NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Lý Úy Nông
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời cư sĩ Lý Úy Nông

(thư thứ nhất)

Nhận được thư, khôn ngăn thở dài sườn sượt. Học thuyết lầm người [dữ dội] hơn nước lũ, mãnh thú! Các tiên sinh bên Lý Học đọc kinh Phật qua loa, lấy những nghĩa quan trọng [trong kinh Phật] để hoằng dương đạo Nho. Họ biết Phật pháp cao sâu, sợ tất cả những kẻ thông minh đời sau đều theo Phật pháp hết nên đặc biệt bịa chuyện vô căn cứ để ngăn trở, bảo: “Phật nói nhân quả, báo ứng, sanh tử, luân hồi chính là căn cứ để mê hoặc kẻ ngu. Nhà Nho chúng ta chỉ cần trọn nghĩa, trọn phận, thành ý, chánh tâm là được rồi! Nếu có làm gì để làm lành thì chính là tư dục, chính là cầu lợi, chính là ác, chẳng khác gì cái tâm lén lút trộm cắp của phường tiểu nhân”. Những lời lẽ ấy tợ hồ đúng nhưng [thật ra] là sai! Khổng Tử bảy mươi tuổi vẫn muốn trời cho sống thêm mấy năm nữa, muốn học Dịch để mong tránh khỏi lỗi lớn; bởi lẽ kinh Dịch dạy rõ đạo “tăng trưởng tốt lành, tiêu tan xui xẻo”, khiến cho con người hướng lành tránh dữ, hòng biết đường cư xử trong chỗ “không có điều tốt lành nào để hướng đến, không có điều xui xẻo nào trốn tránh được”. Ấy gọi là “làm sáng tỏ Minh Đức để đạt tới chỗ tận thiện”. Đấy là chuyện thuộc về thân phận thánh nhân, dẫu là bậc đại hiền vẫn còn chưa làm được. Do vậy, Tăng Tử sắp mất mới nói: “Dè dặt kinh sợ như vào vực sâu, bước trên băng mỏng, từ nay trở đi, ta biết tránh khỏi!” Chưa đến khi sắp mất, vẫn phải từ sáng đến tối gắng sức, chỉ sợ có điều chi thiếu sót!

Những gì bọn Lý Học đã nói chính là đem bản lãnh sâu thẳm của thánh nhân buộc hết thảy mọi người đều cùng [thực hiện] như thế, nhưng họ lại hoàn toàn vứt bỏ, chê bai không dùng đến pháp khiến cho người ta gắng sức mong mỏi đạt được những điều ấy ([pháp vừa nói ấy] chính là sự lý nhân quả, báo ứng, sanh tử, luân hồi). Vậy thì những lời lẽ ấy chỉ tạo lợi ích cho một hai người, nhưng gây họa hại “dẫu hết sạch trúc cũng không ghi chép được!” Do vậy, những người đọc sách đời sau trọn chẳng chú trọng học đạo của thánh hiền, chỉ học văn tự để giúp [tăng thêm] mưu mẹo, mánh lới. Từ đấy, những chuyện nghịch trời, hại lý, tổn người, lợi mình, giết dân, hại vật, trộm ngọc, cắp hương đều cốt sao đắc ý, cứ buông lung, chẳng kiêng nể chi! Xưa kia còn chưa đến mức quá đáng, gần đây do gió Âu dần dần thổi sang phương Đông, những chuyện phế kinh điển, phế luân thường, bỏ mặc lòng hiếu, không hổ thẹn, phạm thượng, làm loạn, họa nước, ương dân đều được những kẻ có thế lực lớn cực lực đề xướng. Xét đến gốc họa, quả thật do Lý Học đả phá bài xích nhân quả, báo ứng, sanh tử, luân hồi v.v… ngấm ngầm gây nên. Do một ngàn trăm năm qua con người chẳng chú trọng chuyện này (tức nhân quả v.v…), dẫu có một số ít biết cũng chỉ khăng khắng [vâng giữ] trong tâm, trọn chẳng dám công khai đề xướng chuyện này. Vì thế, đến khi gió Âu vừa thổi qua, liền như gió đùa cỏ rạp. Nếu như mọi người đều cùng hết sức sốt sắng nơi những chuyện nhân quả, báo ứng, sanh tử, luân hồi v.v… tuy gió Âu dữ dội vẫn giống như thổi vào người sắt, trọn chẳng thể lọt vào được!

Tiết Tĩnh Lan cũng là người thông minh, có túc căn, đã vướng vào nghiệp duyên trộm ngọc v.v… mà còn đắc ý, cho là thú phong lưu tao nhã; vừa nghe những lời nhân quả, báo ứng v.v… liền ôm lòng hối hận, tiếc nuối khôn cùng! Do vậy, biết rằng những tội lỗi ấy phân nửa do chính mình, phân nửa là do bọn Lý Học đả phá pháp “dè dặt, kinh sợ, tự phản tỉnh, suy xét” gây ra. May là ông ta vẫn còn biết tốt – xấu, sanh lòng hổ thẹn lớn lao, kiền thành trì niệm Phật hiệu, hồi hướng cho những người đã từng bị ông ta làm ô nhục, hòng tiêu trừ ác nghiệp, tăng trưởng thiện căn: Người còn sống sẽ nghiêm ngặt giữ đức hạnh làm vợ, người đã mất sẽ siêu sanh Tịnh Độ thì dâm nghiệp của mình lẫn người đều tiêu diệt, vun trồng Tịnh nghiệp sâu xa cho mình lẫn người.

Sáng sớm hôm nay, khi [ông Tiết] lên công khóa, ngồi niệm Phật, phảng phất thấy một người con gái lõa thể đứng trước mặt, tuổi chỉ mười ba, mười bốn, một lúc lâu sau mới biến mất, tâm trộm ngờ vực. Tảng sáng, cơm sáng được đưa đến cửa quan phòng [của Quang] có phong thư kèm theo, liền xé ra đọc, mới rõ nguyên do. Tôi nghĩ chắc là [cô gái ấy] vì chuyện đó mà chết, đặc biệt đến cầu [ông Tiết] siêu độ. Do vậy, chẳng ngại dài dòng nói tới tận gốc. Ông ta đã phát tâm quy y, nay đặt pháp danh cho ông ta là Đức Hinh. Đức (德) là Minh Đức, tức cội nguồn tâm địa. Hinh (馨) chính là nén giận, ngăn dục, đánh đổ ham muốn xằng bậy để khôi phục lễ nghĩa, ngõ hầu chân tâm sẵn có chẳng bị nhơ bẩn bởi những vọng niệm tham – sân – si v.v… xấu ác, thường được công đức Giới – Định – Huệ trừ khử cho sạch hết những vọng niệm. Công phu “làm sáng tỏ” đã đạt thì Minh Đức bèn phô bày trọn vẹn lớn lao, rạng ngời. Vẫn cần phải nỗ lực tu trì, đừng nên thoạt đầu siêng năng, cuối cùng lại lười nhác, thì sẽ do nhân duyên ác này mà phẫn phát đại chí, tự lợi, lợi người, sẽ thấy sống thì dự vào bậc hiền thánh, mất lên cõi nước Như Lai. Thành Phật hay đọa địa ngục đều do một niệm này!

Chuyện đạo viện sợ các ông chưa biết rõ nguyên do; bọn họ dạy người khác làm chuyện tốt và tụng kinh, niệm Phật thì cũng được. Còn như bảo Tam Giáo một nhà (Tam giáo một nhà, há lẽ nào không có tôn – ty, già – trẻ!) và đạo được bọn họ rốt ráo coi trọng đều là luyện đan, vận khí! Thật ra, họ mượn những chuyện tụng kinh niệm Phật để chiêu dụ lòng người. Pháp được họ chú trọng chính là đạo luyện đan vận khí. Đạo ấy lại hết sức bí mật, dẫu cha – con, vợ – chồng đều chẳng được nói ra. Lại còn nói: “Lục Tổ truyền pháp lộn xộn, đem pháp truyền cho người tại gia. Vì thế, hòa thượng đều không có chân pháp. Chân pháp đã về tay bọn ta”.

Danh mục ngoại đạo trong thế gian tuy có trăm ngàn vạn thứ, nhưng xét đến “chân đạo” được bọn họ coi trọng đều là đạo luyện đan vận khí! Luyện đan, vận khí cũng có chỗ tốt, nhưng cũng có chỗ xấu. Vận khí đúng cách thì thân thể nhẹ nhàng, mạnh mẽ, tăng thêm tuổi thọ; nói đến chuyện thành tiên thì may ra còn có thể, chứ nói liễu sanh tử thành Phật thì đúng là nói càn! Vận khí không đúng cách sẽ sanh ra ghẻ chốc, mụn nhọt, mù mắt, điếc tai, cũng thường thấy xảy ra. Hơn nữa, đạo luyện đan vận khí bất quá là nâng cao Thận thủy, giáng Tâm hỏa, nhưng bọn họ đặc biệt dùng những lời lẽ thần bí như là “Khảm – Ly giao cấu, anh nhi – xá nữ giao cấu”[1]. Do có những danh từ ấy, người chánh đáng cũng mượn những thứ đó để biểu thị pháp ấy, kẻ cuồng vọng khó khỏi vẽ rắn thêm chân. Khi truyền đạo bèn đóng chặt mật thất, phía ngoài cắt người tuần tra, một thầy một trò ngầm bảo ban nhau. Nếu như tâm [thầy] ôm tà niệm thì khi truyền đạo cho nữ nhân, bèn giảng “Khảm – Ly giao cấu, anh nhi – xá nữ giao cấu” chính là thực hành giao cấu! Thoạt đầu, [nữ nhân học đạo] chưa chắc đã là dâm nữ, nhưng do bọn chúng bày vẽ đủ cách để gợi dục, lại thêm tưởng lầm hành dâm với thầy là được truyền đạo! Đáng thương biết bao nữ nhân vô tri mắc phải nỗi ô nhục ấy, mà vẫn tưởng là [được truyền] đạo! Đúng là tội ác lớn đến cùng cực!

Năm Dân Quốc 11 (1922), kế mẫu của Hộ Quân Sứ[2] Hà Phong Lâm ở Thượng Hải tới núi xin quy y, Quang dạy quy y với bậc cao nhân, bà ta không chịu. Quang nói bà ta lập một nữ đạo viện, bên ngoài tuy mang danh là Tam Giáo một nhà, nhưng thật ra là chú trọng thiêu luyện[3]. Đã thế còn cầu cơ, [những điều ấy] đều chẳng hợp với tông chỉ Phật pháp. Bà ta nói: “Chẳng dùng đến công phu ấy mà cũng chẳng cầu cơ. Trước khi ra đi, con đã nói với người ta là lên núi xin quy y. Nếu [quy y] chẳng được, sẽ bị người ta chê cười. Phàm những gì thầy nói, con đều xin hành theo!” Tôi bèn đặt pháp danh cho bà ta. Trong thế gian, chỗ nào mà chẳng có người tốt, chỗ nào mà chẳng có kẻ xấu! Bất quá, những kẻ lập pháp thuở đầu ấy đã sớm lập được một pháp có thể làm chuyện tồi tệ dễ dàng, đến nỗi những kẻ xấu dựa vào đấy để tạo nghiệp, đáng đau, đáng thương quá!

Chuyện cầu cơ đều do linh quỷ nương theo tri thức của người phò cơ để nói, mà phần nhiều cũng do chính người hầu cơ tự đẩy cơ để viết ra [những bài cơ bút]. Không phải là hoàn toàn không có chân tiên, nhưng trong trăm ngàn lần mới ngẫu nhiên có một lần [chân tiên] giáng đàn; còn như nói là Phật, Bồ Tát [giáng đàn] thì toàn là giả mạo! Nhưng kẻ cầu cơ phần nhiều khuyên người làm lành, dẫu chẳng chân thật, nhưng do họ đã khoác cái danh làm lành nên so với những kẻ công khai làm ác còn tốt hơn một chút! Lại còn có thể chứng minh có những chuyện quỷ thần, họa – phước v.v… khiến cho người ta kiêng sợ. Vì vậy, chúng ta cũng chẳng tiện cố ý công kích, hiềm rằng họ nói ra những điều chẳng cần biết là có hợp với Phật pháp hay không (Người hơi biết Phật pháp cầu cơ thì cơ bút liền nói những điều thiển cận gần giống với Phật pháp, kẻ chẳng biết Phật pháp cầu cơ thì cơ bút toàn là nói nhăng nói càn). Rốt cuộc phần nhiều “tưởng mắt cá là minh châu”, hoại loạn Phật pháp, gây hại thật lớn (Người thật sự biết Phật pháp quyết chẳng phụ họa chuyện cầu cơ. Phật chế ra Tam Quy tức là đã răn nhắc phân minh tường tận, huống hồ những nghĩa lý sâu xa hơn ư?)

Vì thế, phàm là đệ tử Phật chân thật chớ nên tùy tiện tán đồng. Những điều vừa nói trên đây là để nói với hai người bọn ông, chớ nói ra công khai, sợ kẻ vô tri cho là tôi bịa chuyện để hủy báng người khác thì chẳng những vô ích mà còn có hại! Phật pháp không bí truyền, Phật dạy con người vạn hạnh đều tu, chẳng bỏ sót một mảy thiện nào, nhưng lại răn cấm luyện đan vận khí vì tông chỉ của nó trái nghịch Phật pháp. Phật dạy người ta trước hết phải thấy thấu suốt cái thân này, bọn họ lại dạy con người giữ gìn thân này, coi thân là thật có! Bọn họ vẫn cứ rêu rao đã thật sự lãnh hội được chánh pháp nhà Phật; do vậy biết bọn họ đều là lầm lạc, cuồng vọng!

(thư thứ hai)

Thư của Trí Thượng chắc đã giao tới nơi rồi! Lệnh tổ mẫu[4] túc nhân sâu dầy, nên vừa được khuyên liền hành ngay. Xét đến cảnh tượng lúc cụ lâm chung, thật đáng an ủi cho bọn ông. Nếu lời lẽ “đảnh đầu lạnh đi sau cùng” chẳng phải là bịa đặt, chắc chắn cụ được vãng sanh. Nhưng phận làm con cháu, hãy nên thường mang lòng dẫn dắt cho thần thức [người đã khuất] được an vui. Đừng nói “cha mẹ đã vãng sanh, bọn ta cần gì phải cầu siêu nữa!” Nên biết rằng hễ cha mẹ đã khuất rồi, các quyến thuộc đều phải nên chí thành niệm Phật để cầu [cha mẹ] chưa vãng sanh liền được vãng sanh, đã vãng sanh sẽ tăng cao phẩm vị. Điều này chẳng những hữu ích cho cha mẹ, mà quả thật còn hữu ích cho chính mình. Do chuyện [báo hiếu cho] cha mẹ ấy mà làm cho các quyến thuộc gieo đại thiện căn xuất thế, so với những kẻ chỉ biết tu trì cho chính mình thì công đức càng thù thắng hơn, bởi lẽ tâm hiếu thuận cha mẹ phù hợp với chánh nhân Tịnh nghiệp do đức Phật đã lập. Mong ông hãy nói rõ với mẹ, cô, vợ, con, anh em trai, chị em gái của ông ý nghĩa này thì cái chết của bà nội ông chính là hiện thân tiếp dẫn các quyến thuộc của ông vậy!

Người đời nay phần nhiều chuộng hư danh, chẳng trọng thật hành, thường cáo phó, bày vẽ cho hết sức đẹp đẽ, mong được người khác nhìn vào [xuýt xoa khen ngợi] coi đó là vinh dự, chứ chẳng chịu sốt sắng niệm Phật để cho cha mẹ thật sự được hưởng lợi ích “liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh” chân thật và quyến thuộc trong hiện tại ai nấy cũng đều gieo nhân vãng sanh khi lâm chung. Há chẳng phải là ham danh ghét thật đó ư? Xin ông hãy sửa đổi uốn nắn thói tệ trong đời gần đây thì may mắn lắm thay!

 (thư thứ ba)

Mạo Thiện Phủ đã có nhân duyên ấy, hãy nên khuyên ông ta sốt sắng niệm Phật cầu sanh Tây Phương, để mong được vĩnh viễn lìa khỏi các nỗi khổ, chỉ hưởng các sự vui. Nếu vẫn chẳng chịu phát tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì sẽ hèn kém hơn mọi người, Phật cũng chẳng thể cứu được! Dẫu đời này chẳng bị đọa vào địa ngục ngay, nhưng một hai ba bốn đời sau bị đọa địa ngục vẫn là chuyện quyết định chẳng thể trốn tránh được. Con người chỉ vì chưa thấy nỗi khổ này, lại chẳng tin lời Phật và những điều sách vở đã ghi chép xưa nay nên không thuận theo lời chỉ dẫn. Ông ta may mắn đích thân được thấy, thật sự biết “quả thật có chuyện ấy!” Nếu không có pháp để thoát khổ thì chẳng biết làm sao, nhưng nay đã có pháp Tịnh Độ mà vẫn chẳng chịu tu thì là cô phụ ân đức Phật – trời quá lắm!

(thư thứ tư)

Mạo Thiện Phủ bảy mươi mốt tuổi phát tâm quy y, cũng có thể nói là đã có thiện căn từ đời trước. Nếu đời trước ít vun bồi, thọ chưa đầy bảy mươi mốt tuổi đã qua đời, há chẳng trở thành sống uổng chết phí ư? Cả một đời sống uổng chết phí mà vẫn không có cơ duyên gặp gỡ pháp môn Tịnh Độ thì sẽ đời đời sống uổng chết phí! Nghĩ tới điều này, khôn ngăn mừng cho Thiện Phủ và sợ cho hết thảy mọi người! Mong hãy chuyển giao tất cả khai thị cho ông ta. Lại hãy nên tận lực khuyên [ông ta] sốt sắng niệm Phật để có thể vượt ngang ra khỏi thế giới Sa Bà, siêu sang thế giới Cực Lạc!

 (thư thứ năm)

Gần đây do giảo chánh, đối chiếu sách Lịch Sử Cảm Ứng Thống Kỷ hoàn toàn chẳng được rảnh rỗi; vì thế, dứt tuyệt hết thảy những chuyện giao tiếp với người khác. Hiện thời, bản in [sách Thống Kỷ] chữ to theo khổ chữ Tam Hiệu Tự đã được sắp chữ xong. Loại này sẽ được in trước hai vạn bộ, mỗi bộ gồm bốn cuốn, ba trăm năm mươi mấy trang. Lại cần phải sắp chữ cho ấn bản theo khổ chữ Tứ Hiệu Tự in bằng giấy báo để thanh niên học sinh cùng mua đọc được. Sách này trừ phi không đọc, chứ hễ ai đọc đến đều được lợi ích. Minh Châm có thể ăn chay niệm Phật, hãy nên dạy cô ta trọn hết chức phận người mẹ; chức phận người mẹ là như thế nào? Chính là khéo dạy dỗ con cái, đừng để cho con quen thói kiêu căng. Những đứa con cái không ra gì trong cõi đời đều là do mẹ chúng chẳng trọn hết chức phận làm mẹ mà ra! Nếu mẹ hiền thì:

1) Một là con được thừa hưởng tánh khí ấy;

2) Hai là con sẽ nhìn theo cách cư xử của mẹ.

Đấy chính là dùng thân để lập giáo vậy. Kế đó, dạy cho con biết đạo làm người như hiếu – đễ – trung – tín – lễ – nghĩa – liêm – sỉ. Lại cần phải thiết thực dạy con nhân quả, báo ứng. [Con] đến tuổi đi học, trước hết đem Cảm Ứng Thiên, Âm Chất Văn dạy con đọc thuộc; suốt cả đời mỗi ngày phải đọc dăm ba lượt. Lại giảng cho nó những nghĩa chánh yếu thì sẽ như vàng lỏng đổ vào cái khuôn đẹp đẽ, quyết không thể chẳng trở thành món đồ đẹp đẽ! Sự dạy dỗ của mẹ chính là căn bản để bình trị, nhưng người đời đều chẳng chú ý. Cho nên mới có hiện tượng chiến tranh ngày nay, đến nỗi vận nước nguy ngập, dân không lẽ sống. Quang chẳng cần phải thuyết pháp cho đứa bé, [chỉ cần] nói với vợ chồng ông cách dạy dỗ trẻ nhỏ thì trẻ nhỏ sẽ tự có thể bắt chước theo khuôn phép, ắt sẽ trở thành chánh khí.

Minh Châm pháp danh là Trí Phạm, nghĩa là dùng thân nêu gương mẫu cho con cái và làm khuôn mẫu cho nữ giới. Nếu khuôn chẳng ra khuôn, mẫu chẳng ra mẫu sẽ có hại chẳng thể nào kể xiết! Nếu có thể đoái tưởng ý nghĩa của cái tên Minh Châm và Trí Phạm thì may mắn chi hơn? Thọ Đức pháp danh là Tông Đức, Thọ Nghĩa pháp danh là Tông Nghĩa. Tông là chủ. Đã gieo trồng (thọ) lại còn chú trọng, giống như trồng cây đã vun quén rồi lại còn phải vun đắp sâu chắc, chẳng bị lay động thì căn cơ vững vàng, sẽ tự được thân cội ngay ngắn, cành lá xum xuê, quả hạt sai trĩu. Đợi đến khi sách Thống Kỷ được in ra sẽ gởi cho ông mấy gói, hoặc gởi sang chỗ ông Thôi Tông Tịnh, xin hãy chia ra đọc. Lại đem những gì tôi đã nói với Minh Châm để bảo cùng hết thảy nữ giới thì cũng là một đại sự nhân duyên để cứu nước cứu dân mà chẳng tỏ lộ dấu vết vậy!

(thư thứ sáu)

Chuyện trong gia đình chỉ có thể dùng tình cha – mẹ, anh – em mà phân giải, chớ nên lý luận “ta đúng, người khác sai!” Anh em bất hòa quá nửa là do cha mẹ yêu thương thiên vị gây nên. Do được yêu thương thiên vị nên chuyện gì cũng đều chiếm tiện nghi. Nếu người anh em bị thiệt thòi chịu nghĩ lùi một bước: “Ví như ta trót sanh trong nhà nghèo, cơm áo, chỗ ở đều không có, còn tranh giành với ai nữa ư? Hơn nữa, tiền bạc do cha mẹ lưu lại, để cho con cái của cha mẹ được hưởng, so với chuyện bị quân binh, thổ phỉ cướp mất sẽ tốt hơn nhiều lắm! Nếu quân binh, thổ phỉ đến cướp, có cách nào để ngăn chặn được hay chăng?”

Lệnh tổ phụ[5] tuy đã đi học, nhưng vẫn hoàn toàn chưa được nghe đến chuyện “tận tụy thực hiện đạo của thánh hiền”. Cụ vẫn coi [chuyện thua sút anh em] là điều nhục nhã, muốn báo thù nhưng chưa được, trông mong ông sẽ báo thù thay cho cụ. Nếu chỉ hơi nghĩ lại chuyện hiếu hữu với anh em thì sẽ thấy mười mấy năm kiện tụng đáng nhục, chứ chẳng thấy em mình được hưởng nhiều [của cải] hơn là điều đáng hổ thẹn! Đối với lý này, ông cũng chưa hiểu rõ. Nếu vẫn tiếc nuối vì chí hướng báo thù [của chính mình] còn bạc nhược thì cũng đáng than thở lắm đấy! Cần phải biết rằng: Cha – con, anh – em ông bất hòa quả thật là vì ông nội ông chẳng biết hòa thuận với anh em mà cảm thành quả báo ấy! Ông đã sùng phụng Phật pháp, hãy nên nhìn từ luân lý căn bản, hãy niệm Phật cho ba vị anh em của ông nội ông để tiêu trừ cái nghiệp anh em kình chống nhau của họ, để họ cùng được dự vào Liên Trì Hải Hội, cùng chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn. Đấy thật sự là ông đã báo đáp tổ phụ lớn nhất. Còn đối với cha ông, chỉ nên sám hối cho cụ, mong cụ tiêu trừ nghiệp chướng, tăng trưởng thiện căn, sẽ có sự xoay chuyển ngấm ngầm. Dẫu không xoay chuyển được thì cũng đã tận hết lòng ta rồi!

Đạo yêu thương con chẳng phải là ở chỗ nuông chiều con cháu. Nuông chiều đâu phải là yêu thương [con cháu], mà là làm hại chúng đấy! Tuy do mẹ ông nuông chiều Như Phương, nhưng cũng là vì ông trọn chẳng giảng giải [cho Như Phương hiểu] điều gì nên làm, điều gì không nên làm. Vì thế, cô ta một mực cậy thế ương ngạnh, hung tợn, chẳng chịu bị bó buộc. Mai sau đi lấy chồng, làm sao trọn hết đạo làm vợ cho được? Ông đã muốn cho cô ta gieo thiện căn hòng tiêu thói ác, nay tôi đặt pháp danh cho cô ta là Huệ Hiền. Huệ Hiền tức là như trong cõi tục khen ngợi “nữ nhân hiền hậu, có trí huệ” vậy. Hiền thì hiếu hữu, cung kính, tận tụy. Huệ thì siêng năng, tiết kiệm[6], mềm mỏng, hòa thuận. Có đủ những đức ấy, người sẽ kính, thần sẽ che chở. Lúc sống có thanh danh, khi mất sẽ sanh trong đường lành, cũng rất phù hợp với ý nghĩa cái tên Như Phương của cô ta. Lại còn làm cho con trai, con gái, con dâu v.v… sau này nối tiếp khuôn mẫu tốt đẹp, trở thành bậc mẫu nghi chốn khuê các, khiến cho dấu thơm ấy được truyền mãi tới đời hậu duệ.

Cô ta tuy ương ngạnh, hung tợn, nhưng nói chung vẫn muốn được người ta khen ngợi. Đã có cái tâm muốn được người khác khen ngợi thì chẳng ngại gì nhằm lúc cô ta [cư xử] không đúng pháp sẽ chỉ điểm vạch trần đôi chút. Nếu cô ta có túc căn, chắc sẽ có dịp chuyển biến. Lại còn phải cầu khẩn Quán Thế Âm Bồ Tát, như [phẩm Phổ Môn] đã dạy: “Nếu có chúng sanh nhiều tham – sân – si, thường niệm cung kính Quán Thế Âm Bồ Tát liền lìa được tham – sân – si”. Lại nữa, hễ có ai mắc bệnh nặng đều nên khuyên họ niệm Phật, kiêng giết, ăn chay. Điều này có quan hệ rất lớn với y đạo, nếu chịu làm lợi cho người khác thì so ra [chính mình] càng dễ được lợi ích hơn người khác.

(thư thứ bảy)

Đọc thư biết Trí Phạm sanh con trong tháng Năm, bị bệnh nặng; về sau do niệm thánh hiệu Quán Âm mà được lành. Lại còn sanh nở dễ dàng, đứa con tướng mạo đoan chánh. Thật có thể nói Bồ Tát là “bậc cha mẹ đại từ bi”. Một người Hồi Hồi ở Hồ Nam (người theo đạo Hồi Hồi quy y chỉ có một gia đình này mà thôi) tên là Mã Thuấn Khanh và vợ cùng con cái năm sáu người đã quy y trước đây. Giữa Thu năm ngoái gởi thư đến, nói bà vợ sanh hai đứa con đầu còn khỏe, chứ về sau mỗi lần sanh con đều bị băng huyết đáng sợ lắm. Nay không lâu nữa sẽ sanh, hỏi có biện pháp nào không? Quang dạy vợ chồng họ cùng niệm thánh hiệu Quán Âm. Thư gởi đến, ngày hôm sau bà ta liền sanh, trọn chẳng bị những chuyện khó sanh, băng huyết! Về sau, [ông ta] gởi thư đến cảm tạ, nói rõ nguyên do.

Cần biết rằng: Muốn cho con cái hiền thiện, nếu không tích lũy công đức, lợi người, lợi vật, sẽ chẳng thể được! Đừng nói “tôi không có tiền của, chẳng thể tích đức lợi người!” Cần biết rằng: Giữ tấm lòng tốt, nói lời lành, làm chuyện tốt, gặp cha nói từ, gặp con nói hiếu, gặp anh nói nhường, gặp em nói kính. Phàm gặp hết thảy mọi người đều khuyên họ trọn hết bổn phận của chính mình; lại còn nói với họ thiện – ác, nhân quả, sanh tử, luân hồi, khiến cho lòng họ kiêng sợ, nhất định sửa lỗi hướng lành hòng trở thành người lương thiện. Lại còn nói với họ về lợi ích của Phật pháp, khiến cho họ tín phụng tu trì. Phàm gặp ai bệnh nặng đều bảo họ niệm Phật và niệm Quán Âm. Phàm gặp phụ nữ, đều dạy họ niệm sẵn, để chẳng đến nỗi vì sanh nở mà phải chịu khổ hay mất mạng. Dạy hết thảy những người ấy đừng tạo sát nghiệp, giữ lòng từ thiện, lợi người lợi vật chính là lợi mình, hại người hại vật còn quá hơn hại mình. Những điều như thế há cần phải có tiền tài mới làm được ư? Nếu gia đình dư dả thì cũng nên đem tiền tài làm công đức.

Thêm nữa, ông nên bảo Trí Phạm: Con cái hiền thiện quá nửa là do mẹ un đúc, nuôi nấng, dạy dỗ. Người mẹ vừa nói ấy chính là khuôn mẫu cho con cái. Nếu chỉ biết nuông chiều [con cháu], mặc kệ cho nó quen thói, dẫu đứa có thiên tư tốt đẹp cũng đều học theo thói xấu, huống là những đứa vốn chẳng tốt ư? Đấy là trách nhiệm của nữ nhân, so với nam giới càng đặc biệt sâu nặng hơn! Ông may mắn có ba trai một gái, sẽ vì tổ tông rạng danh gia đình do khéo dạy dỗ con cái, vì con cái tích lũy công đức để cầu Phật – trời che chở, nghĩ nhớ. Nay đặt pháp danh cho đứa con thứ ba của ông là Tông Đạo. Đạo (道) là cội nguồn của lẽ trời, tình người, là chuẩn mực của hết thảy mọi pháp. Nếu có thể lấy việc đề cao đạo làm điều chánh yếu thì nhỏ là nhất cử nhất động, lớn là “sáng tỏ Minh Đức, đạt đến chí thiện” đều có thể do đây mà đạt được!

Con tuy còn bé nhưng đặt tên như vậy để mong cho nó lớn lên sẽ nhìn vào cái tên, nghĩ đến ý nghĩa, ắt sẽ mong Danh phù hợp với Thật mới thôi. Đời đã loạn đến cùng cực rồi! Chẳng dốc sức nơi giáo dục trong gia đình sẽ khác nào dựng lầu gác trên hư không, nhất định chẳng thể đạt được hiệu quả. Muốn cho con cái của chính mình tốt đẹp thì phải sốt sắng dạy dỗ con trai, con gái đang độ tuổi thơ ngây, dạy cho chúng nó biết có “đạo làm người” của thánh nhân và “thiện – ác, nhân – quả quyết định chẳng sai”, mở tung những ngăn chặn [khiến cho đường đời của chúng] trở thành con đường bằng phẳng. Mong ông hãy đem những ý này nói với Trí Phạm, lại cũng nên nói với hết thảy mọi người. Đấy gọi là “nhất ngôn hưng bang” (một lời khiến cho đất nước hưng thịnh) vậy!

***

[1] Đối với bọn Đạo Sĩ theo phái Nội Đan, Xá Nữ là thuật ngữ chỉ Tâm Hỏa, Anh Nhi là Thận Thủy; còn đối với bọn theo trường phái Ngoại Đan (luyện kim đan để uống cho mau thành Tiên) thì Xá Nữ là Châu Sa, còn Anh Nhi là Thủy Ngân. Họ nói một cách huyền bí “Anh Nhi Xá Nữ giao cấu” chứ thật ra chỉ là phản ứng hóa học giữa châu sa và thủy ngân (theo Ngoại Đan); hoặc vận khí để Tâm Hỏa được điều tiết bởi Thận Thủy, không để hỏa vượng bốc lên khi họ luyện khí công. Quẻ Khảm thuộc Thủy, quẻ Ly thuộc Hỏa (theo Dịch Học) nên bọn chúng cũng vận dụng những danh từ này để nói cho có vẻ thật huyền bí, cao siêu!

[2] Hộ Quân Sứ là chức vụ chỉ huy quân sự cao cấp nhất của một khu vực do chánh quyền quân phiệt Bắc Dương đặt ra dưới thời Đoàn Kỳ Thụy chiếm lãnh Bắc Kinh, cai quản miền Bắc Trung Hoa. Hà Phong Lâm là Hộ Quân Sứ Thượng Hải thời ấy.

[3] Tức là luyện ngoại đan lẫn nội đan. Ngoại đan là nấu những dược liệu với kim loại quý để làm kim đan ngõ hầu uống vào mau được thành tiên. Do phải đun nấu nên gọi là “thiêu”, còn vận khí, tĩnh tọa để vận hành những vòng khí Châu Thiên trong cơ thể cũng gọi là “luyện đan”, nhưng là “luyện nội đan”.

[4] Tiếng gọi tỏ vẻ tôn trọng bà nội của người khác.

[5] Tiếng gọi tỏ vẻ tôn trọng ông nội của người khác.

[6] Nguyên văn ghi là “khuyến kiệm” (勸儉) nhưng theo mạch văn, Tổ đang nói về những đức tánh thường có của một nữ nhân hiền thục, chắc chắn chữ Khuyến (勸: khuyên nhủ) ở đây là chữ Cần (勤: siêng năng) bị in sai.