NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Phùng Bất Cửu
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời cư sĩ Phùng Bất Cửu

Nếu muốn giáo hóa người thì chính mình phải thật sự làm, người ta sẽ tự tin. Quang nói “thật sự làm” không chỉ có nghĩa là niệm Phật mà thôi! Phàm người phát tâm học Phật thì việc làm phải cao trỗi hơn người bình thường. Nói “cao trỗi” có nghĩa là phải tận lực giữ vẹn luân thường, tận hết bổn phận, cha từ, con hiếu là những điều phải nên làm. Trong hết thảy thời, hết thảy chỗ chăm chú giữ lòng chân thật, phàm khởi tâm động niệm làm việc gì đều phải “đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện”. Phàm có ai mê chẳng tin tưởng thì phải dùng thành ý chân thật để tuyên nói những sự lý nhân quả mình biết. Nếu không biết, chớ nên cưỡng nói. Chúng sanh đang mê như sanh ra đã mù, mê nhưng vốn có nhà, muốn quay về phải nhờ vào người dẫn thì mới khỏi va tường đụng vách, sa hầm xảy hố. Người được dẫn dắt phải hoàn toàn tuân theo lời người dẫn đường, chẳng được nẩy sanh chút chống trái nào. Nếu chống trái thì chẳng những không thể về đến nhà, e rằng còn bị mất cả thân mạng. Pháp môn Tịnh Độ do đức Phật đã nói chính là vị thầy dẫn đường cho hết thảy chúng sanh trong tam giới. Chúng sanh tuân theo ngôn giáo của Phật mà tu hành quyết sẽ đến được Tây Phương Cực Lạc thế giới, tức là quê nhà mình sẵn có, hưởng thụ an lạc. Chỉ vì dùng phàm tình không hiểu được thánh trí nên lại tự cho mình thông minh, rồi lầm lạc cật vấn, bắt bẻ, thật đáng xót thương! Nay tôi sẽ lần lượt đáp từng điều:

1) “Vật đạt đến cùng cực sẽ xoay ngược lại, vui quá hóa buồn” chính là lý chung, nguyên tắc chung thường hằng cổ kim, thông suốt khắp thiên hạ, trọn chẳng thể thay đổi mảy may nào. Tây Phương mang tên là Cực Lạc, như vậy cũng sẽ hóa thành buồn ư?

Đáp: Trong thế gian, tất cả căn thân (căn chính là cái thân chúng ta) hay thế giới (tức là trời đất mình đang sống) đều là đồng nghiệp (thế giới) và biệt nghiệp (căn thân) được cảm thành trong cái tâm sanh diệt của chúng sanh, đều có thành – hoại, đều chẳng lâu bền. Thân có sanh – lão – bệnh – tử, thế giới có thành – trụ – hoại – không. Nói “vật đạt đến cùng cực ắt xoay ngược lại, vui quá hóa buồn” chính là ý này. Bởi lẽ nhân đã là sanh diệt thì quả không thể nào không sanh diệt! Cực Lạc thế giới là do A Di Đà Phật chứng triệt để Phật Tánh sẵn có trong tự tâm, tùy tâm hiện ra thế giới xứng tánh trang nghiêm chẳng thể nghĩ bàn. Do vậy, sự vui không có thời kỳ cùng tận. Ví như hư không rộng rãi lớn lao, bao hàm hết thảy sâm la vạn tượng. Tuy thế giới bao lượt thành, bao phen hoại, nhưng hư không rốt ráo chẳng tăng – giảm.

Ông dùng sự vui thế gian để cật vấn sự vui nơi Cực Lạc. Ông chưa thể thấy được sự vui nơi Cực Lạc; tuy ông chưa thể thấy hư không hoàn toàn, nhưng hư không trong vòng trời đất ông đã từng thấy qua, nó có biến đổi hay chăng? Phải biết hết thảy chúng sanh đều sẵn có Phật Tánh; vì thế, đức Phật (chỉ Thích Ca Mâu Ni Phật) dạy người niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Do nương vào đại từ bi nguyện lực của Phật A Di Đà nên cũng được hưởng sự vui bất sanh bất diệt ấy. Bởi lẽ căn thân là liên hoa hóa sanh nên không có nỗi khổ sanh – già – bệnh – chết; còn thế giới do công đức xứng tánh biến hiện nên không có những sự biến đổi thành – trụ – hoại – không! Dẫu là thánh nhân cũng còn có những điều không biết, há có nên do pháp thế gian sanh – diệt mà nghi ngờ ư?

2) “Nhất Âm nhất Dương gọi là Đạo”. Đời đồn đại tiên sinh Giang Thận Tu[1] ở một mình trong núi thẳm, làm ra thiên, địa, nhật, nguyệt, tinh tú đều thành hình, nhưng chúng đều đứng yên không vận chuyển được, đến khi chúng được hưởng khí Âm của đứa tớ gái mới vận hành được! Tây Phương không có thân nữ, riêng có một mình Dương, làm sao sanh trưởng cho được?

Đáp: Giang Thận Tu là một bậc quân tử ẩn dật đời Thanh, đối với tâm pháp thánh hiền, thiên văn, địa lý, không gì chẳng thông đạt, quả là trong thế gian hiếm được mấy kẻ! Tiên sinh chưa từng nghiên cứu Phật pháp, nhưng đối với chuyện kiêng giết, phóng sanh v.v… lại suốt đời khen ngợi (Quang từng viết lời tựa cho sách và bản Niên Phổ của tiên sinh, cùng cho lưu truyền). Đối với pháp thiển cận nhất của Phật pháp, tiên sinh còn như thế; nếu khi đó được bậc cao nhân thông suốt Phật pháp hóa độ, ắt sẽ thâm nhập pháp tạng, triệt chứng tự tâm.

Còn như nói “ông ta làm ra thiên, địa, nhật, nguyệt, tinh tú đều thành hình, nhưng chúng chỉ đứng yên không vận chuyển được, phải đợi đến khi có Âm Khí của đứa tớ gái mới xoay vần được” thì đấy chính là lời đơm đặt, đồn thổi của bọn hạ lưu luyện đan, nhằm lôi kéo những kẻ vô thức làm chuyện tà bậy, nên mượn chuyện ông Thận Tu làm ra thiên địa hòng chứng minh “Âm Dương hòa hợp chính là Đạo”. Đấy là chuyện cực ác, trái pháp, vô luân lý, vô liêm sỉ, dẫn con người sa vào lời ma, tà kiến cầm thú. Kẻ vô tri tưởng là diệu đạo, chẳng đáng buồn ư?

“Nhất Âm nhất Dương gọi là Đạo” chính là lời Khổng Tử khen ngợi kinh Dịch. Dịch lấy Âm Dương làm gốc nên Khổng Tử nói như thế. Người đời sau không biết đạo, liền hiểu sơ sài hai chữ “Âm Dương” có nghĩa là khí Âm, khí Dương; kẻ tà kiến lại hiểu lệch lạc Âm Dương là nam nữ, đúng là “két học tiếng người, trọn chẳng biết chuyện người”.

Nay chẳng nài phiền toái, chỉ bày đại lược ngõ hầu chẳng đến nỗi khiến cho lời dạy đạo của thánh nhân bị kẻ vô tri hiểu lầm tạo thành ác nghiệp vĩnh viễn đọa trong tam đồ. “Nhất” không phải là “một” như trong “nhất, nhị” (một, hai), mà có nghĩa là “hỗn hợp, không gián đoạn”. Dương chính là Minh Đức; Minh Đức này ai ai cũng có. Do bị món vật là lòng ham muốn của con người ngăn lấp nên Minh Đức sẵn có chẳng thể hiển hiện được! Nếu “cách trừ” (trừ khử) được “món vật” (tức “cách vật”) là lòng Dục thì Minh Đức sẽ tự hiển lộ, đó gọi là “minh Minh Đức” (làm sáng tỏ đức sáng). Dương là Minh Đức, còn Âm là công dụng làm sáng tỏ Minh Đức.

Sách Trung Dung nói là “thành minh”. Thành chính là Minh Đức, Minh chính là sự sáng tỏ của việc “minh Minh Đức”. Thành và Minh hợp nhất chính là “minh Minh Đức”. Đấy chính là đạo được truyền bởi các vị Phục Hy, Thần Nông, Nghiêu, Thuấn, Vũ (vua Đại Vũ), Thang (vua Thành Thang), Văn (tức Châu Văn Vương), Vũ (tức Châu Vũ Vương), Châu Công, Khổng Tử. Trong sách Đại Học, Khổng Tử gọi thẳng là “minh Minh Đức”, còn trong Trung Dung, Tử Tư gọi là “thành minh”. Sách Châu Dịch chính là sách thánh nhân xem xét hình tượng để sánh ví đạo nhằm dạy người, nên bảo “nhất Âm nhất Dương là Đạo”.

Đời sau trí thức nông cạn, hèn kém, hiểu chết cứng chữ “Âm Dương”, rốt cuộc hiểu thành nam nữ, rồi tà nhân dùng đó làm chứng cứ để gạt gẫm người vô tri làm chuyện tà bậy. Cái tội vu báng, miệt thị Khổng Tử, phá hoại Dịch lý, gây nghi ngờ lầm lạc cho hậu thế há cùng cực được ư? Tôi nói như vậy, sợ ông không tin. Hãy xem phần Tượng Truyện nói về những con rồng trong sáu hào[2] của quẻ Thuần Càn ắt tự biết rõ, cũng chẳng cần phải nghiên cứu toàn bộ sáu mươi bốn quẻ. Kẻ kia cho Âm Dương hợp nhau là Đạo, trong núi sâu há lẽ chẳng có khí Âm Dương, cần chi cứ phải dùng đến khí Âm Dương của con người? Khí Âm Dương của con người là cái gốc để sanh con cái, nào phải là cái gốc của thiên, địa, nhật, nguyệt, tinh tú? Loại tà kiến này xú uế đến cùng cực, chẳng đáng nhắc đến. Kẻ ấy vẫn cho đó là đạo, đúng là “dùng phân người để làm chiên-đàn[3], chính là hạng người chẳng biết thơm – thối! Buồn thay!

3) Do tham Thiền điều thần dưỡng khí nên tin là có ích, còn niệm Phật nói nhiều tổn khí, há cũng có ích chăng? Vả nữa, nếu có kẻ nào đó suốt ngày ở bên cạnh ông, réo tên ông không ngừng, ông chẳng chán ghét hay sao?

Đáp: Nói “Thiền là tịnh tọa, dưỡng khí, điều thần” thì cũng là lời lẽ của kẻ chẳng biết Thiền, chỉ thấy được da lông của Thiền, chẳng biết nguồn cội Thiền. Thiền giả tuy ngồi nhưng tham cứu bản lai diện mục, chứ không phải nhằm dưỡng khí điều thần. Niệm Phật cũng là pháp dưỡng khí điều thần, mà cũng là pháp tham cứu bản lai diện mục! Vì sao nói thế? Cái tâm của chúng ta thường luôn rối loạn, nếu chí thành niệm Phật thì sẽ thấy hết thảy tạp niệm vọng tưởng dần dần tiêu diệt. Hễ vọng tưởng tiêu diệt thì tâm quy về một mối, quy về một mối thì thần khí tự nhiên sung mãn, thông suốt.

Ông không biết niệm Phật là dứt vọng. Cứ thử niệm đi sẽ nhận thấy đủ mọi vọng niệm trong tâm đều hiện. Nếu niệm lâu ngày sẽ tự chẳng còn những vọng niệm ấy. Thoạt đầu biết có vọng niệm, do niệm Phật nên mới hiển lộ được những vọng niệm trong tâm, không niệm thì chẳng hiển. Ví như trong nhà thanh tịnh không bụi, nhưng một tia nắng lọt qua khe cửa sổ sẽ thấy không biết bao nhiêu là bụi! Bụi trong nhà do ánh nắng thấy rõ, vọng trong tâm cũng do niệm Phật mà hiện rõ. Nếu thường niệm Phật, tự tâm thanh tịnh. Khổng Tử hâm mộ đạo của Nghiêu, Thuấn, Châu Công niệm niệm chẳng quên, nên thấy vua Nghiêu trong canh, thấy vua Thuấn nơi tường, thấy Châu Công trong mộng! Đấy là do thường luôn nghĩ nhớ, có khác gì niệm Phật!

Do tâm miệng của chúng sanh bị phiền não, Hoặc nghiệp nhiễm ô nên Phật dạy dùng tâm miệng xưng niệm hồng danh thánh hiệu “nam-mô A Di Đà Phật”. Như người nhiễm hương, thân có mùi thơm. Niệm lâu ngày, nghiệp tiêu trí rạng, chướng tận, phước cao, Phật tánh sẵn có nơi tự tâm sẽ tự hiển hiện. Sao lại lấy chuyện người thế gian réo tên để so sánh vậy? Nếu như vậy thì Khổng Tử thường niệm Nghiêu, Thuấn, Châu Công cũng là chẳng đúng. Nếu cho niệm niệm nghĩ đến, ngưỡng mộ là đúng, thì sao lại coi mỗi tiếng luôn niệm Phật là sai? Huống chi niệm Phật chính là diệu pháp để chuyển phàm thành thánh, pháp thế gian há thể sánh bằng được ư?

4) Bệnh của con người là do trong thân thể có nhiều trùng, dùng thuốc để trị thì là giết trùng. Còn bỏ thuốc thì là ngồi nhìn người khác chết. Hai đằng phải làm sao đây?

Đáp: Bệnh thì có bệnh trị được, có bệnh không trị được! Bệnh trị được là bệnh ngoại cảm nội thương, còn nếu là bệnh do oán nghiệp thì thần tiên cũng chẳng thể trị được! Niệm Phật bèn có thể khiến cho oán gia đời trước cậy vào Phật từ lực siêu sanh thiện đạo. Vì vậy, khi mối oán thù được cởi bỏ, bệnh liền lành mạnh. Ngoại cảm nội thương niệm Phật cũng rất hữu ích, không phải chỉ có bệnh do oán nghiệp mới có ích. Ông Giang Dịch Viên làm hiệu trưởng, do tận lực dạy dỗ học trò, dụng tâm quá độ nên mắc bệnh trầm trọng (khi đó, ông ta ở Thượng Hải), thuốc Tây, thuốc Tàu đều vô hiệu. Ông ta vốn không biết Phật pháp, ông Giang Vị Nông[4] đến thăm, nói: “Thuốc đã không công hiệu thì không cần dùng đến thuốc nữa, hãy nên chí tâm niệm Phật liền có thể khỏi bệnh”. Dịch Viên tin theo, bệnh liền khỏi. Do vậy, ông ta cực lực khuyên người khác niệm Phật. Sau ông về nhà, có một người thân thích tuổi gần bảy mươi, hai mắt lòa cả, Dịch Viên khuyên cụ nên niệm Phật, chưa đầy một năm, mắt bèn sáng lại. Mùa Hạ năm nay, vùng eo sông Vụ Nguyên hạn hán, Dịch Viên khuyên mọi người niệm Phật cầu mưa, chưa đầy bảy ngày liền mưa to; dân một vùng mừng rỡ, hớn hở!

Dịch Viên liền lập Phật Quang Xã, dạy hết thảy nam nữ, già trẻ đều niệm Phật, cũng lôi kéo Quang làm hội trưởng. Đủ thấy một pháp Niệm Phật với bất cứ chuyện gì cũng đều có thể thành tựu, nhưng chẳng thể dùng Niệm Phật để thành tựu việc ác. Nếu muốn làm việc ác, niệm Phật cầu thành tựu sẽ bị sét đánh, sợ kẻ ngu không biết nên phải nêu rõ! Lợi ích của việc niệm Phật xưa nay không biết là bao nhiêu, nay chỉ đem chuyện thấy được, có thể hỏi được ra nói để không còn nghi ngờ gì nữa! Người ta nói “bỏ thuốc niệm Phật, ngồi nhìn người khác chết” ư? Thử hỏi: Dịch Viên dùng thuốc sao không lành, niệm Phật lại lành bệnh? Đấy chỉ là lợi ích nhỏ, còn lợi ích lớn là vãng sanh Tây Phương, liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh, thậm chí thành Phật. Kẻ ếch ngồi đáy giếng kia làm sao biết được nổi sự rộng sâu của biển cả Phật pháp, nên mới nói những lời nhảm nhí, hồ đồ như thế, càng lộ rõ sự thiếu hiểu biết của chính mình!

5) Như gà ăn trùng, nuôi gà chính là giết trùng. Bảo vệ trùng ắt phải giết gà. Vậy phải làm sao?

Đáp: Phật đại từ bi khiến cho hết thảy mọi loài được sống. Gà cũng do con người nuôi, nếu chẳng lập cách cho nó sống thì chúng sẽ chết mất, chúng không được như loài tự nuôi sống. Gà ăn trùng là vì nó đói. Nếu không đói sẽ chẳng ăn, không nhất định cứ phải ăn trùng! Nếu như ông nói “giết gà chính là cứu trùng” thì do con người ăn hết thảy mạng loài vật, cũng nên giết đi để cứu hết thảy tánh mạng loài vật, có nên hay không? Trí nhỏ chẳng biết lý lớn, lầm lạc đem ý kiến ngu muội của chính mình để ngăn trở thiện sự kiêng giết, phóng sanh của người khác. Về sau, làm thân con vật, quyết định chẳng gặp được người phóng sanh cứu mạng. Cái khổ khi ấy chính là do tà trí ngày nay vun bồi thành.

6) Phật cho vạn pháp đều là không, sao lại có Tây Phương Cực Lạc thế giới?

Đáp: Vạn pháp đều không chính là những cảnh do Hoặc nghiệp của phàm phu cảm thành, sao lại đem sánh với thế giới Cực Lạc là cảnh do phước huệ của đức Như Lai cảm thành. Kẻ kia cho Tây Phương cũng giống hệt như thế giới này chẳng khác gì ư? Dùng phàm tình suy lường thánh cảnh, khác nào kẻ thọt nghi “bậc thánh nhân Lục Thông trong một niệm có thể đến khắp hết thảy thế giới, ắt sẽ mệt đến chết!” Lại khác gì kẻ ngu cho một vầng trăng in bóng khắp ngàn dòng sông sẽ nhọc nhằn khôn xiết! Phật gọi đó là Thế Trí Biện Thông, không thể nhập đạo. Những kẻ nói như vậy, chính là người bị Phật quở là ngu si mà vẫn nhơn nhơn tự xưng là trí, há chẳng đáng đau buồn quá đỗi ư? Muốn nói cặn kẽ chuyện này, rất tốn bút mực. Đọc kỹ bộ Văn Sao thì không mối nghi nào chẳng được cởi gỡ!

***

[1] Giang Thận Tu là người huyện Hấp, tỉnh An Huy, thích nghiên cứu, rất tinh thông thuật bói toán. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Châu Dịch Thích Nghĩa gồm mười sáu quyển, vẫn còn được phổ biến đến tận ngày nay. Ông đề ra những kiến giải đặc biệt, tân kỳ và tinh xác về thuật Dịch Học, nhất là Hà Đồ và Lạc Thư. Ông còn nghiên cứu rộng rãi nhiều học thuật, triết học đương thời, nên được coi là bậc đại học giả cuối đời Thanh.

[2] Quẻ Thuần Càn gồm sáu hào Dương (tức sáu vạch liền), mỗi vạch đều được giảng bằng chữ Long, từ hào thứ nhất (sơ cửu) là Tiềm Long Vật Dụng, hào thứ hai là Hiện (Kiến) Long Tại Điền, cho đến hào thứ sáu (thượng cửu) là Kháng Long Hữu Hối.

[3] Chiên Đàn (gośīrṣa-candana): Thường được gọi đủ là Ngưu Đầu Chiên Đàn, hay Ngưu Đàn Hương là một loại gỗ trầm hương (sandalwood), tương truyền lấy từ rặng núi Ngưu Đầu. Người Ấn Độ tin rằng bôi loại hương này lên thân sẽ ngăn được lửa, trị lành vết thương. Có nhiều loại chiên đàn, kinh Pháp Hoa nói có loại Hải Ngạn Chiên Đàn, một Thù của loại hương này giá trị bằng cả tam thiên đại thiên thế giới.

[4] Giang Vị Nông (1873-1938), người xứ Ninh Ba, tỉnh Giang Tô, sống ở Hồ Bắc. Ông tên thật là Trung Nghiệp, tên tự là Vị Nông, pháp danh Diệu Hy. Từ nhỏ đã theo cha trì tụng kinh Kim Cang. Tuổi trung niên vợ mất, ngộ thế sự vô thường. Năm 1918, lễ ngài Vi Quân thiền sư làm thầy, thọ Bồ Tát Giới. Cuốn sách Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa của ông được đánh giá rất cao, lưu truyền hết sức rộng rãi.