NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Gởi Cư Sĩ Từ Úy Như
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư gởi cư sĩ Từ Úy Như

(thư thứ nhất)

 

Người chưa thọ giới chẳng được xem Luật Tạng:

1) Một là vì sợ kẻ chưa hiểu lý sâu, trông thấy hành vi của những người phạm giới cấm, chẳng biết là bậc Đại Quyền Bồ Tát thị hiện, vì mong Phật chế giới hòng lợi lạc cho đời sau, bèn hiện tướng chẳng như pháp để Phật có dịp chế lập giới, nêu khuôn phép. Do chẳng hiểu lý này, chỉ căn cứ vào những hành vi trước mắt, cho là khi Như Lai tại thế, các đệ tử Phật phần nhiều chẳng như pháp. Từ đấy, khởi lên tà kiến miệt thị Tăng chúng, tội đó chẳng nhỏ.

2) Hai là những chuyện trong Luật Tạng chỉ Tăng được biết, nếu để kẻ chưa phải là Tăng đọc được, rất có thể có kẻ ngoại đạo giả vờ dự vào hàng tỳ-kheo, làm chuyện sai pháp, vu báng Phật pháp thì hại chẳng nhỏ.

Do vậy, nghiêm cấm như thế là để dự phòng. Còn như kẻ hảo tâm hộ pháp, giảo chánh, lưu thông, há có nên cứ tuân theo thường lệ chăng? Nếu chấp chặt vào lời ấy thì Luật phải do Tăng chép, Tăng khắc, Tăng in, Tăng truyền mới khỏi trái nghịch cấm chế của Phật. Vạn sự trong thiên hạ đều có lý nhất định, làm điều gì phải thuận theo cái lý nhất định, nhưng cách thực hiện thì phải tuân theo cái đạo thích nghi thời tiết, nhân duyên. Lý khế hợp với Quyền, pháp phù hợp cùng đạo mới nên. Trong Luật ắt có những đoạn văn nói rõ [điều ấy], Quang mắt mờ chẳng thể xem trọn. Bộ Tỳ Ni Tập Yếu của ngài Ngẫu Ích cũng nhắc đến nghĩa lý này, ông cũng không cần phải kiểm lại.

Nếu đã không vướng vào những lỗi như: không phải người hiểu lý sâu xa, chỉ biết căn cứ vào chuyện trước mắt, muốn biết chuyện cơ mật trong Phật pháp, hoặc muốn giả vờ dự vào chúng tỳ-kheo v.v… thì cứ thanh thản yên tâm giảo chánh, lưu thông. Công đức ấy vô lượng vô biên, cần gì phải lo nghĩ quá? Nhưng phải im lặng, chẳng được đem những sự tướng chép trong Luật tuyên nói cho kẻ vô tri vô thức, cũng như trích đăng bừa bãi trong những văn tập tầm thường, khiến kẻ vô tri lầm lạc tạo khẩu nghiệp. Lý thế gian hay xuất thế gian về lý đều nhất định, nhưng pháp không nhất định. Lớn như chuyện giữ nước yên đời, nhỏ như một miếng ăn hớp uống không chuyện gì chẳng như vậy. Sao lại riêng chấp khăng khăng nơi Luật Tạng?

(thư thứ hai)

Trước kia tôi ở Dương Châu, biết thái phu nhân mắc bệnh, các hạ phải trở về đất Thân (Thượng Hải) để chăm sóc. Tôi cho rằng bà cụ đã ngoài bảy mươi, Tịnh nghiệp đã thuần, rất có thể là vì muốn răn nhắc những người đồng hàng nên dùng đại sự Tây quy để nhân đó họ được tỉnh ngộ đó chăng? Cho đến ngày mồng Bốn tháng Chín, Quang đến đất Thân, hôm sau gặp Vân Lôi, cho biết thái phu nhân thân thể đã mạnh khỏe, các hạ cũng đã quay lại Bắc Kinh mấy ngày rồi! Khôn ngăn mừng rỡ vô cùng! Ai ngờ thái phu nhân rốt cuộc chẳng muốn trụ lâu trong thế giới này, dùng chính thân mình thuyết pháp, chỉ muốn cho hết thảy thân bằng quyến thuộc đều biết tướng thế gian vô thường, hễ sanh ắt có tử, dốc sức tu Tịnh nghiệp, cầu mau được thoát khỏi đời ác ngũ trược này, chứng triệt để thiên chân Phật tánh chúng ta vốn sẵn có mới thôi! Có thể nói thật là đại từ bi, hiện thân thuyết pháp vậy!

Nhận được tin từ Vân Lôi, tâm tôi rất bi thương; kế đó nghĩ thái phu nhân quả thật muốn cho chúng ta khỏi chịu khổ luân hồi, nên mới thị hiện đến – đi. Điều đáng bi thương chỉ là ông mất nơi nương cậy, mất đi mẹ hiền mà thôi. Tuy vậy, thần thức cụ đã siêu về tịnh vực, nghiệp trả lại trần lao, sen chín phẩm nở hoa, Phật thọ ký ngay trong một đời. Do các hạ thiên nhãn chưa mở, chẳng thể thấy thấu suốt, xét về phần được thái phu nhân chở che, cố nhiên tơ hào chẳng cách, nhưng đã thành chuyện dĩ vãng rồi! Xin ông bớt buồn, lấy chuyện niệm Phật ngõ hầu phẩm sen của cụ được cao thêm, mau chứng Vô Sanh làm trọng. Quyết chớ nên quá bi thương, đến nỗi hai bên đều vô ích. Quang may chẳng bị ghét bỏ, được dự vào hàng bè bạn của ông, pháp lẫn tài đều nghèo, biết lấy chi làm lễ, chỉ đành vào lúc sáng tối lễ tụng, vì thái phu nhân hồi hướng Bồ Đề, để tận tình bạn bè phương ngoại [1] mà thôi.

(thư thứ ba)

Hôm qua nhận được thư cùng thiệp báo tin buồn, đọc xong, khôn ngăn buồn than khôn xiết. Phàm chư Phật, Bồ Tát, Pháp Thân đại sĩ nghĩ thương chúng sanh, thị hiện sanh trong thế gian, hòa quang đồng sự[2] dùng hạnh giáo hóa, khiến cho dù nam, dù nữ, hoặc quốc vương, đại thần, phi hậu, đại gia, và những kẻ bần cùng hạ tiện trông thấy đều được cảm hóa, phát khởi, bất cứ đâu, bất cứ ai đều được nhập vào Nhất Thừa viên diệu, sâu xa mà chẳng tự biết. Như thế thì pháp đạo lưu thông, như Xuân về trên lãnh thổ của vua Vũ, mặt nhật rạng ngời trời Nghiêu, không chỗ nào, không một ai chẳng được hưởng quang minh, được thấm nhuần nuôi dưỡng. Xét việc làm của cả một đời thái phu nhân và tình hình khi lâm chung, trước đây Quang đã từng bảo bà cụ là bậc thừa nguyện thị hiện, mang thân phận nữ nhân mà thuyết pháp, luận như vậy là đích xác nhất.

Quang uổng mang thân nam, lạm chen vào Tăng chúng, bốn mươi năm qua chẳng được mảy may lợi ích gì nơi pháp môn cả. Đọc thấy thái phu nhân sốt sắng lưu thông Đại Tạng, khắc in những sách khế lý khế cơ, thẹn đến chết được! Sáng chiều lễ tụng hồi hướng chỉ để giãi bày tấm lòng thành của tôi, còn mong thái phu nhân từ mẫn, dẫn thánh chúng của Phật Di Đà mau đến độ tôi, sao có thể nói là tôi làm pháp thí cho cụ bà được? Nhưng tôi chẳng ngại nhờ vào duyên sự này để tăng trưởng cái tâm tự lợi, lợi tha. Do vậy, hàng phàm phu sát đất, trong lúc lễ tụng còn vì chư Phật hồi hướng, huống chi những vị thị hiện địa vị phàm phu thì về mặt Lý nào có ngại gì?

Trong thời gian làm thất và trong hết thảy lúc, hết thảy sự, đều nên lấy niệm Phật làm chánh, chứ nào phải chỉ trong lúc chưa đưa đám! Do hiện nay, đa số Tăng lười nhác, người không biết tụng kinh thì nhiều, mà Tăng lại đọc nhanh như nước chảy, người khác dù có biết tụng kinh nhưng không thuộc cũng chẳng thể niệm theo. Dẫu có mười mấy người, số người niệm theo chẳng được mấy. Chỉ có niệm Phật thì ngoại trừ những kẻ không phát tâm ra, chắc chắn không có cái tệ chẳng niệm theo. Lại dù họ chẳng chịu niệm, nhưng một câu Phật hiệu đã lọt qua tai vào tâm thì tự được lợi chẳng cạn. Đấy chính là lý do Quang tuyệt chẳng đề xướng làm các đạo tràng khác.

Người đang lúc lâm chung, chỉ đồng thanh niệm Phật hiệu là có ích. Nếu thức tâm [của người sắp mất] chưa rời khỏi [xác thân] thì tắm rửa, cất tiếng khóc v.v… đều gây trở ngại lớn. Do vậy, người tu Tịnh nghiệp trong lúc bình thời phải thuật rõ duyên do cùng thân quyến ngõ hầu họ chẳng đặt lòng yêu thương sai chỗ. Nếu là người có sức lớn lao, là bậc cao sĩ lỗi lạc, ắt sẽ chẳng sợ bị những thứ ấy gây vướng mắc. Bởi lẽ, những vị ấy phước đức sâu dầy, ngay trong lúc uế nghiệp đã diệt, tịnh cảnh hiện tiền, liền ngay trong lúc ấy, những gì họ thấy họ nghe đã không còn thuộc vào thế gian này nữa!

Thái phu nhân vốn đã chẳng phải hạng tầm thường; vì thế chẳng nên theo lệ thường. Bà cụ ắt vãng sanh, phẩm vị ắt chẳng thuộc vào Trung, Hạ, nhưng Phật pháp rộng sâu, chỉ khi nào thành Phật rồi mới có thể buông tay, muốn quyết định được vãng sanh, quả thật chẳng ngại gì khẩn thiết niệm Phật, thường hành truy tiến[3], tức là như kinh Phật thường nói: “Tuy biết tội tánh vốn không, nhưng thường hối tội trước, chẳng nói mình đã được thanh tịnh”. Ngài Liên Trì cũng nói:“Trong năm, thường nên truy tiến tiên vong[4] chẳng được bảo họ đã được giải thoát nên chẳng cử hành”.

Phải biết niệm Phật, tụng kinh tuy nói là để cầu siêu cho người thân, nhưng thật ra là để cho quyến thuộc hiện tiền tự biết, khai tâm địa, trồng thiện căn, và đem tất cả công đức cầu siêu cho người thân để hồi hướng cho hết thảy chúng sanh trong pháp giới, hòng mở rộng tâm lượng của mình lẫn người, của kẻ còn, người mất, nhằm tiêu diệt những chấp trước trở ngại còn – mất của mình lẫn người. Còn như không lấy lòng thành làm chánh, chỉ cốt xa hoa, bày vẽ, phô trương với người thì đúng là dùng đám tang cha mẹ để bày trò náo nhiệt, chẳng phải là điều kẻ làm con nên làm. Các hạ thông hiểu Phật pháp sâu xa, quyết chẳng đến nỗi như thế, chỉ e quyến thuộc, người quen bị ảnh hưởng bởi những thói ưa thích xa hoa của những nhà giàu có gần đây, nên tôi chẳng ngại nhắc nhở các hạ, ngõ hầu ngăn chặn những tâm trái pháp, trái lý, xu thời vậy.

 (thư thứ tư)

Hôm trước, Vân Lôi gởi đến cuốn Kim Cang Liễu Nghĩa của Vô Y đạo nhân, đọc xong, biết Phật học của các hạ đến nay cũng sâu xa lắm, khôn ngăn cảm phục. Mạnh Do gởi đến cuốn Nhất Hạnh Cư Tập, tôi thấy chữ cũng nhỏ quá, không thể dùng để in lâu được[5], đấy chính là điều nhà khắc kinh ở Bắc Kinh chưa nghĩ đến. Bản để in kinh sách nên khắc chữ thật to, bản in hiện thời nhỏ quá, chẳng thể chiếu theo cách ấy, nhưng cũng nên phỏng theo cách thức ở Dương Châu, Nam Kinh. Mong ông hãy gởi thư đến người trông coi, nhắc đến nguyên do, sao cho cứ một bức gỗ khắc in được cả mấy ngàn cuốn, lợi ích rất lớn.

Thêm nữa, Nhất Hạnh Cư Tập cả văn lẫn lý đều hay, chỉ có phần Bạt, nói về Thiền Tông Bí Mật Liễu Nghĩa Kinh quả là trong đề-hồ có lẫn chất độc. Bản kinh ấy do đàn cầu cơ mà có, toàn nhặt nhạnh những câu trong Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Viên Giác cũng như Lục Tổ Đàn Kinh gộp thành, và gom góp những đoạn văn trong các Ngữ Lục Thiền, Tịnh. Bậc đại thông gia xem đến cố nhiên là hữu ích, nhưng người không đầy đủ con mắt [trí huệ] sẽ cho rằng kinh này từ đàn cầu cơ mà có, do chính miệng vàng nói ra. Từ đó, sẽ bảo những kinh có được từ đàn cầu cơ đều là kinh Phật. Xưa kia có kẻ nhắm mắt tụng ra kinh, nhưng những kinh ấy đều chẳng được lưu thông, vì sợ rằng sẽ tạo thành đầu mối bịa đặt vậy! Nhân Hiếu hoàng hậu thời Minh mộng cảm được kinh[6], nghĩa lý lợi ích đều chẳng thể nghĩ bàn, nhưng trong bộ Duyệt Tạng Tri Tân, Linh Phong lão nhân xếp kinh ấy vào loại nghi ngụy[7]. Đầu đời Thanh kinh này cũng được khắc in, nhập tạng; nhưng sau đời Cao Tông (Càn Long) bèn bỏ ra để phòng chuyện ngụy lạm. Nhị Lâm kiến địa thật cao, cớ sao chẳng nghĩ đến điều ấy! Ở chùa Pháp Vũ trước kia cũng có một bản, Quang đã đốt đi để ngăn mối họa, đối với bậc tri kỷ pháp môn chẳng ngại gì dài dòng một phen.

Hiện thời, nước cùng quẫn, dân khốn khó đã đến mức cực điểm, cái nạn hút thuốc phiện đã dính đến tận xương, chưa thể trừ được, cũng là một mối lo nghĩ lớn cho những ai nặng lòng trách nhiệm với thế đạo dân sinh. Mùa Hạ năm nay có người bạn từ Cáp Nhĩ Tân[8] đến, cho biết nơi ông ta cấm thuốc phiện rất ngặt, cũng có hai ba người bạn muốn cai thuốc nhưng khổ vì không có phương thuốc hay. Trước kia, Quang nghe nói ông Trần Tích Châu có bài thuốc cai thuốc phiện linh nghiệm phi thường, trước nay chưa hề có. Đến khi ông ta lên núi thăm tôi, bèn bảo ông ta viết ra gởi đi, lại còn chép lại một bản giao cho phó tự của chùa mình bảo phân phát cho người khác, vì ông ấy đã từng đến làm việc trong Thương Vụ, giao du ắt phải rộng, chỉ mong bài thuốc ấy được phổ biến lưu truyền. Giữa tháng 11, từ Cáp Nhĩ Tân có thư gởi đến, nói bài thuốc do Quang gởi cho linh nghiệm phi thường, xin thay mặt cho những bạn bè đã cai được thuốc hết sức cảm tạ. Khôn ngăn hoan hỷ!

Nhân đó tôi hỏi thăm vị phó tự của chùa mình, ông cho biết vợ của ông Uông Thiềm Thanh (bạn của ông ta), do bị khí thống nên hút thuốc phiện, về sau muốn cai, liền mua thuốc viên bán ngoài chợ về uống, nhưng trọn chẳng dứt tận gốc được. Nếu chẳng uống thuốc thì cơn thèm thuốc phiện lẫn bệnh khí thống cùng nổi lên, được phương thuốc này uống một liều liền khỏi, hai chứng ghiền thuốc và khí thống đều hết sạch! Con ông ta mở tiệm thuốc Uông Lý Tế Đường, sanh lòng cảm kích lớn lao, in bài thuốc ấy tặng cho người, và theo toa chế thành thuốc viên, thuốc nước hòng giúp người, bán ở các tiệm thuốc của mình. Quang liền yêu cầu in ra hai trăm tờ bài thuốc này, để hễ gởi thư cho những tri giao xa gần đều gởi kèm một toa. Người có sức sẽ in ra lưu truyền rộng rãi. Trộm nghĩ các hạ và Vân Lôi đều là những người có tâm làm lợi cho người khác, hãy nên đem toa thuốc này đăng lâu dài trên báo để khắp cõi đời đều biết đến thì công đức vô lượng vậy. Tôi đã bàn với Vân Lôi sẽ bỏ ra một nửa tiền đăng báo. Khoản phí tổn ấy nên kiếm dăm ba người có lòng với thế đạo chia sẻ thì sự việc ắt sẽ tiến hành được, đối với tòa báo, đối với chính mình đều không trở ngại gì. Nếu ai muốn cai thuốc liền có thể nhanh chóng thoát khỏi nỗi khổ ấy, đây cũng là một đầu mối để cứu nước cứu dân vậy! Đối với các xứ Quảng Đông, Vân Nam, Quang đều gởi kèm bài thuốc ấy theo Văn Sao, bảo họ in bài thuốc ấy ra phổ biến truyền bá. Lúc gởi cho người bạn ở Cáp Nhĩ Tân trước kia, cũng bảo ông ta kiếm dăm ba người có tài lực chịu lợi người bỏ tiền ra đăng báo suốt năm trên hai tờ báo ở nơi đó, ngõ hầu người nơi ấy và người chung quanh đều biết đến. Nay đã tự đạt được sự hiệu nghiệm, ắt phải nên thường đăng báo. Người thật sự tu đạo, sao lại xen vào chuyện người khác? Nhưng toàn thân chưa thể buông xuống, cắt đứt muôn duyên thì chẳng ngại gì vun bồi tâm địa, ngõ hầu cứu vớt phần nào (Bài thuốc được in kèm ở cuối Văn Sao, quyển 4).

(thư thứ năm)

Cư sĩ Vương Hoằng Nguyện tuy sùng tín Mật Tông, khá có hiệu nghiệm[9], nhưng lúc đầu do nhận lầm tin tức[10] nên mới mắc lỗi chưa đắc đã bảo là đắc; về sau, do đọc nhiều giáo điển mới biết mình sai lầm. Lại thêm hiện thời tuy công phu đắc lực nhưng hư hỏa bốc lên, không cách nào trị được. Do hai điều này, Quang nhận định rằng một pháp Mật Tông chẳng thể độ khắp ba căn, chẳng bằng Tịnh Độ ngàn vạn phần ổn thỏa, thích đáng, có thể nói là ông ta xưa đã có linh căn, kiến địa cao siêu, mà còn hiểu lầm cũng như mắc bệnh chẳng biết đối trị thì biết: Người đời do chẳng bằng ông ta sẽ thành ra như thế nào rồi!

Ông ta cho là Mật Tông vượt trội Hiển Giáo, dẫn đủ mọi ngôn luận để biện bác, nhưng Phật không hai tâm, cũng không hai pháp, muốn đề cao Mật Tông nhưng chỉ luận về những chỗ cao siêu của Mật Tông, bởi xét về mặt chứng đắc thì chỗ mầu nhiệm của Mật Tông và chỗ mầu nhiệm của Hiển Giáo giống như nhau, dù có muốn suy tôn thì thật ra vẫn ngang như nhau. Lời luận của ông ta là ước theo giáo pháp, bỏ sót căn cơ; Quang ước theo chỗ lợi ích cho từng căn cơ mà luận giáo. Bởi khế lý nhưng chẳng khế cơ thì không thể cảm ứng đạo giao, nghĩa là thuyết pháp chẳng hợp với căn cơ thì chỉ thành lời nói xuông, đại ý là như vậy. Những gì Quang nói đa số là lập đi lập lại, lại thêm mục lực chẳng đủ, những thư từ nói chung không giữ lại bản nháp. Hai câu nói: “Một vị bao gồm hết thảy vị, từ cạn đến sâu, hành tướng vẫn phải luôn rõ ràng như thế. Viên dung chẳng trở ngại gì đến việc bố thí” rất thích đáng. Bởi lẽ viên dung chính là viên dung nơi việc hành bố thí. Nếu không hành bố thí sao nói là viên dung được? Hành bố thí chính là hành bố thí nơi viên dung, nếu không viên dung thì sự bố thí ấy sẽ thành sanh diệt, bèn thuộc đế lý Tiểu Thừa, chẳng phải là cái đạo “bao gồm nhân, thấu triệt quả”!

(thư thứ sáu)

Nhận được thư và bản Quán Kinh Nghĩa Sớ của Gia Tường đại sư, duyệt kỹ một lần nữa, văn chương của bản chú sớ ấy quả thật khiến người đọc rối ren. Một câu nói đi nói lại nhiều lần, ý nghĩa hàm hồ, lại chỉ chú trọng giải thích danh nghĩa, trước đã không giảng tường tận duyên do, sau lại chẳng kết về chỗ quy túc. Quang phỏng đoán bản chú sớ chưa chắc đã do chính Gia Tường[11] đại sư viết, có lẽ là do bọn người Nhật Bản cả tin mạo danh đại sư soạn ra. Nếu không, dẫu bị sao chép sai ngoa, cũng chẳng đến nỗi toàn bộ không thành văn lý, tạp nhạp, lụn vụn, trọn chẳng hiển thị được đại nghĩa. Như đoạn văn “núi Tu Di cao vượt khỏi biển cả, tám thứ gió thổi chẳng động, dẫu khiến cho tốt đẹp lại thêm trang nghiêm, vẫn chẳng thể dời động một chữ” thật đáng nghi. Thập Nhất Diện Sớ[12] cũng thế! Bọn họ hâm mộ tên tuổi của bậc cao nhân nước ta, bèn xằng bậy viết sách [mạo danh], chẳng biết chính mình chẳng phải là cao nhân, dù có mạo danh thì cũng chẳng mạo danh được!

Thêm nữa, gần đây ở Bắc Kinh in sách dùng loại giấy Mao Biên, giấy này hiện giờ trông thấy khá tốt, nhưng để lâu bèn bị giòn vụn. Lúc Quang ở Bắc Kinh, thấy những cuốn sách đã hơn trăm năm, giấy đều đã giòn vụn, kẻ thô tâm giở xem, sẽ bị vỡ nát. Tâm tôi đã trộm ngờ, nhưng chẳng biết nguyên do. Năm Quang Tự thứ 31 (1905), hỏi tiên sinh [Dương] Nhân Sơn, ông nói: “Do bị muội than hun”. Thuyết ấy tuy hữu lý nhưng cũng chưa thể dứt lòng ngờ, bởi sách được cất giữ nhiều, há đều cất ở những chỗ có muội than ư? Ở Hồng Loa[13] không có than, sách cũng bị giòn, mới biết tiên sinh nói ra lời ấy cũng chỉ là nghĩ ra lý do, chứ chưa phải căn cứ vào thực nghiệm.

Cho đến năm ngoái, vào Tàng Kinh Viện, cùng một vị chuyên làm sách già đời bàn về tánh chất của giấy; nhân đó nhắc đến chuyện sách cũ ở Bắc Kinh đều bị giòn gẫy, ông cho biết: “Vì in bằng loại giấy Mao Biên! Giấy Mao Biên lúc mới cảm thấy rất dày cứng, kiên cố, do dùng chất liệu bằng cỏ nhiều, chất liệu tre ít, nên để lâu ngày bèn bị giòn. Chất giấy Mao Thái, Trọng Thái không dày chắc như giấy Mao Biên, nhưng để lâu không bị biến chất. Người ngoài nghề thường cho giấy Mao Biên là tốt, những người in sách chúng tôi cũng thích in sách bằng giấy Mao Biên, bởi nó cứng cáp dễ in. Thật ra giấy Mao Thái, Trọng Thái để được lâu hơn”. Quang nghe xong, tâm nghi dứt sạch.

(thư thứ bảy)

Quán Kinh Sớ thích văn thích nghĩa hết sức thiếu sót, qua loa; việc phân khoa ba bốn lượt nhắc đi nhắc lại, thật là dở tệ vô cùng. Nay các hạ cũng biết sách ấy là ngụy tạo, có lẽ nên bảo người phát tâm ngừng việc in khắc để Gia Tường đại sư khỏi bị vu oan. Phàm lưu thông chú sớ của cổ nhân cần phải lấy tiêu chuẩn chọn lựa là “chọn những bản mà nghĩa lý văn tự khải phát lòng người, phô bày triệt để ý nghĩa kinh”. Còn những sớ văn như cuốn này khắc in có ích gì? Dù bảo Quang tu chỉnh cũng không khá hơn được! Nếu sửa chữa quá nhiều sẽ thành ra một trước tác khác, chẳng thể gọi là tu chỉnh được. Huống chi các bộ sớ của ngài Thiên Thai, Thiện Đạo đã được lưu thông khắp pháp giới, sao chẳng tiếc tiền của đem làm chuyện vô ích này? Đem những bản tốt đẹp lưu thông thì sẽ làm rạng rỡ cổ nhân, tạo ích lợi cho hậu học. Nếu chẳng xét chân – ngụy, đều cùng lưu thông hết sẽ khiến cổ nhân bị vu hãm, hàng hậu học nhọc lòng phiền trí, trọn chẳng ích lợi gì! Mong hãy nói cùng ông đó. Năm trước, Quang thấy bản sớ giải kinh Thập Nhất Diện cũng là ngụy tạo, nhưng chưa bàn luận rõ ràng. Những loại sách như thế đừng lưu thông thì mới nên!

***

[1] Phương ngoại có nghĩa là thế ngoại (ở ngoài cõi đời). Tăng sĩ kết bạn với tục gia đệ tử thường xưng là “phương ngoại hữu”, tức là người bạn ở ngoài cõi đời. Trong Thiền Lâm, khi một vị tăng đảm nhiệm mới đến đảm nhiệm trụ trì một ngôi chùa, các vị thân sĩ viết bài văn chúc mừng, bài văn ấy cũng gọi là Phương Ngoại Sớ.

[2] Hòa quang đồng sự, còn gọi là hòa quang đồng trần: Sống chung với chúng sanh, sanh hoạt, xử sự giống như chúng sanh để dễ bề giáo hóa.

[3] Truy tiến: Làm các pháp sự hoặc thiện sự để hồi hướng cầu cho người đã mất được siêu sanh Tịnh Độ.

[4] Tiên vong: Những người đã mất.

[5] Thời ấy in bằng mộc bản (chữ khắc trực tiếp trên ván) nên nếu khắc chữ nhỏ quá, khi bôi mực lên ván rồi ép xuống giấy in thành sách, bị ép nhiều, chữ sẽ bị vỡ, phải khắc bản gỗ mới.

[6] Đại Minh Nhân Hiếu Hoàng hậu chính là hoàng hậu Từ Nghi Hoa của vua Minh Thành Tổ, bà vốn là con gái của Khai Quốc Công Thần Từ Đạt của nhà Minh, sanh năm 1361. Năm 1376 lấy Châu Lệ, được sách phong Yên Vương Phi, rồi được phong Hoàng Hậu khi Châu Lệ lên ngôi. Bà mất năm 1497, hưởng thọ 46 tuổi. Bản kinh bà mộng thấy mang tên Đại Minh Nhân Hiếu Hoàng Hậu Mộng Cảm Phật Thuyết Đệ Nhất Hy Hữu Đại Công Đức Kinh, là bản kinh số 10, tập X01 của Vạn Tục Tạng.

[7] Nghi ngụy: là kinh bị coi là do người đời bịa đặt ra, không phải là kinh Phật thật sự.

[8] Cáp Nhĩ Tân (Harbin) là thủ phủ của tỉnh Hắc Long Giang, tỉnh cực Bắc của Trung Quốc (Vùng Mãn Châu khi xưa nay được chia thành ba tỉnh Cát Lâm, Liêu Ninh và Hắc Long Giang). Thành phố này nằm ở phía Nam sông Tùng Hoa, ngay giao lộ của đường xe lửa Trường Xuân.

[9] Ý nói tu tập, tác pháp đã được đôi chút cảm ứng, hảo tướng đã hiện.

[10] Trong Mật Tông, khi trì chú, tác pháp thường cầu những hảo tướng như mộng thấy thân mình bay lên hư không, được Bổn Tôn cho ăn sữa và những thức ăn màu trắng, thấy pháp khí tỏa sáng, tràng phan lay động v.v… để cầu ấn chứng pháp mình đang tu đã được hành trì đúng cách. Rất nhiều hành giả Mật Tông thấy những tướng trạng ấy tưởng mình đã thành tựu, dự vào hàng Thánh, nên gọi là “lầm nhận tin tức”.

[11] Gia Tường Đại Sư tức ngài Cát Tạng (549-623), người đời Tùy, họ An, húy là Thế, sanh tại tỉnh An Huy, vốn là người Hồ, sau dời đến Kim Lăng (Nam Kinh), nên còn được gọi là An Cát Tạng hoặc Hồ Cát Tạng. Năm lên bốn tuổi, theo cha mẹ đến yết kiến pháp sư Chân Đế nên được đặt pháp danh là Cát Tạng. Về sau, cha ngài xuất gia, ngài thường theo cha đến chùa Hưng Hoàng nghe ngài Pháp Lãng giảng Tam Luận. Năm bảy tuổi (có thuyết nói là 13 tuổi), xuất gia với ngài Pháp Lãng. Do ngài Pháp Lãng là truyền thừa của ngài La Thập về giáo học Tam Luận Tông, nên ngài Cát Tường chuyên học các bộ Trung Luận, Bách Luận, Thập Nhị Môn Luận. Đến năm 19 tuổi, đại sư lên giảng kinh. Năm 21 tuổi thọ Đại Giới. Năm 581, sư Pháp Lãng thị tịch, Ngài bèn qua Giang Đông, đến chùa Gia Tường ở Cối Kê, tỉnh Chiết Giang, chuyên tâm giảng thuyết trước tác. Phần nhiều những chú sớ Tam Luận được hoàn thành tại chùa này, nên Sư thường được gọi là Gia Tường đại sư. Ngoài Tam Luận, đại sư còn hết sức uyên thâm giáo nghĩa các kinh Pháp Hoa, Niết Bàn. Ngài cũng từng gởi thơ cho đại sư Trí Giả để học thêm về giáo nghĩa Thiên Thai Tông. Ngài chuyên chú phục hưng Tam Luận Tông, nên được coi là một vị tổ sư của Tông này. Đại sư còn tự tay chép được hai ngàn bộ Pháp Hoa. Năm Vũ Đức thứ sáu đời Đường (623), Sư tắm gội thanh tịnh, đốt hương niệm Phật, viết bài luận “Chết Không Sợ Hãi” rồi nhập diệt, thọ 75 tuổi. Bình sinh đại sư giảng kinh thật nhiều, chẳng hạn như giảng Tam Luận hơn trăm lần, giảng kinh Pháp Hoa hơn ba trăm lần, viết rất nhiều chú sớ cho các kinh Đại Thừa. Bản Quán Kinh Nghĩa Sớ này cũng được đưa vào Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh.

[12] Thập Nhất Diện Sớ là bản chú giải kinh Phật Thuyết Thập Nhất Diện Quán Âm Tâm Chú kinh.

[13] Núi Hồng Loa thuộc tỉnh Liêu Ninh, có chùa Tư Phước là đạo tràng tu tập của tổ Triệt Ngộ.