LUẬN BỒ ĐỀ TƯ LƯƠNG
Thánh giả Long Thụ tạo tụng
Tì-kheo Tự Tại giải thích
Tam tạng Đạt-ma-cấp-đa dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 2

Hỏi: Đã giải thích Nhẫn Ba-la-mật, nay nên nói Tinh tiến Bala-mật?

Đáp: Thể tướng mạnh mẽ, làm việc mạnh mẽ là tinh tiến. Trong đó các Bồ-tát từ sơ phát tâm cho đến cứu cánh giác ngộ ở Bồ-đề trường kiến lập tất cả Bồ-đề phần tương ưng nghiệp thiện thân khẩu ý, đó gọi là Tinh tiến Ba-la-mật.

Lại nữa, nếu tinh tiến không chung với các phàm phu và Thanh Văn Độc Giác học vô học v.v…, đó là Tinh tiến Ba-la-mật.

Tinh tiến có 3 thứ là thân khẩu và ý. Thân khẩu tinh tiến kia, lấy tâm tinh tiến đi trước. Lược nói có 3 việc phúc. Nếu thân tương ưng với việc phúc là thân tinh tiến. Nếu khẩu tương ưng là khẩu tinh tiến. Nếu ý tương ưng là ý tinh tiến.

Lại nữa, nếu thân mạnh mẽ trong việc thiện tự lợi lợi tha là thân tinh tiến. Khẩu mạnh mẽ là khẩu tinh tiến. Ý mạnh mẽ là tâm tinh tiến.

Lại nữa, có 32 thứ Bồ-tát tinh tiến. Đó là:

Tinh tiến không đoạn giống Tam Bảo.

Tinh tiến thành thục vô lượng chúng sinh.

Tinh tiến nhiếp thụ vô lượng lưu chuyển.

Tinh tiến vô lượng hầu hạ cúng dường.

Tinh tiến tụ tập vô lượng thiện căn.

Tinh tiến xuất sinh vô lượng tinh tiến.

Tinh tiến khéo nói khiến chúng sinh hoan hỷ.

Tinh tiến an ổn tất cả chúng sinh.

Tinh tiến tùy theo chúng sinh làm việc.

Tinh tiến ở trong chúng sinh hành xả.

Tinh tiến thụ các giới học.

Tinh tiến sức nhẫn điều nhu.

Tinh tiến xuất sinh các Thiền-na Tam-ma-đề Tam-ma-bát-đế.

Tinh tiến làm đầy đủ vô trước trí tuệ.

Tinh tiến thành tựu 4 phạm hạnh.

Tinh tiến xuất sinh 5 thần thông.

Tinh tiến dùng công đức tất cả cõi Phật thành cõi Phật của mình.

Tinh tiến hàng phục các ma.

Tinh tiến như pháp hàng phục các luận sư ngoại đạo.

Tinh tiến làm đầy đủ các pháp Phật 10 lực và vô úy.

Tinh tiến trang nghiêm thân khẩu ý.

Tinh tiến được độ các việc đã làm.

Tinh tiến hại các phiền não.

Tinh tiến độ người chưa độ, khiến giải thoát người chưa giải thoát, khiến được nghỉ ngơi người chưa được nghỉ ngơi, khiến được Niết-bàn người chưa được Niết-bàn.

Tinh tiến tụ tập trăm phúc tướng tư lương.

Tinh tiến nhiếp thụ tất cả Phật pháp.

Tinh tiến du hành vô biên cõi Phật.

Tinh tiến thấy vô lượng chư Phật.

Tất cả các tinh tiến này xuất phát từ Đại bi, lìa thân khẩu ý, trụ nơi không thủ xả, không nhấc lên hạ xuống, giữ không sinh không khởi. Như vậy đầy đủ 32 pháp rồi Tinh tiến Ba-la-mật sẽ được thanh tịnh đầy đủ. Trong đây cũng có Thánh tụng như sau:

Các Bố thí Ba-la-mật kia,

Do sức tinh tiến được thành tựu.

Cho nên tinh tiến là căn bản,

Các Bồ-tát đạt được Phật thân.

Tinh tiến phương tiện cầu Bồ-đề,

Ta nghĩ tinh tiến hơn phương tiện.

Bởi vì lìa bỏ tinh tiến rồi,

Phương tiện không thể làm gì được.

Nếu chỉ có độc một phương tiện,

Thì không siêng năng làm sự nghiệp.

Mọi việc đều do tinh tiến thành,

Cho nên tinh tiến hơn phương tiện.

Tâm có sức khéo làm phương tiện,

Tâm này do từ tinh tiến sinh.

Cho nên trong các việc ra làm,

Tinh tiến là nhân thành tựu nhất.

Bao nhiêu tự tại cùng tài vật,

Là người tinh tiến thì đạt được.

Cho nên nếu có điều an vui,

Đều do tinh tiến mà có được.

Bởi có tinh tiến thù thắng nên

Phật trong Thanh Văn là thượng thủ.

Cho nên sức tinh tiến này đây,

Là nhân tối thắng, không hạnh khác.

Thắng thượng tinh tiến người mạnh mẽ,

Ở trong các địa tuy đồng bậc,

Mà kia hằng được tối thắng thượng.

Cho nên thường phải khởi tinh tiến.

Khi Phật ở dưới cây Bồ-đề,

Nhờ tinh tiến nên giác Bồ-đề.

Cho nên tinh tiến là căn bản,

Được nhân Phật thân, trước đã nói.

Hỏi: Đã lược giải thích Tinh tiến Ba-la-mật, nay nên nói Thiềnna Ba-la-mật?

Đáp: Thiền-na, có 4 thứ là: Hữu giác hữu quán ly sinh hỷ lạc, ở trong Sơ thiền. Vô giác vô quán định sinh hỷ lạc ở trong Đệ nhị thiền. Ly hỷ hành xả niệm tuệ thụ lạc, ở trong Đệ tam thiền. Diệt khổ lạc, xả niệm thanh tịnh, không khổ không lạc, ở trong Đệ tứ thiền. Ở trong 4 thứ Thiền-na này lìa chứng Thanh Văn Độc Giác địa, hồi hướng Phật địa rồi, được gọi là Thiền-na Ba-la-mật.

Các Bồ-tát có 16 thứ Thiền-na Ba-la-mật mà các Thanh Văn Độc Giác không có. Mười sáu thứ là những gì? Là: Bất thủ thật thiền. Bất trước vị thiền. Đại bi phan duyên thiền. Tam-ma-địa hồi chuyển thiền. Khởi tác thần thông thiền. Tâm kham năng thiền. Các Tam-ma-đế thiền. Tịch tĩnh lại tịch tĩnh thiền. Bất khả động thiền. Ly ác đối thiền. Nhập trí tuệ thiền. Tùy chúng sinh tâm hành thiền. Tam Bảo chủng bất đoạn thiền. Bất thoái đọa thiền. Nhất thiết pháp tự tại thiền. Phá tán thiền. Mười sáu thứ như vậy là Thiền-na Bala-mật.

Bất thủ thật thiền, là đầy đủ Như Lai thiền.

Bất trước vị thiền, là không tham cái vui riêng mình.

Đại bi phan duyên thiền, là thị hiện phương tiện đoạn các phiền não của chúng sinh.

Tam-ma-địa hồi chuyển thiền, là phan duyên Dục giới làm duyên.

Khởi tác thần thông thiền, là muốn biết tâm hành của tất cả chúng sinh.

Tâm kham năng thiền, là thành tựu tâm tự tại trí.

Các Tam-ma-đế thiền, là thắng hơn các Sắc, Vô sắc giới.

Tịch tĩnh lại tịch tĩnh thiền, là thắng hơn các Tam-ma-bát-đế của Thanh Văn Độc Giác.

Bất khả động thiền, là cứu cánh hậu biên.

Ly ác đối thiền, là hại các sự huân tập liên tục.

Nhập trí tuệ thiền, là ra khỏi các thế gian.

Tùy tâm hành chúng sinh thiền, là độ các chúng sinh.

Tam Bảo chủng bất đoạn thiền, là Như Lai thiền vô tận.

Bất thoái đọa thiền, là thường nhập định.

Nhất thiết pháp tự tại thiền, là các nghiệp đầy đủ.

( Thứ 16, Phá tán thiền vốn khuyết không giải )

Lại nữa, niệm tịnh, tuệ tịnh, thú tịnh, tàm tịnh, giữ tâm hi vọng tịnh, hồi hướng Bồ-đề tịnh, căn tịnh, vô y tịnh, bất thủ thật tịnh, khởi tác thần thông tịnh, tâm kham năng tịnh, thân viễn ly tịnh, nội tịch tĩnh tịnh, ngoại bất hành tịnh, hữu sở đắc kiến tịnh, vô chúng sinh vô mạng vô nhân tịnh, tam giới trung bất trụ tịnh, giác phần môn tịnh, ly ế quang minh tịnh, nhập trí tuệ tịnh, nhân quả bất tương vi tịnh, nghiệp tư duy nhẫn tịnh, khai bào tàng tướng tịnh, nhiếp phương tiện tiền xảo tịnh, Bồ-đề trường chướng ngại tịnh, bất trước Thanh Văn Độc Giác tịnh, an trụ Thiền-na xuất sinh quang minh tịnh, Phât Tamma-địa bất tán loạn tịnh, quán tự tâm hành tịnh, tri chư chúng sinh các các căn như ưng thuyết pháp tịnh ( vốn khuyết 2 tịnh ). Mười sáu thứ Thiền-na Ba-la-mật kia do 32 tịnh này mà được thanh tịnh, được nhập vào Như Lai địa. Trong đây có Du-lô-ca như sau:

Nếu 16 thứ kia,

Và 32 tịnh,

Với thiền độ tương ưng,

Là vì cầu Bồ-đề.

Đến Thiền-na bờ kia,

Khéo biết Thiền-na nghiệp.

Người trí có thần thông,

Xuất sinh không thoái đọa.

Các sắc đều không hết,

Thông đạt thật tính kia,

Cũng dùng thắng thiên nhãn

Khắp xem các sắc tướng.

Tuy dùng tịnh thiên nhĩ

Xa nghe các âm thanh,

Người trí biết thông suốt,

Tiếng không thể nói năng.

Đã có tâm chúng sinh,

Quán mỗi mỗi sắc tướng,

Các tâm đều như huyễn,

Hiểu biết tự tính kia.

Chúng sinh ở đời trước,

Như thật nhớ biết được,

Các pháp không quá khứ.

Cũng biết tự tính kia,

Đi đến đều biết cõi,

Thấy cõi nước trang nghiêm,

Tướng cõi như hư không,

Biết rõ thật tính kia,

Các phiền não chúng sinh,

Đều do loạn tâm sinh.

Cho nên người thắng trí

Rộng tu các Thiền định.

Hỏi: Giải thích Thiền-na Ba-la-mật lược nói đã xong, nay nên lần lượt nói Bát-nhã Ba-la-mật?

Đáp: Bát-nhã Ba-la-mật như trước đã giải thích trong tư lương đầu tỉên, nay tôi lại giải thích tướng của nó. Như trước kệ nói:

Thí giới nhẫn tiến định,

Ngoài 5 thứ này đây,

Kia các Ba-la-mật,

Trí độ gồm trong đó.

Ngoài ra có 4 Ba-la-mật là Xảo phương tiện Ba-la-mật, Nguyện Ba-la-mật, Lực Ba-la-mật, Trí Ba-la-mật. Bốn Ba-la-mật này dều gồm trong Bát-nhã Ba-la-mật.

Bát-nhã Ba-la-mật, là như Phật Thế Tôn nơi dưới cội Bồ-đề do một niệm tương ưng với trí mà giác ngộ rõ ràng các pháp, đó là Bátnhã Ba-la-mật.

Lại nữa, là tướng vô ngại, do không có thân. Tướng vô biên, vì như hư không. Tướng vô đẳng đẳng vì các pháp không có sở đắc. Tướng xa lìa vì rốt ráo không. Tướng không thể hàng phục vì không thể có được. Tướng không câu chấp vì không có danh thân. Tướng không tụ họp vì lìa đến đi. Tướng không nhân vì lìa tác giả. Tướng vô sinh vì không có sinh. Tướng không đi đến vì lìa lưu chuyển. Tướng không tan hoại vì lìa tiền hậu tế. Tướng không nhiễm vì không thể chấp thủ. Tướng không hý luận vì lìa các hý luận. Tướng không động vì pháp giới là tự thể. Tướng không khởi vì không phân biệt. Tướng vô lượng vì lìa lượng. Tướng không y chỉ vì không có y chỉ. Tướng không ô uế vì không xuất sinh. Tướng không thể lường vì không có hiới hạn. Tướng tự nhiên vì biết tự tính các pháp.

Lại nữa, Bát-nhã Ba-la-mật là tướng của văn tuệ và chính tư duy nhập. Tướng của văn tuệ có 80 thứ như lạc dục v.v… Chính tư duy nhập có 32 thứ là an trụ Xa-ma-tha v.v…

Lại nữa, Bát-nhã Ba-la-mật không cùng với vô minh của 16 thứ túc trụ. Như vậy tướng của Bát-nhã Ba-la-mật tùy lượng đã nói. Nếu nói đủ thì vô lượng. Bát-nhã Ba-la-mật bao gồm trong phương tiện thiện xảo Ba-la-mật có 8 thứ thiện xảo. Đó là chúng thiện xảo, giới thiện xảo, nhập thiện xảo, đế thiện xảo, duyên sinh thiện xảo, ba đời thiện xảo, các thừa thiện xảo, các pháp thiện xảo. Trong đó thiện xảo Ba-la-mật không có giới hạn.

Lại nữa, tùy sinh vào cõi nào, dùng những hành tướng nào làm Bồ-đề mà được tự tăng trưởng thiện căn và điều phục chúng sinh. Ở những nẻo đi đến kia, ở mọi nơi nên làm các thứ phương tiện, các Đại nhân phân biệt nói. Tôi nay trích nói một phần nhỏ trong các kinh ấy. Nếu đã làm, đang làm chút ít điều thiện có thể khiến nhiều thêm, có thể khiến vô lượng, đó làm phương tiện. Không phải vị kỷ mà chỉ vì chúng sinh làm phương tiện. Chỉ dùng Đà-na khiến các Bala-mật đầy đủ làm phương tiện.

Cũng như vậy, dùng Thi-la nhiếp hóa các chúng sinh, dùng Sắn-đề trang nghiêm thân khẩu tâm làm Bồ-đề, dùng Tì-lê-da an trụ tinh tiến, dùng Thiền-na không thoái lui nơi thiền, dùng Bátnhã xả ly vô vi, dùng từ làm nương tựa bảo hộ, dùng bi không bỏ lưu chuyển, dùng hỷ có thể nhẫn chịu những điều không không vui, dùng xả phát khởi các thiện, dùng thiên nhãn nhiếp thủ Phật nhãn, dùng thiên nhĩ mãn túc Phật nhĩ, dùng tha tâm trí biết các căn, dùng túc trụ niệm biết 3 đời không ngại, dùng tự tại thông được Như Lai tự tại thông, dùng sự nhập chúng sinh tâm muốn biết các hành tướng, đã độ trở lại nhập, không nhiễm mà nhiễm, bỏ gành vác rồi lại gánh vác, vô lượng mà thị hiện có hạn lượng, tối thắng thị hiện hạ liệt, dùng phương tiện nên tương ưng Niết-bàn mà đọa tại lưu chuyển.

Tuy hành Niết-bàn mà không rốt ráo tịch diệt, hiện hành 4 mà siêu quá các ma, đạt trí 4 đế và quán vô sinh mà không nhập chính vị. Tuy hành hôn loạn mà không hành thuận miên phiền não.

Tuy hành viễn ly mà không dựa vào thân tâm hết. Tuy hành 3 cõi mà trong cõi không hành thế đế.

Tuy hành nơi không mà mọi thời hằng cầu Phật pháp.

Tuy hành vô vi mà không tác chứng nơi vô vi.

Tuy hành 6 thần thông mà không hết lậu.

Tuy hiện oai nghi Thanh Văn, Độc Giác mà không bỏ ưa thích Phật pháp. Trong các phương tiện Ba-la-mật khéo léo như vậy có phương tiện giáo hóa chúng sinh. Phải biết các phương tiện đó là chỗ phương tiện giáo hóa khéo léo của Bồ-tát. Trong đây có Du-lô-ca như sau:

Trong đạo súc sinh các khổ não,

Sinh địa ngục, ngạ quỷ cũng vậy,

Ở trong luân chuyển tương ứng chịu,

Các thứ tội ác của chúng sinh.

Không thể ngăn chận các khổ này,

Nơi các chúng sinh khởi thương xót.

Chư Phật bảo các Bồ-tát kia

Tất cả thế gian vô ngại Bi.

Trong luận nếu có gồm các thiện,

Phần nhiều vì người mà tác nghiệp,

Công xảo các minh và các việc

Đều dùng ái ngữ mà trao cho.

Giới tài văn tu cùng tịch điều,

Dùng công đức này nhiếp hóa chúng.

Nhiếp hóa rồi khiến thường liên tục,

Thắng Tiên bảo là trụ thiện đạo.

Hoặc hiện thân nữ hóa thân nam,

Khiến kia điều phục mà thụ giáo.

Hoặc hiện thân nam hóa thân nữ,

Khiến kia điều phục mà thụ giáo.

Nếu không chán vui nơi cảnh nhiễm,

Thương kia không đạo khiến vào đạo,

Tùy loại chúng sinh mà giáo hóa,

Dẫu nơi bức não cũng không bỏ.

Hoặc có tin hiểu nơi vô ngã,

Và biết các pháp lìa tự tính,

Người ấy chưa lìa pháp thế gian,

Chỉ là quan sát chuyển như thế.

Với nghiệp và quả sinh tin thuận,

Mà có vô biên các việc khổ,

Thì phải trong khi thụ quả khổ,

Không vui các khổ đang ép ngặt,

Nếu nơi người xuất gia Thanh Văn,

Thì an ổn đặt nơi vắng lặng,

Hoặc đặt ở nơi Duyên Giác đạo,

Hoặc đặt 10 thứ Diệu lực thừa,

Khiến kia sẽ được Chính giác thừa,

Hoặc được tịch tĩnh hoặc cõi trời,

Nếu phải quan sát quả hiện thấy,

Như chỗ ra làm chính an trí,

Như vậy từ sơ đến cứu cánh,

Trượng phu việc khó đều làm được.

Dựa vào các thứ phương tiện khéo,

Lìa bỏ tất cả thích chẳng thích,

Thừa này chư Phật đều khen ngợi,

Trám ngàn công đức được trang nghiêm,

Hay sinh thế gian rất tịnh tín,

Đề nói thắng diệu thiện đạo nên

Với Duyên Giác thừa, Thanh Vắn thừa,

Cho đến thiên thừa và các thừa,

Đều lấy 10 thiện mà thành thục,

Và ở nhân thừa thành thục người.

Đã giải thích Phương tiện thiện xảo Ba-la-mật, nay tôi sẽ nói Nguyện Ba-la-mật. Chư Bồ-tát trước tiên có 10 nguyện lớn:

Cúng dường hầu hạ chư Phật không thiếu sót, là Đại nguyện thứ nhất.

Ở nơi Phật ấy giữ gìn Đại chính pháp, nhiếp thụ chính giác, khắp hộ chính giáo, là Đại nguyên thứ hai.

Trong các thế giới chư Phật ra đời, ban đầu từ ở cung Đâu-suất cho đến xuống nhập thai, trụ thai, sơ sinh, xuất gia, chứng chính giác, thỉnh chuyển pháp luân, nhập đại Niết-bàn, đều đi đến nơi ấy thụ hành cúng dường không rời bỏ, là Đại nguyện thứ ba.

Các Bồ-tát hành các hạnh Bồ-tát rộng lớn vô lượng, không xen tạp các Ba-la-mật gồm thiện tịnh các địa, xuất sinh phần chung, phần riêng, đồng tướng, khác tướng, cùng chuyển, không cùng cbuyển, như thật như Thập địa đạo nói, tu trị Ba-la-mật giáo giới, giáo thụ, giáo thụ rồi trụ trì, phát khởi xuất sinh các tâm như vậy, là Đại nguyện thứ tư.

Không sót một cảnh giới chúng sinh, có sắc không sắc, có tưởng không tưởng, sinh trứng, sinh thai, sinh nơi ẩm ướt, biến hóa sinh, 3 cõi đồng nhập, 6 nẻo cùng ở, chúng sinh thuận đi, danh sắc bao gồm, tất cả cõi chúng sinh đều thành thục không sót khiến vào trong Phật pháp, đoạn trừ các nẻo, an lập nơi trí Nhất thiết trí, là Đại nguyện thứ năm.

Không sót các thế giới rộng lớn vô lượng, hoặc tế hoặc thô, hoặc ngang hoặc ngược, hoặc ngay thẳng v.v…đồng nhập vào, cùng ở, thuận đi, 10 phương phàn phần như lưới trời Đế Thích, nhạp vào phần phần dùng trí thuận đi, đó là Đại nguyện thứ sáu.

Tất cả cõi là một cõi, một cõi tức tất cả cõi, vô lượng cõi nước bình đẳng thanh tịnh, thảy đều trang nghiêm lìa các phiền não, tịnh đạo đầy đủ vô lượng trí tướng, chúng sinh sung mãn vào cảnh giới thượng diệu của Phật, tùy tâm chúng sinh mà thị hiện khiến được hoan hỷ, là Đại nguyện thứ bảy.

Vì cùng các Bồ-tát đồng một tâm, vì tụ tập bất cọng thiện căn, vì cùng các Bồ-tát đồng một phan duyên thường không lìa bình đẳng của Bồ-tát, vì phát khởi tự tâm nhạp vào oai thần của Như Lai, vì được bất thoái hành thần thông, vì du hành các thế giới, vì ảnh chiếu đến các đại chúng luận, vì tự thân thuận nhập vào các sinh xứ, vì đầy đủ bất tư nghị Đại thừa, vì hành Bồ-tát hạnh, đó là Đại nguyện thứ tám.

Vì lên bất thoái chuyển hành Bồ-tát hạnh, vì thân khẩu ý nghiệp chẳng không tức khi thấy khiến quyết định Phật pháp, vì tức khi xuất một âm thanh khiến nhập trí tuệ, vì tức khi tin khiến chuyển phiền não, vì được như than Đại Dược vương, vì hành các Bồ-tát hạnh, đó là đại nguyện thứ chín.

Vì ở trong các thế giới, chính giác A-nậu-đa-la Tam-miệu Tambồ-đề, vì trong một sợi lông và trong tất cả sợi lông khác đều hiện xuất sinh, ngồi đạo tràng, chuyển pháp luân, Đại Bát-niết-bàn, vì do trí tuệ nhập vào đại cảnh giới oai thần của Phật, vì ở nơi tất cả cảnh giới chúng sinh đúng như thâm tâm Phật xuất thế khai ngộ khiến được tịch tĩnh mà thị hiện, vì chính giác một pháp tất cả pháp đều là tướng Niết-bàn, vì phát ra một âm thanh khiến các chúng sinh tâm hoan hỷ, vì hiện Đại Niết-bàn mà không đoạn hành lực, vì hiện Đại trí tuệ địa an lập các pháp, vì dùng cảnh giới pháp trí thần thông của Phật phổ biến các thế giới, đó là Đại nguyện thứ mười.

Các Đại nguyện như vậy muốn đại xuất sinh thì 10 Đại nguyện làm đầu. Đầy đủ 10 Đại nguyện này rồi kiến lập A-tăng-kì trăm ngàn nguyện khác của Bồ-tát, được trụ Bồ-tát Hoan hỷ địa, đó gọi là Nguyện Ba-la-mật.

Đã giải thích Nguyện Ba-la-mật, nay tôi sẽ nói Lực Ba-la-mật. Trong đây sơ lược nói chư Bồ-tát có 7 thứ lực. Đó là phúc báo sinh lực, thần thông lực, tín lực, tinh tiến lực,niệm lực, Tam-ma-đề lực và Bát-nhã lực.

Phúc báo sinh lực, là như sức của 10 con voi nhỏ tương đương sức của một Long tượng. Sức của 10 Long tượng tương đương sức của một Hương tượng. Sức của 10 Hương tượng tương đương sức của một Đại hương tượng. Sức của10 Đại hương tượng tương đương sức của một Đại lực sĩ. Sức của 10 đại lực sĩ tương đương với sức của một Bán Na-la-diên. Sức của 10 Bán na-la-diên tương đương với sức của một Na-la-diên. Sức của 10 Na-la-diên tương đương với sức của một Đại Na-la-diên. Sức của 10 Đại Na-la-diên tương đương với sức của quá một trăm kiếp Bồ-tát. Sức của 10 quá một trăm kiếp Bồ-tát tương đương với sức của một đắc nhẫn Bồ-tát. Sức của 10 đắc nhẫn Bồ-tát tương đương với sức của một tối hậu sinh Bồ-tát.

Trụ nơi sức này rồi, Bồ-tát liền ngay khi sinh có thể đi 7 bước. Sức của 10 tối hậu sinh Bồ-tát khi sinh tương đương với sức của Bồtát lúc thiếu niên. Bồ-tát trụ nơi sức này rồi, đến Bồ-đề trường thành đẳng chính giác. Được chính giác rồi, do sức của quá trăm ngàn công đức thành tựu sức của Như Lai chính biến tri nhất chủng xứ phi xứ. Như vậy thành tựu 10 lực gọi là Phúc báo sinh lực của chư Phật, Bồtát và các thiểu phần chúng sinh khác.

Thần thông lực, là 4 thứ thần túc khéo làm nhiều rồi do sức thần thông hi hữu này điều phục được các chúng sinh. Do sức thần thông hi hữu kia hiển hiện hoặc sắc, hoặc lực, hoặc trụ trì v.v… Nếu có chúng sinh nên dùng sắc tượng này mà được điều phục thì liền dùng sắc tượng này đến nơi chúng sinh ấy thị hiện hoặc sắc tượng của Phật, hoặc sắc tượng Độc Giác, hoặc sắc tượng Thanh Văn. Cũng như vậy hoặc sắc tượng của Thích, Phạm, Hộ thế, Chuyển luân vương v.v… Nếu lại là các sắc tựong khác cho đến sắc tượng súc sinh để điều phục chúng sinh mà thị hiện sắc tượng như vậy. Nếu có chúng sinh nhiều sức, kiêu mạn, giận dữ, hung ác, tự cao, cần có sức này để điều phục thì liền hiện sức này. Hoặc sức của Đại lực sĩ, hoặc sức của 4 phần Na-la-diên, hoặc sức của Bán Na-la-diên, hoặc sức của một Na-la-diên. Do sức này mà núi chúa Tu-di co 16 vạn 8 ngàn Du-xà-na, rộng 8 vạn 4 ngàn Du-xà-na, mà chỉ dùng 3 ngón tay nhấc bổng như nhấc quả Yêm-ma-lặc ném sang thế giới khác mà không làm phiền nhiễu trời Tứ thiên vương, trời Tam thập tam, và sức của Bồ-tát cũng không tổn giảm.

Lại nữa, 3 ngàn đại thiên thế giới này tuy rộng lớn , từ nơi thủy giới cho đến trời Hữu đỉnh đặt vào lòng bàn tay mà trụ vững nhiều kiếp, với các thần thông đầy đủ thị hiện sức như vậy.

Nếu có chúng sinh kiêu mạn, tăng thượng mạn, giận dữ, hung ác, tự cao, nói pháp điều phục khiến lìa kiêu mạn, tăng thượng mạn, hung ác v.v… Kia được thần túc trí trụ trì như vậy rồi, dùng trí trụ trì này mọi sự trụ trì đều được tùy ý.

Nếu đem biển lớn làm thành vũng nước chân trâu liền thành vũng nước chân trâu. Nếu đem vũng nước chân trâu làm thành biển lớn liền thành biển lớn. Nếu đem kiếp thiêu làm thành nước tụ liền thành nước tụ. Nếu đem nước tụ làm thành lửa tụ liền thành lửa tụ. Nếu đem lửa tụ làm thành gió tụ liền thành gió tụ. Nếu đem gió tụ làm thành lửa tụ liền thành lửa tụ.

Cũng như vậy, nếu dùng trụ trì này tùy chỗ trụ trì hạ pháp, trung pháp, thượng pháp, đã trụ trì rồi không ai có thể chấn động, ẩn mất. Như Đế Thích, Phạm thiên, các ma và các đồng pháp thế gian khác trừ Phật Thế Tôn. Trong các loài chúng sinh, không có chúng sinh nào đối với trụ trì của Bồ-tát có thể làm chấn động, ẩn mất.

Do sức trụ trì, vì các chúng sinh thuyết pháp vượt trội vui mừng hoan hỷ tôn kính. Sức thần túc ấy xuất phát cao, tự tại vượt quá ma phiền não, nhập vào cảnh giới Phật, giác ngộ các chúg sinh, tu họp thiện căn tư lương đời trước, ma và ma than thiên v.v… không thể chướng ngại, đó gọi là Thần thông lực của Bồ-tát.

Tín lực, là đối với Phật, Pháp, Tăng và trong Bồ-tát hạnh tin hiểu hoàn toàn không gì có thể cản trở phá hoại. Dẫu ác ma hóa làm thân Phật đến dùng pháp gì muốn phá hoại sức tin kia, Bồ-tát do sức tin hiểu chúng không thể làm lay động sức tin của Bồ-tát, đó gọi là Tín lực.

Tinh tiến lực, là Bồ-tát nếu phát khởi tinh tiến khi tương ưng với các thiện pháp thì ở đó được sức kiên cố bền chắc, tùy chỗ thụ hành, dẫu trời hay người cũng không thể làm lay động khiến giữa chừng dừng lại, đó gọi là Tinh tiến lực.

Niệm lực, là trụ nơi pháp xứ kia thì tâm an trụ, bao nhiêu các phiền não không thể làm tán loạn. Do giữ niệm lực nên phá các phiền não. Các phiền não kia không thể phá hoại sức chính niệm của Bồtát, đó gọi là Niệm lực.

Tam-ma-đề lực, là ở trong ồn ào rối loạn thực hành hạnh viễn ly. Các âm thanh và tiếng nói phát ra không bị kích thích mà chướng ngại Sơ thiền. Hành thiện giác quán không ngại Nhị thiền, Sinh ái hỷ không ngại Tam thiền. Thành thục chúng sinh, nhiếp thụ các pháp chưa từng phế bỏ không ngại Tứ thiền. Như vậy dạo qua 4 thứ thiền, các thiền ác đối không thể phá hoại. Tuy dạo qua các thiền mà không tùy theo thiền sinh, đó gọi là Tam-ma-đề lực của Bồ-tát.

Bát-nhã lực, là trí không thể hoại trong pháp thế gian và xuất thế gian, trong đời đời kiếp kiếp không do thầy dạy. Những chỗ ra làm như công xảo minh và các minh, cho đến trường hợp khó làm nhất khó nhẫn nhất trong thế gian Bồ-tát đều hiện diện. Nếu là pháp xuất thế cứu độ đời, trí tuệ Bồ-tát tùy thuận nhập vào rồi, thì trời, người, A-tu-la không thể phá hoại, đó gọi là Bát-nhã lực.

Như vậy là đã sơ lược giải thích 7 lực của Bồ-tát. Nếu muốn diễn giải đầy đủ thì vô cùng, đó gọi là Lực Ba-la-mật của Bồ-tát.

Đã giải thích Lực Ba-la-mật, nay tôi sẽ nói về Trí Ba-la-mật. Trong đây như các sách lưu hành trong thế gian như toán số v.v… và giới luận tức các sách luận về tính chất như phong hoàng, đàm v.v…, các sách về y học trị bệnh càn tiêu, điên cuồng, quỷ ám, phá các thứ độc hại, các sách văn chương trào lộng khiến sinh hoan hỷ, các sách về xây dựng thành thị làng xóm, vườn cây , ao hồ giếng nước, các sách về khai thác vàng bạc Ma-ni lưu ly đá trắng, ngọc, san hô v.v…, các sách về quan sát mặt trời mắt trăng, nhật nguyệt thực tinh tú động đất, đoán diềm giải mộng v.v…, các sách chỉnh hình, biết hành xứ cấm giới, Thiền-na, thần thông, vô lượng vô sắc xứ và các tương ưng chính giác khác lợi lạc chúng sinh đến bờ kia.

Lại nữa, biết các thế giới thành hoại, tùy thế giới thành, tùy thế giới hoại thảy đều biết rõ. Lại biết do nghiệp nhóm họp nên thế giới thành, nghiệp hết nên thế giới hoại. Biết thế giới thành trong bao lâu, biết thế giới hoại trong bao lâu. Biết các địa giới, thủy giới, phong giới, hỏa giới, sai biệt lớn, nhỏ hay vô lượng v.v… Biết vi trần cực vi, cũng biết vi trần tụ tập, vi trần phân tán. Biết địa trong thế giới số như vi trần, cũng như vậy biết số vi trần của thủy, hỏa, phong. Biết thân chúng sinh số như vi trần, cõi nước số như vi trần. Biết thân các chúng sinh thô, tế sai biệt, cho đến cũng biết vi trần hợp thành than địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, A-tu-la, trời, người v.v… Biết Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới thành hoại, và biết chúng sai biệt nhỏ lớn vô lượng v.v… Biết chúng sinh thân, trung nghiệp thân, báo thân, sắc thân. Biết quốc độ thân trung tiểu đại, nhiễm tịnh, và hoành trụ đảo trụ bình đẳng trụ các phương sai khác như mắt lưới. Biết tên thân sai khác trong nghiệp báo thân, biết tên thân sai khác trong Thanh Văn, Độc Giác, Bồ-tát thân. Biết chính giác thân, nguyện thân, hóa thân, trụ trì thân, hình sắc tướng hảo trang nghiêm thân, oai quang thân, ức niệm thân, phúc thân, pháp thân trong Như Lai thân. Biết hoặc khéo phân biệt, hoặc như lý tư duy, hoặc quả tương ưng nhiếp, hoặc thế gian xuất thế gian, hoặc an lập 3 thừa, hoặc cọng pháp bất cọng pháp, hoặc xuất thế đạo phi xuất thế đạo, hoặc học vô học trong trí thân. Biết trong pháp thân bình đẳng bất động, an lập thế đế xứ sở danh tự, an lạp pháp chúng sinh phi chúng sinh, an lập Phật, Pháp, Thánh chúng. Biết vô lượng thân nhập vào, tất cả chỗ sai biệt của phi thân chân thật, vô biên vô sắc thân, được xuất sinh các thân trí như vậy trong thân hư không. Lại được mạng tự tại, tâm tự tại, chúng cụ tự tại, nghiệp tự tại, nguyện tự tại, tín giải tự tại, thần thông tự tại, trí tự tại, sinh tự tại, và pháp tự tại. Được 10 tự tại như vậy rồi là người trí không thể nghĩ bàn, người trí vô lượng, người trí không thoái lui.

Các trí như vậy có 8 vạn 4 ngàn hành tướng là trí sở tri Ba-lamật của Bồ-tát. Như vậy là tùy phần giải thích Trí Ba-la-mật, nếu muốn diễn giải đầy đủ, chỉ Phật Thế Tôn mới có thể nói hết.

Sáu Ba-la-mật này

Là Bồ-đề tư lương.

Giống như trong hư không

Bao gồm hết các vật.

Như đã giải thích trong 6 Ba-la-mật gồm hết tất cả Bồ-đề tư lương, ví như hư không, các vật đi đứng, có thức, không có thức đều gồm ở trong đó. Như vậy ngoài ra phải biết khi nghe nói tư lương tức các tư lương bao gồm trong 6 Ba-la-mật đồng tướng không khác.

( QUYỂN 2 HẾT )

Trang: 1 2 3 4 5 6