Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

II. PHÁT ĐẠI THỆ NGUYỆN ĐỆ LỤC
(TT)

KINH VĂN:

Ngã tác Phật thời, thập phương chúng sinh, văn ngã danh hiệu, hệ niệm ngã quốc, phát Bồ Đề tâm, kiên cố bất thoái, thực chúng đức bổn, chí tâm hồi hướng dục sinh Cực Lạc, vô bất toại giả. Nhược hữu túc ác, văn ngã danh tự, tức tự hối quá, vi đạo tác thiện, tiện trì kinh giới, nguyện sinh ngã sát, mạng chung bất phục cánh tam ác đạo, tức sinh ngã quốc. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.

VIỆT DỊCH:

Lúc tôi thành Phật, mười phương chúng sinh nghe danh hiệu tôi, hệ niệm cõi tôi, phát Bồ Đề tâm kiên cố bất thoái, gieo các cội đức, chí tâm hồi hướng muốn sinh về Cực Lạc thì không ai chẳng được toại nguyện. Nếu có nghiệp ác đời trước, nghe danh hiệu tôi liền tự hối lỗi, tu đạo làm lành, liền trì kinh giới, nguyện sinh cõi tôi, mạng chung chẳng đọa vào tam ác đạo nữa, liền sinh trong cõi tôi. Nếu chẳng được vậy chẳng lấy Chánh Giác.

GIẢNG:

Đoạn kinh văn trên đây là nguyện thứ hai mươi mốt “hối quá đắc sinh” (sám hối được vãng sinh). Nguyện này chú trọng kẻ tạo ác nghiệp trong đời trước, tội nghiệp sâu nặng phải chịu quả báo trong tam đồ. Đời này được nghe danh hiệu Phật A Di Đà liền phát tâm, chí tâm hồi hướng, vun bồi đức hạnh cầu vãng sinh. Lúc lâm chung được Phật nguyện gia bị, chẳng đọa ba ác đạo, vãng sinh Tây Phương Cực Lạc. Nguyện này thể hiện Từ đức thù thắng của A Di Đà Phật bổn nguyện, nên cổ đức bảo: “Bốn mươi tám nguyện, nguyện nào cũng vì cứu độ chúng sinh”. Đại bi từ phụ ân đức vô cực, chúng ta học Phật lẽ nào chẳng báo?!

Văn ngã danh hiệu, hệ niệm ngã quốc, phát Bồ Đề tâm” (Nghe danh hiệu tôi, hệ niệm cõi tôi, phát Bồ Đề tâm). Ba câu này rất quan trọng! Chính là điều kiện vãng sinh của chúng ta. Kinh này là Kinh Đại thừa, là pháp môn tu học của Bồ Tát. Không chỉ là Đại thừa, mà Đại thừa trong Đại thừa; Nhất thừa trong Nhất thừa. Trong bộ kinh này, vừa mở đầu chúng ta liền thấy vô lượng Bồ Tát “hàm cộng tuân tu Phổ Hiền Đại sĩ chi đức”. Cho nên, không phải Bồ Tát thông thường, là Bồ Tát Phổ Hiền. Chữ “văn” ở đây thuộc về Tam Tuệ của Bồ Tát tu học: Văn Tuệ, Tư Tuệ, Tu Tuệ. Chữ “văn” này là tràn đầy trí tuệ, không phải “văn” thông thường của phàm phu. Phàm phu tuy “văn” rồi, lợi ích của họ chỉ là trong A-lại-da thức trồng xuống thiện căn; ngay trong đời này không thể thành tựu!

– Vì sao không thể thành tựu?

– Vì họ không có tuệ!

– Căn cứ vào đâu để biết họ nghe xong bộ kinh này liền có đầy đủ trí tuệ?

– Sau khi nghe rồi họ liền tin tưởng, có thể lý giải, tin sâu không nghi, trong đời này nhất định không thay đổi phương hướng, đây là trí tuệ.

– Vì sao có người ban đầu tin tưởng pháp môn này, về sau lại thoái tâm?!

–  Vì họ không có Định-Tuệ! Đối với Tịnh tông, đối với A Di Đà Phật, họ nhận biết chưa tường tận, hiểu không đủ thấu đáo! Thế giới Ta Bà, hoàn cảnh sinh hoạt hiện tiền họ cũng không thấu suốt! Cho nên, tâm càng do dự, không xác quyết, tiến tiến thoái thoái! Hiện tượng này chúng ta thường thấy rất nhiều ở người học Phật!

Trên Kinh Di Đà nói: “Bất thiểu thiện căn, phước đức nhân duyên đắc sinh bỉ quốc” (Không thể thiếu thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sinh nước kia). Thiện căn là “Tuệ”, là tín giải. Phước đức là “Hạnh”, là lão thật niệm Phật. Người lão thật niệm Phật là người có phước.

– Dáng vẻ của lão thật niệm Phật ra sao?

– Vạn duyên buông xả, trong tâm không có chi vướng bận!

Tôi nói “vướng bận” mọi người dễ hiểu; trên kinh nói “hệ niệm”. “Hệ niệm ngã quốc”: Tất cả thế, xuất thế gian đều không vướng bận, chỉ vướng bận duy nhất một sự việc là luôn nhớ nghĩ đến Phật A Di Đà và thế giới Cực Lạc y chánh trang nghiêm, đây gọi là Niệm Phật. Niệm Phật là trong tâm thật có Phật, không chỉ miệng niệm. Miệng niệm mà trong tâm không có không thể gọi là niệm. Người xưa nói: “Miệng niệm Di Đà, tâm tán loạn. Đau mồm rát họng cũng uổng công!”.

– Thế giới Cực Lạc chúng ta chưa thấy, vậy phải “hệ niệm” cách nào?

–   Đọc kinh chính là “hệ niệm”!

Cho nên, tôi khuyên các đồng tu tu học Tịnh Độ, trước tiên đọc ba ngàn bộ Kinh Vô Lượng Thọ, hoặc Kinh A Di Đà; bạn liền có thể “hệ niệm ngã quốc”, không thể ít hơn. Ít rồi bạn sẽ dễ quên! Khởi tâm động niệm vẫn là thế giới Ta Bà, vẫn phải quấy nhân ngã, vẫn danh vọng lợi dưỡng, vẫn lợi hại được mất; ngày ngày chỉ niệm những thứ này! Đây chính là niệm sáu cõi luân hồi, niệm ba đường ác!

Hệ niệm ngã quốc”, chữ “hệ niệm” này vô cùng quan trọng! “hệ niệm” chính là nhớ, là một lòng chuyên niệm, chuyên chú một chỗ, không nghĩ đến điều gì khác, như Quán Kinh dạy: “Ưng đương chuyên tâm, hệ niệm nhất xứ, tưởng ư Tây Phương” (Phải nên chuyên tâm, hệ niệm một chỗ, tưởng nơi Tây Phương).

Đại Thế Chí Bồ Tát trên Kinh Lăng Nghiêm nói: “Ức Phật niệm Phật, hiện tiền đương lai tất định kiến Phật”. Chữ “ức Phật” chính là chỗ này nói “hệ niệm”. Người giác ngộ, sau khi “văn danh” thì họ thật làm. Chúng ta tuổi tác cao rồi, sức nhớ không tốt cũng chẳng đáng lo, biến số nhiều thì được! Ngày trước đã từng có người đọc sáu ngàn biến bộ kinh này mới có thể thuộc. Lợi căn, tôi cũng thấy qua, đọc năm trăm biến thì họ có thể thuộc lòng. Mỗi ngày phải đọc, mỗi giờ phải học thuộc. Đọc thuộc lòng chính là “ức niệm”, cũng là “hệ niệm”; tâm Bồ Đề do đây mà phát khởi.

“Hệ niệm” cùng “phát Bồ Đề tâm” phải “kiên cố bất thoái”, phải luôn luôn gìn giữ. “ Kiên cố bất thoái” là đối với thế duyên tuyệt đối không để trong lòng. Người thông thường rất dễ phát tâm, cũng rất dễ thoái chuyển! Ngạn ngữ có câu: Học Phật năm đầu, Phật ngay trước mặt, rất chân thành! Học Phật năm thứ hai, Phật ở ngoài hiên!

Học Phật năm thứ ba, Phật hóa thành mây khói, không còn nữa! Vậy sao có thể thành tựu?! Đây là thiếu tu dưỡng Giới-Định-Tuệ! Bên ngoài ác duyên, sức cám dỗ quá lớn! Danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần đều đang kêu gọi bạn, mê hoặc bạn! Chỉ cần tâm vừa động, chánh niệm lẫn tâm Bồ Đề của bạn lập tức liền tiêu mất!

– Làm thế nào giữ được “kiên cố bất thoái”?

– Duy nhất chỉ một phương pháp: An bần lạc đạo!

Bạn xem! Thích Ca Mâu Ni Phật suốt đời ba y, một bát; mỗi ngày chỉ ăn một bữa, dưới gốc cây ngủ qua đêm.

– Sao Phật không xây giảng đường, dựng một Tịnh xá?

– Cái thứ này có rồi thì mê hoặc liền đến! Chúng ta bình lặng nghĩ tưởng xem có phải vậy không? Xây dựng, kiến lập đạo tràng, tâm liền khắn chặt vào đó, quên bẳng đi A Di Đà Phật, quên đi thế giới Tây Phương Cực Lạc, mỗi niệm chỉ có đạo tràng này, làm thế nào cho nó phồn vinh, hưng vượng?! Tâm này là tâm luân hồi, không ra khỏi ba cõi, nhiều nhất là tu chút phước nhỏ ở trong nhà Phật!

Chúng ta thường thấy trên kinh: Kỳ Thọ Cấp Cô Độc viên, Trúc Lâm Tịnh Xá v.v… Các đạo tràng này đều do cư sĩ tại gia quản lý. Họ thỉnh Phật đến giảng kinh, đức Phật chỉ tạm thời ở đó để hoằng pháp. Khi Pháp hội viên mãn, Phật liền rời khỏi. Đây là Phật làm ra tấm gương tốt nhất cho chúng ta.

Ngày xưa, đạo tràng đầu tiên của Trung Quốc là Bạch Mã Tự. Gọi là “Tự”, có thể thấy được, đây không phải của người xuất gia. Tuyệt nhiên không phải đem đạo tràng này tặng cho người xuất gia, mà đạo tràng này là cơ quan của chính phủ làm việc. Chế độ xưa kia, chúng ta chỉ lấy triều Hán để nói; trong triều đình lúc đó thiết lập cơ quan làm việc: Bên dưới Tể Tướng có các cơ quan gọi là “Bộ”. Có sáu “Bộ” như: Lễ Bộ, Hộ Bộ, Binh Bộ, Hình Bộ v.v… “Lễ Bộ”, hiện tại chúng ta gọi là Bộ giáo dục; Binh Bộ là Bộ Quốc Phòng; Hình Bộ là Bộ Tư Pháp; Hộ Bộ là Bộ Nội Vụ v.v… Danh từ “Bộ” là chỉ cơ quan. Thế nhưng, cơ quan do Hoàng Đế trực tiếp quản lý thì gọi là “Tự”. Bên dưới Hoàng Đế có chín cái “Tự”, chín cơ quan làm việc. Cho nên, nguồn gốc của chữ “Tự” phải hiểu là cơ quan làm việc của quốc gia.

Sau khi nhà Thanh bị lật đổ đi đến Dân chủ; Dân quốc rồi thì cơ quan làm việc không còn dùng “Tự”. Thế nhưng, nơi hoạt động của Phật Giáo vẫn còn dùng “Tự”. Vừa xem thấy chữ “Tự”, chúng ta liền biết được: Đạo tràng là thuộc về quốc gia, cũng gọi là mười phương thường trụ, không phải thuộc cá nhân. Chúng ta lại xem nhiều đời Tòng Lâm của Trung Quốc, đạo tràng lớn đều do quốc gia xây dựng, không phải tư nhân. Thế nhưng, cũng có đại hộ Trưởng giả tư nhân nhiều đời, họ học Phật đến cuối đời đem ruộng đất, nhà cửa của mình hiến tặng, làm đạo tràng của Phật Giáo. Những đạo tràng này đều qui về quốc gia thống nhất quản lý. Chế độ rất tốt! Người xuất gia không quản những việc này.

Người xuất gia quản lý những việc này là bắt đầu từ Mã Tổ, Bá Trượng. Việc này có thể nói là cuộc thay đổi Phật Giáo ở Trung Quốc đi vào một thời đại mới. Mã Tổ xây tòng lâm, Bá Trượng lập Thanh qui. Cả hai ngài đều là Thiền tông đời thứ tám, đồ tôn của Đại sư Huệ Năng, đem Phật pháp chế độ hóa, lịch sử này chúng ta phải biết.

Chế độ hóa chính là đem Phật Giáo chính thức biến thành một Đại học Phật Giáo, lúc đó gọi là Tòng Lâm, cho nên có chủ tịch. Chủ tịch Tòng Lâm chính là Phương Trượng hiệu trưởng. Phía dưới có ba cương lĩnh chấp sự: Thủ Tọa, Duy Ma, và Giám Viện. Thủ Tọa là giáo vụ trưởng; Duy Ma là Huấn Đạo Trưởng; Giám Viện là Tổng vụ Trưởng. Hiện tại, trong Đại học vẫn có ba cương lĩnh chấp sự này; tên gọi không giống nhau nhưng tổ chức và chức trách của nó hoàn toàn giống nhau. Cho nên Phật Giáo chính thức hình thành trường học ở Trung Quốc, đây là đặc sắc của Phật Giáo Trung Quốc.

Phát Bồ Đề tâm”: thông thường chúng ta khởi tâm động niệm đều là phiền não, đều là tạo nghiệp.

Kinh Địa Tạng nói: “Chúng sinh Diêm Phù Đề khởi tâm động niệm đều là tạo tội”.

– Đây là nguyên nhân gì?

– Căn gốc của chúng ta đã hỏng rồi! Cành lá có cắt tỉa đẹp hơn nhưng không có gốc, không có thân; có đẹp đi chăng nữa cũng chỉ là hoa cắm trong bình! Là chết không phải sống! Không thể dài lâu!

Tâm Bồ Đề là từ nơi “văn danh”, “hệ niệm” mà phát ra. Có lý giải, thấu triệt kinh giáo càng sâu, tâm mới càng vững chải, càng tiến bộ: Gặp thuận cảnh, thiện duyên, không sinh tâm tham ái; gặp nghịch cảnh, ác duyên không sinh tâm phiền não; vĩnh viễn giữ “tâm thanh tịnh, bình đẳng, giác” của chính mình, vậy mới có thể “kiên cố bất thoái”, mới có thể toàn tâm toàn lực đoạn ác tu thiện, đây chính là “thực chúng đức bổn” (trồng các cội đức).

Đức bổn” là thiện căn (“Đức” là thiện; “Bổn” là căn gốc, là cội rễ), là cội gốc của các đức. Hiểu theo nghĩa này: Danh hiệu A Di Đà Phật chính là cội đức, như sách Giáo Hạnh Tín Chứng giảng: “Đức bổn là đức hiệu của Như Lai. Xưng niệm đức hiệu ấy một tiếng thì chí đức (đức cùng tột, cao tột nhất) được thành tựu trọn vẹn, chuyển được các họa. Do (đức hiệu A Di Đà) là gốc của mười phương tam thế đức hiệu nên gọi là Đức Bổn”.

Có “thực chúng đức bổn”, bạn mới có thể thực tiễn Bồ Tát sáu Ba La Mật, Phổ Hiền mười nguyện. Dùng các công đức này hồi hướng cầu sinh Tây Phương Cực Lạc. Nên nhớ “hồi hướng” không phải là việc dễ dàng!

– Bạn đem cái gì để hồi hướng?

– Quyết không thể nói câu hồi hướng suông mà có hiệu quả. Từ nơi kinh văn này mà xem: “Văn danh”, “hệ niệm”, “phát Bồ Đề Tâm”, “kiên cố bất thoái”, “thực chúng đức bổn”; dùng những cái này để hồi hướng. Việc này chúng ta phải rõ ràng, tường tận.

Chí tâm hồi hướng, dục sinh Cực Lạc” (Chí tâm hồi hướng, muốn sinh về Cực Lạc):

Hồi hướng” chính là phát nguyện. Chỗ này, Phật dạy chúng ta “chí tâm hồi hướng”. “Chí tâm” là tâm chân thành đến tột đỉnh, một lòng một dạ cầu sinh Tịnh Độ, tất cả đều buông xả, trong tâm chỉ nhớ nghĩ đến A Di Đà Phật và thế giới Cực Lạc, cái tâm này mới xem là “chí tâm”. Đây là nhiều đời tạo ác, chân thật quay đầu. Có như vậy mới “vô bất toại giả”, sẽ đương nhiên thành tựu.. Phật khích lệ chúng ta: “nhược hữu túc ác”, chữ “túc ác” này là nói hiện tại bạn đang tiếp tục tạo ác, vẫn chưa quay đầu, đến khi “văn ngã danh tự, tức tự hối quá” (nghe danh hiệu tôi, liền tự hối lỗi), then chốt chính ở hai chữ “hối quá” này.

– Thế nào là “hối quá”?

– “Hối”’ là sửa đổi, sửa đổi quá khứ, tu tập tương lai. “Hối quá” là hướng về Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng mà sám hối tội lỗi, thề chẳng tái phạm. Tuyệt đối không phải trước mặt Phật, Bồ Tát sám hối; hôm sau lại tiếp tục làm, làm rồi lại ở trước Phật, Bồ Tát sám hối! Đây là giả! Việc làm này không có chút lợi ích nào! Nhà Nho gọi là “Bất nhị quá”, lỗi lầm chỉ phạm một lần, về sau không phạm nữa. Đây gọi là chân thật sám hối.

Do nguyện này mang tên “hối lỗi được vãng sinh” khiến chúng ta biết được: Sám hối là chìa khóa để vãng sinh, vì sám hối sẽ diệt hết thảy tội.

Vi đạo tác thiện” (tu đạo làm lành): Đây là tu thiện không vì chính mình mà vì Đạo.

– Cái gì là Đạo?

– Bồ Đề đại đạo! Thành Phật chi đạo! Vì việc này mà đoạn ác tu thiện.

– Cái gì là “Bồ Đề đạo”, là “Thành Phật chi đạo”?

– “Bồ Đề” và “Phật” cùng một ý nghĩa là giác ngộ viên mãn, giác ngộ triệt để, giác ngộ hư không pháp giới, tất cả chúng sinh đều là chư Phật Như Lai.

Vi đạo tác thiện”, chữ “tác thiện” này trong phần kinh văn, Thế Tôn nhiều lần khuyên dạy chúng ta tích công bồi đức. Chỗ này nói “tiện trì kinh giới” (liền trì kinh giới), đây là thực tiễn “vi đạo tác thiện”. “Kinh” là giáo huấn của Phật, “Trì là thọ trì, “Thọ” là hoàn toàn tiếp nhận. “Thọ trì” tương đối không dễ dàng!

– Làm thế nào mới có thể làm đến tiếp nhận hoàn toàn giáo huấn của Phật?

– Phải buông xả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chính mình mới chân thật làm đến được!

Ngày nay học Phật, tuy chúng ta có tiếp nhận kinh giáo nhưng trên thực tế vẫn còn bị vọng tưởng, phân biệt, chấp trước làm chủ thì làm sao có thể chuyển được tội nghiệp?!

Giới” ở chỗ này là nghĩa rộng, bao gồm tất cả những lời giáo huấn của Phật. Kinh giới của Phật có quá nhiều, bao gồm ba tạng mười hai bộ, cả đời chúng ta đọc qua một lần cũng đọc  không hết! Trong mười tông phái lớn, kinh luận của Tịnh Độ tông là đơn giản nhất chỉ năm kinh, một luận. Tổng cộng cũng không dài, rất tiện cho việc thọ trì. Tuy số lượng kinh điển không nhiều, nhưng nghĩa thú thì rất phong phú, không chỉ là Thích Ca Mâu Ni Phật bốn mươi chín năm nói pháp đều bao gồm trong đó, mà thậm chí đến mười phương ba đời tất cả chư Phật nói ra tất cả pháp cũng đều không ngoài năm kinh một luận này.

–  Năm kinh, một luận của Tịnh Độ có cần phải thọ trì hết hay không?

– Không cần thiết! Có thể học một, hai loại là đủ rồi! Lão cư

sĩ Hạ Liên Cư kiến nghị cho chúng ta học ba loại: Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh A Di Đà và Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm. Nếu cảm thấy ba loại hơi nhiều, có thể một loại cũng được.

Thâm nhập một bộ kinh, bước thứ nhất là đọc thuộc kinh. Nếu không thể đọc thuộc hết bộ kinh, nhất định cũng phải đọc rất thuần thục. Có như vậy mới nhớ được những lời Phật dạy mà thực tiễn ngay trong đời sống hàng ngày. Bước thứ hai, phải thâm giải nghĩa thú, phải y giáo phụng hành, phải giải hành tương ưng. Cương lĩnh nhất định không thể quên đi năm khoa mục mà chúng ta đã đề cập trước đây, đó là: Tam phước, Lục Hòa, Tam Học, Lục Độ và mười Đại nguyện vương. Trong cuộc sống thường ngày, khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế tiếp vật, niệm niệm, hạnh hạnh đều không trái với giáo huấn của năm khoa mục này, mới đích thật là con người học Phật, là “thọ trì kinh giới”, hành Bồ Tát đạo. Có chân thật quay đầu mới “chí tâm hồi hướng, vi đạo tác thiện”. Có người hỏi:

– Tôi tu hành, cha mẹ không còn thì có liên quan gì?!

–  Đó là bạn chưa hiểu được hiếu đạo! Bạn muốn tu hành chứng quả, muốn hiếu thảo cha mẹ nhưng cha mẹ không còn, bạn muốn siêu độ cha mẹ, bạn lấy gì để siêu độ?! Không lẽ chỉ đọc   vài bộ kinh, niệm mấy câu Phật hiệu hồi hướng thì có thể siêu độ sao?! Đó chỉ có thể nói là: Đọc tốt hơn so với không đọc!

Nếu bạn có thể “chuyển ác thành thiện”, người thân của bạn sẽ không đọa ác đạo, có thể siêu thăng từ nơi địa ngục. Nếu bạn có thể “chuyển mê thành ngộ”, người thân của bạn có thể sinh đến cung trời. Nếu bạn có thể “chuyển phàm thành thánh”, người thân của bạn có thể vĩnh thoát luân hồi.

Nói cách khác, viên mãn thành Phật, người thân quyến thuộc của bạn cũng thành Phật. Phải báo ân cha mẹ, phải báo ân thầy tổ. Phật là đấng đạo sư, là thầy giáo huấn của chúng ta. Chúng ta phải thật sự tu hành đạt đến đạo quả giác ngộ mới chân thật là tận hiếu.

Nguyện sinh ngã sát” (Nguyện sinh nước tôi), câu nói này rất quan trọng! Vì sao? Chỉ cần phát nguyện cầu sinh Tịnh Độ, thời gian bạn viên thành Phật đạo sẽ rất nhanh. Không cầu sinh Tịnh Độ, bạn phải có năng lực đoạn dứt “Kiến, Tư phiền não” mới có thể siêu việt được sáu cõi luân hồi, việc này không dễ!

Mạng chung bất phục cánh tam ác đạo, tức sinh ngã quốc” (Mạng chung chẳng đọa tam ác đạo nữa, liền sinh về cõi ta): Đây là yếu chỉ của lời nguyện này. Nếu đời trước tạo các ác nghiệp. Do đời này hối lỗi, tu đạo, hành thiện, tụng kinh, trì giới, phát Bồ Đề tâm, chuyên niệm A Di Đà Phật, chí tâm hồi hướng cầu sinh Tịnh Độ v.v…, lại nhờ vào công đức lời nguyện này của A Di Đà Phật mà ngăn chận được túc nghiệp, được Phật tiếp dẫn, chẳng đọa tam đồ, nhanh chóng sinh về Cực Lạc. Vì vậy, kinh chép: “vô bất toại giả” (không ai chẳng được toại nguyện). Rõ ràng, người túc nghiệp sâu nặng, biết chân thật sám hối, vâng lời Phật dạy, y giáo phụng hành đều được mang nghiệp đi vãng sinh, chẳng đọa vào ba đường ác. Bi nguyện của A Di Đà Phật sâu thẳm, sức nhiếp độ mênh mông vượt trỗi mười phương.

Ngày trước, có người nói “đới nghiệp” không thể vãng sinh. Họ tìm không ít người tra khắp trong Đại Tạng Kinh, vẫn không tìm được bốn chữ “Đới nghiệp vãng sinh” này. Thế là họ cực lực phủ định: Tịnh Độ không có cách nói “Đới nghiệp vãng sinh”; đó chỉ là Tổ sư nói, không phải Phật nói, Tổ Sư nói thì không tính! Cách nói này đã từng dẫn khởi chấn động lòng người cả thế giới! Thực tế mà nói, những người học Phật này tâm ý qua loa! Bạn xem! Phía trước nói “nhược hữu túc ác”, đến chỗ này “mạng chung bất phục cánh tam ác đạo, tức sinh ngã quốc”; đây chẳng phải là “Đới nghiệp vãng sinh” hay sao?!

Trước khi nhập diệt, Phật đặc biệt dặn các đệ tử “Tứ y pháp”. Trong đó có “y pháp bất y nhân”; “pháp” là giáo pháp kinh điển, những lời Phật dạy, phải lấy kinh điển làm căn cứ. Kế đến là “Y nghĩa bất y ngữ”: Phật dạy chúng ta không nên chấp trước văn tự, không nên chấp trước lời nói, phải y theo ý nghĩa Phật nói trong kinh, không nhất thiết từng câu, từng chữ Phật phải nói ra.

Hiện tại, chúng ta xem thấy có số người chấp trước ngôn ngữ, họ là “Y ngữ bất y nghĩa” phủ định bổn hội tập này, cho rằng không phải là nguyên văn kinh điển. Chủ trương của họ nhất định phải đọc nguyên bổn dịch, không chịu đọc bổn hội tập! Vấn đề này cùng việc phản đối “đới nghiệp vãng sinh” là như nhau đều là “Y ngữ bất y nghĩa”!

Hội tập Kinh Vô Lượng Thọ sớm nhất do Cư sĩ Vương Long Thư, triều nhà Tống. Bổn hội tập này một mạch truyền đến ngày nay, tuyệt nhiên không có người phản đối, chỉ riêng phản đối bổn của ngài Hạ Liên Cư, có kỳ lạ không? Vương Long Thư có thể hội tập; Hạ Liên Cư không thể hội tập, nói Hạ Liên Cư là cư sĩ! Vậy Vương Long Thư là gì? Cũng là cư sĩ!

Liên Trì Đại Sư, tổ sư đời thứ tám của tông Tịnh Độ, ngài là đại thiện tri thức kiệt xuất khiến người tôn kính. Quyển Di Đà Kinh Sớ Sao của ngài có ảnh hưởng rất lớn đối với đời sau. Trong Văn Sao, ngài vận dụng kinh văn của Kinh Vô Lượng Thọ; hai phần ba là chọn lấy bổn hội tập của Vương Long Thư. Vì sao Đại Sư Liên Trì có thể chọn lấy bổn hội tập, còn người hiện tại lại muốn phản đối bổn hội tập? Bổn hội tập là “y nghĩa bất y ngữ”. Hơn nữa trong năm loại nguyên bản dịch cùng bổn hội tập của Hạ Liên Cư chúng ta có thể chọn lấy bất cứ loại bổn nào cũng đều tốt cả, không cần phải miễn cưỡng! Phản đối bổn kia, nhất định phải thọ trì bổn này, thử hỏi có cần thiết chăng? Chỉ cần y giáo phụng hành, lão thật niệm Phật, đều có thể “đới nghiệp vãng sinh”.

Ngày nay, chúng ta phải đặc biệt ghi nhớ: “đới nghiệp” chỉ mang theo nghiệp cũ, không mang theo nghiệp mới. Điểm này vạn nhất không nên hiểu sai! Không thể nói: Ta cứ ngày ngày tạo nghiệp, cũng không quan hệ gì, khi vãng sinh đều có thể mang đi! Vậy thì đã hiểu sai rồi! “Đới nghiệp vãng sinh” ngay trong nguyện thứ hai mươi mốt này, bạn xem Phật dạy chúng ta như thế nào? Phải chân thật hối quá, chân thật quay đầu, hệ niệm, phát tâm, kiên cố bất thoái, tích công bồi đức, đây là then chốt.

Thế gian này quá khổ, không có gì đáng được lưu luyến! Bạn dùng tâm tốt đối với người; họ dùng tâm ác đối với bạn. Thế nhưng, người học Phật phải rõ lý, phải tin tưởng giáo huấn của Phật, Bồ Tát. Tuy họ có ác ý, chúng ta vẫn một mực chân thành đối với họ. Vì sao vậy? Tiền đồ mỗi người đi một nẽo! Họ đố kỵ, hoài nghi, dùng ác ý; tiền đồ của họ là tối tăm! Chúng ta chân thành dùng thiện tâm thiện ý, tiền đồ của chúng ta là sáng lạng. Chúng ta đi con đường Phật đạo, con đường Bồ Tát đạo; họ đi đường ác!

Mỗi người đi con đường của mình, đôi bên không quấy nhiễu lẫn nhau. Đối với bổn hội tập của Hạ lão cư sĩ, chúng ta không chút hoài nghi. Hạ lão cư sĩ không phải là người thông thường. Kinh này, sau khi ông hội tập thành công, lượng lưu thông trong nước rất ít, chỉ in qua ba ngàn bản. Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ nói với tôi: Khi Hạ lão sắp vãng sinh, ông nói với học trò: “Tương lai bổn hội tập của ông sẽ từ hải ngoại truyền trở lại Trung Quốc”. Lại nói với mọi người: “Quyển này của ông tương lai sẽ truyền khắp thế giới”. Những học trò lúc đó, sau khi nghe rồi cũng không hiểu là việc gì.

Sau này, có vị pháp sư, nguyên trước khi xuất gia, ông là một tướng quân cấp bậc trung tướng; sau khi xuất gia, ông thân cận lão cư sĩ Hạ Liên Cư, cũng rất quen với cư sĩ Hoàng Niệm Tổ. Ông đến Đài Loan mới xuất gia, tôi gặp ông qua mấy lần. Ông mang quyển này đến Đài Loan tặng cho cư sĩ Lý Bỉnh Nam. Lão cư sĩ Lý vừa nhìn thấy liền rất hoan hỉ, nhất là phía trước quyển này có một thiên lời tựa rất dài của thầy ông viết, đó là lão cư sĩ Mai Quang Hy.

Thầy Lý Bỉnh Nam đã giảng qua một lần quyển này tại chùa Pháp Hoa ở Đài Trung. Tập ghi chú đó chính là khi giảng thầy đã viết ra; lúc đó thầy hơn sáu mươi tuổi. Sau này, tôi thân cận thầy, lúc đó thầy đã bảy mươi tuổi. Dường như là năm thứ hai hay năm thứ ba, thầy đem bổn này giao cho tôi. Xem thấy chính tay thầy viết mi chú, tôi rất hoan hỉ. Hơn nữa, câu đoạn của mi chú giao thoa rất rõ ràng, vừa xem tôi liền có thể hiểu, đây là duyên phận hoằng truyền.

Năm xưa, khi thầy Lý giảng bộ kinh này có số lão Pháp sư cũng phản đối, cho rằng: Hạ Liên Cư hội tập, đại khái không có gì cao minh lắm! Cho nên, thầy đem bổn này giao cho tôi. Lúc đó, tôi đang giảng kinh ở Đài Bắc, cũng hy vọng giảng bộ kinh này. Khi ấy, Hàn Quán Trưởng năm mươi tuổi, bà phát tâm in ra ba ngàn bản. Tôi dự định giảng bộ kinh này để chúc thọ cho bà. Tôi đem việc này trình với thầy Lý, thầy một mực ngăn cản:

– Không được! Hiện tại ông quá trẻ, kinh nghiệm quá ít, nếu giảng kinh này có người đến phản đối phê bình, ông không thể đứng vững!

– Vậy phải làm sao?!

– Giảng kinh khác đi!

Thế là tôi đổi sang giảng Kinh Lăng Nghiêm, đem kinh này cất lại! Đã in ra ba ngàn bản, cũng đem đi kết duyên. Khi cất vào thì đã cất rất lâu. Đến sau khi thầy Lý vãng sinh, khoảng năm thứ hai, tôi tìm lại sách cũ mới thấy được quyển sách này. Tôi bèn nghĩ: Thầy giao quyển này cho tôi ắt có dụng ý. Lại nữa, quyển mi chú này của thầy chưa người nào thấy qua. Tôi liền đem quyển mi chú này in ra để kỷ niệm thầy. Tôi in mười ngàn quyển, lưu thông ở Hoa Kỳ, ở Gia Nã Đại. Đồng tu bên đó sau khi xem xong rất hoan hỉ, liền mời tôi giảng kinh này. Thế là ở hải ngoại chúng ta bắt đầu hoằng dương Kinh Vô Lượng Thọ, bổn hội tập này.

Kinh này đặc biệt thù thắng! Giảng bất kỳ bộ kinh nào, bất cứ nơi đâu, thính chúng đều không thể nhiều hơn so với khi tôi giảng bộ kinh này. Thật rất kỳ lạ! Thính chúng đặc biệt nhiều, đặc biệt hoan hỉ! Về sau, băng đĩa, kinh sách chúng ta giảng, có rất nhiều người đến Trung Quốc mang theo phổ biến lưu thông; quả nhiên từ hải ngoại lưu thông đến Trung Quốc đại lục. Hơn nữa, ở hải ngoại, quyển kinh này cùng với băng ghi âm, ghi hình của chúng ta, chân thật đã truyền đi khắp thế giới, chứng minh lời của ngài Hạ Liên Cư trước khi vãng sinh là sự thật.

Mười mấy năm qua chúng ta lưu truyền quyển này, y theo kinh điển này, tu hành, tướng lạ vãng sinh xem thấy rất nhiều, trong đó có cả lão Lâm trưởng Trần Quang Biện, cũng nghe giảng bộ kinh này. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên nói: Lão Lâm trưởng ở nhà mỗi ngày nghe kinh tám tiếng đồng hồ, ông đã nghe hết bốn năm. Trước khi vãng sinh ba tháng, ông biết trước giờ ra đi, mỗi đồng tu chúng ta đều biết tướng lạ hi hữu. Cho nên, nêu ra phê bình, phản đối, thực tế mà nói đó là vô tri! Đối với tất cả pháp mà Phật dạy, họ không nỗ lực nghiên cứu, không thâm nhập liễu giải; dựa vào vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của mình sinh ra những quan niệm, hành vi sai lầm! Chính mình sai còn có thể tha thứ; chướng ngại người khác thọ trì kinh pháp, lỗi lầm này thì nghiêm trọng!

Tôi gặp rất nhiều những sự việc này! Cũng có người đến hỏi, tôi một mực không để ý, cũng không trả lời, xem như không việc gì. Tôi vẫn giảng bộ kinh này, vẫn y theo cảnh giới, phương pháp lý luận của bộ kinh này mà tu học. Họ nói là việc của họ! Tôi làm là việc của tôi, quyết không thể chướng ngại, tôi cũng không có lời thừa để thảo luận! Họ viết thiên văn chương lớn; tôi thì không viết một chữ nào, phiền phức! Thế gian, người sáng suốt vẫn có, không phải không có! Người biết được cũng không ít, không phải hoàn toàn vô tri! Chúng ta nhất định phải đầy đủ tín tâm.

Đoạn kinh văn trên đây khẳng định là có “đới nghiệp vãng sinh”. Thế nhưng, nếu có thể tiêu nghiệp, đương nhiên lại càng tốt!

–  Tiêu nghiệp là thế nào?

– Ít mang đi một chút! Vãng sinh thế giới Cực Lạc sẽ tăng cao phẩm vị, thời gian viên mãn Bồ Đề càng được rút ngắn.

Ở thế gian này, chúng ta tranh thủ phẩm vị cao không phải là việc khó. Trên kinh Phật nói: “Thế giới Ta Bà tu hành một ngày bằng thế giới Cực Lạc tu một trăm năm”, vì sao chúng ta không ở nơi đây mà nỗ lực tu?! Không nên tự an ủi mình: “Hạ phẩm hạ sinh” cũng tốt rồi! Nếu “Hạ phẩm hạ sinh”; không đi được thì sao?! Thì lại uổng công rồi! Mục tiêu chúng ta nhất định phải “Thượng phẩm thượng sinh”. “Thượng phẩm thượng sinh” nếu không đạt được, có thể “Trung phẩm trung sinh” vẫn còn được.

Cho nên, chính mình phải nâng cao mục tiêu của chính mình. “Thủ pháp ư thượng, cận đắc ư trung”, người này chân thật có thể đi được. Nếu mục tiêu bạn định ở “Hạ phẩm hạ sinh” thì không thể nắm chắc! Nhất định phải thật làm, phải y giáo phụng hành. Tu hành nhất định phải hiểu được tu từ căn bản, giữ tâm thuần thiện, ý niệm thuần thiện; sau đó thân, miệng bạn mới là chân thiện.

Hiện thời, giới Phật Giáo hải ngoại đang tranh cải về thuyết “đới nghiệp vãng sinh”. Nay ta cứ dựa trên kinh này thì biết ngay “đới nghiệp vãng sinh” thật đã căn cứ trên lời Phật nguyện., Hơn nữa, cái nghiệp được mang theo đó chính là ác nghiệp.