TÌM LẠI CHÍNH MÌNH
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dich: Thích Quang Định

TÀI NĂNG PHÙ HỢP VỚI CÔNG VIỆC

Hồi còn nhỏ, có lần bố dẫn tôi đi men theo con đường dọc bờ sông, lúc đó trời đã nhá nhem tối. Đàn vịt đang nằm trên đường bỗng ùa xuống sông, đợi chúng tôi đi qua chúng lại lên bờ. Bố nhìn đàn vịt đang bơi dưới sông liền bảo tôi: “Con thấy không, những con vịt lớn bơi để lại vệt sóng lớn, con nhỏ để lại vệt sóng nhỏ trên sông, nhưng bất luận thế nào thì những con sóng đó vẫn là con sóng của chính nó tạo nên và đều có đích chung là lên được bờ bên kia.”

Đi được mấy bước bố tiếp: “Con ạ, con người cũng cần học những chú vịt kia. Lớn lên, con bơi thế nào trong biển đời, đường con đi lớn nhỏ không thành vấn đề nhưng nhất định phải là con đường do con đi và nhất định con phải đi, không thể không đi. Không đi nghĩa là đời con bế tắc!” Ý bố muốn nói, bất luận đường con đi lớn nhỏ thế nào đều cần phải đạt đến đích cuối cùng, nếu không đi thì chính điểm dừng lại là ngõ cụt.

Đấy là kỷ niệm sâu sắc, làm thay đổi đời tôi. Tôi thấy mình chỉ là chú vịt con, tôi từng thấy những “chú vịt lớn” có khả năng hô mưa gọi gió trong đời. Tôi tự thấy mình không thể giống họ, không thể sánh với họ và cũng không cần phải so sánh. Tôi vui lòng làm chú vịt con, đi theo con đường của riêng tôi.

Khi sư phụ tôi — ngài Đông Sơ Lão Nhân còn tại thế thường khuyên tôi phải học theo tấm gương của vị hòa thượng nào đó. Tôi nghĩ mình sẽ không học được!

Khoảng năm 1961 tôi sắp bế quan ở một ngọn núi tại Cao Hùng, có vị lão cư sĩ tặng tôi mấy cuốn sách của các vị cao tăng hiện đại ở Trung Quốc như Ấn Quang đại sư, Thái Hư đại sư,
Hòa Thượng Hư Vân và Hoằng Nhất đại sư rồi hỏi tôi: “Thưa thầy, thầy sắp bế quan, vậy tôi xin hỏi thầy sẽ đi con đường nào của một trong bốn vị sư đó?” Tôi rất kính trọng bốn vị hòa thượng đó nhưng tôi nói: “Tôi thực sự không thể đi được bất kì con đường nào của các vị cao tăng đó, tôi đi riêng con đường của tôi”. Vị cư sĩ nói: “Thầy làm thế có ngạo mạn lắm không?” Không phải tôi kiêu ngạo cũng không phải là thiếu chí khí mà chỉ là tôi muốn đi con đường của riêng tôi. Tuy nhiên tôi sẽ tham khảo con đường mà các vị ấy đã đi, tôi sẽ xem các vị ấy đã đi thế nào, có điểm gì tốt cho tôi, tôi sẽ dốc hết sức mình học theo, có thể học được bao nhiêu tôi sẽ học bấy nhiêu. Nhưng tôi tuyệt đối không bắt chước theo người khác, đồng thời tôi cũng không nhất định sẽ phải trở thành người nào khác ngoài tôi cả.

Vì thế, tôi đã yên tâm chuyên chú vào việc tu hành khi nhập thất. Tôi không phải chuẩn bị tâm lí để giúp mình trở thành bất kì vị cao tăng nào trong bốn vị kia, đồng thời cũng không ngông cuồng muốn mình sẽ trở thành những vị đó, tôi muốn mình sẽ trở thành vị cao tăng thứ năm. Tôi làm được gì, làm được bao nhiêu thì sẽ dốc hết sức mình để làm mà thôi.

Thực ra trong một bầy vịt nhất định sẽ có con đầu đàn, đương nhiên cũng sẽ có con nhỏ nhất đàn, thế nên đương nhiên chúng sẽ có những đường bơi khác nhau. Nhìn từ góc độ Phật pháp, sở dĩ như thế là vì mỗi một chúng sinh đều có nhân duyên, phúc báo khác nhau, vì thế khi nhìn thấy người khác thành công chúng ta chỉ nên tùy hỷ1 chứ không nên nhất nhất học theo.

Những chú vịt con thoạt nhìn dường như chúng chẳng bơi đi, nhưng thực ra chúng không phải đang đứng yên trên vị trí cũ, chẳng qua chúng di chuyển quá chậm nên chúng ta cứ ngỡ nó không bơi mà thôi. Tuy nhiên, chậm nhưng tiến đều, không ngừng nghỉ, chậm nhưng kiên trì nhất định sẽ đến đích. Cũng giống như tôi, tôi tự nhận mình chỉ là chú vịt con, tuy bơi chậm nhưng trước nay tôi chưa từng phải cố lòng học theo bất kì một ai khác. Tôi chỉ biết mình đã bơi hết mình, tính đến nay, tôi cũng đã bơi được một quãng đường của tôi.

Chúng ta không nên ước mong mình “bơi” giỏi hơn người khác, không nên tìm giá trị của mình qua việc so sánh với người khác vì đó là điều rất đau khổ. Thế nên, tất cả mọi việc chỉ cần bạn dốc hết sức mình nhất định bạn sẽ tìm ra hướng đi, tìm ra con đường cho riêng mình.