“TỰ TRUYỆN THÁNH NGHIÊM”
 Nguyên tác “TUYẾT TRUNG TÚC TÍCH” 
 Hạnh Đoan lược dịch

 

Chương 15
NẾM KHỔ

Một Thiền sư vĩ đại, nếu chẳng nỗ lực tinh tấn và trải qua cảnh nghèo thiếu vật chất thì không thể thành tựu. Tôi ban sơ xuất gia ở tự viện Lang Sơn, nơi có nhiều Phật tử hộ trì, cho nên đời sống tại đó rất đầy đủ. Dù vậy, các chú tiểu trong chùa bắt buộc phải trải qua ba năm mài luyện, phải học tập và làm thông thạo các việc giống phụ nữ như: nấu nướng, may dệt, quét dọn, trồng tỉa v.v…

Mục đích của việc huấn luyện này là để chúng tôi dẹp trừ kiêu mạn, không được coi thường người làm công tác lao nhọc. Các tu sĩ phải có tâm lý chuẩn bị (giống như các nhà truyền giáo Tây phương vậy), để lỡ có trôi dạt đến vùng không tín đồ, thì sẽ biết xử lý việc như thế nào. Phải dốc sức hoạt động giúp môn sinh an tâm, loại bỏ vọng niệm, diệt trừ tâm phân biệt, ngã chấp. Nếu chỉ biết tính toán thiệt hơn, so đo chuyện được mất của bản thân, thì sinh hoạt tự viện sẽ trở nên rất gian nan. Bởi, nếu không định tâm, chẳng dùng tâm khiêm hạ để cư xử thì sẽ rất khổ. Nếu giữ được tâm bình thường, thì nếp sinh hoạt của tự viện sẽ rất đơn giản.

Trong ngữ lục Thiền, có kể nhiều câu chuyện làm việc cực khổ trứ danh. Chẳng hạn như chuyện đời Đường: Có một vị đệ tử trẻ theo Thiền sư Điểu Khoa (biệt danh Đạo Lâm) tu hành. Sư phụ ngụ trên cây, đồ đệ trụ đưới đất. Trò vì thầy dâng trà nước, làm các việc vặt phụng sự đến mỏi giò, chỉ mong được sư phụ dạy thiền, giúp mình khai ngộ… Nhưng, đã sáu năm trôi qua rồi mà sư phụ chẳng dạy Phật pháp gì ráo, chỉ toàn sai việc vặt, khiến đệ tử cảm thấy rất nản lòng. Một hôm, trò thưa với thầy là đã đến lúc mình phải ra đi.

– Vì sao con muốn đi? – Sư phụ hỏi.

Trò đáp:

– Con tới đây là để học Phật pháp, nhưng chỉ toàn làm tạp vụ, con không học được gì và cũng chẳng khai ngộ… vì vậy nên con muốn ra đi, con hi vọng sẽ tìm được một bậc thiện tri thức khác, có thể dạy cho những đạo lý mà con cần…

Sư phụ nói:

– Ờ! Phật pháp hả? Ở đây ta cũng có thể chỉ điểm cho…

Rồi sư phụ lấy ra một ống thổi (bằng gỗ thông) từ trong tăng bào, chúm miệng làm một hơi. Ngay lúc đó, trò hoát nhiên khai ngộ.

Khi (Ban Quản Trị) Đổng Sự Hội của chùa Đại Giác chuẩn bị tiếp đón tôi, chắc họ cũng muốn áp dụng theo câu chuyện này. Họ biết tôi mới tốt nghiệp Tiến sĩ, sợ tôi kiêu mạn chẳng khiêm, cho nên muốn để tôi nếm chút mùi khổ.

Điều này chẳng là vấn đề trọng đại gì, bởi hồi nhỏ tôi đã từng nếm qua rất nhiều gian khổ rồi (nhưng họ hoàn toàn không biết). Vì vậy, khi tôi đến Đại Giác Tự, họ đối với tôi như một người xuất gia bình thường, không cho tôi làm pháp sư. Họ muốn tôi phải chùi rửa, dọn dẹp và thanh lý các gian phòng trong chùa. Tôi dọn sạch các phế vật chứa trong tầng ngầm, biến nhà kho và các phòng lượm thượm bẩn chật của chùa thành một nơi tươm tất sạch sẽ, thành là ngôi giảng đường và thư viện trang nhã. Bằng hai tay không, tôi biến mảnh đất phía sau chùa thành một hoa viên mỹ lệ.

Tôi không có trợ thủ, tất cả đều phải tự làm một mình. Các tu sĩ khác tuổi tác và giới pháp đều cao hơn tôi nên không ai đến giúp đỡ. Khi chiếc xe tải chở sách từ Nhật Bản đến, tôi phải nghĩ cách để đem sách từ bến cảng về chùa, lo sắp xếp và chưng bày trong thư viện. Sau nhiều năm bế quan, tôi đã có thói quen làm việc một mình.

Hoàn cảnh chung quanh rất thô sơ. Bố lãng khu lúc đó, kiến trúc phòng ốc khắp nơi trống trải và xiêu vẹo, nhìn giống như là muốn đổ sụp. Cư dân phần nhiều là tầng lớp người nghèo (hậu duệ của dân do thái và cùng đinh). Hoa kiều hiện diện rất ít. Nơi đây chủ yếu là khu công nghiệp và thương nghiệp.

Ngôi chùa này, nguồn gốc là gian nhà kho Bưu cục, được cư sĩ Trầm Gia Trinh mua lại. Lúc tôi đến, cảm thấy giống như mình đang ở trong sơn động. Tôi khoét một lỗ hổng trên tường, để cho ánh sáng và không khí tràn vào. Vùng này có nhiều tu sĩ, nhưng họ ngụ tại khu nhà trọ gần bên, tôi là người duy nhất ở trong chùa. Tôi không giảng kinh và chẳng có quyền quyết định làm gì (không được quản người lẫn quản tiền). Tôi trụ trong chùa hầu như là tiếp đãi khách đến thăm, về cơ bản thì giống như một người gác cổng.

Tại Đại Giác Tự, mỗi ngày làm, nghỉ rất có giờ giấc. Đã là tu sĩ Trung Quốc, thì bất kể bạn ở đâu, thì thời khóa hằng ngày đều giống nhau. Tôi cứ 4, 5 giờ thì thức dậy tụng khóa sáng, ăn điểm tâm và quét dọn… Nếu như có khóa Anh văn, tôi sẽ lên lớp học; còn như không có khóa, thì tôi lo chỉnh lý các tầng ngầm trong chùa. Nếu có khách đến thăm, thì tôi phụ trách tiếp đãi họ, hễ làm mệt thì tạm nghỉ xả hơi. Bởi vì đây là đoàn thể không lớn, cho nên tôi được quyền tùy nghi uyển chuyển sắp xếp thời gian.

Dùng trưa xong thì nghỉ một chút, sau đó lo dọn dẹp phòng xá và đạo tràng. Tôi luôn đơn độc một mình, bởi vì ban ngày người đến lễ Phật rất ít. Nếu có thời gian rảnh thì tôi ngồi thiền. Thông thường tôi tụng khóa chiều trước 17 giờ, sau đó (dùng dược thạch) ăn chiều. Buổi tối thì tôi bái Phật, ngồi thiền và viết lách.

Vào chủ nhật, sáu giờ sáng thì tôi dạy một đám người (Tây phương lẫn Hoa kiều) ngồi thiền. Sắp xếp việc giảng kinh suốt ngày Chủ nhật. Thường thì chúng tôi thỉnh pháp sư Tư Khâm đến giảng, phần tôi lo quét sạch đạo tràng từ trong ra ngoài.

Tôi là tu sĩ duy nhất trụ tại chùa, công tác hành chính thường ngày do các pháp sư phụ trách, bởi vì trình độ Anh văn họ hơn tôi, còn những việc khác đều do tôi đảm đương. Nhưng dù tôi có làm tạp vụ, phải dọn dẹp hay chỉnh lý tự viện, điều này chẳng tạo thành nỗi khổ hay mối lo gì, bởi tôi đã biến nó thành một phương pháp tu hành.

Cảm tạ cư sĩ Trầm Gia Trinh, thời gian tôi “nếm khổ” không dài. Sau đó ông đã cử tôi làm Đổng Sự Tự Viện và Phó lý Sự Trưởng Hội Phật giáo Mỹ quốc, và còn chỉ định tôi làm Trụ trì Đại Giác Tự. Đây thật là đãi ngộ rất đặc biệt, vì thời gian tôi ở tại Đại Giác Tự chưa đầy nửa năm. Tôi hiểu rằng các tu sĩ khác cũng chẳng có được sự đãi ngộ như thế.

Tại Đại Giác Tự, tôi không thể giảng Anh văn, mới đầu thì điều này chưa thành vấn đề lớn. Bởi lúc tôi mới đến, đa số tín chúng đều là người Hoa. Thỉnh thoảng cũng có vài người Tây Phương hiếu kỳ đến tham quan, nhưng họ chẳng biết làm gì và thường có cảm giác như đang đi lạc vào một quốc gia khác, bởi chúng tôi toàn bộ đều giảng Trung văn. Bất kỳ Hoa kiều nào, hễ thấy một người Tây Phương tới, thì họ luôn nói: – “Lão ngoại lai tới kìa!”…

Tôi thường cảnh tỉnh, nhắc nhở họ rằng: – Mình mới chính là người ngoại lai (từ nước ngoài tới) còn họ – vốn là dân bản địa.

Tôi rất muốn tiếp xúc với người Tây Phương. Lúc này tôi chợt nhớ đến lời của một pháp lữ Nhật Bản từng dạy tôi pháp thiền, đó là Thiền sư Thiết ngưu, khi tôi bày tỏ những băn khoăn, thổ lộ mối lo âu với ông, e là khi mình đến Mỹ quốc sẽ gặp chướng ngại về ngôn ngữ, thì ông đã tặng cho tôi một câu nhắc nhở: – “Dạy Thiền không cần dùng văn tự!”

Câu này đã giúp tôi, cho dù tôi nói tiếng Anh dở, từng hoằng pháp khó khăn và gặp phải cảnh “bể dĩa” ở Toronto, thì ở tại Nữu Ước này, tôi chỉ đạo tọa thiền và chẳng kỳ vọng gì đối với các học sinh, học giả. Trọng điểm của thiền là (chỉ thẳng tâm người) “trực chỉ chân tâm”. Tâm là chủ yếu nồng cốt, nếu dùng bất kỳ văn tự hoặc khẩu thuật đều không phải là cách giải quyết vấn đề then chốt và chẳng đi đến đâu.

Mục đích chính yếu là hướng dẫn học sinh, giúp họ chứng ngộ pháp thiền, song bản thân học sinh cần phải lìa văn tự, ngôn thuyết; mới có thể minh tâm kiến tánh. Trong sử Thiền tông, có một vị Thiền sư trứ danh là Đại Trí Hoài Hải. Có lần đệ tử hỏi ông: – Thầy có thể dạy con làm sao để tu không?

Thiền sư đáp: – Đói ăn, mệt ngủ! (Không cần văn tự và ngữ ngôn).

Chúng ta không cần dùng hay làm những điều thần bí gì, bởi nhìn người tu thiền, thấy việc họ làm tưởng là thần bí, nhưng nếp sinh hoạt của họ rất thực tế, đơn thuần, không phức tạp và chẳng có tham muốn chi nhiều. Bất kỳ ai cũng có thể trải qua đời sống như thế.

Lúc tổ Bồ-đề-đạt-ma đến Trung Quốc, Ngài cũng chẳng cần nói Trung văn( tiếng Hoa). Trong sử, có một hòa thượng hỏi Thiền sư Triệu Châu rằng:

– Con rất khốn đốn và có nhiều mối nghi, xin ngài chỉ điểm giúp cho!

Triệu Châu hỏi: – Ngươi ăn cháo chưa?

– Dạ ăn rồi!

– Vậy thì rửa chén đi!

Vị đệ tử ngay đây khai ngộ.

Cho nên, khi tôi bắt đầu tiếp xúc với chúng Tây Phương, tôi cũng áp dụng phương pháp giống vậy. Gặp học sinh đến cầu giúp đỡ, tôi liền hỏi: – Ăn tối chưa?

Nếu họ đáp “Ăn rồi!” thì tôi sẽ bảo: – “Hãy rửa chén của anh đi!”

(Tôi thường dùng phương thức này cùng học sinh đàm đạo, nhất là lúc không có người phiên dịch. Bởi tôi không thể nói nhiều tiếng Anh để giảng Phật pháp nên phải đơn giản hóa sự tình). Khi học viên hỏi: – Nguyên nhân là sao?

Tôi đáp: – Không có nguyên nhân.
Bọn họ dường như cũng hiểu ra.