NHÂN QUẢ PHỤ GIẢI LƯƠNG HOÀNG SÁM
TẬP II
Biên giảng: QUẢ KHANH
Hạnh Đoan Lược dịch

 

HỒI ỨC VỀ BUỔI ĐẦU GẶP NGÀI TUYÊN HÓA

Trước đây tôi tự nghiên cứu Phật pháp bằng cách xem sách ngài Tuyên Hóa giảng và đọc kỹ “Tứ chủng thanh tịnh minh hối” trong Kinh Lăng Nghiêm.

Tu hành chính là nương vào chính mình. Bạn muốn tìm một người dẫn đường, thì phải tìm người sáng đạo. Ngài Tuyên Hóa giảng “Kinh Lăng Nghiêm Thiển Thích” 1 rất hay, bạn hãy tìm xem. Hiện nay có nhiều người giảng Kinh Lăng Nghiêm, nhưng tôi xem thấy đa số giảng không chuẩn. Bởi bản thân họ không tu tốt, do họ còn ăn thịt, hút thuốc, uống rượu.Vì tu không viên mãn, cho nên không thể giảng viên mãn, chỉ có người tu hành rốt ráo mới giảng viên mãn.

Vì sao bảo tôi các bạn nên xem ngài Tuyên Hóa giảng? Vì tôi tu không viên mãn, nên tôi tuyệt đối không thể giảng viên mãn. Mấy bộ kinh ngài Tuyên Hóa giảng, bạn xem có thể hiểu được. Nếu bạn chưa rành gì về đạo pháp, thì rất cần xem những kinh sách ngài Tuyên Hóa giảng, cần xem “Tứ chủng thanh tịnh minh hối”… Người mới nhập Phật môn chưa biết tu hành, hãy y theo “Tứ chủng thanh tịnh minh hối” mà tu, đó là quang minh đại đạo. Nếu như tu hành đúng đắn, rất nhanh chứng đắc (không phải tu cả đời mới chứng đắc), nhất là hiện nay.

Hồi chưa học Phật, tôi rất ưa ăn thịt, nhưng khi xem đến sách ngài Tuyên Hóa giảng, mới biết là thịt không được ăn, nên không ăn nữa.

Trước đó chúng tôi tu tĩnh tọa, tôi hướng dẫn cả nhà, bình thường tĩnh tọa khoảng một tiếng. Mọi người tĩnh tọa xong thì đi ngủ. Phần tôi nán lại xem kinh thư một chút.

Lần đó, tôi đang xem sách ngài Tuyên Hóa giảng là “Kinh Kim Cang Thiển Thích”, thì bỗng chuông điện thoại reo vang. Hôm ấy là không giờ 10 phút ngày 8 tháng 12 năm 1993, Lúc đó tôi công tác tại Tân Cương.

Tôi nghĩ: “Chắc là cấp trên gọi điện tới sắp công tác cho mình”, nên vội lấy thẻ ngăn trang làm dấu cuốn “Kinh Kim Cang Thiển Thích”, rồi tiếp điện thoại. Trong điện thoại là giọng nữ, bởi vì lúc đó Tiếp tuyến viên đều là nữ.

Tôi nói: – A lô!

Nghe bên kia không có hồi đáp, im lặng một hồi, sau đó thì vang lên âm thanh người già:

-Alô, có phải Dương tiên sinh không ạ?

(Sao là “Dương tiên sinh?” Lúc đó chưa có ai gọi tôi như vậy).

Tôi hỏi: Thưa, là ai đó ạ?

– Tôi là Tuyên Hóa, ở Vạn Phật Thánh Thành Mỹ quốc…

– Chao ôi, tôi vừa nghe, lập tức đầu óc tỉnh rụi liền. Vì sao ư? Vì tôi bắt đầu nghiên cứu kinh Phật giáo thì đã chọn xem sách ngài Tuyên Hóa, cả nhà tôi đều quý sách ngài, đều xúc động do thấy ngài giảng quá hay, quá tuyệt, nên thường thắc mắc, hỏi thầm: “Ngài là bậc tái lai nào đây?”. Khi tôi vừa nghĩ thế, thì trong óc liền xuất hiện một vị mặc y phục trắng – Chính là Bồ tát Quan Thế Âm (do vậy tôi biết rằng: Ngài chính là Bồ tát Quan Âm tái lai).

Giờ đây trong điện thoại lại vang lên:

– Tôi là Tuyên Hóa…

(Thế thì hóa thân Bồ tát Quan Thế Âm đang gọi điện cho tôi rồi, bạn đoán xem tôi bị kích động đến đâu?) Tôi buột miệng nói:

– Chào Sư phụ, ngài khỏe hả?

Tôi nói xong liền nghĩ: Mình chưa lễ bái làm đệ tử ngài, sao vội gọi là Sư phụ? Phải gọi ngài là Pháp sư(18) (ngài Tuyên Hóa giảng trong sách biết bao lần: Hễ gặp người xuất gia, thì nên gọi Pháp sư) vì vậy tôi vội chữa lại như thế này:

– Con kính chào Pháp sư!

– Ông đang làm gì vậy?

– Con đang xem “Kinh Kim Cang Thiển Thích” của ngài giảng.

– Ông đã xem qua các sách nào rồi?

– Dạ, con đã xem “Kinh Lăng Nghiêm Thiển Thích, Kinh Dược Sư Thiển Thích, Kinh Địa Tạng Thiển Thích, Lục Tổ Đàn Kinh Thiển Thích” …

– Tôi giảng không có vấn đề gì chứ?

– Dạ tuyệt lắm! Sư phụ. Ngài giảng hay quá. Nhờ xem ngài giảng mà con sáng tỏ thêm nhiều.

– Tốt lắm. Xem kinh nhiều thì tăng trí huệ mà… À, tôi xin mời ông qua Mỹ một chuyến…

– Sư phụ, đợi lúc con có đủ điều kiện, con nhất định sẽ qua bái kiến ngài.

Nói vậy, chứ trong lòng tôi nghĩ: “E rằng cả đời này mình khó thực hiện được…”, vì sao ư?

– Danh gọi kính trọng dành cho Tăng lẫn Ni (theo Trung Hoa).

Vì đi Mỹ tốn rất nhiều tiền, mà lúc ấy trong tay tôi đâu có tiền nhiều? Nhà tôi chỉ có ba vạn (vào thời đó trong nước tôi những hộ có được vạn đồng cũng rất hiếm). Thế thì làm sao tôi có đủ tiền mà đi?

Dù lương tháng của tôi cũng thuộc loại cao, nhưng tôi vẫn tiết kiệm, nhín nhút để dành được ba vạn, phần đó dành để chi cho Quả Đạt sau này. Vì vậy, hiện tại nếu đi Mỹ, tôi không biết kiếm tiền vé phi cơ ở đâu? Mà đến Mỹ rồi, còn phải lo chi phí ăn ở và phải có tiền để cúng dường Sư phụ nữa… Thế nên tôi nghĩ: Cả đời này e rằng mình khó mà qua Mỹ gặp ngài…

Đang nghĩ như thế thì bên kia điện thoại nói:

– Ông hãy qua Mỹ nha, tất cả chi phí đều do tôi lo liệu.

– Chà, Sư phụ, sao có thể như thế? Không phải ngài đã giảng trong kinh sách: Người tại gia nên cúng dường người xuất gia? Làm sao con có thể để ngài chịu tiền vé được kia chứ?

– Tiền là ở nơi đại chúng, dùng cho đại chúng thì có gì là không thể?… mà… Tiểu Vân khỏe hả?

(Tôi giật mình, làm sao ngài biết tới Tiểu Vân và biết rành số điện thoại của chúng tôi? Con gái tôi tên Dương Vân, nhưng chúng tôi thường kêu nó là Tiểu Vân. Nghe ngài hỏi về Tiểu Vân, tôi rất kinh ngạc).

Chẳng đợi tôi nói câu nào, con gái tôi đang ngủ trong phòng, do bị cuộc trò chuyện của tôi làm cho thức giấc, nó vội ra ngoài đứng cạnh tôi, phụ tiếp điện thoại và nói: 

– Chào Sư phụ!

– Chào Tiểu vân, con biết tiếng Anh chứ?

– Dạ có ạ.

Tôi ngồi trên ghế, cảm thấy xúc động, thắc mắc vô cùng: Vì sao Sư phụ biết chúng tôi mà liên lạc?

Sư phụ nói với con tôi xong thì bảo tôi:

– Dương tiên sinh, sau này tôi sẽ gọi cho ông thường, chẳng biết ông có vui lòng không?

Tôi vội thưa:

– Con rất vinh hạnh, thưa Sư phụ. Sao ngài có thể biết điện thoại của con?

– Chà, điện thoại của ông chẳng phải là để cho người gọi hay sao?

Tôi không còn lời gì để nói nữa.

Từ hôm đó trở đi, mỗi ngày Sư phụ gọi cho chúng tôi ít nhất một lần, nhiều thì bốn lần, bao gồm cả nhờ… khám bệnh. Ngài bảo chúng tôi xem các đệ tử ngài, kể cả chúng đệ tử Mỹ quốc, thực có bệnh gì, là do nguyên nhân gì. Đa số đều giao Quả Lâm xem.

Trước đây có một cô gái ở nước ngoài, tìm chúng tôi khám bệnh, con tôi nói: Bạn không cần báo cáo tình huống với chúng tôi. Bạn đừng sợ khi thấy chúng tôi biết hết những việc xấu bạn đã làm. Mặc dù điều này khiến bạn khó kham, nhưng việc phát lộ và chân thành ăn năn sám hối sẽ giúp tiêu tội nghiệp…

Quả Lâm giải cho cô ta hiểu bệnh cô do nguyên nhân nào tạo thành. Cô ta hỏi vì sao Tiểu Vân biết được? Nó đáp: MUỐN NGƯỜI ĐỪNG BIẾT, TRỪ PHI MÌNH ĐỪNG NGHĨ, chứ không phải chỉ là: “Trừ phi mình đừng làm’’… 

Bạn chỉ cần nghĩ thôi, là có người biết rồi! Tất cả việc chúng ta làm đều có: Người biết, quỷ biết, thần biết, chư Phật, Bồ tát biết!

Cho nên nếu chúng ta làm gì sai quấy: Ta làm người mất mặt hoặc sát sinh ăn thịt, làm những việc xấu đến khó thể mở miệng khai ra… thì sau khi minh bạch lý này rồi, bạn hãy mau mau quỳ trước Phật đường nhà mình mà sám hối ngay đi. Sám hối từ rày: Thệ không phạm lại nữa, được vậy thì tội nghiệp này liền tiêu. Nếu như không sám hối, nghiệp ác kia vĩnh viễn đeo theo, gieo thống khổ cho bạn!

Ngài Tuyên Hóa bảo tôi dẫn hai mươi người đi Mỹ, là nhóm người cùng học Pháp với tôi. Họ không phải là những người học Phật bình thường, mà đã hoàn toàn khai mở trí huệ. Sư phụ sẽ lo tiền cho chúng tôi (qua để giúp Sư phụ, chứ không phải để du ngoạn, tính luôn cả bốn người nhà tôi).

Kết quả: Khi cấp phép, chỉ mình tôi được phê duyệt. Nhân viên công tác Sứ quán nói:

– Mình ông đi thăm Sư phụ được rồi, mấy người kia đi làm gì?

Tôi rất giận. Bọn họ cũng không cho cả nhà tôi đi, nói là: Nếu cả nhà ông đi Mỹ rồi ở bển luôn không thèm về thì sao?…

Tôi nói:

– Tôi qua Mỹ thăm Sư phụ rồi sẽ về!

Thực tình, trong lòng tôi nghĩ: “Nếu không phải là đi gặp Sư phụ, thì cho dù tổng thống Mỹ có mời, tôi cũng không đi”…

Qua đến Mỹ rồi, Quận trưởng California mời tôi đến chỗ ông dự tiệc… Sư phụ đồng ý cho tôi đi để biết các mặt của xã hội, nhưng tôi nói:

– Sư phụ, con đến Mỹ mục đích là để gặp ngài, đừng nói là Quận Trưởng mời, mà cho dù là ông Clinton đến thỉnh, con cũng không đi!

Thực vậy, học Phật rồi đối với thế tình đều thấy lãnh đạm.

Khi tôi đến nơi thì ban tiếp tân dẫn tôi đi gặp Sư phụ ở tại lầu dịch kinh.

Lúc này ngài đang ở tầng ba, nhưng đã vội xuống lầu, đứng đợi chúng tôi. Tôi lúc đó trong lòng rất bình tĩnh, không hề căng thẳng, dù xưa nay chưa hề gặp và nói chuyện trực diện với ngài. (Khi Sư phụ gọi điện cho tôi, chính là lần đầu tôi nói chuyện cùng ngài).

Gặp Sư phụ, tôi quỳ xuống, khấu đầu ba lần. Lúc đó, đứng chung quanh có năm vị Tỳ kheo người Mỹ.

Chúng tôi vào thang máy để lên lầu, Sư phụ để tôi vào trước (Tôi không khách khí, đi vào. Bởi ngài từng phát nguyện: Không đi trước người, nhất định đi sau người).

Tới nơi rồi, Sư phụ bảo thị giả:

– Đem hành lý Dương cư sĩ đến gian phòng bên cạnh ta. Đó là một thư phòng, tôi ngụ tại đây.

Tiếp đến, tôi qua phòng Sư phụ, ngài ngồi xếp bằng trên giường, tôi ngồi nơi băng ghế dài đối diện.

Bởi vì đây là lần đầu tôi đến Mỹ giao tiếp với ngài, hơn nữa tôi thầm cho ngài là Bồ-tát Quan Thế Âm, nên tâm tư rất xúc động.

Tôi ngồi đấy, ngài hỏi gì thì tôi đáp đó. Toàn là hỏi thãm chuyện quê nhà, (hỏi tôi ở Thiên Tân thuộc vùng nào, địa phương nào. Tôi trả lời mà có cảm giác như đang trò chuyện cùng bậc cha mẹ hay với người rất thân thiết). Được một lát, thị giả đến thưa:

– Sư phụ, cho Dương cư sĩ đi dùng cơm.

– Thôi, ông đi ăn cơm nhé.

– Sư phụ, mời ngài cùng ăn.

Chúng tôi mỗi ngày chỉ ăn một bữa, ông hãy ăn một mình nhé.

Vào ăn cơm, thấy bốn dĩa thức ăn nhỏ không có chút hương vị muối, tôi bèn hỏi thị giả có muối không? Thầy cầm tới một hũ muối, tôi múc một muỗng nhỏ, dĩa thức ăn nào cũng rắc vào. Thị giả đứng bên cạnh nói:

– Ôi chao, thưa Sư phụ, Dương cư sĩ ăn muối dữ quá. Như thế không phải quá mặn hay sao?

– Đừng lấy làm lạ, con đã biết ông ta từ đâu tới rồi mà.

Ăn xong, tôi ngồi nói chuyện với Sư phụ một chút.

Trời tối, Sư phụ bảo:

– Bây giờ đi gặp bọn họ được rồi.

Tôi chẳng biết là gặp ai? Bởi lúc đến tôi thấy chỉ có 5 thầy Tỳ kheo đang đứng, không thấy ai khác, tôi nghĩ: Chắc là đi gặp mấy người này. Tôi nói: Dạ được.

Khi cửa thang máy mở ra, âm thanh mấy trăm vị niệm Phật vọng vào lỗ tai tôi. Lúc ở trong thang máy tôi không nghe thấy, vì cửa thang máy kín mật, nên ở trỏng không nghe thấy gì.

Tôi thầm nghĩ:

– Ôi chao, phải gặp đông người như thế hay sao? (Thầm cảm thấy quá ngại).

Sư phụ dẫn tôi tiến vào một ngôi kiến trúc, là Hội đường. Khi chúng tôi vào, mọi người đều đứng lên. Toàn bộ đối diện nhau, ở giữa có lối đi, phía trước là đài chủ tọa. chúng tôi đi từ hậu diện tiến ra trước.

Sư phụ vừa vào, tất cả biến thành âm thanh Phật hiệu. Tôi thấy trong đây phía bên hữu là Tỳ kheo ni đứng trước, mặc toàn hoàng y, rất đông. Ước chừng có 450 vị, phía sau toàn là nữ cư sĩ mặc áo tràng, đều là thành phần trí thức.

Nước chúng tôi vào thời điềm (1993) lúc đó các nữ cư sĩ Phật giáo đa số đều là các bà không có văn hóa, người trí thức ai mà học Phật? Không giống như hiện thời: Nhiều lãnh đạo, cán bộ và các bác sĩ, tiến sĩ, thạc sĩ đều học Phật, nhiều giáo sư và sinh viên thuộc các đại học (Thanh Hoa, Nam Khai, Thượng Hải, Phúc Đán)… đều xúm nhau học Phật.

Phía bên tả tôi: Đứng trước là chúng tỳ kheo, phía sau là các nam cư sĩ. Sư phụ đi thẳng lên trước, tôi nối gót theo sau. Hiện trường không khí khiến tôi xúc động…

Tôi thuở giờ ít đi tới chùa nên cái gì cũng đều không biết, không rành. Tôi học Phật chính là tự mình ở nhà xem và nghiên cứu kinh Phật, đọc sách ngài Tuyên Hóa giảng.

Hôm nay lần đầu đến đây, tôi không nghĩ là bị bắt lên đài, chắc… sẽ được ngồi phía dưới.

Nhưng Sư phụ bảo:

– Đi nào.

Tôi đành phải bước theo.

Sư phụ bảo:

– Lễ bái nào.

Trên nền không có thảm, Sư phụ khấu đầu xong, tôi cũng lạy xong, Sư phụ nói:

-Thượng đài!

Lúc này tim tôi đập thình thịch, không còn cách nào khác, chỉ biết lên đài. Trên đài có mấy vị, phía bên này là hai Hòa thượng người Mỹ, còn bên kia là một vị làm phiên dịch cho tôi. Trước đây Sư phụ luôn ngồi ở giữa làm chủ tọa, nhưng bây giờ ngài lại ngồi dưới đài, sắp tôi ngồi trên đài, ở giữa. Hai chân tôi bắt đầu run, lần đầu tiên gặp phải cảnh như thế này…