Đ a n g t i d l i u . . .

1660-Luận Bồ Đề Tư Lương

1660-Luận Bồ Đề Tư Lương

LUẬN BỒ ĐỀ TƯ LƯƠNG
Thánh giả Long Thụ tạo tụng
Tì-kheo Tự Tại giải thích
Tam tạng Đạt-ma-cấp-đa dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 5

Hỏi: Bồ-tát được lực, ở trong chúng sinh phai tu hành như thế nào?

Đáp:

Các luận và công xảo

Minh thuật các thứ nghiệp.

Vì lợi ích thế gian,

Xuất sinh và thiết lập.

Trong đó viết sách ấn hành về toán số, luận về khai khoáng, luận về y khoa, luận về khả năng diệt trừ bị độc ma quỷ, luận về xây dựng nông thôn thành thị, công viên sông suối bờ đê rừng hoa quả và cây thuốc, luận về tính chất quý báu của vàng, bạc, trân châu, Tì lưu li, đá vôi, san hô, luận về mặt trời, mặt trăng, tinh tú, động đất, chiêm bao, luận về thân thể và các phần thân thể. Như vậy vô lượng các luận có thể làm lợi lạc thế gian. Khi chuyển kiếp hoại tất cả đều diệt mất. Khi chuyển kiếp sinh thì con người xuất sinh thiết lập. Như làm cây gỗ, sắt, gốm, đồng v.v… các thứ công xảo, các thứ bị độc ma quái, hoắc loạn, ăn không tiêu v.v… các khổ não bức bách, các kỹ thuật điêu khắc, hội họa, nghề dệt v.v… các sự nghiệp làm lợi thế gian đều cũng xuất sinh và thiết lập.

Tùy chúng sinh độ được,

Cõi, nẻo và loài sinh,

Như nghĩ liền đến đó,

Do nguyện lực thụ sinh.

Các Ma-ha-tát tùy theo thế giới như trời, người v.v… các nẻo, hoặc Bà-la-môn, Sát-đế-lợi, Tì-xá các chủng tính. Nơi đó nếu có chúng sinh có thể hóa độ được, vì khởi vô lượng tư niệm muốn hóa độ chúng sinh ấy nên tùy theo sắc loại dài ngắn rộng hẹp âm thanh quả báo có thể khiến chúng thụ nhận sự giáo hóa liền phải phát nguyện khiến sắc loại dài ngắn rộng hẹp âm thanh quả báo của chúng khiến chúng sinh ấy mau thụ giáo hóa.

Trong các thứ việc ác,

Và xảo quyệt chúng sinh,

Phải mặc giáp kiên cố,

Không ghét cũng không sợ.

Nếu dùng các việc ác như mắng nhiếc, khủng bố, ganh ghét, đánh đập, trói nhốt ta, và các chúng sinh vô lượng xảo quyệt biết không thể hóa độ thì không nên chậm trễ dùng áo giáp, không ghét lưu chuyển không ngại cầu Bồ-đề. Và phải phát tâm như vầy: “ Ta không vì chúng sinh không xảo quyệt, không giả dối mà mặc áo giáp. Ta chính vì các chúng sinh đó nên mặc áo giáp này. Ta phải làm như vậy và phát khởi tinh tiến để làm cho các chúng sinh ấy mau tạo lập được sự không xảo quyệt, không giả dối nên phải mặc áo giáp kiên cố như vậy.”

Hỏi: đã nói việc tu hành của Bồ-tát được lực. Cnf Bồ-tát chưa được lực thì tu hành như thế nào?

Đáp:

Đầy đủ thắng tịnh ý,

Không xảo quyệt không dối.

Phát lồ các tội ác,

Cất giấu các việc thiện.

Đầy đủ thắng tịnh ý, là tăng thượng ý. Cũng là tăng điều thiện. Y, tức là tâm. Tức đầy đủ tâm kia gọi là đầy đủ thắng tịnh ý.

Không xảo quyệt không dối, nghĩa là xảo quyệt là có tâm khác, ý khác. Tâm ý khác là không ngay thẳng. Lại nữa, xảo quyệt là tâm cong vạy. Dối, là lừa dối.

Nếu tâm không cong vạy không lừa dối, tức là không xảo quyệt không dối.

Phát lồ các tội ác, là nếu có tội ác thì nói rõ tỏ bày, gọi là phát lồ các tội ác.

Cất giấu các việc thiện, là nếu Bồ-tát muốn mau được Bồ-đề, cần phải đầy đủ tịnh ý, không xảo quyệt không dối, phát lồ tội ác, cất giấu việc thiện. Cho nên Thế Tôn nói: Xảo quyệt chẳng phải Bồ-đề. Dối chẳng phải Bồ-đề.

Thanh tịnh thân, khẩu, nghiệp,

Và thanh tịnh ý nghiệp.

Tu các giới học xứ,

Chớ để cho thiếu sót.

Các Bồ-tát đây muốn được tu niệm tương ưng, trước phait thanh tịnh nghiệp thân khẩu ý. Trong đó sát sinh, không cho mà lấy, phi tịnh hạnh là 3 thứ hành động ác của thân cần phải thanh tịnh. Phải thụ trì 3 thứ hành động thiện của thân trái lại với các điều đó. Nói dối, nói lời phá hoại, nói thô ác, nói lời đùa cợt vô nghĩa là 4 hành động ác của miệng cần phải thanh tịnh. Phải thụ trì 4 thứ hành động thiện của miệng trái lại với các điều đó. Tham, giận, tà kiến là 3 hành vi ác của ý cần phải thanh tịnh. Cần phải thụ trì 3 thứ hành vi thiện của ý trái với các điều đó.

Các học xứ Ba-la-đế-mô-xoa cũng phải thụ và tùy chuyển. Đối với các học xứ kia không có trường hợp biết mà cố phá. Nếu thiếu sót giới thì tâm sẽ không định trong khi tu niệm.

An trụ trong chính niệm,

Nhiếp duyên, chỉ tĩnh tư,

Dùng niệm để giữ mình,

Tâm được tâm không chướng.

Như vậy ở trong giới đã chính thanh tịnh rồi, đoạn trừ 5 ngăn che ở nơi vắng vẻ sạch sẽ xa nơi đông đúc, ít tiếng nói ít ồn ào, ít ruồi muỗi, rắn , hổ, đạo tặc v.v… không nóng lắm không lạnh lắm thì không đặt giường nằm. Hoặc đứng, hoặc kinh hành, hoặc ngồi kết già, hoặc nơi chót mũi, hoặc nơi trán hồi niệm an trụ khéo nhiếp nơi một duyên rồi, nếu nơi cảnh giới tâm có tháo động thì dùng niệm làm thủ môn. Giữ gìn như vậy rồi, xa lìa tâm chướng ngại, riêng ở một chỗ ý không tán loạn mà tu tập tư duy.

Nếu khi khởi phân biệt,

Sẽ biết thiện bất thiện.

Nên xả các bất thiện,

Tu nhiều các phần thiện.

Trong khi tư duy nếu khởi phân biệt, tức trong khi khởi biết phân biệt này. Nếu là bất thiện liền phải lìa bỏ chớ cho tăng thêm. Nếu là phần thiện thì phải thừong xuyên tiến hành nhiều không cho tán loạn. Như đèn ở trong nhà không đóng đường gió.

Tâm duyên cảnh tán loạn,

Thì phải giữ chuyên niệm.

Trở lại trong cảnh ấy,

Nếu động thì khiến trụ.

Trong đó Tì-kheo tu định khi tâm tư duy chuyên ý chớ loạn. Nếu tâm lìa cảnh liền phải biết ngay. Cho đến không để cho lìa cảnh đi xa, trở lại giữ tâm an trụ trong cảnh. Như dây trói cột khỉ vào cây trụ, chỉ được đi vòng quanh cazy trụ mà không đi đâu xa. Như vậy, dùng dây niệm buộc tâm khỉ nơi cây cột của cảnh. Chỉ được thường đi quanh cây cột của cảnh không thể đi đâu khác.

Ác thủ, không chậm trễ,

Phải tinh tiến siêng tu.

Bởi không thể giữ định,

Cho nên phải thường tu.

Chậm trễ, là lìa sự siêng năng cố gắng. Ác thủ, là chẳng phải thiện thủ ( nghĩa là quá gấp ). Nếu muốn thành tựu Tam-ma-đề, thì không nên làm chậm trễ và ác thủ tinh tiến. Bởi lẽ làm chậm trễ và ác thủ tinh tiến không thể giữ được tam-ma-đề. Cho nên người tu định phải thường chính tu.

Nếu lên Thanh Văn thừa,

Và lên Độc Giác thừa,

Chỉ là hành tự lợi.

Không bỏ vững tinh tiến.

Nếu muốn lên thanh Văn thừa và Độc Giác thừa, vì chỉ tự lợi, tự Niết-bàn, còn ngày đêm không bỏ tinh tiến bền bĩ siêng năng tu hành.

Huống là Đại trượng phu,

Độ mình và độ người,

Mà sao không phát khởi

Gấp ngàn ức tinh tiến?

Nhưng Bồ-tát đó phải ở trong dòng sông lưu chuyền độ các chúng sinh, làm sao mà không phát khởi tinh tiến gấp trăm ngàn ức hơn những người Thanh Văn Độc Giác kia? Như tự độ trong dòng sông lưu chuyển thì độ tha cũng như vậy.

Nửa giờ, hoặc biệt hành,

Một giờ hành các đạo.

Tu định không nên vậy,

Phải duyên một cảnh giới.

Nay trong một ngày không nên nửa giờ tu tập biệt định, còn trong các giờ khác lại hành các đạo khác. Chỉ ở trong một định phải duyên cảnh cho tốt, tâm theo một cảnh chớ hướng tâm đến chỗ khác.

Với thân chớ nên tham,

Với mạng cũng không tiếc,

Dẫu bảo hộ thân này,

Rồi cũng thành hoại pháp.

Nên sinh tâm như vầy: “Trong thân ta đây chỉ có lớp da mỏng, lớp da dày, máu thịt, gân, xương tủy rốt cuộc rồi khô cạn. Mạng sống của ta cũng sẽ chấm dứt. Trượng phu kia tinh tiến, có sức mạnh, mạnh mẽ tiến hành, ta cũng phải được. Nếu chưa được ta phải tinh tiến không nên trì hoãn. Dù bảo hộ thân này trăm năm rồi cũng hư nát, chắc chắn là pháp phá hoại.”

Danh lợi và cung kính,

Dứt khoát chớ tham đắm.

Phải như lửa đốt đầu,

Siêng làm tròn sở nguyện.

Nay nếu ở nơi đồng hoang, chớ tham thân mạng du hành trong đó. Nếu khi khởi lợi dưỡng cung kính tiếng tăm không nên tham đắm. Vì thành tựu nguyện của mình nên phải mau siêng năng tu hành như cứu lửa đốt đầu.

Quyết chí khởi thắng lợi,

Không nên chờ ngày mai.

Ngày mai còn xa lắm,

Không bảo đãm mạng này.

Siêng năng làm như lúc cứu lửa đốt đầu. Ngày mai là rất xa, chớ nên đợi ngày mai. Nếu nơi thân ta có thắng lợi quyết phát khởi liền. Phải suy nghĩ như vầy: “ Có gì bảo đảm được khi thân mạng này chỉ ở trong khoảng thời gian mở mắt nhắm mắt. Ta nay khởi thắng lợi ngay, ngỳ mai còn xa chơ đợi ngày mai.

An trụ nơi chính mạng,

Như ăn thịt con yêu,

Ở trong chỗ ăn nuốt,

Chớ yêu cũng chớ ghét.

Tì-kheo tu hành định như vậy, hoặc ở trong thôn xóm, hoặc ở trong tăng phường, tùy theo như pháp không chê bai hiềm khích, khất thực được chớ khởi tâm yêu thích cũng không hiềm khích, phải an trụ chính niệm, như ăn thịt đứa con thương yêu của mình, chỉ vì thân trụ không hoại mà còn mạng sống, giữ gìn tịnh hạnh. Như xưa kia có 2 vợ chồng khi đi qua đồng hoang đã ăn thịt con mình.

Xuất gia là nghĩa gì?

Chỗ ta làm xong chưa?

Nay nghĩ nên làm chăng?

Như kinh nói10 pháp.

Nên quán sát như vầy: “Ta xuất gia là vì ý nghĩa gì? Vì sợ không sống nổi chăng, hay vì cầu Sa-môn?” Nếu vì cầu Sa-môn nên nghĩ như vầy: “Ta đối với việc của Sa-môn đã làm hay chưa làm hsy đang làm? Nếu chưa làm và đang làm thì vì nhân duyên thành tựu phải siêng năng tinh tiến. Ta đã rời khỏi nhà tức là không phải loại tại gia, phải thường suy nghĩ rằng ta sống hệ thuộc vào người khác, ta cũng phải có những nghi thức khác biệt. Bản thân ta đối với giới luật không có gì đáng chê bai chăng? Có trí đồng với tịnh hạnh, đối với ta không có gì đáng chê trách chăng? Ta đã cùng với những người thân yêu khác nhau rồi, không cùng ở chung. Ta thuộc về nghiệp, do nghiệp sinh, thụ dụng nơi nghiệp, nghiệp là người thân, dựa theo nghiệp mà làm. Ta tạo nghiệp hoặc thiện hoặc ác ta sẽ tự chịu. Ta qua ngày đêm như thế nào? Ta có thích nơi không nhàn tịch tĩnh chăng? Ta có pháp của bậc Thượng nhân chăng? Có khả năng được tri kiến vượt trội của Thánh nhân chăng? Nếu sau này người đồng tịnh hạnh hỏi ta ta nói mà không hổ thẹn.” Phải thường nghĩ nhớ 10 pháp này. Đó là Tì-kheo định hành thường phải nghĩ nhớ.

Quán hữu vi vô thường,

Như vô ngã, ngã sở,

Nếu có các ma nghiệp,

Phải biết mà lìa bỏ.

Hữu vi nghĩa là nhân duyên hòa hợp sinh. Do nhân duyên hòa hợp sinh nên không có ngã sở. Do hữu vi nên là vô thường. Nếu là vô thường thì bị cái khác bức bách làm cho khổ. Nếu khổ thì không tự tại chuyển cho nên vô ngã. Đối với pháp hữu vi nên quán sát như vậy.

Có các ma nghiệp phải biết mà lìa bỏ, nghĩa là đối với các kinh tương ưng với tâm Bồ-đề, 6 độ làm nhân duyên không ưa thích, nhazn duyên tán loạn, nhân duyên trì hoãn, nhân duyên chướng ngại. Nếu từ tự mình khới, nếu từ người khác khởi đều phải nhận biết, đối với các ác ma nghiệp này đều biết mà lìa bỏ chớ để cho hiện hành tự tại.

Căn lực cùng giác phần,

Thần túc, chính đọan đạo,

Cùng với 4 niệm xứ,

Vì tu phát tinh tiến.

Tín, tinh tiến, niệm, định và tuệ là 5 căn. Tín, tinh tiến, niệm, định và tuệ là 5 lực. Niệm, trách pháp, tinh tiến, hỷ, ỷ, định và xả là 7 giác phần. Dục định, tinh tiến định, tâm định, và tư duy định là 4 thần túc.

Pháp ác bất thiện chưa sinh thì làm cho không sinh, pháp ác bất thiện đã sinh thì làm cho đoạn dứt. Pháp thiện chưa sinh thì làm cho sinh. Thiện pháp đã sinh thì làm cho trụ. Sinh dục, phát cần, nhiếp tâm, khởi nguỵện là 4 chính đoạn. Chính kiến, chính phân biệt, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính phát hành, chính niệm, và chính định là 8 phần Thánh đạo. Thân, thụ, tâm, pháp là 4 niệm xứ. Vì tu tập nên phát khởi 37 pháp trợ Bồ-đề này.

Tâm cùng lợi lạc thiện,

Làm truyền truyền sinh xứ,

Và các ác trược căn,

Thì phải khéo quán sát.

Tâm nếu điều phục, giữ gìn cấm giới thì cùng vỡi các việc thiện lợi ích an lạc làm nhân truyền đời này sang đời khác. Nếu không điều phục, không giữ gìn cấm giới thì cùng với các thứ không lợi, ác trược làm căn. Biết rồi thì đối với chúng phải hết sức quán sát tướng sinh trụ dị, trong ngoài hai bên không trụ, đời quá khứ vị lai hiện tại đều không, không nơi đến không nơi đi, trong một Sát-na một La-bà một Mâu-hô-lợi-đa không trụ, giống như huyễn cho nên tu tập phải quán sát.

Ta ở trong thiện pháp,

Thường tăng trưởng ra sao,

Và có gì tổn giảm,

Phải quán sát rất kỹ.

Phật Thế Tôn có nói: “Thí v.v… các thiện pháp có thể xuất sinh Bồ-đề, thì ta trong các thiện pháp đó có tăng trưởng những gì tổn giảm những gì, thường phải khởi và khởi chuyên tinh quán sát trong mỗi ngày mỗi ngày như vậy.”

Thấy kia được tăng trưởng,

Danh, lợi và cung kính,

Tâm xan tật nhỏ nhặt,

Thảy đều không nên làm.

Nếu thấy các đồng tịnh hạnh hoặc Sa-môn, hoặc Bà-la-môn có tiếng tăm, lợi dưỡng hoặc được cung kính, cũng không nên sinh chút ganh ghét nhỏ mọn nào. Còn phải sinh tâm tư duy như vầy: Ta cũng muốn được chúng sinh lợi dưỡng, y phục, thức ăn uống, đồ nằm, thuốc chữa bệnh các thứ. Ta cũng muốn được tại gia xuất gia cung kính. Ta cũng muốn được đầy đủ pháp đáng khen.

Các cảnh không mong muốn,

Ngu si mù câm điếc,

Có lúc sư tử rống,

Làm nai ngoại đạo sợ.

Khi thấy người khác có tiếng tăm được lợi dưỡng cung kính, ở trong sắc các cảnh không nên mong muốn. Ở trong sắc thanh hương vị ưa thích hay không ưa thích, tuy không phải si dại mù câm điếc, mà làm hạnh như si dại mù câm điếc. Nếu có năng lực thì không nên đứng im, phải dùng chính pháp xua đuổi mê hoặc phá trừ làm cho nai ngoại đạo hoảng sợ và giữ vững chính giáo.

Lại phải cất lên tiếng rống sư tử. Tôi đã giải thích tu tâm. Nay sẽ giải thích tu tướng.

Nghinh rước và tiễn đưa,

Nên cung kính tôn trọng.

Ở trong các pháp sự,

Tùy thuận mà trợ giúp.

Với đối tượng tôn trọng thì nghinh đón tiễn đưa, khi thuyết pháp thì cúng dường hoa tràng, cung kính làm các việc sửa sang tháp Phật sẽ được tay chân có luân tướng, là tướng báo hiệu Đại quyến thuộc.

Cứu thoát vật bị giết,

Tự nhiên tăng không giảm.

Khéo tu nghề minh xảo,

Tự học và dạy người.

Có chúng sinh bị giết, cứu cho được thoát khỏi. Nhân duyên hộ mạng lìa khỏi sát sinh, thụ các nghiệp đây đêm dài tập cận, nên sẽ được tướng ngón tay dài, tướng bàn chân bằng phẳng, tướng thân ngay ngắn. Đó là dự báo tướng sống lâu. Tự mình thụ thiện pháp, thụ rồi tăng trưởng không cho tổn giảm sẽ được mu bàn chân cao như tướng con ốc, tướng lông hướng lên trên. Hai thứ đó là pháp dự báo tướng không giảm.

Khéo tu tập các nghề minh luận công xảo, tự mình học và dạy người khác sẽ được tướng I-ni-diên. Đó là tướng dự báo mau nhiếp thụ.

Với các thắng thiện pháp,

Kiên cố mà nhiếp thụ.

Tu hành 4 nhiếp sự,

Thí áo và ẩm thực.

Với các thiện pháp tối thắng thì vững vàng nhiếp thụ, tập cận và làm nhiều sẽ được tướng khéo đứng vững. Đó là tướng dự báo có khả năng làm các sự nghiệp.

Tu hành 4 nhiếp: bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự thường tập cận sẽ được tay chân có tướng màn lưới. Đó cũng là tướng dự báo mau chóng nhiếp thụ. Dùng thức ẩm thực y phục tốt bố thí thường tập cận sẽ được tướng tay chân mềm dịu, tướng 7 chỗ cao. Đó là 2 tướng dự báo được thức ẩm thực và y phục thượng diệu.

Không trái kẻ cầu xin,

Hòa hợp các thân thích.

Không nghịch lìa quyến thuộc,

Cho nhà và của cải.

Tùy có vật gì nếu ai đến cầu xin liền thí cho không trái ý sẽ được tướng bắp tay bắp đùi tròn trịa. Đó là tướng dự báo được tự tại điều phục. Hòa hợp cùng ở với quyến thuộc bạn bè không làm cho trái khác, nếu có ai trái khác cũng khiến cho hòa hợp sẽ được tướng âm bộ kín đáo. Đó là tướng báo trước có nhiều con. Bố thí nhà cửa của cải và đồ nằm y phục cung điện thượng diệu sẽ được tướng da mỏng mịn láng có sắc vàng kim. Đó là 2 tướng báo trước sẽ được đồ nằm y phục cung điện thượng diệu.

Cha mẹ và thân hữu,

Tùy chỗ mà đặt để.

Chỗ nên phải đặt để

Vô thượng tự tại chủ.

Ưu-ba-đệ-da-dạ ( Đời Tùy dịch là Cận tụng, trước dịch là Hòa thượng là sai ), A-giá-lợi-dạ ( Đời Tùy dịch là Chính hành, trước dịch là A-xà-lê cũng sai ), cha mẹ anh em là những người tôn trọng thì tùy chỗ mà đặt để làm chủ hoàn toàn tự tại sẽ được tướng một lỗ chân lông một sợi lông trắng, tướng ấn diện. Đó là 2 tướng báo trước sự bình đẳng.

Tuy là người nô bộc,

Khéo nói cũng tiếp nhận.

Nên sinh rất tôn trọng,

Cho thuốc lành các bệnh.

Cho thuốc chữa lành các bênh, là ở chỗ bệnh nhân thì cho thuốc cho người săn sóc ăn uống nghỉ ngơi. Nhờ săn sóc nghỉ ngơi có thể hết bệnh sẽ được tướng vai đầy đặn, tướng thượng vị trong các vị. Đó là 2 tướng báo trước sự ít bệnh.

Đi trước tiên thiện nghiệp,

Lời nói đẹp dịu dàng,

Khéo nói lời chính ý,

Trước sau đều đầy đủ.

Đi trước tiên thiện nghiệp, nghĩa là vườn rừng, nhà hội, giếng nước công cọng, ao trồng hoa, thức ẩm thức, tràng hoa, nơi khó đi thì bắt cầu, tạo Tăng phường, nơi đi dạo, tự mình dẫn đầu và khuyến khích người khác. Thí nhiều hơn người sẽ được Ni-cù-lô-đà tướng phổ viên thân, tướng đỉnh kế. đó là 2 tướng báo trước là thắng chủ.

Lời nói đẹp dịu dàng, là dài lâu nói lời chân thật dịu dàng nên sẽ được tướng lưỡi rộng dài, tướng Phạm âm. Hai tướng đó là tướng dự báo được 5 phần 5 phần ngữ đạo cụ túc âm.

Năm phần 5 phần ngữ đạo cụ túc âm, là: (1) Biết được. (2) Dễ hiểu. (3) Thích nghe. (4) Không nghịch. (5) Sâu. (6) Xa rộng. (7) Không hiềm khích. (8) Êm tai. (9) Biện chính. (10) Không xen tạp (2 thứ 5 phần thành ra 10 ).

Khéo nói lời chính ngữ, là dài lâu nói thật, nói chính ý nên sẽ được tướng răng sư tử. Đó là tướng dự báo của ái ngữ.

Trước sau đều đầy đủ, là người khác tuy có trước sau nhưng đều cúng dường không ai không cúng. Do oai nghi như pháp, oai nghi bình đẳng nên sẽ được tướng răng đều đặn, tướng răng sáng bóng. Hai tướng đó là dự báo thiện tịnh quyến thuộc.

Không phá quyến thuộc người,

Mắt từ nhìn chúng sinh,

Cũng không tâm hiềm khích,

Đều xem như bạn thân.

Đối với chúng sinh đem tâm bảo bọc tiếp nhận vỗ về. Do nhìn bằng con mắt không tham không sân không si nên sẽ được tướng mắt xanh, tướng mắt của bò chúa. Hai tướng đó dự báo của mắt yêu thương.

Tôi đã giải thích về nghiệp phát sinh 32 tướng đại trượng phu. Ngoài ra con có nhiều hạnh Bồ-tát nay sẽ giải thích.

Phải biết như đã nói,

Tức theo như vậy làm.

Nếu làm đúng như nói,

Người khác thấy sẽ tin.

Phải biết nếu làm như nói nếu nói tức làm thì người ta sẽ tin. Có nói năng dạy bảo liền sẽ tin nhận.

Cần phải ủng hộ pháp,

Giác sát người phóng dật,

Và làm lưới vàng báu,

Che trùm lên tháp Phật.

Trong pháp này phải tự ủng hộ. Nếu có chúng sinh trái pháp phóng dật thì đối với chúng cũng phải phương tiện giác sát làm cho chúng hứớng tới Phật pháp. Và nơi tháp Như Lai nên dùng các thứ lưới báu che trùm để cho tướng hảo được trọn vẹn.

Nếu muốn tìm thể nữ,

Trang nghiêm mà bố thí,

Cũng cùng nói Phật đức,

Và thí các chuỗi ngọc.

Nếu muốn tìm thể nữ, tức là trang nghiêm thể nữ để bố thí. Các thể nữ này thảy đều đoan chính, dùng đó bố thí là khiến tự ý cầu điều gì yêu thích thì đều được đầy đủ.

Lại dùng vô lượng thứ khác lạ làm pháp nói công đức Phật, nên ở nơi tập hội cất cao tiếng đẹp lời mà diễn thuyết để được các âm thanh thinh tịnh.

Lai dùng các thứ chuỗi ngọc chiếu sáng làm đẹp con mắt tâm hồn mà bố thí để được đầy đủ tùy hình hảo.

Tạo khắc hình tượng Phật,

Ngự trên tòa hoa sen.

Và ở trong 6 pháp,

Cùng vui vẻ tu tập.

Dùng vàng bạc, chân châu, đá quý v.v… tạo khắc tượng Phật ngồi trên tòa sen để được hóa sinh và được thân Phật. Sáu thứ pháp cùng vui, là cùng ở trong Phạm hạnh, thân nghiệp từ, khẩu nghiệp từ, ý nghiệp từ, không phân vật thụ dụng, giới đầy đủ, kiến giải đầy đủ. Trong 6 pháp cùng vui này thường phải tập cận để được đồ chúng không bị các ngoại luận phá hoại.

Cúng được, gì chẳng cúng,

Vì mạng cũng không chê.

Những gì Phật nói pháp,

Cùng với người nói pháp.

Cúng được, gì chẳng cúng, là với đối tượng đáng phải cúng dường, như Hòa thượng, A-xà-lê, cha mẹ, anh em không ai là không cúng dường, không kính sợ. Tuy là mạng sống, quyết không hủy báng pháp và những người giảng thuyết Phật pháp cũng không nên chê, không nên khinh để bảo hộ trợ giúp điều thiện của mình.

Vàng báu rải thầy dạy,

Và tháp của thầy dạy.

Nếu có quên chỗ tụng,

Cùng niệm khiến không mất.

Phải dùng vàng, bạc rải lên thầy dạy, cũng phải dùng Ma-ni, vàng báu rải lên tháp thầy dạy. Bồ-tát có Tam-ma-đề là hiện tại Phật đối diện. Trụ nơi Tam-ma-đề này, trong đời đời hiện tiền tu tập để được văn trì cho nên nếu có chúng sinh quên mất chỗ tụng, dẫn kinh sách lợi lạc cho đời cho chúng sinh kia nghĩ nhớ để không mất tâm Bồ-đề và để được nghĩ nhớ hiện biết.

Nếu chưa tư sở tác,

Chớ vội, chớ theo người,

Ngoại đạo thiên long thần,

Đều là không thể tin.

Chỗ làm các hành nghiệp như thân khẩu ý, trong các nơi đó nếu chưa là tư sở tác thì chớ nên vội gấp, chớ nên theo người khác. Nên làm như vậy. Nếu khác đây thì sinh nóng nảy bứt rứt cũng là nhân của hối. Đối với các ngoại đạo xuất gia như Ni-kiền v.v… và trong trời rồng Dạ-xoa, Càn-thát-bà v.v… đều không nên tin.

Tâm phải như kim cương,

Mới thông được các pháp.

Tâm cũng phải như núi,

Các việc không làm động.

Đặt để tâm mình phải như kim cương. Có sức trí tuệ mới có thể ở trong các pháp thế xuất thế thông suốt như thật tự tính của chúng. Đặt để tâm mình trong các sự việc cũng phải như núi, 8 pháp thế gian không làm lay động.

Vui thích lời xuất thế,

Chơ thích lời thế gian.

Mình thụ các công đức,

Cũng phải cho người thụ.

Nếu có nói năng, nên nói lời xuất thế gian phù hợp với Phật Pháp Tăng, hoặc phù hợp với 6 độ, hoặc phù hợp với Bồ-tát địa, hoặc tương ưng với Thanh Văn độc Giác địa thì nên vui thích.

Nếu có nói năng dựa vào thế gian, tăng trưởng thế gian, tương ứng với tham sân si thì trong đó không nên vui thích.

Nếu có nhận được tán thán của những người thiện có công đức thù thắng như thụ giới, học Đầu-đà v.v… với những người ấy thì nên nhận và cũng làm cho những người khác được nhân công đức này.

Tu 5 giải thoát nhập,

Tu 10 bất tịnh tưởng,

Tám Đại trượng phu giác,

Cũng phải phân biệt tu.

Trong đó, giải thoát nhập là: (1) Vì người khác nói pháp. (2) Tự nói pháp. (3) Tự tụng pháp. (4) Với pháp, tùy giác tùy quán. (5) Thủ tùy những tướng Tam-ma-đề gì? Đó là 5 giải thoát nhập phải niệm tu.

Mười bất tịnh tưởng là: trướng tưởng, thanh ứ tưởng, nồng lãn tưởng, hội xuất tưởng, hám tưởng, đoạn giải tưởng, phân tán tưởng, huyết đồ tưởng, nhục lạc tưởng, cốt tưởng. Đó là 10 tưởng bất tịnh. Nếu khi tham sinh khởi thì phải nghĩ mà tu để đoạn trừ dục tham.

Tám pháp giác ngộ của bậc Đại trượng phu cũng phải phân biệt tu, là trong đó có 8 pháp giác ngộ của đại trượng phu. Nghĩa là ít dục là pháp, dục nhiều là phi pháp, đó là pháp giác ngộ đầu tiên. Tri túc là pháp, không tri túc là phi pháp, đó là thứ hai. Xa lìa là pháp tạp loạn ồn ào là phi pháp, đó là thứ ba. Phát tinh tiến là pháp lười biếng là phi pháp, đó là thứ tư. An trụ niệm là pháp quên mất niệm là phi pháp, đó là thứ năm. Nhập định là pháp không nhập định là phi pháp, đó là thứ sáu. Trí tuệ là pháp không trí tuệ là phi pháp, đó là thứ bảy. Không thích hý luận là pháp thích hý luận là phi pháp, đó là thứ tám.

Đây 8 pháp giác ngộ của Đại trượng phu cần phải hiểu biết, còn 8 pháp đa dục trợ lực cho bất thiện cần phải đoạn trừ.

Thiên nhĩ với thiên nhãn,

Thần túc với tha tâm,

Cùng với túc mạng trụ,

Phải tu tịnh 5 thông.

Trong đó thiên nhãn, thiên nhĩ, ức niệm túc trụ, tri tha tâm, thần túc, 5 thứ trí thông này cân phải tu tập.

( QUYỂN 5 HẾT )

Trang 1 2 3 4 5 6

0 0 Phiếu
Xếp Hạng Bài Viết
Đăng ký
Thông báo về
guest

0 Bình Luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả ý kiến