NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Pháp Sư Nghĩa Thông
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời pháp sư Nghĩa Thông

(thư thứ nhất)

Nhận được thư, biết tâm Sư hoằng pháp, bảo vệ đạo hết sức sâu đậm, thiết tha, khôn ngăn khiến người khác ngưỡng mộ khôn cùng! Trong cõi đời hiện thời, thổ phỉ thấy người khác có chút tích cóp thì nếu chẳng cướp đoạt cũng sẽ bắt cóc. Cô trinh nữ là phận gái, những người cùng sống đều là nữ giới, đang trong lúc loạn lạc cùng cực không có luật lệ này, lẽ đương nhiên nên tu ròng tịnh hạnh, há nên bỏ gốc theo ngọn, chú trọng xây cất ư? Pháp sư Tánh Nguyện, đại sư Giác Viên và tọa hạ sao đều chẳng nghĩ tới điều này? Mẹ ông Lý Tuấn Thừa đã chôn trong mộ rồi, bọn thổ phỉ còn đào lên, khiêng đi, bắt phải chuộc. Nếu chẳng phải do cha mẹ ông ta và chính ông ta ăn ở có tình nghĩa sâu đậm với địa phương thì có ai ở Tổng Thương Hội Nam Dương chịu đánh điện xin chánh phủ ra lệnh cho bọn chúng giao trả? Chứ nếu phải chuộc, chẳng biết sẽ phải tốn đến bao nhiêu vạn!

[Nay tôi] tính kế cho cô trinh nữ họ Trần: Đã đến Nam Dương, đã khai duyên (tức đã bỏ ra tiền để cúng dường xây dựng) thì duyên ấy hãy nên thâu lại, tạm giữ trong ngân hàng nào đáng tin cậy, đợi đến khi đại cuộc ổn định một chút, thổ phỉ chẳng tác oai tác quái, sẽ lại xây dựng cũng chưa muộn. Tại Nam Kinh, Dương Châu, phàm là chùa, miếu, ni am hay nhà người ta đều có lính đóng, bị chúng nó chà đạp chẳng thể dùng lời lẽ nào hình dung được. Chùa Pháp Vân ở Nam Kinh đã quyên mộ được bốn vạn tám chín ngàn đồng, tính cất đại điện trước, Quang cực lực ngăn trở, may là chưa xây. Nếu đã xây sẽ thành chỗ đóng quân, nhưng Cô Nhi Viện đã có lính đóng rồi. Những kẻ trước đó oán trách Quang ngăn cản, tới khi gần đây mới biết Quang thấy không lầm, mới chấp nhận là Quang biết nhìn xa.

Tọa hạ cùng pháp sư Tánh Nguyện, pháp sư Giác Viên chưa nghĩ đến điều này là vì người trong cuộc thì quáng vậy! Quang thì đạo đức, học vấn, văn chương vạn phần chẳng bằng được tọa hạ một phần, nhưng ăn cơm nhiều hơn tọa hạ ba mươi sáu năm (sống uổng sáu mươi tám năm), sự từng trải sâu hơn tọa hạ một chút. Đã là bạn bè trong pháp môn thì phải trọn hết tình bạn; cho nên đôi co một phen. Nếu hiểu là Quang chẳng muốn thành tựu chuyện tốt đẹp của người khác thì cũng chỉ đành cười khì mà thôi!

(thư thứ hai)

Nhận được thư, biết tâm hoằng pháp, bảo vệ đạo hết sức sâu đậm, thiết tha khiến người khác kính ngưỡng khôn cùng, nhưng khen ngợi Bất Huệ quá lố, chưa khỏi mắc lỗi khiến người khác sái lẽ thường! Quang vốn là một con nộm đầu gỗ ngoan cố, viễn vông, hủ bại, thiếu những hiểu biết thông thường, là kẻ còn sống mà như đã chết rồi. Há nên khen ngợi quá lố như thế? Chẳng những khiến Quang mang tội, mà tọa hạ cũng chẳng thể không mang tội vậy. Cổ đức nói: “Ví như đất trên đường quan, có một người nắn thành hình tượng. Kẻ ngu cho là do Phật sanh, người trí biết là đất trên đường, một mai quan muốn đi, hủy tượng để đắp đường, tượng vốn chẳng sanh diệt, đường cũng vẫn như cũ!” Chỉ nên mặc cho người ta gọi là trâu hay ngựa, cứ tự giữ bổn phận của cục đất ngoan cố thiếu hiểu biết thông thường trên đường vậy!

Ông Diệp Huệ Nhãn thoạt đầu chưa mở huệ nhãn, lầm lạc xin quy y, sau này huệ nhãn rộng mở, bèn coi Quang như đất trên đường. Tọa hạ nói [ông ta] là cao túc đệ tử của Quang là vì chưa biết tâm ông ta mà nói vậy. Lý Huệ Giác đã do Diệp Huệ Nhãn giới thiệu, đã là bạn xướng họa thơ văn lâu ngày, gặp mặt trò chuyện ắt sẽ hoan hỷ chấp thuận, cần gì phải dùng lá thư một vạn chữ, lại gởi qua cho Quang để Quang gởi đi giùm? Đấy là vì tọa hạ vốn chưa hiểu rõ chí hướng của ông ta mà ra. Ông ta vốn ngưỡng mộ tọa hạ gấp vạn lần Quang; nếu đã sớm gặp được tọa hạ mấy năm trước đây, há chịu khuất mình theo bức tượng nặn bằng đất trên đường? Nhưng ông ta ăn ở vẫn còn như bát nước đầy, tuy biết Quang là đất trên đường, rốt cuộc vẫn chẳng có ý tưởng thị phi! Còn như ông ta gởi cho Quang năm ngàn đồng toàn là do ông ta tự phát tâm, Quang trọn chẳng hề khuyên dụ một chữ nào!

Thoạt đầu là [gởi] hai ngàn đồng để làm Phật sự cho cha mẹ ông ta và làm những thứ công đức khác. Sau đó là ba ngàn đồng đều dùng để in sách. Quang một mực chẳng hướng về người khác mộ duyên. Chùa Pháp Vân ở Nam Kinh do các ông như Ngụy Mai Tôn v.v… phát khởi, đặt Quang làm Hội Trưởng danh dự, mua được bốn trăm bốn mươi mẫu đất trống, dựng tạm mười mấy gian. Sau đấy liền đào chín cái ao phóng sanh. Lại mở Cô Nhi Viện đã được ba năm rồi, cô nhi hơn trăm đứa. Hiện tại, chùa Pháp Vân vẫn chưa chánh thức xây dựng, Quang chưa nói với một đệ tử nào bảo họ bỏ ra ngần ấy tiền để xây cất chùa Pháp Vân hoặc làm kinh phí cho Cô Nhi Viện. Có kẻ chẳng thương tình, xin Quang mộ duyên giùm, Quang bèn tùy theo sức mình mà giúp đỡ, trọn chưa hề giới thiệu cho một ai.

Tọa hạ cùng Lý Huệ Giác đã là bạn thân thiết trong pháp môn, tôi sẽ đem thư của tọa hạ kẹp vào gói sách, gởi thư bảo đảm cho ông ta, lại còn lược thuật đại ý, ắt ông ta sẽ ngưỡng mộ tấm lòng vì pháp của tọa hạ mà phát tâm xả thí lớn lao. Hơn nữa, Quang chẳng thích tâng bốc người khác quá mức, cũng chẳng thích bị người khác tâng bốc quá lố. Tọa hạ đừng làm văn, làm thơ gởi tặng, ngõ hầu mọi chuyện đều được thích đáng thì may mắn lắm thay!