TÌM LẠI CHÍNH MÌNH
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dich: Thích Quang Định

TÌM LẠI GIÁ TRỊ CUỘC SỐNG

Nhiều người kêu khổ với tôi, nói rằng, sống trên đời này, thật vô nghĩa! Không những họ thường nghĩ ngợi lung tung, không cảm nhận sự tự tại của cuộc sống trước mắt, nghiêm trọng hơn, lòng họ luôn có cảm giác buồn chán, tương lai mờ mịt.

Cuộc sống của họ như bị tê liệt, không tìm được giá trị đích thực của cuộc sống!. Để sống với giá trị đích thực của cuộc sống, hãy xem chúng ta tận dụng cuộc sống thế nào, khi nào bạn tận dụng cuộc sống, lúc đó cuộc sống mới có giá trị. Tuy nhiên giá trị cũng có hai mặt trái và phải.

Trước khi tạo ra giá trị, phát huy ý nghĩa của cuộc sống, thiết nghĩ bạn cần phải nắm vững những nhân tố tạo nên giá trị cuộc sống, về cơ bản có ba loại: thứ nhất là tư tưởng, thứ hai là  ngôn ngữ, thứ ba là hoạt động của cơ thể. Phật giáo ghi ba điều này là “tam nghiệp”: Hành vi trong hoạt động của cơ thể ghi là “thân”, hành vi ngôn ngữ ghi là “khẩu”, hành vi của tư tưởng ghi là “ý”. Giá trị phải trái thế nào của cuộc sống dựa trên việc chúng ta vận dụng ba điều này như thế nào.

“Mặt trái” giá trị cuộc sống là sự phát triển không đầy đủ ở mặt đạo đức, nhân cách; có nhu cầu tham vọng vật chất quá lớn, quá quan tâm đến việc ăn uống, quan hệ nam nữ… Điều đó thuộc về bản năng động vật, là biểu hiện của thú tính; ngày nào những tham vọng tầm thường đó còn ngự trị trong bạn, ngày đó điều thiện sẽ vắng mặt trong lòng bạn.

“Mặt phải” giá trị cuộc sống là gì? Là người đó phát huy những hành vi mà một người cần có, bao gồm: đạo đức luân lí, sự tôn trọng trong cách đối nhân xử thế, tư tưởng. Đặc biệt là điều thứ ba, con người trở nên đáng quý do con người có lý tính, có suy nghĩ và tư tưởng.

Hổ sẽ ăn thịt người, chỉ cần chúng có cơ hội ăn. Bất cứ lúc nào chúng cũng nghĩ cách để ăn thịt mà không cần phải có cách nghĩ như thế nào, chỉ cần chúng muốn ăn, nó sẽ không tự hỏi lại liệu con người có thể ăn được không? Ai có thể ăn được? Nếu con người không có tư tưởng, lời nói và việc làm của họ sẽ rất dễ giống với động vật.

Trong tất cả các loại động vật, chỉ con người mới có tư duy, vậy tại sao chúng ta không biết tận dụng ưu điểm này để cuộc sống có ý nghĩa? Học cách giúp đỡ vì người khác để giá trị cao đẹp của cuộc sống thể hiện rõ nét.

Chúng ta hãy bình tĩnh nhìn lại mình xem “những điều tôi đang nghĩ có đúng với chuẩn mực đạo đức không? Có hợp lý không? Có tác dụng tốt không? Có thực tế không? Thường xuyên nhắc nhở mình, bạn sẽ phát hiện: suy nghĩ hữu dụng chiếm tỉ lệ rất thấp so với những suy nghĩ vô dụng, phi đạo đức.

Tuy nhiên một số người dụng tâm vào các phương diện khác, kết quả các dụng tâm đó trở thành tâm lí cơ hội, xảo trá. Ví dụ: Rõ ràng trong lòng cảm thấy tức giận, muốn mắng người khác, nhưng không nói thậm chí không biểu hiện trên nét mặt, hoặc ban đầu muốn nói gì đó, sau khi suy nghĩ, vì lợi ích cá nhân hoặc lí do nào đó có lợi cho mình, mà nói ngược lại những gì mình đang suy nghĩ khiến mọi người lầm tưởng là người tốt, là quân tử, là người đáng tin cậy.

Nếu chúng ta vận dụng sở trường, tức vận dụng khả năng tư duy của con người cho những mưu cầu toan tính cá nhân như thế, vô tình chúng ta trở thành kẻ “lợi dụng tư duy” để làm điều xấu. Chúng ta không chỉ làm người quân tử, làm người tốt qua vẻ ngoài mà quan trọng nhất chúng ta cần thể nghiệm nội tâm, thay đổi nội tâm mới thực sự tạo ra ý nghĩa cuộc sống, phát huy giá trị của cuộc sống.