LUẬN VƯƠNG PHÁP CHÍNH LÝ
Bồ-tát Di-lặc tạo luận
Tam tạng pháp sư Huyền Trang dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

Như Phật Thế Tôn vì Xuất Ái vương có nói kinh rằng: Một lúc nọ nhà vua ấy đến chỗ Phật đảnh lễ dưới chân Phật bạch rằng: “ Thế Tôn ! Có một Sa-môn hoặc Bà-la-môn đến chỗ tôi đem những điều lỗi lầm không đúng sự thật can gián trách móc tôi. Lúc bấy giờ tôi không sinh tâm buồn rầu hối hận. Bởi vì sao? Tôi quán sát những lỗi lầm này trong tự thân đều không thấy. Lại có Sa-môn hoặc Bàla-môn đến chỗ tôi đem những điều công đức không chân thật khen ngợi khuyến khích tôi. Lúc bấy giờ tôi không sinh tâm vui mừng hoan hỷ. Bởi vì sao? Tôi quán sát những công đức này trong tự thân đều không thấy. Khi các Sa-môn và Bà-la-môn ấy lui về rồi, tôi một mình trong căn phòng yên vắng đem tâm suy xét kiếm tìm. Tôi phải làm sao biết được đúng lỗi lầm cũng như công đức chân thật của các vua chúa. Nếu biết được, tôi sẽ bỏ lỗi lầm tu các công đức. Sa-môn, Bà-la-môn, ai là người có thể hiểu đúng lỗi lầm cũng như công đức chân thật của các vua chúa, có thể khai thị rộng rãi cho tôi? Suy nghĩ tìm kiếm như vậy rồi, liền nghĩ rằng chỉ Thế Tôn ta biết tất cả, thấy tất cả, nhất định sẽ biết đúng lỗi lầm cũng như công đức chân thật của các vua chúa. Nay tôi phải đi đến chỗ Phật thưa hỏi nghĩa này, nên tôi đã đến chỗ Phật xin quyết định nghĩa này. Kính xin Như Lai khai thị cho tôi.

Thưa Thế Tôn ! Thế nào là tội lỗi chân thật của các vua chúa? Thế nào là công đức chân thật của các vua chúa? Hỏi như vậy rồi, bấy giờ Thế Tôn bảo Xuất Ái vương rằng: “ Đại vương ! Nay Đại vương nên biết rõ lỗi lầm của một nhà vua, công đức của một nhà vua, những gì thuộc suy tổn, những gì là phương tiện, những gì là pháp khả ái và những gì có thể dẫn phát pháp khả ái của một nhà vua.

Thế nào là lỗi lầm của một nhà vua? Đại vương nên biết, có 9 thứ lỗi lầm của vua. Nếu vua tạo nên lỗi lầm như vậy thì dù có kho phủ lớn, có quan phụ tá lớn, có quân đội lớn, dân chúng cũng không quy phục.

Những gì là 9? 1. Không được tự tại. 2. Lập tính bạo ác. 3. Nổi giận dữ tợn. 4. Ân huệ quá mỏng manh. 5. Nghe lời tà nịnh. 6. Làm việc gì không suy nghĩ, không theo lễ nghi phép tắc. 7. Không kể gì đến thiện pháp. 8. Không biết sai biệt, quên chỗ làm ơn. 9. Mặc tình phóng túng.

Sao gọi là vua không được tự tại? Nghĩa là có quốc vương nhu nhược, ý chí không vững mạnh, bị các đại thần, phụ tướng, quốc sư, các quan cản trở, không cho làm theo ý muốn nên làm, như ban thưởng quần thần, đối với diệu ngũ dục không được như ý vui chơi. Như vậy là vua không được tự tại.

Sao gọi là vua lập tính bạo ác? Nghĩa là có quốc vương, các quần thần hoặc những người khác ở một nơi nào đó làm một việc nhỏ nhặt không như ý, liền đối diện dùng lời thô ác quát tháo giận dữ đuổi đi, nổi giận đứng cau mày nhăn mặt, dẫu không đối diện mà quay lưng hướng về người khác mà mắng nhiếc đuổi đi như việc làm trước, dẫu không đối diện cũng không quay lưng hướng về người khác mà mắng nhiếc đuổi đi như việc làm trước, nhưng chỉ nội trong ý giận dữ, ôm tâm não hại ôm tâm oán hận mặc dầu không giữ tâm giận dữ lâu không bỏ, hoặc có trong y giận dữ ôm tâm não hại tâm oán hận, ôm giữ lâu không bỏ, do đó đối diện bạo ác, hoặc bạo ác sau lưng, giận dữ bạo ác thời gian ngắn hoặc bạo ác lâu dài, như vậy gọi là vua lập tính bạo ác.

Đại vương nên biết, bạo ác lâu dài là lỗi lớn không phải như những lỗi khác.”

Sao gọi là vua nổi giận dữ tợn? Nghĩa là có quốc vương có các quần thần phạm lỗi hoặc sai trái nhỏ thì liền tước bỏ bổng lộc, đoạt lấy thê thiếp, hoặc phạt hình phạt nặng. Như vậy gọi là vua nổi giận dữ tợn.

Sao gọi là vua ân huệ quá mỏng manh? Nghĩa là có nhà vua được các quần thần cung phụng hầu hạ, tuy hết sức trong sạch rất xứng đáng mà chỉ an ủy phủ dụ một cách hời hợt, còn việc ban thưởng tước lộc thì không trọn vẹn không đúng thường thức. Hoặc tổn hao rồi, hoặc chậm trễ rồi, hoặc đùn đẩy rồi, hoặc oán hận rồi nhiên hậu mới cho. Như vậy gọi là nhà vua ân huệ quá mỏng manh.

Sao gọi là vua nghe lời tà nịnh? Là nếu có nhà vua có các quần thần thật không thông minh duệ trí mà trá hiện thông duệ, tham ô thiên lệch bè đảng, không thông pháp chế, ôm lòng mưu phản không giúp việc triều chính, nghe và tin dùng bọn người như vậy nói ra nói vào. Do nhân duyên đó việc vua việc nước, của cải , tiếng khen giỏi việc triều chính đều suy tổn. Như vậy là vua nghe lời tà nịnh.

Sao gọi là việc làm của vua là không suy nghĩ, không theo lễ nghi phép tắc? Nghĩa là có quốc vương không thể cứu xét, không biết rõ cứu xét, không thể tư duy lựa chọn, không biết rõ tư duy lựa chọn, các quần thần không kham nhiệm việc cơ mật thì ủy nhiệm việc cơ mật còn người kham nhiệm thì không ủy nhiệm, người có thể giao việc thì không giao việc, người không thể giao việc thì giao việc, người đáng thưởng thì hình phạt, người đáng hình phạt thì thưởng. Lại trong quần thần không khéo xử yên lễ nghi phép tắc của tiên vương, do đó những quần thần này ở trong đại triều hội phát ngôn dư luận không ngớt, không kính, không sợ mà nói ra nói vào không phụng hành tốt như chỉ giáo, không an trụ đúng đắn giáo mệnh của vua. Như vậy gọi là vua làm việc không suy xét, không thuận lễ nghi phép tắc.

Sao gọi là vua không kể gì đến thiện pháp? Nghĩa là có nhà vua không tin có đời khác, cũng không hiểu ngộ. Do không tin không hiểu ngộ có đời khác nên đối với nghiệp thiện bất thiện, quả ái phi ái đời sau không thể tin hiểu. Vì không tin hiểu nên không có hổ thẹn, tha hồ tạo 3 thứ ác hành của thân ngữ ý nghiệp, không thể thường thường bố thí, tu phúc, thụ trai, học giới. Như vậy gọi là vua không đoái hoài đến thiện pháp.

Sao gọi là vua không biết sai biệt, quên chỗ làm ơn? Nghĩa là có nhà vua đối với các đại thần, phụ tướng, quốc sư, quần thần, tâm điên đảo không hiểu rõ không phân biệt ai là người trung tín, ai là người có kỹ năng tài nghệ, ai là người có trí tuệ. Do không biết cho nên chẳng phải trung tín tưởng là trung tín, trung tín thì tưởng là không trung tín, không có kỹ nghệ tưởng có kỹ nghệ, có kỹ nghệ tưởng là không có kỹ nghệ, với ác tuệ tưởng là thiện tuệ, với thiện tuệ tưởng là ác tuệ. Do tâm điên đảo như vậy nên đối với bề tôi không trung tín, không có kỹ nghệ, và ác tuệ thì kính trọng ái dưỡng, còn bề tôi trung tín, có kỹ nghệ, có thiện tuệ thì lại sinh khinh tiện. Lại nữa các bề tôi già nua suy yếu đã từng thời gian dài cung phụng hầu hạ, biết họ không còn thế lực không còn mạnh mẽ nên không kính yêu, không ban thưởng tước lộc đền đáp, dẫu họ bị chê bai khinh miệt cũng bỏ qua không hỏi đến. Như vậy gọi là vua không biết phân biệt và quên ơn.

Sao gọi là vua mặc tình phóng túng? Nghĩa là có quốc vương mặc tình chìm trong ngũ dục, đam mê ái lạc du hý, không thể thường xuyên khuyến khích tạo phương tiện làm việc nên làm và thưởng công lao cho quần thần. Như vậy gọi là vua mặc tình phóng túng.

Nếu có quốc vương đủ 9 lỗi như vậy thì dù có kho phủ lớn, có phụ tá lớn, có quân đội lớn mà dân chúng cũng không thể quy phục. Đại vương nên biết 9 lỗi lầm này là lỗi lầm tự tính của vua đó.

Thế nào là công đức của một nhà vua? Đại vương nên biết, công đức của một nhà vua lược có 9 thứ . Nếu nhà vua có các công đức như vậy thì dù không có kho phủ lớn, không có phụ tá lớn, không có quân đội lớn mà dân chúng có thể quy phục. Những gì là 9? 1. Được đại tự tại. 2. Tính không bạo ác. 3. Nổi nóng thì nguôi nhẹ. 4. Ân huệ thì mạnh mẽ nhanh chóng. 5. Chấp nhận lời nói ngay nói thẳng. 6. Việc làm có suy nghĩ đúng thuận theo lễ nghi phép tắc. 7. Nghĩ đến thiện pháp. 8. Biết rõ sai biệt, biết chỗ làm ơn. 9. Không buông thả phóng túng.

Sao gọi là một nhà vua được đại tự tại? Nghĩa là có quốc vương tùy theo ý muốn làm điều nên làm, ban thưởng công lao quần thần, đối với diệu ngũ dục như ý vui chơi, đối với các đại thần, phụ tướng, quốc sư, quần thần v.v… có ban bố giáo mệnh gì đều không trở ngại. Như vậy là nhà vua được đại tự tại.

Sao gọi là vua tính không bạo ác? Nghĩa là có quốc vương, các quần thần v.v… tùy ở nơi nào tùy làm một việc tăng thượng không như ý, tính có thể chịu được, không dùng lời thô ác quát tháo giận dữ đuổi đi, nói rộng cho đến không đối diện cũng không quay lưng mà làm việc như trước, cũng không trong ý ngầm ôm giận dữ, cũng không ôm giữ lâu không bỏ, cũng không hiện bạo ác, hoặc bạo ác sau lưng, không giấu bạo ác cũng không bạo ác lâu dài. Như vậy gọi là vua tính không bạo ác.

Sao gọi là vua giận nhưng nhẹ nhàng? Nghĩa là có quốc vương có các quần thần phạm lỗi nặng, sai trái nặng mà không tước bỏ tất cả bổng lộc, đoạt lấy thê thiếp, không phạt hình phạt nặng, mà tùy theo lỗi nặng nhẹ xử phạt. Như vậy gọi là vua giận nhưng nhẹ nhàng khoan dung.

Sao gọi là vua ân huệ trọng hậu? Nghĩa là có nhà vua được các quần thần chính trực hiện tiền cung phụng hầu hạ, tâm trong sạch điều thuận thì thường thường nhẹ nhàng an ủy phủ dụ, còn việc ban thưởng tước lộc thì trọn vẹn đúng công lao, không để cho họ bị tổn hao, hoặc chậm trễ, hoặc oán hận. Dễ dàng trong việc cung phụng không khó khăn. Như vậy gọi là nhà vua ân huệ trọng hậu.

Sao gọi là vua nghe lời chính trực? Nghĩa là có nhà vua có các quần thần thật thông minh duệ trí không tham ô không thiên lệch, thông hiểu pháp chế, không mưu phản thích tu thiện pháp, nghe và tin dùng bọn người như vậy. Do nhân duyên đó việc vua việc nước, của cải , tiếng khen giỏi việc triều chính đều tăng thêm. Như vậy là vua nghe lời chính trực.

Sao gọi là việc làm của vua là suy nghĩ kỹ, thuận theo lễ nghi phép tắc? Nghĩa là có quốc vương có khả năng cứu xét, có khả năng cứu xét rõ, có khả năng tư duy lựa chọn, có khả năng tư duy lựa chọn đúng, các quần thần không kham nhiệm việc cơ mật thì không ủy nhiệm việc cơ mật, người kham nhiệm thì ủy nhiệm, người có thể giao việc thì giao việc, người không thể giao việc thì không giao việc, người đáng thưởng thì thưởng, người đáng phạt thì phạt đúng tội. Phàm làm việc gì thì suy xét lựa chọn rồi sau mới làm mà không nóng vội. Lại đối với quần thần thì khéo an xử nghi tắc của tiên vương, do đó những quần thần này ở trong yến hội không phát ngôn gián tuyệt dư luận, đợi nói xong cung kính, nể sợ mà can gián, phụng hành tốt như chỉ giáo, có thể an trụ đúng đắn giáo mệnh của vua. Như vậy gọi là vua làm việc suy xét kỹ, thuận lễ nghi phép tắc.

Sao gọi là vua lưu tâm đến thiện pháp? Nghĩa là có nhà vua tin biết có đời khác. Do tin đúng nên đối với nghiệp tịnh bất tịnh, quả ái phi ái đời sau có thể tin hiểu. Vì tin hiểu nên đầy đủ hổ thẹn, mà không buông lòng tạo 3 thứ ác hành của thân ngữ ý, thường thường tư duy lựa chọn, bố thí, tu phúc, thụ trai, học giới. Như vậy gọi là vua lưu tâm đến thiện pháp.

Sao gọi là vua biết rõ sai biệt, biết chỗ làm ơn? Nghĩa là có nhà vua đối với các đại thần, phụ tướng, quốc sư, quần thần v.v…, tâm không điên đảo, hiểu rõ phân biệt ai là người trung tín, ai là người có kỹ năng tài nghệ, ai là người có trí tuệ. Có không đều biết đúng như thật. Nếu không thì bỏ, nếu có thì dùng. Lại nữa các bề tôi già nua suy yếu đã từng thời gian dài cung phụng hầu hạ, tuy biết họ không còn thế lực không còn mạnh mẽ nhưng nghĩ ơn xưa mà ôm lòng kính yêu không khinh bỏ, ban thưởng tước lộc đền đáp công ơn. Như vậy gọi là vua biết phân biệt và biết nhớ ơn.

Sao gọi là vua không mặc tình phóng túng? Nghĩa là có quốc vương không đắm chìm trong ngũ dục, không đam mê ái lạc du hý, thường xuyên khuyến khích tạo phương tiện làm việc nên làm và thưởng công lao cho quần thần. Như vậy gọi là vua không mặc tình phóng túng.

Nếu có quốc vương có đủ công đức như vậy thì dù không có kho phủ lớn, không có phụ tá lớn, không có quân đội lớn mà dân chúng cũng có thể quy phục. Đại vương nên biết 9 thứ này là tự tính công đức của vua đó.

Thế nào là chỗ suy tổn của nhà vua? Đại vương nên biết, chỗ suy tổn của nhà vua có 5 thứ: 1. Không giỏi quan sát để nắm giữ quần thần. 2. Tuy giỏi quan sát nắm giữ quần thần mà vô ân diệu hạnh, dẫu có cũng không đúng lúc. 3. Chuyên hành phóng túng không nghĩ việc cơ mật. 4. Chuyên hành phóng túng không giữ kho phủ. 5. Chuyên hành phóng túng không tu pháp hành. Như vậy 5 thứ này đều gọi là chỗ suy tổn của nhà vua.

Sao gọi là vua không giỏi quan sát để nắm giữ quần thần? Nghĩa là có quốc vương đối với quần thần không có khả năng cứu xét, không cứu xét rõ, không thể tư duy tuyển chọn, không tư duy tuyển chọn kỹ trung tín kỹ nghệ trí tuệ sai biệt mà giữ làm thân cận hầu hạ lại thêm sủng ái, ban thưởng công lao tước lộc trọng hậu, ủy nhiệm điều tối cơ mật, thường dùng lời dịu dàng ủy dụ. Nhưng các quần thần này được giao phó cho của cải thì làm tổn phí nhiều, gặp giặc giã, kẻ ác, quân trận thì rút lui trước, sợ hãi bỏ người mà chạy không chút lưu luyến, giả dối làm ác sách động vương chính. Như vậy là vua không giỏi quan sát nắm giữ quần thần.

Sao gọi là tuy giỏi quan sát nắm giữ quần thần mà vô ân diệu hạnh, dẫu có cũng không đúng lúc? Nghĩa là có quốc vương tuy đối với quần thần tính có thể cứu xét, có thể cứu xét kỹ, tính có thể tư trạch, có thể tư trạch kỹ trung tín kỹ nghệ trí tuệ sai biệt thâu giữ làm thân cận hầu hạ mà không sủng ái, không ban thưởng tước lộc đúng mức, cũng không ủy nhiệm việc cơ mật, không thường dùng lời dịu dàng ủy dụ. Những người ấy một khi vua gặp oán địch bọn ác, quân trận hay nói rộng cho đến những chuyện đáng sợ mạng khó sống còn, bấy giờ vua mới sủng ái họ, nói rộng cho đến thường dùng lời dịu dàng an ủy họ. Bấy giờ các quần thần cùng bảo nhau rằng: Nay vua vì nguy hiểm bức bách nên tạm tốt với chúng ta chứ chẳng lâu dài gì. Biết việc này rồi, tuy họ có trung tín kỹ nghệ trí tuệ cũng giấu mà không hiện ra. Như vậy gọi là vua tuy giỏi quan sát nắm giữ quần thần mà vô ân diệu hạnh, dẫu có cũng không đúng lúc.

Sao gọi là vua chuyên hành phóng túng không nghĩ việc cơ mật của quốc gia? Nghĩa là có quốc vương đối với những việc cơ mật của đất nước cần phải hòa hảo mới thành, vậy mà không thường ở một mình nơi vắng vẻ, hoặc cùng các người trí chính tư duy quan sát cân nhắc phương tiện hòa hảo. Như vậy đối với việc cơ mật phải hết sức thông tuệ mới thành, đối với việc cơ mật phải huệ thí mới thành, đối với việc cơ mật phải ra quân mới thành, đối với việc cơ mật phải thu nhận những phe đảng có sức mạnh lớn mới thành, thì đều không thường thường ở một mình nơi vắng vẻ, hoặc cùng các người trí chính tư duy quan sát cân nhắc các phương tiện một cách hết sức thông minh, cho đến thu nhận phương tiện các đảng mạnh. Như vậy là vua chuyên hành phóng túng không nghĩ việc cơ mật của quốc gia.

Sao gọi là vua chuyên hành phóng túng không phòng thủ kho phủ? Nghĩa là có quốc vương ít lo xây dựng cơ nghiệp, vụng về việc xây dựng cơ nghiệp, không duy trì sự nghiệp, không xem xét sự nghiệp, không cấm vương môn, không cấm cung môn, không cấm phủ khố, hoặc hay vui chơi nơi ca nhạc xướng hát, hoặc đam mê bài bạc làm tổn phí của cải. Như vậy gọi là vua chuyên hành phóng túng không phòng thủ phủ khố.

Sao gọi là vua chuyên hành phóng túng không tu pháp hạnh? Nghĩa là có quốc vương ở đời biết nhu hòa thuần chất, thông tuệ biện tài được lý giải thoát, xảo tiện không hại lạc không hại pháp, có các Sa-môn Bà-la-môn mà không hay đi đến lễ kính hỏi han thế nào là thiện, thế nào là bất thiện, thế nào là có tội, thế nào là không tội, làm những nghiệp gì có thể được tốt lành xa lìa các khổ, dẫu có được nghe rồi cũng không cố gắng tu hành, không thể thường thường huệ thí, trồng phúc, thụ trai, học giới. Như vậy gọi là vua chuyên hành phóng túng không tu pháp hạnh.

Nếu có quốc vương đủ 5 môn suy tổn như vậy thì vua này thoái mất nghĩa lợi hiện pháp và hậu pháp. Nghĩa là 4 môn trước là thoái mất nghĩa lợi hiện pháp, một môn sau cùng làm thoái mất nghĩa lợi hậu pháp.

Sao gọi là phương tiện môn của nhà vua? Đại vương nên biết, phương tiện môn lược có 5 thứ. Những gì là 5? 1. Giỏi quan sát thâu giữ quần thần. 2. Kịp thời thi ơn. 3. Không phóng túng, chuyên lo việc cơ mật. 4. Không phóng túng, khéo phòng thủ kho phủ. 5. Không phóng túng, chuyên tu pháp hạnh.

Sao gọi là vua có khả năng giỏi quán sát thâu giữ quần thần. Nghĩa là có quốc vương đối với quần thần tính có thể cứu xét có thể cứu xét rõ, tính có thể tư duy lựa chọn có thể tư duy lựa chọn tốt trung tín kỹ nghệ trí tuệ sai biệt thâu làm thân cận hầu hạ. Như vậy gọi là vua có khả năng giỏi quán sát thâu giữ quần thần.

Sao gọi là vua giỏi kịp thời thi ân diệu hạnh? Nghĩa là có quốc vương, đối với quần thần quan sát kỹ rồi thâu nhận làm kẻ thân cận hầu hạ, lại thêm sủng ái, tùy theo sự cân nhắc mà ban cho tước lộc trọng thưởng công lao, ủy nhiệm việc cơ mật, thường dịu dàng ủy dụ. Nhất thời vua gặp oán địch, kẻ ác, quân trận đáng sợ đe dọa tính mạng, chúng liền đem hết trung tín, tài nghệ trí tuệ ra phò vua. Như vậy là vua giỏi kịp thời thi ân diệu hạnh.

Sao gọi là vua không phóng túng, chuyên nghĩ việc cơ mật? Nghĩa là có quốc vương đối với những việc cơ mật quốc gia cần phải hòa hảo mới thành, có thể thường thường ở một mình nơi vắng vẻ, hoặc cùng những người trí chính tư duy, quan sát cân nhắc phương tiện hòa hảo. Như vậy đối với những việc cơ mật quốc gia cần phải hết sức thông minh mới thành, đối với những việc cơ mật quốc gia cần phải huệ thí mới thành, đối với những việc cơ mật quốc gia cần phải ra quân mới thành, đối với những việc cơ mật quốc gia cần phải liên kết đảng có sức mạnh mới thành v.v… đều có thể thường thường một mình ở nơi vắng vẻ hoặc cùng người trí chính tư duy, cân nhắc quan sát phương tiện thông minh nhất, cho đến phương tiện liên kết đảng mạnh. Như vậy là vua không phóng túng, chuyên nghĩ việc cơ mật.

Sao gọi là vua không phóng túng, khéo phòng thủ phủ khố? Nghĩa là có quốc vương rộng mở cơ ngihệp, khéo kinh doanh sự nghiệp, khéo duy trì sự nghiệp, khéo quan sát sự nghiệp, khéo cấm vương môn, khéo cấm cung môn khéo cấm phủ khố. Lại ở những nơi vui chơi nơi ca nhạc xướng hát, không quá lượng hao phí của cải, cũng không đam mê bài bạc. Như vậy gọi là vua không phóng túng, khéo phòng thủ phủ khố.

Sao gọi là vua không phóng túng, chuyên tu pháp hạnh? Nghĩa là có quốc vương ở đời biết nhu hòa thuần chất, thông tuệ biện tài được lý giải thoát, xảo tiện không hại lạc không hại pháp, có các Sa-môn Bà-la-môn thì hay đi đến lễ kính hỏi han thế nào là thiện, thế nào là bất thiện, thế nào là có tội, thế nào là không tội, làm những nghiệp gì có thể được tốt lành xa lìa các khổ, đã được nghe rồi lại cố gắng tu hành, cũng hay thường thường huệ thí, trồng phúc, thụ trai, học giới. Như vậy gọi là vua không phóng túng, chuyên tu pháp hạnh.

Nếu có quốc vương đủ 5 môn phương tiện như vậy thì vua này không thoái mất nghĩa lợi hiện pháp và hậu pháp. Đại lược 4 môn trước là có nghĩa lợi không thoái mất hiện pháp, một môn sau cùng là có nghĩa lợi không thoái mất hậu pháp.

Sao gọi là khả ái pháp của nhà vua? Đại vương nên biết sơ lược có 5 thứ là pháp khả ái, khả lạc, khả hân, khả ý của các quốc vương. Những gì là 5? 1. Đời yêu kính. 2. Tự tại tăng thượng. 3. Dẹp được oán địch. 4. Khéo dưỡng thân. 5. Có thể đi đến nẻo thiện. Năm thứ đó là pháp khả ái, khả lạc, khả hân, khả thích của quốc vương.

Làm sao có thể dẫn đến pháp khả ái của vua? Đại vương nên biết, sơ lược có 5 thứ có thể dẫn đến pháp khả ái của các quốc vương. Những gì là 5? 1. Ân dưỡng thế gian. 2. Anh dũng đầy đủ. 3. Giỏi quyền phương tiện. 4. Chính thụ cảnh giới. 5. Siêng tu pháp hạnh.

Sao gọi là vua ân dưỡng thế gian? Nghĩa là có quốc vương bản tính tri túc, đối với của báu thì tính cẩn thận không tà tham, chứa để vừa đủ không rộng mưu cầu. Lại có quốc vương tính không tham lẫn, thành tựu pháp bạch tịnh không tham, đem của cải trong kho lẫm tùy sức tùy khả năng cấp thí cho tất cả kẻ bần cùng côi cút. Lại có quốc vương nhu hòa nhẫn nhục, phần nhiều dùng lời dịu ngọt hiểu dụ. Tùy theo thích hợp thường ban thưởng tước lộc, hoàn toàn không vì đó mà sai sử quần thần làm việc ác việc nặng. Nếu có vi phạm có thể tha thứ thì tha thứ. Nếu các vi phạm không thể tha thứ thì như lý trị phạt. Như vậy là vua dùng chính pháp giáo hóa, ân dưỡng thế gian. Do vua thụ hành pháp ân dưỡng thế gian như vậy nên được thế gian kính ái.

Sao gọi là vua anh dũng đầy đủ? Nghĩa là có quốc vương kế sách không lười , võ lược đầy đủ, người chưa hàng phục thì hàng phục, đã hàng phục rồi thì bảo hộ, rộng kinh doanh sự nghiệp như trước cho đến không đam mê thú vui cờ bạc v.v… Lại giỏi quan sát nên hay không nên cần nơi quan liêu thứ dân, đáng hình phạt thì hình phạt, đáng bảo dưỡng thì bảo dưỡng. Như vậy gọi là vua anh dũng đầy đủ. Do vua thụ hành pháp anh dũng đầy đủ như vậy nên cảm được tự tại tăng thượng.

Sao gọi là vua khéo quyền phương tiện? Nghĩa là có quốc vương cần phải hòa hảo việc cơ mật quốc gia mới được thành, như trước cho đến cần phải thâu nhận bè đảng có sức mạnh thì việc cơ mật quốc gia mới thành, có thể hiểu rõ phương tiện của hòa hảo cho đến phương tiện thâu nhận đảng mạnh. Như vậy gọi là vua khéo quyền phương tiện. Do vua thụ hành pháp khéo quyền phương tiện như vậy nên có thể xô dẹp các oán địch.

Sao gọi là vua chính thụ cảnh giới? Nghĩa là có quốc vương có khả năng khéo tính toán kho phủ tăng giảm, không xa xỉ không bỏn sẻn, thụ dụng bình đẳng đúng đắn hợp lý, tùy thời thụ dụng, cùng quần thần, thân thuộc thụ dụng, thụ dụng ở nơi quang minh chính đáng, thụ dụng có tấu nhạc mua vui, thụ dụng mà không sai lầm. Không sai lầm, nghĩa là nếu khi có bệnh thì nên ăn thứ phù hợp, tránh ăn thứ không hợp với sức khỏe, tiêu rồi mới ăn, nếu ăn chưa tiêu hoặc không có lợi thì đều không nên ăn. Nên cùng ăn với mọi người, nghĩa là trước mọi người không nên ăn một mình, món ăn thượng vị thì sớt cho người khác. Như vậy gọi là vua chính thụ cảnh giới. Do vua thụ hành pháp chính thụ cảnh giới như vậy nên khéo dưỡng hộ bản thân.

Sao gọi là vua siêng tu pháp hành? Nghĩa là có nhà vua có đầy đủ tịnh tín, giới, văn, xả, tuệ.

Sao gọi là vua đầy đủ tịnh tín? Nghĩa là có nhà vua tin hiểu đời khác, tin hiểu tịnh nghiệp bất tịnh nghiệp và quả ái, phi ái với dị thục đời sau. Như vậy là vua đầy đủ tịnh tín.

Sao gọi là vua đầy đủ tịnh giới? Nghĩa là có nhà vua xa lìa sát sinh, không cho mà lấy, dâm dục tà hạnh, vọng ngữ, uống rượu và các thứ phóng dật. Như vậy là vua đầy đủ tịnh giới.

Sao gọi là vua đầy đủ tịnh văn? Nghĩa là có nhà vua đối với nghĩa hiện pháp, nghĩa hậu pháp, và nghĩa hiện pháp hậu pháp của các pháp môn vi diệu khéo nghe, thụ, tập tụng thông suốt, chuyên tâm nghiên cứu, khéo rõ khéo đạt. Như vậy là vua đầy đủ tịnh văn.

Sao gọi là vua đầy đủ tịnh xả? Nghĩa là có nhà vua tuy ở trong đám người ràng buộc bởi xan lẫn cấu uế mà tâm hằng thanh tịnh xa lìa chỗ xan lẫn cấu uế, thường hành xả bỏ, đưa tay bố thí, thích làm việc phúc tuệ, hạnh xả viên mãn, khi hành thí thường hành bình đẳng. Như vậy là vua đầy đủ tịnh xả.

Sao gọi là vua đầy đủ tịnh tuệ? Nghĩa là có nhà vua như thật hiểu biết pháp thiện bất thiện, có tội không tội, tu với không tu, hơn kém, trắng đen, đối với rộng phân biệt các pháp duyên sinh cũng biết như thật. Dẫu có mất niệm mà sinh ác, tham dục, sân nhuế, phẫn, hận, phú, não, xan, tật, huyễn, cuống, siểm, khúc, vô tàm, vô quý, ác dục, ác kiến mà tâm giác ngộ, và những điều đó không trụ vững. Như vậy là vua đầy đủ tịnh tuệ. Do vua thụ hành pháp hành này nên có thể đi đến nẻo thiện. Như vậy 5 thứ có thể dẫn phát pháp khả ái của vua, có thể dẫn lợi ích hiện pháp hậu pháp của các quốc vương. Nghĩa là 4 thứ đầu có thể dẫn phát lợi ích hiện pháp của vua, 1 thứ sau cùng có thể dẫn phát lợi ích hậu pháp của vua.

Lại nữa, Đại vương nên biết, ta đã lược nói lỗi lầm của vua, công đức của vua, chỗ suy tổn của vua, chỗ phương tiện của vua, pháp khả ái của vua và pháp có thể dẫn phát khả ái của vua. Cho nên Đại vương cần phải tu học. Lỗi lầm của vua cần phải xa lìa. Công đức của vua cần phải tu tập. Chỗ suy tổn của vua cần phải xa lìa. Chỗ phương tiện của vua cần phải tu học. Pháp khả ái của vua cần phải hâm mộ mong cầu. Pháp có thể dẫn phát khả ái của vua cần phải thụ hành. Đại vương ! Nếu có thể tu học như vậy sẽ được tất cả lợi ích an lạc.

Lại nữa, y các hành sai biệt mà kiến lập 3 bậc sĩ, là hạ trung thượng. Không làm tự lợi không làm lợi tha là hạ sĩ. Có làm tự lợi không làm lợi tha, có làm lợi tha không làm tự lợi là trung sĩ. Có làm tự lợi có làm lợi tha là thượng sĩ.

Lại có 4 thứ Bổ-đặc-già-la: Hoặc có làm ác mà chẳng phải ưa thích ác. Hoặc có ưa thích ác mà chẳng phải làm ác. Hoặc có làm ác và cũng ưa thích ác. Hoặc chẳng phải làm ác cũng chẳng phải ưa thích ác. Nếu tin các ác có thể cảm quả báo phi ái đời sau, do mất niệm cho nên hoặc phóng dật, gần bạn ác, tạo tác ác hành đó gọi là làm ác mà chẳng phải ưa thích ác. Nếu đời trước quen tập các ác, ưa thích các ác, bị ác dục dắt dẫn, nhưng do gần gũi thiện trượng phu, nghe chính pháp nên như lý tác ý làm y chỉ, thấy các ác hành có thể cảm quả báo phi ái đời sau, tự cố gắng xa lìa các ác, đó gọi là ưa thích ác mà chẳng phải làm ác. Nếu tính ưa thích ác mà không xa lìa , đó gọi là làm ác mà cũng ưa thích ác. Nếu có tính không ưa thích các ác cũng có thể xa lìa, gọi là chẳng làm ác và chẳng ưa thích ác. Trong đó làm ác và cũng ưa thích ác là hạ sĩ. Nếu làm ác mà chẳng ưa thích ác, hoặc ưa thích ác mà chẳng làm ác là trung sĩ. Nếu chẳng phải làm ác cũng chẳng phải ưa thích ác gọi là thượng sĩ.

Lại có 3 bậc sĩ: 1. Trọng hưởng thụ dục lạc. 2. Trọng công việc. 3. Trọng chính pháp. Đầu tiên là hạ sĩ, tiếp là trung sĩ, sau là thượng sĩ.

Lại có 3 thứ Bổ-đặc-già-la: 1. Lấy việc chẳng phải làm việc của mình. 2. Lấy việc của mình làm việc của mình. 3. Lấy việc khác làm việc của mình. Nếu làm việc ác để tự nuôi sống là lấy việc chẳng phải làm việc của mình. Nếu sợ ác hành mà tu hành thiện hành là lấy việc mình làm việc mình. Nếu các Bồ-tát lấy việc khác làm việc minh v.v… Đầu tiên là hạ sĩ, tiếp là trung sĩ, sau là thượng sĩ.

Lại nữa các quốc vương có 3 thứ viên mãn, là quả báo viên mãn, sĩ dụng viên mãn, công đức viên mãn. Các quốc vương sinh nhà giàu sang, sống lâu ít bệnh, dòng dõi thế gia đại tộc, sinh ra đầy đủ, trí tuệ thông minh. Vua như vậy là quả báo viên mãn. Nếu các quốc vương khéo quyền phương tiện nắm giữ duy trì nên hằng thường thành tựu viên mãn anh dũng, đó là vua có sĩ dụng viên mãn. Nếu các quốc vương tự nhiên gìn giữ chính pháp, đó là pháp vương an trụ chính pháp, gọi là đại vương cùng với nội cung vương tử quần thần các nhà anh kiệt hào quý và người trong nước cùng tu huệ thí, trồng phúc, thụ trai, kiên trì cấm giới, đó là vua công đức viên mãn. Quả báo viên mãn, là thụ dụng quả báo của tịnh nghiệp đời trước. Sĩ dụng viên mãn, là thụ dụng quả hiện pháp khả ái. Công đức viên mãn, là cũng thụ dụng quả báo tịnh nghiệp viên mãn trong đời sau. Nếu có quốc vương 3 thứ viên mãn đều không đầy đủ thì gọi là hạ sĩ. Nếu có quả báo viên mãn hoặc sĩ dụng viên mãn hoặc cả 2 đều viên mãn thì gọi là trung sĩ. Nếu 3 viên mãn đều không thứ nào không đầy đủ thì gọi là thượng sĩ.

Lại có 3 thứ bề tôi: 1. Có trung tín, không có kỹ năng, trí tuệ. 2. Có trung tín có kỹ năng, không có trí tuệ. 3. Đủ cả trung tín, kỹ năng, trí tuệ. Đầu tiên là hạ sĩ, tiếp là trung sĩ, sau là thượng sĩ.

Lại có 4 thứ ngữ ngôn là: 1. Chẳng ái giống như ái. 2. Ái giống như chẳng ái. 3. Chẳng ái giống như chẳng ái. 4. Ái giống như ái. Có những câu nói lời nói hay thuận nhưng không hợp, đó là câu thứ nhất. Hoặc có câu nói bội nghịch nhưng hợp, đó là câu thứ 2. Có câu nói bội nghịch cũng chẳng hợp, đó là câu thứ 3. Hoặc có câu nói thiện thuận và cũng hợp, đó là câu thứ 4. Nếu có câu nói chẳng phải ái giống chẳng phải ái, chẳng phải ái giống như ái, đó là hạ sĩ. Nếu có câu nói ái giống chẳng ái, đó là trung sĩ. Nếu có câu nói ái giống như ái, đó là thượng sĩ.

Lại có 3 thứ thụ các dục, là: Hoặc có thụ dục phi pháp lỗ mãng gom góp của cải, không thể an lạc nuôi thân mình và vợ con, nói rộng cho đến không ở nơi Sa-môn Bà-la-môn gieo trồng phúc điền. Hoặc có thụ dục hợp pháp hoặc phi pháp lỗ mãng hoặc chẳng phải gom góp của cải có thể an lạc nuôi thân mình vợ con bà con bạn bè, mà không ở nơi Sa-môn Bà-la-môn tu hành gieo trồng phúc điền. Hoặc có thụ dục hoàn toàn hợp pháp và không lỗ mãng gom góp của cải có thể an lạc nuôi thân mình, nói rộng cho đến ở nơi Sa-môn Bà-la-môn tu tập gieo trồng phúc điền. Trong 3 thứ này đầu tiên là hạ sĩ, tiếp là trung sĩ, sau là thượng sĩ.

Lại có 3 người: 1. Có người tham nhiễm mà ăn, tham lam vô độ cho đến đam mê không thấy tội lỗi không biết thoát ra. 2. Có người tư duy lựa chọn mà ăn, không tham nhiễm không đắm trước cũng không quá độ đam mê, thấy tội lỗi sâu sắc, khéo biết thoát ra, nhưng đối với cái ăn này chưa đoạn chưa biết. 3. Có người tư duy lựa chọn mà ăn không sinh tham nhiễm, nói rộng cho đến thấy sâu sắc tội lỗi khéo biết thoát ra và đối với cái ăn này đã đoạn đã biết. Trường hợp đầu tiên là hạ sĩ, tiếp là trung sĩ, sau là thượng sĩ.

Lại căn cứ nơi vật bố thí nói có 3 người: 1. Có người vật thí chỉ đủ diệu hương không đủ mỹ diệu vị và xúc. 2. Có người vật thí đủ diệu hương diệu vị mà không diệu xúc. 3. Có người vật thí đầy đủ mỹ diệu hương, vị và xúc. Trường hợp đầu tiên là hạ sĩ, tiếp là trung sĩ, sau là thượng sĩ.

Lại căn cứ thí điền nói có 3 người: 1. Có người với ái, với ân mà hành huệ thí. 2. Có người với bần khổ điền mà hành huệ thí. 3. Có người với đủ công đức tối thắng phúc điền mà hành huệ thí. Trường hợp đầu tiên là hạ sĩ, tiếp là trung sĩ, sau là thượng sĩ.

Lại có sai biệt là thí với ái là hạ sĩ, thí với có ơn là trung sĩ, thí với bần khổ đủ đức thắng điền là thượng sĩ.

Lại y vào thí tâm nói có 3 người: 1. Có người sắp muốn huệ thí thì trước tâm hoan hỷ, khi huệ thí thì tam không thanh tịnh, huệ thí rồi lại hối tiếc. 2. Có người trước tâm hoan hỷ, khi thí tâm tịnh, thí rồi hối tiếc. 3. Có người trước tâm hoan hỷ, khi thí tâm tịnh, thí rồi không hối tiếc. Trường hợp đầu tiên là hạ sĩ, tiếp là trung sĩ, sau là thượng sĩ.

Lại nữa đối với thụ trì giới phúc nghiệp sự, lập ra 3 người: 1. Có người chỉ lìa một phần, chảng phải mọi lúc thường có thể xa lìa, chỉ tự mình xa lìa không khuyến khích người khác lìa, cũng không khen ngợi, thấy người đồng pháp, tâm không hoan hỷ, đó là hạ sĩ. 2. Có người lìa tất cả phần, lìa mọi lúc, mà chỉ tự viễn ly không khuyến khích người khác cũng không khen ngợi, thấy người đồng pháp tâm không hoan hỷ, đó là trung sĩ. 3. Có người tất cả đều hiện, đó là thượng sĩ.

Lại nữa đối với thụ trì cấm, lập ra 3 người: 1. Có người trụ ác thuyết pháp trong Tì-nại-da thụ trì cấm giới. 2. Có người trụ thiện thuyết pháp trong Tì-nại-da thụ trì cấm giới mà không thiếu sót. 3. Có người tức trụ nơi đây thụ trì cấm giới mà không thiếu sót. Trường hợp đầu tiên là hạ sĩ, tiếp là trung sĩ, sau là thượng sĩ.

Lại nữa đối với thụ trì giới, lập ra 3 người: 1. Có người vì để nuôi sống mà thụ trì cấm giới. 2. Có người vì sinh cõi trời mà thụ trì cấm giới. 3. Có người vì Niết-bàn nên thụ trì cấm giới. Trường hợp đầu tiên là hạ sĩ, tiếp là trung sĩ, sau là thượng sĩ.

Lại nữa đối với thụ trì biệt giải thoát luật nghi nói có 3 người: 1. Có người chỉ có thể thụ trì cận trụ luật nghi. 2. Có người cũng có thể thụ trì cận sự luật nghi. 3. Có người cũng có thể thụ trì Bí-sô luật nghi. Trường hợp đầu tiên là hạ sĩ, tiếp là trung sĩ, sau là thượng sĩ.

Lại nữa đối với thụ trì Bí-sô luật nghi nói có 3 người: 1. Có người chỉ có thể thành tựu thụ cụ túc chi, không thụ tùy pháp các học xứ chi, cũng không tùy hộ tha nhân tâm chi, cũng không tùy hộ như trước đã thụ các học xứ chi. 2. Có người thành 3 chi trước, không có 2 chi sau. 3. Có người đủ thành 4 chi. Trường hợp đầu tiên là hạ sĩ, tiếp là trung sĩ, sau là thượng sĩ.

Lại có 3 người: 1. Có người chỉ thành tựu biệt giải thoát luật nghi. 2. Có người thành biệt giải thoát tĩnh lự luật nghi. 3. Có người thành biệt giải thoát tĩnh lự vô lậu 3 thứ luật nghi.Trường hợp đầu tiên là hạ sĩ, tiếp là trung sĩ, sau là thượng sĩ.

Lại có 3 người: 1. Có người chỉ có thể thành tựu phi luật nghi phi bất luật nghi, nhiếp sở thụ giới luật nghi. 2. Có người cũng có thể thành tựu tương ưng sở thụ luật nghi của Thanh Văn v.v… . 3. Có người cũng có thể thành tựu sở thụ giới luật nghi của Bồ-đề-tát-đỏa . Trường hợp đầu tiên là hạ sĩ, tiếp là trung sĩ, sau là thượng sĩ.

Lại nữa y phương tiện tư duy tu tập lập ra 3 người: 1. Có người chỉ được gắng sức vận chuyển tư duy. 2. Có người vận chuyển có gián đoạn, nếu được không gián đoạn thì phải tạo công dụng mới có thể vận chuyển. 3. Có người đã được thành tựu tư duy một cách tự nhiên. Trường hợp đầu tiên là hạ sĩ, tiếp là trung sĩ, sau là thượng sĩ. Lại căn cứ đã được tu sai biệt nên lập 3 người: 1. Có người đã được nội tâm Xa-ma-tha định, chưa được táng thượng tuệ pháp Tì-bát-xána. 2. Có người đã được tăng thượng tuệ pháp Tì-bát-xá-na, chưa được nội tâm Xa-ma-tha định. 3. Có người được cả 2 thứ. Trường hợp đầu tiên là hạ sĩ, tiếp là trung sĩ, sau là thượng sĩ.

Lại có 3 người: 1. Có người đã được hữu tầm hữu tứ Tam-mađịa. 2. Có người đã được vô tầm, chỉ có tứ Tam-ma-địa. 3. Có người đã được vô tầm vô tứ Tam-ma-địa. Trường hợp đầu tiên là hạ sĩ, tiếp là trung sĩ, sau là thượng sĩ.

Lại y vào trụ tu sai biệt lập ra 3 người: 1. Có người trụ nhiễm ô tĩnh lự. 2. Có người trụ thế gian thanh tịnh tĩnh lự. 3. Có người trụ vô lậu tĩnh lự. Trường hợp đầu tiên là hạ sĩ, tiếp là trung sĩ, sau là thượng sĩ./.

TRỌN BỘ 1 QUYỂN HẾT