KỂ CHO NHAU NGHE
Hồi ký Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Hồi ấy…

Vào năm 1975, thức ăn khan hiếm, đến phiên tôi nấu ăn, cô tri khố sắp toàn những món đặc biệt, nếu không là chuối cây trộn thì cũng là thân cây đu đủ kho. Chj Hạnh Thanh đã trồng rất nhiều chuối, nhất là chuối Mật. Chuối Mật trái ngọt lịm, tuy thịt bở, nhưng thân dùng trộn gỏi rất ngon. Cứ ba tháng là nó sinh thêm hai cây con nên không sợ khan hiếm, tha hồ mà làm gỏi. Còn cây đu đủ thì tôi phải lựa những cây già đã hái hết trái. Sau đó dùng rựa đốn ngã nó rồi róc hết mớ vỏ cứng bao ngoài, lấy lõi non bên trong xắt khúc ngắn, đem kho. Một lõi cây đu đủ có thể kho cho mấy chục người dùng. Thỉnh thoảng chùa cũng được người cho bao bành mì khô. Vậy là có thêm món bánh mi kho. Bành mì kho được xem như là món ngon. Hồi đó tôi rất rành chế biến món này, nhưng giờ nhắc lại tôi đã quên hết, không còn biết phải nấu sao với những khúc bánh mì vừa khô vừa cứng.

Đến năm 1978, lâu lâu thỉnh nguyện hết nghe cảnh báo xà bông khan hiếm thì lại được nhắc phải dè sẻn kem đánh răng. Làm sao để dè sẻn? Sau một hồi hội ý bàn bạc, giải pháp được đề ra, mỗi ngày toàn chúng chì được phép súc miệng với kem một lần vào buổi sáng. Quá 6 giờ, kem se được tri khố lấy cất, chỉ còn lại những hũ muối dùng cho các suất đánh răng trong ngày.

Thế là những vị bệnh, sốt… được quyền nằm “nướng”, thức dậy muộn. Nhưng đang lúc mơ màng thì đa số bệnh nhân bỗng giật mình tỉnh rót khi nhớ tới chuyện nếu thức trễ sẽ không có kem đánh răng mà xài, thế là các đương sự liền tốc mền, đi một mạch ra lu nước, cầm bàn chải lên trét kem vào để đó, rồi… vào trùm mền “dưỡng sức” tiếp. Hành động này thường xuyên diễn ra nơi các bệnh nhân, điều đặc biệt là khi trét kem vào bàn chải cát để dành, họ thường nhìn nhau cười lỏn lẻn vì thấm thía cảnh “chí lớn gặp nhau”, ta và người đồng có chung một cử chỉ dự phòng…

Khi cái nhà khách đầu tiên được cất lên, vách đất đơn sơ, chia làm hai ngăn: Ngăn trước để giường Trí khách và bộ bàn ghế nhỏ. Ngăn sau kê bốn cái đơn cho khách. Do cửa phía sau luôn mở, cửa trước thường xuyên đóng, khách ít đến nên các bệnh nhân thường khóai ôm mền gối ra “đóng đô” trên giường Tri khách ở ngăn trước, vừa kín đáo vừa vắng người. Bao giờ hồi sức thì về lại Tăng đường.

Khi đó, thầy Trụ trì Thường Chiếu đang đảm trách việc cố vấn giúp Viên Chiếu xây cất thêm các ngôi kiến trúc khác nên thường vào theo dõi tình hình.

Một sáng nọ, tôi đang gánh nước tưới cây, vừa đi ngang qua nhà khách thì chị Tánh kêu tôi lại, kể:

Hồi nãy thầy Trụ trì Thường Chiếu vào kiểm tra, thấy cái giường tri khách gối chăn bừa bãi, lộn xộn, đã cau mày, nghiêm giọng hỏi:

-Ai? Ai đây? – Mình thưa: Dạ, dạ… Cô Trụ trì con! – Thầy làm thinh, đi một nước!

– Không có cô Trụ trì ở đó hả?

– Cô vừa mới đi ra nhà sau…

– Sao chị không nói cô bị bệnh, đang nằm nghĩ ở đó?…

– Mắc cười quá, chưa kịp nói gì thì thầy đã đi rồi!

Tôi đành ngó chị cười. Lúc đó là khoảng 8g30 sáng, mà ở chùa 3 giờ khuya là đã thức chúng, chăn mền đều được xếp lại gọn gàng. Hiện tượng gối mền còn xổ tung vào lúc sáng bét như thế này thì bị quở là phải. Song, nào ai biết Viên Chiếu lúc ấy dịch sốt rét luôn hoành hành, “anh hùng ngã đài” là chuyện thường, chúng tôi cứ “luân phiên” bệnh do muỗi độc không ngừng tấn công. Chỉ tội cho những người mạnh khỏe, phải nai lưng làm công tác gấp đôi gấp ba, ráng thanh toán cho xong mớ công việc người bệnh bỏ dở.

Cảnh quần áo lúc nào cũng vá chùm vá đụp, mặt luôn bê bết bùn, ngay cả lúc nghỉ trưa, là diện mạo thường xuyên của dân Viên Chiếu. Bởi vậy mà khi thấy chị Thủy và cô Đức cùng mặc áo tươm tất, hối thúc nhau qua nhà người cho đúng giờ, thì chỉ còn nước đoán họ đi… dự tiệc! Dù chuyện này rất hiếm hoi, nhưng không phải là không xảy ra, vì thỉnh thoảng Ban chức sự cũng được Phật tử hay thân hữu lân cận ưu ái thỉnh mời.

Lần ấy, vừa xả công tác thi chị Thủy và cô Đức lại mặc áo mới, dẫn nhau đi gần một giờ trưa mới về. Vào đến chùa, động tác đầu tiên của hai cô là: cùng dở lồng bàn tìm thức ăn. Trị nhật1 ngọt ngào thưa:

– Em thấy hai cô mặc đồ tốt, dẫn nhau đi, tưởng là đi dự tiệc, nên không có chừa phần!

Hai cô thở ra áo não:

– Bà hàng xóm kế bên mời tổ trưởng qua xử chuyện gia đình, vì họ hục hặc bất hòa, nên khóc kể rất lâu, tụi chị phải giải hòa, dàn xếp mất mấy tiếng mới xong. Tiệc tùng gì đâu? ừ, ăn tiệc phiền não, không no bụng mà đói quá trời!