12 HẠNH ĐẦU ĐÀ (thập nhị đầu đà hạnh)

“Đầu đà” là tiếng dịch âm từ Phạn ngữ “dhuta”, có nghĩa là trừ bỏ phiền não trần cấu. Đầu đà là một trong những phương pháp tu khổ hạnh, cho nên cũng được gọi là “hạnh đầu đà”, cốt để tôi luyện thân tâm, bằng cách diệt trừ lòng tham trước đối với ba vấn đề thiết yếu của đời sống hằng ngày là cơm nước, áo quần và chỗ ở. Chư vị tì kheo thường tu tập hạnh đầu đà, cho nên cũng còn được gọi là chư vị “đầu đà”. Trong sinh hoạt hằng ngày, người tu tập hạnh đầu đà phải chấp hành mười hai điều qui định – được gọi là 12 hạnh đầu đà –  như sau:

1. Tránh xa chỗ đông đảo người đời, ở những nơi vắng vẻ, u tĩnh;

2. Ở giữa bãi tha ma, những nơi mồ mả;

3. Nghỉ ở gốc cây;

4. Ngồi ở những nơi trống trải, lộ thiên;

5. Ngồi nhiều nằm ít, hoặc chỉ ngồi suốt đêm mà không bao giờ nằm;

6. Thường đi xin ăn;

7. Đi xin ăn theo thứ lớp, lần lượt từ nhà này đến nhà khác, không phân biệt nhà giàu hay nhà nghèo;

8. Chỉ ăn một bữa mỗi ngày;

9. Ăn một bữa, nhưng chỉ ăn những gì xin được trong bát; và chỉ ăn vừa đủ, không ăn quá mức;

10. Ăn một bữa, vào buổi trưa, và sau bữa ăn đó thì không ăn một lần nào nữa; dù là nước gạo cũng không uống;

11. Mặc áo bằng những mảnh vải rách người ta bỏ đi, đem chắp vá lại;

12. Mỗi người chỉ được có ba chiếc áo, không được có nhiều hơn.