LUẬN BỒ ĐỀ TƯ LƯƠNG
Thánh giả Long Thụ tạo tụng
Tì-kheo Tự Tại giải thích
Tam tạng Đạt-ma-cấp-đa dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt
QUYỂN 6
Hỏi: Tu tập như thế nào?
Đáp:
Bốn thần túc là căn,
Muốn tiến tâm tư duy,
Bốn vô lượng trụ trì,
Là từ, bi, hỷ, xả.
Ở đây trong 4 vô lượng đã tập cận nhiều rồi tâm được đủ khả năng. Tâm được đủ khả năng rồi liền vào Thiền-na đầu tiên. Như vậy thứ hai, thứ ba, thứ tư, được Thiền-na rồi thân tâm được nhẹ nhàng. Thân tâm được đầy đủ nhẹ nhàng rồi nên xuất sinh nhập thần thông đạo. Xuất sinh nhập thần thông đạo đầy đủ rồi liền sinh thần túc. Nghĩa là hoặc dục, hoặc tinh tiến, hoặc tâm, hoặc tư duy. Trong đó dục là hướng pháp, tinh tiến là thành tựu pháp, tâm là quán sát nơi pháp, tư duy là thiện xảo nơi pháp.
Bồ-tát đối với thần thông hoặc tin hiểu, hoặc tác dụng, tâm Bồtát tự tại tùy ý muốn là làm. Do thành thục tốt nên từ căn bản trụ trì, các xứ thuận hành như gió khắp hư không. Trong đó Bồ-tát được 4 vô lượng và 4 Thiền-na rồi, hoặc tin hiểu, hoặc tác dụng xuất sinh thiên nhãn. Nếu là thiên nhãn của chư thiên long Dạ-xoa Càn-thát-bà v.v…, hoặc học nhân và Thanh Văn Độc Giác trong đó chỉ có sức tăng thượng thanh tịnh thắng hơn, quang minh thắng hơn, thượng thủ thắng hơn, thù dị thắng hơn. Thiên nhãn ấy không ngại sắc tướng thế gian gần xa thô tế, tùy theo ý muốn chúng đều thấy được. Cũng như vậy nghe được tiếng của trời người súc sinh. Cũng như vậy nghĩ nhớ vô lượng vô biên đời trước. Cũng như vậy biết tâm người khác cùng với tham dục v.v… cho đén 8 vạn 4 ngàn sai biệt. Cũng như vậy được vô lượng thần túc. Do được thần túc nên những gì cần điều phục chúng sinh thảy đều điều phục.
Bốn cõi như rắn độc,
Sáu nhập như làng vắng,
Năm chúng như sát nhân,
Phải tu quán như vậy.
Từ lâu bởi các thú vui đủ nhân duyên thụ dụng, tuy giữ gìn, nghỉ ngơi trưởng dưỡng, 4 cõi đất này mau chóng phát động, không biết ân dưỡng, không thể nương cậy, không thể tin tưởng, cho nên phải xem nó như rắn độc. Bởi không có chủ nên lìa ngã ngã sở. Mắt v.v… các nhập có 6 tên giặc phải coi nó như làng vắng. Cùng hòa với vật, phá hoại, đánh phạt không thể ngăn chứớng cho nên như sát nhân. Đối với 5 thụ chúng phải ngày ngày quán sát như vậy.
Trọng pháp và pháp sư,
Cũng xả nơi xan pháp.
Thầy dạy chớ giấu giếm,
Người nghe chớ tán loạn.
Ở đây có 4 thứ pháp có thể sinh Đại trí cần phải thụ giữ lấy. Đối với pháp và pháp sư cần phải tôn trọng, cũng bỏ sự keo kiệt đối với pháp, tùy chỗ nghe pháp, tùy chỗ tập tụng, phải vì người diễn nói. Nếu có người ưa thích nghe pháp, thầy dạy chớ nên giấu giếm lẫn tiếc, người nghe chớ tán loạn. Nghĩa là chớ có ý muốn gì khác.
Không mạn, không hy vọng,
Chỉ dùng tâm thương xót,
Tôn trọng và cung kính,
Vì chúng sinh nói pháp.
Lại có 4 thứ pháp là tướng của Đại trí cần hải thụ giữ lấy. Đó là xa lìa tự cao khinh người vì không kiêu mạn, lìa bó tiếng tăm cung kính lợi dưỡng vì không có tâm mong cầu, ở trong chúng sinh vô minh tối tăm chỉ vì thương xót, tôn trọng cung kính vì người kia nói pháp. Do 4 thứ pháp này nên Bồ-tát đầy đủ Đại trí cần phải giữ lấy.
Với nghe không chán đủ,
Nghe rồi đều tụng trì,
Không dối tôn phúc điền,
Cũng khiến thầy hoan hỷ.
Nghe nhiều không chán, nghe rồi thụ trì pháp, thụ trì pháp rồi thuận pháp hành pháp, không dối gạt tôn trọng phúc điền, cũng làm cho thầy hoan hỷ pháp này. Đó là tâm Bồ-đề không quên mất nhân.
Không nên xem nhà người,
Tâm ôm lòng kính dưỡng,
Chớ nên vì luận nạn,
Mà tập tụng thế điển.
Không nên vì nhân duyên cung kính cúng dường mà qua xem nhà người trừ khi vì nhân duyên an lập tâm Bồ-đề. Cũng không nên vì muốn luận nạn mà tập tụng các luận ở đời, trừ khi vì nhân duyên học hỏi.
Chớ nên vì giận dữ,
Chê bai các Bồ-tát,
Chưa thụ chưa nghe pháp,
Cũng chớ sinh phỉ báng.
Bởi vì sao? Vì nhân duyên giữ cho thiện pháp liên tục sinh.
Đoạn trừ tâm kiêu mạn,
Thường trụ 4 giống Thánh.
Chớ hiềm khích người khác,
Chớ tự phụ tự cao.
Đoạn trừ tâm kiêu mạn, là ở trong chúng sinh phải hạ mình xuống đoạn trừ ngã mạn. Phải giữ kiệm ước y thực ngọa cụ thuốc thang trong 4 thứ Thánh chủng vì biết tri túc. Không nên hiềm khích cũng không tự cao.
Nếu thật phạm không thật,
Không nên phát giác người.
Chớ tìm lầm lỗi người,
Lỗi mình nên tự biết.
Người khác đồng tu Phạm hạnh với mình phạm tội, dù có thật hay không có thật đều không nên phát giác. Không nên tìm kiếm lỗi người khác. Chỉ nên biết sai lầm của mình.
Phật và các pháp Phật,
Không nên phân biệt nghi.
Pháp dầu rất khó tin,
Tròn đó cũng phải tin.
Đối với Phật không nên phân biệt, vì Thế Tôn có đầy đủ pháp chưa từng có. Cũng không nên nghi hoặc đối với Phật pháp, vì đối với chúng sinh là pháp không chung. Và cho đến trong pháp Phật khó tin nhất dùng thâm tâm thanh tịnh mà tin.
Dù nói thật mà chết,
Thoái mất Chuyển luân vương,
Cho đến các Thiên vương,
Chỉ nên nói lời thật.
Nếu Bồ-tát do nói thật mà hoặc mất vật gì hoặc phải chết, dù
thoái mất địa vị Chuyển luân vương hay các Thiên vương cũng chỉ nên nói thật, huống chi vì những gì khác mà không nói thật.
Đánh mắng khủng bố giết,
Đều không oán trách người.
Đó là do tội ta,
Nghiệp báo nên hiện đến.
Nếu có người đến đánh mắng khủng bố trói nhốt giết ta, đó đều là tội mình nên có như vậy. Hoàn toàn không giận người. Đó là nghiệp của ta đã làm đời trước, nay phải chịu quả bất ái như vậy. Các chúng sinh kia không có tội gì. Chỉ là nghiệp báo của tội ta hiện đến nên mới như thế.
Phải rất yêu tôn trọng,
Cúng dường như cha mẹ,
Và hầu hạ Hòa thượng,
Cung kính A-xà-lê.
Ở nơi cha mẹ phải hết sức ái trọng tôn kính cúng dường, có ý tưởng cha mẹ như trời, theo ý cho cha mẹ được vui, lìa tâm xúc siểm. Lại phải cung kính hầu hạ Hòa thượng, A-xà-lê. Tùy theo chỗ Hòa thượng, A-xà-lê thuyết pháp trong không có gì ẩn kín thì đều có thể giáo hóa ra ngoài.
Vì tin Thanh Văn thừa,
Và tin Độc Giác thừa,
Nói ra pháp rất sâu,
Là Bồ-tát sai lầm.
Trong đây Bồ-tát có 4 thứ sai lầm càn phải lìa bỏ. Đó là đối với các chúng sinh Thanh Văn thừa và Độc Giác thừa mà nói pháp rất sâu là Bồ-tát sai lầm.
Vì chúng sinh tin sâu
Đại thừa, mà diễn nói
Thanh văn Độc Giác thừa,
Đó cũng là sai lầm.
Trong các chúng sinh tin sâu Đại thừa mà vì chúng nói Thanh Văn thừa Độc Giác thừa, đó cũng là Bồ-tát sai lầm.
Đại nhân đến cầu pháp,
Trì hoãn không chịu nói,
Mà lại nhiếp thụ ác.
Ủy nhiệm người không tin.
Nếu có chính trụ Đại chúng sinh khi đến cầu pháp thì liền nói thiện pháp. Nếu trái lại trì hoãn phá giới ác pháp đem nhiếp thụ cho, đó là Bồ-tát sai lầm. Người chưa tin hiểu Đại thừa, chưa thành thục 4 nhiếp sự mà tín nhiệm ủy giao, đó là sai lầm của Bồ-tát. Trên đây là 4 sai lầm của Bồ-tát.
Xa bỏ các sai lầm,
Nói công đức Đầu-đà,
Với đó phải nghĩ nhớ,
Và cũng phải tập cận.
Trong đây đã nói 4 thứ sai lầm cần phải lìa bỏ vì nó cách xa Bồ-đề. Nếu trong Thanh Văn Độc Giác thừa có nói về Đầu-đà và các công đức khác, chỉ biết họ không gây chướng ngại với Bồ-đề thì trong họ cũng nên tập cận.
Đẳng tâm, bình đẳng nói,
Bình đẳng khéo an lập,
Cũng khiến chính tương ưng,
Các chúng sinh không khác.
Bốn thứ Bồ-tát đạo này cần phải tập cận. Những gì là bốn? Đó là trong các chúng sinh khởi tâm bình đẳng, trong các chúng sinh nói pháp bình đẳng, trong các chúng sinh khéo an lập bình đẳng, trong các chúng sinh khiến chính tương ưng. Các bình đẳng này không có sai biệt, đó là 4 thứ.
Vì pháp không vị lợi,
Vì đức không vì danh,
Muốn chúng sinh thoát khổ,
Không muốn một mình vui.
Đây 4 thứ chân thật Bồ-tát cần phải biết. Những gì là bốn? Đó là chỉ vì pháp không vì tài lợi, chỉ vì công đức không vì tiếng khen, chỉ muốn thoát khổ cho chúng sinh không muốn an vui một mình.
Mật ý cầu nghiệp quả,
Ra làm việc phúc sinh,
Chỉ vì thành thục chúng,
Xả bỏ việc riêng tư.
Nếu mật ý muốn cầu nơi nghiệp quả làm 3 việc phúc. Khi sinh phúc này chỉ vì Bồ-đề lợi lạc chúng sinh, cũng chỉ vì Bồ-đề thành thục chúng, vì lợi chúng mà lìa bỏ việc riêng của mình. Đó là 4 thứ chân thật Bồ-tát.
Gần gũi thiện tri thức,
Đó là pháp sư, Phật.
Người khuyến khích xuất gia,
Và là người khất cầu.
Cần phải gần gũi 4 hạng thiện tri thức này của Bồ-tát. Những gì là bốn? Pháp sư là thiện tri thức của Bồ-tát vì giúp gìn giữ văn tuệ. Phật Thế Tôn là thiện tri thức của Bồ-tát vì giúp gìn giữ các pháp Phật. Người khuyến khích xuất gia là thiện tri thức của Bồ-tát vì giúp gìn giữ các thiện căn. Người khất cầu là thiện tri thức của Bồ-tát vì giúp gìn giữ tâm Bồ-đề. Bốn hạng thiện tri thức này của Bồ-tát cần phải gần gũi.
Người dựa vào thế luận,
Người cầu của thế gian,
Người tin Độc Giác thừa,
Người tin Thanh Văn thừa.
Cần phải biết có 4 hạng ác tri thức của Bồ-tát. Những gì là bốn? Người theo thế luận vì tập cận các thứ biện tài tạp nhạp. Người giữ của thế gian vì không giữ gìn pháp Phật. Người Độc Giác thừa vì ít làm việc nghĩa lợi. Người Thanh Văn thừa vì chỉ hành tự lợi.
Bốn ác tri thức này,
Bồ-tát cần phải biết.
Lại có thứ nên cầu,
Đó là 4 Đại tạng.
Như trước đã nói 4 thứ tri thức là ác tri thức, biết rồi cần phải xa lìa. Còn có 4 thứ tri thức cần phải cầu, đó là 4 Đại tạng.
Phật xuất, nghe các độ,
Và ở nơi pháp sư,
Thấy thí tâm không ngại,
Thích ở nơi tĩnh vắng.
Cần phải có được 4 thứ Đại tạng của Bồ-tát. Những gì là bốn? Đó là phụng sự chư Phật xuất thế nghe 6 pháp Ba-la-mật, tâm không ngại gặp pháp sư, không phóng dật, thích ở nơi tĩnh vắng. Đó là 4 thứ kho báu lớn của Bồ-tát cần phải có được.
Địa, thủy, hỏa, phong, không,
Đều cùng với tương tự,
Bình đẳng khắp mọi nơi,
Lợi ích các chúng sinh.
Cùng với địa, thủy, hỏa, phong và hư không, Bồ-tát có 2 nhân duyên tương tự cần phải nhiếp thụ. Đó là vì bình đẳng, vì lợi ích. Như địa v.v… các đại và hư không là 5 thứ ở trong hữu tâm vô tâm, bình đẳng khắp mọi nơi không có tướng khác. Các chúng sinh đều bình đẳng thụ dụng mà không đổi khác, không cầu trả ơn. Ta cũng như vậy, cho đến khi cứu cánh giác trường, làm chỗ thụ dụng cho chúng sinh mà không đổi khác không cầu trả ơn.
Phải tốt nghĩa tư duy,
Siêng sinh Đà-la-ni,
Chớ với người nghe pháp
Mà gây các trở ngại.
Nghĩa, tức là nghĩa Phật nói. Đối với nghĩa ấy phải tư duy kỹ càng, hoặc cùng đàm luận, hay ở một mình phải làm như vậy. Lại an trụ cấm giới tâm ý thanh tịnh sinh siêng năng tinh khiết và nghe Ngân chủ đà-la-ni, Hải chủ Đà-la-ni v.v… Lại ở nơi người nghe pháp đừng vì một nhân duyên nhỏ nhặt mà làm trở ngại để khỏi sinh nghiệp tai nạn đối với pháp.
Rắc rối điều phục được,
Chuyện nhỏ bỏ không màng.
Tám thứ việc biếng nhác,
Thảy đều dứt trừ hết.
Rắc rối điều phục được, nghĩa là có 9 việc phiền phức. Đó là nơi ta làm việc không lợi ích, đã làm, đang làm, sẽ làm là 3 thứ. Nơi thân ái của ta làm việc không lợi ích, đã làm đang làm sẽ làm là 3 thứ. Nơi ganh ghét của ta làm việc lợi ích, đã làm đang làm sẽ làm là 3 thứ. Những việc làm như vậy đều là làm việc phiền phức. Trong 9 chuyện phiền phức này phải tự điều phục.
Chuyện nhỏ, bỏ không màng, là có 20 thứ việc nhỏ. Đó là: (1) Không tin. (2) Không xấu. (3) Xúc siểm. (4) Trạo. (5) Loạn. (6) Phóng dật. (7) Hại. (8) Không thẹn. (9) Lười biếng. (10) Lo âu. (11) Hôn trầm. (12) Say ngủ. (13) Hận. (14) Che giấu. (15) Ganh ghét. (16) Keo kiệt. (17) Tự cao. (18) Phẫn uất. (19) Hối. (20) Muộn tuyệt.
Hai mươi thứ việc nhỏ này đều xả bỏ hết.
Tám thứ việc biếng nhác cũng phải đoạn trừ. Đó là: (1) Việc ta sắp làm thì bỏ đó mà đi nằm không phát tinh tiến. (2) Ta làm xong rồi. (3) Ta đang trên đường đi. (4) Ta đi đường rồi. (5) Thân ta mệt mỏi không thể tu nghiệp. (6) Thân ta nặng nề không thể tu nghiệp. (7) Ta đã sinh bệnh. (8) Ta bệnh dậy được mà nằm lại không phát tinh tiến. Do những việc này mà đáng được thì không được, phải đến thì không đến, phải chứng thì không chứng. Cần phải phát tinh tiến để đoạn dứt 8 thứ biếng nhác này.
Chớ tham chẳng phải phần,
Tham ngang không vừa ý.
Lìa bỏ thì đều hợp,
Chẳng hỏi thân chẳng thân.
Nếu thấy có chúng sinh đầy đủ phúc đức tiếng khen, danh tiếng, an vui, lợi dưỡng, chớ sinh tâm tham trong đó vì chẳng phải phần của ta. Nếu không phải phần của ta mà sinh tâm tham thì không vừa ý cho nên không nên làm. Lại nữa còn tranh giành ly tán phá hoại chúng sinh. Dù thân hay không thân đều khiến hòa hợp đồng tâm thương yêu nhau.
Nơi không mà được không,
Người trí chớ làm theo.
Nếu được ở nơi không,
Ác kia hơn thân kiến.
Dựa vào không mà đoạn trừ là đại vô trí. Người trí chớ dựa vào được không mà làm. Nếu dựa vào được không mà làm tức là người có thân kiến, còn tệ hơn cái ác khó trị. Bởi các kiến do từ không, nếu chấp không kiến thì không thể trị bởi không có gì xuất ly.
Quét sơn và trang hoàng,
Với nhiều thứ nhạc trống,
Hương hoa cùng các thứ,
Cúng dường nơi tháp Phật.
Ở nơi tháp Như Lai và hình tượng, quét dọn, sơn trát, hương đốt, hương bột, hoa tràng, phướn lọng v.v… đủ các thứ trang hoàng cúng dường để được đoan chính giới hương tự tại. Tiếng ốc, tiếng tiêu, đàn không hầu, trống nhỏ trống lớn trống sấm, vỗ tay v.v…các thứ nhạc trống cúng dường để được Thiên nhĩ.
Làm các thứ đèn lồng,
Cúng dường nơi tháp Phật.
Thí lọng và dép da,
Cúng các thứ xe kiệu.
Ở trong tháp Phật nên dùng các thứ đèn dầu cúng dường để được Phật nhãn. Bố thí lọng che, dép da voi ngựa xe kiệu v.v… để được vô thượng thần thông của Bồ-tát đi lại không khó.
Cần phải ưa thích đi,
Thích biết tin Phật được.
Ưa thích hầu hạ Tăng,
Cũng thích nghe chính pháp.
Bồ-tát thường phải có pháp hỷ lạc. Chẳng phải hỷ lạc phúc 5 dục, phải biết được cái lợi tin Phật. Chẳng phải chỉ tín lạc thấy sắc thân mà phải thường thích hầu hạ Tăng. Không phải chỉ thích đến thăm hỏi mà thường thích nghe pháp không chán chư không phải chỉ thích nghe chuyện trò trong chốc lát.
Trong đời trước không sinh,
Trong đời này không trụ,
Trong đời sau không đến,
Quán các pháp như vậy.
Vì do sức nhân duyên hòa hợp, và vì không từ nơi nào đến nên trong đời trước không sinh. Vì niệm niệm phá diệt và không dừng trụ nên trong hiện tại không trụ. Vì diệt hết không sót và không có nơi đi đến nên trong đời sau không đến. Phải biết quán các pháp như vậy.
Việc tốt cho chúng sinh,
Không cầu báo đáp tốt.
Hãy một mình chịu khổ,
Chứ không tự vui riêng.
Bồ-tát đối với chúng sinh phải đem việc tốt làm lợi lạc mà tự mình không trông mong đứợc báo đáp lại tốt, và chúng sinh có vô lượng tướng khổ ta một mình nhẫn chịu. Còn ta có bao nhiêu vui thì cho chúng sinh thụ dụng là vui.
Dầu đủ phúc báo lớn,
Không cao cử, không mừng.
Dẫu nghèo như quỷ đói,
Không hạ mình không lo.
Dẫu đầy đủ phúc báo trên cõi trời tâm cũng không mừng không cao cử, dẫu làm ngạ quỷ bần cùng phá tán bức não vô cùng khó sống cũng không sa sút tâm hồn không lo âu huống chi là nghèo cùng trong cõi người.
Nếu với người đã học,
Phải hết sức tôn trọng.
Chưa học khiến vào học,
Chứ không nên khinh miệt.
Nếu có chúng sinh đã học thì phải hết sức tôn trọng, nếu chưa học thì khiến chúng vào học mà không nên khinh miệt chúng.
Cung kính người đủ giới,
Phá giới, khiến giữ giới,
Người trí thì gần gũi,
Người ngu, khiến trụ trí.
Người giữ giới đầy đủ thì phải hỏi han, cung kính chắp tay tác lễ, và cũng vì đó nói phúc đức của việc giữ giới. Nếu là người phá giới thì khiến giữ giới, và cũng vì đó nói tội phá giới. Người có đầy đủ trí tuệ thì phải gần gũi, và cũng vì đó làm rõ cái đức của trí tuệ. Người ngu thì khiến trụ trí, và cũng vì đó mà nói tội lỗi của ngu si.
Khổ lưu chuyển nhiều thứ,
Sinh, già, chết, nẻo ác.
Không sợ các thứ này,
Hàng phục ma, ác trí.
Bồ-tát ở trong lưu chuyển, lưu chuyển nhiều thứ nào sinh, già, bệnh, chết, lo buồn, khổ não v.v… và các nẻo ác như địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A-tu-la v.v… nhưng không nên sợ hãi, chỉ phải hàng phục ác ma ác trí mà thôi.
Có bao nhiêu cõi Phật,
Công đức dù một nắm,
Cũng đều vì được đó,
Phát nguyện và tinh tiến.
Mười phương vô lượng các cõi Phật, hoặc cõi Phật cụ túc, hoặc cõi Phật trang nghiêm, hoặc nghe từ chư Phật Bồ-tát, hoặc tự thấy, kia đều là một nắm một mớ công đức thù thắng cũng đều khiến nhập vào trong cõi Phật của tự mình. Phải nguyện như vậy, tùy nguyện liền được thành tựu và phải tinh tiến tu hành như vậy.
Hằng ở trong các pháp,
Hành xả mà không thủ.
Đó là vì chúng sinh,
Chịu gánh lấy gánh nặng.
Vì chấp thủ nên khổ, không chấp thủ nên vui. Nghĩ như vậy rồi hằng đối với các pháp chỉ xả mà không thủ. Tuy xả mà không thủ nhưng nếu trước vì đến Bồ-đề nên nguyện gánh vác chúng sinh.
Chưa độ ta sẽ độ, chưa giải thoát ta sẽ giải thoát, chưa tịch diệt ta sẽ tịch diệt, phải vì chúng sinh gánh vác.
Chính quán nơi các pháp,
Không ngã không ngã sở,
Cũng chớ bỏ Đại bi,
Cũng như với Đại từ.
Nói các pháp là vô sở hữu như chiêm bao như ảo hóa cho nên các pháp không có ngã. Không có ngã sở là vì quán vô tướng. Như vậy dùng pháp tối thắng nghĩa khi quán tướng này. Nhưng đối với chúng sinh cũng không bỏ Đại bi và Đại từ. Như vậy phải càng cân nhắc mà than rằng: “Lạ thay! Các chúng sinh bị si ám che khuất, chấp ngã ngã sở, không biết đạo pháp tối thắng nghĩa. Ta sẽ làm cho chúng sinh kia được biết đạo pháp tối thắng nghĩa.” Vì vậy ở trong chúng sinh không bỏ Đại bi và Đại từ.
Quá hơn các cúng dường
Dùng cúng Phật Thế Tôn.
Đó là làm gì vậy?
Đó là pháp cúng dường.
Nếu dùng các thứ cúng dường cúng dường các Thanh Văn, Độc Giác, Bồ-tát và Phật Thế Tôn như dùng tràng hoa hương, hương bột, đèn lồng, hoặc dùng cờ phướn lọng, hoặc dùng các thứ âm nhạc, hoặc dùng các thứ thuốc thang ẩm thực mỹ vị bố thí cúng dường. Nếu muốn quá hơn các thứ cúng dường đó mà cúng dường Phật thì đó là gì? Đáp rằng đó là cúng dường pháp.
Cúng dường pháp đó có tướng gì?
Nếu trì Bồ-tát tạng
Và được Đà-la-ni,
Nhập sâu vào nguồn pháp,
Đó là cúng dường pháp.
Trong đó nếu tương ưng với Bồ-tát tạng, các kinh Như Lai nói minh tướng rất sâu, trái các thế gian khó thấu tận nguồn, khó thấy chỗ vi tế vô trước liễu nghĩa, dùng vương ấn của tổng trì kinh mà ấn, nhân bất thoái chuyển từ 6 độ sinh, khéo nhiếp sở nhiếp, thuận nhập pháp trợ Bồ-đề, hợp tính chính giác, nhập các Đại bi nói nơi Đại từ, lìa các ma kiến, khéo nói duyên sinh, nhập vô chúng sinh, vô mạng, vô trưởng dưỡng, vô nhân, tương ưng với không vô tướng vô nguyện, ngồi nơi giác trường chuyển pháp luân, được trời rồng Dạ-xoa Càn-thát-bà khen ngợi, độ tại gia bùn lầy đưa vào các Thánh, diễn nói Bồ-tát hạnh, nhập pháp nghĩa từ lạc thuyết, rền tiếng sấm vô thường khổ vô ngã, khiến kiến chấp ngoại luận sợ hãi, chư Phật ngợi khen, đối trị lưu chuyển, thị hiện Niết-bàn.
Các kinh như vậy hoặc giảng nói, hoặc thụ trì, quán sát, nhiếp thủ, Đó là cúng dường pháp. Lại nữa người cúng dường pháp được không thoái đọa vì thuận hành tổng trì, tương ưng trong pháp sâu của không vô tướng vô nguyện vô tác, nhập đến tận nguồn không động không nghi. Đó là cúng dường pháp trong nghĩa tối thắng.
Cần phải dựa nơi nghĩa,
Đừng chỉ thích tạp vị.
Ở trong đạo pháp sâu,
Khéo vào chớ phóng dật.
Lại nữa người cúng dường pháp, là hoặc ở trong pháp tư duy pháp, thật hành pháp, tùy thuận duyên sinh, lìa các biên thủ kiến, được vô xuất vô sinh nhẫn nhập vào vô ngã. Ở trong nhân duyên không trái, không đấu, không tranh, lìa ngã ngã sở. Phải y theo nghĩa chớ nên ưa thích rong ruổi theo những câu trau chuốt. Phải y theo trí chớ theo thức, y theo kinh liễu nghĩa chớ chấp đắm lời thế tục không liễu nghĩa. Phải y theo pháp chớ theo kiến giải người đời. Phải thùy thuận pháp như thật mà vào vô trụ xứ. Khéo quán vô minh, hành, thức, danh sắc, 6 nhập, xúc, thụ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử, ưu bi khổ não khốn cực thảy đều tiêu diệt.
Quán duyên sinh như vậy rồi, dẫn xuất vô tận, vì nghĩ thương chúng sinh nên không chấp các kiến, không phóng dật. Nếu thường như vậy mới gọi là cúng dường pháp vô thượng.
Như vậy tư lương này,
Đại kiếp như Hằng sa,
Xuất gia và tại gia,
Sẽ được tròn chính giác.
Như trước đã nói tư lương như trong Hằng sa Đại kiếp chúng xuất gia và chúng tại gia Bồ-tát thừa nhiều thời mãn nguyện được thành chính giác.
Thuộc tụng tư lương kia,
Là Bồ-đề tư duy.
Nghĩa tư lương không thiếu,
Như ở trong tụng đó.
Tôi nay giải thích tụng,
Nơi nghĩa có tăng giảm.
Khéo giải thích nghĩa tụng,
Hiền trí phải nhẫn chịu.
Giải thích tụng tư lương,
Tôi làm việc phúc thiên.
Vì chúng sinh lưu chuyển
Sẽ được Chính biến giác.
Thánh giả Long Thụ làm xong Luận Bồ-đề tư lương.
Tôi Tì-kheo Tự tại giải thích xong.
( QUYỂN 6, TRỌN BỘ HẾT )