ĐẠI THỪA TRUNG QUÁN THÍCH LUẬN
Tác giả: Bồ tát An Tuệ
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Sa môn Duy Tịnh
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 2

Phẩm thứ 1: QUÁN DUYÊN, phần 2

Lại nữa, trong đó hoặc có ý khác, nghĩa là do sát-na, tánh của duyên như vậy có thể thành nơi quả, tuy không nối tiếp, nhưng điều này không có lỗi, nên tụng nói:

Chẳng có cũng chẳng không

Nghĩa duyên được hòa hợp.

Giải thích: Nói không: Nghĩa là như sừng thỏ v.v… duyên vì sao cũng không? Ý trong đó là như trước đã nói về tánh, tánh này không thể nói, không thể quán xét. Nghĩa là nhân của tánh kia ở trong phần vị không thể nắm giữ. Nói có: Nghĩa là các duyên ở nơi tánh nào để có chỗ nêu bày, ở đấy không có một ít pháp có thể tạo tác. Nếu có nhân của tánh kia và tác dụng như trên đã nói, đây tức là có duyên của quả, như vậy nên nghĩa được sáng rõ, như bình, đèn v.v… Điều này nên tư duy lựa chọn và quyết định. Nếu có chỗ xa lìa tức không sở hữu, cũng chẳng phải không có duyên vì không hòa hợp. Như đã nói về quả hoặc phần vị của quả, tánh nơi chủ thể và đối tượng của ba loại công dụng quả kia thành tựu tột cùng. Quả kia nếu duyên khác tức không công dụng. Vì chỗ tạo tác nên nói sáng rõ điều này. Quả kia có chỗ sinh thì duyên này không lìa, đây là nói về nghĩa thành tựu. Trong đó, không có một ít pháp không sinh và không phải là tánh có, như thể của lượng tăng rộng không sinh, do pháp không sinh nhưng có thể tăng trưởng. Nếu các duyên có thể tánh, tức không hòa hợp sinh, ở đây thể tánh không công dụng dứt trừ hẳn. Sự có ấy là tánh có như vậy, nghĩa là có người cho: Ở trong thể tánh không hòa hợp, không công dụng kia cũng có chỗ thành tựu. Như thể tánh của si v.v… Hoặc trong lượng số giảm thiểu, hoặc trong việc sinh giảm một ít, không phải nhân hoại mà có, không phải nhân thường mà có, như cái bình quyết định lìa tánh sai khác. Hoặc sinh trí của cảnh giới kia, lý ấy nên tư duy. Nếu đối trị pháp khởi, tức có thể trừ bỏ tối tăm. Nếu hai loại kia quyết định là có, thì ở trong trí của cảnh giới tức không thành tựu, do ở nơi Thế tục đế. Ví như đèn cùng nhân sinh ra cái bình v.v… vì có chỗ thành tựu nên phải biết, cũng không chỗ xa lìa. Hoặc có người nói: Chẳng phải có, chẳng phải không có, vì lúc sinh là duyên thành. Nghĩa là do lúc sinh, chỗ phát khởi có tánh tác dụng, trong đó tuy có cũng lại không thành tánh quyết định sinh. Sự có kia tức là chỗ tạo tác tăng thượng, nên tụng nói:

Các pháp không tự tánh

Chẳng có cũng chẳng không.

Giải thích: Nghĩa là do lúc sinh, chủng loại được tạo tác hoặc có hoặc không, sau khi sinh cũng như vậy, không lìa tánh có tánh không, hoặc có chỗ đạt được. Các duyên có như thế, trong luận gọi là tướng, chẳng phải là không có. Như sừng thỏ v.v… có cũng nói là tướng. Có này nói là tướng tức Thế tục đế, không phải Thắng nghĩa đế. Chủ thể thành tựu quả kia gọi là nhân duyên. Nhưng quả kia cũng không, các pháp không có, cũng chẳng phải là không có. Nếu sự không có ấy tức là không pháp có thể thành. Nếu như vậy thì vì sao có nhân của chủ thể thành tựu này để được hòa hợp với có? Nếu thành và chẳng thành trái nhau thì không, tức quyết định sự không thành là không, vì tánh có kia sinh. Ví như sừng thỏ v.v… cũng có cũng không, quyết định không thành, ở trong một pháp tự tánh trái nhau, vì vốn không sinh nên cả hai đều có lỗi. Do nhân như vậy nên thành quả như vậy, đâu có được hòa hợp. Nếu đối với tâm tâm sở pháp kia có chấp trước thì đây tức nói là pháp của sở duyên duyên, quyết định như thế thì duyên kia không hòa hợp. Nếu trong Thắng nghĩa đế, nhãn thức v.v… như vậy là có pháp có thể nói, thì pháp kia lúc sinh không có tánh ngôn thuyết, cho nên trong đó không có pháp của đối tượng duyên được hòa hợp. Nếu có chỗ nêu bày thì pháp kia liền trái nhau, không có cũng trái nhau. Nếu có đối tượng duyên, nên biết đều là Thế tục đế, không phải là Thắng nghĩa đế. Thắng nghĩa đế là dừng diệt hẳn ở trong đó. Nếu lúc có pháp chuyển tức các tướng tùy chuyển, tức là đối tượng duyên. Ở đây là nói pháp của sở duyên duyên, nên tụng nói:

Nơi pháp không duyên ấy

Vì sao có Duyên duyên?

Giải thích: Nếu lúc sinh pháp không duyên thì vì sao lại có sinh pháp của đối tượng duyên? Vì thể của pháp kia không thành.

Lại nữa, pháp diệt vô gián như khổ v.v…, pháp kia tức dung nạp chỗ tạo tác là đẳng vô gián duyên. Trong đó quyết định phân biệt như vậy nên tụng nói:

Nếu lúc pháp chưa sinh

Tức không nên có diệt

Pháp diệt sao hay duyên

Nên không Thứ đệ duyên.

Giải thích: Nếu pháp chưa sinh thì như con của Thạch nữ chết. Nếu pháp đã sinh thì các pháp đều diệt. Thế nên không có pháp nơi thứ đệ duyên kia được hòa hợp. Do tánh sinh diệt không hòa hợp nên tức diệt tức sinh. Nhưng duyên diệt kia vì sao phải có? Vì thế, duyên diệt có tánh không ngôn thuyết, có thể chuyển. Như vậy thì lúc sinh phải là duyên. Nếu lúc sinh là duyên thì lúc sinh đã sinh lại dùng duyên gì? Sinh là nghĩa khởi. Vì ở đây không có, nên ở kia sao có duyên? Nếu có chỗ thành tức pháp của tăng thượng duyên. Pháp duyên này nếu quyết định khởi lúc quán xét tức không sở hữu, nên các pháp này đều không tự tánh. Nếu lúc khởi ngôn thuyết và quán xét thì thật không có tự tánh có thể đạt được thành tựu. Cho nên tụng nói:

Các pháp không tự tánh

Chẳng có cũng chẳng không

Đây có pháp kia khởi

Như vậy không sở hữu.

Giải thích: Pháp kia tánh như vậy, vì tánh chẳng có nên mới có duyên này. Trong luận nói về duyên là nói có quả. Như Đức Phật thuyết giảng về pháp các duyên. Nghĩa là có quả sĩ phu đã tạo, quả tăng thượng, quả thắng báo, quả bình đẳng, không phải là không có thể tánh, như sừng thỏ v.v… Hoặc nói có quả, hoặc chỗ nêu bày như thật, không phải là Thắng nghĩa đế. Vì sao? Vì quả hoặc có hoặc không, ở trong duyên đều dừng dứt hẳn. Nếu quán như thật thì không phải ngay nơi duyên có quả, cũng không lìa duyên có quả. Thế nên tụng nói:

Nếu cho duyên không quả

Quả từ trong duyên ra

Sao không từ quả này

Chẳng phải trong duyên hiện.

Giải thích: Chẳng phải từ trong duyên sinh ra: Là như từ cát mà ra dầu. Hoặc dừng bỏ duyên sinh, nhất định biết là có lỗi. Lại nữa, tụng nói:

Nếu quả từ duyên sinh.

Giải thích: Có ý lạc khác: Nếu nói có quả từ duyên có thể sinh ra, thì vì sao không từ duyên mà thành tựu? Vì sự tương tợ không tánh. Nếu chính duyên có thành tựu thì không phải duyên cũng nên thành. Nếu đình chỉ sự không sinh ấy thì nhất định nhận biết có lỗi. Lại nữa, tụng nói:

Duyên này không tự tánh.

Giải thích: Ý cho là nếu không có tự tánh thì vì sao chủ thể tạo tác và đối tượng được làm ra có sai biệt? Vì trong đó là hiển bày quả, chẳng phải tự thành. Lại nữa, tụng nói:

Từ không tự tánh sinh

Sao được từ duyên sinh.

Giải thích: Ý trong đó là như Tôn giả Đề-bà đã nói tụng:

Nhân sở thành như áo

Nhân năng thành khác biệt

Pháp thành nếu tự không

Nhân sai biệt sao có.

Nay trong phẩm này đều là dừng dứt hẳn nghĩa như vậy. Hoặc có người nói:

Quả không từ duyên sinh

Không từ phi duyên sinh

Vì do quả không có

Duyên, phi duyên cũng không.

Giải thích: Vì sự sinh kia không thể không tánh nên trong đó có nói quả do duyên thành. Pháp duyên là chủng loại của quả này, quả không tự thành, không có chủng loại của chính nó. Quả kia quyết định từ tha tánh sinh, có chỗ đạt được, nhưng vì đình chỉ tánh định sinh của nó nên không có duyên thành, cũng không phải không có duyên thành. Không có duyên chủng loại, cũng không phải không có duyên chủng loại. Không có chủng loại không phải duyên quả có thể có quả sinh không tánh. Nghĩa là nhân và duyên có quả viên thành.

Duyên kia đã thành tựu quả không tánh này. Do quả không tánh nên duyên và phi duyên làm sao có? Ý trong đó là hoặc nói sinh, hoặc nói duyên, hoặc nói quả, nên biết chỉ là sự phân biệt của thế tục. Như vậy đều là không phải cảnh giới của Thắng nghĩa đế. Nay trong phẩm này đều là chứng thành nghĩa như vậy.

 

Phẩm thứ 2: QUÁN ĐI ĐẾN, phần 1

Phẩm trước đã dừng lại nơi nghĩa sinh. Nay sẽ lần lượt nói về vật thể của các cõi trong Thắng nghĩa đế. Nghĩa sai biệt của tụ chung như vậy đều dừng bỏ, ngoài ra có đối tượng quán thứ lớp nên phát khởi. Như phẩm trước nói chỗ phân biệt khác, vật thể của các cõi đều là không tánh. Nghĩa là trước trừ bỏ nghĩa sinh kia rồi, các câu nghĩa còn lại cũng trừ bỏ như vậy. Việc làm nơi các cõi tuy đã dừng bỏ nhiều loại như thế, nhưng trong trí thiện xảo có nghĩa đối tượng được sinh ra trở lại phát khởi, điều này không có lỗi. Có người nói đi, trong đó Thắng nghĩa đế của người đi, pháp đi có quả kia. Vì pháp này có thật tánh nên chủ thể tạo tác, đối tượng được tạo tác và pháp tạo tác không phải là không hòa hợp. Nay vì để trừ bỏ chủ thể tạo tác, đối tượng được tạo tác và pháp tạo tác kia nên khởi sinh phẩm này, trong đó nên hỏi: Đã đi gọi là đi hay chưa đi gọi là đi? Tụng đáp:

Đã đi không có đi.

Giải thích: Đã đi gọi là tạ từ. Nếu có pháp đi có thể đi, tức pháp đi kia là không thành tựu hết mức. Tức không hòa hợp, tự trái với lời mình. Lại nữa, tụng nói:

Chưa đi cũng không đi.

Giải thích: Chưa đi chưa sinh. Nếu có pháp đi có thể đi, tức như trước đã nói, không có đối trị hòa hợp, tự trái với lời mình. Lại có người nói: Lời này nơi người đi là gồm thâu chung tác dụng theo như ý muốn về các sự sai khác. Lúc đi có đi là để đối trị ý khác kia, nên tụng nói:

Lìa đã đi, chưa đi

Lúc đi cũng không đi.

Giải thích: Nhưng lúc đi kia hoặc có chỗ đi, tức không lìa nơi hai pháp đã đi và chưa đi. Vì sao? Vì ở trong một pháp cùng có tánh trái nhau, vì pháp kia không sinh. Ở đây, nếu nói các pháp không tánh thì nghĩa này thành tựu. Nếu đem pháp ấy vào trong phi pháp có chỗ thành tựu, tức đi, lúc đi lại vì sao không thành? Thế nên lúc không đi cũng có thể đi. Lại có người nói: Hiện thấy thế gian cất chân hạ chân đều có tướng hành động, đến nơi này phương kia đều không lìa sự nhìn thấy của mình. Có tướng có thể đi nên người kia lại cho, việc làm ở đời, trước là do người làm, sau đó mới có cái được làm ra, việc làm mới thành tựu. Tướng đi cũng như vậy. Lại nữa, tụng nói:

Xứ động tức có đi

Trong đó có lúc đi.

Giải thích: Nếu lại có sai khác thì ở đây vì sao có? Lại nữa, tụng nói:

Không đã đi, chưa đi.

Giải thích: Ý khác kia nghĩa là do lúc đi có tướng hành động mới nói là lúc đi để thành nghĩa đi. Lại nữa, tụng nói:

Cho nên lúc đi đi.

Giải thích: Ý khác nghĩa là lìa đã đi, chưa đi, lúc đi là có đi. Lại nữa, tụng nói:

Vì sao nơi lúc đi

Phải nên có pháp đi

Vì lìa nơi pháp đi

Lúc đi không thể được.

Giải thích: Ở trong một pháp đi, nếu lúc có đi có thể hòa hợp, tức phải là tánh có của hai loại pháp đi. Nhưng pháp đi này không thể thủ đắc. Pháp quyết định như vậy dừng bỏ hẳn sự lìa nhau, điều này là có lỗi. Nếu pháp đi ấy có đi, có thể hòa hợp, tức là không phải lúc đi. Quyết định như vậy, nếu nói pháp đi, lúc đi hòa hợp với sự có đi kia thì do đâu lúc đi là có đi? Vì sao? Lại nữa, tụng nói:

Nếu lúc đi có đi

Tức có hai thứ đi

Một là có lúc đi

Hai là lúc đi đi.

Giải thích: Nếu nói lúc đi được có người đi, thì nghĩa này không đúng. Lìa lúc không đi thì đã đi và chưa đi hòa hợp với sự có thể đi. Vì thế nếu thấy có pháp này trở lại thành có lỗi. Như đã nói về lỗi, nghĩa là lúc đi có đi, nên hai loại này quyết định lý có đi có thể thành. Tức là pháp đi kia phải ở nơi sự đi, lúc đi có thể đạt được chăng? Nếu như vậy tức có hai pháp có thể đạt được: Một là đi của pháp đi. Hai là đi của lúc đi. Như thế thì ở đây nói trở lại thành pháp đi có thể đi. Nếu có hai pháp đi thì điều này không hợp đạo lý. Vì sao? Vì nếu pháp đi, lúc đi có chỗ thành tựu, thì hai pháp kia làm sao quyết định? Hoặc có chỗ thủ đắc, thì điều này lại là thế nào? Hoặc không sở hữu thì quyết định nói pháp đi kia là vì sao có lúc đi này có thể đi? Các pháp cũng như vậy, đều dừng lại như thế. Nếu pháp quyết định nên có lúc đi như vậy có thể đi, không phải đã đi, chưa đi không thấy như thế. Thế nên trong đó không có hai pháp đi, nếu có tức thành lỗi khác biệt. Tụng nói:

Nếu có hai pháp đi

Tức có hai người đi.

Giải thích: Điều này là vì sao? Như tụng nói:

Do lìa nơi người đi

Pháp đi không thể được.

Giải thích: Nếu đã nói như vậy thì phần còn lại đều cũng như thế. Không có hai người đi có thể thấy, cũng không phải chỗ vui thích. Điều này lại là thế nào? Ở đây, không có người đi như vậy thì lúc đi, pháp đi có thể đi. Nếu có lúc đi có thể đi, thì không phải người đi kia cũng không có pháp đi có thể đạt được. Cho nên ở trong một người đi ấy không có hai pháp đi, nếu có tức thành lỗi. Hoặc có người nói: Ở trong một pháp đi và người đi lìa nhau, tức không chỗ thủ đắc. Nếu có chỗ tạo tác tức có người đi, trong đó hoặc có chỗ nương dựa, tức là lúc đi, pháp đi, hoặc có sự đáng nói, vì thế không có hai pháp đi hòa hợp. Như thế, nếu đối với lỗi lầm như trước đã nói được trừ bỏ tức không có một ít pháp có thể tạo tác. Hoặc có sự khác biệt thì trở lại thành lỗi lầm. Tụng nói:

Nếu lìa nơi người đi

Pháp đi không thể được.

Giải thích: Nếu lìa pháp đi tức tác dụng của pháp đi sinh khởi đồng thời, tức sẽ phá tan. Trong đây, vì sao có người đi có thể đạt được. Nếu không có người đi thì chỗ tạo tác của tánh người đi kia là không tánh. Trong đó, người đi nếu không lìa nhau thì pháp đi kia làm sao có? Nay quán xét như thật về người đi và pháp đi này, vì sao có thể nói là có tướng đi? Trong người đi ấy, vì sao thật có người đi, pháp đi có thể hành tác? Lại nữa, hoặc người đi nếu có sự khác biệt. Điều này lại là thế nào? Tụng nói:

Người đi tức không đi.

Giải thích: Vì sao? Vì tự tướng của pháp là dừng bỏ. Lại nữa, tụng nói:

Không người đi, không đi.

Giải thích: Nghĩa là như tất cả ở trước đã nói, vì pháp trái nhau.

Lại nữa, tụng nói:

Lìa đi không người đi

Không người thứ ba đi.

Giải thích: Do người thứ ba đi kia là không tánh như vậy, cho nên trong đó không có nghĩa đi. Như trước nói, người đi không đi, theo như chỗ đã nói ấy thì dừng tự tướng của pháp là chứng thành nghĩa này. Lại nữa, tụng nói:

Nếu nói người đi đi

Vì sao có nghĩa này?

Giải thích: Không có nghĩa ấy. Điều này lại là thế nào? Lại nữa, tụng nói:

Nếu lìa nơi pháp đi

Người đi không thể được.

Giải thích: Do lìa pháp đi nên không hòa hợp với người đi. Nếu có pháp đi cùng với người đi kia như vậy, tức trong đó pháp đi có thể có hòa hợp, cũng không sai khác. Nếu việc đi quyết định có chỗ tạo tác, tức pháp đi kia hòa hợp với sự có đi. Tụng nói:

Pháp đi nếu muốn đi

Chẳng không người đi, đi.

Giải thích: Nếu nói pháp khác như vậy có vướng mắc, tức lìa pháp đi, người đi có thể thấy. Do pháp đi không lìa thể của người đi, nên pháp đi, người đi kia đều là không tánh. Nếu lại dừng bỏ hẳn tự tướng của pháp thì lại thành lỗi lầm. Nếu nhất định có thì pháp đi kia có thể thành, như vậy tức có hai pháp đi có thể lập mới thành người đi và sự có đi. Những gì là hai? Một là có động. Hai là người đi có pháp khác có thể đi. Pháp đi như vậy tức thành sai khác, ở đây không có pháp đi có thể giữ lấy đạo lý. Nếu như vậy tức có người đi sai khác, pháp đi sai khác. Nếu không có người đi thì pháp đi có thể lập, điều này không có lỗi. Có người cho: Có sự phát khởi về sự đi tức có thể nói là có sự đi. Trong đó, nếu hoặc là người đi đã đi, là có sự phát khởi chăng? Hoặc có sự khác biệt chăng? Phần vị như vậy là có chỗ vướng mắc. Vì vậy tụng nói:

Trong đã đi không khởi.

Giải thích: Đã đi là tác dụng của việc đi và pháp đi kia đã hết, vì sao trong đó có sự phát khởi của pháp đi? Lại nữa, tụng nói:

Trong chưa đi không khởi.

Giải thích: Chưa đi, nghĩa là tác dụng của việc đi kia chưa sinh. Nếu lìa tánh đã đi và chưa đi thì cũng không phát khởi. Lại nữa, tụng nói:

Lìa đã đi chưa đi

Trong lúc đi không khởi.

Giải thích: Thế nên hiện nay vì sao có? Việc đi được phát khởi, do đó phát khởi pháp đi không tánh. Về người đi không tánh, nghĩa của nó cũng như vậy. Do đó nên biết, sự phân biệt về người đi và pháp đi ở trong Thắng nghĩa đế đều là không. Hoặc có người nói: Trong đó phải có pháp đi như vậy thì tánh của nhân, phần vị của sự đã đi, chưa đi, lúc đi có thể thành tựu. Người ấy nói không đúng. Nếu hoặc trước có pháp đi phát khởi, tức có lúc đi, sau cũng lại có phát khởi người đi. Ở đây, do không có pháp đi, tức không có tác dụng của việc đi, tác dụng của lúc đi cũng đã diệt mất. Như trước đã nói, phát khởi pháp đi tức không có phần vị, cũng không có lúc đi có thể có, nếu lúc đi kia có chỗ phát khởi.

Lại nữa, lìa pháp đi thì lúc đi không có, vì sao phải có đã đi, chưa đi? Các pháp kia đều không tánh nên không có việc đi như vậy. Vì sao như trước pháp đi có chỗ phát khởi? Vì pháp đi kia không có sự phát khởi, nên trong việc đi đều dừng thể tánh của các cõi, vì sự đi là không tánh, tức không hòa hợp. Trong đó, người nói quyết định:

Nếu không có việc đi làm sao có pháp đi? Vì không có sự đi, không có pháp đi, nên cũng không có tác dụng của việc đi kia phát khởi. Việc đi làm sao có? Lại nữa, tụng nói:

Đã, chưa đi, lúc đi

Vì sao có phân biệt?

Giải thích: Nếu không thấy có chỗ phát khởi của pháp đi như vậy, nên tất cả phần còn lại, nghĩa của nó cũng như thế. Tánh nhân của phần vị đã đi, chưa đi, lúc đi thành tựu, tất cả đều không có pháp đi có thể đạt được, vì pháp đi kia phát khởi không tánh như vậy, nên nếu có pháp đi như thế thì ở trong Thắng nghĩa đế, tư duy chọn lựa như lý, phần vị đối trị đều không sở hữu. Vì sao phải có phần vị đã đi, chưa đi, lúc đi?

HẾT – QUYỂN 2

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9