Thiền Sư Thần Hội Giảng Giải
Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch và giảng

 

Sư Thần Túc

CHÁNH VĂN:

(12) Sư Thần Túc hỏi: Thể của Chân như tức là Bản tâm, lại không có tướng xanh vàng, làm sao có thể biết?

Đáp: Tâm ta vốn không tịch, bất giác vọng niệm khởi. Nếu biết vọng niệm đó, biết thì vọng tự tiêu diệt. Đây là người biết tâm vậy.

GIẢNG:

Điều này đúng như chỗ chúng ta ứng dụng. Sư Thần Túc hỏi: Thể của Chân như tức là Bản tâm, Bản tâm đó không có tướng mạo xanh vàng, làm sao biết được nó?

Ngài đáp: Tâm ta vốn không tịch, tức là rỗng lặng, bất giác vọng niệm khởi, bất thần ý niệm dấy lên. Nếu biết vọng niệm đó, biết vọng tự tiêu diệt. Đây là người biết tâm vậy. Biết vọng dấy lên không theo, tức là sống trở về với tâm không tịch của mình. Đến đây Ngài chỉ phương tiện tiến tu. Người muốn tiến tu phải biết thể của tâm vốn vắng lặng, cho nên cần phải nhận chân Bản tâm thanh tịnh trước. Tuy biết có Tâm thanh tịnh nhưng thói quen, tập khí cũng còn dấy lên. Khi dấy lên, ta biết nó hư dối thì tự nó tiêu diệt. Tự nó tiêu diệt là trở về với Bản tâm của mình. Như vậy tu rất giản đơn, rất thực tế, không có gì xa lạ kỳ quặc hết.

Chỗ này tôi nói thêm một chút. Ai ai cũng nghĩ rằng người tu là làm một việc huyền bí, thiếu thực tế. Thế gian cho rằng thực tế là phải ăn học, làm ra tiền, tạo được vật chất nhà lầu xe hơi… có đời sống thụ hưởng sung mãn. Nhưng chúng ta thử đặt lại câu hỏi, con người tạo tất cả hình thức vật chất sung mãn để cung phụng cho cái gì? Cho thân này. Nhưng thân này sống được bao lâu? Không ai biết mình sẽ sống được bao lâu.

Thân này luôn biến chuyển vô thường, thế mà suốt đời ta lo chất chứa cho cái vô thường bại hoại. Như vậy có thực tế không? Tất cả nghị lực, khả năng của mình đều dồn hết cho việc tích lũy, nuôi dưỡng cái bại hoại. Làm một việc như thế mà lại cho là thực tế, nên Phật nói chúng sanh thật đáng thương xót lắm vậy! Song nếu chúng ta biết trong cái thân bại hoại đó có một cái chân thật mà lâu nay mình quên, bây giờ ta đem hết cả sức lực để dẹp cái bại hoại đó, cho hiện bày cái chân thật sẵn có của mình. Đó mới là chỗ nương tựa muôn đời không mất.

Như vậy ngay nơi thân bại hoại này, chúng ta phăng tìm cho ra cái không bại hoại, việc làm này có thực tế không? Vì nó không tướng mạo nên thấy không thực tế, nhưng trên thực chất đây mới đúng là việc làm thực tế nhất. Một người chạy theo, gầy dựng các thứ hư giả tạm bợ; còn một người biết rõ ràng mình đang có cái hiện tiền không sanh không diệt, giải thoát sanh tử, bây giờ phải làm sao sống được với nó; giữa hai người này, ai thực tế hơn ai?

Lâu nay người ta ngỡ người tu là huyền hoặc, tưởng tượng, chớ sự thật người tu là người thực tế, biết rõ mình hơn ai hết. Biết rõ thân vô thường bại hoại, tâm là những suy nghĩ sanh diệt cũng vô thường. Hai cái vô thường đó gác qua một bên, để tìm cho ra cái chân thường hiện đang có. Sống được với cái chân thường ấy mới giải quyết được sanh tử. Rõ ràng đó là người đang dồn sức để làm một việc quí báu chân thật nhất, chớ đâu phải chuyện tầm thường, đâu phải chuyện tưởng tượng. Người tu là người làm một việc thế gian cho là phi thường, nhưng thật là một việc chân thường.

Ngài nói câu này rất rõ trên đường tu: Tâm ta vốn không tịch, Tâm thể là không tịch; bất giác vọng niệm khởi, thình lình vọng niệm dấy lên. Nếu biết vọng niệm đóbiết thì vọng tự tiêu diệt. Khi niệm dấy lên ta biết nó là vọng thì vọng niệm tự tiêu diệt. Đây là người biết tâm vậy, đây chính là người biết trở về với Tâm chân thật của chính mình. Lối tu này đúng theo lối tu của Tổ Huệ Khả đã thực hành, kế đến Tổ Huệ Năng và Ngài là Thần Hội cũng chỉ dùng một lối này.

CHÁNH VĂN:

Hỏi: Tuy có giác chiếu, lại đồng với sanh diệt. Nay nói pháp gì không bị sanh diệt?

Đáp: Chỉ do tâm khởi nên có sanh diệt. Nếu tâm khởi đã diệt, tức sanh diệt tự trừ, không còn tưởng có thể được. Nếu như nói có giác chiếu, giác chiếu đã diệt, sanh diệt tự không, sanh diệt tức không sanh diệt.

GIẢNG:

Sư hỏi:

Tuy có giác chiếu, lại đồng với sanh diệt. Nay nói pháp gì không bị sanh diệt?

Nếu nói có giác có chiếu tức là đồng với sanh diệt, như vậy Ngài nói pháp gì không sanh diệt?

Ngài đáp: Chỉ do tâm khởi nên có sanh diệt, do tâm có dấy động mới có sanh diệt. Nếu tâm khởi đã diệttức sanh diệt tự trừ, nếu tâm dấy động đã diệt thì sanh diệt tự trừ; không còn tưởng có thể được, không còn cái gì để tưởng, để nghĩ. Nếu như nói có giác chiếu, giác chiếu đã diệt, sanh diệt tự không; nếu nói có giác chiếu, khi giác chiếu lặng rồi thì cái sanh diệt tự không.

Sanh diệt tức không sanh diệt, như vậy từ cái giác chiếu, như ta đang ngồi trong tâm có dấy niệm liền biết đó là niệm khởi hư dối, đây gọi là chiếu. Khi niệm hư dối lặng thì cái chiếu cũng lặng luôn. Giác chiếu đã lặng thì sanh diệt tự không, nên nói sanh diệt tức không sanh diệt. Đó là chỗ ngài Thần Hội kế thừa gần gũi nhất với Lục tổ Huệ Năng và chủ trương vô niệm ở đoạn sau sẽ nói.