LUẬN NHẬP ĐẠI THỪA
Bồ-tát Kiên Ý tạo luận
Tam tạng pháp sư Đạo Thái v.v… dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN THƯỢNG

Nay sẽ giải thích ý nghĩa nhập Đại thừa.

Hỏi: Vì sao nói nghĩa nhập Đại thừa ?

Đáp: Vì tôi muốn ngăn chận nhân gây khổ cho chúng sinh. Nay ông phải biết nếu có người gần gũi ác tri thức, bị cái xấu ác làm mê lầm thiên lệch theo pháp của mình, chuyên chấp trước tà kiến, tư duy điên đảo không hiểu thật nghĩa, không thuận Phật trí, phỉ báng thánh giáo. Phỉ báng thánh giáo là phá hoại chính pháp. Phá hoại chính pháp bị tội báo nặng. Như Thế Tôn nói: Tội phỉ báng chính pháp nặng hơn ngũ nghịch, ở lâu trong ác đạo chịu khổ báo dài lâu. Như kệ nói:

Phỉ báng pháp Đại thừa,

Chắc chắn vào đường ác

Người này thụ nghiệp báo,

Như thật trí đã nói.

Sống đọa trong địa ngục,

Lửa dữ cháy đốt thân.

Thiêu đốt rất đau khổ

Tội nghiệp báo phải tin.

Cày sắt lớn đỏ rực,

Đủ số năm trăm lần,

Cày trên lưỡi tội nhân,

Nghiền nát thân khổ não.

Ra khỏi địa ngục rồi,

Lại chịu các ác báo.

Thường thiếu khuyết các căn,

Hằng không nghe tiếng pháp.

Dẫu cho có được nghe,

Cũng lại sinh phỉ báng.

Do nhân phỉ báng pháp,

Trở lại đọa địa ngục.

Các chúng sinh phỉ báng pháp nghe nói như vậy lại sinh tâm nghi ngờ đối với Đại thừa. Như tôn giả Đề-bà có nói kệ rằng:

Người có phúc mỏng,

Thì không sinh nghi.

Người sinh nghi thì,

Ắt phá các hữu.

Nếu có sinh nghi đều phải nghe pháp, nghe rồi hiểu liền được tỏ ngộ. Được tỏ ngộ rồi tức sinh tín tâm, sinh tín tâm rồi liền sinh hoan hỷ, sinh hoan hỷ rồi như vậy tuần tự sinh văn tư tu, cho đến đầy đủ được nhất thiết chủng trí.

Do phỉ báng Đại thừa mà đọa ác đạo, và cũng do Đại thừa khởi các thiện nghiệp. Như người do đất té ngã rồi lại nương đất đứng lên. Lại do trí đến đạo Bồ-đề, thì cũng cùng chúng sinh chung hòa hợp mà có, nếu lìa chúng sinh sẽ không có người được đạo Bồ-đề. Từ cảnh giới chúng sinh xuất sinh tất cả chư Phật Bồ-đề. Như tôn giả Long Thụ có kệ rằng:

Chẳng từ hư không có,

Cũng chẳng từ đất sinh.

Chỉ từ trong phiền não,

Mà chứng thành Bồ-đề.

Hỏi: Ông nói khéo nhập vào luận Ma-ha-diễn. Như vậy công đức thế nào gọi là Ma-ha-diễn ?

Đáp: Nơi tạng Bồ-tát gọi là Ma-ha-diễn.

Hỏi: Phật chẳng nói 3 thừa cũng là Ma-ha-diễn sao ?

Đáp: Đúng. Trong Đại thừa cũng nói 3 thừa, tức là 3 tạng. Như trong Kinh Bồ tát Tạng có nói: Phật bảo vua A-xà-thế: Tộc tính tử ! Tạng có 3 thứ. Những gì là 3 ? Đó Thanh Văn tạng, Bích-chi-phật tạng và Bồ-tát tạng. Tộc tính tử ! Chẳng phải lấy Thanh Văn thừa gọi là 3 tạng, cũng chẳng phải lấy Bích-chi-phật thừa gọi là 3 tạng, chỉ các Bồ-tát học Đại thừa được gọi là 3 tạng. Bởi vì sao ? Phàm nói pháp đầy đủ 3 thừa mới gọi là 3 tạng. Bởi Bồ-tát có thể thuyết pháp đủ 3 thừa cho nên ta nói là 3 tạng. Tộc tính tử ! Có 3 loại học nhân: Thanh Văn học, Bích-chi-phật học và Bồ-tát học. Thanh Văn thừa thì không học Bích-chi-phật thừa, bởi vì sao ? Vì chẳng phải trình độ kiến giải. Bích-chi-phật thừa thì không học Bồ-tát thừa, bởi vì sao ? Vì cũng chẳng phải trình độ kiến giải. Tộc tính tử ! Chỉ có các Bồ-tát tuy học Thanh Văn, Bích-chi-phật thừa mà không chứng nơi Thanh văn, Bích-chi-phật đạo, học Bồ-tát thừa biết sâu các pháp tu hành của Bồ-tát, thường vui tùy thuận. Vì ý nghĩa đó Bồ-tát thừa gọi là 3 tạng, chẳng phải gọi Thanh Văn Bích-chi-phật thừa. Trong các kinh khác đã phân biệt đầy đủ. Vì vậy nay tôi chỉ nói sơ lược.

Như ý ông cho là chẳng phải 3 tạng, là nay ông chỉ lấy trăm ngàn kệ của Tăng Nhất A-hàm, Trung A-hàm, Trường A-hàm, Tạp A-hàm làm 1 tạng, 2 trăm ngàn kệ của Tì-ni A-tì-đàm gọi là 2 tạng, tu tập đủ hết gọi là 3 tạng. Nếu nói như vậy không gọi 3 tạng. Sở dĩ vì sao ? Các kinh khác v.v… chẳng phải Phật nói có lỗi như vậy. A-hàm, Tì-ni, A-tì-đàm v.v… cũng là 3 tạng. Tạp tạng, Xá-đầu-la Kinh, Thai Kinh, Gián Vương Bản Sinh, Bích-chi-phật Nhân Duyên, 8 vạn 4 ngàn pháp tạng như vậy tôn giả A-nan theo Phật thụ trì tất cả đều có lỗi không phải Phật nói. Nếu không lỗi thì phải biết tất cả đều là Phật nói.

Như vậy những điều được nói nếu đều là tạng thì đây có đến trăm ngàn tạng. Ông nói 3 tạng là tự hoại. Lại có trường hợp A-nan không tiếp thụ. Phật thành đạo 20 năm sau mới ở trong tăng chúng tự nói rằng: Ta nay tuổi đã già cần có người hầu hạ. Nếu ai có thể làm thị giả cho ta hãy tự nói có thể. Bấy giờ đại chúng hòa hợp liền sai A-nan làm thị giả. A-nan liền nói với những người đồng tu: “ Như Lai có 8 vạn 4 ngàn nhóm pháp, nay tôi đều phải thụ trì tất cả. Có điều là 20 năm trước có 2 Tì-kheo đã thụ trì tôi đều không rõ.” Vì ý nghĩa đó biết rằng chỗ thụ trì của A-nan không là đa văn. Trong giáo pháp Phật nói ra, A-nan thật có chỗ không kham nhiệm pháp khí.

Như trong A-hàm nói: “ Thích-đề-hoàn-nhân bảo Uất-đa-la rằng: Tôi được trí tha tâm, quán sát tất cả chúng sinh trong Diêmphù-đề không ai có thể thụ trì hết tất cả giáo pháp của Phật chỉ trừ tôn giả, ngoài ra đều không có khả năng ấy.” Do nhân duyên ấy phải biết A-nan chẳng phải có thể thụ trì hết tất cả giáo pháp của Phật. Đệ tử Thanh Văn và cho đến A-nan không kham nhiệm pháp khí là điều các kinh Đại thừa đã nói rộng rãi đầy đủ.

Như trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Phật vì vua Tịnh Nguyệt Tạng nói: Chỗ thụ trì của A-nan ít ỏi không đáng nói, chỗ không thụ trì mới nhiều vô lượng. Pháp ta biết trăm ngàn ức phần, nói ra không được một phần. A-nan đối với pháp ta nói ra trăm ngàn ức phần thụ trì không được một. Thiện nam tử ! Ta trong một ngày một đêm, vì 10 phương thế giới nào Phạm Thích, Tứ thiên vương, thiên long, Dạxoa, Càn-thát-bà và các Bồ-tát đến tập hội, nói các bài kệ tụng trí tuệ Tu-đa-la, các pháp Ba-la-mật cho chúng sinh tu hành, và nói Thanh Văn, Bích-chi-phật thừa chán ghét sinh tử ca ngợi Niết-bàn mãn túc các Ba-la-mật, cho đến vì các thiên tử quảng diễn thuyết pháp một ngày một đêm, giả sử có những người đa văn trí tuệ như A-nan nhiều như số vi trần trong cõi Diêm-phù-đề, trong một ngày một đêm cũng không thể thụ trì đầy đủ được một phần trong trăm ngàn ức. Cho đến số đông nhiều như vi trần đầy khắp 10 phương thế giới đều như A-nan cũng vậy không thể thụ trì hết tất cả.

Nhiều nơi trong các kinh cũng nói A-nan không kham nhiệm làm pháp khí. Vì ý nghĩa đó phải biết A-nan không thể thụ trì hết tất cả giáo pháp của Phật.

Hỏi: Như Lai Thế Tôn không nói A-nan là đa văn đệ nhất sao ?

Đáp: Phật đối trong chúng Thanh Văn giả thuyết A-nan là đệ nhất, chẳng phải bảo là Bồ-tát. Lại nữa đối với A-nan, các ông còn không nghe hết chỗ thụ trì của A-nan huống chi là đối với nghĩa sâu xa đầy đủ của Đại thừa.

Nếu ý ông bảo Thanh Văn thừa tức Đại thừa, việc này không phải như vậy. Bởi vì sao ? Vì khác nhân quả. Nếu nhân của Thanh Văn thừa với nhân của Đại thừa mà không khác thì quả cũng không khác. Hiện thấy quả khác nên biết là nhân cũng khác. Bởi vì sao ? Người học Thanh Văn chỉ đoạn kết chướng, quán hành vô thường, theo người khác nghe pháp. Bồ-tát thì đoạn các tập vi tế, cho đến quán tất cả pháp là cảnh không, không theo người khác nghe pháp mà được trí tự nhiên, trí vô sư. Vì ý nghĩa đó chẳng phải Thanh Văn thừa đồng với Đại thừa.

Hỏi: Vậy Phật không nói giải thoát không khác ?

Đáp: Thanh Văn khi giải thoát rất có thể sai khiến núi Tu-di đều hướng về đạo tràng, đều cúi mình cung kính, ánh sáng chiếu khắp 10 phương thế giới, tất cả ác ma trong 80 do-tuần đều đến hàng phục chăng ? Bồ-tát giải thoát thì như trên nói tất cả đều được. Vì ý nghĩa đó, trong các kinh Phật tuy nói tướng giải thoát v.v… không khác, nhưng đại tiểu thật có khác. Giống như loại sâu ăn ruột hạt cải làm cho hạt cải trống không. Tuy có tên gọi là không, nhưng cái không đó không đáng một phần cái không trong 10 phương thế giới. Cái không tuy không khác nhưng lớn nhỏ có khác. Lại như ánh sáng đom đóm muốn sánh với mặt trời mặt trăng. Cũng như con muỗi so sánh với chim đại bàng. Như Tì-kheo Bà-lưu-chi nói kệ bản hạnh của Phật:

Tất cả các ánh sáng,

Đèn đuốc với điện chớp,

Trăng sao chiếu khác nhau,

Mặt trời là sáng nhất.

Bay chạy các cầm thú,

Muỗi kiến với loài ong,

Các chim bay đều khác,

Không bằng chim đại bàng.

Vì vậy tuy tương tự chút ít, nhưng đại tiểu có khác nhau. Phải biết nhân đã có khác, lẽ nào quả như nhau. Ông nói giải thoát không khác, quan sát như vậy giải thoát không đồng nhau. Giải thoát của Thanh Văn là giải thoát hết ái, chẳng phải giải thoát tất cả. Chỉ vì chúng sinh độn căn thiểu trí, tạm phân biệt nói. Giải thoát của Đại thừa là đoạn dứt hết tất cả tập phiền não, vì Bồ-tát lợi căn, rộng phân biệt nói. Như nay ông nói giải thoát của Thanh Văn tức giải thoát của Đại thừa thì Như Lai chẳng phải bậc nhất thiết chủng trí, có lỗi như vậy. Như Phật có bệnh nhẹ sai Mục-liên đến nhà Kì-cúc hỏi dùng thuốc gì. Bấy giờ Kì-cúc mất đã 7 ngày sinh lên trời Đao-lợi. Mụcliên liền lên cõi trời ấy, lúc đó Kì-cúc sắp đi ra vườn sau liền hỏi: Như Lai có bệnh dùng thuốc gì ?

Đáp: Dùng thức chế biến sữa.

Thân Như Lai như kim cương, các ác đã diệt, lẽ nào có tật bệnh mà hỏi Kì-cúc ? Như Tì-kheo Bà-câu-la, trong 90 kiếp trước thí cho người đồng tu một loại trái cây làm thuốc mà trong 90 kiếp thân thường không bệnh, thân sau cùng thọ đến 80 tuổi. Ban đầu không có bệnh nhẹ, chính nhờ nhân duyên thí một quả Ha-lê-lặc này còn được không bệnh, huống chi Như Lai ức trăm ngàn vạn kiếp A-tăng-kì đầy đủ Đàn Ba-la-mật, đủ các công đức, cho đến cắt đứt thân thể tay chân tủy não máu thịt mà thí cho người bệnh. Nhờ nhân duyên đó lẽ nào bị bệnh ư ? Theo như kinh nói thì hiện Như Lai chẳng phải nhất thiết trí. Như Lai cũng có lúc vào thành khất thực mang bát không trở về vì độ cho Đề-bà-đạt-đa khiến cho xuất gia, như Kinh Khô Thụ nói thấy đống lửa lớn bấy giờ trong các Tì-kheo có người sinh thoái tâm, để độ cho Mã Sư, Mãn Túc nên thường mắng Bà-la-môn, Đoạt-lại-xà, Tát-giá, Ni-kiền, Tôn-đà-lợi v.v… trong 90 ngày chịu ăn lúa ngựa. Mục-liên, Xá-lợi-phất vào nhà làm đồ gốm v.v… có những sự việc như vậy. Theo ý ông nếu bảo đó là nghiệp hữu dư thì không phải. Bởi vì sao ? Như Lai đã tận hết tất cả các ác, đầy đủ tất cả vô lượng công đức, có ác nghiệp hữu dư tức có tội lỗi lớn. Ông từng không nghe trong các kinh nói Như Lai vĩnh viễn đoạn tất cả nghiệp kết tập đó sao ? Như bài kệ Ma-đà-giá-li khen rằng:

Tất cả kết tập hết,

Bậc chỉ có cứu đời,

Có đủ nhất thiết trí,

Công đức đều thành mãn.

Có 3 thứ tập. Đó là nghiệp tập, phiền não tập, oai nghi tập. Ba thứ tập này Như Lai đã hết vĩnh viễn, do nhân duyên ấy nếu có nghiệp dư tức có lỗi lớn. Nay nếu ông bảo đó là phương tiện cũng không đúng. Bởi vì sao ? Ý ông trước bảo Phật thân là thật không nói phương tiện và ứng hóa. Ông thường tự nói Phật thân là một, sao còn được có phương tiện ứng hóa ? Ông nghe trong kinh nào nói phương tiện và ứng hóa ? Trong kinh của ông chỉ nói có hậu biến thân không nói riêng có pháp thân, không có đồng thân với phương tiện ứng hóa. Cho nên trong kinh Đại thừa nói Phật là nhất thiết trí thì không có lỗi. Trong Tiểu thừa ông nói nhất thiết trí thì có sai lầm lớn. Nếu bảo Thanh Văn thừa tức là Đại thừa, điều đó không đúng. Đại thừa với Thanh Văn thừa có sai biệt về rộng lớn. Nếu ý ông bảo trong Thanh Văn thừa hiển thị Đại thừa, như vậy cũng không đúng. Bởi vì sao ? Vì lý mâu thuẫn nhau. Thanh Văn thừa nghe pháp từ người khác. Thừa của Đại tiên tiếp nối dòng giống Tam Bảo không tuyệt dứt. Như ngọc báu Tì-lưu-ly không hoàn toàn từ thủy tinh mà ra, vì thể khác nhau. Cho nên Đại thừa vi diệu rất sâu, tâm Đại thừa rộng lớn. Bồ-tát Ma-ha-tát tuần tự tu học, ban đầu từ sơ địa cho đến địa thứ 10, đầy đủ tất cả công đức trí nghiệp. Cho nên Phật gọi là Ma-ha-diễn thừa. Nếu Thanh Văn thừa từ Ma-ha-diễn mà ra thì có lý ấy. Cho nên Bồ-tát tu học 10 địa đầy đủ tất cả các Ba-la-mật nên có thể xuất sinh thiện pháp 3 thừa. Như Kinh Thập Địa nói: “ Bồ-tát Kim Cương Tạng nói với Bồ-tát Giải Thoát Nguyệt: Phật tử ! Ví như chữ nghĩa, chữ là gốc ban đầu. Tất cả văn tự đều gốc từ chữ mà ra. Cũng như vậy, Phật tử ! Tất cả giáo pháp của Phật cũng vậy, lấy địa làm trước nhất rồi cũng từ nơi địa mà được cứu cánh thành tự nhiên trí. Cho nên nói Đại thừa là rất sâu, xuất sinh tất cả công đức Thanh Văn, chẳng phải Tiểu thừa có thể xuất sinh Đại thừa. Phật nói 10 địa giống như vàng tụ đầy đủ không mất vì sao không thụ nhận ? Như Lai dùng sức từ bi vì độn căn nên nói Thanh Văn thừa mà ông tin thụ rồi lại tự chấp trước một cách thiên lệch thụ hành pháp nhỏ không tin chính giáo Đại thừa bình đẳng. Cho nên phải biết Phật nói Đại thừa là rất cát tường tối thắng.

Hỏi: Xưa Thế Tôn nói: Sau khi ta diệt độ, đời sau có nhiều chúng sinh nổi các tranh luận đây là Phật nói đây chẳng phải Phật nói. Cho nên Như Lai dùng pháp ấn ấn chứng. Nếu nghĩa nhập Tuđa-la, tùy thuận Tì-ni, không trái pháp tướng, đó là Phật nói.

Đáp: Phật cũng không nói rằng Thanh Văn thừa chẳng phải Phật nói, cho đến Bồ-tát Đại thừa cũng như vậy Phật nói chẳng khác, vì một tướng bình đẳng dùng pháp ấn ấn chứng. Ông nói nhập là nghĩa nhập Tu-đa-la hay là văn tự nhập ? Nếu lấy văn tự cho là nhập thì không có chỗ đó. Bởi vì sao ? Mười hai bộ kinh, tất cả câu văn câu kệ các chương đều khác, cho nên phải biết chẳng phải văn tự nhập. Nếu lấy nghĩa nhập, không trái lý, nghĩa thì nếu thuận theo nghĩa Tu-đa-la, tương ưng với pháp tướng, nghĩa đó hiển hiện nên gọi là thuận theo Tu-đa-la ư ? Nếu hiển thị pháp Thanh Văn gọi là Thanh Văn thừa tùy thuận nhập Tu-đa-la. Nếu hiển thị pháp Bích-chi-phật gọi là Bích-chi-phật thừa, tùy thuận nhập Tu-đa-la. Nếu hiển thị pháp Bồ-tát gọi là Bồ-tát thừa, tùy thuận nhập Tu-đa-la. Nếu tôi hiển thị công đức 10 địa, nói rõ hạnh Bồ-tát, đó là nói chân thật tùy thuận nhập trong Đại thừa. Nhưng ý ông thiên lệch chỉ riêng nói nhập 3 tạng Tiểu thừa. Trong 3 tạng Đại thừa tôi đã nói nhập, cho nên 3 tạng tức là Đại thừa. Bởi vì sao ? Trong 12 bộ kinh, nói Tì-phật-lược tức là Đại thừa. Như Trung A-hàm nói: Sao gọi là khâu khâu ? Đó là biết pháp để khéo hiểu rõ 12 bộ kinh Tu-đa-la cho đến Ưu-bà-đề-xá. Tì-phật-lược là Ma-ha-diễn. Bởi vì sao ? Kinh Tì-phật-lược là vì các chúng sinh nói pháp tu đối trị, nên gọi là Tì-phật-lược. Cũng có thể xuất sinh vô lượng quả báo lớn, nên gọi là Tì-phật-lược. Chẳng phải đo lường có thể biết được, nên gọi là Tì-phật-lược. Đoạn trừ tất cả các tà kiến, nên gọi là Tì-phật-lược. Nếu ý ông bảo rằng trong pháp Thanh Văn của tôi rộng nói Tu-đa-la kệ tụng chương cú cũng gọi là Tì-phật-lược thì không có chỗ đó. Bởi vì sao ? Nếu dựa vào A-hàm mà nói là Tì-phật-lược thì chỉ nói ngôn ngữ. Nếu chỉ nói ngôn ngữ thì đó chẳng phải đáng tin. Nếu trong Kinh A-hàm chắc chắn có nghĩa này thì chương cú nào nói Thanh Văn là Tì-phật-lược ? Nếu không, thì biết Tì-phật-lược là hiển phát Đại thừa, chẳng phải là Thanh Văn Tiểu thừa thuyết. Trong một bộ kinh Thanh Văn của ông không có đến trăm ngàn câu kệ tán, huống chi lại có nói rộng đến ức vạn. Như Lai Thế Tôn dạy các Thanh Văn chỉ thị vô thường khiến chán sinh tử, khiến biết gốc khổ, mau cầu Niết-bàn. Từ đầu như vậy cho đến phụng hành câu nghĩa ít ỏi, không có nghĩa sâu xa rộng lớn. Kinh Đại thừa nói việc làm của Bồ-tát sâu xa rộng lớn. Như Kinh Đại Dụ, Kinh Hiền Kiếp Tam-muội, Kinh Giải Thoát, Kinh Hoa Thủ v.v… thảy đều là Ma-ha-diễn, đều gọi là Tì-phật-lược. Như trong Kinh Kết Giải Thoát, đồng tử Thiện Tài đến chỗ thiện tri thức Tì-kheo Hải Tràng, trong 12 năm nhập Đại hải tam-muội, bạch Hải Tràng rằng: Tam-muội này sâu rộng vô biên, có pháp môn nào cũng lớn như Tam-muội này chăng ? Nói xong trong Đại hải Tam-muội thấy một hoa sen lớn có Phật từ trong hoa sen xuất hiện liền dùng tay phải xoa đầu Hải Tràng khen rằng: Hay thay ! Hay thay thiện nam tử ! Có pháp môn Phổ nhãn ngươi phải thụ trì. Hải Tràng liền thụ chương cú pháp môn Phổ nhãn, tuần tự vì người giảng nói rộng rãi, bảo Thiện Tài rằng: Thiện nam tử ! Tôi trong một sát-na có thể thụ trì pháp môn Phổ nhãn, dùng nước biển lớn mài mực, giấy chất như núi Tu-di, cây cỏ trong thiên hạ đem dùng làm bút, tất cả chúng sinh dưới nước trên đất trong 3 ngàn thế giới đều là thợ viết chữ, pháp môn đã thụ trong khoảng một sát-na trăm ngàn phần cũng không thể chép hết một phần, huống chi một ngày một đêm cho đến trong 12 năm đã thụ vô lượng vô biên đại phần yếu nghĩa rất sâu. Đồng tử Thiện Tài theo nghe pháp với một thiện tri thức rồi có thể như vậy đến hơn số ức ngàn vô lượng vô biên, huống chi còn tham vấn vi trần thế giới chư Phật và thụ giáo pháp nơi thiện tri thức. Do nhân duyên ấy đầy đủ Đại thừa gọi là Tì-phật-lược. Vô lượng vô biên chẳng phải Thanh Văn, nghĩa này rất sâu cho nên pháp tu hành của tất cả Thanh Văn đều nhập vào đạo Ma-ha-diễn rất là đại cát tường. Đó gọi là tùy thuận nghĩa Tu-đa-la.

Nay sẽ nói về tùy thuận Tì-ni. Thánh đạo trong 3 thừa đều đồng đoạn tham dục sân nhuế ngu si, gọi là Tì-ni. Tu-đa-la là phân biệt nhân quả. A-tì-đàm là phân biệt pháp tướng, cũng đoạn phiền não.

Ma-ha-diễn là cũng nói đoạn trừ tham dục sân nhuế ngu si tất cả ác pháp phiền não. Phật dạy Thanh Văn làm sạch 3 nghiệp của mình gọi là Tì-ni, vì Bồ-tát nói làm sạch 3 nghiệp của mình cho đến thành Phật và cùng chúng sinh mãn túc tất cả Thi Ba-la-mật. Chỗ hành trì của Bồ-tát là tự tính giới, phát Bồ-đề tâm, được quả chân thật. Cho nên phải biết Ma-ha-diễn, là tùy thuận Tì-ni. Không trái pháp tướng, là kinh điển 3 thừa nói không trái 12 nhân duyên, Đại thừa cũng không trái 12 nhân duyên. Người khéo quán sát có thể biết Đại thừa tức 3 pháp ấn. Nếu không khéo quán sát thì không có Đại thừa, cũng không đủ 3 thừa. Nếu phỉ báng Ma-ha-diển là tội lỗi lớn. Ông nay nếu nói, đó là ma nói, Phật không nói. Nhưng trong các kinh thật không có lời này. Nếu chỉ nói miệng là Đại thừa thì đó là ma nói hoàn toàn không thể tin. Ý ông nếu bảo là Phật nói thì như trong thân sư tử sinh ra loài trùng trở lại ăn con sư tử. Ba thừa đều như vậy không riêng gì Đại thừa. Cho nên phải biết Ma-ha-diễn chỉ có Phật có thể nói, chẳng ma nào nói được.

Hỏi: Ông chẳng phải ma nói, vậy tôi là ma ư ?

Đáp: Tôi và ông đều chẳng phải ma ư ?

Hỏi: Nếu bảo tôi và ông đều chẳng phải ma nói, thì ma nói nên ngăn lại.

Đáp: Tôi, pháp Đại thừa làm lợi ích chúng sinh, thuận pháp tướng nên nhiều ma sự. Cho nên Như Lai trong Đại thừa nói là ngăn ma. Ông, pháp Tiểu thừa chỉ có thể tự độ, ma không quấy nhiễu cần gì ngăn ? Vì vậy xưa Như Lai trong Kinh Pháp Hoa và Kinh Bát-nhã nói: Trong đời sau có nhiều chúng sinh ưa khởi tật đố cho nên ngăn phỉ báng đọa nơi ác thú. Ông đọc tụng thấy trong kinh nào nói Maha-diễn là ma nói ? Nếu trong kinh của ông không nói Ma-ha-diễn là ma nói thì tự nói rằng ma nói cũng không thể tin. Ý ông nếu bảo rằng trong pháp Thanh Văn cũng có ngăn chận, có điều là sự việc chấm dứt đã lâu khó có căn cứ chứng minh được. Đó cũng không đúng. Bởi vì sao ? Vì chẳng có nơi nào cả. Nếu giả sử khiến ngăn chận, Phật dùng thần lực có thể thủ hộ pháp này trải qua kiếp số cũng không mất. Cho nên phải biết ông nói đã lâu là chỉ có lời nói. Giả sử ma nói mà có thể trừ được hoặc chướng không trái chính pháp thì tuy rằng ma nói tức là chính pháp với lời Phật không khác. Bởi vì sao ? Như Phật đã nói căn cứ vào pháp không căn cứ vào người. Do đó tôi nay chỉ theo chính lý, không chấp lấy danh tự. Lại nữa điều chúng ta cầu là có thể diệt trí chướng phiền não chướng tức là Thế Tôn. Nếu thật là ma thì hoàn toàn không thể nói pháp Bồ-tát. Bởi vì sao ? Ma không thể biết Bồ-tát từ thiền định sinh văn tư tu tuệ, chán lìa dục ác các pháp bất thiện. Đó là nghĩa Đại thừa chỉ Phật có thể nói. Từ sơ địa cho đến 10 địa như vậy tuần tự 4 thiền, 4 vô lượng tâm, 4 Vô sắc định, diệt thụ tưởng định, Bồ-đề tâm, các Ba-la-mật, pháp tùy nghi phương tiện thành thục nhiếp hóa chúng sinh, 10 thiện đạo, giới văn trí tuệ, không phóng dật, 8 pháp ly thế, 8 thánh đạo, chuyển pháp luân, kiên trì Đầu-đà đầy đủ công đức, khổ không vô thường vô ngã tịch diệt, 12 nhân duyên, xuất nhập các thiền, 3 môn giải thoát, các Đà-la-ni, pháp 37 phẩm trợ đạo, các môn thần thông, thật đế 4 biện, thiền trí 2 luân để tự trang nghiêm thảy đều hòa hợp, du hý các pháp mà ở trong sinh tử Niết-bàn, không quay lưng sinh tử nhắm hướng Niết-bàn, tâm thường chán ghét chính quán các địa, xuất ly các địa, không rơi vào Thanh Văn, Bích-chi-phật địa, thanh tịnh cõi Phật, tùy thuận pháp nhẫn, vô sinh pháp nhẫn, , bất thoái chuyển địa, thụ chính vị địa, lực, vô úy, bất cộng pháp, tướng hảo pháp thân, vì chúng sinh nên trụ nơi sinh tử, thuận chuyển, quyết định chuyển, tùy thuận không chuyển, quyết định không chuyển, như vậy tuần tự các pháp nhân quả, pháp bất cộng, pháp phi giác, ma không thể nói vì không phải cảnh giới của ma. Ma có 4 thứ. Nếu bảo ấm ma mà nói như vậy, tôi hoàn toàn không nói Phật có ấm thân. Lại nữa nếu nói thật là ma nói, nói như vậy Bồ-tát Di-lặc cũng phải ngăn chận. Lại tôn giả Tân-đầu-lô, tôn giả La-hầu-la v.v… 16 vị các đại Thanh Văn như vậy ở rải rác các châu lục, trong các kinh khác cũng nói có 99 ức đại A-la-hán đều ở trước Phật lấy thẻ hộ pháp trụ thọ nơi thế giới. Phương Đông châu Phất-bà-đề, châu mạch, châu túc, châu sư tử, châu Diêm-phù, châu Đại Diêm-phù, xứ Bạt-đề-lê-già, Kế Tân, cho đến ao lớn A-nậu, các hiền thánh đều ở giữ gìn Phật pháp. Nếu nói Ma-ha-diễn là ma nói thì Phật pháp là mối hoạn lớn, các hiền thánh đều phải ngăn chận. Cho nên phải biết rằng bảo là ma nói, đều là vọng ngữ, nói khống như thế. Lại nữa đại Bồ-tát, các hiền thánh v.v… đều hộ trì Đại thừa là Ma-ha-diễn nối tiếp dòng giống Tam Bảo không để cho tuyệt dứt.

Hỏi: Theo ông nói, nếu Ma-ha-diễn là dòng giống Tam bảo thảy đều ủng hộ Bồ-tát Thanh Văn, như nay sao không ngăn cản người phỉ báng Đại thừa cho họ không đọa địa ngục, không đến ác đạo, không hoại Phật pháp ?

Đáp: Nghiệp báo quyết định không thể đoạn trừ. Nghiệp có 2 thứ: 1. Quyết định tăng trưởng. 2. Quyết định thụ báo. Chẳng phải chư Bồ-tát Thanh Văn hiền thánh có thể trừ diệt, tạo tác ác nghiệp quyết định thụ báo không thể cứu ngăn được. Như Tì-kheo Cù-ca-li phỉ báng Kinh Ma-ha-diễn là ma nói. Phải biết người này ắt đọa địa ngục không thể cứu vớt.

Hỏi: Ông nói phỉ báng Ma-ha-diễn có thể vào ác đạo, cũng là thô ngữ, tôi chưa tin.

Đáp: Ông bảo Phật nói Ma-ha-diễn là ma nói, tức là phỉ báng Tam thế chư Phật, cũng là đại oán tất cả chúng sinh, nói lời thô độc phải chịu báo nặng ác khẩu bất thiện. Như bài kệ Phật nói:

Người sinh trong thế gian,

Như búa ở trong miệng.

Tự chém hại thân mình,

Đây đều do ác nghiệp.

Ông chống báng Ma-ha-diễn lời thô ác như vậy không phải tôi nói. Tôi nay chỉ muốn khiến ông không khởi chống báng là vì lợi ích nên nói như vậy. Giống như người bệnh ăn thứ không nên ăn, thầy thuốc xem bệnh cấm đoán không nghe vì thương xót ông vọng nói thêu dệt bảo Ma-ha-diễn là ma nói. Quá khứ chư Phật đã nói Maha-diễn, vị lai chư Phật sẽ nói Ma-ha-diễn, hiện tại chư Phật nay nói Ma-ha-diễn, đó gọi là luận ngăn cản cấm đoán phỉ báng Ma-ha-diễn. Bồ-tát vì để đoạn dứt phỉ báng Đại thừa cho nên diễn nói luận phẩm sơ nhập Ma-ha-diễn.

Hỏi: Ông đã ngăn cản người không cho phỉ báng, nay làm sao nhập vào hạnh Ma-ha-diễn ?

Đáp: Bồ-tát trước tiên phải đủ chủng tính tùy thuận thiện hạnh, hiểu biết rộng lớn, nội tâm rộng lớn, giới phận rộng lớn, chủng tính rộng lớn. Tính đã đầy đủ, tâm điều hòa nhu thuận, dần giảm tổn phiền não, ít tham sân si, thích tu các thiện, siêng năng tụng tập. Chúng sinh như vậy 6 căn rộng lớn có thể phát nguyện lớn muốn cầu Phật đạo. Chủng tính tướng căn như Phật đã nói: Hạ căn hạ tính, hạ phát đạo ý, sở nguyện cũng hạ. Trung căn trung tính, trung phát đạo ý, sở nguyện cũng trung. Thượng căn thượng tính, thượng phát đạo ý, sở nguyện cũng thượng. Cho nên chư Phật tùy theo căn tính mà dùng từ tâm phân biệt dạy dỗ.

Hỏi: Nếu các chúng sinh có các căn tính, làm sao tùy căn tính mà thuyết pháp ?

Đáp: Chúng sinh thượng căn thì nói pháp tạng sâu mầu của Bồ-tát bởi biết căn tính đủ sữc kham nhiệm hạnh Bồ-tát nên nói Bồ-tát tạng.

Hỏi: Là Bồ-tát tạng sẽ trụ ở bậc nào ?

Đáp: Có 10 thứ hạnh đến giải thoát địa. Khi có thể nghe Bồ-tát tạng sẽ được 10 thứ pháp hạnh. Rời giải thoát hạnh liền được nhập vào hạnh Bồ-tát.

Những gì là 10 ? 1. Tu giải thoát hạnh của Bồ-tát. Hoặc ít hoặc nhiều đều phải tu tập. 2. Các pháp của Bồ-tát hoặc ít hoặc nhiều đều phải ghi chép. 3. Pháp tạng của Bồ-tát hoặc ít hoặc nhiều đều phải cúng dường. 4. Pháp của Bồ-tát hoặc ít hoặc nhiều đều phải chuyển đọc. 5. Pháp của Bồ-tát hoặc ít hoặc nhiều đều phải nghe thụ. 6. Pháp của Bồ-tát hoặc ít hoặc nhiều đều phải thụ trì. 7. Pháp của Bồ-tát hoặc ít hoặc nhiều đều phải tập tụng dần dần thông lợi. 8. Pháp của Bồ-tát hoặc ít hoặc nhiều đều phải vì người phân biệt diễn nói. 9. Pháp của Bồ-tát hoặc ít hoặc nhiều đều phải tư duy hiểu rõ nghĩa lý. 10. Pháp của Bồ-tát hoặc ít hoặc nhiều đều phải một mình tư duy tu tập thêm sáng tỏ. Đó gọi là 10 hạnh của Bồ-tát. Thứ 8 là Bồ-tát văn tuệ. Thứ 9 là Bồ-tát tư tuệ. Thứ 10 là Bồ-tát tu tuệ.

Hỏi: Bồ-tát được văn tư tu này rồi nhập vào hạnh gì ?

Đáp: Để được địa của mình phải nhập giải thoát môn. Như vậy tuần tự văn tư tu sinh. Để thấy pháp giới, được địa của mình phải tu 3 môn giải thoát.

Hỏi: Những gì là 3 môn giải thoát ?

Đáp: Thực hành không, vô tướng, vô nguyện.

Hỏi: Thế nào là không ?

Đáp: Quán ngã, nhân, chúng sinh, không có tự thể, tính tướng thường vắng lặng.

Hỏi: Thế nào là hiểu rõ ?

Đáp: Phải nhập 12 nhân duyên.

Hỏi: Không giải thoát khác 12 pháp nhân duyên chăng ?

Đáp: Không với 12 nhân duyên như nhau không có tướng khác. Không tức 12 nhân duyên. Mười hai nhân duyên tức là không. Bởi vì sao ? Nhân duyên giả khởi không có tự thể. Như tôn giả Long Thụ có nói kệ:

Mười hai nhân duyên không,

Tôi nay muốn giải thuyết,

Giả gọi pháp nhân duyên,

Đây tức là trung đạo.

Tất cả các pháp thảy đều trống vắng. Bởi vì sao ? Vì đều thuộc nhân duyên không có tự tính.

Hỏi: Nếu tất cả pháp nhân duyên sinh vì sao nói không thể tính ?

Đáp: Nói nhân duyên là vì thế đế mà nói. Đệ nhất nghĩa đế thì không thể tính, cũng không có sinh. Đã không có sinh cũng không có diệt. Không sinh không diệt tức chân tịch diệt. Chân tịch diệt tức là tất cả các pháp tịch diệt. Cho nên tôi nói tất cả các pháp không có thể tính. Như trong Kinh Lão Mẫu, Thế Tôn nói: Này chị ! Ví như nhân con người, nhân cái dùi trống, nhân cái trống, các duyên hòa hợp thì có tiếng phát ra. Âm thanh như thế không tồn tại 3 đời, cũng chẳng phải trong ngoài và trung gian, tính nó trống vắng, không sinh không diệt. Nay chị phải biết thể tính tất cả các pháp cũng vậy. Trong Kinh Lão Mẫu, Phật tự nói không, cho nên Bồ-tát trong vô lượng kiếp tu tập phúc đức thiền định trí tuệ thảy đều nhập vào 3 pháp môn giải thoát, khéo quán sát sinh diệt thảy đều trống vắng giống như ảo hóa, sóng nắng, thành Càn-thát-bà, đều đồng chiêm bao ảo hóa. Như Phật nói:

Sơ giác 12 duyên,

Chúng sinh thảy đều không.

Chỉ trong khoảnh sát-na,

Huyễn, diệm, thành Càn-thát.

Như vậy tuần tự nhập không giải thoát môn, trong tâm sung sướng đạt được nghĩa lợi.

Hỏi: Ngoại đạo đều chấp ngã kiến, làm sao ngăn cản đoạn trừ ?

Đáp: Ngoại đạo như vậy đối với sắc nội ngoại đều sinh nhiễm trước, chấp ngã ngã sở, thuận dòng sinh tử. Họ chấp ngã, là cái ngã có thể thí cho vật ẩm thực, tài lợi. Như vậy các thứ y chỉ vào ngã kiến, chúng sinh kiến v.v… Ngã ngã sở của họ, là sự tạo tác của ngã, là cái bình, đồ vật của cái ngã. Những thứ như vậy gọi là y chỉ ngã sở. Họ tạo nghiệp hoặc một hoặc khác, hoặc một khác, hoặc chẳng một chẳng khác, chấp thủ thiên lệch, chỉ lấy lời nói lừa gạt mê hoặc người đời và tự thân mình. Vì nghĩa ấy nên lưu chuyển sinh tử, không hiểu nhân duyên các pháp tính không.

Hỏi: Các ngoại đạo ấy không hiểu nhân duyên nên khởi 4 chấp. Những gì là lỗi ?

Đáp: Tăng-khư nói: Có lỗi chấp một: Tác với tác giả là một, tướng với tướng giả là một, phần với hữu phần là một. các thứ như vậy v.v… đều gọi là một. Ưu-lâu-khư chấp khác. Ni-kiền-đà chấp một khác. Nhã-đề tử chấp chẳng phải một chẳng phải khác. Tất cả ngoại đạo và Ma-tha-la v.v… chấp khác nhau, đều không ra ngoài 4 thứ như vậy.

Hỏi: Người của phái Tăng-khư nói tác với tác giả là một có lỗi gì ?

Đáp: Nói có 2 nên không thể bảo là một. Tác là nhân, tác giả là quả. Sự việc không đồng nhau sao nói là một. Đó tức là điên đảo. Bởi vì sao ? Vì lấy tác giả tức là tác. Tác với tác giả trước sau khác thời sao nói là một ?

Hỏi: Trước sau một công dụng, như gieo mầm giống, thời gian tuy có trước sau nhưng tương tự liên tục cho nên gọi là một.

Đáp: Đây cũng có lỗi. Nếu tác ở trước, tác giả ở sau, sinh chưa sinh khác, làm sao là một ? Ví như có cái bình không thể cùng được. Như sừng con bò không nhân sinh nhau. Tác và tác giả cũng như vậy. Lại nữa, sở dĩ tác với tác giả không được là một, thanh khác, nghĩa khác,nhân duyên khác, thời gian khác, chữ khác, thể khác, nếu như vậy tức có nhiều lỗi. Nếu chỉ là một, không nên có 2 tên. Vì thanh, nghĩa, thể, tướng trước sau khác nhau không được là một. Nếu tác với tác giả là một, như lấy đất bùn, thợ làm gốm, bánh xe, dây thừng, bơ sữa v.v… các vật đều được. Vì không thể được nên phải biết không phải một. Như ngã và tâm không được là một. Nếu là một, thì tâm vô thường nên ngã cũng phải vô thường. Vì nghĩa đó nên tác với tác giả, tướng với tướng giả, lượng với lượng giả, phần với phần giả đều bị phá. Có một cái bình v.v… cũng phải phá ngăn. Như sắc với bình là một, và lông trắng lá xanh, dài ngắn, vuông tròn những vật làm ra như vậy đều phải ngăn.

Hỏi: Tì-xá sư chấp khác, có lỗi gì ?

Đáp: Nếu tác với tác giả khác cũng có lỗi lớn.

Hỏi: Xin nói cho biết lỗi như thế nào ?

Đáp: Nếu cái bình với bùn khác, khi làm cái bình nên dùng dây sợi, làm nĩ làm dạ nên dùng bùn. Vì làm bình không dùng sợi nên phải biết là không khác. Lại nữa, khối bùn do vi trần làm thành, cái bình do khối bùn làm thành. Nếu cái bình khác khối bùn thì cái bình là vô thể. Khối bùn thành cái bình nên không được là khác. Khối bùn đối với vi trần là tác giả, đối với cái bình là tác. Nếu tác với tác giả khác, bùn với vi trần, cái bình chỉ là khác tên, không nên có 2. Vì vậy tác với tác giả không được là khác. Nhân sợi thành nĩ dạ, nhân lác cói thành chiếu cũng đều nói như vậy. Lại nữa nếu có một bình khác thì tất cả pháp hoại. Bởi vì sao ? Nếu có một chẳng phải bình, lìa phải có bình. Nếu có một là bình thì là nhiều bình. Có một chẳng phải nên khác cũng chẳng phải, thế là không bình. Vì ý nghĩa đó, ông chấp khác tức hoại tất cả pháp.

Hỏi: Nói như vậy chẳng phải hoại tất cả pháp. Bởi vì sao ? Có một dựa vào bình thành lập cho nên có một bình đều thành.

Đáp: Nếu có một hợp với bình, có một phải là bình. Nếu bình hợp với có một, bình cũng phải gọi là có một. Bởi hợp với có một cho nên không được khác.

Lại nữa, có một khác thì như nĩ dạ trắng , đây cũng có lỗi. Bởi vì sao ? Trắng là không phải nĩ, nĩ cũng chẳng phải trắng. Trắng với nĩ khác. Các vật khác cũng vậy. Như khi đốt nĩ, trắng không nên đốt. Nếu khi đốt nĩ, trắng cũng đốt thì không được là khác. Nay ông nói vật khác là tướng khác, điều đó không đúng. Ông trước nói 6 việc đều khác, thế thì nên ngăn.

Hỏi: Ni-kiện-đà trước nói một khác, có lỗi gì ?

Đáp: Ông nói một khác, là hoặc nói tác lấy tác với tác giả làm một, hoặc nói tác với tác giả là khác. Đó cũng có nhiều lỗi.

Hỏi: Có những lỗi gì ?

Đáp: Nếu tác tức là tác giả thì sự không thành. Nếu tác với tác giả khác sự cũng không thành. Bởi vì sao ? Nhân quả đều khác. Một thì thế nào ? Vì các duyên thành quả nên không được là khác. Tác tướng tác giả tướng cũng đều như vậy.

Hỏi: Như phá tướng cái bình mà thể không phá. Vì thể không phá nên cũng được là khác. Bởi thấy thể tồn tại mà tướng phá, cho nên nếu khi phá cái bình vốn thành thể không, không được là khác.

Đáp: Nếu nói một, đồng Tăng-khư phá. Nếu nói khác, đồng Tìxứ sư phá. Như lá xanh, nĩ trắng cũng đều phá.

Hỏi: Nhã-đề tử chấp chẳng một chẳng khác có lỗi như thế nào ?

Đáp: Ba trường hợp trước mỗi trường hợp đều có sở chấp. Ông nói chẳng phải một thì phải là khác. Nếu nói không khác, tức phải là một. Sở chấp thế nào mà nói chẳng một chẳng khác ? Nếu không sở chấp mà vọng có sở thuyết tức hoại pháp tướng.

Hỏi: Ông nói Đại thừa cũng không có sở chấp, là ông cũng hoại tất cả pháp tướng.

Đáp: Sở chấp của tôi thế gian hiện thấy. Đó là pháp nhân duyên.

Sở thuyết của ông chỉ là điên đảo không thuận pháp tướng.

Hỏi: Pháp tướng là cái gì mà nói tôi hoại pháp tướng ?

Đáp: Vô thể tướng tức là thể tướng.

Hỏi: Sao vô thể tướng là thể tướng ?

Đáp: Không, gọi là tướng vô thể.

Hỏi: Sao gọi là không ? Là không hữu vi hay là không vô vi ?

Đáp: Tôi không lấy nghĩa hữu, nên gọi là không. Cũng không lấy nghĩa vô, nên gọi là không. Bởi lìa hữu vô nên gọi là không. Như tôn giả Long Thụ có nói kệ:

Chấp hữu gọi là thường,

Chấp vô tức là đoạn.

Nếu lìa hết hữu vô,

Tức là chân thật không.

Lại nữa trong Trung Luận, Long Thụ có nói kệ:

Chấp hữu, thủ thể tướng.

Chấp vô, chấp vô thể.

Không ở nơi hữu vô,

Tức là chân thật quán.

Vì vậy lìa hữu vô gọi là không, lìa đoạn thường gọi là trung đạo. Nếu có thể giác ngộ pháp tướng như vậy nên gọi là Phật. Cho nên nghĩa của 12 nhân duyên gọi đó là không.

Hỏi: Mười hai nhân duyên lấy gì chứng minh biết là không ?

Đáp: Ví như cái bình, đất bùn, bánh xe, sợi và thợ làm gốm, các duyên hòa hợp sau mới thành cái bình, không phải cục bùn là cái bình, cũng không phải lìa cục bùn mà có cái bình. Chỉ là giả danh nói cái bình, thuộc các nhân duyên không có thể tướng. Không thể tướng nên không sinh, không sinh nên thể tướng vắng lặng. Nhân duyên tạo thành cho nên vô thể. Nếu các pháp có tự thể cố định không nhờ nhân duyên là điều không thể có. Bởi không có tự tướng nên không có cái bình. Cái bình không, nên tất cả các pháp cũng không. Như tôn giả Đề-bà có kệ rằng:

Một pháp nếu hữu thể,

Các pháp cũng như vậy.

Tất cả pháp vốn không,

Nhân duyên thảy đều không.

Chân thật quán một pháp,

Các pháp không hai tướng.

Hiểu rõ chân lý không,

Thì thấy tất cả không.

Hỏi: Pháp nhân duyên sinh tức là thể tướng ?

Đáp: Việc đó không đúng. Bởi vì sao ? Dù có thể tướng, dù không có thể tướng, chẳng phải điều ông có thể đạt tới. Như chỗ ông nói, lấy nhân duyên làm thể tướng thì nhân duyên là từ cái khác sinh làm sao có thể ? Nói thể tướng là tự tính khởi không thuộc nhân duyên. Nếu thuộc nhân duyên tức không tự tính. Ví như vay mượn không phải tự có. Cho nên nhân duyên là mượn cái khác làm thành không có tự thể. Như tôn giả Long Thụ có nói kệ rằng:

Pháp nhân duyên sở sinh,

Tức là không tự tính.

Nếu là không tự tính,

Làm sao có thể tướng ?

Hỏi: Thể tướng các pháp thế gian hiện trông thấy sao nói là không ?

Đáp: Việc đó không đúng. Cái kẻ phàm ngu vọng thấy không thể tin. Pháp sinh diệt hoàn toàn là không. Sinh diệt trôi qua rất nhanh không lúc nào tạm dừng tương tự như liên tục vọng thấy là thật. Giống như ngọn đèn từng mỗi niệm mỗi niệm sinh diệt, người phàm ngu gọi là một ngọn đèn. Cũng như dòng nước chảy nhanh, bóng, vang, ảo hóa, sóng nắng, như Phật nói ảo hóa và trò ảo hóa đều không có mà chỉ vọng thấy gọi đó là thật. Nếu là thật thì ngạ quỷ sẽ không thấy nước là lửa, cát đá máu mủ các chúng sinh do thiện ác tùy theo nghiệp mà thấy. Nếu có chúng sinh lợi căn tịnh tâm thì có thể thấy không. Dạ-xoa ngạ quỷ xa thấy nước gần thấy lửa liền sinh nghi hoặc. Nếu vật có thật không nên có 2 cái thấy khác nhau. Bởi có 2 cái thấy nên biết chẳng phải thật, chỉ là vọng thấy. Phải biết tất cả các pháp đều không thể tướng. Vì không thể tướng nên đều không sinh diệt.

Hỏi: Nếu tất cả pháp không sinh không diệt sao có lỗi đến đi chấp đoạn chấp thường ?

Đáp: Do thấy chủng tử liền chấp đến đi. Nếu được pháp không tức lìa đoạn thường. Như nhân hạt giống có mầm cọng nhánh lá hoa quả, tuần tự mà thấy mầm sinh nên hạt diệt … liên tục không dứt cho đến quả sinh nên hoa diệt, cũng là lỗi vô thường. Như tôn giả Đề-bà có kệ nói rằng:

Các pháp liên tục có,

Thì chẳng phải đoạn diệt.

Nhân diệt nên quả sinh,

Không được gọi là thường.

Vì vậy thấy nhân duyên không, tức lìa đoạn thường.

Hỏi: Si nhân duyên hành, làm sao lìa được đoạn thường ?

Đáp: Vì nhân vô minh nên có hành thiện ác, cho đến nhân sinh nên có lão tử. Phàm phu không rõ nhân duyên liên tục vọng chấp là thật. Vô minh thể không, nên hành cũng thể không, cho đến sinh thể không, nên lão tử thể không. Bởi thế gian giả danh có liên tục nên không có lỗi đoạn diệt, niệm niệm không dừng trụ không có lỗi thường. Do chúng sinh phàm phu chết đây sinh kia, chỉ lấy giả danh của thế đế nói nên thức là chủng tử, hành nghiệp là ruộng, lấp bằng đất mạn, bón phân bằng vô minh, tưới bằng nước ái. Tinh khí cha mẹ, các duyên hòa hợp sinh mầm danh sắc. Cho nên danh sắc không có tự thể. Giống như cái chân giường nhờ nhau mà dùng. Ban đầu là Ca-la-la, hai là An-phù-đà, ba là cục thịt, bốn là cứng chắc, năm là các tế bào trương lớn, sáu là xúc lần lượt sinh pháp, nương nhau mà có không gọi là đoạn. Bồ-tát khéo hiểu rõ pháp nhân duyên nên biết là không. Vì nhân duyên không nên tất cả pháp không, hiểu pháp không, nên không có lỗi đoạn thường. Như trong Kinh Xuất Thai, Phật có nói bài kệ rằng:

Tùy mượn danh tự,

Mà được các pháp.

Trong danh không pháp,

Tức là chân thật.

Vì vậy phi ngôn thuyết nên có pháp. Nếu tùy theo danh tự có các pháp thì pháp có nhiều thể. Giống như pháp không, không một không nhiều.

Hỏi: Nếu tất cả pháp là vô thể thì lời ông nói có lỗi vì hiện thấy có.

Đáp: Nếu pháp là có, nói không thì lỗi. Pháp đã chẳng phải có làm sao nói lỗi ? Vì vậy các pháp như lúc đầu sau cũng vậy. Nếu các pháp nhất định có thể tướng, sau khi Niết-bàn phải là đoạn diệt. Nếu trước chẳng phải là không, sau nói không tức là tà kiến, phá hoại chính pháp, cũng không giải thoát. Như tôn giả Đề-bà có nói kệ rằng:

Chẳng không mà thấy không,

Ta phải được Niết-bàn.

Tà kiến phi Niết-bàn,

Đó là Như Lai nói.

Các pháp vốn không, nên hằng thấy là không. Như quá khứ Phật thấy tướng không, nay cũng vậy. Cho nên tôi nói pháp nhân duyên không, tức là không có lỗi. Như vậy trước lập đệ nhất nghĩa đế, sau phân biệt thế đế, ta và chúng sinh, tác với tác giả cho đến một khác tức không có lỗi. Như tôn giả Long Thụ có nói kệ rằng:

Không nói phân biệt đế,

Không được nơi thật đế.

Nếu không được thật đế,

Thì không được Niết-bàn.

Lại nói kệ rằng:

Chư Phật diễn thuyết pháp,

Thường y nơi hai đế.

Phân biệt nơi thế đế,

Và với đệ nhất nghĩa.

Nếu không thể phân biệt,

Chân tục hai thánh đế.

Như vậy là không biết

Phật pháp nghĩa rất sâu.

Cho nên nhân duyên pháp không, gọi là chân như. Thật tế pháp tính tức là tu tập đệ nhất nghĩa thiền. Thấy nhân duyên không, tức không giải thoát môn. Nếu thấy không, tức không thấy tướng các pháp. Đó gọi là vô tướng giải thoát môn. Thấy vô tướng nên không cầu sở nguyện. Đó gọi là vô nguyện giải thoát môn. An trụ ba môn giải thoát như vậy, chủng tử của thức trong ba cõi sẽ không sinh mầm danh sắc v.v… Thức không thủ trước, diệt khổ ba hữu. Ba hữu diệt nên được Niết-bàn tịch diệt. Như tôn giả Đề-bà có nói kệ rằng:

Thức là nghĩa chủng tử,

Du hành trong sáu xứ.

Nếu thấy các trần không,

Có mầm thì đoạn diệt.

Hỏi: Bồ-tát độ không, ra khỏi sinh tử, sao có thể hơn Thanh Văn được ?

Đáp: Bồ-tát được lợi thế gian, lợi xuất thế gian, độ nhĩ diệm địa, cho nên tuy xuất thế gian có thể trụ thế gian giáo hóa chúng sinh. Thanh Văn không như vậy, sợ sinh tử, cầu mau diệt độ để ra khỏi thế gian, thấy ở trong pháp giới, thấy pháp giới rồi đến bờ Niết-bàn. Bồ-tát không như vậy. Bởi vì sao ? Bồ-tát thấy chúng sinh khổ khởi tâm đại bi, vì muốn độ chúng kiên trụ trang nghiêm, trong a-tăng-kì kiếp tu hành xuất thế gian đạo, trong khoảnh khắc một niệm quán tất cả pháp giới, quán pháp giới rồi duyên chúng sinh nên không thủ quả chứng mới có thể độ thoát. Như Phật nói trong Kinh A Nậu Đại Trì: Ví như có hai người rơi từ đỉnh núi, một người có sức mạnh lại có phương tiện nhờ phương tiện khéo léo nên tuy rơi lại đứng dậy được lên đỉnh núi. Một người thiếu sức lại không phương tiện ở núi rơi không dứng dậy được. Bồ-tát trong pháp vô vi không chứng không đắm trước, như người có phương tiện tốt được lên đỉnh núi. Người Thanh Văn vì chứng mà đắm trước vô vi, như người thiếu phương tiện rơi mà không đứng dậy. Như người trưởng giả chỉ có một người con vì nghèo đói đi đến một xứ xa trải qua vài mươi năm. Về sau người trưởng giả ở một thành phố lớn nhà rất giàu có chứa nhiều châu báu, dần dần được sức làm mướn trở về nước cũ. Bồ-tát có vô lượng vô biên a-tăng-kì công đức đến bậc nhĩ-diệm hướng đến Niết-bàn, vì thương chúng sinh trở lại vào sinh tử trong a-tăng-kì kiếp chịu cần khổ lâu dài. Bồ-tát Ma-ha-tát thừa, đại khổ thừa, cầu vô thượng thừa không thể nghĩ bàn, vượt quá tất cả Thanh Văn Bích-chi-phật đầy đủ tất cả công đức trí tuệ. Cho nên siêu việt bậc nhĩ-diệm.

Sao gọi Bồ-tát thừa là đại khổ thừa ?

Ví như có người đi thuyền vào biển gặp cơn gió dữ mạnh sóng nổi như núi, gặp vô lượng tai nạn như vậy, những người đi thuyền rất hoảng sợ. Bấy giờ thuyền trưởng là người phúc đức khéo léo giữ buồm đưa mọi người qua khỏi cơn tai nạn thu hoạch được nhiểu trân bảo. Bồ-tát Ma-ha-tát ở trong biển sinh tử cũng như vậy, bị các ác tri thức không tin làm cho hướng đến đường ác, trong kiếp a-tăng-kì thứ nhất tu trị tịnh địa hạnh, cầu tịnh giải thoát, kiếp a-tăng-kì thứ hai tu tịnh thiền định hạnh, kiếp a-tăng-kì thứ ba tu tịnh trí tuệ hạnh, trừ chướng bậc nhĩ-diệm. Cho nên Bồ-tát thừa gọi là khổ thừa, đầy đủ mười bậc được không nghi không chướng, đầy đủ các hạnh, được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Cho nên do trí nhĩ-diệm được thành quả lớn.

QUYỂN THƯỢNG HẾT

Pages: 1 2