PHẬT ĐIỂN PHỔ THÔNG
DẪN VÀO TUỆ GIÁC PHẬT
Nhiều tác giả
Chủ biên bản dịch Việt: LÊ MẠNH THÁT – TUỆ SỸ
Phiên dịch: Thích Hạnh Viên, Thích Nữ Khánh Năng, Thích Thanh Hòa, Pháp Hiền, Nguyễn Quốc Bình
Sản xuất & Ấn hành: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm, Thùy Duyên
PHẦN II
PHÁP
CHƯƠNG 4
VỀ XÃ HỘI VÀ QUAN HỆ NHÂN SINH
THƯỢNG TỌA BỘ
Thuật trị nước
Th.29 Các nguyên tắc trị quốc an bang
Đoạn này tường thuật đường lối điều hành xã hội của người Vajjī. Ấn-độ trong thời đại của đức Phật được biết là đã từng có một hệ thống chính trị cộng hòa khác với hệ thống quân chủ thống trị phổ biến về sau. Nguồn tài liệu văn học Phật giáo đánh giá rất cao về hệ thống chính quyền Vajjī mang nhiều đặc điểm dân chủ. Chế độ Tăng lữ trong các Tăng viện do Phật thiết lập cũng tuân thủ những nguyên tắc tương tợ, trong đó không có quyền lãnh đạo cá nhân; tất cả mọi hành xử phải được đồng thuận theo chế độ hòa hiệp tác pháp. Đoạn trích dẫn sau đây được Phật gián tiếp nói cho viên đại thần của một ông vua muốn chinh phục dân Vajjī, trong đó cho thấy khó có thể chinh phục dân Vajjī.
Lúc bấy giờ, Tôn giả Ānanda đứng hầu quạt sau lưng Thế Tôn, và Thế Tôn nói với Tôn giả Ānanda: ‘Này Ānanda, ông có nghe, người dân Vajjī thường xuyên tụ họp và tụ họp đông đảo?’ ‘Bạch Đại Đức, con có nghe… .’
‘Này Ānanda, chừng nào, dân Vajjī thường xuyên tụ họp…, bấy giờ dân Vajjī được cường thịnh, không suy yếu.… [Dân Vajjī vẫn sẽ cường thịnh, không suy yếu nếu họ vẫn]… tụ họp trong ý niệm đoàn kết, giải tán trong ý niệm đoàn kết, và hành sự trong ý niệm đoàn kết… không ban hành những luật lệ không đáng ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, tuân thủ luật pháp Vajjī như đã được ban hành từ trước… cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão Vajjī và suy gẫm những điều được nghe từ họ… không dụ dỗ và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ phải sống với mình… cung kính, tôn trọng, thừa sự, cúng dường các tự miếu của Vajjī ở nội thành và ngoại thành, không bỏ phế các cúng vật được cúng từ trước, được làm từ trước, đúng với luật lệ… bảo hộ, che chở, hộ trì đúng pháp các vị A-la-hán ở tại đó, khiến những vị chưa đến sẽ đến, những vị đã đến sống an lạc.
Rồi Thế Tôn nói với bà-la-môn Vassakāra: ‘Này bà-la-môn, một thời Ta sống tại tháp Sārandada ở Vesāli, Ta đã dạy cho dân Vajjī bảy pháp bất thối này. Chừng nào bảy pháp bất thối còn tồn tại giữa những người Vajjī, chừng nào bảy pháp bất thối này còn những người Vajjī tuân thủ, người dân Vajjī sẽ được cường thịnh, không bị suy yếu.’ Mahā-parinibbāna Sutta: Dīgha-nikāya II.73–75, dịch Anh P.D.P.
Th.30 Lãnh đạo hủ bại–những hậu quả tai hại cho xã hội và thiên nhiên
Đoạn trích này cho thấy mối quan hệ giữa hành vi đạo đức con người với những biến đổi xảy ra trong môi trường tự nhiên. Pháp, hay trật tự tự nhiên, bị phá vỡ bởi những hành động bất chính đi ngược lại Pháp, tức trật tự đạo đức chân chánh. Đoạn này lưu ý đến trách nhiệm lãnh đạo đất nước duy trì các tiêu chuẩn đạo đức trong xã hội, nêu thí dụ điển hình cho phần còn lại của xã hội.
Này các tỳ-kheo, khi nào có các vua phi pháp, khi ấy thần thuộc của vua cũng phi pháp; khi nào có các thần thuộc của vua phi pháp, khi ấy các bà-la-môn gia chủ cũng phi pháp; khi nào có các bà-la-môn gia chủ phi pháp, khi ấy các cư dân trong thị trấn và tụ lạc cũng phi pháp; khi nào các cư dân trong thị trấn và tụ lạc phi pháp, khi ấy mặt trăng, mặt trời chuyển dịch không bình thường; khi nào mặt trăng, mặt trời chuyển dịch không bình thường, khi ấy các ngôi sao và các chòm sao cũng chuyển dịch không bình thường; khi nào các ngôi sao và các chòm sao chuyển dịch không bình thường, khi ấy ngày đêm xuất hiện không bình thường. Khi nào ngày đêm xuất hiện không bình thường, khi ấy tháng toàn phần và tháng bán phần xuất hiện không bình thường; khi nào tháng toàn phần và tháng bán phần xuất hiện không bình thường, khi ấy mùa và năm xuất hiện không bình thường; khi nào mùa và năm xuất hiện không bình thường, khi ấy gió thổi sai hướng; khi nào gió thổi sai hướng, khi ấy chư thiên cáu giận; khi nào chư thiên cáu giận, khi ấy trời làm mưa không đúng thời; khi nào trời mưa không đúng thời, khi ấy lúa chín trái mùa; khi nào các loài người ăn loại lúa chín trái mùa ấy, khi ấy thọ mạng con người sẽ rút ngắn, dung sắc xấu, sức yếu và nhiều bệnh.
Này các tỳ-kheo, khi nào có các vua đúng pháp… [những điều ngược lại với bên trên xảy ra].
Khi đàn bò lội sông, con đầu đàn lạc hướng, cả đàn đều lạc hướng, theo con bò lạc hướng.
Cũng vậy, trong loài người, người trên hành phi pháp, kẻ dưới thảy hành theo. Quốc vương hành phi pháp, cả nước phải chịu khổ.
Khi đàn bò lội sông, đầu đàn đi đúng hướng, cả đàn đều đúng hướng, lội theo bò đúng đường.
Cũng vậy, trong loài người, người trên hành đúng pháp, kẻ dưới thảy hành theo.
Quốc vương hành đúng pháp, cả nước sống an lạc.
Adhammika Sutta: Aṅguttara-nikāya II.75–75, dịch Anh P.D.P.
Th.31 Phận sự Hiền Thánh và phẩm tánh đạo đức của Chuyển luân vương
Những đoạn trích này nói về lý tưởng về một Cakka-vatti – Chuyển luân vương, vị đại hoàng đế thống trị toàn cõi Ấn-độ (xem *LI.5). Điều này được nêu lên trong Thánh điển Phật giáo nhằm cung cấp một cơ sở đạo đức tốt đẹp cho sinh hoạt chính trị của xã hội. Vì quyền lực to lớn tập trung vào chỉ một người trong chế độ quân chủ đã phổ biến rộng rãi vào thời đó, Phật giáo tìm cách giải quyết tình hình bằng cách giới thiệu khái niệm về một vị vua khước từ tham vọng chinh phục bằng quân sự và cai trị theo Pháp, tức là công chánh, đạo đức và luật pháp công bằng. Đoạn thứ hai nhấn mạnh rằng quyền lực thế tục của người cai trị phải luôn luôn tuân thủ các nguyên tắc như vậy.
Thuở xưa, này các tỳ-kheo, có vị Chuyển luân vương tên là Daḷhanemi (Kiên Cố Niệm), là con người chánh trực, là ông vua chánh trực, chinh phục bốn châu thiên hạ, giữ yên bờ cõi và thành tựu bảy báu… Ông thống trị toàn cõi đất này cho đến bờ biển, không dùng dao, không dùng kiếm, mà dùng pháp luật và công chính.
Này các tỳ-kheo, vua Daḷhanemi sau nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm… đúng lúc đặt vương trưởng tử lên vương vị, rồi cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Sau khi vị đạo sĩ quốc vương xuất gia bảy ngày, thiên luân bảo[1] biến mất. Một thần thuộc đi đến ông vua quán đảnh dòng sát-đế-lợi, tâu rằng: ‘Tâu Thiên vương, xin biết cho, thiên luân bảo đã biến mất.’ … Khi ấy, vị đạo sĩ quốc vương nói với vua quán đảnh dòng sát- đế-lợi: ‘Này con của ta, chớ có ưu sầu không vui vì thiên luân bảo biến mất. Thiên luân bảo không phải là di sản tổ phụ truyền đời. Này con của ta, con hãy thi hành phận sự của Chuyển luân vương. Sự tình này sẽ xảy ra, vào ngày rằm trai giới (uposattha: bố-tát), con gội hãy đầu, trai giới, đi lên lầu cao, bấy giờ thiên luân bảo sẽ hiện ra….’
‘Tâu Thiên vương, phận sự của Chuyển luân vương là những gì?’ ‘Này con, hãy y chỉ Pháp, cung kính Pháp, tôn trọng Pháp, sùng kính Pháp, cúng dường Pháp, tôn trọng Pháp, lấy Pháp làm ngọn cờ, lấy Pháp làm tiêu xí, xem Pháp làm uy quyền, tự mình là người bảo vệ, phòng hộ, thủ hộ, mọi người trong vương gia, các quân binh, những người thuộc tầng lớp cai trị (sát-đế-lị), những người bà-la-môn, những gia chủ trong các thị trấn và thôn ấp, các sa-môn, bà-la-môn, các loài thú và loài chim. Chớ để cho trong quốc độ của con có một ai hành phi pháp. Hãy ban cấp tiền của cho những người nghèo khó trong quốc độ. Trong quốc độ của con, có những sa-môn, bà-la-môn từ bỏ dục vọng, sống không buông lung, hành nhẫn nhục, từ ái – có người tự chế ngự, có người tự tịch tĩnh, có người hướng đến Niết-bàn, con hãy tùy thời đến với những vị ấy và thưa hói: “Thưa Tôn giả, thế nào là thiện, thế nào là bất thiện, điều gì đáng chê trách, điều gì không bị chê trách; điều gì nên làm, điều gì không nên làm; hành vi nào đem lại bất lợi và khổ não lâu dài, hành vi nào đem lại tăng ích và an lạc lâu dài?” Con nghe họ nói những gì là bất thiện thì phải nhất định tránh xa; và con phải sống tuân theo những gì là thiện. Này con, như vậy là phận sự của Chuyển luân vương.’
‘Kính vâng, Thiên vương’, vua quán đảnh dòng sát-đế-lợi đáp ứng lời vị đạo sĩ quân vương và thi hành đầy đủ phận sự của Chuyển luân vương. Sau khi thi hành đầy đủ phận sự của Chuyển luân vương, vào ngày rằm trai giới, vua gội đầu, trai giới, đi lên lầu cao, bấy giờ thiên luân bảo hiện ra.…
Cakkavatti-sīhanāda Sutta: Dīgha-nikāya III.59–62, dịch Anh P.D.P.
‘Này các tỳ-kheo, nếu là vị vua chuyển luân đúng như pháp, thì vị ấy không chuyển luân mà không có vương pháp.’ Khi nghe nói vậy, một tỳ-kheo bạch Phật: ‘Bạch Đại Đức, thế nào là vua chuyển luân như pháp, cai trị như pháp, vị vua ấy là ai?’ Thế Tôn đáp: ‘Này tỳ-kheo, chính là Pháp.’
Dhamma-rājā Sutta: Aṅguttara-nikāya, III.149, dịch Anh P.D.P.
Hòa bình, bạo lực, và tội ác
Th.32 Nghèo khổ và bất bình đẳng tài sản là nguyên nhân xã hội bất an và suy đồi đạo đức
Chuyện kể trong đây cho thấy mối liên hệ giữa đạo đức và các điều kiện kinh tế của dân chúng. Nó chỉ ra rằng nguyên nhân chính cho sự suy giảm dần đạo đức là nghèo đói, chênh lệch kinh tế, và đói kém. Nó cũng cho thấy rằng thông qua sự phục hồi các tiêu chuẩn đạo đức trong xã hội mà một trật tự xã hội thịnh vượng cũng được khôi phục. Đoạn đầu kể theo một câu chuyện quá khứ xa xôi, nhưng sau đó được mở rộng vào tương lai xa xôi, khi đức Phật kế tiếp, đức Di-lặc / Từ Thị Tôn (Metteyya), sẽ xuất hiện (mặc dù một thời đại hoàng kim tương lai như vậy sẽ tự nó đến một lúc cũng suy vong). Chuyện kể hàm ý rằng tuổi thọ của loài người tăng giảm tỷ lệ với đạo đức tổng thể.
Rồi vua cho mời họp tất cả lại và hỏi về phận sự cao cả của một vị vua chuyển luân. Những người ấy nói những điều đó cho vua nghe. Sau khi nghe họ nói, vua có bố thí, bảo vệ, phòng hộ, thủ hộ (cho dân chúng và động vật), nhưng không ban tiền của cho người nghèo. Do không ban tiền của cho người nghèo, nghèo đói lan rộng.
Khi nghèo đói lan rộng, có người lấy trộm vật không được cho, phạm tội trộm cắp. Người ta bắt nó và dẫn đến trước vua quán đảnh dòng sát-đế-lợi, tâu rõ việc nó đã làm. Vua hỏi phải chăng nó phạm… trộm cắp, và nó nói: ‘Tâu Thiên vương, thật vậy.’ Vua hỏi, tại sao nó làm vậy, và nó đáp: ‘Tâu Thiên vương, tôi không có gì để sống.’ Rồi nhà vua ban cho người ấy tiền của và nói: ‘Này anh kia, với tiền của này ngươi hãy tự nuôi dưỡng, nuôi dưỡng cha mẹ, nuôi dưỡng vợ con, siêng làm các công việc, cúng dường các vị sa-môn, bà- la-môn, để có quả báo an lạc hiện tại và tương lai sinh thiên.’ Người trả lời ‘Kính vâng, Thiên vương.’
Rồi một người khác cũng phạm… trộm cắp… Vua ban cho người ấy tiền của… Này các tỳ-kheo, nhiều người nghe đồn, ‘Những ai lấy vật không cho của những người khác, tức là ăn trộm, vua ban cho những người ấy tiền của.’ Nghe vậy, chúng nghĩ thầm: ‘Chúng ta hãy lấy vật không cho của những người khác, tức là ăn trộm.’ Rồi một người khác phạm… trộm cắp. Người ta bắt nó và dẫn đến trước vua… Rồi nhà vua suy nghĩ: ‘Nếu ta cứ cho tiền của cho mọi người phạm… trộm cắp, thế thì trộm cắp sẽ tăng trưởng. Nay ta phải trừng phạt nó thích đáng, phải ngăn chặn triệt để, cắt đứt rễ, chặt đầu nó.’
Như vậy, vua ra lệnh cho quan quân: ‘Hãy lấy sợi dây thật chắc, trói quặt hai tay hắn ra sau thật chặt, cạo trọc đầu nó, dẫn nó đi từ đường này đến đường khác, từ ngã tư này đến ngã tư khác, rồi nổi trống vang lên, lôi nó ra khỏi cửa phía nam và đến phía nam của thành, trừng phạt nó thích đáng, ngăn chặn triệt để, cắt đứt rễ, chặt đầu nó.
Nhiều người nghe rằng những ai… phạm… trộm cắp, sẽ bị chém đầu, những người ấy nghĩ: ‘Chúng ta hãy rèn kiếm cho thật bén, và chúng ta sẽ loại bỏ triệt để những người mà chúng ta trộm (để họ không thể làm chứng chống lại chúng ta), ngăn chặn họ triệt để, chặt đầu họ.’ Những người ấy rèn kiếm cho thật bén, và đi giết người trong làng mạc, thôn xóm, thị trấn, thành thị. Họ đi cướp đường, và họ loại bỏ triệt để những người mà họ trộm, ngăn chặn những người ấy triệt để, chặt đầu những người ấy.
Như vậy, này các tỳ-kheo, khi không bố thí cho người nghèo tiền của, nghèo đói tăng thịnh; vì nghèo đói tăng thịnh nên trộm cắp tăng thịnh; vì trộm cắp tăng thịnh nên đao kiếm tăng thịnh; vì đao kiếm tăng thịnh, nên sát hại tăng thịnh; vì sát hại tăng thịnh nên tuổi thọ của các chúng sanh này giảm thiểu, sắc đẹp giảm thiểu. Vì tuổi thọ giảm thiểu và sắc đẹp giảm thiểu, nên con cái của những người trước kia tuổi thọ đến tám vạn năm nay chỉ còn bốn vạn năm… [Những suy đồi thêm về đạo đức, dẫn tới tuổi thọ của con người liên tục giảm thiểu như mô tả sau đây.]
Này các tỳ-kheo, sẽ có một thời khi con cái của những người này chỉ sống đến mười tuổi.… mười thiện hành hoàn toàn biến mất và mười bất thiện hành[2] tăng thịnh tối đa. Khi tuổi thọ loài người giảm đến mười tuổi, thậm chí từ ‘thiện’ cũng sẽ không còn, nói gì đến người hành thiện? … Trong số những người tuổi thọ chỉ đến mười, nổi lên thù hận nhau mãnh liệt, ác ý mãnh liệt, đố kỵ mãnh liệt, sát ý mãnh liệt, ngay cả mẹ đối với con… Khi loài người tuổi thọ chỉ đến mười, đao binh kiếp xuất hiện trong vòng bảy ngày. Con người xem nhau như loài thú. Dao kiếm sắc bén xuất hiện trong tay, chúng tàn sát nhau, nói rằng: ‘đây là thú’, ‘đây là thú’.
Rồi, này các tỳ-kheo, trong số các loài hữu tình ấy, một số suy nghĩ: ‘Chúng ta chớ giết ai; chớ có ai giết chúng ta. Chúng ta hãy lẩn vào lùm cỏ, lùm rừng, lùm cây, những con sông khó vượt, núi non hiểm trở và sống bằng rễ cây và trái cây rừng’. Họ làm như vậy và sau bảy ngày đi qua, họ từ những chỗ trú ẩn đi ra, an ủi nhau, vui mừng với nhau, ôm lấy nhau, nói rằng: ‘Bạn ơi, có chúng sanh còn sống! Bạn ơi, có chúng sanh còn sống!’ Rồi ý nghĩ này khởi lên nơi các chúng sanh ấy: ‘Vì chúng ta gây nhân cho các pháp bất thiện nên thân quyến diệt vong bị giết hại nhiều như vậy. Nay chúng ta hãy làm điều thiện. Chúng ta làm điều thiện như thế nào? Chúng ta tránh xa sát sanh và sống tuân giữ thiện hành này’. Họ… tuân giữ thiện hành này. Do tuân giữ thiện hành này, tuổi thọ tăng thịnh dần…
Khi tuổi thọ loài người tăng lên đến tám vạn tuổi, Varanasi này sẽ là một vương quốc tên là Ketumatī… thịnh vượng và thực phẩm dồi dào… (và) có vị Chuyển luân vương tên là Saṅkha ra đời, là vị vua chánh trực trị nước theo Pháp… Bấy giờ có Thế Tôn hiệu Di-lặc (Metteyya) sẽ xuất hiện trong đời, là vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác… như Ta đản sanh ra ở đây, trong đời này.
Cakkavatti-sīhanāda Sutta: Dīgha-nikāya III.64–76, dịch Anh P.D.P.
Th.33 Trách nhiệm quốc gia bảo đảm kinh tế thịnh vượng cho quốc dân
Đoạn này minh họa đức Phật thiện xảo thuyết pháp, và cũng cho thấy rằng nghèo đói dẫn đến xã hội băng hoại, và một nhà cai trị khôn ngoan nên hành động để ngăn chặn điều này. Bối cảnh là bà-la-môn Kūṭadanta, muốn làm lễ đại tế đàn, đi đến đức Phật vì ông đã nghe đồn (thật lạ lùng!) rằng đức Phật có thể cho ý kiến về tổ chức đại tế đàn như thế nào. Đức Phật đưa ra ý kiến bằng chuyện kể sau đây về một ông vua giàu có, muốn cử hành một đại tế đàn để bảo đảm đời sống tăng ích và lạc trong tương lai, đã hỏi bà-la-môn tư tế nên làm gì.
Bấy giờ, bà-la-môn tư tế tâu vua Mahā-vijita: ‘Tâu Tôn vương, quốc thổ này của Ngài chịu tai ách và áp bức. Thôn xóm bị cướp bóc, thị trấn và thành thị bị cướp bóc, bọn cướp đường xuất hiện. Trong quốc thổ chịu tai ách và áp bức như vậy, nếu vua lại đánh thuế, thế thì Tôn vương đã làm điều nên làm. Tôn vương có thể nghĩ rằng: “Ta sẽ tiêu diệt đám giặc cướp này, giết chết, giam cầm, tịch biên, khiển trách, trục xuất khỏi nước!” Nhưng đám giặc cướp hùng mạnh này sẽ không bị tiêu diệt như ý theo cách ấy. Những bọn còn sót thoát khỏi hành hình lại tiếp tục tàn phá quốc thổ của đại vương. Tuy nhiên, nếu thi hành biện pháp sau đây thì đám giặc cướp ấy sẽ được tiêu diệt như ý. Do vậy, tâu đại vương, trong quốc độ của đại vương những ai nỗ lực về canh tác và chăn nuôi, đại vương hãy cấp cho lương thực và hạt giống. Ai trong quốc độ của đại vương nỗ lực về thương nghiệp, đại vương cung cấp cho vốn liếng. Ai trong quốc độ của đại vương nỗ lực về quan chức, đại vương hãy cấp cho bổng lộc và thực phẩm.
Rồi khi những người ấy chuyên tâm vào nghề nghiệp của mình, sẽ không còn tàn phá quốc thổ, và tài bảo tích tụ của đại vương sẽ tăng lớn; đất nước sẽ được an ổn, không có tai ách và áp bức. Dân chúng sống vui vẻ, ẵm con nhảy múa trên tay, cửa nhà mở rộng.’…
Vua Mahā-vijita chấp nhận lời khuyên của bà-la-môn tư tế, và làm theo. Dân chúng bấy giờ ai cũng chuyên tâm vào nghề nghiệp của mình không còn tàn phá quốc thổ. Tài bảo tích tụ của nhà vua tăng lớn. Đất nước được an ổn, không có tai ách và áp bức. Dân chúng sống vui vẻ, ẵm con nhảy múa trên tay, cửa nhà mở rộng. Kūṭadanta Sutta: Dīgha-nikāya I.135–136, dịch Anh P.D.P.
Th.34 Nguyên nhân mâu thuẫn xã hội và gia đình
Phần thứ nhất trong những đoạn trích này làm nổi bật tính đố kỵ và keo kiệt là nguyên nhân của những ác tâm và xung đột trong cộng đồng, cho dù người hay thần, chẳng hạn như những vị rắn thần (nāga) và nhạc thần (gandhabba). Phần hai nêu bật những tham đắm dục lạc là nguyên nhân gây xung đột.
‘Tôn Sư, do kết phược gì mà các loài trời, người, a-tu-la, rồng, càn-thát-bà và tất cả những loài khác thay vì nghĩ: ‘Chúng ta hãy sống không thù hận, không dùng gậy, không đối địch, không hại ý, thoát khỏi thù hận, nhưng lại sống với hận thù, gậy gộc, đối địch, hại ý và không thoát khỏi thù hận?’ Thiên chủ Sakka hỏi Thế Tôn như vậy.
Được hỏi như vậy, Thế Tôn trả lời như sau: ‘Do kết phược tật đố và keo kiệt mà các loài trời, người… sống với thù hận, gậy gộc, đối địch…’
Sakka-pañha Sutta: Dīgha-nikāya II.276, dịch Anh P.D.P.
Lại nữa, này các tỳ-kheo, với dục là nhân, dục là duyên, dục là tránh sự, nhân bởi nơi dục, mà vua tranh chấp với vua, sát- đế-lỵ tranh chấp với sát-đế-lỵ, bà-la-môn tranh chấp với bà- la-môn, gia chủ tranh chấp với gia chủ, mẹ tranh chấp với con, con tranh chấp với mẹ, cha tranh chấp với con, con tranh chấp với cha, anh em tranh chấp với anh em, anh tranh chấp với chị, chị tranh chấp với anh, bạn bè tranh chấp với bạn bè. Chúng tranh chấp, cãi nhau và đánh nhau bằng tay, đá, gậy, gươm đao, và ở đây họ đi đến chỗ chết, và đau khổ gần như chết.
Mahā-dukkha-kkhandha Sutta: Majjhima-nikāya I.86, dịch Anh P.D.P.
Th.35 Chiến tranh, hòa bình và hòa giải
Hai đoạn trích này cho thấy xung đột vũ trang mang lại sự thất vọng và xung đột thêm nữa, đặc biệt nếu một người không độ lượng trong ‘chiến thắng’. Trong đoạn trích đầu, đức Phật nhận xét về tin báo rằng vua Ajātasattu đã tấn công vua Pasenadi, và vua Pasenadi phải thất bại rút lui.
Này các tỳ-kheo, vua Ajātasattu nước Magadha có bạn ác, đồng bọn ác, và thân giao ác. Vua Pasenadi nước Kosala có bạn hiền, đồng bọn hiền, và thân giao hiền. Tối nay, vua Pasenadi nước Kosala bại trận sẽ chịu khổ đau.
Chiến thắng sanh thù oán, chiến bại nắm khổ đau, Ai xả bỏ thắng bại, ngủ an tĩnh an lạc.
Bấy giờ có nhiều tỳ-kheo… đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ, rồi ngồi xuống một bên và bạch: ‘Bạch Thế Tôn, vua Ajātasattu nước Magadha,… tiến về Kāsi, đánh nhau với vua Pasenadi nước Kosala.… Vua Pasenadi nước Kosala chiến thắng, và bắt sống vua Ajātasattu nước Magadha. Rồi vua Pasenadi nước Kosala suy nghĩ như sau: “Tuy vua Ajātasattu… phản bội ta, dầu ta không phản bội (nó), nhưng nó là cháu ta. Hay là ta chỉ nên đoạt hết quân voi, quân ngựa, quân xe, quân bộ rồi tha mạng cho nó?” Sau đó vua Pasenadi nước Kosala, đoạt hết… quân voi, quân ngựa, quân xe, quân bộ của vua Ajātasattu… và tha mạng cho vua ấy.’
Bấy giờ Thế Tôn, sau khi hiểu rõ tình cảnh này, bèn nói bài kệ nhân cơ hội ấy:
Người cướp đoạt, quả thật, nghĩ vậy là đích đáng. Khi người khác cướp đoạt, người bị cướp cũng cướp. Ngu nghĩ thế là đúng, khi quả ác chưa chín. Đến khi ác kết quả, người ngu chịu sầu khổ.
Giết người, bị người giết, thắng người, bị người thắng.
Mắng, người mắng lại, não người, người não lại.
Nghiệp xoay chuyển như vậy, kẻ cướp lại bị cướp. First and second Saṅgāma Suttas: Saṃyutta-nikāya I.83–85 <189–
193>,[3] dịch Anh P.D.P.
Th.36 Sức mạnh của an nhẫn và vô sân
Phần đầu đoạn trích, cũng được đặt trong một tình huống xung đột, khuyên nên bình tĩnh và kiên nhẫn khi đối mặt với sự khiêu khích tức giận. Đây không phải là khiếp nhược, mà là sức mạnh thực sự, lợi ích cho bản thân và những người xung quanh. Đoạn trích thứ hai thể hiện ngắn gọn sức mạnh của cách phản ứng này.
Trong trận chiến ấy chư thiên thắng và các a-tu-la bại. Rồi chư thiên Tam thập tam trói Vepacitti vua a-tu-la (bằng năm chỗ) với cổ là thứ năm, sau đó dẫn đến hội trường Sudhammā, trước mặt Thiên đế Sakka. Tại đây, Vepacitti vua a-tu-la… khi Thiên đế Sakka đi vào và đi ra khỏi hội trường Sudhammā, mạ lỵ và xúc phạm bằng những lời thô lỗ, cộc cằn.
Khi ấy người đánh xe Mātalī nói với Thiên đế Sakka bằng những bài kệ: ‘Do bởi sợ hay hèn, Sakka phải nhẫn nhịn, nghe Vepacitti nói những lời thô lỗ?’
Sakka: ‘Nhịn Vepacitti, không do sợ hay hèn. Há kẻ trí như ta, xử sự như người ngu?’
Mātalī: ‘Kẻ ngu càng hung hăng, nếu không người ngăn lại.
Hãy bằng hình phạt nặng, kẻ trí ngăn người ngu.’
Sakka: ‘Ta suy nghĩ như vầy: để ngăn chặn người ngu, hãy giữ tâm bình tĩnh, khi biết kia phẫn nộ.’
Mātalī: ‘Vāsava, tôi thấy, nhẫn có sai lầm này: ngu nghĩ “nhẫn vì sợ”, nó càng hăng như bò, thấy người chạy càng đuổi.’
Sakka:
Mặc nó nghĩ hay không, rằng ‘ta nhẫn vì sợ nó’. Lợi tối thượng cho mình, không có gì hơn nhẫn.
Những ai có sức mạnh, nhẫn nhịn kẻ yếu hơn, đó là nhẫn tối thượng. Kẻ yếu chỉ biết nhịn.
Không mạnh mà nói mạnh, mạnh ấy của kẻ ngu. Mạnh do pháp thủ hộ, không ai chống lại nổi.
Người giận, ta giận lại, do vậy càng xấu hơn. Không giận người giận mình, thắng trận chiến khó thắng.
Biết rằng người giận ta, ai giữ tâm bình tĩnh, xử sự tốt cả hai, cho mình và cho người.
Người chữa trị cả hai, cho mình và cho người, ai nghĩ người ấy ngu, là người kém hiểu Pháp.
Vepacitti Sutta: Saṃyutta-nikāya I.221–222 <475–479>, dịch Anh P.D.P.
Chinh phục giận bằng không giận; thắng cái xấu bằng cái tốt; thắng keo kiệt bằng bố thí, thắng gian dối bằng trung thực. Dhammapada 223, dịch Anh P.H.
Tài sản và hoạt động kinh tế
Th.37 Tham lam giàu có đem lại tai hại
Giàu có hại người ngu, không hại (người) cầu bỉ ngạn.
Kẻ ngu vì tham giàu, hại mình và hại người. Dhammapada 355, dịch Anh P.H.
Th.38 Chớ nên mù một mắt
Đoạn này xem hạng người tốt nhất và hạnh phúc nhất là người có mắt nhìn thấy cả hai, lợi lộc lẫn đạo đức.
Này các tỳ-kheo, có ba hạng người này tồn tại trong đời. Ba hạng ấy là gì? Người mù, người một mắt, người có hai mắt. Này các tỳ-kheo, thế nào là người mù? Ở đây, có người không có mắt để thấy mà thu hoạch tài sản chưa được thu hoạch, tăng trưởng tài sản đã thu hoạch; và người ấy không có mắt để thấy mà biết pháp thiện và pháp bất thiện, pháp bị chê trách và pháp không bị chê trách, pháp thấp hèn và pháp cao thượng, pháp đen và trắng. Đây gọi là hạng người mù. Và này các tỳ-kheo, thế nào là hạng người có một mắt? Ở đây, có người có mắt để mà thu hoạch… nhưng người ấy không có mắt để mà biết pháp thiện và pháp bất thiện…
Và này các tỳ-kheo, thế nào là hạng người có hai mắt? Ở đây, này các tỳ-kheo, có người có mắt để mà thu hoạch tài sản… và người ấy cũng có mắt để mà biết pháp thiện và pháp bất thiện…
Người có đủ hai mắt, nói là người tối thắng, nỗ lực mà thu hoạch, tài sản đúng như pháp.
Andha Sutta: Aṅguttara-nikāya I.128–129, dịch Anh P.H.
Th.39 Sống hạnh phúc do cần mẫn, chân chánh bảo hộ sở hữu, đồng bạn với người tốt, và sử dụng tiền bạc khôn ngoan
Đoạn trích này giải thích những loại hành vi mang lại hạnh phúc trong đời này và đời sau cho những người cư sĩ bình thường sống trong hưởng thụ dục lạc.
Này Byagghapajja, có bốn pháp này dẫn đến tăng ích và an lạc cho thiện nam tử ngay trong đời hiện tại. Bốn pháp ấy là gì? Thành tựu cần mẫn, thành tựu thủ hộ, thân cận thiện hữu, sinh hoạt quân bình.
Này Byagghapajja, thế nào là thành tựu phấn đấu? Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử nuôi sống với bất kể nghề nghiệp gì, trồng trọt, buôn bán, chăn nuôi, bắn cung, quan chức, người ấy thiện xảo trong các nghề nghiệp ấy, không biếng nhác, có đủ khả năng phán đoán để biết rõ phương tiện thích hợp cần làm gì và làm thế nào. Này Byagghapajja, đây gọi là thành tựu phấn đấu.
Và này Byagghapajja, thế nào là thành tựu thủ hộ? Ở đây, này Byagghapajja, tài sản nào mà thiện nam tử thu hoạch được do nỗ lực phấn đấu, được tích lũy do sức đôi tay, do mồ hôi trán, thu hoạch chân chính như pháp, người ấy bố trí canh phòng và thủ hộ nghĩ rằng: ‘Không nên để cho các tài sản này bị vua chiếm đoạt, cướp chiếm đoạt, không bị lửa đốt, nước cuốn, không bị những kẻ thừa hưởng phi khả ái chiếm đoạt’. Này Byagghapajja, đây gọi là thành tựu phòng hộ. Và này Byagghapajja, thế nào là thân cận thiện hữu? Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử sống tại làng xóm hay thị trấn nào, tại đó có những gia chủ hay con của gia chủ, những người trẻ có giới tăng trưởng hay người già có giới tăng trưởng, thành tựu tín, thành tựu giới, thành tựu thí, thành tựu tuệ. Thiện nam tử ấy đứng ngồi chung với họ, trò chuyện với họ, và bàn luận với họ. Với những người thành tựu tín, vị ấy học tập tùy thuận tín. Với những người thành tựu giới, vị ấy học tập tùy thuận giới.Với những người thành tựu thí, vị ấy học tập tùy thuận thí. Với những người thành tựu tuệ, vị ấy học tập tùy thuận tuệ. Này Byagghapajja, đây gọi là thân cận thiện hữu.
Và này Byagghapajja, thế nào là sinh hoạt quân bình? Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử sau khi biết mức thu nhập, biết mức chi tiêu, người ấy sống với mức sống quân bình, không quá phung phí, không quá hà tiện, suy nghĩ: ‘Thu nhập của ta nên nhiều hơn mức chi tiêu, chi tiêu không nên nhiều hơn mức thu nhập.’ Ví như người cầm cân hay học trò của người cầm cân biết rằng, bên này nặng hơn chừng này, và bên này nhẹ hơn chừng này, cũng vậy, thiện nam tử sau khi biết mức thu nhập, biết mức chi tiêu, người ấy sống với mức sống quân bình, không quá phung phí, không quá hà tiện… Này Byagghapajja, khi nào thiện nam tử này, sau khi biết mức thu nhập và biết mức chi tiêu,…. đây gọi là sinh hoạt quân bình.
Này Byagghapajja, có bốn cửa ra cho tài sản đã được tích tập. Đó là đam mê nữ sắc, say sưa rượu chè, đam mê cờ bạc, và có bạn bè xấu, đồng bọn xấu, thân giao xấu. Ví như, này Byagghapajja, một hồ nước lớn, có bốn cửa cho nước chảy vào, có bốn cửa cho nước chảy ra, có người đóng lại các cửa chảy vào, và mở các cửa chảy ra; trời lại không mưa nhiều. Nếu điều này xảy ra, chỉ còn mong đợi hồ nước ấy bị vơi cạn, không có đầy thêm. Cũng vậy, có bốn cửa ra cho tài sản đã được tích tập…
Này Byagghapajja, có bốn cửa vào cho tài sản được thêm nhiều, đó là không đam mê nữ sắc, không say sưa rượu, không đam mê cờ bạc, và không có bạn bè xấu, đồng bọn xấu, thân giao xấu… Ví như, này Byagghapajja, một hồ nước lớn, có bốn cửa cho nước chảy vào, có bốn cửa cho nước chảy ra, có người đóng lại các cửa chảy ra, và mở ra các cửa chảy vào; và trời lại mưa nhiều. Nếu điều này xảy ra, chỉ có thể mong đợi là hồ nước ấy thêm nhiều, không có vơi cạn. Cũng vậy, có bốn cửa vào cho tài sản được thêm nhiều… Này Byagghapajja, bốn pháp nói trên dẫn đến tăng ích và an lạc cho thiện nam tử ngay ở đây và bây giờ. Này Byagghapajja, bốn pháp sau đây dẫn đến tăng ích và an lạc cho thiện nam tử trong tương lai. Bốn pháp ấy là gì? Thành tựu tín, thành tựu giới, thành tựu thí, thành tựu tuệ.
Và này Byagghapajja, thế nào là thành tựu tín? Ở đây, thiện nam tử có tín tâm nơi bồ-đề của Như Lai, ‘Thế Tôn, vị A-la- hán, Chánh Đẳng Giác, …’[4]
Này Byagghapajja, thế nào là thành tựu giới? Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử từ bỏ sát sanh… từ bỏ uống rượu dẫn đến say sưa và phóng dật… Này Byagghapajja, đây gọi là thành tựu giới.[5]
Này Byagghapajja, thế nào là thành tựu thí? Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử sống tại gia, với tâm không bị cáu bẩn bởi keo kiệt, bố thí rộng rãi, với bàn tay mở rộng (sẵn sàng cho), vui thích từ bỏ, sẵn sàng thỏa mãn người xin, vui thích phân chia bố thí. Này Byagghapajja, đây gọi là thành tựu thí.
Này Byagghapajja, thế nào là thành tựu tuệ? Ở đây, thiện nam tử là người có tuệ, thành tựu tuệ, bằng thánh tuệ thông đạt thấy pháp hưng suy, chơn chánh dẫn đến dứt khổ. Này Byagghapajja, đây gọi là thành tựu tuệ.
Byagghapajja Sutta: Aṅguttara-nikāya IV.281–285, dịch Anh P.D.P.
Th.40 Sống đạo đức – không lãng phí tài nguyên
Đoạn này cho thấy sống đạo đức, tránh các tâm trạng tiêu cực, và tránh những thứ như sự biếng nhác và say sưa, tất cả những điều này,vì tất cả đều giúp cho hạnh phúc đời này và đời sau.
Trong chừng mực mà Thánh đệ tử đoạn trừ, bốn nhiễm ô của nghiệp, không tạo các nghiệp ác trong bốn trường hợp, không thân cận sáu nguồn giảm sút tài sản; bằng cách tránh xa mười bốn ác pháp như vậy mà vị ấy thành người bảo hộ sáu phương[6], bước vào con đường dẫn đến chiến thắng hai đời; đã thành tựu trong đời này và đời sau; sau khi thân hoại mạng chung sanh vào thiện thú, sanh thiên.
Thế nào là đoạn trừ bốn nhiễm ô của nghiệp? Sát sanh, trộm cắp, tà dâm,[7] và nói dối, đó là bốn nhiễm ô của nghiệp được trừ diệt.
… Thế nào là không tạo các nghiệp ác trong bốn trường hợp? Hành nghiệp ác với dục không nên hành… sân không nên hành… si không nên hành… sợ hãi không nên hành…
Thế nào là không thân cận sáu nguồn giảm sút tài sản? Đam mê các loại rượu và phóng dật; rong chơi đường phố lúc phi thời; thường xuyên vãng lai yến tiệc; đam mê vui say buông lung cờ bạc; giao du ác hữu; quen thói lười biếng.
Sigālovāda Sutta: Dīgha-nikāya III.181–184, dịch Anh P.D.P.
Th.41 Bố thí và kính trọng dẫn đến gia đình và xã hội hạnh phúc
Đoạn này khuyến khích mọi người sử dụng thu nhập chân chánh để cấp dưỡng gia đình và bố thí cho người làm, hàng xóm, tế tự thần linh, và cúng dường các sa-môn, bà-la-môn. Này Mahānāma, bất kỳ một thiện gia nam tử nào được thấy có năm pháp này, cho dù đó là vua quán đảnh dòng sát-đế- lợi, hoặc người tập ấm phong ấp của tổ phụ, hoặc tướng lãnh quân binh, hoặc tụ lạc trưởng của tụ lạc, hoặc tụ lạc trưởng của một hội đoàn, hoặc người quản lãnh trong một gia tộc – bất kỳ ai, chỉ thấy tăng trưởng chứ không thấy suy thoái. Năm pháp ấy là gì?
Ở đây, này Mahānāma, với những tài sản chân chính người ấy kiếm được một cách chân chính do nỗ lực chuyên cần, khổ nhọc bằng đôi tay, đổ mồ hôi, người ấy cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, và cúng dường cha mẹ. Cha mẹ được người ấy cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, tỏ lòng thực tâm thương yêu người ấy và mong ước rằng: ‘Cầu cho con sống lâu, cầu cho con sống được an toàn trường thọ!’ Với một thiện nam tử được cha mẹ thương yêu nhiều, chỉ có thể mong thấy có sự tăng trưởng, chứ không suy thoái.
Lại nữa, này Mahānāma, thiện nam tử với những tài sản chân chính người ấy kiếm được một cách chân chính… người ấy tôn trọng… vợ con, người phục vụ, người làm công… Vợ con… khi được tôn trọng… tỏ lòng thực tâm thương yêu người ấy… Với một thiện nam tử được vợ con… thương yêu nhiều, chỉ có thể mong thấy có sự tăng trưởng, chứ không suy thoái.
Lại nữa, này Mahānāma, thiện nam tử với những tài sản chân chính người ấy kiếm được một cách chân chính… người ấy tôn trọng… những người làm ở ruộng và ở những chỗ làm lân cận, khi được tôn trọng… tỏ lòng thực tâm thương yêu người ấy… Với một thiện nam tử được những người làm ở ruộng và ở những chỗ làm lân cận thương yêu nhiều, chỉ có thể mong thấy có sự tăng trưởng, chứ không suy thoái.
Lại nữa, này Mahānama, thiện nam tử với những tài sản chân chính người ấy kiếm được một cách chân chính… người ấy cung kính tế tự các thần nhận lãnh các vật cúng tế. Các thần… khi được tế tự… tỏ lòng thực tâm thương yêu người ấy… Với một thiện nam tử được các thần thương yêu nhiều, chỉ có thể mong thấy có sự tăng trưởng, chứ không suy thoái. Lại nữa, này Mahānāma, thiện nam tử với những tài sản chân chính người ấy kiếm được một cách chân chính… người ấy cung kính cúng dường… sa-môn, bà-la-môn. Các sa-môn, bà-la-môn… khi được cung kính cúng dường… tỏ lòng thực tâm thương yêu người ấy… Với một thiện nam tử được các sa-môn, bà-la-môn thương yêu nhiều, chỉ có thể mong thấy có sự tăng trưởng, chứ không suy thoái.…
Phận sự với mẹ cha, thường chu cấp vợ con, tạo lợi cho gia nhân, và những người trông cậy.
Vì lợi ích cả hai, với tổ tiên quá cố, và thân quyến đang sống, khoan dung và có giới.
Hiền trí sống có giới, tại gia tạo của cải, đem vui cho sa-môn, bà-la-môn, chư thiên.
Vị ấy làm thiện sự, được tôn kính, tán thán. Ðời này được ngợi khen, đời sau vui sanh thiên cảnh.
Licchavi-kumāra Sutta: Aṅguttara-nikāya III.76–78, dịch Anh P.D.P.
Th.42 Bốn khía cạnh đáng tán dương của việc làm ra và sử dụng tài sản
Đối với cư sĩ, đoạn văn này ca ngợi sự giàu có chính đáng, sử dụng tài sản để làm cho mình hạnh phúc, để làm cho người khác hạnh phúc, tạo công đức, và không chấp thủ tài sản.
Ở đây, này thôn trưởng, có người thọ dụng các dục, tìm cầu tài sản hợp pháp và không dùng bạo lực; người ấy (với tài sản này) tự mình vui sướng, hoan hỷ; người ấy phân chia và làm các công đức (với nó); và người ấy thọ dụng các tài sản ấy, không bị trói buộc, không say đắm, không tham chấp, thấy sự nguy hiểm và với trí tuệ xuất ly: Người này có thể được tán thán với bốn trường hợp (này). Rāsiya Sutta: Saṃyutta-nikāya IV.336–337, dịch Anh P.H.
Th.43 Sự hài lòng là tài sản
Câu kệ ngắn này ngụ ý rằng sự hài lòng mang lại cảm giác tốt đẹp.
Không bệnh, lợi đắc tối thượng, tri túc, tài tối thượng. Quyến thuộc, tín tối thượng. Niết-bàn, lạc tối thượng. Dhammapada 204, dịch Anh P.D.P.
***
[1] Bánh xe báu, biểu hiệu của một vua chân chánh ngự trị mà quyền lực kéo dài chừng nào mà ông còn thực hiện chức năng cai trị chân chánh có ý thức.
[2] Xem đoạn *Th.111.
[3] Pāli Text Society có hai phiên bản quyển một của Saṃyutta-nikāya. Cách đánh trang đầu tiên được dùng cho các đoạn trong cuốn sách này là theo phiên bản cũ, và các trang trong dấu ngoặc <> là phiên bản sau.
[4] Như trong *Th.1.
[5] Nghĩa là, vị ấy tuân theo năm giới, như trong đoạn *Th.110.
[6] Xem *Th.49.
[7] Quan hệ tính dục phi pháp, như là ngoại tình.