LUẬN ĐẠI THỪA PHÁP GIỚI VÔ SAI BIỆT
Bồ-tát Kiên Huệ tạo luận
Tam tạng Đề-vân Bát-nhã v.v… dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

Kính lễ tâm Bồ-đề,

Hay làm phương tiện tốt

Lìa được sinh già chêt

Bệnh khổ do lỗi lầm.

Tâm Bồ-đề lược nói có 12 nghĩa. Đó là bản thể của luận này. Những người có trí tuệ thông minh nên hiểu tuần tự như sau là: quả, nhân, tự tính, tên khác, không sai biệt, phần vị, không nhiễm, thường hằng, tương ưng, không làm nghĩa lợi, làm nghĩa lợi, một tính.

Trong đây trước tiên hiển thị quả của tâm Bồ-đề khiến thấy thắng lợi. Tiếp nói cái nhân khởi tâm Bồ-đề, rồi sau an lập cái tướng tâm này sinh ra và nói rõ tên khác mà không sai biệt. Trong tất cả phần vị không nhiễm trước, thường cùng tương ưng với pháp thanh tịnh, không có công đức trong các bất tịnh vị, trong các thanh tịnh vị có thể làm lợi ích, phải biết đó là một tính của Niết-bàn.

Nay trong luận này tuần tự triển khai nói rõ 12 nghĩa như vậy.

Thế nào là quả của tâm Bồ-đề? Đó là cảnh giới Niết-bàn vô cùng vắng lặng. Cảnh giới này duy chỉ chư Phật chứng đắc, ngoài ra

không ai khác có thể đạt được. Sở dĩ vì sao? Vì chỉ Phật Như Lai có thể vĩnh viễn hết tất cả phiền não nhiệt vi tế. Trong đó không sinh, vì vĩnh viễn không sinh lại ý sinh của các uẩn. Không già, vì công đức này tăng thượng thù thắng, viên mãn cứu cánh không biến đổi suy đồi. Không chết, vì vĩnh viễn lìa bỏ cái chết biến dịch không thể nghĩ bàn. Không bệnh, vì đã vĩnh viễn đoạn trừ bệnh phiền não sở tri chướng và tập khí. Không khổ vì vĩnh viễn đoạn trừ tất cả tập khí của vô minh trụ địa từ thời vô thủy đến nay. Không lỗi lầm vì không hành sai phạm của tất cả thân ngữ ý. Đây là do tâm Bồ-đề là phương tiện cao tột không thoái mất nhân, tất cả công đức đến cứu cánh mà được quả ấy. Quả ấy tức cảnh giới Niết-bàn.

Cảnh giới Niết-bàn là gì? Là tướng chuyển y pháp thân không thể nghĩ bàn của chư Phật. Bởi tâm Bồ-đề là nhân quả không thể nghĩ bàn như trăng sáng mới lên nên nay đảnh lễ.

Tiếp đến tụng nói:

Thiện pháp ích cho đời,

Thánh pháp và chư Phật,

Là chỗ báu nương tựa,

Như đất, biển, chủng tử.

Lại nữa tâm Bồ-đề như đất là chỗ nương tựa cho các giống lành thế gian sinh trưởng, như biển là nơi quy tụ tất cả trân báu của thánh pháp, như chủng tử là nhân tương tục nảy sinh ra tất cả cây Phật. Như vậy đã nói xong về quả của tâm Bồ-đề.

Thế nào là nhân này?

Tụng nói:

Tin là chủng tử đó,

Bát-nhã là mẹ sinh,

Tam-muội là thai tạng,

Đại bi là vú nuôi.

Lại nữa nhân này tích tập thế nào? Phải biết như con của Chuyển luân vương. Trong đó thâm tín pháp là chủng tử của tâm Bồ-đề. Trí tuệ thông suốt là mẹ. Tam-muội là thai tạng, do định lạc trụ tất cả thiện pháp mà được an lập. Đại bi là vú nuôi, vì thương chúng sinh mà không chán mệt trong sinh tử, được viên mãn nhất thiết chủng trí.

Thế nào là tự tính?

Tụng nói:

Tự tính không nhiễm trước,

Như lửa báu, không nước.

Và bạch pháp thành tựu,

Giống như đại sơn vương.

Lại nữa phải biết nhân của tâm Bồ-đề này tích tập rồi có 2 thứ tướng, là tướng lìa nhiễm thanh tịnh và tướng thành tựu bạch pháp. Tướng lìa nhiễm thanh tịnh, nghĩa là ngay nơi tự tính của tâm là không nhiễm ô. Lại nữa ra khỏi khách trần phiền não chướng thì được thanh tịnh. Ví như lửa đối với ngọc báu Ma-ni, như nước đối với hư không v.v… khi bị đất bụi và mây bám che, tuy tự tính không nhiễm trước nhưng do xa lìa tro bụi v.v… khiến lửa được thanh tịnh. Như vậy tất cả chúng sinh tự tính không có tâm sai biệt, tuy tham v.v… các phiền não không thể nhiễm nhưng do xa lìa tham v.v… mà tâm được thanh tịnh. Bạch pháp thành tướng, nghĩa là tâm tự tính thanh tịnh như vậy là sở y của tất cả bạch pháp. Tức vì tất cả pháp bạch tịnh mà thành tính. Như nói núi Tu-di là sở y của các báu, tức là vì các báu hợp thành.

Thế nào là tên khác?

Tụng nói:

Đến khi thành Phật vị,

Không gọi tâm Bồ-đề,

Gọi là A-la-hán,

Tịnh ngã lạc thường độ.

Tính tâm này sáng sạch,

Đồng thể với pháp giới.

Như Lai y tâm này,

Nói pháp không nghĩ bàn.

Lại nữa tâm Bồ-đề vĩnh viễn lìa tất cả tội ác khách trần, không lìa tất cả công đức thành tựu, được 4 thứ Ba-la-mật cao tột, gọi là pháp thân Như Lai. Như nói pháp thân của Thế Tôn Như Lai là thường Bala-mật, lạc Ba-la-mật, ngã Ba-la-mật, tịnh Ba-la-mật. Pháp thân Như Lai tức là cái tên khác sai biệt với cái tâm tự tính thanh tịnh bị khách trần phiền não nhiễm. Lại như nói: Xá-lợi-phất ! Pháp tính thanh tịnh này tức là pháp giới. Ta y vào tâm tự tính thanh tịnh này nói pháp không thể nghĩ bàn.

Thế nào là không sai biệt?

Tụng nói:

Trong pháp thân chúng sinh,

Vốn không tướng sai biệt,

Không làm, không đầu cuối,

Cũng không có nhiễm ô.

Tính không, trí sở tri,

Vô tướng, thánh sở hành.

Tất cả pháp y chỉ,

Đoạn, thường, đều lìa hết.

Lại nữa cái tâm Bồ-đề này ở trong thân tất cả chúng sinh, có 10 thứ tướng không sai biệt. Đó là không làm vì vô vi. Không đầu vì không khởi. Không cuối vì không diệt. Không nhiễm trược vì tự tính thanh tịnh. Tính không trí sở tri vì tất cả pháp vô ngã, là tướng một mùi vị. Không có hình tướng vì không có các căn. Thánh sở hành vì là cảnh giới của Phật đại thánh. Tất cả pháp sở y vì các pháp nhiễm tịnh y chỉ. Chẳng phải thường vì là tạp nhiễm chẳng phải tính của pháp thường. Chẳng phải đoạn vì thanh tịnh chẳng phải tính của pháp đoạn.

Thế nào là phần vị?

Tụng nói:

Cõi chúng sinh bất tịnh,

Trong nhiễm, Bồ-tát tịnh.

Bậc thanh tịnh cao tột,

Gọi đó là Như Lai.

Lại nữa tâm Bồ-đề này không có tướng sai biệt, nên trong bất tịnh vị gọi là cõi chúng sinh, trong nhiễm tịnh vị gọi là Bồ-tát, trong tối thanh tịnh vị gọi là Như Lai. Như nói: Xá-lợi-phất ! Tức pháp thân này trong bản tế bị vô biên phiền não tạng trói buộc, từ vô thủy đến nay lưu chuyển sinh diệt trong các nẻo sinh tử, gọi là cõi chúng sinh. Lại nữa Xá-lợi-phất ! Tức pháp thân này chán lìa cái khổ trôi nổi trong sinh tử, xả bỏ tất cả cảnh giới của các dục, trong 10 Bala-mật và 8 vạn 4 ngàn pháp môn vì cầu Bồ-đề mà tu các hạnh, gọi là Bồ-tát. Lại nữa Xá-lợi-phất ! Tức pháp thân này giải thoát tất cả phiền não tạng, xa lìa tất cả khổ, vĩnh viễn dứt trừ cấu bẩn phiền não tùy phiền não, thanh tịnh, cực kỳ thanh tịnh, thanh tịnh cùng cực trụ nơi pháp tính, đến chỗ tất cả chúng sinh quán sát, tận cùng tất cả chỗ sở tri, đến bậc trượng phu không 2, được sức tự tại không chướng ngại, không đắm trước tất cả pháp, gọi là Như Lai ứng chính đẳng giác. Cho nên Xá-lợi-phất ! Chúng sinh giới không khác pháp thân, pháp thân không khác chúng sinh giới, chúng sinh giới tức pháp thân, pháp thân tức chúng sinh giới. Đây chỉ có tên khác chẳng phải nghĩa có khác.

Thế nào là không nhiễm?

Tụng nói:

Như mặt trời sáng sạch,

Không có chút mây che.

Nếu trừ mây phiền não,

Pháp thân sáng hiển lộ.

Đây là thế nào? Ở trong bất tịnh vị hiện có vô lượng các phiền não mà không bị nhiễm. Ví như vầng mặt trời bị mây che mà tính thường thanh tịnh. Tâm này cũng vậy, vì các tạp phiền não kia chỉ là khách.

Thế nào là thường hằng?

Tụng nói:

Ví như lửa kiếp tận,

Không thể đốt hư không.

Như vậy già bệnh chết

Không thể đốt pháp giới.

Như tất cả thế gian

Y hư không khởi hết.

Các căn cũng như vậy,

Y vô vi sinh diệt.

Lại nữa sao trong hiện hữu sinh già chết mà nói là thường? Ví như hư không, dầu lửa của kiếp tai nổi lên cũng không thể làm hại. Pháp giới cũng vậy. Cho nên kinh nói: Thế Tôn ! Sinh tử chỉ là tùy theo tục mà nói có. Thế Tôn ! Tử, chỉ là các căn ẩn mất. Sinh, là các căn mới khởi, chẳng phải Như Lai tạng có sinh lão tử hoặc chìm mất hoặc khởi lên. Thế Tôn ! Như Lai tạng quá tướng hữu vi, vì vắng lặng thường trụ không biến đổi không tuyệt dứt.

Thế nào là tương ưng?

Tụng nói:

Như ánh sáng và sắc nóng,

Với đèn không tướng khác.

Như vậy các pháp Phật

Với pháp tính cũng thế.

Tính phiền não tương ly

Không khách phiền não kia.

Tịnh pháp thường tương ưng,

Chẳng không pháp vô cấu.

Lại nữa sao chưa thành chính giác mà nói ở đây pháp Phật tương ưng? Ví như ánh sáng sắc nóng v.v… với đèn không có tướng khác. Các pháp Phật nơi pháp thân cũng vậy. Như nói: Xá-lợi-phất ! Pháp thân chư Phật có pháp công đức. Ví như đèn có ánh sáng sắc nóng không lìa không thoát. Ngọc báu Ma-ni sắc sáng và hình trạng cũng như vậy. Xá-lợi-phất ! Như Lai nói pháp thân chư Phật trí và pháp công đức không lìa không thoát, là vì pháp của Như Lai quá hơn cát sông Hằng. Lại nữa như nói có 2 thứ Như Lai tạng không trí. Những gì là 2? Là không Như Lai tạng, là trí hoặc lìa hoặc thoát tất cả phiền não. Bất không Như Lai tạng, là trí không lìa không thoát các pháp Phật không thể nghĩ bàn quá hơn số cát sông Hằng.

Thế nào là không làm nghĩa lợi?

Tụng nói:

Phiền não tạng trói che

Không thể ích chúng sinh.

Như hoa sen chưa nở,

Như vàng trong đống phân.

Như mặt trăng tròn đầy,

A-tu-la che khuất.

Lại nữa pháp thân chúng sinh đã cùng tương ưng với các công đức như vậy, sao không có cái đức dụng của Như Lai? Phải biết đây như hoa sen chưa nở, bị các lá ác kiến bao bọc bên trong, như vàng rơi trong đống phân, ở trong phân giác quán ô uế, như trăng tròn bị nguyệt thực vì ngã mạn La-hầu chấp thủ, như nước ao bị đục vì bụi trần tham dục hỗn tạp, như núi vàng bị mờ vì bùn nhơ sân nhuế phong bám, như hư không bị che vì mây ngu si dày đặc, như mặt trời chưa mọc vì còn trong vô minh tập khí, như thế giới chưa thành vì còn ở trong 6 chỗ chứa thủy đại, như mây không gió vì duyên mâu thuẫn hiện tiền. Tóm lại là tụng nói:

Như sen như vàng chưa nở rõ,

Phật thể khách trần che cũng vậy.

Bấy giờ công đức không tự ích.

Ngược lại đây thì được lợi lớn.

Thế nào là làm nghĩa lợi?

Tụng nói:

Như ao không vẩn đục,

Như hoa sen nở tròn,

Cũng như trên vàng ròng

Tẩy trừ các phân nhơ,

Như hư không trong sạch

Trăng sáng muôn vì sao,

Khi lìa dục giải thoát

Công đức cũng như vậy.

Ví như nhật nguyệt hiện,

Ánh sáng khắp thế gian.

Như đất sinh ngũ cốc,

Như biển chứa các báu,

Như vậy ích chúng sinh,

Khiến thoát khỏi các hữu.

Hiểu rõ các tính hữu

Mà khởi tâm đại bi.

Hoặc hết hoặc không hết

Đây đều không chấp trước.

Tâm Phật như mây lớn

Trụ nơi thật tế không.

Pháp Tam-muội tổng trì,

Tùy thời mưa đổ xuống.

Tất cả các giống lành

Nhân đây được sinh trưởng.

Nghĩa trong kệ này tương phản với trước. Phải biết là pháp thân thanh tịnh, vì xa lìa các hoạn khách trần, vì thành tựu tự tính công đức. Chứng được pháp này gọi là Như Lai ứng chính đẳng giác, ở trong cõi Niết-bàn thường trụ tịch tĩnh thanh lương không thể nghĩ bàn hằng được an lạc, làm chỗ quy ngưỡng cho tất cả chúng sinh.

Thế nào là một tính?

Tụng nói:

Ngay nơi pháp thân này,

Cũng tức là Như Lai,

Như vậy cũng tức là

Thánh đế đệ nhất nghĩa.

Niết-bàn không khác Phật,

Giống như lạnh tức nước,

Công đức không rời nhau,

Nên không khác Niết-bàn.

Nếu pháp thân Như Lai khác Niết-bàn thì trong kinh đã không nói như vậy. Như có tụng nói:

Chúng sinh giới thanh tịnh,

Phải biết tức pháp thân.

Pháp thân tức Niết-bàn,

Niết-bàn tức Như Lai.

Lại nữa như có kinh nói: Thế Tôn ! Tức A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề này là Niết-bàn giới. Niết-bàn giới này là pháp thân Như Lai. Thế Tôn ! Không khác Như Lai. Như Lai không khác pháp thân. Nói Như Lai tức pháp thân.

Lại nữa phải biết đây không khác chân lý về sự diệt khổ. Cho nên kinh nói: Chẳng phải lấy sự hủy hoại cái khổ mà nói là chân lý về sự diệt khổ. Nói khổ diệt, là từ xưa đến nay không làm, không khởi, không sinh, không diệt, không hết lìa hết, thường hằng không biến đổi không tuyệt dứt, tự tính thanh tịnh xa lìa tất cả phiền não tạng, là đầy đủ trí Phật pháp không thể nghĩ bàn, quá hơn số cát sông Hằng không lìa không thoát, cho nên nói là pháp thân Như Lai. Thế Tôn ! Ngay nơi pháp thân Như Lai này chưa lìa phiền não tạng, gọi là Như Lai tạng. Thế Tôn ! Như Lai tạng trí là Như Lai không trí. Thế Tôn ! Như Lai tạng là cái mà tất cả Thanh Văn Độc Giác vốn không thấy vốn không chứng. Chỉ Phật Thế Tôn vĩnh viễn hoại diệt tất cả phiền não tạng, tu đủ tất cả đạo diệt khổ mới chứng đắc. Cho nên phải biết Phật với Niết-bàn không có sự sai biệt. Ví như cảm xúc lạnh không khác với nước. Lại nữa phải biết chỉ có đạo nhất thừa, nếu không như vậy khác đây là hữu dư Niết-bàn, cho nên đồng một pháp giới lẽ nào có Niết-bàn hạ liệt và Niết-bàn thắng diệu ư? Cũng không thể nói do các nhân hơn kém có hạ trung thượng mà được một quả, bởi hiện tại thấy nhân sai biệt thì quả cũng sai biệt. Cho nên kinh nói: Thế Tôn ! Thật không có pháp hơn kém sai biệt được chứng Niết-bàn. Thế Tôn ! Các pháp bình đẳng chứng Niết-bàn. Thế Tôn ! Trí bình đẳng, giải thoát bình đẳng, giải thoát tri kiến bình đẳng chứng đắc Niết-bàn. Cho nên Thế Tôn ! Niết-bàn giới là một vị đó là vị bình đẳng, vị giải thoát./.

HẾT