NHÂN QUẢ PHỤ GIẢI LƯƠNG HOÀNG SÁM
TẬP II
Biên giảng: QUẢ KHANH
Hạnh Đoan Lược dịch

 

NGƯỜI CHA NGOẠI GIÁO

Tại Seattle có gia đình Hoa kiều nọ: Người vợ và hai con gái đều theo Phật giáo, là đệ tử ngài Tuyên Hóa, nhưng ông chồng (gần 70 tuổi) lại là con chiên ngoan của Chúa. Mỗi bên tự quý đạo của mình nên khó thể dung hòa.

Số là người chồng trước ở Đài Loan, do làm ăn thất bại, công ty bị phá sản, không thể bồi hoàn số nợ bạn bè đã hùn vốn nên ông phải đem toàn gia qua Hương Cảng. Nào ngờ một năm sau, lại chạm trán chủ nợ tại đây.

Mặc dù lúc ấy bọn họ không đòi nợ, song cũng đủ khiến ông lo lắng bất an. Dù suốt 6 tháng không có chủ nợ nào mò đến gõ cửa, nhưng ông rầu lo đến đêm không thể ngủ, sức khỏe suy sụp.

Thế là ông lại di dân qua Seattle (ở Mỹ), tính đến nay đã mấy năm, không gặp phải người quen Đài Loan nào. Dù vậy, mỗi khi ra đường, là ông mặt mày căng thẳng, mắt lấm lét nhìn tứ phía, tâm hãi hùng như kẻ trộm…

Do cả đời ông sự nghiệp không thành, trong lòng cảm thấy có lỗi với vợ con, nên sống không vui vẻ thoải mái. Vì vậy mà hai cô con gái mới hỏi Quả Lâm về chuyện của cha mình.

Quả Lâm giải thích:

– Phụ thân hai vị đời quá khứ có phúc báu rất lớn, ông được thừa hưởng gia sản kếch xù, mọi mặt đều có người lo liệu, có thể nói là ngày ngày thu vô cả đấu vàng. Nhưng ông làm gì cũng không hỏi ai, chỉ biết vung tay tiêu tiền, dốc sức hưởng lạc.

Trong nhà còn nuôi một số văn nhân mặc khách ăn bám theo, thường tụ họp vui chơi yến ẩm…

Ông nhiều lần tổ chức trò chơi: Cho thả hằng trăm con chim, có đeo vàng nơi chân chúng, hễ ai bắt được chim thì thưởng luôn vàng đó, khiến mọi người tranh nhau giành bắt, riêng ông ngồi đó ngắm nhìn tiêu khiển.

Số khách kiếp trước theo ăn bám ông, đời này cũng tụ hội quanh ông, nhờ ông còn phúc dư nên còn duy trì sự nghiệp. Những kẻ hùn vốn với ông toàn là đám thực khách kiếp xưa theo ăn của ông, nay do trả nợ mà tìm tới, cho nên dù có xảy ra công ty bị thất bại họ vẫn không đòi nợ ông. Dù biết ông lìa quê đề trốn nợ, họ cũng không có tâm truy đuổi kiếm đòi, nhưng cả hai bên đều không hiểu rõ, họ cư xử như vậy đều thuộc về nhân quả.

Phần mẫu thân và hai chị em cô, kiếp xưa đều là thê thiếp của ông, cho nên đời này không những rất muốn chăm sóc ông, mà còn phải lo kiếm tiền cho ông xài. Tất cả đều thuộc nhân duyên túc thế”.

Chúng ta nếu muốn sống hạnh phúc thì nên dứt tuyệt đồ mặn ăn chay trường, buông bỏ tất cả ân oán thế gian, thời gian chúng ta sống trên đời không nhiều, hãy chân thành lễ bái khoảng ba bộ Lương Hoàng Sám, có thể giúp tiêu trừ vô lượng tội nghiệp. Lấy lời răn “Tứ chủng thanh tịnh minh hối” để noi theo, chọn pháp tu thích hợp với mình. Đừng phí thời gian bàn phải quấy, bình hay dở của người. Phải biết quán tự tại (tự quán xét mình) mới là Bồ tát, quán tha tại (dòm xét người) chính là phàm phu. (Đừng hễ ở nhà là thấy chồng không tốt, bà xã không hay, toàn bới móc
khuyết điểm… đừng vào công ty là thấy anh Lý chẳng đúng, chú Trương sai, ai cũng xấu!)

Qui y Tam bảo rồi, chớ cho Trương cư sĩ quá dữ, ông Lý quá hiền, bà Vương chỗ nào cũng chướng mắt… Vào chùa thì thấy Đại hòa thượng vô tích sự, Nhị hòa thượng chẳng tu, Tam hòa thượng chẳng giữ Thanh quy, tóm lại chỉ có mình ta là tốt, đúng nhất.

Người như vậy là chỉ biết “quán tha tại”, chẳng giỏi “quán tự tại” cho nên trong mắt chứa toàn lỗi người, đầy bụng toàn là than oán, chỗ chỗ đầy phiền não… thế thì làm sao có thể sống tự tại được? Nếu thường quán tự tại, thì phải luôn tự tỉnh, chẳng để phạm lỗi, hằng thấy tất cả là Bồ tát. Hành được vậy thì sống ở đâu cũng tự tại, lúc nào cũng hưởng pháp hỷ sung mãn. Đây chính là cách tu tốt nhất.

Trong Tâm kinh nói: Bồ tát Quán Tự Tại quán sát thấy sắc, thọ, tưởng, hành, thức… đều hư huyễn, là không, hành trì bền bĩ, khai mở trí tuệ, vượt qua tất cả khổ ách)

Ngài Tuyên Hóa giảng: Chỉ cần thấy lỗi mình, không thấy chỗ sai của người. Phải xem tất cả bình đẳng, thương như nhau (đồng thể đại bi). Có thể quá khứ ta cũng đối họ như thế, nên hôm nay họ mới đối với ta như vậy, nếu nghĩ được thế này, thì việc gì cũng hóa giải được.

Đại sư Ấn Quang dạy: “Nếu thường thấy lỗi mình và kịp thời sửa sai là đang đi trên đường

Bồ-đề”. Chúng ta sống hòa hợp hoan hỷ, viễn ly phân biệt, không nghĩ oán thân, mới là diệu pháp giải oán kết.

Người tu hành đối với việc bị phỉ báng và công kích như thế nào? Sư Vĩnh Gia trong Chứng Đạo Ca có dạy chúng ta: Mặc người phỉ báng, nói xấu bạn, nếu họ làm vậy cũng giống như cầm lửa muốn đốt trời, tự phí công thôi.

Khi chúng ta nghe lời tục tằn xấu ác, thì hãy vui như uống cam lộ. bởi vì người đang giúp ta tu thành tựu. Làm được vậy gọi là “tiêu dung”. Tiêu: là tâm khéo hóa giải tất cả chướng ngại, tâm cùng hư không hòa thành một, có thể dung chứa tất cả. Nếu làm được như thế bạn sẽ chứng nhập cảnh giới bất tư nghị. Những lời ác khẩu tổn hại kia, thực giống như tư lương giúp ta tu hành, là Thiện tri thức của ta. Ta không nên vì những lời dèm chê phỉ báng mà sinh phân biệt oán thân. Bằng không, sao có thể phát huy sức mạnh vô sinh nhẫn?

Chỉ cần chúng ta thành tâm sám mọi hối oán kết cùng chúng sinh, dùng tâm từ đối đãi… thì ác duyên sẽ hóa giải.

Ví dụ như con muỗi, ta không nên cho là nó có chủ ý muốn hút máu. Người đã tiêu nghiệp chướng sẽ không bị chúng cắn (bởi vì không còn thiếu nợ chúng).

Xin kể câu chuyện ngài Tuyên Hóa giải trừ oan kết với muỗi như sau:

ĐẠI SƯ VÀ CON MUỖI

Ngài Tuyên Hóa có khi viết chữ cho người, thường ghi: TỲ-KHEO MUỖI, TIÊN SINH MUỖI. Nguyên nhân là sao? Chuyện này phải kể hồi ngài còn trẻ, vào khoảng thời gian cư tang giữ mộ mẹ ba năm.

Khi ngài ra vùng dã ngoại giữ mộ mẫu thân thủ hiếu, tối đó, từng bầy muỗi to ào tới hút máu người. Ngài biết đây là cửa ải khó khăn, bèn phát tâm bố thí, bảo muỗi thế này:

– Xin các ngươi cứ đến hút máu, ta đãi! Nói xong thì cởi áo ra. Bầy muỗi lập tức bu lại, bò đầy trên mình ngài. Ngài không hề đuổi xua, còn thầm phát nguyện:

– Ta xin bố thí máu cho các ngươi, cứ tha hồ hút nhé. Ta mà chết ở đây, tương lai sẽ không báo oán đâu. Chẳng những không báo, mà đến lúc ta thành Phật, ta nguyện sẽ cứu độ các ngươi. Bắt đầu từ nay trở đi, ta xin được làm bạn với các ngươi! Vậy mình làm bạn nhé!

Thực kỳ quái, muỗi bò qua lại trên mình ngài, nhưng không hút máu, chúng bò trên mình ngài một lát thì toàn bộ đều bay đi. Từ đó về sau, không những mùa xuân chẳng có muỗi tới quấy rầy, mà ngay cả mùa hạ (bầy muỗi vốn nổi tiếng là tai họa của vùng hoang dã này cũng không hề cắn ngài). Nhưng khách đến đây ai cũng bị muỗi cắn nát, riêng Ngài thì không hề bị cắn. Sau đó Ngài giải thích: Chúng không cắn là thực lòng bày tỏ thiện ý: Muốn làm bạn với tôi!

Xin kể tiếp một câu chuyện giải oán kết cùng loài vật:

TRƯƠNG PHU NHÂN

Có một bà họ Thẩm ở Thượng Hải sau khi học Phật rồi, thì dốc sức hóa độ mẫu thân chưa tin Phật. Mẹ bà họ Trương, trước khi về hưu từng là lãnh đạo cao cấp của Công ty Hàng không nọ. Bà Trương luôn miệt thị, cho Phật pháp là mê tín. Song vì chiu con, bà cũng ráng mướn xe đến Thiên Tân gặp tôi một lần.

Lúc tôi vừa bắt đầu giảng, bà quay mặt sang chỗ khác, ra cái điều “ta đây không thèm nghe, không thèm để ý tới”… Đến khi tôi kể những câu chuyện nhân quả có thực mình từng chứng kiến và đích thân trải qua, thì bà dần dần quay mặt lại, chăm chú lắng nghe, tuy cảm thấy có lý nhưng vẫn còn bán tín bán nghi…

Mấy tháng sau, bà đi Sơn Đông và ngụ nơi nhà người quen mấy ngày. Bình thường bà rất ghét và sự chó, nhưng nhà người quen này lại nuôi một con chó săn to lớn, dữ tợn. Tất nhiên đối với bà, nó tỏ vẻ rất hung hăng. Mỗi lần bà bước ra sân, con chó luôn nhào tới sủa dữ và nhe nanh: Như muốn tấn công bà. Khi chủ nhân la mắng thì nó tạm im một chút, rồi sau đó lại gay gắt sủa tiếp…

Đang lúc muốn đối phó với con chó này, bà Trương bỗng nhớ tới lời tôi giảng (hay khuyên nên qui y cho loài vật và bày cách ứng xử với kiến, muỗi v.v…) Thế là bà liền đứng ở chỗ con chó không thể vồ tới, thử nói với nó như thế này:

– Ngươi đối với ta như vậy, có lẽ do kiếp trước ta có chỗ không phải với ngươi. Riêng phần ngươi, chắc chắn đã từng làm qua việc xấu, nếu không thì giờ này đâu phải mang thân chó, sống chẳng được thoải mái tự do? Ta thấy rõ là ngươi cũng không muốn hướng ta đòi nợ, vậy thì xin ngươi hãy niệm Tam quy theo ta, phát tâm tu hành theo Phật, để đời sau sớm được làm người mà tu hành, ngươi có chịu không hả?

Khi nói như vậy, bà phát hiện con chó khí thế đang bừng bừng hung háng bỗng lập tức dịu lại, nó không sủa nữa mà ngồi xuống nghiêng đầu, nhìn chăm chăm vào bà. Bà bèn tiến tới gần con chó, lớn tiếng niệm: “Qui y Phật, bất đọa địa ngục! Qui y pháp bất đọa ngạ quỷ! Qui y Tăng bất đọa súc sinh!”… Bà đọc liên tục ba lần, lúc này chuyện đáng kinh ngạc xảy ra: Con chó đang ngồi, bỗng nhiên nó chắp hai chân trước lại giống như người ta chắp tay, sau đó đầu nó phủ phục xuống, mọp sát đất, nó làm hét sức có quy củ, còn hướng bà đảnh lễ ba lần! Trương cư sĩ sửng sốt, đứng ngây người nhìn…

Một lúc sau bà mới hiểu ra và thấm thìa: Quả thực là loài vật cũng biết tu!

Từ đó về sau, mỗi khi con chó gặp bà thì nó lắc mình vẫy đuôi, lộ vẻ vui mừng như thấy người thân, không còn nét gì là hung dữ nữa. Bà Trương cũng nhờ việc này mà tín tâm thêm kiên định, bà thực sự bước vào con đường học Phật, tu hành.

Đại chúng nên tinh tấn tu, sám hối diệt tội giải oán.