MẤY ĐIỆU SEN THANH
Sưu tập: Cư sĩ Bành Tế Thanh & Hy Tốc
Việt dịch: Hòa thượng Thích thượng Thiền hạ Tâm
PHƯƠNG LIÊN TỊNH XỨ MẬT TỊNH ĐẠO TRÀNG
TẬP I
PHẦN MỘT
THÁNH NHÂN KHUYẾN HÓA
MÃ MINH ĐẠI SĨ
Mã Minh Đại sĩ, tiếng Phạn gọi là As’vaghosa, người dòng Bà la môn ở nước Tang Kỳ Đa, xứ Thiên Trúc. Sau Phật diệt độ 600 năm, ngài ứng thế xiển dương Phật pháp, nổi danh là bậc Đại Thừa Luận sư.
Các truyền thuyết về ngài có nhiều điểm không đồng. Theo truyện Phú Pháp Tạng, Mã Minh Đại sĩ xuât gia ở xứ Trung Thiên Trúc, thông suốt các pháp ngoại đạo. Trí tuệ ngài sâu xa, tài biện luận như thác nước tuôn trào, người đương thời khó ai sánh kịp. Sau khi đắc pháp với Tôn giả Phú Na Dạ Xa làm vị Tổ thứ mười hai bên Thiền tông ngài du hóa ở thành Hoa Thị nước Ma Kiệt Đà. Đại sĩ có tạo khúc nhạc nhiệm mầu, tên Lại Tra Hòa La, âm điệu thanh nhã cảm thương, tuyên diễn về pháp khổ, không, vô thường, vô ngã. Bấy giờ, năm trăm vị vương tử trong thành nghe nhạc ấy, tỉnh ngộ việc đời, bỏ nhà đi tu. Vua trong xứ sợ nhân dân nghe nhạc rồi xuất gia quá nhiều, thế nước sẽ bị suy yếu, nên cấm chỉ không cho lưu hành nhạc khúc ấy. Tương truyền khi Đại sĩ khảy đàn thuyết pháp, bầy ngựa lắng nghe đều rơi lệ, kêu lên giọng bi thương nên người đương thời mới tôn hiệu là Mã Minh.
Theo luận Thích Ma Ha Diễn, Mã Minh Đại sĩ nguyên là một vị cổ Phật, hiệu Đại Quang Minh. Khi ngài ứng tích ở xứ Thiên Trúc, thị hiện làm vị Bồ Tát chứng đến ngôi thứ tám Bất Động Địa.
Trong một đời hoằng pháp, Đại sĩ có trứ thuật nhiều Phật điển. Và quyển Đại Thừa Khởi Tín Luận, được các học giả đương thời cùng hậu lai ngợi khen là một danh tác. Quyển luận nầy khái quát các yếu lý Đại thừa, chỉ bày đường lối tu tập, kết cuộc có đoạn khuyên cầu sanh về Tịnh độ như sau:
“Ở thế giới Ta Bà nầy, các hành giả sợ mình không thể thường gặp chư Phật, để gần gũi nghe pháp cúng dường. Và ngại tín tâm khó được thành tựu e dễ bị thối chuyển. Các chúng sanh ấy nên biết rằng, đức Như Lai có phương tiện thù thắng để nhiếp hộ lòng tin. Đó là nhân duyên chuyên tâm niệm Phật, tùy nguyện cầu sanh về cõi Tịnh độ tha phương để thường được thấy Phật, lìa hẳn ba đường ác. Như trong Tu Đa La nói: “Nếu kẻ nào chuyên niệm đức Phật A Di Đà ở thế giới Cực Lạc phương Tây, đem căn lành mình tu hồi hướng nguyện về cõi ấy, tất sẽ được vãng sanh. Vì thường được thấy Phật, nên không còn lo bị thối chuyển”.
Về sau, khi hóa duyên đã mãn, Mã Minh Đại Sĩ gọi Tôn giả Ca Tỳ Ma La đen truyền trao chánh pháp. Xong, ngài liền an lành nhập định, vào môn Long Phấn Tấn Tam Muội, cả mình bay vượt lên hư không hiện ra tướng nhật luân sáng rỡ. Rồi liền hạ xuống trở về bản vị và nhập Niếl Bàn.
LONG THỌ ĐẠI SĨ
Long Thọ Đại sĩ, tiếng Phạn gọi là Nàgàrjuna, người dòng Phạm chí, ứng thế ở xứ Nam Thiên Trúc, sau Phật diệt độ 700 năm. Tương truyền ngài sanh duới cây A Châu Đà Na, cây nầy có 500 vị Long thần ở, lại nhờ Long Vương Bồ Tát mà thành đạo, nên lấy hiệu là Long Thọ .
Trong quyển Tam Bảo Cảm Ứng Lục có trích dẫn: “Theo kinh Kim Cang Chánh Trí, thì thời quá khứ, ngài Mã Minh đã thành Phật, hiệu là Đại Quang Minh Như Lai. Ngài Long Thọ hiệu là Diệu Vân Tướng Như Lai. Lại theo kinh Đại Trang Nghiêm Tam Muội, ngài Mã Minh là vị Cổ Phật hiệu Nhật Nguyệt Tinh Minh. Ngài Long Thọ là Diệu Vân Tự Tại Vương Phật”. Truyện Phú Pháp Tạng cũng nói về ngài như sau: “Bản vị nguyên là Phật Diệu Vân, ứng tích ở ngôi Hoan Hỷ Địa”. Truyền ký về ngài có nhiều điểm thần kỳ, như việc mở Thiết tháp ở Nam Thiên Trúc học về Mật giáo; được Đại Long Bồ Tát đem vào hải cung đọc kinh Hoa Nghiêm và các kinh điển đại thừa. Vì thế, ngài một thân mà kiêm làm Tổ sư của tám tông phái Phật giáo.
Sau khi đắc pháp với Tôn giả Ca Tỳ Ma La, làm vị Tô thứ bốn bên Thiền tông, Long Thọ Đại sĩ đi hoằng hóa các nơi và có trứ thuật nhiều bộ luận. Trong luận Tỳ Bà Sa của ngài viết, có đoạn khen ngợi về Tịnh độ như sau:
Nếu người muốn thành Phật,
Xưng niệm A Di Dà,
Ứng thời vì hiện thân,
Nên nay con quy mạng.
Do sức nguyện Phật kia,
Mười phương chư Bồ Tát,
Đến nghe pháp cúng dường,
Nên con cúi đầu lễ.
Các Bồ Tát cõi ấy,
Đầy đủ những tướng hảo,
Thân đẹp tự trang nghiêm,
Nên con lạy quy y.
Chư Bồ Tát Cực Lạc,
Mỗi ngày trong ba thời,
Cúng dường Phật mười phương,
Nên con cúi đầu lạy.
Nếu người trồng căn lành,
Nghi thì hoa không nở,
Kẻ lòng tin thanh tịnh,
Hoa nở được thấy Phật.
Hiện tại Phật mười phương,
Dùng các thứ nhân duyên,
Khen công đức Di Đà,
Nên con quy mạng lễ.
Cõi Cực Lạc nghiêm đẹp,
Mầu nhiệm hơn thiên cung,
Công đức rất sâu dầy,
Nên con lễ chân Phật.
Ngài lại tạo bộ luận Đại Trí Độ, trong đoạn khai thị về pháp môn Tịnh độ có dạy:
“Niệm Phật tam muội có thể trừ các thứ phiền não và những tội đời trước. Các pháp tam muội khác, có môn trừ được nghiệp dâm không thể trừ được nghiệp sân. Có môn trừ được nghiệp sân không thể trừ nghiệp dâm. Có môn trừ được nghiệp si, không thể trừ dâm, sân. Có môn trừ được ba độc tham, sân, si, không thể trừ các tội đời trước. Môn Niệm Phật tam muội có thể trừ các thứ phiền não và các thứ tội chướng. Lại nữa, Niệm Phật tam muội có phước đức lớn, hay độ chúng sanh. Chư Bồ Tát muốn mau diệt tội chướng, được nhiều phước đức, sớm độ chúng sanh, không chi hơn tu môn Niệm Phật tam muội…”
– Hỏi: Bồ Tát phải thường ở cõi trần lao để giáo hóa chúng sanh, sao lại nguyện sanh về Tịnh độ?
– Đáp: Nếu chưa vào Vô sanh nhẫn của Bồ Tát vị, chưa được thọ ký, chưa đến ngôi Bất thối chuyển, mà xa lìa chư Phật, tất sẽ chìm trong biển phiền não, hư mất hết các căn lành! Như thế, đã không thể độ mình, làm sao độ chúng sanh được? Ví như kẻ dùng chiếc thuyền không bền chắc để đưa người, khi gặp sóng to gió lớn, tất thuyền sẽ bị hư rã, mình và người đều chết đắm. Lại như người đem ấm nước sôi đổ vào ao băng tuyết, muốn cho ao băng tuyết tiêu tan, ban sơ chỉ tan được chút ít, kết cuộc chính nước sôi ấy sẽ trở thành băng tuyết. Bồ Tát chưa vào Vô sanh pháp vị mà xa lìa chư Phật cũng lại như thế! Nếu Bồ Tát chưa đủ nhẫn lực, chưa đủ phương tiện, muốn dùng chút ít công đức để ra hóa độ chúng sanh, sự lợi ích tuy có đôi phần, nhưng trái lại chính mình sẽ bị đọa lạc … – Lại nữa, nếu Bồ Tát mắt thường thấy sắc tướng của Phật, tai thường nghe âm thanh Phật nói, thì tâm sẽ được thanh tịnh, được pháp lạc, được trí tuệ lớn, kế đó y theo lời dạy tu hành tất sẽ mau giải thoát. Gặp Phật được vô lượng sự lợi ích như thế, tại sao không nhất tâm cầu về cõi Phật? Như trẻ thơ không nên rời mẹ, người đi xa không rời lương thực, lúc nóng bức không rời gió nước trong mát, tiết nghiêm hàn không rời sưởi ấm, sang sông không rời thuyền câu, đau bệnh không rời thuốc hay; Bồ Tát không rời chư Phật còn quá hơn các việc như trên. Tại sao thế? Bởi dù là cha mẹ, hàng thân thuộc, bậc thiện tri thức, ngôi vua chúa, hay các đấng thiên vương, cũng không thể làm lợi ích cho chúng sanh bằng Phật. Chư Phật có đủ năng lực đưa loài hữu tình lìa các cảnh khổ, lần lần tiến tới ngôi vị Thế Tôn …
Hỏi: Làm thế nào để thường được gần gũi chư Phật?
Đáp: Chúng sanh luân hồi từ vô thỉ kiếp, tạo vô lượng tội chướng nhân duyên. Cho nên, dù có tu phước đức, trí tuệ vẫn kém ít; dù có tu trí tuệ, phước đức cũng không được bao nhiêu. Bồ Tát khi cầu Phật đạo, cần phải thực hành sanh nhẫn và pháp nhẫn. Do thực hành sanh nhẫn, đối với tất cả chúng sanh phát tâm từ bi hỷ xả, nên diệt được tội chướng trong vô lượng kiếp, sanh vô thượng phước đức căn lành. Do thực hành pháp nhẫn nên phá hết các vô minh về pháp chấp, sanh vô lượng trí tuệ. Nếu hai hạnh ấy được hòa hiệp, thì đời đời không xa rời chư Phật.
Lại một hạnh: “Ví như chúng sanh tâm dục nặng: thì đọa làm thân dâm điểu; tâm sân nặng thì thọ sanh trong loài độc trùng. Nếu kẻ nào thường niệm Phật, ưa thích cõi Phật, không tham phước báo cõi nhơn thiên, tất sẽ tùy tâm mến trọng của mình, quyết được sanh về Tịnh độ, thường gần gũi chư Phật…”
Về sau, ngài Long Thọ phú pháp cho tôn giả Ca Na Đề Bà, rồi nhập định như con ve bỏ xác mà hóa.
Trong kinh Lăng Già, về ngài Long Thọ, đức Phật đã có lời huyền ký với Đại Huệ Bô Tát răng:
Đại Huệ ông nên biết,
Chứng sơ Hoan hỷ địa,
Đời vị lai sẽ có,
Sau khi ta Niết bàn,
Tôn hiệu là Long Thọ,
Tỳ kheo danh đức lớn,
Duy trì pháp của ta,
Ở nước Nam Thiên Trúc
Trong thế gian hiển ngã,
Phá các tông Hữu, Vô.
Như thế, ngài Long Thọ ứng tích là bậc Sơ địa Bồ Tát bi trí rộng sâu, một thân làm Tổ sư của tám tông, mà vẫn phát nguyện cầu sanh Tịnh độ.
THIÊN THÂN LUẬN SƯ
Luận sư Thiên Thân, tân dịch là Thế Thân, tiếng Phạm tên Vasubandhu (Bà Tu Bàn Đầu), người nước Phú Lủ Sa Phú La. Ngài ra đời ở Ấn Độ sau Phật Niết Bàn 900 năm tại vùng Bắc Thiên Trúc.
Ban sơ, Luận sư xuất gia tu theo phái Tát Bà Đa ở nước A Du Xà, nghiên cứu về Tiểu thừa giáo. Trong thời gian nầy, ngài viết ra 500 bộ luận tuyên dương giáo pháp Tiểu thừa, bác phá Đại thừa. Sau nhờ trưởng huynh là Luận sư Vô Trước khuyến hóa, ngài cảm ngộ hối sự lầm lỗi của mình, muốn cắt lưỡi để tạ tội. Vô Trước can ngăn bảo: “Em đã đem lưỡi ấy hủy báng Đại thừa, nay cũng nên dùng lưỡi ấy để tán dương Đại thừa mới là điều hợp lý. Nếu cắt bỏ đi thì có ích lợi gì đâu!” Ngài nghe lời, từ đó chuyên tinh nghiên cứu về Đại thừa giáo, rồi viết ra 500 bộ luận tuyên dương pháp sâu rộng của Đại thừa. Do đó, ngài nổi danh về bậc trí tuệ bao la, biện thuyết uyên bác, và được người đương thời tôn xưng là Thiên Bộ Luận sư.
Ngài có viết ra quyển Vô Lượng Thọ Kinh Luận, cũng gọi là Vãng Sanh Luận, khai thị về pháp môn Tịnh độ, phần đầu dùng lời kệ khen ngợi rằng:
Thế Tôn, con một lòng,
Quy mạng mười phương Phật,
Vô Ngại Quang Như Lai,
Nguyện sanh về Cực Lạc.
Xin nương theo nghĩa kinh,
Tướng công đức chơn thật,
Nói kệ, nguyện tổng trì,
Hợp với lời Phật dạy.
Quán tướng thế giới kia,
Siêu thắng hơn ba cõi,
Cứu cánh như hư không,
Rộng lớn không ngằn mé.
Đạo chánh, đại từ bi,
Căn lành xuất thế sanh,
Ánh tịnh quang đầy khẳp,
Sáng hơn gương nhật, nguyệt,
Đầy các tánh trân bảo,
Đủ sự trang nghiêm mầu,
Ánh vô cấu rực rỡ,
Sáng sạch soi thế gian.
Cỏ công đức chất báu,
Mềm dịu xoay bên hữu,
Xúc chạm sanh vui đẹp,
Hơn lông Chiên lân đà.
Hoa báu ngàn muôn loại,
Đầy khắp mặt suối ao,
Gió nhẹ động cánh hoa,
Ánh sáng giao xen lẫn.
Các lâu đài, cung điện,
Hiện bóng cảnh mười phươmg,
Cây tạp, ánh sáng lạ,
Lan can báu vây quanh,
Khắp hư không mành lưới,
Vô lượng báu giao xen,
Linh ngọc khua vang tiếng,
Diễn nói pháp âm mầu,
Mưa áo, hoa nghiêm đẹp,
Tỏa vô lượng hương thơm.
Phật huệ như nhật rạng,
Trừ si ám thế gian.
Phạm âm ngộ sâu xa,
Nhiệm mầu vang khắp cõi.
Đấng chánh giác Di Đà,
Pháp vương khéo trụ trì,
Tịnh chúng như hoa sạch,
Hóa sanh từ Đại giác:
Ưa thích pháp nhị mầu,
Thiền định làm thức ăn,
Lìa hẳn não thân tâm,
An vui hằng tự tại
Cõi căn lành đại thừa,
Không điều chi hềm chê,
Không có kẻ căn thiếu,
Người nữ, giống nhị thừa.
Chỗ chúng sanh ưa thích,
Tất cả đều đầy đủ,
Nên con nguyện vãng sanh,
Về cõi Phật Di Đà.
Đấng Bảo vương Vô Lượng,
Ngồi đài hoa sạch mầu,
Tướng đẹp, ánh rực rỡ,
Sắc tượng vượt muôn loài.
Như Lai tiếng vi diệu,
Phạm âm vang mười phương,
Cùng tứ đại, hư không,
Hòa lẫn không phân biệt.
Chúng trời người bất động,
Từ biển tịnh trí sanh,
Như núi chúa Tu Di,
Tưởng đẹp mầu tột bậc,
Tịnh chúng đều cung kính,
Vây quanh chiêm ngưỡng Phật,
Sức bản nguyện Thế Tôn,
Chân thật không trí hơn,
Khiến quần sanh mau đầy,
Biển công đức báu lớn.
Cõi Cực Lạc thanh tịnh,
Thường chuyển Vô cấu luân,
Chư hóa Phật, Bồ Tát,
Đầy, sáng như Tu Di.
Mỗi thời đến mỗi niệm,
Ánh vô cấu trang nghiêm,
Chiếu khắp các Phật hội,
Làm lợi ích quần sanh.
Mưa nhạc trời, áo, hoa,
Cùng hương mầu cúng dường,
Khen công đức chư Phật,
Không còn tâm phân biệt.
Thế giới nào không có,
Báu công đức Phật Pháp,
Con nguyện đều vãng sanh,
Tuyên dương pháp như Phật.
Con viết luận nói kệ,
Nguyện thấy A Di Đà,
Nguyện cùng khắp chúng sanh,
Đồng sanh về Cực Lạc.
Toàn quyển Vô Lượng Thọ Kinh Luận phát huy về sự lợi ích trang nghiêm ở cõi Tịnh độ rất rõ ràng, về sau Pháp sư Đàm Loan đời Ngươn Ngụy có chú thuật thêm, khiến cho càng tăng phần đặc sắc.
Theo truyện Phú Pháp Tạng: Thiên Thân Luận sư, tức Tôn giả Bàn Tu Bàn Đầu là vị Tổ thứ 21 của Thiền tông bên cõi Tây Thiên. Khi hóa duyên đã mãn ngài gọi Tôn giả Ma Na La đến bảo: “Nay ta đem pháp mầu vô thượng phú chúc cho ngươi. Ngươi hãy cố gắng mà hộ trì”. Nói xong, liền vào định mà nhập Niết Bàn.
GIÁC MINH DIỆU HẠNH BỒ TÁT
Đời nhà Minh niên hiệu Sùng Trinh thứ 16, có Bồ Tát dùng phương tiện giáng thần ở Ngô môn, tự xưng là Giác Minh Diệu Hạnh, thường khuyên dạy về Phật pháp. Đến năm Thuận Trị thứ tư đời nhà Thanh, do nhân duyên trước, ngài lại giáng đàn, tùy cơ nói pháp, khai diên về môn Tịnh độ. Trước tiên, Bồ Tát dùng lời kệ khai thị rằng:
Pháp yếu của chư Phật,
Nhiệm mầu chẳng nghĩ bàn!
Bởi pháp chẳng nghĩ bàn,
Không thể diễn hết ý.
Đấng cha lành Mâu Ni,
Thương xót khắp quần sanh,
Nói chỗ không thể nói,
Dắt kẻ trước người sau,
Lại dùng phương tiện lạ,
Chỉ rõ cõi Cực Lạc,
Bảo phát nguyện vãng sanh,
Vượt ngang ba đường ác.
Bởi Phật A Di Đà,
Nguyện lớn nhiếp muôn loài,
Như nghe danh thọ trì,
Quyết sanh không còn nghi.
Nếu người có đại lực,
Tâm niệm thường chuyên nhất,
Thành tựu tam muội sâu,
Đường Tây phương như tin,
Nay ta y thánh giáo,
Tâm niệm thường chuyên nhất,
Thương các ngươi mê lầm,
Hiện tiền cũng thấy Phật.
Đây chằng phải duyên nhỏ,
Sắp diễn pháp lợi sanh.
Lúc ấy các tín hữu trong đàn đều cung kính chắp tay yên lặng. Bồ Tát lại dạy tiếp:
– Các ngươi nên biết, môn Niệm Phật đây đích thật là tâm tông của chư Phật, là con đường giải thoát thẳng tắt nhất của hàng nhơn thiên. Nay các ngươi tuy có lòng tin, tuy thực hành hạnh niệm Phật cầu vãng sanh, nhưng nếu tâm nguyện không chí thiết, thì chẳng khác chi người đi biển gặp được châu báu mà lần lựa về tay không, tất cũng luống nhọc công vô ích! Thuở xưa, nếu ta không nhờ tâm nguyện chí thiết, thì đâu được như ngày hôm nay.
Đời Minh Đế nhà Tấn, ta nguyên là một người bần dân. Trong cảnh quá nghèo khổ, duyên may được nghe biết Phật pháp, ta phát đại nguyện rằng: “Con vì túc nghiệp nên mới chịu quả báo khổ cực nầy. Nếu hiện đời con không được thấy Phật A Di Đà, được sanh về cõi Cực Lạc để thành tựu tất cả công đức, thì dù cho xả thân, nguyện không thối chuyền”. Phát thệ rồi, trong bảy ngày đêm ta chuyên tinh nhớ niệm không thôi nghỉ, liền được tâm khai, thấy Phật A Di Đà tướng tốt rực rỡ, ánh sáng soi khắp mười phương. Lúc ấy, trước Phật ta được nhờ ân thọ ký. Đến năm bảy mươi lăm tuổi, ta ngồi niệm Phật thoát hóa, vãng sanh về Tây phương. Sau khi đắc quả, bởi nguyện độ sanh sâu nặng, ta trở lại cõi nầy tùy phương hiên hóa. Từ đó, hoặc thị hiện làm thân Tỳ kheo, hoặc làm thân cư sĩ, hoặc làm vua, hoặc làm quan, hoặc làm người nữ, hoặc làm kẻ ăn xin, hoặc ấn hoặc hiện, hoặc thuận hoặc nghịch; đều tùy duyên nói pháp, dẫn dắt người mê. Nay ta lại vì các ngươi chỉ rõ lẽ chánh tà, mở bày môn Tịnh độ. Các ngươi phải một lòng một ý, bền tu pháp môn nầy, quyết định sẽ được lợi ích lớn, không còn sợ lầm lạc! Nếu kẻ nào tâm chí bền chắc, thì không đợi sau khi vãng sanh, mà trong đời hiện tại cũng được thấy Phật. Hãy ghi nhớ bài kệ sau đây của ta mà tu tiến:
Nói ít một câu chuyện,
Niệm nhiều một câu Phật,
Đánh chết được vọng niệm,
Hiển pháp thân chân thật.
Một tín hữu thưa: – Bạch ngài! Con niệm Phật không được nhất tâm, chẳng biết phải dùng phương tiện nào?
Bồ Tát dạy: – Ngươi nên ngồi yên lặng, dứt hết mọi tư tưởng, từ từ mà niệm. Điều cốt yếu phải làm sao cho tiếng hợp với tâm, tâm hòa cùng tiếng, niệm lâu như thế, tự nhiên sẽ thấy lòng mình trong lặng. Chừng ấy tâm cảnh chiếu sáng, dứt sự đối đãi, chứng vào Niệm Phật tam muội. Nhưng nên nhớ lúc bình nhật cần phải niệm nhiều, từ ngàn cho đến số muôn câu tâm không gián đoạn, thì căn khí mới dễ thành thục. Nếu cưỡng ép muốn cho tâm mau qui nhất, tất trọn không thể được nhất tâm.
Một tín hữu khác lại thưa: – Bạch Bồ Tát! Thế nào là nghĩa: Tâm hành xứ diệt?
Ngài dạy: – Tâm hành xứ diệt là chỗ tuyệt dải, không còn dấu vết của niệm phàm Thánh, là chân tâm thường trú của Phật. Còn tâm hành xứ hữu là nghiệp tâm hoặc thiện hoặc ác trong vòng sống chết luân hồi của chúng sanh. Vọng tâm nầy nối tiếp nhau không xen hở. Nếu khi niệm Phật ngươi gia công miên mật, không còn mảy may tạp vọng, mới mong được đôi phần tương ứng.
Phài dè dặt, đừng có vừa thật hành được nửa năm hay mười tháng, rồi tự cho là mình đã khổ công tu niệm. Nên biết ý nghĩ tự đắc ấy chính là chỗ chướng đạo! Lại tuy có gia công, nhưng nếu niệm lực chưa được vững như non đồng vách sắt, xô không ngã, lay chẳng động, thì sức niệm vẫn chưa thành một khối. Phải tu tập liên tục, đừng nên thấy có chút ảnh hưởng liền dừng nghỉ. Đó là lỗi “Bán đồ nhi phế” khiến cho công phu trước luống uổng, không được mảy may lợi ích chi. Đây là căn bịnh lớn của người học đạo, cần phải lưu ý. Nên biết rằng: Phật pháp như bể cả, càng vào càng rộng sâu, quyết không thể dùng chút ít tri kiến mà thấu hiểu hết được. Sự tu tập cần phải trọn đời, dụng công đến chỗ non cùng nước tận, chớ có quan niệm xem thường!
Khi ấy, ông Cố Định Thành đứng lên xin thỉnh giáo thêm về phương thức niệm Phật.
Ngài bảo: – Nầy thiện nam tử! Tâm thể vốn ly niệm, vọng niệm từ tư tưởng mà sanh. Tư tưởng ấy nguyên giả dối, khiến cho người lưu chuyển trong vòng sanh tử. Ngươi nên biết một câu A Di Đà Phật đây, chẳng từ tưởng mà sanh, không theo niệm mà có, chẳng trụ trong ngoài, không có hình dáng. Niệm như thế thì dứt các vọng tưởng, cùng với chân thân nhiệm mầu thanh tịnh của Như Lai, chẳng đồng chẳng khác, không thể phân biệt. Niệm như thế thì phiền não trần lao không dứt không buộc, chỉ là nhât tâm.
Được như thế mới gọi là CHẤP TRÌ DANH HIỆU, mới gọi là nhất tâm bất loạn. Chừng ấy công tịnh nghiệp thành tựu, bước thẳng lên ngôi thượng phẩm. Nay ngươi nên phát nguyện lớn, cầu sanh về Cực Lạc, rồi chí thành cảm thiết xưng niệm A Di Đà Phật. Phải quyết ý khiến cho tiếng nương theo tâm, tâm duyên theo tiếng, tâm cùng tiếng hợp nhau. Dụng công như thế lâu ngày không để sơ thất, chăm chú như mèo rình chuột, tất sẽ được vào Chánh ức niệm tam muội. Nếu muốn tu tiến thêm, phải tham cứu nhiều hàng tri thức, rộng hỏi các bậc cao minh, tất sẽ tỏ ngộ được ý mầu TỨC TÂM THÀNH PHẬT.
Kế tiếp cư sĩ Vô Hủ thưa thỉnh: – Bạch ngài! Xin từ bi chi dạy cho con phần khái yếu về sự tu tập. Từ lúc bình nhật cho đến khi lâm chung, con phải hành trì như thế nào?
Bồ Tát nói: – Đại để người tu tịnh nghiệp khi đi, đứng, nằm, ngồi, lúc khởi cư ăn uống đều nên hướng về phương Tây. Như thế cơ cảm mới dễ thành, căn cảnh mới dễ thục. Trong thất chỉ nên cúng một tượng Phật, một pho kinh, một bàn thờ, một lư hương, một bàn, một ghế, chẳng nên để nhiều đồ vật khác. Ngoài sân cũng phải quét dọn trống trải sạch sẽ để đi kinh hành niệm Phật cho thuận tiện. Nên giữ tâm mình vắng lặng không vướng một mảy tơ, muôn niệm đều quên, trong không thấy thân, ngoài không biết cảnh. Cũng không nghĩ đến hành động hôm nay của ta đây là việc tu hành. Như thế thì cùng với đạo ngày càng gần, với đời ngày càng xa, có thể thành tựu tịnh nghiệp. Nếu lúc bình thời ngươi rũ sạch được muôn duyên, một lòng niệm Phật; thì khi lâm chung mới có thể không còn quyến luyến đến gia đình sự nghiệp, vui vẻ thanh thoát mà đi. Đấy há chẳng phải là tác phong của bậc đại trượng phu ư! Ta bảo như thế là muốn cho ngươi chuyên chí tu hành, không còn vướng bận điều chi. Và đây chính là điều kiện rất quan trọng, thiết yếu!
Đến như pháp tu Tịnh độ, vẫn không ngoài hai chữ Chuyên và cần. Chuyên thì không quản đến việc chi khác. Cần thì không bỏ phí một phút giây.
Từ nay mỗi sáng sớm thức dậy, sau khi lễ Phật, ngươi nên tụng một quyển kinh A Di Đà, rồi tùy sức niệm Phật Kế đó quỳ đọc bài văn “Một lòng Quy mạng …” để phát nguyện hồi hướng, vì bài văn ấy lời giản dị mà ý đầy đủ. Ban sơ thân tâm chưa yên, mỗi ngày chỉ khóa tụng hai thời, kế đó thì tăng lên đến bốn thời, nếu có thể, lên đến sáu thời. Ngoài ra thì niệm thả không ký số, hoặc niệm thầm, hoặc niệm ra tiếng, chỉ nhiếp tâm chuyên nhớ mà thôi.
Lại, phép trì danh cần phải mỗi chữ mỗi câu, rành rẽ rõ ràng, tâm và tiếng hòa hợp nương nhau, không xen lẫn mảy may tư tưởng tạp vọng. Niệm như thế lâu ngày, công lực sẽ tự thành thục, quyết định được sanh về cõi Liên bang. Chừng ấy ngồi tòa sen báu lên Bất thối luân, tự tại giải thoát, há chẳng phải là điều đáng hoan hỷ ư? Nên cố gắng! Cố gắng!
Bồ Tát giáng thần thuyết pháp, trước sau kể có 24 hội. Các đệ tử của ngài là bọn ông Thường Nhiếp thay phiên ghi chép, kết họp thành bộ Tây Phương Xác Chỉ, khắc bản lưu truyền.
***
LỜI PHỤ
Phần thánh nhơn khuyến hóa, gồm có sự tích và lời dạy của chư thánh: – Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni, đức Đạo sư A Di Đà, Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Kỳ Bà Ca Tôn giả, Mã Minh Đại sĩ, Long Thọ Đại sĩ, Thiên Thân Luận sư, Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát. Trong đây, vì chọn phần giảng yếu, bút giả chỉ diễn dịch lại sự và lời của bốn vị sau cùng mà thôi. Để kết thúc phần nầy, Ấn Quang Pháp sư có ghi lời bình chú như sau:
– Kinh Duy Na nói: “Tuy biết các cõi Phật. Cùng chúng sanh đều không. Mà thường tu Tịnh độ. Để giáo hóa quần sanh”.
Sở dĩ như thế, vì các bậc đại thừa Bồ Tát không vị nào chẳng lấy tâm Bồ đề làm căn bản, và tu Tịnh độ làm trang nghiêm. Bởi nếu không như thế, thì chẳng làm sao đầy đủ mười hạnh nguyện Phổ Hiền được. Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Nhập Pháp Giới nói: “Các bậc đại Thanh văn vì không tán dương công đức thanh tịnh của mười phương Tịnh độ, vì không khen ngợi các sự thần biến của chư Phật Thế Tôn, vì không được các trí tuệ thần thông nghiêm tịnh cõi Phật, nên nơi hải hội Hoa Tạng Hoa Nghiêm tuyệt không nghe không thấy”.
Thế thì biết, nếu hàng phàm phu nào có thể phát tâm trong sạch, hồi hướng về Tịnh độ, tất công đức sẽ hơn các bậc đại Thanh văn kia quá bội trăm ngàn muôn ức lần. Kẻ ấy quyết định mau được vào cảnh giới Hoa Nghiêm Bất Tư Nghị.
Cũng trong kinh Hoa Nghiêm, đức Văn Thù Sư Lợi bảo Thiện Tài đồng tử đi tham phỏng các bậc Đại thiện tri thức. Trước tiên, Đồng từ tham học với ngài Đức Vân được nghe dạy về pháp môn Niệm Phật. Sau rốt, khi Thiện Tài đến thưa thỉnh, Phổ Hiền Bồ Tát cũng đem mười đại nguyện vương khuyên ngài và tất cả đại chúng ở Hoa Tạng thế giới, gồm 51 giai vị: Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa, Đẳng giác đều nên phát tâm tu mười đại nguyện vương ấy, hồi hướng cầu sanh Cực Lạc. Xem đấy thì biết môn Tịnh độ cao thâm bao quát đến ngần nào! Tiếc thay cho những vị chi biết giảng triết lý thiên thông, cao đàm luận vô tướng, rồi xem thường chê bai người niệm Phật. Những vị ấy trí tuệ quả thật có hơn đức Văn Thù, Phổ Hiền chăng?