PHẬT ĐIỂN PHỔ THÔNG
DẪN VÀO TUỆ GIÁC PHẬT

Nhiều tác giả
Chủ biên bản dịch Việt: LÊ MẠNH THÁT – TUỆ SỸ
Phiên dịch: Thích Hạnh Viên, Thích Nữ Khánh Năng, Thích Thanh Hòa, Pháp Hiền, Nguyễn Quốc Bình
Sản xuất & Ấn hành: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm, Thùy Duyên

 

PHẦN II
PHÁP

CHƯƠNG 6
ĐẠO TÍCH VÀ ĐẠO HÀNH (TT)

ĐẠI THỪA

Tín

M.46 Tín lực và cúng dường

Tin sâu chư Phật và Phật pháp, và đạo sở hành của Phật tử, và tin vô thượng đại bồ-đề, Bồ-tát phát nguyện tu giác ngộ.

Tín, bước đầu đạo, mẹ công đức, nuôi lớn tất cả những thiện căn, cắt đứt lưới nghi, vượt sông ái, khai thị đạo vô thượng Niết-bàn.

Tín tịnh hóa tâm, sạch nhiễm ô; cội nguồn cung kính, trừ kiêu mạn, tài sản hàng đầu kho tàng pháp, bàn tay thanh tịnh nhận các hạnh.[1]

Tín hay huệ thí, không keo kiết, tín khiến hoan hỷ nhập Phật pháp, tín hay tăng trưởng công đức trí, tín hay dẫn đến địa Như Lai.

Tín tịnh chư căn sáng, bén nhạy, sức tin kiên cố không hư hoại, tín làm dứt hẳn cội phiền não, tín khiến hướng về công đức Phật.

Tín nương cảnh giới không chấp trước, xa lìa các nạn, được không nạn, tín dẫn vượt thoát các đường ma, thị hiện đạo giải thoát vô thượng.

Hạt giống công đức, tín không hoại, tín làm sinh trưởng cây bồ-đề, tín làm thêm lớn trí tối thắng, tín hay thị hiện tất cả Phật.

Avataṃsaka Sūtra, Taishō vol.10, text 279, p.72b16–29, dịch Anh T.T.S. and D.S.

Nếu chất cỏ khô bằng Tu-di, một đốm lửa nhỏ cũng cháy hết, đem chút công đức cúng dường Phật, nhổ sạch phiền não đến Niết-bàn.

Avataṃsaka Sūtra, Taishō vol.10, text 279, p.278a12–13, dịch Anh T.T.S. and D.S.

Trưởng lão Tu-bồ-đề bạch Phật rằng, ‘Bạch Thế Tôn, các đại Bồ-tát nên thân cận cúng dường nhất thiết chư Phật như thế nào để khiến cho thiện căn của mình được phát triển toàn diện, được nhiều thiện hữu chân chính nhiếp thụ và nhanh chóng đạt được nhất thiết trí?’

Đức Phật dạy Tu-bồ-đề rằng, ‘Bồ-tát ma-ha-tát từ lúc sơ phát tâm thân cận cúng dường chư Phật Thế Tôn, từ lúc được nghe chư Phật giảng dạy Khế Kinh cho đến Luận Nghĩa, vị ấy thọ trì, tụng đọc, ôn tập tới mức làu thông. Khi làu thông rồi, vị ấy tư duy nghĩa thú. Khi đã khéo thông đạt được thâm nghĩa của Khế Kinh, thì vị ấy thông đạt những đà-la-ni (dhāranī).[2]Rồi trạng thái giải thoát vô chướng ngại, xác quyết sự chứng đắc vô thượng bồ-đề khởi sinh. Sau đó, dù vị ấy có sinh ra ở đâu, thì những gì là giáo nghĩa của chánh  pháp mà vị ấy đã nghe, sẽ vĩnh viễn không bao giờ mất, không bao giờ quên. Do năng lực của những thiện căn đã  gieo trồng với chư Phật, cho nên vị ấy sẽ không bao giờ bị đọa vào những cảnh giới xấu. Lại nữa, do những thiện căn này, tâm thức vị ấy luôn an vui thuần tịnh. Do vì năng lực an vui và thanh tịnh trong tâm thức như vậy, cho nên tiến trình hướng đến giác ngộ của vị ấy là tiến trình trực hướng và bất thoái chuyển, rồi vị ấy luôn làm nghiêm tịnh Phật độ. Lại nữa, do những thiện căn này mà vị ấy luôn hợp nhất cùng chư  thiện hữu chân chính, vĩnh viễn không rời xa tất cả chư Như Lai, nhất thiết chư Bồ-tát, chư Độc Giác Phật, Thanh Văn, cũng như tất cả những ai vốn đã tán dương Phật, Pháp, và Tăng.

Mahā-prajñāpāramitā Sūtra, Taishō vol.7, text 220, pp.700c9–23, dịch Anh T.T.S. and D.S.

M.47 Thân cận Phật được đại công đức

Đoạn này tán dương sự lợi lạc quý hiếm và to lớn khi gần Phật và Pháp.

Như kinh Hoa Nghiêm dạy rằng:…

Như Lai đại từ bi, xuất hiện trong thế gian, vì hết thảy chúng sinh chuyển Pháp luân vô thượng. Như Lai vô lượng kiếp, cần khổ vì chúng sanh; Các thế gian làm sao, báo ân đức chư Phật?

Thà trong vô lượng kiếp, thọ khổ các ác đạo, trọn không bỏ Như Lai mà tìm cầu xuất ly.

Thà đọa trong nẻo dữ, mà thường nghe danh Phật, không nguyện sanh cõi lành, tạm không nghe danh Phật.

Vì sao nguyện trụ lâu, trong hết thảy đường dữ? Vì được thấy Như Lai, tăng trưởng lực trí tuệ.

Nếu ai được gặp Phật, diệt trừ hết thảy khổ, được vào nhà Như Lai, cảnh giới của đại trí.

Nếu ai được gặp Như Lai, xả ly mọi chướng ngại, trưởng dưỡng phước vô tận, thành tựu đạo bồ-đề.

Śikṣā-samuccaya of Śāntideva, ch.17, dịch Anh from Sanskrit by D.S. Hán dịch, Đại thừa tập Bồ-tát học luận, T32n136, tr.133c20- 134a04.

M.48 Tín do tín quá khứ

Trưởng lão Tu-bồ-đề (Subhūti) bạch Thế Tôn, ‘Bạch Thế Tôn, vào những thời kỳ đương lai, vào thời cuối cùng sau năm trăm năm kể từ hiện tại,[3] nếu như có chúng sinh nào nghe được chương cú của Kinh này, họ có phát sinh tín tâm chân thật không?’

Phật bảo Tu-bồ-đề, ‘Vào thời kỳ tương lai…có những đại Bồ-tát, bằng vô số công đức tu phước, có giới, có trí, khi nghe được chương cú của Kinh này, sẽ phát khởi  tín tâm chân thật. Này Tu-bồ-đề, những vị Bồ-tát ma-ha-tát ấy, không chỉ cung kính cúng dường một vị Phật mà thôi, không chỉ gieo trồng thiện căn nơi một vị Phật mà thôi. Này Tu-bồ- đề! Chư Bồ-tát ma-ha-tát ấy đã từng cung kính cúng dường thiên vạn chư Phật và cũng đã từng gieo trồng thiện căn cùng thiên vạn chư Phật. Khi nghe các nghĩa lý của kinh này, sẽ đạt được nhất tâm tịnh tín.

Bằng trí tuệ Phật, này Tu-bồ-đề, Như Lai thấy chư Bồ-tát ma- ha-tát ấy; bằng con mắt Phật, này Tu-bồ-đề, thấy chư Bồ- tát ma-ha-tát ấy, Này Tu-bồ-đề! Như Lai vốn biết vốn thấy chư Bồ-tát này.

Vajracchedikā Prajñāpāramitā Sūtra, section 6, dịch Anh from Sanskrit by D.S.

Quy y Phật, Pháp và Tăng

M.49 Phát nguyện thọ trì Tam Quy

Đoạn này cho rằng, Bồ-tát tại gia cần phải quy y để tu tập công đức dẫn đến Phật quả, cung kính hồi hướng mọi việc làm đối với Pháp, cũng như kính trọng các hàng tu Phật không phải Đại thừa, đặc biệt là hàng xuất gia, nhưng không tu tập theo những hạng ấy.

Bồ-tát tại gia quy y Phật như thế nào? Vị ấy sẽ tư duy rằng, ‘Ta cần phải thành tựu Phật thân tự trang nghiêm bằng ba mươi hai tướng tốt.[4] Ta sẽ nhiếp trì những thiện căn để hội đủ ba mươi hai tướng đại trượng phu. Để hội đủ những diệu tướng này, ta cần phải tự tinh tấn dũng mãnh. Này trưởng giả, đó gọi là Bồ-tát tại gia quy y Phật.

Bồ-tát tại gia quy y Pháp như thế nào? Này trưởng giả, Bồ-tát cung kính Pháp và người thuyết Pháp; khao khát Pháp, vui trong Pháp, cực kỳ hỷ lạc trong Pháp của Pháp. Vị ấy là người hộ Pháp, an trú trong Pháp, thọ trì Pháp, hộ trì Pháp,  an trụ kiên cố nơi Pháp, tán dương Pháp, ban bố Pháp, an trụ trong pháp hành, tăng trưởng pháp, cầu Pháp, lấy Pháp làm sức mạnh, tự trang bị khí trượng Pháp, duy chỉ phục vụ Pháp. Vị ấy tư duy rằng, ‘Khi tôi thành Chánh đẳng chánh giác, tôi sẽ truyền bá chánh Pháp này bình đẳng đến cho tất cả người, trời và a-tu-la. Này trưởng giả, đó là Bồ-tát tại gia nên quy y Pháp.

Này trưởng giả, Bồ-tát tại gia quy y Tăng như thế nào? Bồ- tát khi gặp vị Tu-đà-hoàn (Dự lưu), Tư-đà-hàm (Nhất lai), A- na-hàm (Bất hoàn), hoặc A-la-hán, hoặc một kẻ phàm phu đang tu tập Thanh Văn thừa,[5]Bồ-tát nên kính thuận tất cả; nhanh chóng đứng dậy chào đón, nói những lời hòa ái, âm hưởng ngọt ngào, và đi nhiễu phía bên phải quanh những người ấy. Bồ-tát nên tư duy rằng, ‘Khi tôi thành tựu vô thượng chánh đẳng chánh giác, tôi sẽ diễn thuyết Chánh Pháp vì mục đích thành tựu công đức Thanh văn.’ Tuy sanh tâm cung kính như vậy, nhưng tâm không xác lập trong đó. Này trưởng giả, đó là Bồ-tát tại gia nên quy y Tăng vậy.

Ugra-paripṛcchā, section 19 of the Mahā-ratnakūṭa Sūtra, Taishō vol.11, text 310, pp.472c22–473a09, dịch Anh T.T.S. and D.S.

M.50 Tại sao Tam Quy

Này thiện nam tử, để diệt trừ khổ, đoạn trừ phiền não và để cảm thọ niềm lạc vô thượng tịch diệt, do nhân duyên này mà thọ ba quy y… Phật, Pháp và Tăng. Phật là vị chỉ dạy diệt trừ phiền não, nhân của khổ, chứng đắc chân chánh giải thoát. Pháp là giải thoát tối hậu, diệt trừ phiền não, nhân của khổ. Tăng là cộng đồng tu hành Thánh đạo, diệt trừ phiền não, nhân của khổ và đạt được giải thoát chân thật. Có người nói rằng, nếu vậy, chỉ có một quy y mà thôi. Không phải thế. Tại sao vậy? Bởi vì, cho dù Như Lai có xuất hiện trong thế gian này hay không, chánh Pháp vẫn luôn tồn tại nhưng không được nhận thấy. Chỉ khi nào Như Lai xuất hiện trên thế gian thì Pháp mới được nhận thấy. Do vậy, không phải chỉ quy y Phật mà thôi. Cho dù Như Lai có xuất hiện ở thế gian hay không, chánh Pháp vẫn luôn tồn tại, mà không có người lãnh thọ. Duy chỉ Tăng, đệ tử Phật, đây là những người thọ lãnh Pháp; vì vậy mà cần phải đặc biệt quy y Tăng.

Upāsaka-śīla Sūtra, Taishō vol.24, text 1488, ch.20, p.1061b04–14, dịch Anh T.T.S. and D.S.

M.51 Quy y Phật

Chúng sinh không biết ân, Như Lai phát bi trí, xuất hiện trong thế gian, sáng khắp, xua bóng tối.

Phát khởi tâm đại bi, quán sát khắp quần sinh, thấy khổ đau vô lượng, trói buộc trong ba hữu.[6]

Duy trừ Đẳng chánh giác, Đạo sư tối thắng tôn, trong tất cả trời người, không đâu đáng nương tựa.

Avataṃsaka Sūtra, Taishō vol.9, text 278, p.444b15–20, dịch Anh T.T.S. and D.S.

M.52 Quy y Phật tối thượng

Trong đoạn này, Thắng Man phu nhân bạch Phật rằng, quy y tối thượng chính là quy y Phật / Như Lai, vì quy y Phật trước rồi mới đến Pháp và sau đó là quy y Tăng. Tăng được thiết lập bằng nhiều đạo tích khác nhau cùng quy hướng về đức Phật; Pháp là đạo tích dẫn chứng đắc Pháp thân Phật. Quy y Như Lai bao hàm cả quy Pháp và quy y Tăng, và đó là thực tại cứu cánh, phi thời gian.

Cho nên, đối với thế gian chưa được cứu độ, đối với thế gian không nơi nương tựa mà làm nơi vô tận quy y, thường trụ quy y, cho đến suốt cùng hậu tế, đó chính là Như Lai, Ứng Cúng, Chánh đẳng giác vậy.

Pháp tức là thuyết Nhất thừa đạo. Tăng tức là các chúng của Ba thừa. Hai sự quy y ấy không phải là quy y rốt ráo, mà gọi là quy y phần ít. Vì sao? Thuyết Nhất thừa đạo pháp, chứng đắc Pháp thân cứu cánh, bên trên không còn nói đến pháp Nhất thừa nữa.[7]

Các chúng Ba thừa có sợ hãi[8] mà quy y Như Lai, cầu mong xuất ly, tu học, hướng Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Cho nên hai sự quy y ấy không phải là quy y cứu cánh, đó là sự quy y có hạn.

Nếu có chúng sinh được Như Lai điều phục mà quy y Như

Lai, được thấm nhuần bởi pháp, sinh tâm tin vui mà quy y Pháp và Tăng. Đó là hai quy y. Không phải rằng hai sự quy y này là quy y Như Lai. Quy y đệ nhất nghĩa là quy y Như Lai. Đệ nhất nghĩa của hai sự quy y này là cứu cánh quy y Như Lai. Vì sao? Như Lai không khác biệt với hai sự quy y này.

Như Lai tức là ba quy y.

Śrīmālādevī-siṃhanāda Sūtra, Taishō vol.12, text 353, ch.5, p. 221a02–15; cf., Taishō vol. 11, text 310, p.676b16–29, dịch Anh T.T.S. and D.S.

M.53 Tăng và Pháp; đường dẫn ba quy y

Cúng dường Tăng, tức là cúng dường Phật bảo và Tăng bảo. Quán sát các công đức vi diệu của Phật Pháp, tức là cúng dường Tam Bảo trọn vẹn.

Upāsaka-śīla Sūtra, Taishō vol.24, text 1488, ch.22, p.1065a20–22, dịch Anh T.T.S. and D.S.

M.54 Xá-lợi Như Lai và bát-nhã ba-la-mật

Đoạn này cho thấy cúng dường xá-lợi Phật (xem *Th.94), cũng quan trọng nhưng đó chỉ là thứ yếu so với cúng dường bát-nhã ba-la-mật.

Thiên đế Thích (Śakra),[9] bạch Phật rằng, ‘Bạch Thế Tôn, không phải con không tôn kính xá-lợi của Như Lai. Thế Tôn, chắc chắn rằng, con tôn kính xá-lợi của Như Lai. Xá-lợi của Như Lai phát sinh từ bát-nhã ba-la-mật nên được cúng dường. Do vậy, bạch Thế Tôn, cúng dường bát-nhã-ba-la-mật là  cúng dường xá-lợi của Như Lai trọn vẹn. Tại sao vậy? Vì xá- lợi ấy phát sinh ra từ bát-nhã ba-la-mật của Như Lai. Thế Tôn, như ở trong Diệu Pháp đường (Sudharmā) của chư Thiên.  Khi con ngự trên thiên tòa, có các thiên tử đứng hầu. Khi con không ngự ở đó, những thiên tử do vì cung kính con  nên  cung kính thiên tòa và đi nhiễu quanh.’‘Vì sao vậy? Vì Thiên đế Thích, đứng đầu trong các chư thiên, nói Pháp cho chư thiên trong cõi trời Tam thập tam. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, bát-nhã ba-la-mật là nhân duyên vi diệu dẫn đến nhất thiết trí của Như Lai, là vị A-la-hán, Chánh đẳng chánh giác. Xá-lợi của Như Lai y chỉ trên nhất thiết trí, nhưng không phải là nhân duyên phát sinh trí. Do vậy, bạch Thế Tôn, bát-nhã ba- la-mật là nhân của nhất thiết trí, được cúng dường bằng sự cúng dường xá-lợi của Như Lai.’

Aṣṭasāhaśrikā Prajñāpāramitā Sūtra, ch.4, dịch Anh from Sanskrit by D.S.

M.55 Kính tín Quán Tự Tại (Avalokeśvara)

Đoạn này tán dương Thánh Quán Tự Tại Bồ-tát / Quán Thế Âm (Avalokiteśvara) mà khi niệm đến danh hiệu sẽ được hộ trì. Danh hiệu này, nghĩa theo Sanskrit, là đấng Tự Tại (Thiên chủ) Quan sát (bằng đại bi); và được xem là hiện thân của đại bi. Ở Trung Hoa, Bồ-tát này được gọi Quán Âm (Guanyin) và ở Tây Tạng gọi Ngài là Chenresig (sPyan ras gzigs: nhìn đời bằng đôi mắt đại bi). Niệm danh hiệu Ngài có năng lực hộ trì giống như tụng những bài hộ chú (paritta) trong Pāli Thượng tọa bộ (xem *Th.95), chẳng hạn, lửa có thể được dập tắt, đao kiếm có thể bị gãy, khi niệm danh hiệu Bồ-tát; do vậy Hán dịch là Quán Thế Âm thay vì Quán Tự Tại (Avalokiteśvara). Điều này có thể được xem như nói đến sức mạnh của từ bi công cách thi vị, khả năng chuyển hóa tâm thức và nghiệp báo của chúng sinh. Thiền tông (Chan / zen) thông thường, hiểu những năng lực này như là thuần túy nội tâm, chẳng hạn, khi nói đến ‘hiểm nạn trên đại dương’, như ‘bão’ chỉ cho sân, ‘lửa’ chỉ cho tham và ‘gông cùm’ hàm nghĩa cho những sợ hãi, và các loại súc sinh được nói đến trong Phẩm Phổ Môn chỉ đe dọa những ai có ác ý. Tương tợ, năng lực của các paritta trong Thượng tọa bộ có thể được xem như chiêu cảm những sức mạnh của các chân lý đạo đức.

2. Quán sát khắp thế gian, hoằng thệ sâu như biển.Hãy nghe hạnh Quán Âm.

3. Trải qua vô số kiếp, phụng sự nghìn ức Phật. Hãy lắng nghe Ta nói.

4. Ai nghe danh, thấy hình, tâm niệm không luống qua, diệt mọi khổ trong đời.

5. Hoặc có kẻ ác tâm, xô ta xuống hầm lửa, niệm danh Quán Thế Âm, hầm lửa liền dập tắt.

6. Hoặc lênh đênh biển cả, nguy hiểm chỗ của rồng, quái vật biển, và quỷ, niệm danh Quán Thế Âm, Vua Biển không thể hại.

9. Hoặc bị kẻ thù vây, chúng cầm đao muốn hại, niệm danh Quán Thế Âm, chúng thảy khởi tâm từ.

10. Hoặc khổ bởi phép vua, pháp trường sắp hành hình, niệm danh Quán Thế Âm, đao kiếm gãy thành vụn.

11. Hoặc gông cùm xiềng xích, tay chân bị trói chặt, niệm danh Quán Thế Âm, gông cùm tự nhiên rã.

14. Hoặc ác thú vây khốn, nanh vuốt bén dễ sợ, niệm danh Quán Thế Âm, chúng vội chạy tán loạn.

17. Thấy chúng sanh khốn ách, vô lượng khổ bức thân, diệu trí quán âm thanh, Ngài cứu chúng thoát khổ.

18. Viên mãn thần thông lực, rộng tu trí, phương tiện, thị hiện khắp mười phương,[10] khắp các cõi không sót.

19. Lần lượt trừ tai họa, cho tất cả chúng sanh, địa ngục, quỷ, súc sanh, sanh, già, bệnh, chết khổ.

20. Ngài[Đại từ ngôi thứ hai, chỉ Quán Thế Âm. Đoạn này là những kệ tụng của
Bồ-tát Vô Tận Ý (Akṣamati) hiện diện. ]
, đôi mắt ngời sáng, toả sáng đôi mắt từ, rực rỡ mắt đại trí, và sáng ngời thanh tịnh, với đôi mắt đại bi, với tôn nhan ái kỉnh.

21. Ngài, ánh sáng vô cấu, ánh sáng mặt trời trí, phá tan mọi tối tăm, là ánh rực cháy mà gió không thể thổi tắt, rực cháy sáng thế gian.

22. Ngài gầm tiếng đại bi, đại từ, bi, chân công đức.

Mây từ như mây lớn, tuôn mưa pháp cam lồ (bất tử), dập tắt lửa phiền não cho tất cả chúng sanh.

23. Hoặc ai bị cuốn hút trong tranh chấp, tranh tụng, kiện cáo giữa pháp đình, hoặc chiến trường, kinh sợ, niệm danh Quán Thế Âm, oán thù thảy yên lắng.

24.Âm thanh như mưa sấm. Âm thanh như trống lớn.

Âm thanh như hải triều. Diệu âm như Phạm âm. Âm thanh siêu thế gian. Hãy thường niệm Quán Âm.

25. Niệm, niệm, chớ nghi ngờ, Quán Thế Âm, Tịnh Thánh. Trong khổ não, chết chóc, và bức bách, Ngài là chốn hộ trì, là nơi nương tựa an ổn.

Saddharma-puṇḍarīka Sūtra, ch.24, dịch Anh from Sanskrit by D.S.

Trách nhiệm và nỗ lực cá nhân

M.56 Năng lực của ước muốn

Này thiện nam tử! Dục[11] là gốc rễ của mọi công đức. Dục là nhân duyên thành tựu bồ-đề, và quả giải thoát.

Upāsaka-śīla Sūtra, Taishō vol.24, text 1488, ch.20, p.1062b27–29, dịch Anh T.T.S. and D.S.

M.57 Tinh tấn ba-la-mật, vì nhiêu ích chúng sinh

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn dạy Mãn Từ Tử (Pūrṇa Maitrāyaṇīputra) rằng, ‘Nếu Bồ-tát ma-ha-tát muốn  chứng đắc vô thượng chánh đẳng bồ-đề, thì lúc sơ phát tâm cần phải suy nghĩ như thế này, “Nhất thiết sự vật mà tôi sở hữu, dù là thân hay là tâm, thì trước hết tôi phải làm lợi ích cho mọi loài, khiến cho tất cả sở nguyện của chúng được tròn đầy.”

Như người nô bộc thầm nghĩ, “bất cứ lúc nào tôi đi đứng, ngồi hay nằm, thảy đều làm vì chủ, ta không tự ý mà làm tùy tiện. Khi muốn ra khỏi nhà để đi đến chợ, trước phải hỏi chủ rồi mới đi. Ăn uống thứ gì, phải được chủ cho phép mới dùng. Bất cứ làm gì đều phải làm theo ý chủ muốn.” Cũng vậy, Bồ- tát ma-ha-tát muốn chứng đắc vô thượng chánh đẳng bồ-đề, cần phải suy nghĩ như vầy, “Bất cứ thứ gì mà ta sở hữu, dù thân hay tâm, ta không thể động dụng tùy tiện, mà làm bất cứ sự nghiệp gì chỉ tùy theo lợi ích của chúng sinh. Tất cả phải được hướng đến thành tựu cứu cánh ấy.” Do vậy, Bồ-tát ma- ha-tát y chỉ tinh tấn ba-la-mật, không rời tinh tấn ba-la-mật này, thệ nguyện vì chúng sanh mà làm những gì cần làm. Các Bồ-tát ma-ha-tát đều an trụ trong tinh tấn ba-la-mật như vậy.

Ví dụ như, một con ngựa quý khi được người cưỡi, nó nghĩ rằng, “Ta không nên làm cho thân của người cưỡi bị dao động, mệt mỏi, nhọc nhằn, hoặc làm hư hỏng yên  cương.  Cho dù ta có xoay mình, đi hay đứng, nhanh hay chậm, tùy theo người cưỡi, hộ trì người cưỡi, không để vì ta mà người ấy nổi giận, cũng như những điều sai quấy khác.” Cũng vậy, các Bồ-tát ma-ha-tát thực hành tinh tấn ba-la-mật không làm theo sở dục của mình, mà làm bất cứ điều gì đều làm lợi ích tùy theo ý hướng mong cầu của chúng sinh, hộ trì chúng sinh; không khiến cho phiền não ác nghiệp khởi lên trong chính  bản thân. Chúng sinh thoạt đầu tuy vô ân đối với các Bồ-tát ma-ha-tát, nhưng các Bồ-tát không nghĩ đến chúng trả ân,  duy chỉ vì chúng sinh mà thành toàn mọi sự nghiệp. Các Bồ- tát ma-ha-tát như vậy thành tựu tinh tấn ba-la-mật, hộ trì tâm chúng sinh, động chuyển tùy theo ý chúng sinh, để làm mọi thứ tăng ích và an lạc cho chúng sinh. Bồ-tát như vậy nhiếp thọ tinh tấn ba-la-mật, làm những việc lợi ích, an lạc cho chúng sinh, như là làm các sự nghiệp cho chính mình không hề mệt mỏi. Như vậy chư Bồ-tát an trụ trong tinh tấn ba-la- mật.

Mahā-prajñāpāramitā Sūtra, Taishō vol. 7, text 220, p.1050b01– 26, dịch Anh T.T.S. and D.S.

***

[1] Tín có thể nhận được quả của thiện hành cũng như bàn tay nhận kho báu.

[2] Các thần chú, tương tự như mantra.

[3] Được liệt là vào thời Pháp diệt. Truyền thống tin rằng Pháp sẽ trải qua năm thời kỳ hoại diệt, mỗi thời kỳ là năm trăm năm. Thời kỳ Ngài Tu-bồ- đề đang nói đến là thời kỳ cuối.

[4] Xem *L.38.

[5] Thừa nhắm mục đích chứng quả cứu cánh là A-la-hán, ngược lại với Đại Thừa, tức thừa của các vị Bồ-tát hướng đến Phật quả.

[6] Chỉ toàn thể thế giới hữu vi, xem mục “ba hữu” trong phần Ngữ vựng.

[7] Tức là tất cả, cuối cùng cũng hướng về Phật quả, dù rằng họ có thể ban đầu nhắm tới những mục đích thấp.

[8] Về các dạng khổ khác nhau trong vòng tái tục.

[9] Thiên chủ (Pāli. Sakka).

[10] Tám phương của la bàn và phương trên, phương dưới, là mười phương.

[11] [ND] Chanda, chỉ cho ước muốn nói chung.