ẤN QUANG ĐẠI SƯ VĂN SAO
TINH HOA LỤC
印光大師文鈔菁華錄
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
(theo ấn bản của Cổ Tấn Báo Ân Niệm Phật Đường)
Giảo chánh: Minh Tiến, Huệ Trang & Đức Phong

 

IV. Luận sanh tử đại sự

1. Răn nhắc mạng sống vô thường

* Quang âm nhanh chóng, thời thế đổi dời trong từng sát-na, chẳng ngừng nghỉ dẫu chỉ một niệm. Đấy chính là tạo vật hiện tướng lưỡi rộng dài vì khắp hết thảy chúng sanh như bà với tôi mà nói: “Mạng người vô thường, vinh hoa chẳng tồn tại dài lâu, hãy gấp đi theo diệu pháp vô thượng để khỏi bị trầm luân”. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 4, Dạy tỳ-kheo-ni X…)

* Đại sự sanh tử cần phải lo liệu sẵn! Nếu đợi đến lúc ra đi (lúc lâm chung) mới tu, chỉ sợ bị nghiệp lực đoạt mất! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 1, Thư trả lời cư sĩ Châu Quần Tranh)

* Cổ nhân nói: “Thông minh chẳng cự nổi nghiệp, phú quý chẳng khỏi luân hồi”. Sanh tử xảy đến, không dựa vào đâu được, chỉ có A Di Đà Phật là nương dựa được. Tiếc là người đời biết điều này quá ít; tuy biết nhưng chân tín thật niệm lại càng ít hơn nữa! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 2, Thư trả lời cư sĩ Bao Hữu Vũ – 2)

* Cầu sanh Tây Phương không được sợ chết. Nếu chết ngay ngày hôm nay thì hôm nay bèn sanh về Tây Phương, như câu nói: “Triêu văn đạo, tịch tử khả hỹ” (Buổi sáng nghe đạo, tối chết cũng được); há đâu hôm nay phải chết, lại chẳng muốn chết. Đã tham luyến trần cảnh, chẳng thể buông xuống, bèn do tham thành chướng, cảnh Tịnh Độ không hiện, cảnh giới theo nghiệp thọ sanh trong đường thiện, nẻo ác bèn hiện Cảnh hiện sẽ theo nghiệp thọ sanh trong đường thiện, nẻo ác vậy. Chuyện vãng sanh Tây Phương bèn thành bánh vẽ!

Vì thế, người tu Tây Phương hôm nay chết cũng được, dẫu phải sống tới một trăm hai mươi tuổi mới chết cũng xong. Hết thảy phó mặc nghiệp trước, chẳng lầm lạc sanh so đo. Nếu tín nguyện chân thành, thiết tha, khi báo hết mạng tận, thần thức bèn siêu nơi tịnh vực, nghiệp trả lại trần lao, sen nở hoa chín phẩm, trong một đời được Phật thọ ký. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 1, Thư trả lời cư sĩ Cao Thiệu Lân – 1)

* Đại trượng phu sống trong thế gian, không chuyện nào chẳng tính toán sẵn, nhưng chỉ có mỗi một chuyện sanh tử đa số đều ngược ngạo bỏ mặc không hỏi tới, mãi cho đến khi báo hết mạng tận phải theo nghiệp chịu báo, chẳng biết một niệm tâm thức này sẽ lại đi thọ sanh trong đường nào! Cõi trời người là quán trọ, tam đồ là quê nhà! Mỗi lần thọ báo trong tam đồ là trăm ngàn kiếp, trọn chẳng có dịp nào lại được sanh trong cõi trời người! Do vậy nói rằng: “Đương nhiên không thể nào không miệt mài cầu tìm pháp liễu sanh tử!” (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Lời tựa cho bản in gộp chung hai sách Tịnh Độ Vấn Biện và Công Quá Cách)

* Phật pháp không một ai chẳng kham tu, mà cũng không một ai chẳng thể tu được. Chỉ nên trong niệm niệm biết “chẳng tu tịnh nghiệp sanh về Tây Phương thì sẽ luân hồi cả kiếp dài lâu, chẳng thể thoát được!” Do vậy, xót mình, xót người, thương ta, thương người, lớn tiếng hô hào để gần là người nhà, xa là người đời đều cùng tu đạo này! So với việc chỉ cầu tự giải thoát cho chính mình, lợi ích há nào phải khác biệt vời vợi như trời với đất? (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 3, Thư trả lời cư sĩ Lạc Quý Hòa – 1)

2. Dạy hành nhân hãy chuyên cậy vào Phật lực

* Trong Phật pháp, pháp môn vô lượng, bất luận Đại, Tiểu, Quyền, Thật, hết thảy pháp môn đều phải dùng Giới – Định – Huệ để đoạn tham – sân – si cho hết sạch không còn sót thì mới có thể liễu sanh thoát tử. Điều này khó như lên trời, chẳng phải là chuyện hàng phàm phu sát đất đầy dẫy triền phược như chúng ta mà hòng mong mỏi được. Nếu dùng lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, cầu sanh Tây Phương, thì bất luận công phu cạn hay sâu, công đức lớn hay nhỏ, đều có thể cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương.

Điều này giống như ngồi chiếc tàu thủy to vượt biển, chỉ chịu lên tàu liền có thể đến được bờ kia; ấy là nhờ sức tàu chứ chẳng phải là bản lãnh của chính mình. Tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương cũng giống như thế, hoàn toàn là Phật lực, chứ không phải do đạo lực của chính mình. Hễ đã sanh về Tây Phương thì sanh tử đã liễu, phiền não chẳng sanh, đã giống như người vận dụng công phu tại nơi ấy đã lâu, đã đoạn sạch phiền não, liễu sanh tử.

Vì thế, niệm Phật quyết định phải cầu sanh Tây Phương, chớ nên cầu phước báo trời người trong đời sau, chớ nên nương theo những kẻ rời lìa tín nguyện, chỉ dẫn người khác niệm Phật cầu khai ngộ. Niệm Phật cốt yếu là nhiếp trọn sáu căn. Trong lúc niệm Phật, nhiếp tai lắng nghe kỹ, đấy chính là biện pháp để nhiếp sáu căn. Có thể chí tâm lắng nghe kỹ thì công đức so với việc “chẳng lắng nghe, niệm tán loạn” khác biệt rất lớn. Pháp này bất luận người thượng, trung, hạ căn đều dùng được, đều được lợi ích, chỉ có lợi, không điều tệ. Hãy nên bảo hết thảy mọi người tu đều tu theo pháp này. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư gởi cư sĩ Trương Tịnh Giang)

* Chúng ta đã luân hồi trong sanh tử bao kiếp dài lâu, đã tạo ác nghiệp vô lượng vô biên. Nếu cậy vào tự lực để tu trì hòng diệt sạch Hoặc nghiệp phiền não để liễu sanh thoát tử thì còn khó hơn lên trời! Nếu có thể tin vào pháp môn Tịnh Độ do đức Phật đã nói, dùng lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, niệm danh hiệu A Di Đà Phật, cầu sanh Tây Phương thì bất luận nghiệp lực lớn hay nhỏ đều có thể cậy vào Phật từ lực, vãng sanh Tây Phương.

Ví như một hạt cát bỏ vào nước liền chìm; nhưng khối đá mấy ngàn, mấy vạn cân đặt trên một chiếc đại hỏa luân thuyền[1] chẳng những không chìm, mà còn chuyển sang được nơi khác để tùy ý sử dụng. Đá ví như nghiệp lực sâu nặng của chúng sanh, đại hỏa luân thuyền ví như Di Đà nguyện lực rộng lớn. Nếu không niệm Phật, cậy vào sức tu trì của chính mình để mong liễu sanh tử thì phải đạt đến địa vị nghiệp tận tình không mới được. Nếu không, dù cho đoạn được phiền não Hoặc nghiệp chỉ còn sót lại một tí xíu thì cũng chẳng thể liễu được. Ví như một hạt cát cực bé cũng phải chìm trong nước, quyết chẳng thể tự mình vượt ra ngoài nước được!

Các hạ chỉ nên sanh lòng tin, niệm Phật cầu sanh Tây Phương, đừng nghĩ gì khác nữa. Nếu làm được như thế thì tuổi thọ chưa tận sẽ liền mau được lành bệnh; vì công đức chuyên nhất, chí thành niệm Phật có thể diệt trừ được ác nghiệp đời trước. Ví như mặt trời đã mọc lên, tuyết sương bèn tan mất. Tuổi thọ đã tận thì liền vãng sanh. Do tâm không có ý niệm khác nên bèn được cảm ứng đạo giao cùng Phật; vì thế, được Phật từ tiếp dẫn vãng sanh. Nếu các hạ tin được lời này thì sống cũng được đại lợi ích mà thác cũng được đại lợi ích. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 2, Thư trả lời cư sĩ Cừu Bội Khanh – 2)

* Kinh Lăng Nghiêm, nếu người không biết pháp Tịnh Độ đọc đến sẽ cho kinh này là công thần bậc nhất để đả phá Tịnh Độ; còn người đã biết Tịnh Độ sẽ thấy kinh này là hướng dẫn tốt lành cho Tịnh Độ. Vì sao nói thế? Dùng tự lực để ngộ đạo khó lắm, còn vãng sanh Tịnh Độ lại dễ. Nhân quả của mười pháp giới, mỗi mỗi phân minh. Nếu chẳng cậy vào Phật lực, dù phá được một hai Ấm, vẫn có thể bị ma dựa, trở thành chủng tử địa ngục. Đã thế, hai mươi bốn công phu Viên Thông, người bây giờ ai có thể tu tập được? Chỉ có niệm Phật như con nhớ mẹ, hễ ai có tâm đều phụng hành được. Hễ tịnh niệm tiếp nối bèn tự chứng được Tam Ma (Chánh Định). Người biết tốt – xấu đọc đến có còn chịu chỉ cậy vào tự lực, chẳng nương vào Phật lực hay chăng? (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 2, Thư trả lời cư sĩ X… ở Vĩnh Gia – 7)

* Người niệm Phật nếu mắc bệnh hãy nên một dạ đợi chết. Nếu tuổi thọ chưa hết sẽ chóng lành bệnh, vì toàn thân buông xuống niệm Phật có thể tiêu được nghiệp chướng mạnh nhất. Nghiệp tiêu, bệnh sẽ lành. Nếu không buông xuống được, cứ muốn cầu lành bệnh thì vẫn chưa thể lành bệnh được, mà cũng chắc chắn không cách gì vãng sanh được, vì chẳng nguyện vãng sanh! Nếu không hiểu rõ những đạo lý này, há còn có thể cậy vào Phật từ lực được ư? (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 2, Thư trả lời anh em ông Châu Mạnh Do)

* Pháp môn Tịnh Độ chính là pháp môn vừa cực khó vừa cực dễ. Nói là khó thì [là do vì] bậc đại triệt đại ngộ thâm nhập kinh tạng còn chẳng tin được. Nói là dễ [là do vì] ngu phu, ngu phụ chí thành khẩn thiết niệm, liền có thể lúc lâm chung hiện tướng lành, vãng sanh Tây Phương. Những vị đại triệt đại ngộ, thông hiểu sâu xa kinh luận kia còn chẳng mong ngang vai bằng lứa với họ! Ấy là vì một đằng bỏ Phật lực, chuyên cậy vào tự lực; một đằng chuyên cậy vào Phật từ lực, lấy Phật lực dẫn phát tự lực. Do Phật lực, pháp lực, sức sẵn có trong tự tâm, ba pháp khế hợp, nên được siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử. Pháp này quan trọng nhất là Tín – Nguyện. Có Tín – Nguyện sẽ chắc chắn chịu tích cực tu trì. Chịu tu trì liền đạt được lợi ích vãng sanh. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, Thư trả lời cư sĩ Tập Hoài Tân)

* Phật, Tổ xuất thế đều lập pháp thuận theo cơ nghi. Kẻ độn căn đời Mạt nên chọn lấy pháp vừa khế lý lại vừa khế cơ để chuyên ròng dốc sức, ngõ hầu nương theo Phật từ lực, vượt ngang ra khỏi tam giới, ngay trong một đời này giải quyết xong xuôi đại sự sanh tử chẳng thể dễ dàng giải quyết trong trăm ngàn vạn kiếp. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Lời tựa cho nghi thức niệm tụng của đạo tràng chuyên tu Tịnh Độ Linh Nham Sơn Tự)

3. Dạy những điều thiết yếu về lúc lâm chung

* Một cửa ải lâm chung thật là khẩn yếu. Đời có kẻ ngu trong lúc cha mẹ, quyến thuộc lâm chung, bèn bi thương, đau đớn, khóc lóc, tắm rửa, thay áo, chỉ cốt sao đẹp mắt người đời, chẳng tính kể đến chuyện gây hại cho người chết. Người không niệm Phật thì không nói làm chi, chứ người mang chí hướng khẩn thiết vãng sanh, lúc lâm chung gặp phải hạng quyến thuộc này đa phần đều bị phá hoại chánh niệm, vẫn phải ở lại thế giới này. Trợ niệm lúc lâm chung ví như kẻ yếu đuối trèo núi, sức mình chẳng đủ, may có sức của người đằng trước lôi, người đằng sau đẩy, người hai bên nâng đỡ nên bèn có thể lên đến được đỉnh cao chót vót.

Lâm chung chánh niệm rỡ ràng bị phá hoại [bởi những chuyện như] tình yêu thương của quyến thuộc, dời đổi chỗ v.v… Ví như dũng sĩ trèo núi, sức mình sung mãn, nhưng thân hữu, người quen biết đều đem những vật của họ giao cho đội vác. Đội vác quá nhiều nên sức kiệt, thân nhọc, nhìn vách núi lùi bước.

Lẽ được – mất này tuy do người khác gây ra, nhưng thật ra cũng do nghiệp lực thiện – ác của chính mình từ trong kiếp trước đã thành toàn hay phá hoại người khác mà ra. Phàm những người tu Tịnh nghiệp hãy nên thành toàn chánh niệm cho người khác và bảo cho quyến thuộc biết sẵn về lẽ lợi – hại, khiến cho ai nấy đều biết điều quan trọng nằm ở chỗ thần thức sẽ đạt được, chứ chẳng phải ở chỗ dễ coi thuộc về phương diện tình cảm thế gian, để khỏi phải lo lắng nữa! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 4, Sự tích vãng sanh của ưu-bà-di Trần Liễu Thường và nêu tỏ ý nghĩa ẩn kín của Phật Tánh)

* Phàm con người mắc bệnh, có thể dùng thuốc để trị được thì cũng không nhất quyết chẳng dùng đến thuốc. Nếu chẳng dùng thuốc để trị được thì dù có thuốc tiên cũng vô ích, huống gì là thuốc thế gian? Bất luận bệnh có trị được hay không, đều nên uống thuốc A Già Đà. Thuốc này tuyệt đối chẳng hại người, uống vào dù thân hay tâm đều thấy công hiệu. Người sống trong thế gian, bất luận lâu hay mau, rốt cục đều phải chết. Chết không đáng tiếc, chết rồi sẽ đi về đâu há chẳng nên sắp đặt sẵn ư? Người có sức tự mình sắp đặt thỏa đáng sẵn sàng thì khi lâm chung cố nhiên chẳng cần đến ai khác giúp đỡ, nhưng nếu được phụ trợ lại càng thêm đắc lực. Người không có sức hãy nên bảo gia thuộc thay mình niệm Phật, ắt đề khởi được chánh niệm, chẳng đến nỗi bị ân ái buộc ràng, vẫn cứ bị tình thương yêu trói buộc y như cũ, trụ mãi nơi đây không thoát ra được! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 2, Thư trả lời cư sĩ Hoàng Hàm Chi – 1)

* Hãy nên đem hết thảy chuyện nhà và sắc thân của chính mình toàn thân buông trọn xuống. Dùng cái tâm chẳng nhiễm mảy trần để trì thánh hiệu vạn đức hồng danh, nghĩ mình sắp chết, ngoại trừ niệm Phật cầu tiếp dẫn ra, chẳng khởi một tạp niệm nào. Làm được như thế thì quyết định vãng sanh Tây Phương, siêu phàm nhập thánh. Tuổi thọ chưa hết thì quyết định nghiệp tiêu, bệnh lành, huệ rạng, phước cao. Nếu không thể niệm như thế, cứ si dại cầu chóng được lành bệnh thì chẳng những không thể chóng lành, trái lại bệnh còn nặng thêm! Nếu mạng đã hết, chắc chắn phải trôi nổi theo nghiệp, vĩnh viễn không có lúc thoát khỏi cõi khổ Sa Bà này. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 2, Thư gởi cư sĩ Phương Thánh Dận)

* Trong tâm bà trừ chuyện niệm Phật ra, chẳng để cho có một chút ý niệm nào khác! Ngay cả cái thân của bà cũng chẳng tính toán sẵn sau khi chết đi sẽ nên an bài ra sao. Ngay cả với cháu, chắt cũng đều nên coi như người không quen biết, mặc kệ chúng nó hay dở ra sao, ta chỉ quan tâm niệm đức Phật của ta, nhất tâm mong chờ đức Phật đến tiếp dẫn ta vãng sanh Tây Phương. Bà làm theo đúng như lời tôi nói, hết thảy mọi sự đều buông xuống hết, đến lúc lâm chung tự nhiên cảm được Phật đích thân rủ lòng tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương. Nếu vẫn cứ tham luyến hết thảy những vật tốt đẹp, tiền bạc, ruộng đất, nhà cửa, đồ cài đầu, quần áo và con cái, cháu chắt v.v… y như cũ thì vàn muôn phần chẳng thể vãng sanh Tây Phương được! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Pháp ngữ dạy nữ cư sĩ Châu Dư Chí Liên)

* Có chánh nhân Tịnh nghiệp, lại còn thêm tâm  chánh tín tự niệm, quyến thuộc trợ niệm, lo gì chẳng vãng sanh! Kẻ chẳng thể vãng sanh đều là do tình ái dấy lên, chánh niệm liền mất. Đừng nói kẻ công phu nông cạn, dẫu là người công phu sâu đậm, vẫn chẳng thể vãng sanh được! Do dùng tình kiến phàm phu để xử sự nên khí phận bị cách ngăn với Phật vậy. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, Thư trả lời cư sĩ Chương Duyên Tịnh).

* Thành tựu người khác vãng sanh thì đến khi chính mình lâm chung ắt sẽ có người khác thành tựu sự vãng sanh cho chính mình, đừng cho chuyện ấy là không quan hệ rồi coi thường! Trong lúc bình thường hãy nên nói với người trong nhà về lợi ích do trợ niệm khi lâm chung cũng như những họa hại do tắm rửa, thay áo sẵn, hoặc đối trước người sắp mất khóc lóc. Hãy nên thỉnh một cuốn Sức Chung Tân Lương [cho họ đọc] để họ biết tường tận. Để rồi đến khi cha mẹ hoặc các quyến thuộc khác sắp mạng chung, quyến thuộc trong nhà sẽ cùng nhau vì người ấy niệm Phật, khiến cho tâm người [sắp mất] ấy giữ được chánh niệm, theo Phật vãng sanh, cũng như thỉnh xã hữu trợ niệm cho người sắp mất ấy. Lúc ấy là lúc ngàn cân treo sợi tóc, quan hệ rất lớn. Hãy nên đem những chi phí ma chay cúng tế rỗng tuếch, hoa mỹ dùng vào lúc ấy, hãy biến tấm lòng buồn đau, tận hiếu chân thành trở thành cái tâm vì cha mẹ niệm Phật. Lại còn bảo quyến thuộc đều nghe theo lời chỉ dạy của xã hữu, đừng khư khư theo tập tục, kẻo làm hỏng đại sự! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Duyên khởi của Trợ Niệm Vãng Sanh Xã tại trấn Cấp Tân, Hải Môn)

* Còn như vì người khác trợ niệm, há nên vì họ niệm Quán Âm, lại còn cầu thọ cho người ấy? Niệm Phật cũng có thể kéo dài mạng sống! Niệm Quán Âm thì không có tâm cầu được vãng sanh. Nếu tuổi thọ đã hết sẽ làm hỏng chuyện. Không phải là Niệm Phật sẽ nhất định chết, niệm Quán Âm nhất định chẳng thể vãng sanh. Chỉ vì kẻ si không có tâm niệm cầu được vãng sanh nên cũng chỉ tạo thành một thứ nghiệp cảm gây hỏng chuyện mà thôi! Vô Lượng Quang là tiêu tai, Vô Lượng Thọ là diên thọ (kéo dài tuổi thọ). Niệm A Di Đà Phật công sức đến cùng cực còn được thành Phật, há lẽ nào niệm Phật chẳng thể kéo dài tuổi thọ, khiến cho chóng chết ư? (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 4, Đáp lời hỏi của ông Trác Trí Lập)

* Kẻ thường ngày chẳng hề niệm Phật, lâm chung được bạn lành khai thị, mọi người trợ niệm, cũng có thể vãng sanh. Người thường niệm Phật nếu lúc lâm chung bị quyến thuộc vô tri tắm rửa, thay quần áo sẵn và hỏi han mọi chuyện, cũng như khóc lóc v.v… Do những nhân duyên ấy phá hoại chánh niệm liền khó được vãng sanh. Vì thế, người niệm Phật lúc thường ngày ắt phải bảo ban quyến thuộc trong nhà đều niệm thì khi chính mình lâm chung bọn họ đều biết trợ niệm. Lại do thường nói lợi ích của sự trợ niệm khi lâm chung và những họa hại do khóc lóc, bày vẽ mù quáng, họ sẽ chẳng đến nỗi vì lòng hiếu mà khiến cho người thân vẫn phải hứng chịu nỗi khổ sanh tử lớn lao, sẽ ngay trong đời này hưởng lợi ích lớn lao vãng sanh Tây Phương. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, Những căn cứ để làm cho hết thảy mọi người niệm Phật được vãng sanh hay không vãng sanh)

* Pháp sư Huyền Trang lúc lâm chung cũng có chút bệnh khổ, tâm nghi ngờ những kinh mình dịch có bị sai lầm gì chăng, có một vị Bồ Tát an ủi Ngài: “Do sự khổ nhỏ này, tội báo của Sư trong những kiếp trước đều tiêu tan cả, chớ nên hoài nghi!” Hãy nên đem ý này an ủi mẹ ông, khuyên cụ sanh lòng hoan hỷ, đừng sanh lòng oán hận, thì quyết định được Phật gia bị. Thọ mạng chưa hết, sẽ chóng lành bệnh, nếu đã hết, sẽ vãng sanh. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 2, Thư trả lời anh em ông Châu Mạnh Do)

* Con người suốt cả một đời chuyện gì cũng có thể giả vờ được, chỉ có lúc sắp chết là không thể giả dối được! Huống chi cụ không có tình ái luyến, vẻ mặt vui tươi, ngồi yên qua đời. Nếu không phải là Tịnh nghiệp thành thục, làm sao được như thế? Chỉ cần nhìn vào anh em ông và gia đình quyến thuộc tích cực vì mẹ niệm Phật, chẳng những bà cụ được lợi ích mà thật ra so với công đức niệm Phật cho chính mình lại càng lớn hơn. Do vậy, đức Phật dạy con người phàm tụng kinh, trì chú, niệm Phật, làm các công đức đều hồi hướng cho pháp giới chúng sanh. Bình thời còn hồi hướng cho chúng sanh không liên hệ gì với mình, huống gì lúc mẹ mất lại chẳng chí tâm vì mẹ niệm Phật hay sao?

Bởi lẽ, hồi hướng cho hết thảy chúng sanh chính là phù hợp với thệ nguyện Bồ Đề của Phật, như một giọt nước gieo vào biển cả cũng trở thành sâu rộng như biển cả. Nếu chưa đến được biển, đừng nói chi là một giọt nước, dẫu trường giang, sông lớn hiển nhiên vẫn thua xa biển cả như trời với đất. Do vậy, biết rằng phàm thí cho mẹ và hết thảy mọi người đều chính là tự vun bồi phước cho mình! Biết được nghĩa này thì người có lòng hiếu sẽ càng tăng trưởng lòng hiếu; kẻ không có lòng hiếu cũng sẽ phát khởi tâm hiếu. Thỉnh Tăng niệm Phật suốt bốn mươi chín ngày rất tốt. Lúc niệm Phật thì anh em ông phải có người hiện diện niệm theo. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 2, Thư trả lời anh em ông Châu Mạnh Do)

* Đối với việc cầu an cho người bệnh, tiến vong[2], người đời nay hay chú trọng tụng kinh, bái sám, làm đàn Thủy Lục[3] v.v… Quang đều bảo những bạn bè quen biết nên niệm Phật, bởi niệm Phật lợi ích hơn tụng kinh, bái sám, làm đàn Thủy Lục nhiều lắm. Vì sao vậy? Tụng kinh thì người không biết chữ chẳng thể đọc theo. Dù biết chữ nhưng tụng nhanh như nước chảy thì người miệng lưỡi hơi chậm chạp cũng không tụng được. Người biếng nhác tuy tụng được nhưng cũng không chịu tụng, thành ra hữu danh vô thực. Bái sám, làm đàn Thủy Lục cũng cứ theo đó mà suy!

Niệm Phật thì không một ai chẳng thể niệm được, dẫu cho kẻ biếng nhác không chịu niệm, nhưng mọi người đồng thanh cùng niệm, nếu kẻ ấy không bịt tai thì một câu Phật hiệu cố nhiên sẽ rành rẽ phân minh rót vào tâm, tuy chẳng niệm mà cũng chẳng khác gì niệm. Như người nhiễm hương, thân có mùi thơm, tuy không cố ý muốn thơm mà ngờ đâu lại được như thế. Vì thân quyến đảo bệnh, cầu siêu, chẳng thể không biết điều này. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 2, Thư trả lời cư sĩ Hoàng Hàm Chi – 1)

* Trong lúc ma chay, cúng tế, toàn dùng đồ chay, đừng bị thế tục xoay chuyển. Dẫu bị kẻ chẳng hiểu thời thế chê là không đúng, cũng cứ mặc cho họ cười chê. Tang ma, chôn cất, chớ nên bày vẽ phô trương quá mức. Làm Phật sự chỉ nên niệm Phật, đừng làm Phật sự gì khác, cũng như bảo cả nhà đều khẩn thiết niệm Phật thì đối với mẹ ông, đối với quyến thuộc và thân thích, bằng hữu của các ông đều có lợi ích thật sự. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 2, Thư trả lời anh em ông Châu Mạnh Do)

* Từ khi Phật pháp truyền sang phương Đông, Tăng chúng đều [được an táng theo cách] hỏa thiêu. Những bậc cao nhân thông đạt, sùng tín Phật pháp đời Đường đời Tống cũng thường dùng cách này, vì Phật pháp trọng thần thức, chỉ sợ đắm chấp thân xác, chẳng thể giải thoát được! Thiêu đi thì sẽ biết “thân xác này chẳng phải là ta”, không còn đắm chấp nữa. Lại vì [người đã khuất] tụng kinh niệm Phật, mong cho họ chứng được Pháp Thân. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Bi ký về việc Linh Nham Sơn Tự xây dựng tháp Phổ Đồng cho tứ chúng)

* Khi Phật pháp hưng thạnh vào thời Đường – Tống, người tại gia thường dùng cách hỏa táng. Nhưng hãy nên thuận theo thói đời mà chôn cất, vì sợ kẻ chấp trước câu nệ sẽ lầm lạc nói ra nói vào, chứ thật ra thiêu sẽ dễ dàng gọn gàng hơn. Qua bốn mươi chín ngày rồi hãy thiêu là ổn thỏa. Chôn lâu ngày thì rất có thể xương cốt bị phơi bày. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 2, Thư trả lời anh em ông Châu Mạnh Do)

* Ðiều bi thảm nhất trong thế gian không chi bằng cái chết, nhưng người trong khắp cả cõi đời, không một ai may mắn thoát được! Vì vậy, người có tâm muốn lợi mình, lợi người, chẳng thể không sớm lo liệu! Thật ra, một chữ CHẾT vốn chỉ là giả danh, do kỳ hạn của quả báo chiêu cảm từ [các nhân] đời trước đã hết nên bỏ tấm thân này rồi lại thọ cái thân khác vậy. Kẻ chẳng biết Phật pháp thì đúng là không tìm được cách gì, chỉ đành mặc cho nghiệp xoay chuyển. Nay đã được nghe pháp môn Tịnh Ðộ phổ độ chúng sanh của đức Như Lai thì phải nên tín nguyện niệm Phật, sắp đặt sẵn tư lương vãng sanh, hầu mong thoát được nỗi khổ luân hồi sanh tử giả huyễn, chứng sự vui Niết Bàn thường trụ chân thật.

Nếu ai có cha, mẹ, anh, em và các quyến thuộc mắc phải bệnh nặng, bệnh tình khó bề thuyên giảm, thì hãy nên phát tâm hiếu thuận, từ bi, khuyên họ niệm Phật cầu sanh Tây Phương và trợ niệm cho họ, để mong người bệnh nhờ vào đó sau khi chết liền được sanh về Tịnh Ðộ. Sự lợi ích như thế làm sao diễn tả được? Nay tôi nêu lên ba điều trọng yếu để làm căn cứ hòng thành tựu sự vãng sanh cho người lâm chung; lời lẽ tuy thô vụng, quê kệch, nhưng ý vốn lấy từ kinh Phật. Gặp được nhân duyên này, hãy đều nên làm theo. Ba điều trọng yếu vừa nói đó chính là:

– Một là khéo chỉ dạy, an ủi, khiến cho [người sắp mất] sanh chánh tín.

– Hai là mọi người thay phiên niệm Phật để giúp [cho người sắp mất] giữ được tịnh niệm

– Ba là hết sức tránh dời động, khóc lóc, kẻo làm hỏng việc.

Nếu có thể tuân theo ba pháp này để hành thì [người sắp mất] chắc chắn sẽ tiêu trừ được túc nghiệp, tăng trưởng Tịnh nhân (cái nhân để vãng sanh Tịnh Độ), được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương. Hễ được vãng sanh thì sẽ siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử, dần dần tấn tu, ắt sẽ đạt tới viên thành Phật quả mới thôi. Sự lợi ích như vậy hoàn toàn nhờ vào sức trợ niệm của quyến thuộc. Có thể làm được như thế mới là chân hiếu đối với cha mẹ, mới thật là chân đễ[4] đối với anh em trai, chị em gái, mới thật là chân từ đối với con cái, mới thật là chân nghĩa, chân huệ đối với bằng hữu và đối với mọi người. Dùng những điều ấy để vun bồi cái nhân Tịnh Ðộ của chính mình, khơi gợi lòng tin tưởng của những đồng nhân, lâu ngày chầy tháng, đâu có khó gì mà chẳng tập quen thành lề thói cho được? Nay tôi sẽ trình bày từng điều một để chẳng đến nỗi có những điều không thích đáng lúc lâm chung vậy.

a. Ðiều thứ nhất là khéo chỉ bày, an ủi, khiến cho [người sắp mất] sanh chánh tín

Thiết tha khuyên người bịnh buông xuống hết thảy, [chỉ] nhất tâm niệm Phật. Nếu như cần phải giao phó việc gì thì phải mau giao phó. Giao phó xong bèn chẳng đếm xỉa đến nữa, chỉ nghĩ ta nay sắp theo Phật vãng sanh cõi Phật; tất cả sự giàu sang, vui sướng, quyến thuộc thế gian, các thứ trần cảnh đều là chướng ngại, thậm chí khiến ta bị mắc hại. Vì thế, chẳng nên sanh một niệm quyến luyến, vướng mắc.

Phải biết: Một niệm chân tánh của chính mình vốn chẳng có chết. Sự chết vừa mới nói đó chỉ là xả thân này để lại thọ cái thân khác mà thôi! Nếu chẳng niệm Phật thì sẽ phải thuận theo nghiệp lực thiện, ác để lại thọ sanh trong nẻo lành, đường dữ (Đường lành là trời – người. Đường ác là súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục. A Tu La vừa gọi là đường lành vừa gọi là đường ác vì họ tu nhân cảm quả đều là thiện – ác xen tạp). Nếu như trong lúc lâm chung, nhất tâm niệm Nam Mô A Di Ðà Phật thì do tâm niệm Phật chí thành ấy, ắt quyết định cảm được Phật dấy lòng từ bi lớn lao, đích thân tiếp dẫn khiến cho ta được vãng sanh.

Thêm nữa, đừng nghi rằng: Ta là nghiệp lực phàm phu, chỉ do niệm Phật trong một thời gian ngắn, sao lại có thể thoát khỏi sanh tử, vãng sanh Tây Phương? Nên biết rằng: Vì đức Phật đại từ bi nên dẫu là kẻ tội nhân Thập Ác, Ngũ Nghịch rất nặng, lúc lâm chung tướng địa ngục đã hiện ra, mà nếu có thiện tri thức dạy cho niệm Phật bèn niệm mười tiếng hoặc chỉ một tiếng thì cũng được Phật tiếp dẫn, vãng sanh Tây Phương. Hạng người ấy chỉ niệm mấy câu mà còn được vãng sanh, sao vẫn cho rằng ta nghiệp lực nặng nề, niệm Phật ít ỏi để rồi sanh lòng nghi ư?

Phải biết: Chân tánh vốn sẵn có của chúng ta và chân tánh của Phật chẳng hai; chỉ vì ta Hoặc nghiệp sâu nặng nên chẳng thọ dụng được! Nay đã quy mạng nơi Phật như con nương về với cha, chính là trở về với quê nhà ta vốn sẵn có, chứ nào có phải là điều gì vượt ra ngoài khả năng của ta đâu!

Hơn nữa, xưa kia, đức Phật đã phát nguyện: “Nếu có chúng sanh nghe danh hiệu của ta mà chí tâm tin ưa, dẫu chỉ mười niệm mà nếu chẳng được vãng sanh thì chẳng lấy ngôi Chánh Giác”. Vì thế, hết thảy chúng sanh lúc lâm chung phát tâm chí thành niệm Phật cầu sanh về Tây Phương thì không một ai là chẳng được Ngài rủ lòng Từ tiếp dẫn. Ngàn vạn phần chẳng được hoài nghi nữa! Hoài nghi tức là tự mình lầm lạc, họa ấy chẳng nhỏ đâu! Huống hồ, lìa khỏi thế giới khổ não này, sanh về thế giới vui vẻ kia là chuyện hết sức sung sướng, hãy nên sanh tâm hoan hỷ, ngàn vạn phần chẳng được sợ chết! Dẫu sợ chết vẫn chẳng thể không chết, lại còn đâm ra mất phần vãng sanh Tây Phương nữa, vì tâm mình đã trái với tâm Phật rồi! Dẫu Phật sẵn lòng đại từ bi cũng không làm thế nào được đối với những chúng sanh chẳng nương theo lời dạy của Phật!

Vạn đức hồng danh của Phật A Di Ðà giống như lò luyện lớn lao; tội nghiệp trong nhiều kiếp của chúng ta như một mảnh tuyết trong hư không. Nghiệp lực phàm phu do bởi niệm Phật nên nghiệp liền tiêu diệt, giống như mảnh tuyết ở gần bên lò lửa lớn liền bị tiêu hết chẳng còn gì nữa. Vả lại, huống chi nghiệp lực đã tiêu thì bao nhiêu thiện căn sẽ tự nhiên tăng trưởng thù thắng; sao lại còn ngờ chẳng được vãng sanh và Phật chẳng đến tiếp dẫn nữa ư?

Mềm mỏng, uyển chuyển chỉ dạy, an ủi như thế thì người bệnh sẽ có thể tự sanh tâm chánh tín. Ðấy chính là những điều chỉ dạy cho người bệnh. Còn như những chuyện do lòng tận hiếu chí thành mà chính ta phải nên làm thì hãy chú trọng nơi những điểm ấy.

b. Thứ hai là mọi người thay phiên nhau niệm Phật để giúp [cho người chết giữ được] tịnh niệm

Trước đó, đã chỉ dạy người bệnh khiến cho kẻ ấy sanh chánh tín; nhưng vì người bệnh tâm lực yếu ớt, đừng nói chi hạng người lúc còn khỏe mạnh chưa bao giờ niệm Phật, chẳng dễ gì niệm liên tục lâu dài được, ngay cả người một mực chuyên trọng niệm Phật đến lúc ấy cũng hoàn toàn nhờ vào người khác trợ niệm thì mới có thể hữu hiệu. Vì vậy, quyến thuộc trong nhà hãy nên cùng nhau phát tâm hiếu thuận, từ bi, vì người ấy trợ niệm Phật hiệu.

Nếu bệnh tình còn chưa đến nỗi sắp chết vào bất cứ lúc nào thì nên chia ban niệm Phật. Nên chia thành ba ban, mỗi ban hạn định mấy người. Ban đầu tiên niệm Phật ra tiếng, ban thứ hai và thứ ba niệm thầm. Niệm một tiếng đồng hồ thì ban thứ hai niệm tiếp; ban thứ nhất, ban thứ ba niệm thầm. Nếu có chuyện nhỏ thì nên lo liệu trong lúc niệm thầm; còn trong lúc trực ban trọn chẳng nên bỏ đi. Ban thứ hai niệm xong, ban thứ ba niệm tiếp. Xong rồi liền trở lại từ đầu. Niệm một tiếng, nghỉ hai tiếng; [như vậy thì niệm] suốt cả ngày đêm cũng không mệt nhọc lắm.

Phải biết: Chịu giúp cho người khác đạt được Tịnh niệm vãng sanh thì cũng sẽ được hưởng quả báo có người trợ niệm. Chớ có nói “chỉ vì cha mẹ nên mới phải tận hiếu như vậy”, đối với người dưng cũng nên vun bồi ruộng phước của chính mình, trưởng dưỡng thiện căn của chính mình thì mới đúng là đạo tự lợi, chứ chẳng phải chỉ vì người khác mà thôi! Thành tựu một người được vãng sanh Tịnh Ðộ chính là thành tựu một chúng sanh làm Phật. Công đức như thế há thể nghĩ lường được ư?

Ba ban niệm liên tục, tiếng niệm Phật chẳng ngớt. Nếu sức bệnh nhân niệm được thì nương theo đó niệm nho nhỏ theo. Chẳng thể niệm nổi thì lắng tai nghe kỹ, tâm không có niệm gì khác sẽ tự có thể tương ứng với Phật vậy. Tiếng niệm Phật chẳng nên quá to; niệm to sẽ hao hơi, khó niệm lâu được; cũng chẳng thể quá nhỏ khiến cho bệnh nhân nghe chẳng rõ. Chẳng nên niệm quá mau, cũng chẳng nên quá chậm. Quá mau, bệnh nhân niệm theo chẳng nổi, dẫu có lắng nghe [tiếng niệm] cũng khó nghe rõ. Quá chậm thì chẳng tiếp hơi nổi nên cũng khó có ích!

Hãy nên niệm chẳng lớn tiếng, chẳng nhỏ tiếng, chẳng rề rà, chẳng gấp gáp; từng chữ phân minh, từng câu rành mạch, khiến cho từng chữ, từng câu lọt tai thấu dạ bịnh nhân; như vậy thì dễ có sức [niệm theo]. Đối với pháp khí dùng để niệm Phật, chỉ nên dùng dẫn khánh, hết thảy các thứ khác đều nhất loạt chẳng nên dùng. Tiếng dẫn khánh trong trẻo khiến tấm lòng người nghe thanh lương. Tiếng mõ trầm đục chẳng thích hợp cho việc trợ niệm khi lâm chung.

Lại nữa, nên niệm Phật hiệu gồm bốn chữ. Lúc bắt đầu thì niệm vài câu sáu chữ; rồi sau đó chuyên niệm bốn chữ A Di Ðà Phật, chẳng niệm Nam Mô. Do ít chữ dễ niệm nên bệnh nhân sẽ niệm theo được hoặc nhiếp tâm lắng nghe, đều đỡ tốn tâm lực. Quyến thuộc trong nhà niệm như vậy mà thỉnh thiện hữu bên ngoài đến [trợ niệm] thì cũng niệm như vậy. Dù nhiều người hay ít người đều phải niệm như thế, chẳng nên niệm một chốc lại ngưng nghỉ, rồi lại niệm khiến cho bịnh nhân niệm Phật gián đoạn. Nếu gặp lúc ăn cơm thì nên ăn vào lúc thay phiên, đừng ngớt tiếng niệm Phật. Nếu như lúc bịnh nhân sắp tắt hơi thì cả ba ban nên cùng niệm cho đến tận sau khi đã tắt hơi hẳn rồi mới lại chia ba ban niệm suốt ba tiếng đồng hồ nữa. Sau đấy, mới ngưng niệm để lo liệu, sắp đặt mọi việc. Trong lúc niệm Phật, chẳng để cho bè bạn đến trước bệnh nhân thăm hỏi, vỗ về. Ðã có lòng đến thăm thì hãy theo đại chúng niệm Phật mấy thời. Ấy mới là tấm lòng yêu mến chân thật, có ích cho bịnh nhân. Còn nếu cứ theo thói tục thường tình thì chính là đã xô người ta xuống biển. Tình ấy tuy đáng cảm, nhưng [để xảy ra] sự ấy thật đáng đau đớn. Toàn là cậy vào người chủ chốt hiểu rõ đạo lý, bảo trước với người [đến thăm] để khỏi tổn thương tình cảm, lại khỏi gây hại cho bệnh nhân bị phân tâm chẳng được vãng sanh vậy.

c. Thứ ba là kiêng dè dời động, khóc lóc để khỏi làm hỏng đại sự

Lúc người bệnh sắp chết chính là lúc phân biệt giữa thánh, phàm, người, quỷ, [tình trạng khác nào] ngàn cân [treo] đầu sợi tóc; quan trọng cùng cực! Chỉ nên dùng Phật hiệu để hướng dẫn thần thức của người ấy, trọn chẳng nên tắm rửa, thay áo, hoặc dời chỗ nằm. Mặc kệ [người ấy] nằm – ngồi như thế nào, cứ để yên người đó trong tư thế ấy, chẳng nên dời động chút nào. Cũng chẳng nên đối trước [người ấy] mà lộ vẻ buồn bã, thương xót, hoặc đến nỗi khóc lóc. Vì khi đó, [người sắp chết] thân chẳng tự chủ được; hễ lay động là toàn thân lẫn chân tay đều bị đau đớn như bị bẻ, chặt, giằng xé. Hễ đau đớn thì sanh tâm sân hận nên [tâm] niệm Phật bị ngưng dứt. Mang tâm sân hận ra đi, phần nhiều bị đọa vào độc loại (những loài vật hung dữ, độc địa như rắn, bò cạp, rết…), đáng sợ hãi quá sức! Nếu [người sắp chết] thấy [thân quyến] đau đớn, khóc lóc thì tâm mến luyến phát sanh nên [tâm] niệm Phật cũng bị ngừng nghỉ. Vì mang tâm ái luyến mà ra đi nên đến nỗi đời đời, kiếp kiếp chẳng được giải thoát. Lúc ấy, có lợi nhất thì không gì bằng nhất tâm niệm Phật; điều gây hại nhất không chi bằng vọng động, khóc than. Nếu như vọng động, khóc than đến nỗi [người chết] sanh lòng sân hận hay mến luyến thì dẫu có muốn sanh Tây Phương, cả vạn trường hợp cũng chẳng được một!

Thêm nữa, người sắp chết hơi nóng rút từ dưới rút lên trên là tướng siêu thăng, còn [hơi nóng] từ trên rút xuống dưới là tướng đọa lạc. Vì vậy, có thuyết:

Ðảnh thánh, nhãn thiên sanh

Nhân tâm, ngạ quỷ phúc

Súc sanh tất cái ly,

Ðịa ngục cước bản xuất [5]

Nhưng nếu mọi người chí thành trợ niệm thì [người chết] ắt tự có thể sanh thẳng về Tây Phương; chẳng nên thăm dò nhiều lượt khiến cho khi thần thức [người chết] chưa rời [khỏi xác], có thể sẽ do bị kích thích như vậy mà tâm sanh phiền đau nên chẳng được vãng sanh. Lỗi lầm ấy thật là vô lượng vô biên. Xin các thân hữu ai nấy đều khẩn thiết niệm Phật, chẳng cần thăm dò xem hơi nóng cuối cùng bị lạnh đi ở chỗ nào. Kẻ làm con hãy nên lưu tâm điều này mới là hiếu thật sự. Nếu cứ thuận theo các tình cảm thông tục trong thế gian thì chính là xô người thân xuống biển khổ chẳng thương xót, mong một lũ vô tri vô thức xúm lại khen ngợi ta đã tận hiếu! Hiếu như vậy thì có khác chi là tình yêu của La Sát Nữ!

Kinh dạy: “La Sát Nữ ăn thịt người, bảo: ‘Vì ta yêu ngươi nên ăn thịt ngươi!’ Kẻ vô tri kia thể hiện lòng hiếu khiến cho người thân mất vui, bị khổ, há chẳng phải là giống hệt cái tình yêu người của La Sát Nữ hay sao? Tôi nói ra lời này, chẳng phải là không đếm xỉa tình người, chỉ là muốn cho ai nấy đều xét rõ sự thực, cốt sao người chết vãng sanh, kẻ còn sống được phước, nhằm thỏa tấm lòng thành sắt son của con hiền, cháu thảo thương yêu người thân, chẳng ngờ lời lẽ dường như quá khích. Người thương yêu cha mẹ thật sự ắt sẽ lượng thứ cho! (Ấn Quang Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Lâm chung tam đại yếu)

 

********

[1] Thời xưa gọi tàu chạy bằng hơi nước, có bánh xe để đẩy nước ở phía sau tàu là “đại hỏa luân thuyền”.

[2] Tiến vong: Cầu siêu cho người đã khuất.

[3] Còn gọi là Thủy Lục Trai, Thủy Lục Đạo Tràng, Bi Trai Hội. Đây là pháp hội thí thực cho tất cả hữu tình sống trong nước (thủy) trên đất liền (lục) và các loài ngạ quỷ. Nguyên khởi do Lương Võ Đế (Tiêu Diễn) mộng thấy có vị Tăng dạy lập đàn Thủy Lục, cúng thí cho lục đạo tứ sanh. Vua bèn ra lệnh cho biên tập khoa nghi từ các kinh điển, dựa theo chuyện A Nan gặp Diện Nhiên ngạ quỷ (quỷ mặt bốc lửa cháy bừng bừng), được Phật dạy tạo Bình Đẳng Hộc để thí cho ngạ quỷ, soạn ra khoa nghi, tu Thủy Lục Trai Hội tại chùa Kim Sơn khoảng năm 504. Khoa nghi này được các đời sau bổ sung chi tiết hơn

[4] Chân đễ: Tình thương yêu, hòa thuận thật sự đối với anh em.

[5] Đảnh đầu nóng sẽ sanh vào cõi thánh, mắt còn nóng thì sanh vào cõi trời. Ngực nóng thì sanh vào cõi người. Bụng nóng thì sanh vào đường ngạ quỷ. Đầu gối nóng thì sanh vào đường súc sanh. Bàn chân nóng thì sanh trong địa ngục.