NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Vương Dữ Tiếp
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời cư sĩ Vương Dữ Tiếp

Quang là một ông Tăng tầm thường, trọn chẳng có hành trạng tốt đẹp gì, một bề ăn xin mà còn chẳng được, nên bèn nhặt nhạnh những thứ cơm thừa canh cặn vứt bỏ ngoài cửa trưởng giả đại phú để tự nuôi thân. Cũng có người chẳng hiềm chua hôi, nài ép tôi thí cho, bèn đem những thứ ấy trao ra, chỉ nhằm thích hợp giữa hai bên [người xin, kẻ cho] chứ chẳng dám khiến cho người khác chán nghe chẳng muốn thấy. Do vậy, một là chẳng có tông phái gì, hai là không môn đình, ba là không quyến thuộc, chưa từng kết bạn lập hội để tham cứu cùng ai. Phàm có ai hỏi đến đều bảo nên trọn hết bổn phận, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện, tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tây Phương, dẫu là người thiên tư thượng đẳng, học thức tót vời cũng dâng lên những lời ấy. Ví như bé trai dâng cát[1], chỉ mong bày tỏ lòng thành của mình, hoàn toàn chẳng tính xem người khác có dùng được hay chăng! Chẳng ngờ hai chữ tiện danh đã làm bẩn tai các hạ. Ngày hai mươi nhận được thư, khôn ngăn thẹn thùng, hoảng sợ, vui mừng, lo lắng xen lẫn.

Do các hạ nghe lầm lời người, lầm tưởng tôi là người trong pháp môn, nên bèn đem sai lầm đáp tạ sai lầm, trình bày quẩn quanh kiến giải hèn kém của mình để đáp tạ sự khen lầm. Biết lời mình viết cố nhiên chẳng đáng lọt vào mắt các hạ, nhưng chẳng ngại giãi bày tấm lòng mình mà thôi. Trộm nghĩ hiện nay thế đạo nhân tâm chìm đắm đến cực điểm, lại thêm quốc khố trống rỗng, thuế má nặng nề hơn trước biết bao lần, vật giá đắt đỏ, dân không lẽ sống, thiên tai, nhân họa liên miên xảy ra. Gặp thời buổi này, muốn hoằng pháp đạo chỉ có thể đối với khắp những người đến hỏi chỉ dạy họ học lấy những nghĩa trọng yếu của Phật. Với cha nói đến từ, với con nói đến hiếu, anh nhường, em kính, chồng xướng, vợ theo, ai nấy tận hết bổn phận để lập nền tảng. Từ đấy, lại thêm trọng lòng kính, giữ lòng thành, khắc kỷ, giữ lễ, hiểu nhân rõ quả, mong khỏi luân hồi, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành, tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Dù thiên tư cao cũng vẫn cứ hành theo đó. Lúc có dư sức chẳng ngại nghiên cứu hết thảy kinh luận, dạy cho họ ở trong gia đình, tùy phận tu trì, chẳng cần phải tạo dựng điện đường cho nhiều, cắt đặt nhân viên cho đông, hai bên qua lại bận bịu chức vụ, tốn kém thời gian. Đây thật là cách tương kế tựu kế thích hợp nhất để hoằng pháp hiện thời.

Còn như chương trình khai khẩn chốn hoang vu của các hạ đã định, dù lúc đất nước hưng thạnh, dân chúng giàu có còn chẳng nên làm, huống chi đang lúc vận nước nguy ngập, dân không lẽ sống này! Nhưng các hạ đã đưa ra đề nghị ấy, người trong toàn quốc không ai chẳng hoan hỷ khen ngợi, mừng đạo pháp sắp được hưng khởi. Quang thật ôm lòng lo lắng sâu xa, không thể không vì các hạ trình bày đại khái. Chỉ dựa theo những việc đã nêu ra trong chương trình thì số tiền vàn muôn cũng chẳng đủ dùng. Nếu các hạ có thể biến cả đại địa thành vàng ròng thì lời Quang nói quả thật là ngu si vô tri. Còn nếu muốn dựa vào sự quyên góp để thực hiện sự nghiệp trùm khắp vũ trụ này thì thật giống như giấc mộng đêm Xuân, chẳng thực tế mảy may nào! Huống chi chưa từng nghe các hạ có đại thần thông, bất luận ai dù xa hay gần đều có cách nhiếp trì, khiến họ chẳng vượt thoát được mảy may giống như tôn giả Ưu Ba Cúc Đa[2].

Như vậy, đại sự như thế, số người sử dụng há có thể bảo đảm ai nấy đều ôm lòng vì việc chung, tuyệt đối chẳng nẩy sanh mối tệ hay chăng? Con người hiện thời con thờ cha còn làm chuyện tệ hại, nữa là đại sự mênh mông không bờ bến này? Thêm nữa, con người hiện thời không có chí hướng nhất định, bất luận xã hội nào, đa phần đều thuộc loại như vậy. Nếu có kẻ mang lòng sai khác, xen vào trong ấy, dẫn dụ kẻ vô tri vô thức làm vây cánh, một mai sự việc dấy động ắt đến nỗi lửa thiêu rặng Côn Luân, ngọc đá đều cháy. Nhằm lúc nhân tâm chìm đắm đến cùng cực này, sao các hạ chẳng lo nghĩ đến điều ấy?

Tống Từ Vân Sám Chủ qua đất Tô giảng kinh, người nghe giảng ngày đến vạn người, đêm cả ngàn người, kẻ đồ tể, kẻ bán rượu chẳng buôn bán, pháp đạo lừng lẫy, quả là chưa từng có. Ngài Từ Vân lo sợ, e rằng có điều mình chưa tính đến, ắt sẽ có chỗ vụng về. Ngài Từ Vân là bậc cao tăng đại trí huệ, đại biện tài, lại còn có thần thông, nhằm lúc quốc gia thái bình, nhân tâm thuần thiện mà còn thận trọng như thế. Những nội hạnh bí mật của các hạ đương nhiên Quang chẳng thể biết được, nhưng căn cứ theo bên ngoài thì các hạ so với ngài Từ Vân nào chỉ như đem Thái Sơn sánh với Tu Di! Huống đang nhằm lúc trên không pháp để suy lường, dưới không pháp để tuân theo, dẫu là đại ân của cha mẹ, tình nghĩa vợ chồng riêng tư còn muốn vứt bỏ, họ công nhiên đề xướng ý tưởng “tận hiếu chính là tánh chất nô lệ, cùng chia xẻ vợ với nhau”. Nếu những kẻ như vậy trà trộn vào thì nên xử trí thế nào? Nếu không thì họ kỵ pháp mình, lại nói bậy bạ, lại phải xử trí thế nào đây? Phàm một pháp đã lập, trăm mối tệ dần dần sanh; chẳng cẩn thận từ đầu, khó thể xong xuôi được! Vả nữa, cổ đức hoằng pháp ai nấy đều tự lập giới hạn. Các hạ vứt bỏ thời đại chuyên chế, lại lập một môn đình Phật pháp chuyên chế, mình nghiễm nhiên làm pháp vương, tự tại nơi pháp, ngàn căn cơ đều nuôi dưỡng, muôn phái đều chầu hầu; hay thì hay lắm, quả thật chỉ sợ không có sức thần thông chế phục, ắt có kẻ gian trà trộn phá hoại, hoặc ôm lòng đố kỵ, ghen ghét nên bèn vu báng, chưa thấy được ích lợi hưng thịnh pháp đã mắc vào cái họa diệt pháp. Do tâm đại Bồ Đề chuốc lấy quả ác này; người có tâm không ai chẳng đau thương! Tuy đau thương, rốt cuộc có ích gì?

Vì thế, Quang không thể không vì các hạ nói trước, chẳng tính đến chuyện người ta ghi nhận hay không! Nếu nhất quyết làm theo chương trình đã định thì Quang cũng chỉ khen ngợi cái tâm tốt đẹp của các hạ mà thôi, há có thể cưỡng các hạ đừng nên làm hay sao? Ngàn phần mong hãy đem cái tên hèn kém của Ấn Quang thủ tiêu đi, Ấn Quang quyết chẳng dám thừa nhận cái chức vị danh dự “Thượng Tọa đạo sư” đâu! Quang một mực rút lui, bởi kiến giải của mình khác với người ta. Nếu chẳng cho lời Quang là đúng, ắt sẽ có lúc phải hối nhưng không kịp. Kinh Dịch nói: “Chỉ có mình thánh nhân mới biết tiến thoái tồn vong mà chẳng mất lẽ chánh, có lẽ chỉ có mình thánh nhân đó ư?” Xin các hạ hãy suy nghĩ cặn kẽ!

***

[1] Thời Phật còn tại thế, có một đứa trẻ thấy Phật hoan hỷ, kính quý, bèn dâng một vốc cát lên Phật để cúng dường.

[2] Ưu Ba Cúc Đa (Upagupta), vị tổ thứ tư của Thiền Tông Ấn Độ, tên Ngài còn được phiên âm là Ưu Ba Cấp Đa, Ưu Ba Quật Đa, Ô Ba Quật Đa, Ưu Ba Cúc Đề, Ưu Ba Cúc, Ưu Ba Quật, hoặc gọi tắt là Quật Đa, dịch sang tiếng Hán là Đại Hộ, Cận Tạng, Cận Hộ. Ngài là người xứ Mathura, Ấn Độ, là một trong những vị thầy nổi danh của vua A Dục (Asoka). Ngài là người nổi tiếng thông minh, từ mẫn. Ngài được vị tổ thứ ba là ngài Thương Na Hòa Tu dạy phép quán: “Nếu khởi ác tâm, bèn quán tướng có một viên đá đen ở bên trái, nếu khởi thiện tâm, quán một viên đá trắng bên phải”. Ngài bèn nhiếp tâm quán niệm. Thoạt đầu đá đen rất nhiều, quán đến ngày thứ bảy, chỉ thấy tướng đá trắng. Tổ Thương Na Hòa Tu bèn thuyết pháp Tứ Đế, ngay khi đó, tổ Ưu Ba Cúc Đa bèn chứng quả Tu Đà Hoàn. Ngài lần lượt quán các pháp khổ, không, vô thường, vô ngã, chứng lần lượt từ Nhị Quả đến quả A Na Hàm. Khi xuất gia thọ Cụ Túc Giới bèn chứng A La Hán Quả. Ngài trụ tại núi Ưu Lưu Mạn Trà ở nước Mathura thuyết pháp. Đồ chúng đông đến một vạn tám ngàn người. Ngài từng thuyết pháp cho vua nước Hoa Thị, chỉ bày các dấu tích cũ của Phật, dựng tháp cúng dường Phật và các đại đệ tử như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, A Nan v.v… Số tháp dựng nhiều đến tám vạn bốn ngàn cái. Theo các nhà nghiên cứu hiện thời, tôn giả Mục Liên Tử Đế Tu (Moggaliputta-tissa), thầy của vua A Dục, rất có thể chính là tôn giả Ưu Ba Cúc Đa, bởi lẽ danh hiệu Mục Liên Tử Đế Tu chính là ghép tên của ngài Mục Liên và họ của ngài Xá Lợi Phất. Theo truyện ký, ngài Ưu Ba Cúc Đa trí huệ như Xá Lợi Phất, thần thông như Mục Liên, nên rất có thể cổ nhân dùng danh xưng Mục Liên Tử Đế Tu để xưng dương tổ Ưu Ba Cúc Đa.