LUẬN ĐẠI THỪA PHÁP GIỚI VÔ PHÂN BIỆT
(Cũng có một tên là LUẬN NHƯ LAI TẠNG)
Bồ-tát Kiên Tuệ tạo luận
Tam tạng Đề-vân Bát-nhã dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt
Pháp giới không sinh cũng không diệt,
Không già bệnh chết không uẩn lỗi,
Do kia phát thắng tâm Bồ-đề,
Cho nên nay tôi cung kính lễ.
Hữu tình tâm Bồ-đề đầy đủ,
Năng sinh thánh giả và tự nhiên.
Tất cả thiện pháp nơi sở y,
Giống như đất, biển và chủng tử.
Chủng tử hàm chứa trong thai mẹ,
Cũng như được vú nuôi chăm sóc.
Tín tâm thắng trí gốc Bồ-đề,
Đại định đại bi thường nuôi nấng.
Tính tịnh giác tâm không cấu uế
Giống như lửa báu thái hư không.
Như Tô-mê-lô hơn các núi,
Nơi tất cả bạch pháp báu sinh.
Tham sân si thảy đều dứt hết
Không bị lỗi phiền não lôi kéo.
Kỹ năng hơn cát sông Khắc-già,
Muôn pháp viên mãn ánh sáng thấu.
Ngã tịnh lạc thường Ba-la-mật,
Được thành ứng cúng 10 phương tôn.
Khi nhân tức là tâm Bồ-đề,
Quả mãn đức viên là chính giác.
Thể kia năng hàm tướng pháp giới,
Trí sáng thấu triệt không tì vết.
Tâm Bồ-đề pháp không nghĩ bàn,
Chư Phật Như Lai đều tán thán.
Vô thủy đến nay chẳng tạo tác
Không có chất ngại cũng không cùng.
Bởi không vô tướng, tuệ hiểu rõ,
Cảnh giới của chư Phật Như Lai.
Tính kia tất cả pháp sở y,
Xa lìa đoạn thường 2 kiến chấp.
Pháp thân cùng với chúng sinh giới.
Cho nên Phật nói vốn không khác.
Bất tịnh cùng với tịnh phi tịnh,
Cực tịnh tuần tự cần phải biết.
Trước là chúng sinh, tiếp Bồ-tát,
Sau cùng Như Lai cực thanh tịnh.
Trần cấu nhiễm ô tính không sáng,
Ví như mây đặc phủ trời trong.
Phiền não lưới mây đều giải thoát.
Mặt trời chiếu sáng khắp hư không.
Lửa kiếp hừng hực nơi không trung,
Thái hư vốn không bị thiêu đốt.
Cũng vậy pháp tính không bị đốt,
Lửa già bệnh chết không thể hoại.
Tất cả thế gian pháp sinh diệt
Thảy đều không lìa nơi hư không.
Cũng vậy trong pháp giới vô vi,
Các căn nương đây mà sinh diệt.
Như đèn sáng nóng hòa hợp nhau,
Lìa 3 pháp này đèn không có.
Cũng vậy Phật pháp cùng với thể,
Lìa pháp này ra không thể khác.
Khách trần phiền não tính phi hữu,
Với tịnh thể kia trước lìa nhau.
Bất không, vô cấu pháp tương ưng,
Không có đoạn thoát thường tùy chuyển.
Hoa sen nở rồi bị lá che,
Như vàng tính sạch rơi chỗ bẩn,
Cũng như trăng tròn bị nguyệt thực,
Không chiếu thế gian phiền não che.
Như nước ao trong hoa đẹp nở,
Núi vàng bụi đất không làm bẩn,
Như đêm quang đãng trăng sao sáng,
Hiểu tuệ viên mãn cấu uế trừ.
Như mặt trời sáng chiếu thế gian
Muôn ngàn ánh sáng chiếu khắp giáp.
Như đất như biển ngũ đầy cốc, báu,
Được thoát sinh tử dưỡng chúng sinh.
Thường nơi sinh tử phát trí bi,
Thường, vô thường, đều không trụ trước.
Thiền định tổng trì nước thanh tịnh,
Mây Mâu-ni vương là nhân tốt.
Đây tức pháp thân là Như Lai,
Cũng gọi thánh đế chân viên tịch.
Như nước với lạnh không lìa nhau,
Phật quả Niết-bàn cũng như vậy.
Luận còn có tụng nói:
Quả nhân và tự tính,
Khác tên và sai biệt.
Tướng khác tính không nhiễm,
Cũng nói thường hòa hợp.
Nghĩa hữu, vô, một tính,
Lược nói có 12.
Gọi là tâm Bồ-đề,
Tuần tự cần phải biết.
Giải thích: Đây là luận thể.
Trong đây trước nói về quả của tâm Bồ-đề. Tiếp nói đến công năng. Từ nhân kia khởi, nhân đã khởi rồi tức tự tính thi thiết, tướng mạo, dị danh, sai biệt tùy chỗ thụ thân không bị nhiễm ô, cho nên nói là thường hòa hợp. Không tương ưng với thiện pháp khác, trụ trong phiền não, gọi là vô nghĩa. Ra khỏi ràng buộc, thanh tịnh gọi là hữu nghĩa, cũng gọi là một tính. Đều là Niết-bàn nên phải biết tuần tự 12 nghĩa.
Trong đây cái gì là quả của tâm Bồ-đề? Là nói Niết-bàn tịch diệt của chư Phật, không phải gì khác. Bởi vì sao? Vì tất cả tập khí vi tế đã dứt trừ. Nói không sinh, là ý thành các uẩn vốn không sinh. Nói không già, là công năng của tịch diệt tăng trưởng thù thắng đến cùng tột giới hạn. Nói không bệnh, là vì đều vĩnh viễn đoạn trừ tất cả tập chướng phiền não và sở tri chướng. Nói không chết, là vì hết cái biến dịch vô chung không nghĩ bàn. Nói không uẩn, là vì đã đoạn hết vô minh trụ địa từ vô thủy. Nói không lỗi, là vì tất cả thân khẩu ý nghiệp không lỗi lầm, vì cũng có thể siêu quá tất cả các công năng.
Kia do đâu được từ tâm Bồ-đề phương tiện tối thắng không thoái mất nhân mà có thể chứng đắc quả Niết-bàn? Niết-bàn giới là gì? Pháp thân chuyển y của tính pháp giới không thể nghĩ bàn của chư Phật là Niết-bàn giới. Cho nên nay tôi đảnh lễ tâm Bồ-đề không thể nghĩ bàn kia. Nhân quả tăng trưởng dần dần, sáng như trăng mới lên.
Lại nữa chủng tử của tâm Bồ-đề, là chỗ sở y trụ xứ sinh các hạt giống thiện pháp của tất cả thế gian, như đại địa vậy, là nơi xuất xứ tất cả pháp bảo của thánh giả , như biển cả vậy. Vì như chủng tử làm nhân tuần tự cho cây đạo thụ của tất cả chư Phật từ đó sinh. Đó là quả của tâm Bồ-đề.
Lại nữa làm sao biết được tương ưng với nhân kia? Như con của Chuyển luân vương. Nói tịnh tín, tức chủng tử của tâm Bồ-đề. Nói thắng trí, tức Bát-nhã tối thắng có thể hiểu rõ tất cả, gọi đó là mẹ. Tam-ma-địa, là lấy định làm bào thai. Tất cả thiện pháp an trụ trong đó, an lạc làm thể. Nói đại bi, là vì khởi đại bi đối với các chúng sinh, ở trong sinh tử không biết mỏi mệt và có thể viên mãn nhất thiết chủng trí. Trưởng dưỡng tâm Bồ-đề vì làm mẹ nuôi. Lại nữa nhân kia hòa hợp với tâm Bồ-đề phải biết có 2. Những gì là 2? Một là tướng phiền não làm nhiễm ô. Hai là tướng bạch pháp của tự tính. Trong đó nhiễm là cái tâm tự tính thanh tịnh thường kia không nhiễm, mà bị khách trần phiền não che chướng nhiễm ô. Giống như lửa, tự tính thanh tịnh bị tro bụi mây v.v… che chướng. Ví như lửa với ngọc báu, hư không và nước, tự tính không nhiễm. Nếu rời bỏ bụi tro, tự tính lửa được thanh tịnh.Tất cả chúng sinh cũng như vậy. Cái tâm tự tính đều đồng thanh tịnh. Vì tham v.v… các phiền não làm nhiễm ô. Nếu lìa tham v.v… thì tâm được thanh tịnh. Lại nữa làm sao biết tướng của bạch pháp cũng đều thanh tịnh? Tự tính thanh tịnh là chỗ y chỉ của tất cả bạch pháp, tất cả bạch pháp cũng từ đó sinh. Như núi Tômê-lô xuất sinh các báu, tâm Bồ-đề cũng vậy tất cả kỹ nghệ đều được viên mãn, đạt được 4 thứ đại Ba-la-mật-đa, cho nên nói là pháp thân Như Lai. Như trong kinh nói: Thế Tôn ! Pháp thân Như Lai là thường Ba-la-mật, lạc Ba-la-mật, ngã Ba-la-mật, tịnh Ba-la-mật. Pháp thân Như Lai kia bị phiền não tùy phiền não nhiễm ô. Tâm tự tính thanh tịnh là nói tên khác. Như trong kinh nói: Xá-lợi-phất ! Thiện pháp này là pháp thể, tương ưng với tâm tự tính thanh tịnh của pháp giới chân như như thật. Ta y nơi tâm tự tính thanh tịnh này vì chúng sinh mà nói là không thể nghĩ bàn.
Lại nữa tâm kia trong tất cả chúng sinh có tướng 10 sự không sai biệt. Đó là không làm, vô thủy, không sinh, vô chung, không diệt, vô ngại, tự tính sáng suốt, dùng không trí biết tất cả pháp là một vị, tướng cũng vô tính. Vô tính tức vô tướng vì lìa cảnh giới các căn, vì là cảnh giới chư Phật mà các thánh giả hành, xa lìa nơi đoạn vì bạch pháp không đoạn.
Đây lại lược có 3 tướng sai biệt. Nói bất tịnh, tức là ban đầu nói là chúng sinh giới. Tịnh bất tịnh, tức tiếp thuyết minh là Bồ-tát. Cực thanh tịnh, là nói Như Lai. Như kinh có nói: Xá-lợi-phất ! Tức pháp giới này quá hơn số cát sông Hằng vô biên vỏ phiền não bao bọc từ vô thủy đến nay thường bị trôi nổi theo sóng sinh tử hằng qua lại trong dòng sinh diệt, đó gọi là chúng sinh. Xá-lợi-phất ! Tức vô biên pháp giới này chán lìa sinh tử không trụ Niết-bàn, tất cả ở trong cõi Dục hành 10 Ba-la-mật, nhiếp giữ 8 vạn 4 ngàn pháp môn khi tu hành Bồ-đề, thì gọi là Bồ-tát. Xá-lợi-phất ! Tức pháp giới này giải thoát tất cả câu-chi phiền não, vượt qua tất cả khổ, xa lìa tất cả trói buộc nhơ bẩn của phiền não tùy miên, chứng đắc thanh tịnh, trụ trong pháp tính tối cực thanh tịnh, được tất cả chúng sinh chiêm ngưỡng, trụ ở bậc nhất thiết nhĩ diệm, được thế lực lớn không chướng không trước, trong tất cả pháp được sức tự tại, gọi là Như Lai ứng chính đẳng giác. Cho nên, Xá-lợi-phất ! Không có chúng sinh giới riêng biệt, không có pháp thân riêng biệt. Chúng sinh giới tức pháp thân.
Pháp thân tức chúng sinh giới. Đây văn tự sai biệt nhưng không có 2 nghĩa.
Đây là thế nào? Trong khi bất tịnh bị phiền não nhiễm, giống như mây đặc che khuất mặt trời sáng đẹp. Tâm tự tính thanh tịnh không có nhiễm, khách trần phiền não đã khiển trừ rồi thì vầng mặt trời sáng chiếu đầy hư không. Đã có sinh già bệnh chết sao nói tính này là thường? Ví như kiếp hỏa thiêu đốt thái hư không. Cõi hư không là vô vi vốn không có tướng thiêu đốt. Pháp giới vô vi cũng như vậy. Lửa già bệnh chết không thể thiêu đốt hoại diệt được. Cho nên kinh nói: Thế Tôn ! Ngôn thuyết thế gian nói có chết có sinh, chẳng phải Như Lai tạng có sinh có chết. Thế Tôn ! Chết là các căn cũ hư hoại. Sinh là các căn mới khởi lên. Thế Tôn ! Như Lai tạng lìa tướng cảnh giới hữu vi thường trụ vắng lặng.
Tính của tạng này đã thường trụ không biến đổi chưa thể phát khởi làm sao được tương ưng với Phật pháp?
Giống như đèn sáng với sắc nóng không có tướng riêng khác. Pháp với pháp thân cũng vậy. Như Phật nói: Xá-lợi-phất ! Ví như đèn không có 2 pháp công năng không khác là vì ánh sáng và sắc nóng không tách rời nhau. Hoặc như ánh sáng và hình sắc của ngọc báu. Cũng như vậy đó, Xá-lợi-phất ! Như Lai nói pháp thân không tách rời pháp, trí tuệ và công năng của pháp của Như Lai quá hơn cát sông Hằng. Như nói: Thế Tôn ! Có 2 thứ Như Lai tạng không bất không trí. Những gì là 2? Thế Tôn ! Nói không Như Lai tạng với cái vỏ phiền não hòa hợp không chia biệt không rõ giải thoát. Bất không, là thành tựu Phật pháp không thể nghĩ bàn, quá hơn cát sông Hằng không lìa không thoát không khác, là nói pháp thân Như Lai.
Vì sao pháp thân viên mãn vạn đức, đầy đủ công đức, chúng sinh nhân đâu không được giải thoát?
Ví như hoa sen bị các lá của lưới tà kiến bao che. Cũng như vàng ròng rơi trong ô uế bất tịnh của nghi hoặc. Cũng như mặt trăng tròn đầy bị La-hầu của ngã mạn thôn tính. Như nước ao trong bị đục bởi bụi nhơ tham dục. Như núi vàng kia bị nhiễm bẩn bởi bùn của sân nhuế. Như thái hư không bị che khắp bởi mây ngu si. Như mặt trời chưa mọc vì vô minh trụ địa chướng ngại nên trụ trong 6 chỗ đại uẩn thai tạng. Như tướng khí thế gian chưa thành. Như vậy không có mưa duyên chưa hợp.
Hoa sen, vàng, trăng tròn,
Nước ao, núi vàng, không,
Như mặt trời, đất, mây,
Phật tính khách trần nhiễm,
Phiền não che công năng,
Phật sự không do đâu làm.
Lược nói 9 ví dụ,
Nhiễm tịnh cần phải biết.
Do đó pháp thân Như Lai cũng như vậy. Lìa tất cả khách trần phiền não, hết chướng thì tự tính công năng đầy đủ được thành ứng cúng, tất cả chúng sinh đồng chung thụ dụng, chứng được Niết-bàn giới thường trụ tịch tĩnh thanh lương không thể nghĩ bàn. Nói Như Lai ứng chính đẳng giác chẳng phải khác pháp thân Như Lai, ngoài riêng có Niết-bàn. Lại như nói khi chúng sinh giới được thanh tịnh thì phải biết đó là pháp thân. Pháp thân tức Niết-bàn giới. Niết-bàn tức là Như Lai. Như trong kinh nói: Thế Tôn ! Vô thượng chính đẳng giác tức là Niết-bàn. Thế Tôn ! Niết-bàn giới tức là pháp thân Như Lai. Thế Tôn ! Ngoài pháp thân không riêng có Như Lai. Thế Tôn ! Như Lai tức là pháp thân. Đây tức không có khác, tức là khổ diệt v.v… Cho nên kinh nói: Thế Tôn ! Chẳng phỉ hoại pháp nên gọi là khổ diệt. Nhưng khổ diệt, là vô thủy, vô tác, vô sinh, vô khởi, vô diệt, vô tận, ly tận, thường trụ, bất động, tịch tĩnh, tự tính thanh tịnh, phá tất cả cái vỏ phiền não, là đầy đủ Phật pháp không thể nghĩ bàn quá hơn cát sông Hằng không lìa không thoát, gọi là pháp thân Như Lai. Thế Tôn ! Đó là Như Lai tạng. Chưa thoát cái vỏ phiền não gọi là Như Lai tạng. Thế Tôn ! Như Lai tạng là không trí của chư Như Lai. Thế Tôn ! Như Lai tạng tất cả Thanh Văn Duyên Giác không thể thấy, trước chưa từng thấy, xưa chưa từng chứng đắc. Chỉ có Như Lai chứng đắc và phá tất cả cái vỏ phiền não, tu tập tất cả đạo diệt khổ. Cho nên như nước với lạnh, tính giác với Niết-bàn không 2 không riêng biệt. Hoặc nói nhất thừa tính dục, hoặc không Niết-bàn. Lại nói đồng một pháp giới , hoặc tiểu Niết-bàn, hoặc trung Niết-bàn, hoặc đại Niết-bàn là không phải vậy. Trong nhân hạ trung thượng chuyển quả phải là một. Nhân đã sai biệt quả cũng sai biệt. Cho nên nói: Thế Tôn ! Không có hạ trung thượng được Niết-bàn. Thế Tôn ! Pháp bình đẳng, trí bình đẳng, giải thoát bình đẳng, giải thoát tri kiến chứng được Niết-bàn. Cho nên Thế Tôn ! Niết-bàn giới là một vị, là vị bình đẳng. Đó gọi là hiểu rõ vị giải thoát./.
HẾT