LUẬN THI THIẾT
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Pháp Hộ – Duy Tịnh
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 4

* Môn thứ 5, phần 2: Thi Thiết Nhân trong Đại Luận Đối Pháp.

Trong Luận có hỏi: Do nhân duyên nào để có thể nhận biết rõ Đức Thế Tôn Chánh Giác, đối với các chúng sinh có tâm đại bi vượt hơn tất cả?

Đáp: Đức Thế Tôn vì thấy chúng sinh ở thế gian đều bị bệnh nhiễm phiền não, bị phiền não bức bách, bị vô số thứ phiền não gây tổn hại, không ai cứu giúp, không chốn quay về, không nơi hướng đến v.v… Do nhân duyên như thế nên Đức Thế Tôn sau khi thành bậc Chánh Giác không lâu, liền vì các chúng sinh hành hóa cứu độ. Vì thế nên nói tâm đại bi của Đức Thế Tôn vượt hơn tất cả.

Hỏi: Do đâu khi Bồ-tát nhập định tâm từ, thân của Bồ-tát lửa không thể đốt cháy, nước không thể nhận chìm, đao gậy không thể gây thương tổn, các thứ độc không thể hại, lại ở trong khoảng ấy không hướng diệt?

Đáp: Là do định không não hại nên không có đối tượng nhập định, không có cả sự không não hại kia nên mọi tiếp xúc cũng không, tâm không đồng phần hướng diệt. Do nhân duyên như thế nên Bồ-tát khi nhập định tâm từ, các thứ nước, lửa, đao, gậy, chất độc không thể hại, lại cũng không ở trong khoảng ấy hướng diệt.

Hỏi: Do đâu khi nhập định vô tưởng và định diệt tận thì các thứ nước, lửa, đao, gậy, chất độc không thể hại, lại cũng không ở trong khoảng ấy hướng diệt?

Đáp: Là do định không não hại nên không có đối tượng để nhập định, cũng không có sự tiếp xúc của sự việc không não hại, không có tâm hướng diệt. Do nhân ấy nên có các việc như vậy.

Hỏi: Do đâu khi Bồ-tát còn trong thai mẹ, nhưng mẹ của Bồtát không bị nước, lửa, đao, gậy, chất độc gây não hại, cũng không ở trong khoảng ấy hướng diệt?

Đáp: Là do oai lực lớn của Bồ-tát. Do lực thắng diệu của Bồ-tát nên khiến mẹ của Bồ-tát không có các thứ não hại.

Hỏi: Do đâu thân của Bồ-tát không bị các thứ nước, lửa, đao, gậy, chất độc não hại, cũng không ở trong khoảng ấy hướng diệt?

Đáp: Vì đối với tất cả chúng sinh Bồ-tát là tối thắng, đối với những bậc cùng loại cũng lại là tối thắng.

Hỏi: Vì sao thân của Diệm-ma vương cũng không bị nước, lửa, đao, gậy, chất độc não hại, cũng không ở trong khoảng ấy hướng diệt?

Đáp: Vì Diệm-ma vương đối với loại chúng sinh thuộc cõi Diệm-ma là hơn hết. Do nhân ấy nên có các việc như thế.

Hỏi: Vì sao thân của voi chúa Ái-la-phược-noa và voi chúa Thiện Trụ không bị nước, lửa, đao, gậy, chất độc não hại, cũng không ở trong khoảng ấy hướng diệt?

Đáp: Do các voi đó ở trong loài bàng sinh (súc sinh) là hơn hết. Do nhân ấy nên có các việc như thế.

Hỏi: Vì sao các loài chúng sinh bị đọa trong địa ngục chịu khổ sở vô cùng, nhưng không ở trong khoảng ấy hướng diệt?

Đáp: Đó là nghiệp báo thiêu đốt, do nghiệp báo của khổ thọ chưa hết. Vì nhân ấy nên có các việc như thế.

*

* Môn thứ 6: Thi Thiết Nhân trong Đại Luận Đối Pháp.

Lại nữa, một thời Đức Phật ngụ tại nước Xá-vệ, Ngài bảo chúng Bí-sô: Bí-sô nên biết! Có ba pháp, gọi là cấu nhiễm bên trong, là thứ chứa giấu bên trong và oán ác bên trong. Những gì là ba pháp? Đó là tham, sân, si.

Nầy các Bí-sô! Ở đây vì sao gọi tham, sân, si là cấu nhiễm bên trong, là thứ chứa giấu bên trong và oán ác bên trong? Nghĩa là như có người cùng bạn xấu làm các việc như xâm đoạt vật thọ dụng của người khác, tạo các loại việc ác khác v.v… cho đến hại mạng. Là do tâm tham ái của người đó tăng mạnh, nên cả thân khẩu ý đều hành khắp các ác. Do nhân duyên đó nên sau khi mạng chung bị đọa vào nẻo ác sinh trong địa ngục.

Đối với sân, si cũng như vậy.

Nầy các Bí-sô! Vì thế nên ba pháp tham, sân, si gọi là sự cấu nhiễm bên trong, là thứ chứa giấu bên trong và oán ác bên trong.

Đức Thế Tôn, Thiện Thệ giảng nói như thế xong, nhằm tóm lược chung nên nói kệ:

1. Không thể biết rõ pháp tham ái

Nơi pháp tham ái không quán đúng

Người đó cùng tham ái kết hợp

Người ấy tức vào xứ tối tăm.

Người tham nhiễm không có nghĩa lợi

Do tâm tham nhiễm sinh ái chấp

Trung gian sinh khởi tâm lo sợ

Nên biết kẻ ấy chẳng hiểu rõ.

Nếu có thể đoạn trừ tham ái

Người ấy bụi ái không thể nhiễm

Do tham ái khi không chuyển lay

Như hoa sen không trụ nơi nước.

2. Không thể biết rõ pháp giận dữ

Nơi pháp giận dữ không quán đúng

Người ấy cùng giận dữ kết hợp

Kẻ ấy tức vào xứ tối tăm.

Người giận dữ không có nghĩa lợi

Do tâm giận dữ sinh lỗi lầm

Trung gian sinh khởi tâm lo sợ

Nên biết kẻ ấy chẳng hiểu rõ.

Nếu có thể đoạn trừ giận dữ

Tức nơi cảnh giận không sinh giận

Do pháp giận ấy khi trừ hết

Như quả chín kia tự rơi rụng.

3. Không thể biết rõ pháp si ám

Nơi pháp si ám không quán đúng

Kẻ ấy cùng si ám kết hợp

Người đó tức vào xứ tối tăm.

Người si ám không có nghĩa lợi

Do tâm si ám nên mê lầm

Trung gian sinh khởi tâm lo sợ

Nên biết kẻ ấy chẳng hiểu rõ.

Nếu có thể đoạn trừ si ám

Không bị cảnh si khiến si mê

Pháp si ám kia lúc phá trừ

Như ánh mặt trời xua bóng tối.

4. Nếu nhận biết rõ ba pháp ấy

Quyết định không đọa nơi nẻo ác

Như chặt Đa-la, lõi cây lớn

Chặt đứt rồi không còn sống lại.

Thế nên ba pháp tham, sân, si

Đều nên lìa chấp cùng đoạn dứt

Người tu khi phát sinh tuệ sáng

Tức đoạn trừ hết biên vực khổ.

Hỏi: Do đâu có người tham tột bậc?

Đáp: Nghĩa là như có người luôn gần gũi hành tác căn bất thiện tham. Đối với căn thiện không tham lại không gần gũi hành tác tu tập. Đối với các tưởng dục, nhân dục, tầm dục, thì luôn gần gũi hành tác. Đối với các tưởng xuất ly, nhân xuất ly, tầm xuất ly, thì không thể hành tác tu tập. Đối với các vật thọ dụng đẹp đẽ ở thế gian do tâm ái chấp nên siêng hành tạo tác. Đối với các vật thọ dụng không đẹp đẽ ở thế gian thì không siêng hành tập, thực hiện. Đối với các pháp thiện là chỗ nên làm lại không làm, không biết tư duy, không hành trì Tam-ma-địa, không thể phòng hộ nghiêm ngặt các căn, ăn uống không biết lượng định, đầu hôm cuối đêm thường không ngủ nghỉ để làm các việc ác, không tu tập Xa-ma-tha, Tỳbát-xá-na, luôn hành tác ý không như lý. Những người như thế gọi là kẻ tham ái tột bậc.

Đến khi hoại diệt thì sẽ như thế nào? Tức sẽ sinh làm những kẻ ca xướng, múa hát, vui đùa, và làm người nữ. Giả như được sinh lên cõi trời thì sinh vào các cõi trời thuộc Dục giới. Do nhân ấy nên có các việc như thế.

Hỏi: Do đâu có những người giận dữ tột bậc?

Đáp: Nghĩa là như có người đối với căn bất thiện giận luôn gần gũi hành tác. Đối với căn thiện không giận lại không gần gũi hành tác tu tập. Đối với các tưởng giận, nhân giận, tầm giận luôn gần gũi hành tập tạo tác. Đối với các tưởng không giận, nhân không giận, tầm không giận thì không thể hành tác tu tập. Đối với nơi chốn không nên giận dữ thì siêng hành tác gây tạo. Đối với Tam-ma-địa tâm từ thì không thể hành trì. Nơi các việc sát hại thì siêng hành tạo, còn nơi các việc không giết hại thì không hề quan tâm hay làm theo. Không phòng hộ các căn môn ẩn mất. Ăn uống không biết định lượng. Đầu hôm cuối đêm luôn không ngủ nghỉ để làm việc ác. Không tu tập Xa-ma-tha, Tỳ-bát-xá-na, luôn hành tác ý không như lý. Những người như thế gọi là những kẻ giận dữ tột bậc.

Đến khi hoại diệt thì sẽ như thế nào? Tức sẽ sinh làm các loài ong, mọt, loài sâu ba mắt, loài trùng trăm chân v.v… Do nhân ấy nên có các việc như thế.

Hỏi: Do đâu có người si ám tột bậc?

Đáp: Nghĩa là như có người ở trong căn bất thiện si luôn gần gũi hành tác. Đối với căn thiện không si lại không gần gũi hành tác tu tập. Đối với các tưởng hại, nhân hại, tầm hại, luôn gần gũi hành tập tạo tác. Còn đối với các tưởng không hại, nhân không hại, tầm không hại thì không thể tu hành kiến lập. Nơi các thứ kiến chấp thì thường hành tập gây tạo, đến như các điều quái dị, các sự việc bất tường v.v… cũng lại hành tác. Do duyên như thế nên nội tâm không thể suy xét tìm hiểu về pháp duyên sinh, không thể quán đúng về các hành vô thường sinh diệt của năm thủ uẩn. Đó là pháp nầy là sắc tạo thành, là sắc tụ tập, là sắc đã hoại diệt. Như thế, pháp nầy là thọ, tưởng, hành, thức tạo thành, là thọ tưởng hành thức tụ tập, và từ thọ tưởng hành thức diệt mất. Người nầy đối với các căn môn ẩn mất không thể giữ gìn. Ăn uống không biết định lượng, đầu hôm cuối đêm luôn không ngủ nghỉ để làm ác, không hề tu tập Xa-ma-tha, Tỳ-bát-xá-na, luôn hành tác ý không như lý. Những người như thế gọi là kẻ si ám tột bậc.

Đến khi hoại diệt thì sẽ như thế nào? Tức sẽ sinh nơi các loài voi, ngựa, lạc đà, lừa, dê, nai, bò, heo v.v… Do nhân ấy nên có các việc như thế.

Hỏi: Do đâu gọi là người hoàn toàn không tham?

Đáp: Nghĩa là như có người đối với căn thiện không tham thường gần gũi tu tập, không hề hành tác căn bất thiện tham. Nơi các tưởng xuất ly, nhân xuất ly, tầm xuất ly luôn hành tác tu tập kiến lập, không hề hành theo các tưởng dục, nhân dục, tầm dục. Đối với các thứ thọ dụng không đẹp đẽ của thế gian thì siêng năng hành tác, gây dựng, trái lại không hề quan tâm đến các thứ thọ dụng đẹp đẽ. Nơi các pháp thiện luôn tư duy, siêng tu pháp Tam-ma-địa, trừ bỏ các pháp bất thiện, lúc nào cũng phòng hộ các căn môn ẩn mất, ăn uống biết định lượng, đầu hôm cuối đêm không ngủ nghỉ để tu pháp thiện, hành tập Xa-ma-tha, Tỳ-bát-xá-na, luôn hành tác ý như lý, lìa bỏ tác ý không như lý. Những người như thế gọi là kẻ hoàn toàn không tham.

Đến khi hoại diệt thì sẽ như thế nào? Tức họ sẽ sinh làm những Tiên nhân, những vị xuất gia, những bậc Trưởng giả, hoặc được sinh lên các cõi trời thuộc Sắc giới. Do nhân ấy nên có các việc như thế.

Hỏi: Do đâu gọi là người hoàn toàn không giận dữ?

Đáp: Nghĩa là như có người đối với căn thiện không giận luôn gần gũi tu tập, không hề hành tác theo căn bất thiện giận. Nơi các tưởng không giận, nhân không giận, tầm không giận luôn gần gũi hành tác tu tập kiến lập, xa lìa các tưởng giận, nhân giận, tầm giận, lại tu tập hành Tam-ma-địa tâm từ. Nơi các xứ không nên khởi giận dữ, chẳng bao giờ làm, siêng tu pháp bất hại, trừ bỏ các pháp gây tổn hại, khéo phòng hộ các căn môn ẩn mất, ăn uống luôn biết lượng định, đầu hôm cuối đêm thường không ngủ nghỉ để tu pháp thiện, hành tập Xa-ma-tha, Tỳ-bát-xá-na, tác ý như lý, loại trừ các tác ý không như lý. Những người như thế gọi là kẻ hoàn toàn không giận dữ.

Đến khi hoại diệt thì sẽ như thế nào? Tức họ sẽ sinh làm những Tiên nhân, các vị xuất gia, những bậc Trưởng giả, hoặc được sinh lên các cõi trời thuộc Sắc giới. Do nhân ấy nên có các việc như thế.

Hỏi: Do đâu gọi là người hoàn toàn không si ám?

Đáp: Nghĩa là như có người đối với căn thiện không si luôn gần gũi tu tập, dốc sức trừ bỏ căn bất thiện si ám ngu tối. Nơi các tưởng không hại, nhân không hại, tầm không hại thường gần gũi hành tác kiến lập tu tập. Đối với các thứ kiến chấp, các điều quái dị, các sự việc bất tường không hề tùy thuận. Do duyên đó nên nội tâm luôn tìm xét về pháp môn duyên sinh, quán đúng về các hành vô thường sinh diệt của năm thủ uẩn. Đó là pháp nầy là sắc tạo thành, là sắc đã tụ tập, từ sắc diệt mất. Như thế pháp nầy là thọ tưởng hành thức tạo thành, là thọ tưởng hành thức đã tụ tập, từ nơi bốn uẩn hoại diệt. Người nầy khéo phòng hộ các căn môn ẩn mất, ăn uống luôn biết lượng định, đầu hôm cuối đêm thường không ngủ nghỉ để tu pháp thiện, hành tập pháp Xa-ma-tha, Tỳ-bát-xá-na, hành theo tác ý như lý. Những người như thế gọi là kẻ hoàn toàn không si ám.

Đến khi hoại diệt thì sẽ như thế nào? Tức họ sẽ sinh làm các vị Tiên nhân, những người xuất gia, những bậc Trưởng giả, hoặc được sinh lên các cõi trời thuộc Sắc giới và Vô sắc giới.

Do nhân ấy nên có các việc như thế.

*

* Môn thứ 7, phần 1: Thi Thiết Nhân trong Đại Luận Đối Pháp.

Tụng nêu chung:

Đời trước, khí uế và chắc nặng

Khí uế nơi gió thổi tan nhanh

Thở ra vào kết hợp sung mãn

Ngày đêm cá rùa trong đất liền.

Như Đức Phật đã giảng nói: Phật bảo các Bí-sô: Các Bí-sô không thể nhận biết rõ về đời trước đều nhân nơi hai pháp hữu và ái. Ở trong đời trước, nếu không có hữu, ái, tức đời sau không thể sinh khởi. Nếu người có thể nhận biết rõ pháp như thế, liền tự tư duy về các pháp đời sau, hữu ái làm duyên, chẳng biết rõ là có tương tục hay không tương ưng?

Hoặc có người đáp: Đây là không tương tục? Vì sao? Nghĩa là do không nhận biết rõ. Ở trong vô minh, các loài chúng sinh khởi suy nghĩ: Ta nơi đời quá khứ, là có hay là không? Nếu ở đời quá khứ là có, đây tức là thường. Nếu ở đời quá khứ là không, đây tức là đoạn.

Lại, các hành hoặc có nhân chăng? Nếu các hành kia trước đây có nhân, hoặc cũng các hành đó nhưng trước đây không có nhân. Thế nên nếu có thể nhận biết rõ đời trước, tức các hành xưa nay không có nhân.

Hỏi: Do đâu người chưa lìa dục sau khi hướng diệt lúc dùng lửa hỏa táng thì có khí uế tạp bay lên phủ lấp khắp nơi. Người đã lìa dục sau khi mạng chung dùng lửa hỏa táng không có khí uế tạp bay lên phủ lấp khắp nơi?

Đáp: Người chưa lìa dục do trong thân còn tinh huyết bất tịnh tan chảy ra. Do tan chảy ra nên khi hỏa táng thân xác, gió thổi mang khí uế tạp phủ lấp khắp nơi, khiến chư Thiên có oai lực lớn không vui vẻ mạnh dạn đến cúng dường. Vì sao? Vì khí uế tạp chưa tan. Người đã lìa dục, sau khi mạng chung, thân xác không còn tinh huyết bất tịnh tan chảy nữa. Vì không tan chảy nên khi hỏa táng thân xác không có khí uế tạp, thế nên chư Thiên có oai lực lớn đều vui vẻ đến cúng dường. Vì sao? Là vì không có khí uế tạp.

Hỏi: Do đâu người chưa lìa dục sau khi mạng chung thân thể lại chắc nặng, không thuận hợp nhẹ nhàng. Người đã lìa dục sau khi mạng chung thân thể điều hòa, mềm mại, không cứng chắc, nặng nề?

Đáp: Là do người chưa lìa dục sau khi mạng chung gió bên trên thổi mạnh nhập trong thân xác, thế nên cứng, nặng, không mềm, nhẹ. Người đã lìa dục sau khi mạng chung thì ngăn giữ gió bên ngoài, nên thân được điều hòa, mềm mại, không cứng chắc, nặng nề. Do nhân ấy nên có các việc như thế.

HẾT – QUYỂN 4

Trang: 1 2 3 4 5 6 7