ĐẠI THỪA TRUNG QUÁN THÍCH LUẬN
Tác giả: Bồ tát An Tuệ
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Sa môn Duy Tịnh
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ
QUYỂN 6
Phẩm thứ 7: QUÁN HỮU VI, phần 2
Lại nữa, có người nói: Tông của tôi có đạo lý riêng khiến cho pháp sinh kia lìa lỗi vô cùng. Nên tụng của họ viết:
Như đèn luôn tự chiếu
Cũng hay chiếu nơi khác
Pháp sinh kia cũng thế
Tự sinh lại sinh tha.
Luận giả nói: Nói như thuyết này cũng không hợp đạo lý, vì không có sự chiếu. Nếu có sự tối tăm tức có đối tượng được chiếu sáng. Nên tụng bác bỏ:
Trong đèn tự không tối
Xứ trụ cũng không tối
Phá tối mới gọi chiếu
Không tối tức không chiếu.
Giải thích: Ở đây quán sát nếu không có bóng tối, nên đèn không tự chiếu, cũng không chiếu sáng vật khác.
Lại nữa, tụng nói:
Không ít xứ được chiếu
Đèn này hay chiếu gì
Sinh cũng không ít phần
Pháp sinh được thành tựu.
Lại có người nói: Lúc đèn kia sinh tức có thể chiếu chăng?
Luận giả nói: Nếu lúc đèn sinh cũng không thể chiếu, vì phần vị không tối trước tiên có thể bị phá. Nếu phần vị kia có tối tức có chỗ phá. Như vậy mới nói đèn có thể tự chiếu, cũng lại chiếu vật khác. Nay vì sao chỗ nêu này nói đến việc đèn không đi tới chỗ tối nhưng có thể phá trừ tối tăm. Nếu không đi đến, nên tụng bác bỏ:
Vì sao đèn lúc sinh
Có thể phá bóng tối
Đèn kia lúc mới sinh
Không thể cùng nơi tối.
Giải thích: Lúc đèn mới sinh, vì tánh không có, hoặc đồng thời, lại không có phần vị, hoặc đèn không đi đến chỗ tối nhưng có thể phá trừ bóng tối.
Lại nữa, tụng nói:
Đèn nếu không đến tối
Nhưng có thể phá tối
Đèn ở trong khoảng này
Nên phá tất cả tối.
Giải thích: Đồng pháp nếu không đến thì nhân sai biệt không có thể tánh. Ví như năng lực của đá nam châm có sai biệt, nhưng không có nhân quyết định. Ở đây nói là cũng không có năng lực của nó, vì trước có sự thành tựu của nam châm kia đều ở khắp chỗ. Pháp này lúc sinh không có chỗ nêu bày, vì năng lực không có tự thể. Điều này lại là thế nào?
Lại nữa, tụng nói:
Nếu đèn hay tự chiếu
Cũng hay chiếu vật khác
Tối cũng nơi tự, tha
Tối che tất không nghi.
Giải thích: Đây không phải là chỗ vui thích và chỗ tạo tác của chính nó vì nơi chốn có sự trái nhau. Đèn cũng lại như vậy. Đây không phải là chỗ vui thích, đèn lấy sự chiếu sáng làm tánh được tạo thành. Nếu đèn và bóng tối trái nhau thì đèn tức có thể thành tự chiếu và chiếu vật khác. Vì không có tánh tạo tác sai khác, nên tối tăm lấy bóng tối đã thành làm tánh. Nếu bóng tối và ánh sáng trái nhau thì bóng tối cũng phải tự tối và làm tối cả xung quanh. An lập như vậy không có nghĩa này, như sắc của bình v.v… hiện có thể thấy.
Trong đây cần nên hỏi: Đã nói về pháp sinh tự sinh là chưa sinh sinh hay là đã sinh sinh?
Nên tụng đáp:
Pháp sinh nếu chưa sinh
Tự Thể không thể sinh.
Giải thích: Vì chưa sinh là không có tự thể nên không thể sinh. Nếu sự ấy không có thì như sừng thỏ tánh của nhân v.v… không sinh.
Lại nữa, tụng nói:
Pháp sinh nếu đã sinh
Sinh rồi sao lại sinh.
Giải thích: Nếu pháp đã sinh rồi trở lại sinh, nghĩa này phải biết, như chỗ đã tạo tác của nó thì không tạo tác trở lại, thế nên đã sinh sao lại có sinh. Do đó nên biết, pháp tất không sinh là đạo lý tự sinh. Nếu từ cái khác sinh thì nghĩa ấy cũng như vậy. Nếu lúc sinh sinh thì lìa đã sinh, chưa sinh, lúc không sinh khác có thể đạt được.
Lại nữa, tụng nói:
Không đã sinh, chưa sinh
Lúc sinh cũng không sinh.
Hoặc có người nói: Lúc sinh kia là một ít phần đã sinh, một ít phần chưa sinh, trong khoảng giữa như vậy, không có thể riêng biệt.
Luận giả nói: Hoặc tánh của pháp sinh kia cùng lìa. Hoặc có một ít phần có thể sinh, thì pháp khác như thế cũng có thể sinh. Trong đó, vì sao có sự sinh? Nếu tất cả pháp có đối tượng sinh thì phải quán sát kỹ như thế, không phải là nay đã nói, đâu phải có lúc sinh có thể đạt được chăng? Do lúc sinh ấy không có phần vị. Lại nữa, tự thể của tất cả pháp không có phần vị có thể thành. Nên biết như vậy, nếu lúc không sinh, vì sao có pháp sinh kia có thể đạt được?
Lại nữa, Sư của Tỳ-bà-sa nói: Vì có Thể của pháp vị lai sinh hướng đến hiện tại nên lúc có sinh tức có thể sinh.
Luận giả nói: Vì sao lúc sinh trước có thể của pháp sinh hướng đến hiện tại? Có pháp khác nào nói là lúc sinh chăng? Ở đây không có một ít pháp nào, vì sao có tự thể của pháp sinh ấy? Vì pháp sinh kia trước là tự thể không tánh không có thủ đắc. Do đâu có sự thành tựu như vậy? Nếu pháp lại hiện chuyển thường không lìa tự tướng thì ở đây nói là trái nhau. Nếu chuyển trong quá khứ và vị lai thì không hợp lý. Nếu có thể sinh khác biệt thì lúc sinh bò kia cũng nên có ngựa, không có đạo lý ấy. Nếu không có một ít pháp dùng thể của vị lai sinh hướng đến hiện tại, thì chỗ nêu về lúc sinh là trái nhau. Do như vậy nên lúc sinh không sinh, pháp đã sinh không sinh. Nếu sinh rồi lại sinh thì lúc sinh kia tức không tự thể có thể sinh, do không tự tánh nên không có, tức như sừng thỏ không có sinh.
Lại nữa, tụng nói:
Đi, chưa đi, lúc đi
Phẩm trước, đây đã nói.
Các điều nêu bày này trước đã nói rộng và rõ.
Lại nữa, người của Ngũ Đảnh Tử nói: Nếu pháp thật không có tánh sinh, vì sao nhân nơi pháp mà được sáng rõ?
Luận giả nói: Sự nêu bày quyết định của những người kia ở đây đều dừng bỏ. Trong đó nên biết, lúc không sáng rõ, nhân cũng không lìa, cũng lại vì sao có sự không xa lìa ấy? Ở đây nói sáng rõ, thế nên pháp đã đi, lúc đi, chưa đi, phẩm trước đã nói rộng. Nếu các pháp có chỗ lìa tức thành thô trọng, nhân không thật ở trước, cũng không phải trước có sự sinh như vậy, cũng không lìa nhân riêng có thể của pháp, do có sự xa lìa.
Có người khác nói: Có quả có thể sinh, do nhân của chính nó hòa hợp. Hoặc tánh của nhân hòa hợp như chủng tử v.v… là công năng cùng nghiệp dụng của vật thể, ở đây không có sai biệt. Nếu không sinh thì vì sao tự sinh và tha sinh được thành? Do như vậy nên hết thảy quả kia đối với tất cả thời và tất cả xứ đều có nơi sinh.
Luận giả nói: Nói về hòa hợp là tánh một hay là tánh khác? Hoặc đã sinh, chưa sinh, hoặc lại lúc sinh thì tự nhân của của quả kia có hòa hợp chăng? Đối tượng được chấp này đối với tất cả xứ đều không phải là đạo lý. Nghĩa là đã sinh, chưa sinh đều không có tánh. Tánh đầu tiên của hai thứ nhân quả kia đều không lập, không chỗ nêu bày về tánh có không tự thể. Cho nên việc ông nói về chủng tử v.v… hòa hợp đã sinh, chưa sinh đều không sở hữu, vì các pháp đã sinh, chưa sinh đều không tánh. Nếu có chủng tử v.v… hòa hợp tức chỗ thành lập trái nhau, vì không có tánh chưa sinh để có thể nêu giảng xác định. Nếu không có chủng tử v.v… hòa hợp thì như sừng thỏ v.v… Thế nên không có quả hòa hợp để có thể có. Vì sao pháp sinh nên có sự thủ đắc? Lại có người nói: Pháp sinh không trái nhau.
Đó là nói về lúc sinh. Vì thế tụng bác bỏ:
Nếu lúc sinh có sinh
Tướng sinh kia đã phá.
Giải thích: Đây chẳng phải là theo thứ lớp, trong đó, vì sao hoặc có hoặc không, cũng có cũng không, lìa tất cả xứ đều dừng bỏ hẳn?
Lại có người nói: Nếu pháp sinh này lúc từ duyên sinh, vì sao đối tượng được sinh không có đạo lý? Như nói là cái bình sinh, cái bình từ duyên sinh, lúc sinh như vậy mới có thành tựu.
Luận giả nói: Nếu lúc sinh kia quyết định có cái bình, bình này vì sao đã sinh lại sinh? Vì cái bình kia lúc sinh chưa có sức tác dụng phát khởi. Bình này vì sao có lúc sinh riêng, có pháp sinh riêng nên đạt được chăng? Lại nữa, lúc không có cái bình sinh, sinh rồi trở lại có tướng nương dựa có thể đạt được. Chỗ tạo tác của các cõi nếu lìa nơi nương dựa cũng không hợp đạo lý. Vì thế tụng bác bỏ:
Vì sao lúc sinh sinh
Nhưng nói là duyên khởi.
Giải thích: Các ngoại đạo đã dùng các thứ xảo biện để nói về pháp duyên sinh. Những điều họ nói là tự trái nhau. Phật nói về duyên sinh không đồng với chỗ hiểu biết của tất cả ngoại đạo, Đức Phật vì nhằm phá trừ những thứ xảo biện kia khiến họ siêng cầu về đối tượng được nhận biết. Pháp nơi đối tượng được nhận biết của họ ở trong thắng nghĩa đế xét kỹ là vô nghĩa. Những ngoại đạo kia đã hủy báng nhân quả, khởi cội rễ của ác kiến. Phật dùng phương tiện của pháp thiện để hóa độ, khiến họ dứt trừ được chỗ không chánh kiến. Như Phật dạy: Vì đây có nên kia có, vì đây sinh nên kia sinh. Nêu bày như vậy đều là thế tục đế, không phải là thắng nghĩa đế. Thắng nghĩa đế là: Tụng nói:
Nếu pháp các duyên sinh
Tự tánh kia tịch diệt.
Nghĩa này là lìa tự tánh, như Khế kinh nêu: Phật nói: Này Đại Tuệ! Tự tánh của các pháp xưa nay là không sinh, nhưng vì tất cả tánh hòa hợp nên cũng không phải là không có tự tánh.
Lại nữa, tụng nói:
Thế nên sinh, lúc sinh
Như vậy đều tịch diệt.
Giải thích: Đây không phải là không hòa hợp, đối trị lỗi lầm, huống là lại có đối tượng sinh như vậy. Nên tụng trước nói: Nếu pháp các duyên sinh, Tự tánh kia tịch diệt. Do lại không có tự tánh, cho nên nhân duyên phát khởi đối tượng sinh và tác dụng của các pháp là không thật.
Lại có người nói: Nếu pháp từ duyên sinh có thể gọi là lúc sinh chăng? Nên tụng bác bỏ:
Nếu pháp lúc chưa sinh
Như bình v.v… sao có được
Pháp duyên giả hòa hợp
Đã sinh sao lại sinh.
Giải thích: Vì sao tự thể có, có thể sinh nhưng không có đạo lý của lúc sinh? Nghĩa là vì đối tượng được sinh không có, ví như pháp chưa sinh, pháp ấy không có tự tánh. Đây là nói về nghĩa thành.
Lại nữa, tụng nói:
Nếu lúc sinh có sinh
Đó là có sự sinh
Tánh các sinh như huyễn
Sinh này lại ai sinh?
Giải thích: Nếu pháp đã sinh lại có sự sinh riêng khác thì sự sinh tức là vô cùng. Cho nên quyết định không có pháp sinh có thể tạo tác, cũng không phải riêng có gốc sinh có thể sinh nơi sinh.
Lại nữa, tụng nói:
Nếu sinh rồi lại sinh
Sinh này tức vô cùng.
Giải thích: Đây là không có chưa sinh, cũng không có đạo lý của gốc sinh có thể sinh.
Lại nữa, tụng nói:
Nếu không sinh mà sinh
Pháp đều sinh như thế.
Giải thích: Nhưng pháp sinh kia cũng như vậy. Có ý gì? Nghĩa là sự sinh này là có sinh nhưng trong lý chân thật là không sinh để có thể có, không phải là ý dong ruổi, nghĩa là tất cả có.
Lại nữa, tụng nói:
Pháp có không nên sinh
Không cũng không hợp lý
Có, không đều không đúng
Phẩm trước đây đã nói.
Giải thích: Phẩm trước chứng thành là vì sao pháp sinh có chỗ thủ đắc. Ở đây nên hỏi: Lúc diệt có thể có pháp sinh được lập chăng? Nghĩa là các tướng sinh đã sinh tức hoại, vì tánh hoại của các pháp đều như nhau. Vì thế tụng đáp:
Nếu lúc diệt có sinh
Không Thể có thể đạt.
Giải thích: Ở đây không nên cho đồng thời sinh diệt, vì phần vị lúc sinh cũng không có diệt.
Lại nữa, tụng nói:
Nếu lúc pháp không diệt
Thể kia không thể đạt.
Như hoa đốm giữa hư không v.v… Trong đó pháp
trụ không phải là hoàn toàn có chỗ trụ. Thuyết này không thành.
Ở đây nên hỏi: Là thể trụ chưa trụ hay là thể trụ đã trụ, hay là thể trụ lúc trụ?
Nên tụng đáp:
Thể chưa trụ không trụ
Trụ, không trụ trái nhau
Trụ, lúc trụ, không trụ
Đây lại sao có trụ?
Giải thích: Trụ là hai pháp quá khứ và hiện tại một xứ đồng thời không sinh, cho nên không trụ. Lại lìa đã trụ, chưa trụ, thì lúc trụ là không tự thể. Nghĩa là do trong thắng nghĩa đế không có pháp sinh có thể đạt được. Từ trước đã nói rộng đều để chứng thành về pháp sinh không thật. Pháp sinh nếu không có vì sao có trụ?
Lại nữa, tụng nói:
Nếu lúc diệt có trụ
Không Thể kia đạt được
Trụ và diệt trái nhau
Trong vị trụ không diệt.
Giải thích: Nếu nói lúc không diệt thì thể kia không đạt được, vì pháp diệt gắn liền với tướng hữu vi. Nếu lúc trụ có diệt thì không có đạo lý này, trong đó đã nêu.
Lại nữa, tụng nói:
Các pháp nơi lúc thường
Đều có tướng già chết.
Giải thích: Già là biến đổi suy yếu hơn so với tướng trước. Chết là nghĩa hoại diệt. Nghĩa là do tự thể ở nơi tất cả lúc thường chuyển dịch. Nếu lúc có sinh, tức không có pháp lão, tử thành. Sau cũng không được pháp sinh có thể thành. Như lửa không có tánh lạnh. Đây là chỗ nên quán xét.
Lại nữa, tụng nói:
Nhưng có những pháp nào
Lìa già chết có trụ.
Ở đây nên hỏi: Pháp trụ của các cõi là trụ của tự thể hay là riêng có pháp trụ để thành trụ?
Nên tụng đáp:
Trụ không trụ tự tướng
Trụ khác không hợp lý
Như sinh không tự sinh
Cũng không từ tha sinh.
Lại nữa, như biệt tụng nói:
Trụ này nếu chưa trụ
Thể trụ vì sao lập
Trụ này nếu đã trụ
Trụ nào có thể thành.
Nếu đã trụ lại trụ
Trụ này tức vô cùng
Nếu hoặc trụ vô trụ
Pháp đều trụ như vậy.
Luận giả nói: Tất cả pháp sinh đều tùy thuận để nói. Nếu có diệt tức không có hai pháp sinh, trụ, vì tánh cùng lìa, nên diệt kia không có. Các thuyết về pháp sinh, trụ, diệt như vậy đều đúng.
Ở đây nên hỏi: Nói về diệt, là diệt khi đã diệt hay là diệt lúc đang diệt?
Nên tụng đáp:
Pháp đã diệt không diệt
Pháp chưa diệt, diệt không.
Giải thích: Vì sao là pháp đã diệt không diệt? Nghĩa là pháp diệt đã diệt tức không tự thể, trong đó pháp diệt kia là không sinh. Như vậy cũng đúng, vì lúc diệt và chưa diệt cả hai đều có lỗi. Vì sao? Vì tất cả pháp ở trong thắng nghĩa đế đều dừng bỏ sự sinh.
Lại nữa, tụng nói:
Lúc diệt kia cũng vậy
Không sinh sao có diệt.
Giải thích: Pháp sinh đã vậy sao có tự thể trụ, cũng là không thể đạt được, vì hai pháp trụ và diệt trái nhau. Thế nên không trụ cũng lại không diệt. Sự không trụ kia là lìa tánh trụ. Nếu trừ bỏ pháp trụ thì pháp diệt tức thành, cho nên không có phần vị của các vật. Như vậy, cũng không có tự thể của tất cả vật.
HẾT – QUYỂN 6