KINH ĐẠI PHƯƠNG ĐẲNG ĐẠI TẬP HIỀN HỘ
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Xà-na-quật-đa, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 9: ĐEM LỢI ÍCH CHO NGƯỜI

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo Bồ-tát Hiền Hộ:

–Này Hiền Hộ! Ta nhớ vào thời quá khứ, hơn vô lượng a-tăngkỳ kiếp, khi ấy, có Đức Phật xuất hiện ở đời hiệu là Vô Úy Vương gồm đủ mười tôn hiệu Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Vào thời ấy, có con trưởng giả tên Tu-đạt-đa, cùng với hai vạn người đồng đến chỗ Phật Vô Úy Vương, đến nơi đảnh lễ dưới chân Phật, lễ bái xong ngồi qua một bên.

Khi ấy, Tu-đạt-đa liền thưa với Như Lai Vô Úy Vương thỉnh Phật giảng rộng về nghĩa sâu xa của Tam-muội ấy.

Này Hiền Hộ! Bấy giờ, Như Lai Vô Úy Vương Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác kia biết con trưởng giả có lòng tin sâu xa, ưa muốn nghe Tam-muội này, liền thuận theo lời thỉnh mà diễn giải.

Này Hiền Hộ! Khi ấy, Tu-đạt-đa ở chỗ Đức Phật kia, nghe được Tam-muội rồi, đọc tụng, nhận giữ, suy nghĩ về nghĩa lý, thực hành theo như lời giảng. Khi tu hành rồi thì từ giả nhà xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mặc ca-sa, trở lại vui trụ trong chánh pháp của Như Lai Vô Úy Vương kia, trải qua tám vạn năm suy nghĩ nhận lãnh giữ gìn Tammuội này.

Lại nữa, ở chỗ Đức Như Lai Vô Úy Vương, vị ấy nghe được tất cả các pháp và đều nhận lãnh giữ gìn, sau này lại qua chỗ các Như Lai khác, lại được nghe giảng thuyết các giáo pháp, lại cũng đều lãnh nhận giữ gìn, ở chỗ chư Phật luôn gieo trồng các căn lành, cho nên thành tựu căn lành không nghĩ bàn. Sau đó, xả bỏ thân mạng, được sinh lên cõi trời Tam thập tam, thọ hưởng phước báo. Ở trong kiếp ấy, lại được gặp Đức Như Lai thứ hai, Đức Như Lai này sinh từ dòng Sát-lợi, xuất gia, thành đạo, hiệu là Điện Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác. Vị ấy ở trong giáo pháp của Như Lai Điện Đức xuất gia tu hành, trải qua tám vạn bốn ngàn năm trở lại suy nghĩ về Tam-muội này, rồi lại gặp Như Lai thứ ba. Đức Phật thứ ba này thọ sinh trong nhà Bà-la-môn, xuất gia, thành đạo, hiệu là Quang Vương Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác. Vị ấy lại ở chỗ Đức Như Lai này xuất gia tu hành, cũng trải qua tám vạn bốn ngàn năm luôn suy nghĩ về nghĩa lý nơi Tam-muội này.

Này Hiền Hộ! Khi ấy, con trưởng giả là Tu-đạt-đa kia từ đó trở về sau, hơn trăm kiếp mới thành tựu được đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Hiền Hộ! Ông nên biết: Con trưởng giả là Tu-đạt-đa khi ấy đâu phải là người nào khác, chính là Đức Phật Nhiên Đăng Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác vào thời quá khứ.

Này Hiền Hộ! Vì thế nên biết: Con của trưởng giả là Tu-đạt-đa kia, do ưa thích giáo pháp này, lại có hạnh mong cầu chánh pháp, nên mau thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lại nữa, này Hiền Hộ! Nay ông nên xem xét Tam-muội vua này. Vì các Bồ-tát và các hàng chúng sinh, vì phải tạo biết bao nhiêu lợi ích rộng lớn, để đạt được quả vị trí tuệ của tất cả chư Phật, lại có thể ghi nhận tất cả biển học mênh mông của chư Phật.

Này Hiền Hộ! Vì thế các ông nên chuyên cần mong cầu Tammuội này, thường ưa lắng nghe, đọc tụng, thọ trì, tư duy, tu hành, đã lắng nghe, ghi nhận rồi lại phải vì người khác đọc tụng, thọ trì, giải thích nghĩa lý làm cho họ siêng năng mong cầu được nghe, ghi nhận, nghĩ nhớ đúng đắn, thực hành đúng theo lời dạy. Vì sao?

Này Hiền Hộ! Vì nếu có thể siêng năng mong cầu, đọc tụng, nhận giữ, nhớ nghĩ đúng đắn để tu hành, rồi giảng nói, lưu truyền rộng khắp Tam-muội này, tất không bao lâu sẽ chứng được trí của chư Phật, trí của chư Như Lai, trí đại tự tại, trí không thể nghĩ bàn, trí không thể ca ngợi, trí không gì sánh bằng, trí Nhất thiết trí cho đến chứng được trí không đồng với các người khác.

Này Hiền Hộ! Nếu người nào có khả năng giảng nói trọn vẹn thì phải nói thật như thế này: Tam-muội này tức là mắt của tất cả Bồtát, cha của các Bồ-tát, mẹ của các Bồ-tát, có thể ban cho tất cả các hàng Bồ-tát trí của chư Phật. Người nói như vậy là nói đúng thời, nói trọn vẹn về Tam-muội ấy.

Này Hiền Hộ! Nếu các người nam hay người nữ nào có thể nói cho đúng thời thì phải nói chân thật như thế này: Tam-muội này tức là tánh của Phật, là tánh của pháp, là tánh của Tăng, là Phật địa, là biển rộng của sự học, là kho tàng vô tận về hạnh Đầu-đà, là kho tàng vô tận về công đức Đầu-đà, là kho tàng vô tận về công đức của chư Phật, là kho tàng vô tận sinh ra nhẫn sâu xa, sinh ra đại Từ, sinh ra đại Bi, sinh ra Bồ-đề.

Này Hiền Hộ! Đó là vị ấy nói đúng thời khi giảng thuyết về Tam-muội này.

Này Hiền Hộ! Nếu người nào có thể khi giảng thuyết về Tammuội này, phải nói đúng như vầy: Tam-muội vua này có thể phá tan tất cả sự đen tối của các pháp ác, có thể tạo nên tất cả ánh sáng của pháp lớn.

Này Hiền Hộ! Đó là người có thể giảng thuyết đúng về Tammuội.

Này Hiền Hộ! Ông nên xét xem Tam-muội Niệm Phật hiện tiền của Bồ-tát này để làm lợi ích lớn cho các chúng sinh, cho đến tất cả hàng Bồ-tát trụ ở cõi nước này, được thấy chư Phật Thế Tôn ở tất cả thế giới khắp mười phương, được đến chỗ của chư Phật, cung kính, lễ bái, lắng nghe chánh pháp, cúng dường chúng Tăng mà không có sự tham chấp.

Này Hiền Hộ! Do nghĩa này nên các hàng Bồ-tát nếu muốn

thành tựu Tam-muội vua này thì phải chuyên tâm siêng năng tinh tấn, xem xét đến bốn Niệm xứ. Này Hiền Hộ! Thế nào là Bồ-tát xem xét bốn Niệm xứ?

Này Hiền Hộ! Đại Bồ-tát thường nên chuyên tâm xem xét thân hành, hoàn toàn không thấy tất cả các thân, thường nên chuyên tâm xem xét thọ hành, cũng không thấy tất cả các thọ, thường nên chuyên tâm xem xét tâm hành, cũng không thấy tất cả các tâm, thường nên chuyên tâm xem xét pháp hành, cũng không thấy tất cả các pháp.

Này Hiền Hộ! Các việc này ai có thể tin? Chỉ có bậc A-la-hán đoạn tận các phiền não và các hàng Bồ-tát bất thoái chuyển.

Này Hiền Hộ! Ở đây tất cả hàng phàm phu, đối với Tam-muội Niệm Phật hiện tiền, thường phải suy nghĩ về chư Phật Thế Tôn mà không được sinh tâm tham đắm, lại cũng suy nghĩ về chư Phật Thế Tôn, giảng nói pháp này, cũng không tham đắm, lại cũng suy nghĩ về pháp đã nghe, tất cả việc làm đó đều không tham đắm. Vì sao?

Này Hiền Hộ! Vì các pháp đều không, xưa nay không sinh.

Này Hiền Hộ! Các pháp không thể nhớ nghĩ vì không có chỗ để nhớ nghĩ.

Này Hiền Hộ! Các pháp là xa lìa, vì cắt đứt mọi tưởng của tâm.

Này Hiền Hộ! Các pháp không thể nắm giữ, vì chân như không thể chứng đắc.

Này Hiền Hộ! Các pháp không nhiễm vì giống như hư không.

Này Hiền Hộ! Các pháp thanh tịnh vì xa lìa chúng sinh.

Này Hiền Hộ! Các pháp không cấu uế vì nhân duyên, vắng lặng.

Này Hiền Hộ! Các pháp vô vi, vì chúng sinh không thể nắm bắt.

Này Hiền Hộ! Các pháp tức là tướng của Niết-bàn, vì bản tánh luôn trong sáng.

Này Hiền Hộ! Các pháp là không thật có vì tất cả đều vật không thể nắm bắt.

Này Hiền Hộ! Thế nên, các hàng Bồ-tát, nếu muốn suy nghĩ về Tam-muội này thì không thể do tướng khác mà có thể hội nhập tướng vô đắc, được thấy chư Phật, được nhớ nghĩ đúng, hòa hợp tương ưng với chư Phật, cũng được suy nghĩ về pháp trợ Bồ-đề phần, nghe nhớ chánh pháp lường xét phân biệt chọn lựa về phần Bồ-đề, mà không thấy tự thân cũng không chứng đắc các pháp. Vì sao?

Này Hiền Hộ! Vì ở đây không thể dùng sắc tướng mà được thấy Phật, không thể dùng thanh tướng mà được nghe pháp, không thể dùng tâm mong cầu mà thành tựu Bố thí ba-la-mật, không thể do ưa tham chấp các hữu mà đầy đủ được Giới Ba-la-mật, không thể dùng bỏn sẻn nơi bí pháp mà được Niết-bàn, không thể đắm chìm nơi tưởng của chúng sinh mà được học rộng, biết nhiều không thể do duyên dựa nơi các hành mà có thể xa lìa mọi việc làm không thể do ưa vướng vào chỗ ở mà được chứng quả, không thể thuận theo tham ái mà ngăn chận các lỗi lầm, không thể do tranh giành mà thành tựu được các nhẫn, không thể thường tạo nghiệp xấu ác mà được quả tốt, không thể vì người theo thừa Thanh văn mà chứng Tam-muội Bồ-tát Niệm Phật, cũng không thể được pháp nhẫn của các Bồ-tát, cũng không thể do ganh ghét chấp trước mà được Tam-muội không, cũng không thể do hành ái dục mà nhập thiền định, cũng không thể do biếng nhác trễ nải mà chứng đắc Thánh đạo, cho đến không thể do không xả bỏ sự nhớ nghĩ khác về các vật mà có thể thành tựu được sự suy nghĩ.

Này Hiền Hộ! Thế nên nay ta đem Tam-muội này giao phó cho các hàng chư Thiên nhân vương ở thế gian nhận giữ bảo vệ, cũng giao phó cho ông lưu truyền nơi đời sau, chớ để đứt mất.

Khi Đức Thế Tôn giảng nói pháp này, có tám na-do-tha là con chư Thiên tử ở cõi Dục, cõi Sắc đều phát tâm Vô thượng Chánh Đẳng Chánh giác. Lại có vô lượng trăm ngàn người cũng phát tâm cầu đạo quả Bồ-đề vô thượng. Những chúng sinh này, vào đời vị lai trải qua hằng sa kiếp đều được thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đồng một hiệu là Chánh Giải Thoát Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác, trụ ở đời, giáo hóa chúng sinh, tuổi thọ cũng đều như nhau.

Này Hiền Hộ! Chỉ mới phát tâm Bồ-đề mà còn đạt được vô lượng công đức, thành tựu đầy đủ quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác như vậy, huống chi là khi xưa ta hành đạo Bồ-đề, người cúng dường ta, chẳng lẽ không mau thành tựu đạo quả Bồ-đề vô thượng sao?

Này Hiền Hộ! Lại có vô lượng, vô biên chúng sinh nghe giảng nói pháp này mà được mắt trí trong sáng, lại có tám trăm chúng Tỳkheo tâm cũng được giải thoát hoàn toàn khỏi các phiền não.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn làm rõ lại nghĩa này nên nói kệ:

Người nào nhận giữ Tam-muội này
Người đó chứa phước không thể lường
Người ấy giới hạnh không cấu uế
Bản tánh trong sáng giống như gương.
Người nào nhận giữ Tam-muội này
Việc học sâu rộng không biên vực
Trí tuệ tự nhiên không thiếu giảm
Công đức tròn đầy như trăng sáng.
Người nào nhận giữ Tam-muội này
Được thấy chư Phật bất tư nghì
Dùng trí tuệ xem pháp hiếm có
Người đều ủng hộ không nghĩ bàn.
Ai thường nhận giữ Tam-muội này
Từng gặp vô lượng chư Thế Tôn
Đức Phật thuyết pháp khó lường xét
Phải nên phụng sự và cúng dường.
Ai hay nhận giữ Tam-muội này
Ấy là đèn sáng cho thế gian
Đại bi như vậy cứu chúng sinh
Đó là cúng dường cho Thế Tôn.
Ai hay nhận giữ Tam-muội này
Vị lai vô số bậc Tôn, Thánh
Và các Bồ-tát đều muốn thấy
Là cúng dường tâm tin trong sạch.
Ai hay nhận giữ Tam-muội này
Được lợi thù thắng khó nghĩ bàn
Nếu sinh làm người ở thế gian
Thường được xuất gia, khất thực dễ.
Ai hay nhận giữ Tam-muội này
Hưởng nhiều phước báo không nghĩ bàn
Có thể chắc chắn đời vị lai
Được công đức lợi ích thù thắng.