TĂNG BẢO
Hồi ký Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Cho con kể, gọi Thầy bằng… tên thật
Vì chức danh hay thay đổi về sau
Khiến người xem khó biết nhân vật nào?…
Dù tất cả thảy đều là Tăng bảo!
Xin hãy đọc bằng tấm lòng khoan thứ…
Bởi nhân gian luôn biến đổi vô thường
Nay còn đây nhưng mai sẽ… tay buông
Ai biết được bao giờ… mình… ngưng thở?
Xin ghi lại chút nỗi niềm… trân quý!
Cõi phù sinh dù “biển hóa nương dâu”
Vẫn còn đây giáo pháp Phật… nhiệm mầu
Và Tăng bảo dẫn đường cho hậu thế…

Thấm thoắt mà đã 40 năm. Dòng thời gian trôi nhấp nháy. Nhớ hồi nào tôi 15-16 tuổi, lúc đó Viên Chiếu vừa thành lập xong, nghe Hạnh Pháp rủ rê tôi đã hăm hở đạp xe ra thăm Thường Chiếu để coi cho biết cảnh quý thầy.

Chỗ quý thầy dù dựng xây trước, tuy có đỡ hơn, nhưng cũng chỉ là ngôi tự viện nhỏ xíu lợp mái lá vách đất, song rất sạch sẽ tươm tất.

Tôi dựng xe dưới cây tràm trước sân chùa cùng Hạnh Pháp vô thăm nhà bếp Thường Chiếu. Hôm ấy thầy Thiện Thanh và Giác Thanh trị nhật, đồng mỉm cười hiền hòa trước cái xá chào của chúng tôi. Nồi nước to đùng màu xanh còn bốc khói mỏng manh trên bếp. Hạnh Pháp múc cho tôi một ly uống giải khát. Tôi vừa nhắp vào, vội nhăn mặt:

– Nước có mùi gì lạ hoắc, khó uống quá trời!

Hạnh Pháp bảo tôi:

– Nước Hà Thù ô đó, mới uống thấy vậy chứ dùng riết là quen hà!

Tôi và Hạnh Pháp rảo khắp Thường Chiếu tò mò nhìn ngắm mọi nơi cho mãn nhãn, ăn mấy trái quả… quý thầy cho rồi đạp xe ra về.

Hồi đó viện nào cũng nghèo giống nhau, nhưng điểm đặc biệt là trú xứ quý thầy “muôn thuở” sạch sẽ trang nghiêm, điều mà chỗ tôi không bì được (phải xấu hổ nhìn nhận điều này) hồi đó Viên Chiếu luôn lôi thôi, lượm thượm – quý cô thường ca cầm bảo nhau nên ra Thường Chiếu mà xem và học hỏi tính sạch sẽ ngăn nắp của quý thầy. Ở môi trường đời người ta thường nói phái nữ vén khéo tươm tất… nhưng vào đạo rồi hình như cành đổi trái ngược, hay đây là nét riêng của dân Viên Chiếu thời khai hoang? Nhưng quý thầy cũng ở vào thời khai hoang vậy? Ngay chính mặt mũi tôi lúc nào cũng bê bết bùn, người đã thế thì nói gì đến cảnh chung quanh?

Sau khi lên núi xuất gia rồi, lần đầu tiên đọc thanh quy của sư phụ đến dòng chữ: “Tăng sĩ không được hút thuốc uống bia”… tự dưng tôi ngưỡng mộ và cảm phục tràn trề. Từ giây phút đó tôi có thiện cảm nhiều với chư Tăng ở đây. Nhất là mỗi khi đề cập đến vấn đề này, sư phụ thường nghiêm mặt nói:

– “Đi tu là cầu giải thoát sinh tử, mà thuốc hút không bỏ nổi thì cầu giải thoát cái gì? Nên ai muốn tu học với thầy thì dứt khoát là không có mấy điều này!”…

Tôi nghe má hãnh diện thầm: Sư phụ tuyệt quá, thanh quy ngài đặt ra thật… hoan hô!

Viết đến đây tôi mơ màng nghĩ: “Nếu Phật ở vào thời này chắc chắn Ngài cũng không hề phì phèo điếu thuốc trên tay hay nhắp chút rượu bia hoặc dùng bất cứ món xa xì không cần thiết nào. Ngài vẫn bảo lưu cung cách: “Tuy sở hữu mọi thứ nhưng không màng tới và sẵn sàng từ bỏ tất cả”;

Sư phụ tôi vốn mang gien di truyền của dòng họ Thích, nên đã cương quyết đào tạo Tăng bảo bằng thân giáo (vi thời không có Phật, chư Tăng, Ni là đại diện cho hình bóng Ngài, phải nối gót đấng Từ phụ mà truyền dương giáo pháp, hóa độ chúng sinh. Do vậy mà nhân cách tác phong “người đại diện” nhất định phải mẫu mực, không thể khinh suất cẩu thả).

Tôi nhớ hồi mới giải phóng, đường vào Viên Chiếu dù đã phát quang, nhưng gò nổng gập gềnh, xe đạp vào được là may lắm rồi. Sư phụ phải nhọc nhằn hướng dẫn chúng tôi cách khai hoang, cấy gặt, trồng tỉa … Mỗi tháng ngài vào thăm chúng tôi một lần, rồi còn phải tập chạy xe đạp để tự cưỡi, tránh khỏi làm nhọc người chở. Mà hồi đó gió ở vùng này lồng lộng, chở nhau mà gặp gió ngược, biết người trước đạp lè lưỡi thì người sau cũng nóng ruột thót tim, như vậy… thà lội bộ đỡ khổ tâm hơn.

Ân sư trông coi hai thiền viện, nếm đủ vất vả gian lao. Chúng tôi vô tư chẳng biết lo tính gì, mọi chuyện đã có sư phụ lo giùm, đã có chư sư huynh để mắt hỗ trợ, nên cứ vô tư mà sống, mặc tháng ngày qua.

Khi sư phụ vào giảng kinh, ngài ngự trên bộ ván ở giữa, chúng tôi ngồi trên các đơn xung quanh lắng nghe. Tiểu Bi (là con mèo mướp lông vằn xám được chị Phượng chở bằng xe đạp ra Viên Chiếu chơi, nó đột ngột xuất hiện), đưa mắt nhìn chung quanh để lựa chọn chỗ nghỉ và nhảy lên nằm khoanh tròn trên đôi chân đang xếp bằng của sư phụ… thoải mái làm một giấc đến tan giảng. Chỉ khi chúng tôi niệm Phật hồi hướng, con mèo mới thức, đứng dậy vươn vai. Lúc này sư phụ hiền hòa bảo nó:

– Chà! Ngủ ngon quá hả?

Còn tôi thì đoán là chắc con mèo bị từ tâm sư phụ thu hút, nên giữa biết bao người nó lại chọn an giấc trên chân ngài.

Khi sư phụ cho các đồ đệ hạ sơn, Tăng về Thường Chiếu, Ni về Viên Chiếu để đối mặt với cuộc “đại lao tác”. Tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi là những thời pháp hằng tháng của ngài, là những chuyến viếng thăm động viên hướng dẫn.

Từ trên núi (trước khi chư Tăng trẻ Thiền viện Chân Không về trú đóng ở Thường Chiếu, chấm dứt nếp sống thanh nhàn chuyên học chuyên tu và phải lao tác quần quật 8-10 tiếng một ngày) dù chúng tôi cũng không khác gì hơn, song đang tuổi con nít tôi không nhịn được, vì nghĩ chư Tăng phúc báo nhiều, cảnh sống luôn “cao sang” hơn chúng tôi, giờ phải cởi áo “vương giả” mà khoác “y rừng” thì phái diễn tả cảnh họ (hay của mình) bằng mấy câu hát này thôi:

“Ngày xưa Chân Không sống yên vui, bể xanh ven núi đồi, thắng ngày êm trôi. Khách qua nơi đây, mấy kẻ hay cuộc đời đoàn Tăng sĩ phất phơ tà áo vàng!

Ngày tháng trôi qua như thoi đưa, thiền sinh ta sống đời an vui như thiên vương, sung sướng vô tư, những ngỡ là Chân Không không biết buồn – Chân Không chưa biết buồn!…

Bỗng đâu ai hay? Giây phút đổi thay, chư Tăng xa núi đồi, sống đời gian lao! Tiếc cho Chân Không thời hoàng kim chợt mất, dở dang nụ cười”…

Bắt đầu khẩn hoang canh tác, ai cũng xơ xác giống nhau, Thường Chiếu dù có ổn định trước thì vẫn phải gánh chịu những quấy rầy liên tục của các sư muội. Lần đầu tiên chúng tôi trồng đậu phọng, không rành chăm sóc nên ai cũng lóng ngóng, quý thầy Thường Chiếu hóm hỉnh bày:

– Quý cô về… mang giày đinh vô, leo lên cây đậu đạp cho cành nhánh ngã rạp xuống hết, cây nó mới ra hoa nhiều, kết trái to và sung.

Chúng tôi lao xao hỏi nhau: “Không biết mấy ổng chỉ thiệt hay giỡn?”…

Dạo mới xuống rừng, cái gì cũng ngố, ai bảo sao hay vậy, nói gì cũng tin.

Vào năm 1975, Thường Chiếu là sư huynh, chỉ mới có một thiền viện sư muội là Viên Chiếu, nhưng cũng đủ cho Thường Chiếu khốn khổ… Bởi vì Viên Chiếu hết nhờ vả, xin xỏ… thì lại mượn đồ. Dù Thường Chiếu ở cách xa 5-6 cây số, vẫn bị Viên Chiếu thường xuyên ra “níu áo” làm lụy (Luật Phật chế Ni phải chọn chỗ ở gần Tăng xem bộ có lý quá chừng). Viên Chiếu cứ cách vài bữa lại lội bộ ra Thường Chiếu, góp phần làm gia tài Thường Chiếu… thất thóat hư, hao. Thuở đó thầy Minh Châu làm bảo trì, thầy có gương mặt rất nghiêm (hay là thầy dọn gương mặt nghiêm để hù Viên Chiếu cũng chả biết chừng), đành rằng nhờ vậy mà dân Viên Chiếu khi hỏi mượn gì cũng phải kiêng nể, e dè đôi ba phần. Nhưng… dù Viên Chiếu có ngại ngần, có hạn chế mượn đồ đến đâu (dù mỗi lần mượn đồ thầy Bảo trì đều ghi sổ đàng hoàng và luôn đưa với gương mặt cực kỳ hình sự), nhưng mấy cái chét làm cỏ ngộ nghĩnh của Thường Chiếu, không biết tự lúc nào đã thành của riêng Viên Chiếu.

Còn cái cưa, quý thầy dũa bén ngót; Viên Chiếu mượn về xài cho lụt rồi trả, mà hễ quý thầy vừa dũa bén xong thì Viên Chiếu lại… ló mặt ra mượn tiếp để về cưa củi… Cứ mượn tới trả lui, diễn hoài màn này, Thường Chiếu chịu hết thấu, đành “bá thí” luôn! Viên Chiếu mượn búa thì làm sút cán, mượn rựa thì rựa gãy ngang, mượn dao thì làm mẻ mép, mượn phảng thì hại phảng cong queo…

Quý thầy khi nhận đồ hoàn “khổ chủ”, thường thở dài bảo nhau:

– Dân Viên Chiếu tay yếu chân mềm mà sao xài món nào của mình cũng làm hư hết, hình như sắt thép cũng phải… méo dưới tay mấy cổ?

– Mấy cổ có biết thế chặt, phảng gì đâu, cứ nhắm mắt “bừa” đại thì “của” nào mà chịu cho nổi?…

Thường Chiếu hết phụ lao tác cứu khổ thì phải chia sẻ thức ăn. Lòng từ của quý thầy dành cho chúng tôi không dừng lại ở thức ăn mà còn rộng đến mọi thứ, nhưng đồ vật của quý thầy cho, nó cũng phiêu du đúng theo tính cách chùa thì phải chuyền (chùa chiền mà).

Có lần tôi và Hạnh Pháp ra thăm Thường Chiếu, thầy Trụ trì Nhật Quang cầm cái nón len vàng (kiểu phi công rất đẹp) cho Hạnh Pháp, nhưng chắc Hạnh Pháp sợ sư huynh mình hi sinh sẽ lạnh đầu nên cương quyết không nhận, thầy bèn chuyển cái nón cho tôi. Trong tình cảnh đó tôi nào dám chộp đại? Thế là cuối cùng cái nón rơi vào tay chị Thủy. Chị Thủy khóai lắm. (Hồi đó rừng sâu cây cối nhiều nên sáng, tối… tiết trời đều lạnh buốt) Chị Thủy thường trùm cái mũ len đó trên đầu, rồi một hôm hứng chí, chị tháo bung hết ra, móc lại thành cái khăn dài rộng, có thể trùm đầu hay quấn cổ gì cũng tiện lợi và đẹp.

Thấy tôi rên rỉ: “Mặc đồ vá chùm vá đụp khi lội ruộng bị thấm bùn sình thực nặng nề và bất tiện”… thế là chị Thủy ngoắc tôi lại, chìa ra bộ đồ bằng vải xoa nilon vàng chóe. Tất nhiên y phục “vàng nguyên bộ” là đặc quyền của Sư phụ vá chư Sư huynh, nhưng vào thời buổi khai hoang rừng rú đó, quanh chúng tôi chỉ có khỉ dòm, nên dù có mặc đại để lao tác cũng chả sao, nhất là đối với thời “gạo châu vải quý” thì bộ đồ vàng nilon này có thể thành là… “của báu”, vì nó gọn nhẹ, mặc ấm, giặt mau khô. Tôi mừng lắm, hỏi liền:

– Ở đâu chị có vậy?

Chị Thủy thủng thỉnh nói:

– Để ta giải thích cho mà nghe, bộ này là của ông Định Huệ tập may, nghe nói ổng may rất khéo (khéo tới hai ống quần đạp dính thành một). Sau khi tay nghề đạt rồi, kết quả ra được bộ đồ xoa mới này! Nhưng hiện thời ổng … “chê” không dùng và phát tâm bố thí gởi vô đây, ai thích thì mặc!

Tôi mặc liền, rất khoái vì nó nhẹ nhàng. Chị Hạnh Giác bình:

– Nè cô, em nói thiệt nha, cô mà soi gương thì cô không dám mặc nó đâu!

Nghe chị nói tôi chỉ cười. Ngu gì soi gương? (Mà hồi đó Viên Chiếu đâu có gương soi, có cái kiếng nơi cái tủ ăn cũng soi chẳng rõ hết khuôn mặt) cho nên có một lần đi đâu đó được dịp soi gương nhìn rõ toàn bộ nhan sắc “nghiêng… hồn” của mình, chị Thủy đã thảng thốt xuất khẩu thành thơ:

Ba năm không… soi kính
Giờ nhìn bỗng… thất kinh
Cũng mày ngang mũi dọc,
Tưởng đâu… bà nội mình!

Cho nên mặc chị Hạnh Giác cảnh báo, tôi phớt tỉnh. Tôi không muốn kiếm gương soi làm chi. Cái tôi cần là có đồ mặc để công tác, mà bộ y phục này cực kỳ tiện lợi cho việc… nhúng sình.

Dù bị chị Giác chê nhưng nó rất được nhiều người chuộng, bằng chứng là trước lúc đi ẩn tu; để bày tỏ “nghĩa tình thắm thiết” tôi đã trân trọng chuyển giao bộ đồ xoa vàng cho chị Huệ Phước mượn, “mượn” chứ không phải cho luôn, vì tôi định khi nào ra thất lao tác thì sẽ đòi lại…

Nhưng chị Phước mặc không bao lâu thì đã vĩnh biệt trần gian. Thế là bộ đồ rơi vào tay Như Quang. Chị Như Quang bèn làm cuộc phẫu thuật, sửa quần thành áo, rồi sau đó tôi không biết số phận nó thế nào nữa.

Tuổi 16-17 ngu đầy đầu và kiêu khí đầy mình. Tôi luôn dỏng tai học khôn thêm từ kinh nghiệm quý cô quý chị thủ thỉ truyền lại, rồi bắt chước thực hành tạo “rào vô nhiễm” bằng cách mỗi lần đi ngang qua người khác phái tôi cứ… vác mặt lên, cứ “mục hạ vô nhân” để tầm nhìn của mình không trúng ai, phòng ngừa mọi vướng víu. Trước quý thầy tôi chắp tay khiêm cung nhưng thầm ôn mãi lời các chị bảo ban: “phòng bệnh hơn trị bệnh!” và tôi cũng từng nổi tức thầm khi mình xá chào mà bị quý thầy làm lơ không ngó tới. Tôi suy luận: “Đúng lễ, phận nhỏ thì tôi phải chào, mà chào bị ngó lơ tức là thầy không muốn mình chào, vậy thì… sau này hễ gặp quý thầy mình sẽ không dòm, không dòm là không thấy, không thấy nên không chào!”… Thế là tôi thực hiện liền.

Một tuần sau chị Phượng kéo tôi ra chỗ vắng bảo:

– Có thầy mắng vốn chị là tại sao em gặp thầy mà… không chào?

– Em đâu có nhìn thấy thầy? Với lại mấy lần trước em chào mà ổng ngó lơ, nên em nghĩ quý thầy không thích chào, vậy… thà tránh trước cho quý thầy đỡ cực (khỏi phải ngoảnh mặt sang bên!) Mà thầy nào trách vậy?

– Ông thầy mà mặt hay vác qua một bên… giống như em đó!

– Em biết rồi, người ta thường nói em giống ổng, phải không?

Chị Phượng ôm bụng cười:

– Ừa, đầu nghiêng một bên, ổng “niễng” bên phải em… “niễng” bên trái!

Tôi càu nhàu:

– Mấy ông kỳ cục! Mình xá thì ngó lơ mặt hầm hầm, mà không xá, thì… bắt lỗi!

Thật ra thì đa số quý thầy đều hoan hỉ, tốt bụng. Tôi nhớ có lần gặp thầy Phước Tịnh, thầy hái mít cho tôi ăn và bình:

– Mười năm rồi gặp lại, Hạnh Đoan vẫn không thay đổi, vẫn cứ con nít như xưa!

Chị Thủy diễn dịch thêm:

– Thầy mà cho nó ăn thêm nữa là nó sẽ có cảm tình với thầy rất nhiều.

Thầy phì cười và cho tôi thêm vài trái gì đó.

Chị Minh Ánh truyền cho tôi bí quyết tự vệ an toàn, rằng gặp mấy ông hãy “kính nhi viễn chi”. Tôi hỏi: – Nghĩa là sao? Chị dịch: “Đứng xa mà nhìn”… Tôi thực hành liền, không những thế mà còn kèm theo bộ mặt hầm hầm như ở cõi A-tu-la cho người ta sợ. Thầy Minh Dũng là nạn nhân đầu tiên lãnh đủ thái độ “thù hằn” của tôi, vì lúc làm vần công tôi gặp thầy thường xuyên nhất. Trước những phản ứng khó ưa của tôi, thầy vẫn thản nhiên không biểu lộ gì. Nhưng chị Thủy quan sát tôi và bình:

– Em làm giống con nhím quá, cứ chực… phóng dao ra ghim người ta!

Tôi sực tỉnh. Ngày hôm sau ra Thường Chiếu gởi lúa, thầy Minh Dũng không hề nhớ đến “thù xưa” vẫn dịu dàng hỏi tôi:

– Hạnh Đoan ăn chuối không?

Tôi hết dám “phóng dao”, vì mấy trái chuối của thầy nhìn hấp dẫn quá, thế là tôi toét miệng cười, xòe tay ra nhận chuối và lễ phép cảm ơn. Tới giờ tôi vẫn còn hối hận vì mình đã cư xử không phải với thầy, đúng là tuổi mới lớn cái gì cũng bất bình thường, giống như con rối, cử động theo sự giật dây của người chứ chưa biết tự quyết một mình.

Thế là tôi không làm “nhím” nữa, tôi trở lại với bản chất hồn nhiên thường nhật của tuổi con nít.

Bây giờ tôi đã già… dặn và lớn khôn, tôi hiểu quý thầy cũng giống như tôi thôi, chúng ta tuy mang đãy da giới phái khác nhau nhưng tâm thức đâu sai biệt, luôn có tấm lòng tha thiết muốn tu và sợ cảnh trần dụ dỗ nên thường cố tạo rào bảo vệ cho mình.

Có lần, khi chúng tôi bình phẩm về quý thầy Thường Chiếu, chị Hạnh Nhã đã cười to nói.

– Mấỵ ổng thật là vui, mỗi khi nói chuyện thường chẳng dòm mình mà dòm ở đâu không hà! Em mắc cười quá mà phải ráng kềm, thấy cũng tội nghiệp!

Chị Diệu Tánh thì nói:

– Mình công tác bị bò cạp chích đau gần chết, quýnh quáng nhào thẳng vô chùa Thường Chiếu xin thuốc, nhè gặp ông ĐH, ổng trách liền:

– Là Ni tới chùa Tăng tại sao không đi hai người? Cô không biết luật hả?

Rồi chị lắc đầu nói:

– Mình quê quá, vừa khóc vừa chạy như bay trở về… Thiệt tình, bị ổng quở còn đau hơn… bò cạp chích nữal

Chúng tôi đều bật cười. Chị Tánh nói tiếp:

– Thấy ổng vào Viên Chiếu, tiến tới bình nước, mình vội thưa:

– Để con rót hầu thầy!

Ổng đáp cộc lốc:

– KHỎI! TÔI CÓ TAY! ĐỂ TÔI TỰ RÓT!

Chị Tánh kể xong vẫn nụ cười thông cảm, cười hi hi.

Hồi ấy hai thiền viện chư Tăng, Ni tuổi ai cũng còn rất trẻ, Trụ trì Thường Chiếu chỉ hơn 30, Trụ trì Viên Chiếu chỉ hơn 20. Nhỏ nhất cỡ tôi cũng 15-16 tuổi, cho nên quý thầy luôn “khoác áo giáp” và thủ sẵn “tia nhìn hư vô” khi vào Viên Chiếu. Chỉ có thầy Nhật Quang là đối với chúng tối bình thường, luôn cười hiền lành sốt sắng sẻ chia thức ăn, quà bánh lẫn… công tác. Có gì ngon thầy không đành lòng hưởng một mình, luôn nhắn chúng tôi lội bộ ra ăn, dù mỗi người chỉ có một rẻo bánh. Tất nhiên Viên Chiếu đang tuổi ham ăn cho chóng… già, được mời “dự tiệc” thì mừng quýnh, hưởng ứng rất tận tình. Rồi tới mùa nhổ cỏ lúa hay cấy mạ, thầy gọi chúng tôi ra làm phụ đến đau muốn… gãy lưng. Bù lại, tới mùa Viên Chiếu gặt, quý thầy Thường Chiếu phải vào đập lúa đến tê tay, nhức mình.

Chị Hạnh Thanh đằm thắm ít nói nhất, vậy mà vẫn lén bình:

– Thầy Nhật Quang Trụ trì Thường Chiếu dòm ổng cười cười, hiền lành, cư xử tự nhiên vậy chứ… nội lực ổng thâm hậu, cứng rắn vững vàng lắm đó nha!

Chị Hạnh Nhã góp lời:

– Hồi ở đời em từng đi dạy, tiếp xúc nhiều, vào môi trường tu này thấy mình bỗng hóa con nít, nhìn quý thầy Thường Chiếu cư xử khác thường, vừa mắc cười vừa thấy kính, thấy thương…

– Mấy ổng sợ giúp đỡ mình, nói năng dịu dàng mình sẽ mủi lòng hay sao đó… nên vừa phụ giúp ngọt ngào xong thì chuyển qua nạt nộ ngay.

Câu nói của Sư tỷ làm tôi nhớ tới cảnh chuyển đồ từ Bát Nhã về Viên Chiếu. Lúc đó tôi đang đứng lúng túng với cái thùng phuy to đùng, không biết làm sao để khênh nó xuống núi thì cái ông thầy luôn có bộ mặt hầm hầm (làm tôi sợ thầm) bỗng xuất hiện, dịu dàng nói:

– Để đó, để đó! Định Huệ khiêng cho!

Và ông ghé lưng vào một mình khiêng cái thùng phuy nặng đi! Lúc đó tôi thực tri ân vị cứu tinh đúng lúc này. Nhìn thầy ốm yếu như cây tăm mà tấm lòng hi sinh “gánh vác thật lớn”.

Có lần quý thầy Thường Chiếu vào rừng cưa củi, tất nhiên phải ghé vào viện chúng tôi để ké các thứ cần. Dạo ấy chùa Viên Chiếu giống như cái trại dã chiến, đơn giường chỉ là vỏ thùng đạn ghép thành. Đâu có phòng riêng, nên giờ ngủ nghỉ chúng tôi nằm la liệt (ai nhìn cũng thấy), giống hệt dân tị nạn.

Quý thầy chỉ có thể để đồ nhờ, buổi trưa thì nằm ngoài võng hoặc ngồi dưới các cội cây.

Giờ giấc làm của quý thầy không trùng với chúng tôi, do vậy mà lúc chúng tôi còn say giấc trưa, quý thầy đã đi làm. Tôi đang ngủ, mơ hồ thấy một bóng người chạy vào rồi chạy vụt ra.

Sau đó là tiếng cằn nhằn, thì thầm của quý thầy vang lên, chị Thủy nghe rỗ mồn một, vì chị thức và hí mắt theo dõi diễn tiến. Do phải vào chỗ chúng tôi lúc này, quý thầy sợ quá nên quýnh quáng lấy đại đồ chạy ra cho mau vì vậy mà đã lấy nhầm giày! Sau khi chúng tôi thức giấc, chị Thủy mách lại, ai cũng bật cười. Hồi xưa, khi nghe chúng tôi là đệ tử Hòa thượng ân sư, nhiều người khó tính bình:

– Làm đệ tử Tăng khó nên bằng đệ tử Ni, vì sẽ không được dạy dỗ tỉ mỉ…

Có lẽ câu này không sai. Nhưng đôi khi vị thầy Ni ít lời hoặc không chỉ dạy nhiều thì vẫn bị thiệt thòi. Ân sư tôi hằng tháng, hằng năm và cả đời… luôn đắng miệng khô phổi dạy dỗ bảo ban, nhắc đệ tử tu hành chuẩn mực, dạy trò độ chúng mãi… cho đến sức tàn lực kiệt ngài mới dừng.

Chị Hạnh Thanh thường ca ngợi sư phụ lén với tôi:

– Nhìn thầy mình đi nha, cung cách đáng học lắm, chị thấy khi đi bàn tay sư phụ nắm vào lai tay áo giả khách như vầy nè, rồi thầy bước khoan thai, không bị đánh đàng xa mà trông rát oai nghi và trang nghiêm.

Khi chúng tôi ngồi thiền ngoài hành lang chờ sư phụ đến chỉnh, tôi có tật hay ngoẻo đầu sang bên mà không hay, giây phút tọa thiền không khí rất tĩnh lặng, một chiếc lá rơi cũng có thể nghe, vậy mà khi sư phụ bước đến sau lưng tôi hoàn toàn không biết, chỉ khi cái đầu tôi được bàn tay ngài trả về vị trí cũ, tôi mới bất ngờ, phát hiện sư phụ đi nhẹ quá, đến bao giờ tôi mới “lướt được nhẹ như mây”… giống ngài? Nói ra xấu hổ, ngưỡng mộ vậy chứ tôi thuộc loại chưa đi đã nhảy, hồi ba mươi tuổi tôi vẫn còn tật chẳng kiên nhẫn bước hết nấc cuối cầu thang mà còn cách vài bậc đã nhảy xuống cho mau. Nhưng đến năm mươi tuổi thì tôi bị cái già biến mình thành oai nghi, bước thật chậm, hai chân đi… một nấc thang, từ tốn nhưng nặng nề lạch bạch, chẳng có chút dáng thiền thanh thoát.

Không biết hồi đó sư phụ dạy dỗ thế nào mà chư tăng Thường Chiếu ăn nói nhỏ nhẹ cực kỳ, vô cùng có oai nghi và phong cách. Mãi đến “ba mươi bốn” năm sau, tình cờ gặp lại một vị Tăng, vẫn còn thấy … “hơi Thường Chiếu” ở ông tỏa ra bàng bạc.

Có lần đi giữa thành phố bất ngờ gặp thầy Minh Nghĩa từ xa, tôi mừng rỡ tiến đến chào thì vấp phải “tia nhìn hư vô”, cũng có thể là thầy không trông thấy tôi. Nhưng thái độ thầy làm tôi nhớ đến “lò” Thường Chiếu và bật cười, vừa kính vừa thân quen, cảm giác như “tha hương ngộ cố tri” vậy. Cuối cùng lần gặp sau, khi đã nhận ra nhau, đôi bên cùng mừng:

Tôi nói:

– Chèn ơi! Lần đầu con lên núi tu, nghe thầy đọc “Thiền Đốn Ngộ” cho sư phụ giảng, giọng trầm trầm thật hay, ai cũng ngưỡng mộ …

Và tôi tấm tắc:

– Hồi đó thầy trẻ ghê, nhìn cứ như mới 29 tuổi hà, hi hi.

Thầy bật cười vì câu khen “mốc” của tôi, vui vẻ bảo:

– Đúng quá đi, giờ tôi tròn 63 mà!

Khi thầy rủ tất cả mọi người cùng chụp hình kỹ niệm thì tôi… co giò chạy. Thầy ngoắc lại, thân thiện bảo:

– Người xấu! Tới đây chụp chung cho vui!

Bây giờ, “Nhắc lại chuyện xưa đầu đã bạc, kể mà nghe thân thiết đến bùi ngùi”.

Có lần lên Đà Lạt chiêm lễ xá lợi Phật và chư Thánh Tăng, ngoài cổng chánh điện lúc nào cũng đông nghịt người. Tôi thừa lúc nghỉ trưa được Ban tổ chức cho đặc ân vào ngắm lễ chụp hình xá lợi, lúc này người được quyền vào trong chỉ lác đác năm sáu người. Có hai vị Tăng trẻ đang thành kính chiêm ngưỡng xá lợi với vẻ hân hoan, nhác thấy tôi họ thì thầm với nhau xong thì tiến đến xin phép chụp hình. Tôi chắp tay mỉm cười từ chối, nói là mình rất sợ chụp hình. Hai vị Tăng này nhìn rất trong sáng, họ đối với tôi rất thân thiện mỹ cảm, chẳng hề mang “tia nhìn hư vô” và cũng chẳng biết tôi là ai. Còn tôi (một bà ni ngoài năm mươi) đối với họ thật kỳ vọng và trân trọng – vi họ là Tăng bảo.

Hiện nay tôi đã thuộc thế hệ già, mỗi khi nhìn các Tăng, Ni trẻ, tôi vẫn thấy thấp thoáng hình bóng ngày xưa của mình trong đó. Vì vậy mà tôi luôn dành cho họ lòng yêu thương kỳ vọng, mong họ vững vàng đi theo lý tưởng của mình.

Có vài Phật tử phàn nàn với tôi:

– Sao mà giới nữ hay đeo quý thầy quá, hơn nữa tới chùa còn ăn vận trang điểm diễm lệ, áo xiêm mỏng manh… thiệt là!….

Tôi bảo:

– Vì tăng sĩ có oai nghi phong cách thoát tục, tính hiền lại có đức nên quý cô ngưỡng mộ “đeo” đông! Không đeo mới là lạ! Phật lúc đang tu còn bị ba ma nữ hiện lên giở đủ trò quấy phá. Nếu “lửa thử vàng” thì “ma cũng thử Phật tâm” – tà làm hiển chánh. Nếu tỉnh giác thì quý thầy sẽ thấy đó là những đãy da đang di động. Nếu không tỉnh mà va vấp thì sau khi nếm mùi khổ nhừ tử rồi mấy ổng sẽ tỉnh mà tu chắc thôi…

– Nhưng mà họ bu như vậy thực tội quý thầy quá!

Thôi thì cứ nói như ngài Thánh Nghiêm: “Người xuất gia không đeo mang, bám víu, hay để thế giới tình cảm dẫn dắt lôi kéo, như vậy sẽ tạo thành kho não. Làm tu sĩ là thương tất cả đồng đẳng, đối với người vẫn có từ tâm, bi tâm; đây là sự liên kết với chúng sinh hữu tình, một khi đã có tình thế tục cá nhân chen vào trói buộc, thì chẳng thể làm một người xuất gia tốt”.

Và ngài từng tâm sự:

“Hồi trẻ mỗi khi thấy người khác phái thì tôi phân biệt rõ và lo nghiêm trì giới luật không để vi phạm. Đến khi tuổi già (như hiện nay) thì nhìn thấy tất cả đều là người! Tôi không cần phải đề tỉnh hay nhắc nhở gì mình. Bây giờ tôi đối nữ nhân hay nam nhân chẳng có phản ứng gì khác biệt”.

Ngài từng nói:

…“Nữ sắc và tiền tài là hai ngọn đèn đỏ trong đời tôi! – nhưng bây giờ những ngọn đèn cấm đó không còn tồn tại nữa. Bởi tôi chẳng cần hạn chế ngay ngăn trở mình. Ngày xưa tôi cần hai ngọn đèn này đề tự huấn luyện, để dạy tâm không bị cám dỗ, còn bây giờ thì huấn luyện này không cần nữa”.

Cho nên mỗi khi thấy vị tăng sĩ trẻ nào tự mặc giáp bảo vệ mình bằng “tia nhìn hư vô” tôi lại muốn ngâm mấy câu:

Vâng! Thầy cứ nhìn… đọt cây, rễ cỏ…
Giữ tâm an theo giáo pháp Như Lai
Để ngày sau thành pháp bảo, Tăng tài…
Con kính lễ, cúi đầu tràm vạn lạy…
                    *
Có gì đâu để vấn vương?
Có gì đâu để… rẽ đường lung tung?!
Thế gian biển khổ mịt mùng
Pháp hành chân chính, thong dong một đời.

Tôi luôn ngưỡng mộ cung cách đào tạo Tăng bảo của sư phụ. Thầy tôi oai nghi chuẩn mực, hành xử tôn nghiêm, nên chư Tăng đồ đệ ngài luôn có tác phong nổi bật rất… dễ nhận ra. Sư phụ không bao giờ nói dối, rất quý trọng chữ tín và tôi rất tự hào điều đó. Tôi tin là… Thầy sẽ… có trò giống mình. Nên mỗi khi nhìn một vị Tăng đại diện cho hình bóng Phật, tôi luôn mong ngọn đèn này sẽ tỏa sáng mãi để góp phần phá tan tăm tối cho thế gian.

Hi vọng bài viết này có thể chuyển chút tâm thành của tôi thay lời chúc mừng Thường Chiếu tròn 40 tuổi.

2014

Tấm lòng thơm thảo của cô Trụ trì viên chiếu

Đầu tháng tám có người biếu cô Trụ trì hộp bánh trung thu rất đẹp, cô nghĩ thầm: “Chư vị chúng cũ đều đã lớn tuổi, tháng ngày xum họp bên nhau chăng còn bao lâu nữa, thôi thì mời tất cả đến cùng ăn bánh chung vui với mình”…

Thế là các vị chúng cũ đều được mời đến, khi tất cả đã an tọa, trà cũng được thị giả pha xong… Cô Trụ trì trịnh trọng bưng hộp bánh trung thu để lên bàn, nhẹ nhàng mở nắp hộp ra…

Cô mở to mắt nhìn khi thấy bên trong hộp, xếp đặt rất gọn đủ món: Bàn chải đánh răng, khăn lông v.v… toàn là đồ dùng cá nhân.

Cô mỉm cười tẽn tò:

– Thôi thì… đành… mượn bánh tri khố đãi khách vậy!

2016

NGUYỆN… ĐẠI

Nửa muốn làm Tăng, nửa… thương Ni!
Nếu sinh bên đó, bỏ… bên nì!
Lỡ như Ni… khóc – ai khuyên dỗ?
Ai tới thật gần xua … khổ đi?
 
Tăng bốn phương trời đi dọc ngang
Chí hùng phóng khoáng… nhẹ hành trang
Còn Ni lúng túng… trong khuê thất…
Có muốn… “tung hoành”cũng khó khăn!
 
Thôi! – Cho dẫu là Ni, hay là Tăng…
Lòng cứ nêu cao chí xuất trần
Oai nghi, tư cách như băng tuyết
Mới xứng làm người. ..độ thế nhân!
 
Có nghĩa gì đâu vỏ bọc ngoài?
Đãy da khoác tạm, giữa trần ai…
Phật tâm sáng chói soi ngàn cõi…
Tất cả cùng chung tánh giác thôi.
 
Tháng 12 năm 2014