NHÁT KIẾM SAU CÙNG
 (Ngụ Ngôn Phật Giáo Tập 2)
 Hạnh Đoan 

TẾ HEO

Tại một lễ hội nọ có tập tục tế heo. Những con heo dành để tế thần được chăm nuôi vỗ béo cẩn thận, con nhỏ nhất cũng nặng hơn hai trăm kí.

Heo được chở đến dự thi. Chúng được khiêng lên cân và công bố trọng lượng. Con nào mập, đẹp, nặng nhất… sẽ có cơ may trúng tuyển, khi đó chủ chúng tha hồ mà phát tài, còn Heo được sắc phong “Thần trư” và sẽ lãnh cái vinh dự làm vật hi sinh (hiến tế).

Những người nuôi heo đứng phía dưới đài, họ bàn luận râm ran về cách nuôi heo, khoe nhau thuật dinh dưỡng chăn nuôi hay nhất.

Một người nói: – Tôi nuôi nó bằng những thức ăn rất đặc biệt nên mới được to béo như thế đấy!

Người thì khoe: – Hằng ngày tôi còn cho heo ăn thêm táo, sáng trưa chiều, mỗi lần năm quả.

Người thì kể: – Tôi ngày nào cũng đều “mát- xa” cho nó. Sớm tối hai lần…

– Còn tôi, mùa hạ thì bật máy quạt mát nó, mùa đông thì đốt lò sưởi ấm nó…

Tóm lại, những hộ nuôi heo đều khoe mình áp dụng các phương thức cực tốt, tối ưu để heo mình vượt trội hơn người.

Có một đứa bé đứng dưới đài nghe họ bàn luận, không nhịn được, hỏi:

– Các anh khoe mình vỗ béo heo đủ cách đủ kiểu như vậy, song không biết khi đem chúng đến đây dự tuyển, các anh đã hỏi ý nó chưa?

Bọn họ nghe hỏi đều tỏ vẻ ngơ ngác.

Một người nói:

– Chú bé ạ! Những con heo được dự thi này rất sướng! Cả đời chúng toàn ăn no ngủ ấm và hưởng thụ không biết bao nhiêu là món ngon thượng hạng. Đặc biệt con nào trúng tuyển, được chấm làm vật hiến tế rồi thì số nó may hết biết!… Bởi, sau khi chết, hồn nó sẽ bay thẳng lên thiên đường!…

Chú bé hỏi:

– Vì sao nó được lên thiên đường?

Một người khác giải thích:

– Nhờ được chọn làm vật tế thần nên sau khi bị giết, nhất định nó sẽ siêu thăng! Hồn nó tất nhiên là sẽ bay thẳng lên thiên đường thôi… Hiến tế xong, thịt nó được xẻ ra chia cho mọi người, ai mà được ăn miếng thịt ấy thì xem như là có phúc phận ăn đồ của Thần, vận số ắt may mắn lắm!

Chú bé hoài nghi:

– Con vật bị giết đem tế như vậy, có chắc là… chết rồi nó sẽ lên Thiên đường không?

Những người nuôi heo đồng thanh nói:

– Bảo đảm! Đương nhiên là thế rồi, xưa nay ai cũng quả quyết như vậy hết mà!

Chú bé nói:

– Nhưng… những con heo này không nghĩ là nó được lên thiên đường đâu! Chỉ có mấy người nghĩ như vậy thôi! Nếu như chuyện xác thân bị giết, bị đem tế thần là may mắn, hồn chết rồi chắc chắn sẽ lên thiên đường, vậy sao mấy ông không làm điều đó cho mình hay thân quyến đi?… Nếu chắc chắn là sau khi bị mổ bụng phanh thây hiến tế, hồn lập tức sẽ được về trời? Thế thì vì sao các ông không giúp cha mẹ, con cái mình về thiên đường hết?… Sao các ông không tình nguyện hiến tế bản thân mình để cùng về Thiên đường ở chung với nhau cho vui?…Nếu các ông nói rằng chết như vầy là may, là phúc, là … sướng, là vinh hạnh cho kẻ được chọn tế, vậy sao các ông không áp dụng cách thức ấy cho mình?


Con heo này không nghĩ là nó được lên thiên đường đâu!

Những người nuôi heo đứng đờ người ra, thộn mặt nhìn nhau, không nói được lời nào.

*

Thuở tôi còn bé, tôi hay đi đến mấy chỗ tế lễ, cảnh tượng nhìn thấy thật là khủng khiếp, khủng khiếp đến tâm tư tôi chấn động và không thể nào quên.

Đó là cảnh con heo to mập bị mổ bụng, chưng trên giá cao, miệng nó nhét đầy hoa, lông cạo sạch, thân phủ giấy đỏ.

Heo đội cái mũ lính trên đầu, con nhẹ kí nhất cũng phải bảy-tám trăm cân, còn nặng thì có đến cả ngàn kí, to béo cực kỳ.

Lúc ấy người lớn bảo tôi: – Con heo bị giết ấy sẽ sinh lên trời, ăn được miếng thịt nó sẽ được may mắn. Vì không đủ thịt để chia nên người ta phải bỏ tiền ra giành nhau mua, do vậy thịt heo tế rất cao giá và quý hiếm…

Họ càng nói, tôi càng kinh hoàng. Đối với tôi, tôi chỉ thấy họ giết heo tàn bạo, cái thuyết nó lên trời, được ban phúc, càng khiến tôi hoài nghi thêm.

Sau này trưởng thành, tôi vẫn còn bất nhẫn và luôn cho rằng việc nuôi heo thi, giết heo hiến tế… là tập tục hết sức tàn nhẫn dã man ở Đài Loan.

(Theo Đột phá khổn cảnh của Lâm Thanh Huyền)