LUẬN BIỆN TRUNG BIÊN
Thế Thân Bồ-tát tạo luận
Đường Tam tạng pháp sư Huyền Trang dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN THƯỢNG

Phẩm 1: BIỆN TƯỚNG

Kính lễ tạo luận này,

Thể Thiện Thệ sinh ra.

Và các thầy dạy ta,

Gắng làm rõ nghĩa này.

Trong đây trước tiên thiết lập thể của luận. Tụng nói:

Chỉ tướng, chướng, chân thật,

Và tu các đối trị.

Tức đây tu phần vị,

Được quả vô thượng thừa.

Luận nói: Luận này chỉ nói 7 nghĩa.

  1. Tướng
  2. Chướng
  3. Chân thật
  4. Tu các đối trị
  5. Tu phần vị
  6. Đắc quả
  7. Vô thượng thừa.

Nay trong đây trước tiên nói rõ về tướng.

Tụng nói:

Hư vọng phân biệt có,

Ở đây hai đều không.

Trong đây chỉ có không,

Nơi kia đây cũng có.

Luận nói: Hư vọng phân biệt có, nghĩa là có phân biệt sở thủ năng thủ. Ở đây cả hai đều không, nghĩa là ngay nơi hư vọng phân biệt này vĩnh viễn không có 2 tính sở thủ năng thủ. Trong đây chỉ có không, nghĩa là trong hư vọng phân biệt chỉ có lìa tính không sở thủ và năng thủ. Nơi kia đây cũng có, nghĩa là ngay trong 2 tính không kia cũng chỉ có hư vọng phân biệt này. Nếu ở đây phi hữu do quán kia là không, ngoài ra là phi vô, cho nên thật tri là hữu. Nếu như vậy tức năng vô đảo hiển thị tướng không. Lại tụng nói tiếp:

Nên nói tất cả pháp,

Phi không phi bất không.

Vì có không và có,

Là hợp lý trung đạo.

Luận nói: Tất cả pháp, là các pháp hữu vi và vô vi. Hư vọng phân biệt là hữu vi. Hai thủ tính không là vô vi. Dựa theo lý trước nên nói tất cả pháp này là phi không phi bất không. Do có tính không, hư vọng phân biệt, nên nói phi không. Do tính không sở thủ năng thủ, nên nói phi bất không. Có, là có tính không, hư vọng phân biệt. Không, là không 2 tính sở thủ năng thủ. Và có, là trong hư vọng phân biệt có tính không, và trong tính không, có hư vọng phân biệt. Là hợp lý trung đạo, nghĩa là tất cả pháp chẳng phải hoàn toàn không, cũng chẳng phải hoàn toàn bất không. Diệu lý ấy khế hợp trung đạo, và cũng phù hợp các Kinh Bát-nhã nói tất cả pháp phi không phi hữu.

Như vậy là đã nói rõ hư vọng phân biệt hữu tướng vô tướng. Nay sẽ nói tự tướng này.

Tụng nói:

Thức sinh biến tựa nghĩa,

Hữu tình, ngã và liễu.

Cảnh này thật phi hữu,

Cảnh không, nên thức không.

Luận nói: Biến tựa nghĩa, nghĩa là tựa sắc v.v… các cảnh tính hiện. Biến tựa hữu tình, nghĩa là tựa tự tha thân, 5 căn tính hiện. Biến tựa ngã, nghĩa là nhiễm Mạt-na cùng ngã si hằng tương ưng. Biến tựa liễu, nghĩa là các 6 thức liễu biệt tướng thô. Cảnh này thật phi hữu, nghĩa là tựa nghĩa, tựa căn vì không hành tướng. tựa ngã, tựa liễu vì phi chân hiện, đều phi thật hữu. Cảnh không, nên thức không, nghĩa là nghĩa sở thủ v.v… 4 cảnh là không, nên các thức năng thủ cũng phi thật hữu.

Lại tụng nói:

Tính hư vọng phân biệt

Do nghĩa này được thành.

Phi thật hữu toàn không,

Diệt đây được giải thoát.

Luận nói: Hư vọng phân biệt do nghĩa này nên thành phi thật hữu. Như chỗ hiện khởi phi chân hữu, nên chẳng phải hoàn toàn không, vì trong đó có sinh một ít loạn thức. Vì sao không chấp nhận tính này hoàn toàn không? Vì chấp nhận diệt đây được giải thoát. Nếu khác đây thì trói buộc hay giải thoát đều không. Như vậy thành có lỗi là bác bỏ không có tạp nhiễm và thanh tịnh.

Đã nói rõ tự tướng của hư vọng phân biệt. Nay sẽ nói đến nhiếp tướng này. Chỉ có hư vọng phân biệt như vậy tức có thể đủ nhiếp 3 thứ tự tính. Tụng nói:

Duy sở chấp y tha,

Và tính viên thành thật,

Vì cảnh nên phân biệt,

Và 2 không, nên nói.

Luận nói: Y chỉ cảnh hư vọng phân biệt nên nói có tự tính biến kế sở chấp. Y chỉ tính hư vọng phân biệt nên nói có tự tính y tha khởi. Y chỉ cái tính không sở thủ năng thủ nên nói có tự tính viên thành thật.

Đã nói rõ nhiếp tướng của hư vọng phân biệt. Sẽ nói ngay nơi hư vọng phân biệt nhập vào tướng phương tiện vô tướng.

Tụng nói:

Y thức có sở đắc,

Cảnh không sở đắc sinh,

Y cảnh không sở đắc,

Thức không sở đắc sinh.

Luận nói: Y chỉ duy thức có sở đắc nên trước có nơi cảnh không sở đắc sinh ra. Lại dựa nơi cảnh không sở đắc nên sau có nơi thức không sở đắc sinh ra. Do phương tiện này được nhập vào cái không có tướng sở thủ năng thủ.

Tụng nói tiếp:

Do thức có tính đắc,

Cũng thành không sở đắc,

Nên biết 2 có đắc,

Tính không đắc bình đẳng.

Luận nói: Khi duy thức sinh, hiện tương tự các thứ cảnh hư vọng, nên gọi là có sở đắc. Bởi cảnh sở đắc là không thật tính, cho nên thật tính năng đắc cũng không thành. Do thức năng đắc là không sở đắc nên 2 cái có sở đắc là sở thủ năng thủ đều bình đẳng thành tính không sở đắc.

Đã nói rõ tướng phương tiện nhập hư vọng phân biệt vô tướng. Nay sẽ nói về tướng sai biệt dị môn.

Tụng nói:

Ba cõi tâm tâm sở

Là hư vọng phân biệt.

Chỉ rõ cảnh là tâm,

Còn biệt là tâm sở.

Luận nói: Tướng sai biệt của hư vọng phân biệt, là các tâm tâm sở của cõi Dục Sắc và Vô sắc. Tướng dị môn, nghĩa là chỉ liễu biệt tướng chung của cảnh gọi là tâm. Còn liễu biệt sai biệt như thụ v.v… là các tâm sở pháp. Nay sẽ nói đến tướng sinh khởi này.

Tụng nói:

Một gọi là duyên thức,

Thứ hai là thụ giả.

Trong đây năng thụ dụng,

Phân biệt đẩy tâm sở.

Luận nói: Duyên thức, nghĩa là tàng thức.\, vì nó duyên sinh các thức khác. Tàng thức làm duyên sinh chuyển thức. Nó là chủ mọi thụ dụng, nên gọi là thụ giả. Trong các thức này, thụ thì năng thụ dụng, tưởng thì năng phân biệt, tư, tác ý v.v… là các tương ưng hành. Ba thứ trợ tâm này có thể thúc đẩy các thức, nên gọi là tâm sở.

Tiếp theo sẽ nói về tướng tạp nhiễm. Tụng nói:

Phú chướng và an lập,

Tương đạo, nhiếp viên mãn.

Ba phân biệt thụ dụng,

Dẫn khởi và trói buộc.

Vì hiện tiền quả khổ,

Chỉ đây não thế gian.

Ba hai bảy tạp nhiễm,

Do hư vọng phân biệt.

Luận nói: Phú chướng, nghĩa là do vô minh che khuất lý như thật, chướng ngại việc thấy chân lý. An lập, nghĩa là do các hành gieo trồng các nghiệp và huân tập trong bản thức. Tương đạo, nghĩa là thức hữu thủ dẫn dắt các hữu tình đến nơi sinh xứ. Nhiếp, nghĩa là danh sắc thâu nhiếp trong tự thể của hữu tình. Viên mãn, là 6 nội xứ khiến thể của các hữu tình đầy đủ. Ba phân biệt, nghĩa là xúc có thể phân biệt căn, cảnh, thức 3 thuận 3 thụ. Thụ dụng, là do tiếp thụ sự lãnh nạp 2 cảnh thuận nghịch hoặc phi thuận nghịch. Dẫn khởi, nghĩa là do ái lực khiến nghiệp trước dẫn khởi cái sau. Trói buộc, nghĩa là thủ khiến thức duyên thuận, dục v.v… sinh trói buộc. Hiện tiền, nghĩa là do hữu lực khiến nghiệp đã làm cùng với các quả dị thục hậu hữu được hiện tiền. Khổ quả, là sinh, lão, tử có tính bức bách đáp ứng với nhân trước. Chỉ 12 hữu chi nói đây bức não thế gian khiến không an ổn. Ba tạp nhiễm là: 1. Phiền não tạp nhiễm, là vô minh, ái, thủ. 2. Nghiệp tạp nhiễm, là hành hữu. 3. Sinh tạp nhiếm, là các chi khác. Hai tạp nhiễm là: 1. Nhân tạp nhiễm, tức nghiệp phiền não. 2. Quả tạp nhiễm, là các chi khác. Bảy tạp nhiễm, là 7 thứ nhân: 1. Điên đảo nhân, tức vô minh. 2. Khiên dẫn nhân, tức là hành. 3. Tương đạo nhân, tức là thức. 4. Nhiếp thụ nhân, tức danh, sắc 6 xứ. 5. Thụ dụng nhân, là xúc, thụ. 6. Dẫn khởi nhân, tức ái, thủ, hữu. 7. Yếm bố nhân, tức sinh, lão, tử. Các tạp nhiễm này không cái nào không do hư vọng phân biệt mà được sinh trưởng. Trước đây nói chung hiển thị 9 thứ tướng hư vọng phân biệt: 1. Hữu tướng, 2. Vô tướng, 3. Tự tướng, 4. Nhiếp tướng, 5. Nhập vô tướng phương tiện tướng. 6. Sai biệt tướng, 7. Dị môn tướng, 8. Sinh khởi tướng, 9. Tạp nhiễm tướng.

Như vậy là đã nói rõ về hư vọng phân biệt. Nay sẽ nói đến sở tri không tính.

Tụng nói:

Các tướng và dị môn,

Nghĩa sai biệt thành lập.

Nên biết 2 không tính,

Lược nói chỉ do đây.

Luận nói: Nên biết sở thủ năng thủ, tính nó là không. Lược nói chỉ do 5 tướng này. Tướng của sở tri không tính như thế nào?

Tụng nói:

Không hai, vì có không

Chẳng có cũng chẳng không.

Chẳng khác cũng chẳng một,

Nên nói là tướng không.

Luận nói: Không hai, là không sở thủ năng thủ. Có không, nghĩa là có cái không của 2 thủ. Đây tức hiển thị cái không vô tính làm tính. Cho nên cái tướng không này là phi hữu phi vô. Thế nào là phi hữu vô? Vì hai có. Thế nào là phi vô hữu? Vì hai không. Đây là hiển thị cái tướng không là phi hữu phi vô. Cái không này với hư vọng phân biệt kia chẳng phải khác nhau cũng chẳng phải là một. Nếu khác thì thành ra pháp tính khác với pháp, là trái chính lý. Như tính khổ v.v… Nếu là một thì chẳng phải cảnh của tịnh trí, cũng chẳng phải tướng chung. Đây tức hiển thị cái không với vọng phân biệt lìa tướng một tướng khác.

Thế nào là dị môn của sở tri không tính?

Tụng nói:

Lược nói không dị môn,

Là chân như thật tế.

Tính vô tướng thắng nghĩa,

Nên biết như pháp giới.

Luận nói: Lược nói tính không, có dị môn này. Nên biết thế nào là nghĩa của dị môn.

Tụng nói:

Không biến đổi, không đảo,

Tướng diệt Thánh trí cảnh.

Và các Thánh pháp nhân,

Dị môn nghĩa như thế.

Luận nói: Tức trong đây nói sở tri tính không. Do nghĩa không biến đổi nói là chân như, vì chân tính thường như không chuyển dịch. Do nghĩa vô đảo, nói là thật tế, chẳng phải các điên đảo vì y duyên sự. Do nghĩa tướng diệt, nói là vô tướng, vì trong đây vĩnh tuyệt tất cả tướng. Do nghĩa cảnh của Thánh trí, nói là tính thắng nghĩa, là vì nghĩa sở hành của trí tối thắng. Do nghĩa của nhân Thánh pháp, nói là pháp giới, vì tất cả Thánh pháp duyên đây mà sinh.

Thế nào là nên biết không tính sai biệt? Tụng nói:

Tạp nhiễm thanh tịnh này,

Do hữu cấu vô cấu.

Như thủy giới hoàn toàn,

Không tịnh nên là tịnh.

Luận nói: Không tính sai biệt sơ lược có 2 thứ: một là tạp nhiễm, hai là thanh tịnh. Đây thành nhiễm tịnh do phần vị khác nhau. Nghĩa là hữu cấu vị, nói là tạp nhiễm. Khi xuất ly cấu vị, nói là thanh tịnh. Tuy trước tạp nhiễm sau thành thanh tịnh mà không phải chuyển biến thành mất đi. Như thủy giới v.v… xuất ly khách trần. Không tịnh cũng vậy, không phải tính của nó chuyển biến. Sai biệt của cái không này lại có 16 thứ. Đố là nội không, ngoại không, nội ngoại không, đại không, không không, thắng nghĩa không, hữu vi không, vô vi không, tất cánh không, vô tế không, vô tán không, bản tính không, tướng không, nhất thiết pháp không, vô tính không, vô tính tự tính không.

Làm sao biết sơ lược các nghĩa này?

Tụng nói:

Năng thực và sở thực,

Đều trụ ở nơi thân.

Thấy được như lý này,

Sở cầu 2 tịnh không.

Là thường lợi hữu tình,

Là không bỏ sinh tử,

Là thiện vô cùng tận,

Nên quán đây là không.

Là trồng tính thanh tịnh,

Là được các tướng tốt,

Là tịnh các Phật pháp,

Nên Bồ-tát quán không.

Luận nói: Năng thực không, nghĩa là y nội xứ nói tức là nội không. Sở thực không, nghĩa là y ngoại xứ nói tức là ngoại không. Đây y vào thân, nghĩa là năng thực sở thực đều y chỉ nơi thân. Thân này không, nên gọi là nội ngoại không. Các khí thế gian, nói là chỗ trụ. Cái tướng này rộng lớn, nên gọi là đại. Chỗ trụ là không, nên gọi là đại không. Có thể thấy đây, nghĩa là trí có thể thấy nội xứ v.v…là không. Không trí là không, nên nói là không không. Như lý, nghĩa là thắng nghĩa, tức như thật hành sở quán chân lý. Đây tức không, nên gọi là thắng nghĩa không. Bồ-tát tu hành để được 2 tịnh, tức các thiện pháp hữu vi vô vi. Hai cái này không, nên gọi là hữu vi không và vô vi không. Vì đối với hữu tình thường làm lợi ích mà quán không, nên gọi tất cánh không. Sinh tử dài lâu không có mốc giới ban đầu và sau cùng, quán cái không này, nên gọi là vô tế không. Không quán là không, để rồi nhanh chóng chán bỏ, vì không chán bỏ sinh tử này, nên quán cái sinh tử không biên tế này là không, để tu thiện đến địa vị vô dư y Bát-niết-bàn. Cũng không tán bỏ mà quán không, nên gọi là vô tán không. Chủng tính các Thánh, tự thể vốn có, không phải do tập mà thành, gọi là bản tính. Bồ-tát vì đây để mau được thanh tịnh mà quán không, nên gọi là bản tính không. Bồ-tát để được tướng hảo của Đại sĩ mà quán không, nên gọi là tướng không. Bồ-tát để khiến cho lực, vô úy v.v…tất cả Phật pháp đều được thanh tịnh mà quán cái không này, nên gọi nhất thiết pháp không. Mười bốn thứ không này tùy riêng biệt mà an lập.

Trong đây cái gì gọi là không?

Tụng nói:

Pháp Bổ-đặc-già-la,

Thật tính đều phi hữu.

Vô tính hữu tính này,

Nên biệt lập 2 không.

Luận nói: Bổ-đặc-già-la và pháp thật tính đều phi hữu, nên gọi là vô tính không. Cái vô tính không này chẳng phải vô tự tính. Cái không, lấy vô tính làm tự tính, nên gọi là vô tính tự tính không. Ở trước có nói năng thực không v.v… là hiển thị cái không tướng, biệt lập ra 2 không. Đây là để ngăn chận Bổ-đặc-già-la pháp là tăng ích chấp, không, là tổn giảm chấp. Như thứ tự lập 2 không sau.

Như vậy là đã nói rõ sự sai biệt của không tính. Nên biết đây thành lập nghĩa như thế nào?

Tụng nói:

Đây nếu không tạp nhiễm,

Tất cả phải tự thoát.

Đây nếu không thanh tịnh,

Công dụng phải không quả.

Luận nói: Nếu các pháp không, chưa sinh đối trị, không khách tạp nhiễm, thì tất cả hữu tình không do công dụng phải tự nhiên giải thoát. Nếu đối trị đã sinh, cũng không thanh tịnh thì phải cầu giải thoát, cần lao không có quả vậy.

Tụng nói:

Phi nhiễm, phi bất nhiễm,

Phi tịnh, phi bất tịnh.

Vì tâm tính vốn tịnh,

Do khách trần làm nhiễm.

Luận nói: Thế nào là phi nhiễm phi bất nhiễm? Vì tâm tính vốn tịnh. Thế nào là phi tịnh phi bất tịnh? Vì do khách trần làm nhiễm. Đó gọi là thành lập nghĩa sai biệt của không. Trước đây nghĩa chung của không, có 2 thứ, nghĩa là tướng an lập. Tướng lại có 2, là vô và hữu. Không tính hữu tướng, ly hữu, ly vô, ly dị, ly nhất là tướng của nó. Phải biết an lập tức dị môn v.v…

Phẩm 2: BIỆN CHƯỚNG

Đã nói rõ về tướng. Nay sẽ nói về chướng. Tụng nói:

Đủ phần và một phần,

Tăng thịnh và bình đẳng,

Nơi sinh tử thủ xả,

Nói tướng 2 chủng tính.

Luận nói: Đủ chướng phần chướng, nghĩa là phiền não chướng và sở tri chướng. Trong chủng tính các Bồ-tát, pháp có đủ chướng. Một phần chướng, là phiền não chướng, vì nó là pháp chướng ngại các chủng tính Thanh Văn v.v… Tăng thịnh chướng, là tham v.v… các hành. Bình đẳng chướng, là các phần hành kia. Thủ xả sinh tử có thể chướng ngại chủng tính Bồ-tát để được vô trụ Niết-bàn gọi là có chướng thủ xả đối với sinh tử Niết-bàn. Như vậy 5 chướng tùy theo trường hợp tương ưng nói 2 thứ chủng tính của chướng Bồ-tát và Thanh Văn v.v…

Lại nữa tụng nói:

Chín thứ tướng phiền não,

Là ái …có 9 kết,

Hai chướng trước yếm xả,

Còn 7 chướng kiến chân.

Là năng chướng thân kiến,

Việc kia diệt đạo bảo,

Lợi dưỡng và cung kính …

Vì xa lìa biến tri.

Luận nói: Tướng của phiền não chướng sơ lược có 9 thứ. Đó là ái v.v…9 thứ kết ái kết chướng yếm. Do đó đối với thuận cảnh không thể chán lìa nên sân kết chướng xả. Do đó đối với nghịch cảnh không thể lìa bỏ nên 7 kết chướng khác chân kiến. Đối với 7 biến tri có chướng như sau. Nghĩa là mạn kết có thể chướng ngụy thân kiến biến tri. Khi tu hiện quán ngã mạn hiện khởi có khi gián đoạn có khi không gián đoạn, do thế lực này nên nó không dứt. Vô minh kết có thể chướng thân kiến sự biến tri, do đó không biết các thủ uẩn. Kiến kết có thể chướng diệt đế biến tri, do Tát-ca-da và biên chấp kiến bố úy diệt, do tà kiến báng diệt. Thủ kết có thể chướng đạo đế biến tri, vì lấy các pháp khác làm tịnh. Nghi kết có thể chướng Tam bảo biến tri, do đây không tin thụ công đức Tam bảo. Tật kết có thể chướng lợi dưỡng, cung kính v.v… biến tri, do đây không thấy lỗi lầm của kia. Xan kết có thể chướng viễn ly biến tri, do đây tham trước các phương tiện về đời sống. Lại có chướng khác có thể chướng thiện v.v… 10 thứ tịnh pháp. Tướng nó như thế nào?

Tụng nói:

Không gia hành phi xứ,

Không như lý không sinh,

Không khởi chính tư duy,

Tư lương chưa viên mãn.

Khuyết chủng tính thiện hữu,

Tâm cực mệt tính chán,

Và thiếu nơi chính hạnh,

Thô xấu là đồng cư,

Đảo thô trọng 3 dư,

Bát-nhã chưa thành thục,

Và bản tính thô trọng,

Tính giải đãi phóng dật,

Trước hữu trước tư tài,

Và tâm tính hạ liệt,

Không tin không thắng giải,

Như nói mà nghĩ nghĩa,

Khinh pháp trọng danh lợi,

Không thương xót hữu tình,

Thiếu nghe và ít nghe,

Không tu trị diệu định.

Luận nói: Như vậy là các pháp chướng ngại thiện v.v… Tướng của các thiện bị chướng ngại là như thế nào?

Tụng nói:

Thiện Bồ-đề nhiếp thụ,

Có tuệ, không loạn chướng.

Hồi hướng, không sợ, xan,

Tự tại gọi là thiện v.v…

Luận nói: Như vậy thiện v.v… 10 thứ tịnh pháp, ai trước đã nói có bao nhiêu chướng?

Tụng nói:

Như vậy là 10 thiện v.v…

Đều có 3 chướng trước.

Luận nói: Thiện có 3 chướng: 1. Không gia hành. 2. Phi xứ gia hành. 3. Không như lý gia hành. Bồ-đề có 3 chướng: 1. Không sinh thiện pháp. 2. Không khởi chính tư duy. 3. Tư lương chưa viên mãn. Phát Bồ-đề tâm gọi là nhiếp thụ. Đây có 3 chướng: 1.Khuyết chủng tính. 2. Khuyết thiện hữu. 3. Tâm hết sức mệt mỏi chán nản. Có tuệ, nghĩa là Bồ-tát đối với sự hiểu rõ tính này, có 3 chướng: 1. Khuyết chính hạnh. 2. Cùng ở với người thô bỉ. 3. Cùng ở với người xấu. Trong đây người thô bỉ, là loại ngu si thích hủy hoại người khác cho là người ác. Không loạn, có 3 chướng: 1. Điên đảo thô trọng. 2. Phiền não v.v… trong 3 chướng, tùy một có các tính khác. 3. Có thể thành thục giải thoát tuệ chưa thành thục. Tính chướng đoạn diệt gọi là vô chướng. Đây có 3 chướng: 1. Câu sinh thô trọng. 2. Tính biếng nhác. 3. Tính phóng dật. Hồi hướng có 3 chướng khiến tâm hướng đến những cái khác mà không hướng về vô thượng chính đẳng Bồ-đề: 1. Tham trước các hữu. 2. Tham trước tư tài. 3. Tâm tính thấp kém. Không sợ, có 3 chướng: 1. Không tin trọng Bổ-đặc-già-la. 2. Đối với pháp không thắng giải. 3. Như nói mà suy nghĩ nghĩa. Không xan, có 3 chướng: 1. Không tôn trọng chính pháp. 2. Tôn trọng danh dự, lợi dưỡng, cung kính. 3. Tâm không thương xót đối với các hữu tình. Tự tại có 3 chướng khiến không được tự tại: 1. Thiếu nghe sinh trưởng có thể cảm thiếu pháp nghiệp. 2. Ít nghe. 3. Không tu trị thắng Tamma-địa.

Lại nữa, như vậy các chướng đối với thiện v.v…10 thứ, tùy theo các nghĩa khác mà có 10 năng tác, tức là y theo nghĩa kia nên biết tên này. Mười năng tác là:

  1. Sinh khởi năng tác. Như nhãn v.v… đối với nhãn thức v.v…
  2. An trụ năng tác. Như 4 cách ăn đối với loài hữu tình.
  3. Nhiệm trì năng tác. Nghĩa là tự nhiên như khí thế gian đối với hữu tình thế gian.
  4. Chiếu liễu năng tác. Như ánh sáng đối với các màu sắc.
  5. Biến hoại năng tác. Như lửa v.v…làm chín thức ăn.
  6. Phân ly năng tác. Như cái kiềm có thể cắt đứt các vật.
  7. Chuyển biến năng tác. Như thợ kim hoàn có thể làm vàng thàng các thứ vòng xuyến.
  8. Tín giải năng tác. Như khói v.v… đối với lửa v.v…
  9. Hiển liễu năng tác. Như nguyên nhân đối với tôn chỉ.
  10. Chí đắc năng tác. Như Thánh đạo v.v… đối với Niết-bàn v.v…Y theo nghĩa như vậy nên tụng nói:

Hữu năng có 10 thứ,

Là sinh, trụ, trì, chiếu,

Biến, phân ly, chuyển biến,

Tín giải, hiển, chí đắc.

Như thức nhân thực địa,

Lửa đèn,lưỡi liềm, thợ,

Khói, nguyên nhân,

Thánh đạo,

Với thức mà tạo ra.

Phải biết đối với thiện v.v… các chướng cũng như vậy.

  1. Sinh khởi chướng, là đối với việc thiện các thiện pháp phải sinh khởi.
  2. An trụ chướng, là đối với Bồ-đề thì đại Bồ-đề là không thể động.
  3. Nhiệm trì chướng, là đối với sự nhiếp thụ thì lấy tâm Bồ-đề có thể giữ gìn.
  4. Chiếu liễu chướng, là đối với tuệ thì tuệ tính có thể chiếu soi tỏ rõ.
  5. Biến hoại chướng, là đối với sự không loạn thì chuyển diệt mê loạn, gọi là biến hoại.
  6. Phân ly chướng, nghĩa là đối với sự không chướng ngại, nó lìa sự trói buộc của chướng ngại.
  7. Chuyển biến chướng, nghĩa là đối với sự hồi hướng thì dùng tướng chuyển biến của tâm Bồ-đề.
  8. Tín giải chướng, nghĩa là đối với sự sợ hãi, không tin hiểu, thì có sợ hãi.
  9. Hiện liễu chướng, nghĩa là đối với sự không keo kiệt, đối với sự không keo kiệt giáo pháp, làm cho người khác được hiểu rõ.
  10. Chí đắc chướng, nghĩa là đối với sự tự tại thì đây là tướng có thể được tự tại.

Về nghĩa tuần tự của 10 pháp sở chướng là muốn chứng vô thượng Bồ-đề, trước phải sinh khởi thắng thiện căn. Sức của thắng thiện căn gìn giữ nên ắt được an trụ vô thượng Bồ-đề. Để thiện căn được tăng trưởng tiếp đến phải phát khởi tâm đại Bồ-đề. Tâm Bồ-đề này với tính Bồ-tát làm chỗ y chỉ. Như vậy Bồ-tát do đã phát khởi tâm đại Bồ-đề và được sức của thắng thiện căn duy trì nên đoạn các loạn đảo khởi vô loạn đảo. Do không loạn đảo trong kiến đạo, tiếp đến tu đạo đoạn tất cả chướng. Đã đoạn chướng rồi, đem các thiện căn hồi hướng vô thượng chính đẳng Bồ-đề. Do sức hồi hướng duy trì nên đối với pháp sâu rộng không sinh sợ hãi và thấy công đức vượt trội của pháp ấy, có thể vì người khác khai thị giảng nói rộng rãi. Bồ-tát được các thứ sức công đức giữ gìn nên mau chứng vô thượng chính đẳng Bồ-đề. Đối với các pháp đều được tự tại. Đó gọi là 10 nghĩa tuần tự của thiện v.v…

Tuy các pháp thiện v.v… tức giác phần của Ba-la-mật-đa, nhưng công đức của các địa có chung và riêng khác nhau. Nay sẽ nói rõ các chướng sai biệt của Bồ-đề phần kia.

Tụng nói:

Giác phần độ các địa,

Phải biết có chướng riêng.

Luận nói: Lại nữa nơi giác phần Ba-la-mật-đa, công đức của các địa đều có chướng riêng. Nơi Bồ-đề phần có chướng riêng là:

Tụng nói:

Với sự không khéo léo,

Biếng nhác định giảm hai.

Không trồng tính yếu kém,

Thấy lỗi lầm thô nặng.

Luận nói: Trong 4 niệm trụ có chướng là đối với các việc không khéo léo. Trong 4 chính đoạn có chướng biếng nhác. Trong 4 thần túc có chướng làm giảm 2 việc Tam-ma-địa, một là đối với viên mãn dục cần tâm quán, tùy giảm một, hai là đối với trong tu tập 8 đoạn hành, tùy giảm một. Trong 5 căn có chướng là không trồng viên mãn thuận giải thoát phần thắng thiện căn. Trong 5 lực có chướng là tính yếu kém. Nghĩa là 5 căn do chướng xen tạp trong đó có tính yếu kém. Trong 7 đẳng giác chi có chướng là sai lầm trong cái thấy. Đây là kiến đạo hiển thị. Trong 8 chi Thánh đạo có chướng là sai lầm thô trọng. Đây là tu đạo hiển thị.

Trong đáo bỉ ngạn có chướng riêng là:

Tụng nói:

Chướng phú quý nẻo thiện,

Chẳng bỏ các hữu tình,

Với mất đức giảm tăng,

Khiến nẻo vào giải thoát.

Nào chướng thí … các thiện,

Vô tận cũng vô gián,

Sở tác thiện quyết định,

Thụ dụng pháp thành thục.

Luận nói: Đây nói sự chướng ngại của việc đắc quả 10 thứ Bala-mật-đa để cho thấy rõ cái chướng của tự tính 10 thứ Ba-la-mật-đa. Nghĩa là đối với bố thí Ba-la-mật-đa thì nói cái chướng giàu sang tự tại. Đối với tịnh giới Ba-la-mật-đa thì nói cái chướng nẻo thiện. Đối với an nhẫn Ba-la-mật-đa thì nói cái chướng không bỏ hữu tình. Đối với tinh tiến Ba-la-mật-đa thì nói cái chướng giảm tội lỗi tăng công đức. Đối với tính lự Ba-la-mật-đa thì nói chướng cái pháp khiến người được hóa độ hướng vào. Đối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa thì nói cái chướng giải thoát. Đối với phương tiện thiện xảo Ba-la-mật-đa thì nói cái chướng thí v.v… các thiện vô cùng tận. Do đây hồi hướng vô thượng Bồ-đề, khiến thí v.v… các thiện là vô cùng tận. Đối với nguyện Ba-la-mật-đa thì nói cái chướng trong tất cả thụ sinh, thiện chuyển bién không ngừng. Do sức đại nguyện nhiếp thụ có thể thuận thiện pháp sinh. Đối với lực Ba-la-mật-đa thì nói cái chướng chỗ tác thiện được quyết định. Do sức tư trạch và sức tu tập có thể đè bẹp chướng kia chứ không phải kia bị đè bẹp. Đối với trí Ba-la-mật-đa thì nói cái chướng thành thục pháp tự tha thụ dụng. Không như nghe nói mà hiểu nghĩa.

Trong công đức các địa có chướng riêng là:

Tụng nói:

Biến hành cùng tối thắng,

Thắng lưu và vô nhiếp,

Liên tục không sai khác,

Không tạp nhiễm thanh tịnh.

Các pháp không sai khác

Và không tăng không giảm

Và cũng không phân biệt

Bốn tự tại y nghĩa.

Nơi 10 pháp giới đây

Có không nhiễm, vô minh

Chướng công đức 10 địa

Nên gọi là 10 chướng.

Luận nói: Trong biến hành 10 pháp giới có chướng bất nhiễm vô tri. Công đức của 10 địa theo thứ tự lập ra chướng 10 địa. Nghĩa là pháp giới chứng trong sơ địa gọi là biến hành. Nghĩa là do thông đạt chứng này được pháp tính tự tha bình đẳng. Pháp giới chứng trong địa thứ 2 gọi là tối thắng. Nghĩa là do thông đạt chứng này mà suy nghĩ như vầy: Ta nay đồng xuất ly, nên phải tương ưng tu trị tất cả hành, gọi là siêng tu tương ưng xuất ly. Pháp giới chứng trong địa thứ 3 gọi là thắng lưu. Nghĩa là do thông đạt đây, biết chỗ nghe pháp là pháp giới thanh tịnh tối thắng đẳng lưu. Để cầu pháp này, dẫu có hầm lửa to lớn đến 3 ngàn đại thiên thế giới gieo mình xuống mà được, cũng không cho là khó. Pháp giới chứng trong địa thứ 4 gọi là vô nhiếp. Nghĩa là do thông đạt đây, cho đến pháp ái cũng đều chuyển diệt. Pháp giới chứng trong địa thứ 5 gọi là tương tục không sai biệt. Nghĩa là do thông đạt đây, được 10 ý lạc tịnh tâm bình đẳng. Pháp giới chứng trong địa thứ 6 gọi là không tạp nhiễm không thanh tịnh. Nghĩa là do thông đạt đây, biết pháp duyên khởi là không nhiễm không tịnh. Pháp giới chứng trong địa thứ 7 gọi là các pháp không sai biệt. Nghĩa là do thông đạt đây, biết pháp là vô tướng bất hành trong các thứ pháp tướng của khế kinh. Pháp giới chứng trong địa thứ 8 gọi là không tăng không giảm. Nghĩa là do thông đạt đây, viên mãn chứng đắc vô sinh pháp nhẫn, trong các pháp thanh tịnh tạp nhiễm không thấy một pháp có tăng có giảm. Có 4 tự tại: 1.Vô phân biệt tự tại. 2.Tịnh độ tựi tại. 3.Trí tự tại. 4.Nghiệp tự tại. Pháp giới làm chỗ sở y của 4 thứ này, nên có nghĩa là 4 tự tại sở y chỉ. Trong địa thứ 8 chỉ có thể thông đạt 2 nghĩa đầu của tự tại sở y chỉ. Trong địa thứ 9

cũng có thể thông đạt nghĩa của trí tự tại sở y, vì viên mãn chứng đắc vô ngại giải. Trong địa thứ 10 lại có thể thông đạt nghĩa của nghiệp tự tại sở y, vì ý muốn hóa độ có thể làm các việc lợi lạc hữu tình.

Tụng nói:

Đã nói các phiền não,

Và các chướng sở tri,

Hết 2 cái này thì

Giải thoát tất cả chướng.

Luận nói: Do 2 thứ này bao gồm tất cả chướng. Khi hai thứ này hết thì giải thoát tất cả chướng. Nghĩa chung trong chương trước là có 11 thứ: 1.Quảng đại chướng, nghĩa là đủ phần chướng. 2.Hiệp tiểu chướng, nghĩa là một phần chướng. 3.Gia hành chướng, nghĩa là tăng thịnh chướng. 4.Chí đắc chướng, nghĩa là bình đẳng chướng. 5.Thù thắng chướng, nghĩa là thủ xả sinh tử chướng. 6.Chính gia hành chướng, nghĩa là 9 phiền não chướng. 7.Nhân chướng, nghĩa là hay làm chướng ngại 10 thiện. 8.Nhập chân thật chướng, nghĩa là giác phần chướng. 9.Vô thượng tịnh chướng, nghĩa là đáo bỉ ngạn chướng. 10.Sai biệt thú chướng này, nghĩa là chướng 10 địa. 11.Nhiếp chướng, nghĩa là sơ lược có 2 chướng.

QUYỂN THƯỢNG HẾT

Trang: 1 2 3