên, loài người. Nếu lại đọa vào đó nữa, bị nghiệp trói buộc nặng nề, ở trong địa ngục lâu dài, khó mong ngày thoát khỏi.’
Kṣitigarbha Bodhisattva Pūrva-praṇidhāna Sūtra, Taishō vol.13, text 412, ch.8, pp.784c28–785a27, dịch Anh D.S.
M.69 Lợi lạc khi có bạn có trí và đức
Những đoạn dưới đây trích từ kinh Hoa nghiêm, thuật chuyện Thiện Tài (Sudhana), cầu học với thiện tri thức thuộc các lĩnh vực khác nhau.
[3. Văn-thù-sư-lợi nói:] Lúc bấy giờ, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi sau khi nói lên những kệ tụng như vậy rồi, bảo Thiện Tài (Sudhana): ‘Lành thay, thiện nam tử, ngươi đã phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác, cầu Bồ-tát hành. Này thiện nam tử, nếu có chúng sanh nào phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác, điều này rất khó có. Đã phát tâm rồi, lại cầu học Bồ-tát hành, lại khó gấp bội. Thiện nam tử, nếu muốn cầu nhất thiết trí, phát quyết định tầm cầu thiện trí thức chân thật. Thiện nam tử, cầu thiện tri thức, chớ sanh giải đãi, chớ sanh nhàm chán, phải nên tùy thuận những điều thiện tri thức giáo, không tìm lỗi trong phương tiện thiện xảo của thiện tri thức
[5. Hải Vân (Sāramegha) nói]: Bấy giờ, Thiện Tài đồng tử đã được thiện tri thức khuyến giáo, tùy thuận thiện tri thức giáo giới, ghi nhớ những lời của thiện tri thức, trân trọng thiện tri thức, “Nhờ thiện trị thức mà tôi được phước đức có thể gặp Phật. Nhờ thiện tri thức mà tôi được nghe pháp. Thiện tri thức là vị Thầy tôn kính của tôi, vì thiện trị thức chỉ đường ta thâm nhập Phật. Thiện tri thức là đôi mắt trong sáng của tôi, vì nhờ thiện tri thức mà tôi có thể thấy được chư Phật đầy khắp hư không. Thiện tri thức là giai đạo dẫn ta đi đến ao sen của chư Như Lai.”
Gaṇḍavyūha Sūtra, Taishō vol.10, text 279, p.334a1-9, dịch Anh T.T.S. and D.S.
M.70 Thiện tri thức của Bồ-tát: Phật, đại Bồ-tát và các ba-la-mật
Bấy giờ Thế Tôn lại nói với Tu-bồ-đề, ‘Tu-bồ-đề, Bồ-tát ma- ha-tát, người mà phát khởi tâm kiên cố để đắc Chánh đẳng chánh giác, trước tiên cần phải phụng sự, tôn trọng và kính ngưỡng các thiện tri thức.
Tu-bồ-đề nói, ‘Thế Tôn, những ai là thiện tri thức của Bồ- tát?’ Thế Tôn bảo Tu-bồ-đề, ‘Này Tu-bồ-đề, chư Phật Thế Tôn, chư Bồ-tát ma-ha-tát, những vị đã thiện xảo trong Bồ-tát đạo, giáo giới và khuyến tấn trong các ba-la-mật, và là người diễn giải trí tuệ ba-la-mật – Này Tu-bồ-đề, những vị ấy đều là thiện tri thức của Bồ-tát ma-ha-tát. Này Tu-bồ-đề, trí tuệ ba- la-mật là thiện tri thức của Bồ-tát ma-ha-tát. Thật thế, Tu-bồ- đề, tất cả sáu ba-la-mật[12] đều là thiện tri thức của Bồ-tát ma- ha-tát. Sáu ba-la-mật này là đạo sư của Bồ-tát… thánh đạo của Bồ-tát… quán kiến của Bồ-tát… ngọn đuốc của Bồ-tát… ánh sáng của vị ấy… nơi che chở của Bồ-tát… nơi quy y của Bồ-tát… sở y của Bồ-tát… cứu hộ của Bồ-tát… hòn đảo của Bồ-tát… mẹ của Bồ-tát… cha của Bồ-tát. Sáu ba-la-mật này đưa Bồ-tát đến trí, đến tuệ, đến vô thượng bồ-đề.
Aṣṭasāhasrika Prajñāpāramitā Sūtra,ch.22, dịch Anh from Sanskrit by D.S.
Tu tập bồ-đề tâm (bodhi-citta)
Trong Đại thừa, phát khởi bồ-đề tâm, tâm hướng tới chứng đắc giác ngộ (bodhi) của Phật chánh đẳng giác, được xem như là một sự kiện tiềm năng và uyên áo, có thể chuyển hóa một người và tiếp sinh lực cho những hành động từ bi và mang họ đến gần Phật quả (xem thêm *V.33-9). Trong nghĩa sâu hơn, tâm bồ-đề cũng chính là giác tâm: tâm bồ-đề ‘chân đế’, thay vì ‘tục đế’.
M.71 Những lý do để tu tập tâm bồ-đề
[Bồ-tát Phổ Hiền (Samantabhadra) bảo Bồ-tát Phổ Tuệ (Samantamati) và hội chúng Bồ-tát rằng:] ‘Này chư Phật tử, Bồ-tát ma-ha-tát có mười nhân duyên phát tâm bồ-đề. Những gì là mười? Vì để giáo hóa điều phục tất cả chúng sinh; để trừ diệt tất cả khối khổ cho chúng sinh; để ban an bình cho tất cả chúng sinh; để dứt sự ngu si của tất cả chúng sinh; để dẫn dắt chúng sinh đến Phật trí; để phụng sự và kính lễ tất cả chư Phật; để tùy thuận Như Lai giáo khiến Phật hoan hỷ; để thấy sắc thân tướng hảo của chư Phật; để thâm nhập trí tuệ rộng lớn của tất cả chư Phật; để hiển hiện lực vô úy của Phật.’
Avataṃsaka Sūtra, Taishō vol.10, text 279, p.282b6–15, dịch Anh T.T.S. and D.S. & T.N.K.N.
Bồ-tát Pháp Tuệ (Dharmamati) nói với Thiên đế (Indra): ‘Này Phật tử, khi chư Bồ-tát sơ phát bồ-đề tâm,… không chỉ giáo hóa chừng ấy chúng sanh khiến tu năm giới và mười thiện nghiệp đạo, chỉ dạy an trú bốn thiền, bốn vô lượng tâm, và bốn định vô sắc, chỉ dạy chứng đắc Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc Giác. Không chỉ vì chứng ấy mà phát bồ-đề tâm.
Bồ-tát phát bồ-đề tâm vì để chủng tánh của Như Lai không đoạn tuyệt, vì để sung mãn khắp tất cả thế giới, vì để độ thoát hết thảy chúng sinh trong tất cả thế giới, vì để biết rõ thành hoại của tất cả thế giới, vì để biết rõ cấu nhiễm và thanh tịnh của chúng sinh trong tất cả thế giới, vì để biết rõ tự tánh thanh tịnh của tất cả thế giới, vì để biết rõ sở thích, phiền não, tập khí của tất cả chúng sinh, vì để biết rõ sự chết đây sinh kia của tất cả chúng sinh, vì để biết rõ căn tánh phương tiện của tất cả chúng sinh, vì để trí biết rõ tâm hành của tất cả chúng sinh, vì để trí biết rõ trí tuệ nhận thức ba đời của tất cả chúng sinh, vì để biết rõ cảnh giới bình đẳng của tất cả Phật mà phát tâm vô thượng bồ-đề.
Avataṃsaka Sūtra, Taishō vol.10, text 279, p. 89b1–19, dịch Anh T.T.S. and D.S.
M.72 Hỗ trợ phát tâm bồ-đề
Này thiện nam tử, có năm điều khiến một người phát tâm bồ- đề. Thứ nhất là gần gũi thiện tri thức. Thứ hai là đoạn trừ sân hận. Thứ ba là vâng lời chỉ dạy của những người thầy. Thứ tư là tu tập tâm bi. Thứ năm là tu tập tinh tấn.
Lại có năm điều khiến một người phát tâm bồ-đề. Thứ nhất là không thấy lỗi của kẻ khác. Thứ hai là tuy thấy lỗi của kẻ khác, nhưng không thoái chí. Thứ ba là tâm không kiêu mạn khi làm các thiện pháp. Thứ tư là không đố kỵ với những thiện nghiệp của người khác. Thứ năm là xem mỗi chúng sanh như con một.
Upāsaka-śīla Sūtra, Taishō vol.24, text 1488, ch.2, p.1035c08–13, dịch Anh T.T.S. and D.S.
M.73 Nhân duyên Bồ-tát phát khởi tâm bi
Này thiện nam tử, người trí thấy rõ tất cả chúng sanh bị đắm chìm trong biển khổ sanh tử. Vì điều này, vị ấy phát khởi tâm bi đối với họ.… Dù vị ấy thấy chúng sanh tuy có nhiều oán độc nhưng vẫn đối với họ như là người thân. Vì điều này, vị ấy phát khởi tâm bi đối với họ.Vị ấy thấy chúng sanh đi lệch chánh đạo, vì không có người chỉ dẫn. Vì điều này, vị ấy phát khởi tâm bi đối với họ. Vị ấy thấy chúng sanh ngụp lặn trong vũng bùn ngũ dục, nhưng vẫn buông lung và không thể thoát ra. Vì điều này, vị ấy phát khởi tâm bi đối với họ.Vị ấy thấy chúng sanh thường bị ràng buộc bởi tài vật, vợ con, không thể xa lìa. Vì điều này, vị ấy phát khởi tâm bi đối với họ.… Vị ấy thấy chúng sanh vui thích trong sanh hữu, dù mình vẫn bị khổ đau bởi những phiền não nhiễm ô. Vì điều này, vị ấy phát khởi tâm bi đối với họ.…Vị ấy thấy chúng sanh khao khát hạnh phúc mà không tạo được nhân hạnh phúc cho mình, và dù họ không muốn đau khổ mà vẫn tạo nhân đau khổ cho mình…Vì điều này, vị ấy phát khởi tâm bi đối với họ.
Upāsaka-śīla Sūtra, Taishō vol.24, text 1488, ch.3, p. 1036a11–26, dịch Anh T.T.S. and D.S.
M.74 Bi nguyện của Bồ-tát
Duy-ma-cật (Vimalakīrti) đáp, ‘Này thiện nam tử, Bồ-tát thành tựu tám pháp được an lành chết từ thế giới Sa-bà này sanh vào quốc độ của Phật. Tám pháp này là gì? Bồ-tát nên nghĩ như vầy: “Ta hãy làm lợi ích chúng sinh mà không cầu báo đáp. Ta hãy chịu thay chúng sinh hết thảy khổ não, và hồi hướng thiện căn[13] đã làm cho chúng sinh. Ta không được có tâm sân hại đối với bất kỳ chúng sanh nào. Ta nên yêu quý tất cả Bồ-tát như học trò đối với thầy. Ta không nên trái nghịch với bất kỳ pháp nào, dù trước đây đã nghe hay chưa. Ta không ganh tị với những sở đắc thành tựu của người khác, mà quán chiếu tâm tăng thượng mạn với những sở đắc của chính mình. Ta phải tự xét lỗi mình, không nêu lỗi của người. Ta phải vui không phóng dật, cầu thành tựu mọi công đức.”…’
Vimalakīrti-nirdeśa Sūtra, ch.9, section 18, dịch Anh from Sanskrit by D.S.& T.N.K.N.
M.75 Thệ nguyện bi tâm của Bồ-tát
Đoạn này là một phác họa gợi hình Bồ-tát nhiệt tâm mong cứu độ chúng sanh.
Trong kinh Kim Cang Tràng (Phật) nói rằng, ‘…Bồ-tát ma- ha-tát với trí vô phân biệt chánh niệm chánh tri,… (nghĩ rằng), “… khối khổ uẩn của tất cả chúng sanh,… tất cả, ta đã thay thế khi sanh vào địa ngục,[14] và các ác đạo. Nguyện cho tất cả chúng sanh có thể thoát khỏi những nơi đó. Ta nguyện tự mình mang gánh nặng khổ đau,[15] quyết định thọ nhận. Ta chẳng thoái lui. Ta chẳng lẩn trốn. Ta chẳng kinh sợ. Ta chẳng động loạn. Ta chẳng kinh hãi. Ta chẳng thoái lui. Ta chẳng thối chí.
Vì sao vậy? Bởi vì ta phải cất đi gánh nặng của tất cả chúng sanh. Điều này không phải là để thỏa mãn ước muốn của mình, mà là thệ nguyện cứu thoát tất cả chúng sanh. Ta phải giải thoát tất cả chúng sanh. Ta phải cứu hộ tất cả thế gian thoát khỏi tai nạn bởi sanh, già… bệnh… tái sanh… tội quả … khổ não… luân hồi… rừng rậm tà kiến… mất các công đức thiện phẩm, và nạn sanh bởi vô trí. Ta phải giải thoát tất cả chúng sanh khỏi những nạn này. Chúng bị vướng mắc trong lưới ái dục, bị bao phủ bởi vô minh, bị trói buộc bởi kết phược của hữu, lệ thuộc chết, bị ném vào trong lồng khổ, ngục tù mà không cầu thoát ly, ngu dốt, ước nguyện không tin tưởng, đầy hoài nghi do dự, luôn không hài lòng, thường xuyên không như ý, không có nơi nương tựa an ổn, kinh sợ, một mực xoay vần trong biển hữu…[16] Ta cần phải an lập cảnh giới vô thượng trí cho tất cả chúng sanh. Ta không cố ý giải thoát cho riêng mình. Bằng chiếc bè của tâm hướng về nhất thiết trí, ta phải kéo tất cả chúng sanh khỏi các ác đạo luân hồi. Ta phải cứu vớt chúng sanh lên khỏi vực thẳm. Ta phải giải thoát chúng sanh khỏi tất cả khổ não. Ta phải đưa chúng vượt qua con sông luân hồi. Ta phải nhận lấy khổ uẩn của tất cả chúng sanh vào mình. Ta dũng mãnh để ôm hết tất cả khổ đau nằm trong tất các ác đạo trong vô biên thế giới. Ta sẽ không dối gạt chúng sanh nào khiến mất hết thiện căn. Ta quyết định thọ nhận mọi khổ não trong vô số kiếp. Ta sẽ chịu từng nỗi khổ não trong từng mỗi thế giới hệ, để giải thoát tất cả chúng sanh.
Vì sao vậy? Thà ta một mình lãnh thọ khổ, không để tất cả chúng sanh này rơi vào khổ não. Ta phải tự mình chịu trói buộc, để cho cả thế gian phải được cứu thoát khỏi các nạn địa ngục, súc sanh, và Diệm-la (Yama)[17] giới. Ta phải ôm tất cả toàn bộ khối khổ thọ bằng chính thân mình, vì lợi ích của tất cả chúng sanh.[18] Để cứu độ tất cả chúng sanh, ta phải cùng bình đẳng với chúng sanh. Ta phải trung thực, nói lời chân thật, nói lời đưa đến khiến hòa hợp.
Vì sao vậy? Bởi vì tu tập tâm hướng đến nhất thiết trí là y vào tất cả chúng sanh, và ta phải giải thoát tất cả thế gian. Ta không phát tâm vô thượng chánh đẳng bồ-đề để hoan hỷ trong các dục lạc… Vì sao vậy? Bởi vì lạc của thế gian không phải là lạc. Tham đắm dục lạc là tham đắm Ác Ma (Māra).”’ Śikṣā-samuccaya of Śāntideva, ch. 16, dịch Anh from Sanskrit by D.S.
M.76 Trí tuệ, từ bi của Bồ-tát nhắm cứu độ chúng sanh
Đoạn này xem trí tuệ phát khởi từ tâm từ và bi của Bồ-tát. Thế Tôn nói rằng, ‘Này Tu-bồ-đề (Subhūti), nếu tất cả chúng sanh trên thế giới này bỗng nhiên có được thân người, phát tâm vô thượng bồ-đề, duy trì tâm ấy suốt đời, và kính lễ, kính trọng, tôn kính, tôn trọng, và tán dương chư Như Lai suốt đời, rồi bố thí cho tất cả chúng sanh và hồi hướng công đức bố thí đó đến vô thượng bồ-đề, này Tu-bồ-đề, ông có nghĩ rằng, bằng việc làm như vậy, những Bồ-tát ma-ha-tát đó tạo nên công đức lớn không?’ Tu-bồ-đề đáp, ‘Vâng, bạch Thế Tôn, các vị ấy sẽ tạo nên công đức lớn, bạch đức Thiện Thệ.’ Thế Tôn nói, ‘Này Tu-bồ-đề, thiện nam tử, thiện nữ nhân là Bồ-tát ma-ha-tát, an trú tâm với trí tuệ ba-la-mật dù chỉ một ngày, thậm chí còn tạo nên nhiều công đức hơn. Vì sao vậy? Này Tu-bồ-đề, bởi vì bất cứ khi nào Bồ-tát ma-ha-tát an trú tâm với trí tuệ ba-la-mật trong một ngày đêm, thì vị ấy cũng xứng đáng được tất cả chúng sanh tôn kính. Vì sao vậy? Bởi vì không có chúng sanh nào khác có tâm đầy bi tâm như tâm của vị Bồ-tát ma-ha-tát đó, ngoại trừ chư Phật Thế Tôn. Vì sao vậy? Này Tu-bồ-đề, bởi vì chư Như Lai là không ai sánh bằng.
Này Tu-bồ-đề, chư Như Lai là vô song. Này Tu-bồ-đề, các phẩm tánh của chư Như Lai, A-la-hán, Chánh đẳng chánh giác thì không thể nghĩ bàn.
Này Tu-bồ-đề, làm sao thiện nam tử, thiện nữ nhân tạo ra được nhiều công đức như vậy? Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát ma-ha- tát bằng phương tiện trí tuệ mà mình có, nhìn thấy tất cả chúng sanh đi lần đến cái chết. Vì vậy mà Bồ-tát rung động bởi đại bi. Với thiên nhãn của mình, Bồ-tát thấy tường tận vô lượng, không thể tính đếm, bất khả thuyết, vô số chúng sanh có nghiệp cho quả ngay tức thời: những chúng sanh bị sanh vào những cảnh giới xấu, bị hủy hoại, bị vướng mắc trong lưới tà kiến, không vươn đến thánh đạo. Bồ-tát nhìn thấy những chúng sanh khác bị sanh vào những cảnh giới thiện, nhưng rồi lại mất. Khi nhìn thấy điều này, Bồ-tát thâm cảm sâu sắc.
Bồ-tát trải rộng tâm đại từ, đại bi với tất cả chúng sanh đó, và chú tâm vào đó nghĩ rằng, “Tôi sẽ là người cứu hộ cho những chúng sanh này. Tôi sẽ giải thoát cho tất cả chúng sanh này ra khỏi khổ đau.” Dù vậy, vị ấy không dính mắc với điều này hay danh xưng nào. Này Tu-bồ-đề, đây là đại tri kiến của trí tuệ Bồ-tát ma-ha-tát, nhờ đó mà đạt được vô thượng bồ-đề. Này Tu-bồ-đề, an trú trong pháp này, Bồ-tát ma-ha-tát xứng đáng được tất cả thế gian cúng dường, và không bao giờ thoái thất vô thượng bồ-đề. Khi tâm được an lập trong trí tuệ ba-la-mật và Bồ-tát đến gần nhất thiết trí, xứng đáng nhận bố thí, Bồ-tát thanh tịnh các phẩm vật bố thí để thọ dụng: y phục, ẩm thực, tọa ngọa cụ, thuốc trị bệnh, và các vật dụng tùy thân.[19] Do đó, này Tu-bồ-đề, Bồ-tát ma-ha-tát nên an trụ nơi trí tuệ ba-la-mật. Nhờ đó, Bồ-tát sẽ không thọ dụng thức ăn khất thực một cách sai trái, mà dạy đạo cho tất cả chúng sanh, soi rọi ánh từ quang của mình phổ khắp để cứu các chúng sanh ra khỏi luân hồi, và làm thanh tịnh tri kiến của tất cả chúng sanh.’
Aṣṭasāhasrikā Prajñāpāramitā Sūtra, ch.22, dịch Anh from Sanskrit by D.S.
***
[1] Nó thiếu bất kỳ một biệt tánh nào gọi là ‘tư duy’.
[2] Tức là không có pháp nào tồn tại thực hữu.
[3] Thanh văn, chỉ đệ tử của Phật. Đây chủ yếu chỉ là quả vị cao nhất của Thanh văn, quả A-la-hán. Thanh văn và Độc giác đều là những vị đã giác ngộ.
[4] Đó là, vị ấy chấp nhận ở giữa sự đời, để giúp đỡ mọi người, hơn là đắm mình vào những tư duy cô tịch.
[5] dhāraṇī, tương tự như mantra, thần chú giúp trí nhớ.
[6] Từ, bi, hỷ và xả.
[7] Đây và ba loại giải thoát sau là những sắc thái của Niết-bàn và chứng đắc Niết-bàn. Ba giải thoát: giải thoát vô ngã với Không tánh, giải thoát vô thường với Vô tướng; giải thoát khổ với Vô nguyện.
[8] Vô nguyện, đối lại với nguyện thoát khổ.
[9] Tức là vị ấy không tầm cầu vượt thoát luân hồi sớm.
[10] Thần cai trị thế giới người chết, phán xét những người vừa mới qua đời.
[11] Các loại yêu quỷ, thường có ác tâm gây tổn hại.
[12] Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ.
[13] Bằng phương tiện thần thông mà Bồ-tát đạt được bằng tu tập thiền định, có thể nhận lấy khổ đau thay cho tất cả chúng sanh khác.
[14] Một vị Bồ-tát có thể chọn tái sanh ở cảnh giới địa ngục để giảm nhẹ khổ đau của chúng sanh ở đó: một cách thực tế, qua sự có mặt của mình, và qua việc dạy pháp. Cụ thể, Bồ-tát Địa Tạng (Kṣitigarbha) được biết phổ biến là tái sanh ở địa ngục vì mục đích này (xem *M.68).
[15] Xem ghi chú ở *M.74.
[16] Đây tóm tắt của Tịch Thiên (Śāntideva).
[17] Xem ghi chú ở *M.158.
[18] Điều được nói ở đoạn này chỉ cho bồ-tát sẵn sàng cam chịu bất cứ hình thức khổ đau nào, chứ không để cho bất cứ chúng sanh nào lãnh chịu. Đây là âm hưởng của ý chí bồ-tát nhận lấy tất cả đau khổ của chúng sanh vào mình được đề cập trong M.74.
[19] Vật cúng dường cho tăng ni.