PHẬT ĐIỂN PHỔ THÔNG
DẪN VÀO TUỆ GIÁC PHẬT

Nhiều tác giả
Chủ biên bản dịch Việt: LÊ MẠNH THÁT – TUỆ SỸ
Phiên dịch: Thích Hạnh Viên, Thích Nữ Khánh Năng, Thích Thanh Hòa, Pháp Hiền, Nguyễn Quốc Bình
Sản xuất & Ấn hành: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm, Thùy Duyên

 

PHẦN I
ĐỨC PHẬT

CHƯƠNG 1
CUỘC ĐỜI ĐỨC PHẬT LỊCH SỬ

Giáng thần, đản sanh và thuở thiếu thời

L.1 Sự đản sanh hy hữu của bậc đại nhân

Ở đây, Đức Phật nói với Ānanda, vị đệ tử thị giả thân cận. Trước đó, Đức Phật đã kể cho Ānanda những điều hy hữu  liên quan đến sự nhập thai và đản sanh của Ngài, và giờ đây Phật bảo Ānanda thuật lại cho các tỳ-kheo khác nghe để họ được khích lệ.

Rồi Thế Tôn bảo Tôn giả Ānanda: ‘Này Ānanda, thật vậy, ông có thể tán thán thêm đầy đủ hơn nữa những phẩm tánh của Như lai, kỳ diệu, chưa từng có.’

‘Bạch Thế Tôn, đây là điều con thân nghe từ chính kim khẩu của Thế Tôn.:

“(Thế Tôn đã nói với con:) Này Ānanda, Bồ-tát chánh niệm và tỉnh giác[1] khi tái sinh lên cõi trời Tusita (Đâu-suất).[2]Bạch Thế Tôn, con nhận thấy đây là một phẩm tánh của Như lai, kỳ diệu, chưa từng có.

… “Này Ānanda, Bồ-tát chánh niệm và tỉnh giác an trú trong cõi trời Tusita.” Bạch Thế Tôn, con nhận thấy đây cũng là một phẩm tánh của Thế Tôn, kỳ diệu, chưa từng có.

… “Này Ānanda, chánh niệm và tỉnh giác, cho đến trọn thọ mạng của mình, Bồ-tát an trú trong cõi trời Tusita.” Bạch  Thế Tôn, con nhận thấy đây cũng là một phẩm tánh của Thế Tôn, kỳ diệu, chưa từng có.

… “Này Ānanda, Bồ-tát chánh niệm và tỉnh giác khi mạng chung từ cõi trời Tusita và giáng thần mẫu thai.” Bạch Thế Tôn, con nhận thấy đây cũng là một phẩm tánh của Thế Tôn, kỳ diệu, chưa từng có.

… “Này Ānanda, khi Bồ-tát mạng chung từ cõi trời Tusita và giáng thần mẫu thai, một vầng sáng bao la, thần diệu, vượt xa oai lực của chư thiên hiện ra trong thế gian cùng với chư thiên, Ma, Phạm[3], cùng với dân chúng, sa-môn, bà-la-môn, vua chúa và quần chúng. Cho đến các thế giới trung gian  kinh khủng ở giữa các thế giới, tối tăm, u ám, nơi mà mặt trăng mặt trời, có đại thần lực và đại oai lực như vậy, cũng không thể rọi thấu; ở đó cũng có một vầng sáng bao la hiện ra, vượt xa oai lực của chư thiên. Và các chúng sanh sanh vào những chỗ ấy liền trông thấy nhau do vầng sáng ấy, bèn bảo nhau: ‘Này bạn, vậy cũng có những chúng sanh khác sanh vào chỗ này.’ Và mười ngàn thế giới hệ này35 chuyển động, rung động, chuyển động mạnh, và vầng sáng bao la, thần diệu, vượt xa oai lực của chư thiên hiện ra trong thế giới.” Bạch Thế Tôn, con nhận thấy đây cũng là một phẩm tánh của Thế Tôn, kỳ diệu, chưa từng có.

… “Này Ānanda, khi Bồ-tát giáng thần mẫu thai, bốn vị thiên tử đến hộ vệ ở bốn phương để không một ai, loài người hay loài phi-người, có thể gây tổn hại Bồ-tát và mẹ của Bồ-tát.”

Bạch Thế Tôn, con nhận thấy đây cũng là một phẩm tánh của Thế Tôn, kỳ diệu, chưa từng có.

… “Này Ānanda, khi Bồ-tát giáng thần mẫu thai, mẹ Bồ-tát tự nhiên trì giới, không sát sanh, không lấy của không cho, không tà hạnh trong các dục, không nói dối, không uống các thứ rượu nấu, rượu men, rượu ủ.”[4]Bạch Thế Tôn, con nhận thấy đây cũng là một phẩm tánh của Thế Tôn, kỳ diệu, chưa từng có.…

… “Này Ānanda, vào ngày thứ bảy sau khi đản sanh Bồ-tát, mẹ Bồ-tát mệnh chung và sanh lên cõi trời Tusita.” Bạch Thế Tôn, con nhận thấy đây cũng là một phẩm tánh của Thế Tôn, kỳ diệu, chưa từng có.

… “Này Ānanda, những phụ nữ khác sau khi mang thai trong bụng chín tháng hay mười tháng (âm lịch) rồi mới sanh, mẹ Bồ-tát thì không như vậy. Mẹ Bồ-tát hạ sanh Bồ-tát sau khi hoài thai đúng mười tháng.” Bạch Thế Tôn, con nhận thấy đây cũng là một phẩm tánh của Thế Tôn, kỳ diệu, chưa từng có.

… “Này Ānanda, những phụ nữ khác hoặc ngồi hoặc nằm mà sanh con, mẹ Bồ-tát hạ sanh Bồ-tát trong tư thế đứng.” Bạch Thế Tôn, con nhận thấy đây cũng là một phẩm tánh của Thế Tôn, kỳ diệu, chưa từng có.

… “Này Ānanda, khi Bồ-tát xuất sanh từ bụng mẹ, chư thiên đón đỡ Bồ-tát trước, sau mới đến loài người.” Bạch Thế Tôn, con nhận thấy đây cũng là một phẩm tánh của Thế Tôn, kỳ diệu, chưa từng có.

… “Này Ānanda, khi Bồ-tát xuất sanh từ bụng mẹ, thân Bồ- tát không chạm đến đất. Có bốn thiên tử đón đỡ Bồ-tát, đặt Bồ-tát trước mẹ và thưa: ‘Thiên hậu, hãy hoan hỷ, Thiên hậu vừa hạ sanh một đấng đại hùng.’” Bạch Thế Tôn, con nhận thấy đây cũng là một phẩm tánh của Thế Tôn, kỳ diệu, chưa từng có.

… “Này Ānanda, khi Bồ-tát xuất sanh từ bụng mẹ, thân Bồ- tát thanh tịnh, không bị nhiễm ô bởi nước nhớt, mủ, máu, hay bất cứ vật bất tịnh nào. Này Ānanda, ví như một viên ma-ni bảo châu đặt trên một tấm lụa Kāsī, viên ngọc không làm nhiễm ô tấm lụa, tấm lụa cũng không làm nhiễm ô viên ngọc. Vì sao vậy? Vì cả hai đều thanh tịnh. Này Ānanda, cũng vậy, khi Bồ-tát xuất sanh từ bụng mẹ, thân Bồ-tát thanh tịnh, không bị nhiễm ô bởi nước nhớt, mủ, máu, hay bất cứ vật bất tịnh nào.” Bạch Thế Tôn, con nhận thấy đây cũng là một phẩm tánh của Thế Tôn, kỳ diệu, chưa từng có.

… “Này Ānanda, khi Bồ-tát xuất sanh từ bụng mẹ, có hai dòng nước từ hư không tuôn xuống, một dòng mát, một dòng nóng, tắm gội sạch sẽ cho Bồ-tát và cho mẹ.” Bạch Thế Tôn, con nhận thấy đây cũng là một phẩm tánh của Thế Tôn, kỳ diệu, chưa từng có.

… “Này Ānanda, ngay khi Bồ-tát khi vừa đản sanh,  liền đứng vững hai chân trên mặt đất; rồi xoay mặt về hướng bắc, Bồ-tát bước đi bảy bước, có một lọng trắng che phía trên. Bồ- tát nhìn khắp các phương, cất tiếng nói thống lĩnh:[5]

Ta tối tôn trên đời;
Ta tối thượng trên đời;
Ta tối thắng trên đời;
Đây là đời sống cuối cùng, không còn tái sanh đời nào nữa.”

Bạch Thế Tôn, con nhận thấy đây cũng là một phẩm tánh của Thế Tôn, kỳ diệu, chưa từng có…

“Khi Bồ-tát xuất sanh từ bụng mẹ, một vầng sáng bao la,  thần diệu, vượt xa oai lực của chư thiên hiện ra trong thế gian cùng với chư thiên, Ma, Phạm[6], cùng với dân chúng, sa- môn, bà-la-môn, vua chúa và quần chúng. Cho đến các thế giới trung gian kinh khủng ở giữa các thế giới, tối tăm, u ám, nơi mà mặt trăng mặt trời, có đại thần lực và đại oai lực như vậy, cũng không thể rọi thấu; ở đó cũng có một vầng sáng bao la hiện ra, vượt xa oai lực của chư thiên. Và các chúng sanh sanh vào những chỗ ấy liền trông thấy nhau do vầng sáng ấy, bèn bảo nhau: ‘Này bạn, vậy cũng có những chúng sanh khác sanh vào chỗ này.’ Và mười ngàn thế giới hệ này chuyển động, rung động, chuyển động mạnh, và vầng sáng bao la, thần diệu, vượt xa oai lực của chư thiên hiện ra trong thế giới.” Bạch Thế Tôn, con nhận thấy đây cũng là một phẩm tánh của Thế Tôn, kỳ diệu, chưa từng có.

‘Này Ānanda, thật vậy, hãy nhận biết đây cũng là một phẩm tánh của Như Lai, kỳ diệu, chưa từng có: này Ānanda, ở đây, khi cảm thọ sanh Như Lai biết cảm thọ sanh; khi cảm thọ trụ, cảm thọ diệt, Như Lai biết cảm thọ trụ, cảm thọ diệt. Này Ānanda, hãy suy xét đây cũng là một phẩm tánh hy hữu và vị tằng hữu của Như Lai.’

‘Bạch Thế Tôn, vì rằng như vậy, hãy nhận biết đây cũng là một phẩm tánh của Như Lai, kỳ diệu, chưa từng có.’

Acchariya-abbhuta Sutta: Majjhima-nikāya III.118–120, 122–124, dịch Anh G.A.S.

L.2 Dự đoán tương lai vĩ đại

Đoạn này thuật chuyện chư thiên báo tin Bồ-tát đản sanh cho một Tiên nhân. Tiên ông hăm hở đến gặp Bồ-tát, và rồi đoán tương lai Bồ-tát sẽ thành chánh giác.

Tiên A-tư-đà (Asita), thấy thiên chủ Thích (Sakka),[7] và thiên chúng Ba mươi,[8] hoan hỷ khoái lạc với các thiên y tinh  khiết, đang vô lượng tán ca, tay nâng một tấm vải.

Trông thấy chư thiên hoan hỷ phấn khởi, cung kính, Tiên nhân thầm nghĩ: ‘Vì sao thiên chúng quá đỗi vui mừng? Vì sao họ nâng lên một tấm vải?’

Ngay dù chiến đấu với a-tu-la và chư thiên thắng, a-tu-la bại.

Họ cũng không quá đỗi vui mừng như vậy. Phải chăng thấy điều gì hy hữu mà các thần Martu này hưng phấn?

Chư thiên la vang, xứng hát, tấu nhạc; vỗ tay và khiêu vũ. Xin hỏi cư dân trên đỉnh Tu-di:[9] Các tôn giả, xin nhanh chóng giải trừ nghi ngờ này.’

“Bồ-tát, trân bảo vi diệu vô tỉ, đã đản sanh trong nhân gian, tại làng Thích-ca, Lâm-tỳ-ni (Lumbinī), vì lợi ích an lạc của mọi loài. Vì vậy chúng tôi vô cùng hoan lạc.

“Bồ-tát, tối tôn, tối thượng trên tất cả chúng sanh, là đấng ngưu vương tối tôn trong tất cả sanh loại. Rống tiếng rống sư tử oai hùng chúa tể sơn lâm; Ngài sẽ vận chuyển bánh xe chánh pháp trong rừng Tiên nhân.”42

Nghe rồi, Tiên nhân vội vàng hạ sơn, đến cung vua Tịnh Phạn.[10] Sau khi ngồi xuống đó, bèn hỏi các Thích-ca: ‘Hài nhi sơ sanh ở đâu? Tôi mong diện kiến.’

Các Thích tử phò đồng tử cho Tiên A-tư-đà diện kiến. Tiên nhìn thấy đồng tử sắc da sáng chói rực rỡ, như vàng ròng được thợ kim hoàn cực kỳ thiện xảo tinh luyện;

Nhìn thấy đồng tử sáng rực như lửa bùng, tinh khiết như chúa tể các sao trong hư không, tỏa sáng như mặt trời ra khỏi đám mây mùa thu, nguồn hỷ lạc vô biên phát sinh trong tâm Tiên nhân.

Chư thiên Marut cầm lọng ngàn lớp nan hoa che giữa không. Vô số quạt cán vàng tung bay lên xuống; mà không thấy kẻ cầm lọng, cầm quạt.

Nhìn thấy đồng tử như kim hoàn trên thảm nhung màu đỏ nhạt, có lọng trắng che trên đầu, tâm A-tư-đà (Kaṇhasiri), Tiên nhân bện tóc, tràn ngập hoan hỷ phấn chấn, đón nhận đồng tử.

Sau khi đón nhận đấng Ngưu vương họ Thích, vị Tiên nhân tinh thông chiêm tướng và chú thuật, quan sát đồng tử, rồi cất lên tiếng quả quyết: ‘Đây là bậc vô đẳng đẳng, tối tôn trong loài hai chân (loài người).’

Tự biết bản thân rồi sẽ ra đi, Tiên nhân ưu sầu rơi lệ.

Nhìn thấy Tiên rơi lệ, các Thích-ca liền hỏi: ‘Há đồng tử không bị tai chướng gì chăng’?

Thấy họ Thích bất an, Tiên trả lời: ‘Không tai chướng gì cho đồng tử. Cũng sẽ không có bất cứ tai họa gì. Nhưng đây không phải là con người hạ liệt. Hãy cứ an tâm.

Đồng tử này sẽ chứng đắc Vô thượng giác. Vì thấy cái tối thượng thanh khiết, thương cảm vì lợi lạc quần sanh, Ngài sẽ chuyển bánh xe Chánh pháp. [11] Phạm hạnh [12] của Ngài sẽ được quảng bá.

Mạng sống của tôi còn không lâu, rồi tôi sẽ chết mà không thể được Chánh pháp vô tỉ. Vì vậy tôi rất ưu sầu, khổ não.’ Nālaka Sutta: Sutta-nipāta 679–694, dịch Anh G.A.S.

L.3 Phụ mẫu

Ở đây, một vị tỳ-kheo đắc quả kể tên phụ mẫu của đức Phật, mà thân phụ của đức Phật trong lời kể này có thể là ‘ông nội’ của tỳ-kheo ấy.

Đấng dũng mãnh đại trí, quả vậy, sinh trong gia tộc có bảy đời thuần khiết. Con tâu Ngài Sakiya (Suddhodana), con nghĩ Tôn Ông là thiên chủ chư thiên; vì từ Tôn Ông đấng Mâu-ni chân thật danh hiệu.

Phụ thân đức Đại Mâu-ni danh xưng là Tịnh Phạn (Suddhodhana). Thân mẫu đức Chánh Giác hiệu Ma-da (Māyā). Đức Bà hoài thai Bồ-tát; hạ sanh rồi thánh thể thượng sanh Tam thập tam.

Thánh Mẫu Kiều-đàm-di (Gotamī Māyā)[13] mạng chung, từ đây sanh thiên giới, đầy đủ dục cõi trời, hưởng thọ năm diệu dục, các thiên nữ tùy tùng.

Tôi là con (đệ tử) của Phật, kham nhẫn điều khó nhẫn, hậu duệ Ương-kì-xa (Aṅgīrasa[14]) tôn kính, bậc không ai sánh được. Tôn Ông Sakiya (Suddhodana), phụ thân của phụ thân tôi. Tôn Ông Gotama, Ngài chính thật là tổ phụ tôi. Kāḷudāyī’s verses: Theragāthā 533–536, dịch Anh G.A.S.

L.4 Gia tộc Gotama

Đoạn này đề cập đến con trai của đức Phật, sau này theo Phật xuất gia và đắc quả A-la-hán. Phụ thân của Phật vẫn còn là một cư sĩ đắc sơ quả Dự lưu; Đức Bà Ma-ha-ba-xa- ba-đề (Mahā-pajāpatī), di mẫu của Phật xuất gia thành vị tỳ- kheo-ni đầu tiên, và đắc quả A-la-hán. Vợ của Bồ-tát cũng xuất gia thành tỳ-kheo-ni đắc quả A-la-hán.

Các thức giả gọi tôi “La-hầu-la (Rāhula) hiền thiện” do bởi có hai điều: Tôi là con của Phật, và lại đắc Pháp nhãn. Rāhula kệ: Theragāthā 295, dịch Anh G.A.S.

L.5 Tận hưởng tuổi thanh xuân

Đoạn này miêu tả thời niên thiếu sung mãn dục, nhưng sau đó chuyển hướng suy gẫm về tuổi già, tật bệnh và sự chết đang đến với tất cả chúng ta.

“Này các tỳ-kheo, Ta đã từng sống trong diệu lạc, tối thượng diệu lạc, cực kỳ diệu lạc. Trong nhà phụ vương Ta, các hồ nước được xây, trong một hồ có hoa sen xanh, trong một hồ có hoa sen đỏ, trong một hồ có hoa sen trắng, tất cả vì Ta. Ta không dùng loại hương chiên-đàn nào mà không xuất xứ từ Ca-thi (Kāsī)[15]. Khăn quấn đầu của Ta bằng vải lụa Ca-thi, áo choàng, nội y, thượng y của Ta cũng vậy. Một lọng trắng được che ngày đêm trên Ta, không để cho lạnh, nóng, bụi, bẩn hay sương xúc chạm đến Ta.

Này các tỳ-kheo, Ta có ba lầu cao: một cho mùa đông, một cho mùa hạ, một cho mùa mưa. Trong bốn tháng mưa, nhạc tấu quanh Ta trong lâu đài mùa mưa, bởi những nhạc công mà không một ai là nam trong bọn họ; Ta không hề bước xuống lầu. Trong khi đó các nô tì, các công thợ, và những kẻ hầu hạ trong nhà của những người khác được cho ăn cơm từ gạo nát, cháo chua, thì trong nhà phụ vương Ta, các nô tì, các công thợ, và những kẻ hầu hạ được cho ăn gạo ngon và thịt. Này các tỳ-kheo, với đầy đủ sung mãn như vậy, sống trong diệu lạc xa hoa như vậy, mà Ta suy gẫm rằng: ‘Kẻ phàm phu không học tự mình bị già, không vượt qua khỏi già, khi thấy người khác bị già lại gớm ghiếc, xấu hổ, ghê tởm, quên rằng mình cũng bị già, không vượt qua khỏi già. Nếu Ta bị già, không vượt qua khỏi già, sau khi thấy người khác già, lại có thể gớm ghiếc, xấu hổ, ghê tởm sao? Như vậy, thật không thích hợp cho Ta.’ Sau khi tư duy như vậy, kiêu mạn về tuổi thanh xuân hoàn toàn bị loại trừ.

… [Đoạn Kinh tiếp theo tương tự, thay ‘già’ bằng ‘bệnh’ và ‘chết’, cũng vậy, … cho đến] kiêu mạn về không bệnh hoàn toàn bị loại trừ; [] kiêu mạn về tuổi thọ hoàn toàn bị loại trừ…

Sukhumāla Sutta: Aṅguttara-nikāya I.145, dịch Anh G.A.S.

L.6 Dục lạc

Trong đoạn này, đức Phật nói về những lạc thú của tuổi trẻ, và sau đó là những giới hạn và nguy hiểm của những lạc thú đó.

‘Này Māgaṇḍiya,[16] Ta thuở trước, khi còn là tại gia, sống hưởng thụ năm diệu dục một cách đầy đủ, sung mãn:[17] các sắc được nhận biết bởi mắt, đáng yêu, đáng thích, đáng ưa lạc, xứng ý, liên hệ đến dục, nhiễm dục; các tiếng được nhận biết bởi tai; các hương được nhận biết bởi mũi; các vị được nhận biết bởi lưỡi; các xúc được nhận biết bởi thân, các xúc này là đáng yêu, đáng thích, đáng ưa lạc, xứng ý, liên hệ đến dục, nhiễm dục.

… Rồi sau một thời gian, sau khi nhận biết một cách như thực tập khởi, đoạn diệt, vị ngọt, nguy hiểm, sự xuất ly của của [sắc, … cho đến] xúc, Ta đoạn trừ khát ái [đối với sắc, … cho đến] xúc; dập tắt những cháy bỏng của […] xúc; sau khi đoạn trừ, dập tắt, Ta an trú với khát ái được đoạn trừ, nội tâm tịch tĩnh.

Rồi Ta thấy các chúng sanh khác, chưa ly tham đối với các dục, đang bị khát ái bởi dục nhai nuốt, đang bị cơn sốt của dục thiêu đốt, phóng túng theo các dục. Ta không khát khao như chúng, Ta cũng không hoan hỷ với chúng. Vì sao vậy? Này Māgaṇḍiya, vì rằng có hỷ lạc này, ly dục, ly bất thiện pháp, vượt trên cả thiên lạc. Vì Ta hoan hỷ trong đó, ta không khát khao ước cái gì hạ liệt, Ta cũng không hoan hỷ trong đó…

Này Māgaṇḍiya, ví như một người bị bệnh cùi, với các chi đầy những mụt nhọt, lở lói và hôi thối, bị các loại trùng đục khoét, đang cào cấu miệng lở của các vết thương bằng móng tay, hơ đốt thân thể bên hố than cháy bỏng. Rồi các bằng  hữu, quyến thuộc, bà con huyết thống của người ấy mời một y sĩ đến trị bệnh. Y sĩ cho nó thuốc, do thuốc ấy mà nó khỏi bệnh cùi, không bệnh, an lạc, tự tại, có thể đi chỗ nào nó muốn. Rồi người ấy thấy một người bị bệnh cùi khác, với các chi đầy những mụt nhọt, lở lói và hôi thối, bị các loại trùng đục khoét, đang cào cấu miệng lở của các vết thương bằng móng tay, hơ đốt thân thể bên hố than cháy bỏng.

Này Māgaṇḍiya, ông nghĩ thế nào? Người ấy có mong muốn được như người cùi kia, bên hố than cháy bỏng kia, hay muốn được dùng thuốc như kia?’ ‘Không, thưa Tôn giả Gotama. Vì sao vậy? Thưa Tôn giả Gotama, vì khi có bệnh thời cần thuốc trị, khi không bệnh, thời không cần thuốc trị.’ ‘Này Māgaṇḍiya, cũng vậy, thuở trước, khi còn sống tại gia, Ta hưởng thụ năm diệu dục một cách đầy đủ, sung mãnRồi sau một thời gian, sau khi nhận biết một cách như thực sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của của [sắc, … cho đến] xúc, Ta đoạn trừ khát ái [đối với sắc,… cho đến] xúc; dập tắt những cháy bỏng của […] xúc; sau khi đoạn trừ, dập tắt, Ta an trú với khát ái được đoạn trừ, nội tâm tịch tĩnh.

Rồi Ta thấy các chúng sanh khác, chưa ly tham đối với các dục, đang bị khát ái bởi dục nhai nuốt, đang bị cơn sốt của dục thiêu đốt, phóng túng theo các dục. Ta không khát khao như chúng, Ta cũng không hoan hỷ với chúng. Vì sao vậy? Này Māgaṇḍiya, vì rằng có hỷ lạc này, ly dục, ly bất thiện pháp, vượt trên cả thiên lạc. Vì Ta hoan hỷ trong đó, ta không khát khao ước cái gì hạ liệt, Ta cũng không hoan hỷ trong đó. Māgandiya Sutta: Majjhima-nikāya I.504–506, dịch Anh G.A.S.

Tầm cầu giác ngộ

L.7 Thánh cầu

Trong đoạn văn này, đức Phật đã miêu tả về sự tầm cầu chí thượng (thánh cầu) để vượt quá cửa tồn sinh hữu hạn, và đã khởi sự tầm cầu như thế nào.

Này các tỳ-kheo, có hai loại tầm cầu này: tầm cầu chí thượng (thánh cầu), tầm cầu hạ liệt (phi thánh cầu). Này các tỳ-kheo, thế nào là tầm cầu hạ liệt? Này các tỳ-kheo, ở đây, có người tự mình lệ thuộc sanh lại tầm cầu cái lệ thuộc sanh; tự mình lệ thuộc già lại tầm cầu cái lệ thuộc già; tự mình lệ thuộc bệnh lại tầm cầu cái lệ thuộc bệnh; tự mình lệ thuộc chết lại tầm cầu cái lệ thuộc chết; tự mình lệ thuộc sầu ưu lại tầm cầu cái lệ thuộc sầu ưu; tự mình lệ thuộc ô nhiễm lại tầm cầu cái lệ thuộc ô nhiễm.

Này các tỳ-kheo, cái gì đáng gọi là lệ thuộc sanh? Này các tỳ- kheo, vợ con là cái lệ thuộc sanh; nô bộc nam, nô bộc nữ là cái lệ thuộc sanh; dê và cừu là cái lệ thuộc sanh; gà và heo là cái lệ thuộc sanh; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là cái lệ thuộc sanh; vàng và bạc là cái lệ thuộc sanh. Này các tỳ- kheo, những chấp thủ ấy bị sanh. Người ấy bị buộc chặt, đắm đuối, mê say chúng, tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh.[‘Vợ con’ vân vân cũng được giải thích tương tự như vậy với ‘già’ cho đến ‘ô nhiễm’,[18] và tất cả trừ ‘vàng và bạc’ cũng bị ‘bệnh’, ‘chết’ và ‘sầu’]. Người ấy bị buộc chặt, đắm đuối, mê say chúng, tự mình bị già lại tìm cầu cái lệ thuộc già [vân vân]. Này các tỳ-kheo, như vậy gọi là tầm cầu hạ liệt (phi thánh cầu).

Này các tỳ-kheo, thế nào là tầm cầu chí thượng (thánh cầu)? Ở đây, có người tự mình lệ thuộc sanh, sau khi thấy rõ nguy hại của cái lệ thuộc sanh, bèn tầm cầu cái không sanh, Niết- bàn vô thượng an ổn; tự mình lệ thuộc già, sau khi thấy rõ nguy hại của cái lệ thuộc già, bèn tầm cầu cái không già, Niết-bàn vô thượng an ổn; tự mình lệ thuộc bệnh, sau khi thấy rõ nguy hại của cái lệ thuộc bệnh, bèn tầm cầu cái không bệnh, Niết-bàn vô thượng an ổn; tự mình lệ thuộc chết, sau khi thấy rõ nguy hại của cái lệ thuộc chết, bèn tầm cầu cái không chết, Niết-bàn vô thượng an ổn; tự mình lệ thuộc sầu ưu, sau khi thấy rõ nguy hại của cái lệ thuộc sầu ưu, bèn tầm cầu cái không sầu ưu, Niết-bàn vô thượng an ổn; tự mình lệ thuộc ô nhiễm, sau khi thấy rõ nguy hại của cái lệ thuộc ô nhiễm, bèn tầm cầu cái không ô nhiễm, Niết-bàn vô thượng an ổn. Này các tỳ-kheo, như vậy, gọi là tầm cầu chí thượng (thánh cầu).

Này các tỳ-kheo, trước khi chưa giác ngộ, chưa chứng chánh đẳng giác, khi còn là Bồ-tát, Ta cũng vậy, tự mình lệ thuộc sanh lại tầm cầu cái lệ thuộc sanh, tự mình lệ thuộc già… bệnh… chết… sầu ưu… và ô nhiễm lại tầm cầu cái lệ thuộc ô nhiễm.

Này các tỳ-kheo, rồi Ta suy nghĩ như sau: ‘Tại sao Ta, tự mình lệ thuộc sanh lại tầm cầu cái lệ thuộc sanh, tự mình lệ thuộc già… bệnh… chết… sầu ưu… và ô nhiễm lại tầm cầu cái lệ thuộc ô nhiễm?’

Vậy Ta, tự mình lệ thuộc sanh, sau khi thấy rõ nguy hại của cái lệ thuộc sanh, bèn tầm cầu cái không sanh, Niết-bàn vô thượng an ổn; tự mình lệ thuộc già [vân vân], sau khi thấy rõ nguy hại của cái lệ thuộc già [vân vân], hãy tầm cầu cái không già… không bệnh… không chết… không sầu ưu… không ô nhiễm, Niết-bàn vô thượng an ổn.

Này các tỳ-kheo, sau một thời gian, khi Ta còn thiếu niên, niên thiếu, tóc đen nhánh, sung mãn lạc thú của tuổi thanh xuân, đang thời thịnh tráng, mặc dầu cha mẹ không bằng lòng, nước mắt đầy mặt, than khóc, Ta cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.[19] Ariya-pariyesana Sutta: Majjhima-nikāya I.161–163, dịch Anh G.A.S.

L.8 Xuất gia

Đoạn này tường thuật đức Cồ-đàm (Gotama) khởi đầu đời sống xuất gia tầm đạo.

Ở đây, này Aggivessana, trước khi chưa giác ngộ, chưa chứng chánh đẳng giác, khi còn là Bồ-tát, Ta suy nghĩ: ‘Ðời sống tại gia chật hẹp, đường đời đầy bụi bặm;[20] đời sống xuất ly[21] rộng rãi như hư không. Thật rất không dễ gì khi sống tại gia[22] mà có thể sống trọn vẹn đời sống phạm hạnh viên mãn, thanh khiết, trắng tinh như vỏ ốc. Vậy Ta hãy cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình?’

Này Aggivessana, sau một thời gian, khi Ta còn thiếu niên, niên thiếu, tóc đen nhánh, sung mãn lạc thú của tuổi thanh xuân, đang thời thịnh tráng, mặc dầu cha mẹ không bằng lòng, nước mắt đầy mặt, than khóc, Ta cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

Mahā-saccaka Sutta: Majjhima-nikāya I.240–241, dịch Anh G.A.S.

L.9 Hành trình tầm đạo

Ta tán thán xuất gia, như người xuất gia có mắt sáng, sau khi quán sát, hoan hỷ hạnh xuất gia.

Đời tại gia chật hẹp, đường đời đầy bụi bặm, đời xuất gia phóng khoáng, thấy vậy nên xuất gia.

Sau khi đã xuất gia, viễn ly thân ác hành, viễn ly ngữ ác hành, sống chánh hạnh thanh tịnh.

Phật[23] đi đến Vương xá,57 đấng tướng hảo quang minh,[24] đến thành núi bao quanh (Girigabba), khất thực xứ Ma-kiệt (Magadha).

Đứng trên sân lầu thượng, Bình-sa vương[25] thấy Ngài, có đầy đủ tướng tốt, bèn nói lên lời này:

‘Hãy xem tôn giả kia, đoan chính, sắc tịnh diệu, có đầy đủ chánh hạnh, mắt nhìn trước một tầm.[26]

Chánh niệm, mắt nhìn xuống, gia tộc hẳn cao quý. Phái sứ giả đi theo, xem tỳ-kheo đi đâu.’

Sứ giả vua sai đi, bước theo sau lưng, hỏi: ‘Tỳ-kheo đi về đâu? Trú xứ ở chỗ nào?’

Khất thực từng nhà một,[27] với các căn chế ngự,[28] bình bát nhanh chóng đầy, tỉnh giác và chánh niệm.

Sau khi hành khất thực, ẩn sĩ ra khỏi thành, lên đỉnh Paṇḍava: ‘Sẽ trú ở chỗ này.’

Thấy Ngài đến chỗ trú, ba sứ giả ngồi chờ, còn một vị đi về, kể lại chuyện vua hay:

‘Ðại vương, tỳ-kheo ấy, phía đông Paṇḍava, ngồi như cọp, bò chúa; như sư tử trong hang.’

Sau khi nghe sứ thuật, đức vua ngự xa giá, vội vàng ra khỏi thành, đi đến Paṇḍava.

Đến chỗ xe đi được, vua xuống xe đi bộ; đức vua tiến lại gần, đi vào chỗ Ngài ở.

Vua ngồi xuống chỗ ngồi, cũng trao đổi chào hỏi; chào hỏi thân thiện rồi, vua nói lên nghĩa này:

‘Ngài niên thiếu, trẻ trung, đang độ tuổi thanh xuân, dung sắc đoan chánh đẹp, thiện sanh dòng Sát-lợi.

‘Nghiêm chỉnh đội hùng binh, đoàn quân voi dẫn đầu: tài vật tôi chia Ngài. Xin hỏi: gia tộc sanh.’

‘Đi thẳng từ phương này, dân tộc cạnh Tuyết sơn, giàu có và hùng mạnh, hệ thuộc Kiều-tát-la (Kosala).

Thuộc hậu duệ Nhật thân (Ādicca), huyết thống tộc Thích-ca. Từ đó tôi xuất gia, không vì ham dục lạc.

Thấy nguy hiểm trong dục, thấy xuất ly an ổn; xuất ly, hành tinh tấn; tâm tôi vui trong đây.’

Pabbajjā Sutta: Sutta-nipāta 405–424, dịch Anh G.A.S.

Đắc các định vô sắc vi tế

Trên đường tầm đạo, đức Cồ-đàm (Gotama) trước tiên đi đến hai vị thầy chỉ dẫn Ngài tu chứng hai trạng thái ‘vô sắc’ huyền bí vượt ra ngoài tri giác của giác quan, mà sau đó Phật dung hội vào giáo pháp của mình. Tuy nhiên, những đoạn dịch sau đây cho thấy hai vị này chưa đạt mục đích cần đạt đến.

L.10 Học ‘vô sở hữu xứ’ với Āḷāra Kālāma

Này các tỳ-kheo, sau khi xuất gia như vậy, đi tìm cái gì chí thiện, tầm cầu đạo lộ vô thượng dẫn đến an tịnh tối thắng, Ta đến gặp Āḷāra Kālāma và thưa rằng: ‘Tôn giả Kālāma, tôi muốn sống đời phạm hạnh trong pháp và luật này’.[29] Này các tỳ-kheo, nghe nói vậy, Āḷāra Kālāma nói với ta như vầy: ‘Hiền giả, hãy sống ở đây. Pháp này (giáo lý và những gì nó dẫn tới) là như vậy, khiến kẻ có trí không bao lâu tự chứng nhập và an trú trong ấy, tự mình bằng thắng trí mà tác chứng pháp của tôn sư của mình’.

Này các tỳ-kheo, không lâu sau đó, rất nhanh chóng, Ta đã thông suốt Pháp ấy. Này các tỳ-kheo, nếu Ta nói về thuyết giáo của kẻ trí và thuyết giáo của bậc trưởng thượng, cho đến mức chỉ bằng tụng đọc nơi môi và tụng đọc lặp lại suông thì Ta, và những kẻ khác cũng vậy, có thể tuyên bố: ‘Tôi biết và tôi thấy’.

Này các tỳ-kheo, ta suy xét rằng: ‘Không phải chỉ bằng tín mà Āḷāra Kālāma tuyên bố rằng, do tự mình tác chứng pháp ấy bằng thắng trí mà chứng nhập và an trú trong pháp ấy. Thật vậy, Āḷāra Kālāma biết và thấy Pháp này mà an trú’. Này các tỳ-kheo, rồi ta đi đến Āḷāra Kālāma và hỏi rằng: ‘Tôn giả Kālāma, phải chăng, cho đến chừng mực ấy, tôn giả tuyên bố rằng, do tự mình tác chứng bằng thắng trí mà tôn  giả chứng nhập và an trú trong Pháp này?’ Này các tỳ-kheo, Āḷāra Kālāma trả lời mà tuyên bố về vô sở hữu xứ.[30]

Này các tỳ-kheo, Ta suy xét rằng: ‘Không chỉ Āḷāra Kālāma có tín, Ta cũng có tín tâm; không chỉ Āḷāra Kālāma có tinh tấn, Ta cũng có tinh tấn; không chỉ Āḷāra Kālāma có  niệm, Ta cũng có niệm; không chỉ Āḷāra Kālāma có định, Ta cũng có định; không chỉ Āḷāra Kālāma có tuệ, Ta cũng có tuệ.[31] Vậy Ta hãy nỗ lực tác chứng Pháp mà Āḷāra Kālāma tuyên bố, do tự mình tác chứng bằng thắng trí mà chứng nhập và an trú.’ Này các tỳ-kheo, không lâu sau đó, rất nhanh chóng, Ta chứng nhập và an trú Pháp ấy do tự mình tác chứng bằng thắng trí.

Này các tỳ-kheo, rồi ta đi đến Āḷāra Kālāma và nói rằng: ‘Tôn giả Kālāma, phải chăng, cho đến chừng mực ấy, tôn giả tuyên bố rằng, do tự mình tác chứng bằng thắng trí mà tôn giả chứng nhập và an trú trong Pháp này?’ ‘Hiền giả, cho đến chừng mực ấy, tôi tuyên bố rằng do tự mình tác chứng bằng thắng trí mà chứng nhập và an trú Pháp này.’ ‘Tôn giả Kālāma, cho đến chứng mực ấy, Tôi cũng chứng nhập và an trú trong Pháp này tự đạt và an trú trong Pháp này do tự mình tác chứng bằng thắng trí.’

‘Hiền giả, lợi đắc thay cho chúng tôi, thật khéo lợi đắc thay cho chúng tôi khi chúng tôi có một đồng phạm hạnh như vậy. Vậy Pháp mà tôi tuyên bố chứng nhập và an trú do tự mình tác chứng bằng thắng trí, cũng là Pháp mà hiền giả chứng nhập và an trú do tự mình tác chứng bằng thắng trí. Và Pháp mà hiền giả chứng nhập và an trú do tự mình tác chứng bằng thắng trí, cũng là Pháp mà tôi chứng nhập và an trú do tự mình tác chứng bằng thắng trí. Vậy hiền giả biết Pháp mà tôi biết, và tôi biết Pháp mà hiền giả biết. Tôi như thế nào, thì hiền giả cũng như thế ấy; hiền giả như thế nào, thì tôi cũng như thế ấy. Hãy đến đây, hiền giả, nay chúng ta hãy cùng lãnh đạo hội chúng này.’

Này các tỳ-kheo, như vậy Āḷāra Kālāma là đạo sư của Ta, lại đặt Ta, đệ tử của vị ấy, ngang hàng với mình, và tôn sùng Ta với sự tôn sùng tối thượng. Tuy vậy, này các tỳ-kheo, Ta suy xét rằng: ‘Pháp này không dẫn đến yểm ly, ly tham, tịch diệt, tịch tĩnh, không dẫn đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn, mà chỉ dẫn đến tái sanh vào cõi vô sở hữu xứ.’ Này các tỳ-kheo, không thỏa mãn với Pháp ấy, thất vọng với Pháp ấy, Ta từ giã.

Ariya-pariyesana Sutta: Majjhima-nikāya I.163–165, dịch Anh G.A.S.

L.11 Học ‘phi tưởng phi phi tưởng xứ’ với Rāma-Tử

Trong đoạn này, đức Cồ-đàm (Gotama) vượt hơn thầy của mình là con trai của Rāma bằng chứng đắc trạng thái mà chỉ có Rāma mới đạt được.

Này các tỳ-kheo, đi tìm cái gì chí thiện, tầm cầu đạo lộ vô thượng dẫn đến tối thắng an ổn, Ta đi đến Uddaka, con trai của Rāma (Rāmaputta), và thưa rằng: ‘Tôn giả, tôi muốn sống đời phạm hạnh trong pháp và luật này’. Này các tỳ- kheo, nghe nói vậy, Uddaka con trai của Rāma nói với Ta như vầy: ‘Hiền giả, hãy sống ở đây. Pháp này (giáo lý và những gì nó dẫn tới) là như vậy, khiến kẻ có trí không bao  lâu tự chứng nhập và an trú trong ấy, tự mình bằng thắng trí mà tác chứng pháp của tôn sư của mình’.

Này các tỳ-kheo, không lâu sau đó, rất nhanh chóng, Ta đã thông suốt Pháp ấy. Này các tỳ-kheo, nếu Ta nói về thuyết giáo của kẻ trí và thuyết giáo của bậc trưởng thượng, cho đến mức chỉ bằng tụng đọc nơi môi và tụng đọc lặp lại suông thì Ta, và những kẻ khác cũng vậy, có thể tuyên bố: ‘Tôi biết và tôi thấy’.

Này các tỳ-kheo, Ta suy xét rằng: ‘Không phải chỉ bằng tín mà Uddaka, con trai của Rāma, tuyên bố rằng, do tự mình tác chứng pháp ấy bằng thắng trí mà chứng nhập và an trú trong pháp ấy. Thật vậy, Uddaka con trai của Rāma biết và thấy Pháp này mà an trú’. Này các tỳ-kheo, rồi ta đi đến Uddaka con trai của Rāma và hỏi rằng: ‘Tôn giả Uddaka, phải chăng, cho đến chừng mực ấy, tôn giả tuyên bố rằng, do tự mình tác chứng bằng thắng trí mà tôn giả chứng nhập và an trú trong Pháp này?’ Này các tỳ-kheo, Uddaka con trai của Rāma trả lời mà tuyên bố về phi tưởng phi phi tưởng xứ.[32]

Này các tỳ-kheo, Ta suy xét rằng: ‘Không chỉ Uddaka con trai của Rāma có tín, Ta cũng có tín tâm; không chỉ Uddaka con trai của Rāma có tinh tấn, Ta cũng có tinh tấn; không chỉ Uddaka con trai của Rāma có niệm, Ta cũng có niệm; không chỉ Uddaka con trai của Rāma có định, Ta cũng có định; không chỉ Uddaka con trai của Rāma có tuệ, Ta cũng có tuệ. Vậy Ta hãy nỗ lực tác chứng Pháp mà Uddaka con trai của

Rāma tuyên bố, do tự mình tác chứng bằng thắng trí mà chứng nhập và an trú.’ Này các tỳ-kheo, không lâu sau đó, rất nhanh chóng, Ta chứng nhập và an trú Pháp ấy do tự mình tác chứng bằng thắng trí.

Này các tỳ-kheo, rồi Ta đi đến Uddaka con trai của Rāma và nói rằng: ‘Tôn giả Uddaka, phải chăng, cho đến chừng mực ấy, tôn giả tuyên bố rằng, do tự  mình tác chứng bằng thắng trí mà tôn giả chứng nhập và an trú trong Pháp này?’ ‘Hiền giả, cho đến chừng mực ấy, tôi tuyên bố rằng do tự mình tác chứng bằng thắng trí mà chứng nhập và an trú Pháp này.’ ‘Tôn giả Uddaka, cho đến chừng mực ấy, Tôi cũng chứng nhập và an trú trong Pháp này, tự đạt và an trú trong Pháp này do tự mình tác chứng bằng thắng trí.’

‘Hiền giả, lợi đắc thay cho chúng tôi, thật khéo lợi đắc thay cho chúng tôi khi chúng tôi có một đồng phạm hạnh như vậy. Vậy Pháp mà tôi tuyên bố chứng nhập và an trú do tự mình tác chứng bằng thắng trí, cũng là Pháp mà hiền giả chứng nhập và an trú do tự mình tác chứng bằng thắng trí. Và Pháp mà hiền giả chứng nhập và an trú do tự mình tác chứng bằng thắng trí, cũng là Pháp mà tôi chứng nhập và an trú do tự mình tác chứng bằng thắng trí. Vậy hiền giả biết Pháp mà tôi biết, và tôi biết Pháp mà hiền giả biết. Tôi như thế nào, thì hiền giả cũng như thế ấy; hiền giả như thế nào, thì tôi cũng như thế ấy. Hãy đến đây, hiền giả, nay chúng ta hãy cùng lãnh đạo hội chúng này.’

Này các tỳ-kheo, như vậy Uddaka con trai của Rāma, đồng phạm hạnh của Ta, lại đặt Ta vào địa vị bậc thầy[33], và tôn sùng ta với sự tôn sùng tối thượng. Tuy vậy, này các tỳ-kheo, Ta suy xét rằng: ‘Pháp này không dẫn đến yểm ly, ly tham, tịch diệt, tịch tĩnh, không dẫn đến thắng trí, giác ngộ, Niết- bàn, mà chỉ dẫn đến tái sanh vào cõi vô sở hữu xứ.’ Này các tỳ-kheo, không thỏa mãn với Pháp ấy, thất vọng với Pháp ấy, Ta từ giã.

Ariya-pariyesana Sutta: Majjhima-nikāya I.165–166, dịch Anh G.A.S.

***

[1] Hoàn toàn tỉnh táo, hoàn toàn có ý thức, hay hoàn toàn biết rõ.

[2] Một trong nhiều hạng sanh thiên. Một điểm đặc biệt về nơi này là nó được cho là nơi mà các bồ-tát cư trú ngay trước đời sống cuối trước khi thành Phật.

[3] Câu này cũng có thể được dịch là ‘cùng với Ma vương, Phạm thiên’ (số ít), tức là Ma vương cùng vị Đại Phạm thiên của thế giới này của chúng ta. 35 Thế giới hệ: một tiểu thế giới giống như một thái dương hệ, gồm có mặt trăng và mặt trời di chuyển trong quỹ đạo của chúng và chiếu sáng các phương. Một nghìn tiểu thế giới lập thành một tiểu thiên thế giới như một cụm thiên hà; một nghìn tiểu thiên thế giới (như một nghìn thiên hà, hay một triệu thái dương hệ) lập thành một trung thiên thế giới; và một nghìn trung thiên thế giới (1 triệu thiên hà, hay 1 tỉ thái dương hệ) lập thành 1 đại thiên thế giới (* Th.62). Giữa thế giới hệ là những trung gian thế giới tối tăm u ám, các chúng sanh bất hạnh sống đơn độc trong đó.

[4] Các hình thức giới cấm truyền cho cho hàng cư sĩ.

[5] Nói theo nghĩa đen giống như tiếng ngưu vương, tức là như tiếng gầm của con bò đầu đàn.

[6] Câu này cũng có thể được dịch là ‘cùng với Ma vương, Phạm thiên’ (số ít), tức là Ma vương cùng vị Đại Phạm thiên của thế giới này của chúng ta.

[7] Sakka, được gọi là vua của chư thiên, thống lĩnh chư thiên Tam thập tam, một tầng trời trong Dục giới. Trong tôn giáo Veda, ông được gọi là Indra, vị thần hùng mạnh và đôi khi say sưa, nhưng trong Phật giáo, ông đã biến đổi thành một vị thiên chủ có giới hạnh, được gọi là sakka, nguyên nghĩa ‘người có tài năng’, được hiểu là một đệ tử của đức Phật. Điều thú vị là ông đã kết hôn với Sujā, con gái của các a-tu-la thù nghịch!

[8] Con số làm tròn chỉ cho đến ba mươi ba thiên thần (Tam thập tam thiên).

[9] Meru, còn được gọi là Sumeru (Meru vi diệu) là ngọn núi cao nhất trong thần thoại Ấn-độ. Chư thiên Tam thập tam cư ngụ trên đỉnh núi này. 42 Đây chỉ cho khu rừng Isipatana (Tiên nhân đọa xứ) ở Varanasi (Ba-la- nại), nơi đức Phật thuyết bài pháp đầu tiên.

[10] Suddhodana, vị vua dòng họ Sakya của Kapilavatthu, là phụ thân của bồ- tát.

[11] Nghĩa là sẽ khiến cho ảnh hưởng giáo pháp của Ngài được lan truyền.

[12] Cuộc sống độc thân tập trung vào việc học và hành Pháp.

[13] Thể nữ tánh của họ Gotama.

[14] Có nghĩa là ‘Vị Sáng Chói’, hoặc có nghĩa là hậu duệ của bộ tộc Aṅgīrsa.

[15] Một thành bang có thủ đô là Varanasi.

[16] Māgaṇḍiya là một người theo chủ nghĩa khoái lạc ủng hộ việc sống buông theo những dục lạc. Đức Phật ở đây đang chỉ cho ông những hậu quả tai hại khi theo đuổi dục lạc.

[17] Một người nam được nói là hưởng thụ những dục lạc này từ một người nữ; cũng vậy, một người nữ thụ hưởng những dục lạc này từ một người nam. Vì vậy, thế thì dục lạc (kāma) chủ yếu có nghĩa là lạc thú tính dục.

[18] Tức là, chỉ chung cả những thác loạn của tâm, lẫn các tạp chất trong kim loại quý.

[19] Sống cuộc đời lang thang của người xuất gia.

[20] Những ô nhiễm như tham, sân.

[21] Đời sống xuất gia.

[22] Trong một gia đình, tức là, sống đời thế tục trong một gia đình.

[23] Mặc dù vẫn chưa giác ngộ, bài kệ đề cập đến Ngài bằng từ ‘Phật’. 57 Rājagaha: kinh đô xứ Magadha.

[24] Xem *L.38.

[25] Bimbisāra, vua xứ Magadha, trở thành một đệ tử rất thân thiết của Phật, đến viếng Phật bất cứ khi nào có cơ hội. Khi già, Bimbisāra bị sát hại bởi con trai đầy tham vọng A-xà-thế (Ajātasattu).

[26] Khoảng cách của một luống cày, một khoảng cách ngắn phía trước, khoảng hai mét.

[27] Đến từng nhà trong làng để khất thực, không lựa chọn, để mọi gia đình có cơ hội tạo phước bằng cách cúng thí thực phẩm.

[28] Chế ngự năm giác quan và tâm ý, không để phát sinh các trạng thái như tham lam hay sân hận.

[29] Tức là, giáo thuyết và thực hành mang tính tôn giáo-triết học.

[30] Hoặc ‘không có gì’, mà trong giáo pháp của Phật sau này đây là tên của tầng định vô sắc thứ ba (xem *Th.142). Tuy nhiên, trong Phật giáo, định (samādhi) này được đạt đến phải y chỉ trên bốn tĩnh lự (bốn thiền/ dhyāna), nhưng đó không phải là trường hợp nói đây.

[31] Tín, tấn, niệm, định và tuệ là năm thiện căn cũng được nói trong Phật giáo (xem *Th.89).

[32] Cũng là tên gọi của một tầng định vô sắc trong Phật giáo: tầng định thứ tư, vượt lên tầng vô sở hữu.

[33] So sánh với đề nghị đồng hàng đạo sư của Āḷāra Kālāma, ở đây Uddaka Rāmaputta tôn lên hàng đạo sư trọn vẹn chứ không chỉ là bậc thầy.