KINH ĐẠI PHƯƠNG ĐẲNG ĐẠI TẬP HIỀN HỘ
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Xà-na-quật-đa, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 12: THÂM DIỆU

Bấy giờ, Bồ-tát Hiền Hộ lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Làm thế nào suy nghĩ về Tam-muội này?

Phật bảo:

–Này Hiền Hộ! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào muốn suy nghĩ về Tam-muội này thì khi xem sắc không nên cố chấp tham giữ, đối với âm thanh không nên cố chấp tham giữ, đối với hương không nên cố chấp tham giữ, đối với vị không nên cố chấp tham giữ, đối với xúc kia không nên cố chấp tham giữ, đối với các pháp không nên cố chấp tham giữ, đối với đời sống không nên cố chấp tham giữ, đối với tất cả nơi chốn không nên cố chấp tham giữ, đối với pháp này nên phát sinh hạnh đại Từ chân thật. Ở đây những gì được gọi là Tam-muội? Nghĩa là đối với tất cả các pháp nên thực hành đúng pháp. Bồ-tát nào khi xem xét bốn Niệm xứ, nên xem như vầy: Khi xem xét kỹ hành động của thân thì hoàn toàn không phân biệt, không thấy nơi thân hành; xem xét hành động của thọ cũng không phân biệt, không thấy nơi thọ hành; xem xét hành động của tâm cũng không phân biệt, không thấy nơi tâm hành; xem xét hành động của pháp cũng không phân biệt, không thấy chỗ pháp hành. Bồ-tát nên xem xét suy nghĩ về Tammuội như vậy. Vì sao?

Này Hiền Hộ! Vì Bồ-tát khi xét xem thân hành, đối với thân không khởi sự suy nghĩ phân biệt; khi xem xét thọ hành, đối với thọ không khởi sự suy nghĩ phân biệt; khi xem xét tâm hành, đối với tâm không khởi sự suy nghĩ phân biệt; khi xem xét pháp hành, đối với pháp không khởi sự suy nghĩ phân biệt. Vì sao? Vì tất cả pháp là không thể nắm bắt. Tất cả các pháp đã không thể nắm bắt thì làm sao có thể phân biệt suy nghĩ?

Này Hiền Hộ! Thế nên, tất cả các pháp không có phân biệt, không phân biệt là không có tư duy, không có tư duy thì nên biết trong đó không có pháp để thấy.

Này Hiền Hộ! Không thể thấy nên là vô ngại. Nơi tất cả pháp mà không chướng ngại tức là Tam-muội Hiện Tiền của Bồ-tát. Bồ-tát thành tựu Tam-muội này liền thấy được vô lượng vô số a-tăng-kỳ chư Phật Thế Tôn giảng nói, đều có thể lắng nghe, nghe pháp rồi đều có thể nhận giữ đối với chư Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác kia với tất cả giải thoát, giải thoát tri kiến vô ngại, tức cũng có thể được Trí vô ngại đó.

Lại nữa, này Hiền Hộ! Khi Bồ-tát quan sát bốn Niệm xứ, không pháp có thể thấy, không âm thanh có thể nghe, không thấy, không nghe nên không có pháp để có thể phân biệt, cũng không có pháp để có thể suy nghĩ, mà cũng chẳng phải là hạng điếc, mù, chỉ vì các pháp là không thể thấy. Vì thế, khi xem xét không tham đắm mà thấy các đạo, mà suy nghĩ về đạo, tức là đối với các pháp không có lưới nghi ngờ. Vì không có lưới nghi ngờ nên thấy chư Như Lai, thấy Như Lai nên xa lìa hẳn mê ầm, không mê lầm nên biết tất cả pháp là hoàn toàn không thể thấy. Vì sao? Vì Bồ-tát nếu có sự thấy biết như vậy thì ôm giữ cái thấy đó, ôm giữ cái thấy đó nên cố giữ pháp tướng, ôm pháp tướng nên ôm giữ sự nghiệp, ôm giữ sự nghiệp nên thấy chúng sinh, thấy chúng sinh nên thấy có sự sống, thấy sự sống nên thấy có người, thấy có người nên thấy có các ấm, thấy có các ấm nên thấy các nhập, thấy các nhập nên thấy có các giới, thấy các giới nên thấy có các tướng, thấy các tướng nên thấy có các vật, thấy các vật nên thấy có các nhân, thấy các nhân nên lại thấy có các duyên, do thấy duyên nên liền mong cầu chấp giữ, do mong cầu chấp giữ nên có sự sinh. Vì sao?

Này Hiền Hộ! Vì tất cả các pháp hoàn toàn không thể nắm giữ, không thể nắm giữ nên Bồ-tát đối với tất cả các pháp kia không nghĩ, không nhớ, không thấy, không nghe.

Này Hiền Hộ! Hoàn toàn không giống như ngoại đạo hoặc đệ tử của ngoại đạo, cứ chấp giữ về người và về ngã kiến thấy như vậy.

Này Hiền Hộ! Bồ-tát hoàn toàn không thấy như vậy. Thấy như thế nào? Nghĩa là cái thấy của Bồ-tát giống như Như Lai, thấy nó hoàn toàn không thoái chuyển. Bồ-tát thấy như Bích-chi-phật thấy, như A-la-hán thấy. Bồ-tát nên thấy như vậy. Thấy như vậy nên không nhớ, không nghĩ, không thấy, không nghe, do không nhớ, nghĩ, thấy, nghe nên diệt hết các nghĩ tưởng không đúng, nên đạt được sự suy nghĩ về Tam-muội này.

Lại nữa, này Hiền Hộ! Ví như hư không vốn không có hình sắc, không thể xem thấy, không có ngăn ngại, không chỗ nương tựa, không có chỗ để trụ, trong sạch không nhiễm cũng không cấu uế. Các hàng Bồ-tát thấy tất cả các pháp cũng lại như vậy. Nghĩa là đối với tất cả pháp hữu vi, vô vi không có chỗ chướng ngại, cho đến cũng không có nơi chốn. Mắt trong sáng không có ngăn ngại nên tất cả các pháp tự nhiên hiện ra. Khi các Bồ-tát suy nghĩ như vậy liền thấy nơi ở của chư Phật trang nghiêm giống như xe vàng, đầy đủ oai nghi, giống như trăm ngàn ánh sáng rực rỡ chiếu soi, như ánh trăng rằm mùa thu, các ngôi sao vây quanh, như vua Chuyển luân, quân binh hùng mạnh, như trời Đế Thích, bốn quan trụ cột tôn quý, như Đại phạm vương, ngự tòa của chư Thiên, giống như sư tử chúa oai lực điều phục các loài thú, như thiên nga xinh đẹp bay giữa hư không, như núi chúa Tu-di đứng vững trong biển lớn, như núi Tuyết lớn sinh ra các thứ thuốc hay, như núi Thiết vi ngăn chận gió mạnh, như nước ở trên đại địa, như luồng gió lớn làm sạch hư không, như cung trời tráng lệ trên đỉnh núi Tu-di.

Này Hiền Hộ! Chư Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác dùng ánh sáng trí đức chiếu tỏ tất cả tam thiên đại thiên thế giới của chư Phật, việc ấy cũng như vậy.

Này Hiền Hộ! Chư Bồ-tát ở trong chánh quán lại phải suy nghĩ: “Lời giảng nói của các Như Lai xưa ta đã lắng nghe, nghe rồi lại phải đọc tụng, thọ trì, tu hành.” Suy nghĩ như vậy, nên khi ra khỏi Tammuội cứ theo như những pháp được nghe từ trong định, suy nghĩ về nghĩa lý mà giảng thuyết cho người.

Hiền Hộ nên biết! Tam-muội vua này làm lợi ích cho các Bồ-tát tức có thể tích tụ các công đức, đó là tất cả các pháp thế gian và xuất thế gian.

Này Hiền Hộ! Do đó, nếu có thiện nam, thiện nữ nào theo mong cầu chứng quả Bồ-đề vô thượng thì nên lắng nghe Tam-muội này, nghe rồi ghi chép, đọc tụng, thọ trì, tu tập, suy nghĩ, giảng thuyết rộng cho mọi người, làm cho pháp rất tốt đẹp ấy lưu truyền khắp thế gian.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì muốn làm rõ lại nghĩa này, nên nói kệ:

Chư Phật thanh tịnh, lìa cấu uế
Công đức sâu rộng thật vô biên
Các âm thanh khua chuông, đánh trống
Vạn thứ đều đem dâng cúng dường.
Rưới khắp các loại hương thơm nhất
Vòng hoa, lọng báu tốt đẹp nhất
Đốt đèn cúng dường các tháp miếu
Tất cả đều cầu Tam-muội này.
Pháp Phật sâu xa khó thể gặp
Chỉ pháp thế gian cho người biết
Như tự tánh ban đầu không đổi
Ông nên thuận theo trí vô ngại.
Như mặt trời, trăng lúc mới mọc
Đế Thích giúp trời ba mươi hai
Khắp các vật báu và trang nghiêm
Mong cầu Tam-muội cũng như vậy.
Như Phạm thiên ở giữa Phạm chúng
Đủ công đức oai nghi tịch tĩnh
Dũng mãnh tinh tấn không nói hết
Mong cầu Tam-muội cũng như vậy.
Lại như thầy thuốc ở thế gian
Cho người bệnh các thứ thuốc hay
Tâm trong sạch thuận theo chư Phật
Ban đầu chưa lìa bản tánh không.
Ví như núi Tuyết các núi chúa
Sáng rực rỡ như Chuyển luân vương
Như xe báu trang nghiêm tốt đẹp
Thấy chư Phật các tướng viên mãn.
Lại như ngỗng trời trắng một màu
Bay lượn trên không, không chướng ngại
Thân màu vàng của Phật cũng vậy
Đệ tử Thế Tôn nghĩ như thế
Đèn trí sáng Tam-muội không nhơ
Hay phá trừ bóng tối vô minh
Đoạn dứt tất cả các tưởng vật
Nhớ trí chư Phật sáng vô ngại.
Diệt trừ các nhơ không sân giận
Bậc trí tốt diệt hết vô minh
Không phân biệt mình và người khác
Hoàn toàn không có các sắc tướng.
Không nghi hoặc, phát sinh trí sáng
Có thể đoạn các hữu kiến ấy
Cũng diệt hết các tưởng, ấm, giới
Nghe pháp trừ não được an vui.
Tỳ-kheo, các Phật tử nên biết
Và các Tỳ-kheo-ni thanh tịnh
Các Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di
Hãy luôn nhớ đến Tam-muội này.