NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Hòa Thượng Truyền Độ
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời hòa thượng Truyền Độ

Nhận được khôn ngăn cảm động, hổ thẹn. Hơn ba mươi năm qua tọa hạ đã khiến cho Ô Vưu[1] rạng rỡ như mới, còn Quang suốt mấy chục năm qua chỉ ở đậu, theo đại chúng ăn cơm trong chùa người ta mà thôi. Soạn được hai cuốn Văn Sao, văn từ hết sức chất phác, kém cỏi, chỉ là chuyện bị ép vào thế bất đắc dĩ, đành tắc trách cho xong, nào đáng được khen ngợi quá lố? Đại Sĩ Tụng, Văn Sao vào mùa Xuân năm sau sẽ gởi tới mấy gói để mong kết duyên. Hiện thời đã có người đặt khá nhiều, chẳng thể tặng khắp những ai hữu duyên, phải gởi hết cho những người đặt mua trước đã. Văn Sao bản mới còn chưa sắp chữ xong, có lẽ sẽ bắt đầu in trong năm. Sách này lại tăng thêm mấy chục thiên, bài văn về quý tự cũng được thêm vào trong số ấy.

Bế quan tu Tịnh nghiệp quả thật rất tốt, nhưng cần phải một lòng dốc sức nơi tín nguyện nhất tâm, chớ nên dốc sức nơi thấy tịnh cảnh hay thấy Phật! Nếu chẳng khéo dụng tâm, chỉ muốn mau thấy tịnh cảnh, vì vọng niệm ấy cố kết không cởi gỡ được, mỗi ngày một sâu hơn, ắt sẽ khiến cho oán gia trong đời trước biến hiện tịnh cảnh, đợi cho ông thấy xong, sanh lòng hoan hỷ lớn lao, ma sẽ thừa dịp xâm nhập, chẳng thuốc gì chữa được! Hãy nên đem lời khích lệ này để bảo ban.

Còn nói đến chuyện niệm Quán Âm để cầu sanh Tây Phương thì có gì là không được? Chẳng thấy kinh Lăng Nghiêm nói: “Cầu vợ được vợ, cầu con được con, cầu phú quý được phú quý, cầu trường thọ được trường thọ, như thế cho đến cầu đại Niết Bàn sẽ đắc đại Niết Bàn” đó ư? Đại Niết Bàn là lý thể chứng được khi thành Phật. Rốt ráo thành Phật mà còn đạt được, huống hồ vãng sanh Tây Phương ư? Hơn nữa, Quán Âm và Di Đà đều cùng làm một chuyện độ sanh, nào có phân biệt? Nhưng cũng phải sáng tối niệm Phật thì sự lý mới viên dung! Chẳng thấy trong kinh Đại Bi, đức Quán Âm dạy người lễ bái, trì chú thì trước hết phải niệm danh hiệu A Di Đà Phật đó sao?

***

[1] Ô Vưu là tên núi, đồng thời là tên chùa. Chùa này cũng thuộc Tứ Xuyên, gần với chùa Lăng Vân, nơi có Lăng Vân Đại Phật (Lạc Sơn Đại Phật). Chùa được xây trên đảnh núi Ô Vưu vào thời Đường, mang tên là Chánh Giác Tự, đến đời Bắc Tống đổi thành Ô Vưu Tự.