ẤN QUANG ĐẠI SƯ VĂN SAO
TINH HOA LỤC
印光大師文鈔菁華錄
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
(theo ấn bản của Cổ Tấn Báo Ân Niệm Phật Đường)
Giảo chánh: Minh Tiến, Huệ Trang & Đức Phong

 

V. Miễn cư tâm thành kính (Khuyên gắng giữ lòng thành kính)

* Nhập đạo có nhiều cửa, chỉ do chí hướng của mỗi người, trọn không có một pháp nhất định. Cái nhất định là Thành, là Cung Kính. Hai sự này dẫu chư Phật tột cùng đời vị lai xuất thế cũng chẳng thể thay đổi được. Nhưng bọn phàm phu sát đất chúng ta muốn tiêu nghiệp lụy nhanh chóng, mau chứng Vô Sanh lại chẳng dốc sức nơi hai chuyện này thì ví như cây không rễ lại muốn xum xuê, chim không cánh lại muốn bay, há có được chăng? (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 1, Thư trả lời thầy Hoằng Nhất – 1)

* Một pháp Niệm Phật là pháp giản dị nhất, dễ dàng nhất, rộng nhất, lớn nhất, nhưng phải khẩn thiết, chí thành đến cùng cực mới có thể cảm ứng đạo giao, được lợi ích thật sự ngay trong đời này (Chiều hôm đại sư Ấn Quang thị hiện viên tịch, đã bảo các vị như Diệu Chân rằng: “Pháp môn Tịnh Độ không có gì là lạ lùng, đặc biệt cả, chỉ cần khẩn thiết chí thành thì không một ai chẳng được Phật tiếp dẫn, đới nghiệp vãng sanh”. Theo Vĩnh Tư Tập). Nếu biếng trễ, lười nhác, không mảy may kính sợ, dẫu gieo được viễn nhân, nhưng cái tội khinh nhờn khó thể tưởng được nổi…. Tôi thường nói: “Muốn được lợi ích thật sự nơi Phật pháp thì phải hướng về cung kính mà cầu. Có một phần cung kính thì tiêu tội nghiệp một phần, tăng phước huệ một phần. Có mười phần cung kính, thì tiêu tội nghiệp mười phần, tăng phước huệ mười phần. Nếu không cung kính đến nỗi khinh nhờn thì tội nghiệp càng tăng, phước huệ càng giảm”. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 1, Thư trả lời cư sĩ Đặng Bá Thành)

* Lễ tụng trì niệm, các thứ tu trì đều phải lấy thành kính làm chủ. Nếu thành kính cùng cực thì công đức sẽ như trong kinh nói: “Dẫu thuộc địa vị phàm phu, tuy chưa thể viên đắc, nhưng sở đắc của người ấy đã khó thể nghĩ bàn”. Nếu không thành kính sẽ giống như diễn tuồng, khổ, sướng, buồn, vui đều là giả vờ, chẳng do nội tâm phát ra. Dẫu có công đức cũng chẳng thể vượt khỏi si phước trong nhân thiên mà thôi; nhưng ắt sẽ lại ỷ vào si phước ấy mà tạo ác nghiệp, nỗi khổ trong tương lai khi nào hết được? (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 1, Thư trả lời cư sĩ Cao Thiệu Lân – 2)

* Là Thành, là Cung Kính. Những chữ ấy cả thế gian đều biết, nhưng đạo ấy cả thế gian đều lầm. Ấn Quang do tội nghiệp sâu nặng, mong tiêu trừ tội chướng để báo ân Phật nên thường tìm cầu khuôn mẫu tu trì tốt đẹp của cổ đức, do vậy mới biết Thành và Cung Kính quả thật là bí quyết cực diệu để siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử. Vì thế, tôi thường ra rả bảo cùng những ai hữu duyên. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 1, Thư trả lời cư sĩ X… ở Vĩnh Gia – 5)

* Như Lai diệt độ, chỉ còn kinh tượng tồn tại. Nếu coi tượng bằng đất, gỗ, vàng, sơn vẽ v.v… là Phật thật sẽ diệt được nghiệp chướng, phá phiền hoặc, chứng tam-muội, xuất sanh tử. Nếu coi là đất, gỗ, vàng, sơn vẽ v.v… thì chỉ là đất, gỗ, vàng, sơn vẽ mà thôi; khinh nhờn đất, gỗ, vàng, sơn vẽ thì không mắc lỗi gì. Nếu khinh nhờn tượng Phật bằng đất, gỗ, vàng sơn vẽ thì tội ngập trời! Đọc tụng kinh Phật, lời Tổ, phải nghĩ Phật, Tổ đang hiện diện đích thân nói cho chúng ta, chẳng dám manh nha ý niệm lười nhác, coi thường.

Tôi nói người làm được như thế ắt được vãng sanh, cao đăng phẩm vị, chứng ngộ triệt để Nhất Chân. Nếu không, bèn là đùa cợt với pháp môn, được lợi ích bất quá là thấy nhiều, biết nhiều, nói trơn tru, nhưng chẳng được thọ dụng thật sự mảy may gì, chỉ thành chuyện nghe lỏm nói mò! Đối với Tam Bảo, cổ nhân luôn giữ lòng kính trọng thật sự, chẳng phù phiếm bàn xuông! Người bây giờ ngay một chữ “khuất” còn không nói được, huống gì thực hành? (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 1, Thư trả lời cư sĩ Vưu Tích Âm ở Vô Tích)

* Nghi thức lễ Phật đối với người rất bận chẳng cần phải lập riêng, chỉ cần chí thành khẩn thiết xưng niệm Phật hiệu, thân lễ dưới chân Phật, ắt phải thành kính như Phật đang hiện diện là được rồi! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 2, Thư trả lời cư sĩ Trương Vân Lôi – 2)

* Chẳng thể lễ xá-lợi, chẳng thể thân cận tùng lâm, nào có thiếu sót gì đâu? Cứ hễ thấy tượng Phật, liền nghĩ đó là đức Phật thật, thấy kinh Phật, lời Tổ, liền tưởng như Phật, Tổ đang đối mặt dạy mình, phải cung, phải kính, không biếng nhác, không coi thường thì chẳng phải là suốt ngày thấy Phật, suốt ngày thân cận chư Phật, Bồ Tát, tổ sư, thiện tri thức, xá-lợi, tùng lâm hay sao? (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 2, Thư gởi cư sĩ Tạ Dung Thoát)

* Hết thảy các kinh Đại Thừa hiển hay mật do đức Đại Giác Thế Tôn đã nói, về lý đều vốn duy tâm, đạo phù hợp Thật Tướng. Trải ba đời chẳng biến đổi, cả mười pháp giới đều tuân theo. Là người dẫn đường để trở về nguồn, quay lại cội, dẹp khổ, ban vui, là đạo sư của chư Phật, là bậc cha lành dẹp khổ ban vui cho chúng sanh. Nếu có thể tột lòng thành, tận lòng kính, lễ tụng, thọ trì thì cả mình lẫn người đều được lợi ích thù thắng, u – hiển đều được gội ân quang. Dường như Như Ý Châu, giống như Vô Tận Tạng, lấy chẳng hết, dùng chẳng cùng, tùy tâm hiện lượng đều vẹn sở nguyện. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 2, Trì Kinh Lợi Ích Tùy Tâm Luận)

* Muốn được lợi ích thật sự nơi Phật pháp thì phải thực hiện với mười phần thành tâm. Trì kinh và niệm Phật về mặt Sự tuy giống nhau, nhưng lòng Thành có sâu hay cạn, phù phiếm hay thiết tha khác biệt, cho nên lợi ích càng khác biệt lớn lao! Mọi chuyện trong thế gian đều phải do lòng Thành để được thành tựu, huống gì trì kinh, niệm Phật, muốn dùng cái thân phàm phu để liễu sanh thoát tử, siêu lên cõi Phật, mà thiếu lòng Thành há có được chăng? (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Lý Thính Đào ở Hải Môn)

* Trì tụng kinh chú, quý tại chí thành. Dẫu trọn chẳng biết nghĩa, mà nếu có thể hết lòng Thành, cạn lòng kính, kiền thành, khẩn thiết thọ trì thì lâu ngày chầy tháng tự nhiên sẽ nghiệp tiêu, trí rạng, chướng tận, tâm minh, còn có thể thấu hiểu trực tiếp ý Phật, huống là những giải thích về mặt văn tự và ý nghĩa của chúng ư?

Nếu không, dẫu có thấu hiểu thông suốt nhưng do chẳng chí thành thì chỉ trở thành tình kiến phàm phu, dò đoán suy lường mà thôi; chứ không có cách nào đạt được lợi ích chân thật và sự cảm ứng chân thật của kinh! Do hoàn toàn là thức tâm[1] phân biệt suy lường thì làm sao có thể ngầm thông Phật trí, thầm hợp diệu đạo, hễ vừa vượt thoát liền chứng nhập trực tiếp, mau chóng đạt lợi ích thù thắng? (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 3, Lời tựa sách Triêu Mộ Khóa Tụng Bạch Thoại Giải Thích)

* Kinh dạy: “Thân người khó được, Phật pháp khó được nghe”. Nếu không có nhân duyên kiếp xưa thì danh hiệu kinh Phật còn chẳng được nghe, huống là được thọ trì, đọc tụng, tu nhân, chứng quả ư? Những gì đức Như Lai đã nói đều y theo lý vốn sẵn có trong tâm chúng sanh, ngoài tâm tánh trọn chẳng có một pháp nào để đạt được cả. Chỉ vì chúng sanh đang mê nên chẳng thể hiểu rõ, trong Chân Như Thật Tướng bèn huyễn sanh vọng tưởng, chấp trước. Do vậy, khởi tham – sân – si, tạo giết – trộm – dâm, mê trí huệ nên thành phiền não, ngay nơi thường trụ bèn thành sanh diệt, trải trần điểm kiếp, không thể thoát được. May mắn gặp được những kinh Đại Thừa hiển – mật do đức Như Lai đã nói, mới biết hạt châu vẫn y nguyên nơi chéo áo, Phật tánh vẫn tồn tại. Tự coi mình là khách, là kẻ hạ tiện, nhưng vốn thật là con ông trưởng giả. Trời – người sáu nẻo chẳng phải là chỗ ta ở; Thật Báo, Tịch Quang mới là quê nhà sẵn có. Nghĩ lại từ vô thủy đến bây giờ, chưa nghe lời Phật nên dù sẵn có tâm tánh này, vô cớ bị luân hồi oan uổng! Thật là đáng đau đớn khóc than, tiếng rền đại thiên, tim từng miếng xé toạc, ruột từng tấc đứt lìa. Ân ấy, đức ấy quả còn hơn trời đất, cha mẹ gấp trăm ngàn vạn lần. Dẫu nghiền thân nát xương, há có thể báo đền được? (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 2, Kiệt Thành Phương Hoạch Lợi Ích Luận)

* Kinh Kim Cang dạy: “Nếu kinh điển này ở đâu, chỗ ấy có Phật, phải như đệ tử tôn trọng [Phật]”. Lại dạy: “Nơi nơi, chốn chốn, nếu có kinh này thì hết thảy thế gian trời, người, A Tu La đều phải nên cúng dường. Phải biết chỗ ấy chính là tháp, đều nên cung kính, làm lễ, đi nhiễu, dùng các thứ hương hoa rải lên nơi đó”. Vì sao lại dạy như thế? Do hết thảy chư Phật và pháp Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác của hết thảy chư Phật đều từ kinh này mà ra.

Các kinh Đại Thừa đâu đâu cũng dạy con người phải cung kính kinh điển, chứ không phải chỉ nói một lần rồi thôi! Ấy là vì các kinh Đại Thừa chính là mẹ của chư Phật, là thầy của Bồ Tát, là Pháp Thân xá-lợi của tam thế Như Lai, là thuyền Từ thoát khổ của chúng sanh trong chín giới. Dù cao đăng Phật quả vẫn còn phải kính pháp, ngõ hầu báo đáp đến tận gốc, chẳng quên đại ân. Vì thế, kinh Niết Bàn dạy: “Pháp là mẹ của Phật, Phật từ Pháp sanh”.

Tam thế Như Lai đều cúng dường Pháp, huống gì hạng phàm phu sát đất, toàn thân đầy nghiệp lực, như tù nhân phạm tội nặng bị giam cầm lâu ngày trong lao ngục, không cách gì thoát ra được! May sao nhờ vào thiện căn đời trước, được xem kinh Phật, như tù nhân nhận được lệnh tha, mừng rỡ vô ngần! Do vậy, bèn nương theo kinh pháp vái chào tam giới mãi mãi, thoát khỏi lao ngục sanh tử vĩnh viễn, đích thân chứng Tam Thân, về thẳng quê nhà Niết Bàn. Vô biên lợi ích do nghe kinh bèn đạt được, há có nên dựa theo tri kiến cuồng vọng chẳng giữ lòng kính sợ, giống như nhà Nho đọc sách trong cõi tục, buông tuồng khinh nhờn ư? (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 2, Kiệt Thành Phương Hoạch Lợi Ích Luận)

* Còn như duyệt kinh, nếu muốn làm pháp sư để tuyên dương cho đại chúng thì hãy nên đọc kinh văn trước, kế đến là đọc chú sớ. Nếu tinh thần không sung túc, kiến giải không hơn người, chớ nên uổng công lao tâm lao lực, uổng phí năm tháng. Nếu muốn tùy sức chứng được lợi ích thật sự, phải chí thành khẩn thiết, thanh tịnh ba nghiệp, trước hết đoan tọa một lát để thân tâm ngưng lặng, rồi sau đấy mới lễ Phật tụng ra tiếng, hoặc chỉ thầm đọc, hoặc lễ Phật rồi đoan tọa một chút, sau đấy mới mở kinh ra. Cần phải ngồi ngay ngắn nghiêm chỉnh như đối trước thánh dung, đích thân nghe viên âm, chẳng dám chớm một niệm lười nhác, cũng chẳng dám khởi một niệm phân biệt. Đọc thẳng từ đầu đến cuối, bất luận dù văn hay nghĩa đều nhất loạt chẳng dụng công để hiểu.

Đọc kinh như thế, người lợi căn liền có thể ngộ được lý Nhị Không, chứng pháp Thật Tướng. Nếu như căn cơ độn, kém, cũng có thể tiêu trừ nghiệp chướng, tăng trưởng phước huệ. Lục Tổ nói: “Chỉ xem kinh Kim Cang liền có thể minh tâm kiến tánh”, tức là nói đến cách xem như vậy đó. Vì thế nói “chỉ”. Có thể xem kinh như thế thì xem kinh Đại Thừa nào cũng có thể minh tâm kiến tánh, há phải riêng gì kinh Kim Cang là như vậy!

Nếu cứ một bề phân biệt, câu nói này nghĩa là gì, đoạn này nghĩa là gì, bèn hoàn toàn thuộc vào phàm tình vọng tưởng, đoán mò, suy lường, há có thể ngầm hợp ý Phật, viên ngộ ý chỉ của kinh, nhân đó nghiệp chướng tiêu trừ, phước huệ tăng cao ư?…

Ngài Trí Giả tụng kinh, hoát nhiên đại ngộ, lặng lẽ nhập định, há có phải là do tâm phân biệt mà hòng đạt được ư? Một vị cổ đức chép kinh Pháp Hoa, nhất tâm chuyên chú bèn được “niệm cực, tình vong, đến khi trời tối mịt vẫn cứ viết mãi. Thị giả vào nói trời đã tối đen rồi sao thầy vẫn viết mãi, liền duỗi tay ra chẳng thấy được bàn tay[2]. Duyệt kinh như thế cùng với tham thiền, khán thoại đầu, trì chú, niệm Phật có cùng một sự chuyên tâm chuyên chí. Ra sức như thế, lâu ngày ắt có bữa sẽ được lợi ích hoát nhiên quán thông.

Thời Minh, thiền sư Tuyết Kiểu Tín, người phủ thành Ninh Ba, không biết chữ nào, trung niên xuất gia, nhọc nhằn tham cứu tận lực, nhẫn được những điều người khác chẳng thể nhẫn, làm được những điều người khác không thể làm, khổ hạnh ấy người khác quả thật khó thể làm được. Lâu ngày đại triệt đại ngộ, thuận miệng nói ra những điều khéo khế hợp thiền cơ, dẫu không biết chữ, chẳng thể viết được, nhưng lâu ngày bèn biết chữ. Lâu sau ngọn bút vẫy vùng, nghiễm nhiên thành một nhà thư pháp lớn. Các lợi ích này đều cầu từ nơi chẳng phân biệt, chuyên ròng tham cứu. Người duyệt kinh cũng nên lấy cách này làm pháp tắc. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 1, Thư trả lời cư sĩ X… ở Vĩnh Gia – 5)

* Người học Phật ban đêm đừng ngủ trần truồng, phải mặc áo, quần đùi, tâm thường như đối trước Phật. Ăn cơm chớ nên quá mức. Cơm ngon đến đâu đi nữa chỉ ăn đến mức tám chín phần [là tối đa]. Ăn mười phần đã chẳng có ích cho người; ăn mười mấy phần ắt tạng phủ bị thương tổn. Thường ăn như thế nhất định bị đoản thọ. Hễ ăn quá nhiều, tâm hôn trầm, thân mỏi mệt, tiêu hóa chẳng kịp, ắt phải trung tiện. Chuyện trung tiện là chuyện tệ nhất, là chuyện gây nên tội lỗi lớn nhất. Nơi Phật điện, tăng đường, đều phải cung kính; như thắp hương chẳng qua để biểu lộ tấm lòng, chứ xét rốt ráo ra, chẳng có loại nào đáng xem là hương cả! Nếu ăn nhiều, vãi trung tiện hết sức hôi thối, khiến cho hơi thối ấy xông sực Tam Bảo, tương lai ắt sanh làm loài giòi trong hầm phân. Chẳng ăn quá mức sẽ chẳng phóng trung tiện!

Nếu như dùng chất lạnh, cảm thấy không ổn, hễ vô sự bèn đi ra chỗ trống xả ra, đợi đến khi tan mùi lại quay vào trong thất. Nếu có việc chẳng ra ngoài được, hãy nên dùng sức kềm lại, chưa đầy một khắc nó sẽ tan mất trong bụng. Có người nói chẳng phóng ra sẽ thành bệnh; lời lẽ này còn nặng tội hơn chuyện phóng trung tiện, vạn phần chớ nghe theo… Chúng ta là nghiệp lực phàm phu ở trong Phật điện của bậc Thánh Trung Thánh, Thiên Trung Thiên (thánh của các thánh, trời của các trời), nơi có đủ Tam Bảo, sao dám chẳng kiềm chế, mặc tình trung tiện ư? Tội lỗi ấy lớn nhất không gì sánh bằng! Có lắm kẻ do chẳng xem nhiều trước thuật của cổ đức, nên tưởng là cổ đức không nói đến. Chẳng biết cổ đức nói rất khéo, gọi đó là “tiết hạ khí” (hơi rỉ ra từ bên dưới). Họ cũng chẳng hiểu câu đó có nghĩa là gì, chẳng thèm để ý. Ba mươi, bốn mươi năm trước, Quang thường nói đến chuyện này, sau thử hỏi lại, người ta chẳng biết là chuyện gì! Do vậy, tốt nhất cứ nói thẳng là “trung tiện”. Trong tuồng hát, hễ chửi người khác nói năng buông tuồng, bèn nói: “Lời ngươi nói như thả rắm”. Phàm có chuyện gì kinh sợ, đều chẳng dám thở mạnh, làm sao còn đánh trung tiện được? Do buông tuồng không kiêng dè, nên mới trung tiện! Chớ có nói “nhắc đến chuyện trung tiện nghe không nhã”, thật ra, tôi vì muốn tạo cách cứu người khỏi bị làm giòi trong hầm phân! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư răn nhắc người mới phát tâm học Phật ở quê tôi)

* Sáng dậy và lúc đại tiểu tiện xong, phải rửa tay. Phàm sờ lên thân, mò xuống chân đều phải rửa tay. Những tháng mùa Hạ ống quần chớ buông thùng thình, phải bó lại. Tùy tiện khạc đàm hỉ mũi là chuyện tổn phước lớn lắm! Đất Phật thanh tịnh, chẳng những trong điện đường chẳng được khạc nhổ, hỉ mũi, mà ngay cả trên cuộc đất sạch phía ngoài điện đường cũng chẳng nên khạc nhổ, xỉ mũi. Nhổ trên đất sạch sẽ tạo thành vẻ dơ bẩn! Có kẻ luông tuồng chẳng kiêng dè, khạc bừa ra đất hay khạc lên vách trong phòng! Một gian phòng đẹp đẽ mà khắp đất, đầy tường toàn là đàm. Kẻ ấy khạc đàm để ra vẻ hống hách, lâu ngày thành bệnh, hằng ngày thường khạc; tinh hoa của đồ ăn thức uống đều biến thành đàm hết! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư răn nhắc người mới phát tâm học Phật ở quê tôi)

*  Xem kinh luận và các loại sách vở chớ nên vội vã. Phải xem nhiều lần, xem gấp rút sẽ chẳng thể ngưng lặng được, khó lòng thấu đạt ý chỉ. Kẻ hậu sinh hơi thông minh, được một bộ kinh sách bèn quên ăn bỏ ngủ để xem, coi một lần là xong liền. Lần thứ hai không còn hứng thú xem nữa. Dù có xem, cũng giống như vẻ mất hồn ngơ ngẩn. Những loại người này đều chẳng thể thành tựu, hãy nên tận lực ngăn ngừa! Tô Đông Pha nói: “Cựu thư bất yếm bách hồi độc. Thục độc thâm tư tử tự tri” (Sách cũ trăm lần xem chẳng chán; đọc kỹ, nghĩ sâu ắt tự biết).

Khổng Tử là bậc thánh thông minh thiên phú còn đọc kinh Dịch đến độ ba lần đứt lề sách. Với tư cách của Khổng Tử, vừa qua mắt liền thuộc lòng, cần gì phải nhìn vào văn để đọc nữa? Do vậy, ta biết: Nhìn vào văn có điểm rất tốt. Đọc thuộc thì phần lớn là miệng đọc qua trơn tru, còn xem văn thì mỗi chữ, mỗi câu đều biết được chỉ thú. Chúng ta nên học theo cách này, chớ nên tỏ vẻ chính mình thông minh, chuyên đọc thuộc lòng.

Thời Khổng Tử không có giấy. Hễ viết thì viết trên tấm gỗ hoặc viết trên thẻ tre (trúc giản 竹簡, tức là thẻ bằng tre). Sáu mươi tư quẻ Dịch do Phục Hy[3] vạch ra. Phần Thoán[4] mở đầu sáu mươi bốn quẻ do Văn Vương soạn. [Ý nghĩa của] sáu hào trong mỗi quẻ do Châu Công định ra. Ngoài ra, phần Thoán Truyện, Tượng Truyện của Thượng Kinh, phần Thoán Truyện, Tượng Truyện của Hạ Kinh và phần Văn Ngôn của hai quẻ Càn Khôn, Hệ Từ Thượng Truyện, Hệ Từ Hạ Truyện, Thuyết Quái Truyện, Tự Quái Truyện, Tạp Quái Truyện[5], được gọi chung là Thập Dực đều do Khổng Tử biên soạn. Nếu chỉ xét theo số lượng chữ thì phần biên soạn của Khổng Tử gấp mười mấy lần phần trước tác kinh Dịch của Văn Vương, Châu Công. Nhưng Khổng Tử đọc kinh Dịch của Văn Vương, Châu Công rốt cuộc đến nỗi dây buộc sách bằng da thuộc bị mòn đứt ba lần, đủ biết số lần đọc chẳng thể tính đếm xuể! Chúng ta hằng đọc kinh Phật, trì Phật danh giống như Khổng Tử đọc kinh Dịch ắt sẽ có thể dùng lời Phật, phẩm đức của Phật mà un đúc cái tâm nghiệp thức của chính mình trở thành trí huệ tạng của Như Lai. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư răn nhắc người mới phát tâm học Phật ở quê tôi)

* Kinh chẳng thể đọc được, tượng chẳng thể thờ được nữa, lẽ đương nhiên hãy nên thiêu đi, nhưng chớ nên làm giống như thiêu giấy chữ bình thường, mà phải tạo ra đồ để thiêu riêng, giữ gìn nghiêm ngặt chẳng để cho tro bay sang chỗ khác. Đem tro ấy đựng trong túi vải may thật kín, lại bỏ thêm cát sạch hoặc đá sạch để hễ bỏ xuống nước sẽ chìm ngay, chẳng đến nỗi giạt vào hai bờ. Nếu có ai ra biển, đến chỗ sâu bỏ xuống giữa biển, hoặc nơi sâu trong sông to thì được, chớ bỏ xuống ngòi nhỏ, rạch nhỏ. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 1, Thư trả lời sư Như Sầm hỏi thay cho bạn)

 

*******

[1] Thức tâm (còn gọi là Tâm Sở Pháp), tức cái tâm bị chi phối bởi tác dụng của sáu thức hay tám thức; gọi như vậy để phân biệt với chân tâm.

[2] Theo Tử Bách Lão Nhân Tập, quyển 22, vị Tăng này chính là Nhất Am thiền sư sống vào thời Gia Tĩnh (1522-1566) nhà Minh.

[3] Phục Hy: Còn được gọi là Bào Hy, hoặc Thái Hạo, theo truyền thuyết sống vào khoảng 8.000 hoặc 7.500 trước Công Nguyên, là một trong ba vị thánh vương (Tam Hoàng, tức Phục Hy, Hoàng Đế, Thần Nông) của Cổ Trung Hoa. Ông và bà Nữ Oa (có thuyết nói họ là anh em, nhưng thường được hiểu là vợ chồng) được coi là thủy tổ của nhân loại trong văn hóa Hoa Hạ. Theo đó, cả ông và Nữ Oa đều có nửa thân dưới là rắn. Ông ta đóng đô tại Uyển Khưu (nay là huyện Hoài Dương, tỉnh Hà Nam). Theo thần thoại, Phục Hy lên đàn hình vuông, nghe tiếng gió thổi đến từ tám phía, bèn nghĩ ra Bát Quái.

[4] Trong Kinh Dịch, mỗi quẻ có một lời giảng tổng quát ý nghĩa của quẻ ấy gọi là Thoán (彖). Lời giải thích ý nghĩa mỗi một Hào (爻, tức một vạch liền hoặc đứt) trong một quẻ gọi là Hào Từ (爻辭) tương truyền do Châu Công soạn).

[5] Kinh Dịch được chia thành hai phần: Thượng Kinh gồm 30 quẻ đầu, Hạ Kinh gồm 34 quẻ sau. Thập Dực có nghĩa là mười cái cánh. Đa phần các nhà chú giải cho rằng: Phần Thoán và phần Hào giống như con chim đã trọn vẹn hình rồi, thêm Thập Dực như chắp cánh thêm lông cho con chim được thêm toàn vẹn. Thời cổ, chữ Truyện có nghĩa là lời giải thích kinh điển. Thoán Truyện là lời giải thích cho rõ ý nghĩa phần Thoán Từ. Tượng Truyện là phần giải thích ý nghĩa của Tượng được biểu thị bởi mỗi quẻ (Đại Tượng), phần giải thích tượng của mỗi hào gọi là Tiểu Tượng. Theo cụ Nguyễn Hiến Lê, Tượng (象) có nghĩa là hình thái, như câu “tại thiên thành tượng, tại địa thành hình” (trên trời thành tượng, dưới đất thành hình); nó còn có ý nghĩa là biểu tượng như câu “Thiên thùy tượng, kiến cát, hung; thánh nhân tượng chi” (Trời hiện ra hình tượng, thấy điềm lành, điềm dữ, thánh nhân phỏng theo đó lập nên biểu tượng). Hệ Từ truyện thường được hiểu là phần giải thích chung cho mỗi quẻ và hào. Văn Ngôn Truyện là phần giảng về lời kinh văn, nhưng chỉ chú trọng vào ý nghĩa hai quả Thuần Càn và Thuần Khôn. Thuyết Quái Truyện giảng về ý nghĩa tám quẻ đơn (Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài). Tự Quái Truyện giải thích về thứ tự các quẻ (lý do tại sao lại sắp các quẻ theo thứ tự đó). Tạp Quái Truyện giải thích linh tinh về một số quẻ.