KINH ĐẠI PHƯƠNG ĐẲNG ĐẠI TẬP HIỀN HỘ
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Xà-na-quật-đa, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 16: GIÁC NGỘ

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ-tát Hiền Hộ:

–Này Hiền Hộ! Ta nhớ vào thuở xa xưa, trải qua nhiều vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, có Phật xuất hiện ở đời hiệu là Tát-già-na-ma Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác, đầy đủ mười tôn hiệu. Sau khi Phật nhập diệt, có Tỳ-kheo tên là Hòa Luân khen ngợi giảng nói rộng rãi kinh nói về Tam-muội ấy. Vào thời đó, ta làm vua tại một nước lớn, một lòng mong cầu Tam-muội vi diệu này, nên ngay trong giấc mộng, nghe có tiếng bảo: “Đây là nơi có Tam-muội này.” Tỉnh giấc rồi, liền đích thân đến chỗ thầy Tỳ-kheo để mong cầu Tam-muội. Nhân đó thưa Pháp sư, xin cạo tóc xuất gia. Vì mong cầu nên đã lắng nghe và lãnh thọ Tam-muội ấy, ta tự mình hầu hạ Pháp sư Hòa Luân, trải qua hơn ba vạn sáu ngàn năm bị ma vương ngăn che, hoàn toàn không nghe được.

Khi ấy, Phật lại bảo các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưubà-di:

–Ta nay nói với các vị: Các vị hãy mau lắng nghe, ghi nhận Tam-muội vua này, không được chậm trễ, cũng không được quên mất, khéo phụng sự Pháp sư cho tốt, chớ để sơ sót, mong cầu Tammuội này, lấy sự chứng đắc làm kỳ hẹn dù trải qua một kiếp cho đến trăm ngàn kiếp nếu không lười biếng thì không thể không chứng đắc.

Này Hiền Hộ! Người nào nhất tâm mong cầu Tam-muội này, luôn theo bên thầy, không được xa lìa, nên bày sự cúng dường như thuốc thang, thức ăn uống, y phục, giường, đồ ngồi và các thứ vật dụng cùng tất cả vàng, bạc, châu báu. Phàm các thứ vật dụng riêng tư đều dâng lên thầy, không có luyến tiếc, coi như mình không cầu xin mà được, hãy hướng đến Tam-muội đừng sinh lòng chán mệt.

Này Hiền Hộ! Hãy gác lại các việc cúng dường ấy. Phàm người mong cầu pháp, đối với thầy có thể tự cắt thân mình, da thịt, tay chân để cúng dường. Nếu thầy cần cả thân mạng cũng không luyến tiếc, huống gì là các vật bên ngoài mà không lo đủ cho thầy được sao!

Này Hiền Hộ! Người mong cầu pháp phải phụng sự Pháp sư phải tùy ý thuận theo các việc như vậy. Phải hầu hạ thầy như người ở theo hầu chủ, như bề tôi đối với vua. Như vậy, người này mới mau được Tam-muội, được Tam-muội rồi nên ghi nhớ, lãnh thọ, thường nhớ nghĩ đến ân thầy để luôn báo đáp.

Này Hiền Hộ! Tam-muội này quý báu không dễ được nghe. Có người hơn trăm ngàn kiếp chỉ mong cầu nghe tên còn không được, huống gì là nghe rồi ghi chép, đọc tụng, lãnh thọ, phân biệt giảng nói, truyền lại cho mọi người.

Này Hiền Hộ! Giả sử có người đem châu báu chứa đầy trong hằng hà sa số thế giới của chư Phật để bố thí, phước đức người đó tuy nhiều nhưng vẫn không bằng người được nghe tên Tam-muội, ghi chép một bài kệ, công đức này là không thể lường.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn làm rõ lại nghĩ này nên nói kệ:

Ta nhớ vô lượng thời quá khứ
Lâu dài hơn cả sáu ngàn năm
Thường theo Pháp sư không tạm rời
Lúc đầu không nghe tên Tam-muội.
Có Phật danh hiệu là Chí Thành
Khi ấy có Tỳ-kheo Hòa Luân
Sau khi Đức Thế Tôn diệt độ
Tỳ-kheo ấy giảng Tam-muội này.
Lúc đó ta là vua thiên hạ
Nghe trong mộng chỉ chỗ Tam-muội
Tỳ-kheo Hòa Luân thường diễn nói
Vua nghe và nhận Tam-muội này.
Tỉnh mộng ta vội đi tìm kiếm
Đến chỗ Tỳ-kheo cầu Tam-muội
Bỏ ngôi vua để đi xuất gia
Cung kính cúng dường không tạm nghỉ.
Trải qua bảy vạn sáu ngàn năm
Chỉ nguyện được gặp người giảng nói
Nhưng cứ bị thiên ma quấy nhiễu
Nên hoàn toàn chưa một lần nghe.
Thế nên Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni
Các Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di
Được Phật khuyên dạy các điều này
Nên tìm Tam-muội mà lãnh thọ.
Cung kính hầu hạ vị pháp sư
Dẫu trải một kiếp và nhiều kiếp
Dâng cúng vật dụng, thuốc, thức ăn
Cầu nghe cho được Tam-muội này.
Lại đem vô số các y phục
Giường, tòa, đèn đuốc và châu báu
Tinh tấn như vậy không mệt mỏi
Để nghe Tam-muội vi diệu này.
Nên dâng vật Tỳ-kheo không có
Cho đến thân mạng cũng không màng
Huống là vật khác lại nuối tiếc
Như vậy người cầu được Tam-muội.
Thọ ân nên nghĩ báo đáp ân
Kẻ trí nghe rồi nên giảng nói
Na-do-tha ức kiếp siêng cầu
Mới được nghe Tam-muội vi diệu.
Giả sử thế giới như hằng sa
Chứa đầy châu báu đem cúng dường
Với Tam-muội nói một câu kệ
Công đức người này hơn người kia.
Người giảng nói chỉ một câu kệ
Quá hơn các na-do-tha kiếp
Huống nghe rồi có thể lưu truyền
Công đức người này không thể nói.
Nếu người ưa thực hành Bồ-đề
Mong cầu pháp nên làm tất cả
Nghe rồi an trú trong định này
Ắt có thể thành đạo Vô thượng.