Xuân Thiền
Kỳ Thanh (sưu tập) Xuân Quý Mão 2023
Ba thiền sư thời nhà Lý (1009 – 1225) là Chân Không 真空, Mãn Giác满覺 và Giác Hải覺海. Nói đến cảnh xuân, ý xuân, ảnh hưởng của xuân đối với thiên nhiên, đối với con người, đã diễn đạt một vấn đề giáo lý Phật giáo có liên quan đến triết lý sống của con người: với đôi mắt bình thường nhìn ngắm vạn vật trong định luật tự nhiên của đất trời, và tự ngắm nhìn lại chính mình. Các ngài đã khai sáng cho chúng ta, có được cái nhìn đi xa hơn, sâu hơn, đến thấy mùa xuân bất tử của tâm linh.
**
Thiền sư Chân Không đã mượn trạng thái xuân đến và đi, cũng như hình ảnh hoa nở rồi tàn, để nói lên một sự thực không ai phủ nhận: đó là đừng nên nghĩ rằng sau khi xuân đến rồi đi thì cho rằng xuân đã hết, đã tận, và không bao giờ còn nữa; cũng như đừng cho rằng khi hoa nở thì xuân đến, còn lúc hoa tàn thì xuân đã hết. Sự thực thì xuân có tính tuần hoàn, nghĩa là xuân đến rồi đi, cứ tiếp tục như vậy từ thuở khai thiên lập địa cho đến hiện tại và sẽ còn tiếp diễn trong tương lai cho đến vô cùng tận.
Xuân là một trạng thái thiên nhiên bất biến; còn sự đến và đi của xuân, cũng như sự nở và tàn của hoa, chỉ là một sự tuần hoàn thôi.
春來春去疑春盡,
花落花開只是春.
Chân Không 真空
Xuân lai xuân khứ nghi xuân tận,
Hoa lạc hoa khai chỉ thị xuân.
**
Bản dịch:
Xuân qua xuân lại ngờ xuân tận,
Hoa nở hoa tàn vẫn là xuân.
Giáo sư Nguyễn Đăng Thục
**
Xuân đến, xuân đi ngỡ xuân hết,
Hoa nở hoa tàn chỉ là xuân.
Thiền sư Thích Thanh Từ
**
Xuân qua lại, ngỡ xuân tận,
Hoa dù rụng nở, vẫn hoàn tiết xuân.
Phạm Tú Châu
**
Xuân đến, xuân đi, tưởng hết xuân!
Hoa tàn, hoa nở, vẫn là xuân.
Kỳ Thanh
**
Theo quan niệm của thiền sư Mãn Giác, đã dạy: chúng ta không nên quá bi quan trước sự tuần hoàn của vũ trụ (thiên nhiên), chớ quan tâm nhiều tới cảnh xuân đến thì hoa nở, xuân đi thì hoa tàn, cũng như sự đời trôi qua trước mắt vô cùng tận và đem đến cái già trên đầu mình.
春去百花落,
春到百花開.
事逐眼前過,
老從頭上來.
莫謂春殘花落盡,
庭前昨夜一枝梅.
Mãn Giác满覺
Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Bản dịch:
Xuân trỗi trăm hoa rụng
Xuân tới, trăm hoa cười.
Trước mắt, việc đi mãi,
Trên đầu, già đến rồi!
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua, sân trước, một cành mai.
Ngô Tất Tố
**
Xuân đi muôn vạn hoa tàn
Xuân về thắm lại ngập tràn những hoa
Việc đời thế sự đi qua
Trên đầu tuyết điểm một vài cọng sương
Chờ cho xuân hết hoa tàn
Đêm qua sân trước nở vàng cành mai
Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu
**
Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu, già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua – sân trước – một cành mai.
Thiền sư Thích Thanh Từ
**
Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa cười.
Việc đời qua trước mắt,
Già đến trên đầu rồi !
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Ngoài sân đêm trước một cành mai.
Lê Mạnh Thát
**
Một đóa mai vàng
Xuân đi hoa rụng ngậm ngùi
Xuân về hoa nở, niềm vui ngập tràn.
Dòng đời thấm thoát mơ màng
Trên đầu tóc bạc ngỡ ngàng trăm năm
Đừng tưởng xuân hết hoa tàn
Đêm qua – một đóa mai vàng trước sân.
Thích Giác Toàn (Trần Quê Hương)
**
Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa nở
Việc đời qua trước mắt
Trên đầu già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai!
Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Thực vậy, chúng ta đừng nên nghĩ là lúc xuân tàn tất cả mọi bông hoa đều rụng hết, cây cối trở nên trơ trụi, bởi vì vừa mới đêm qua thôi ở trước sân đã có một cành hoa mai nở rồi. Cành hoa mai ở đây tiêu biểu cái bất sinh bất diệt của vũ trụ (thiên nhiên), mà nếu con người cố gắng tu luyện thì sẽ có thể vượt lên khỏi sự tuần hoàn của tạo hóa, để hội nhập vào cái trường tồn của vũ trụ.
**
Quan niệm cuộc đời là huyễn ảo một lần nữa lại được đề cập tới trong bài kệ của thiền sư Giác Hải:
春來花蝶善知時,
花蝶應須共應期.
花蝶本來皆是幻,
莫須花蝶向心持.
Giác Hải覺海
Xuân lai hoa điệp thiện tri thì,
Hoa điệp ứng tu cộng ứng kỳ.
Hoa điệp bản lai giai thị huyễn,
Mạc tu hoa điệp hướng tâm trì.
Bản dịch:
Xuân sang hoa bướm khéo quen thì,
Bướm lượn hoa cười vẫn đúng kỳ.
Nên biết bướm hoa đều huyền ảo,
Thây hoa mặc bướm, để lòng chi.
Ngô Tất Tố
**
Xuân đến bướm hoa khéo biết thì,
Cần nhau hoa bướm biết nhau khi.
Bướm hoa vốn thảy đều hư huyễn,
Chớ đem hoa bướm giữ lòng chi.
Lê Mạnh Thát
**
Hoa bướm phù vân
Xuân về hoa bướm gặp nhau
Bướm hoa tương hội dạt dào tình xuân
Xưa nay hoa bướm phù vân
Giữ tâm bền chặt, hư trần xá chi!
Thích Giác Toàn (Trần Quê Hương)
Sự sống chết của con người đối với vũ trụ không khác gì hoa và bướm đối với mùa xuân. Hoa bướm vốn quen biết thời gian nên khi mùa xuân tới hoa sẽ nở và bướm sẽ lượn bay đúng kỳ hạn. Các thiền sư đã dạy: cái mà chúng ta gọi là hoa, là bướm chỉ là huyễn ảo mà thôi, cho nên chúng ta không nên quá bận tâm đến chúng làm chi. Sự sống chết của con người cũng vậy. Còn nghiệp duyên thì con người còn sống; nếu hết, con người sẽ chết. Sự sống chết của con người, cũng chỉ là cảnh huyễn ảo, đâu phải là thực tướng của vũ trụ! Vì vậy chúng ta cũng chẳng nên quá lo lắng, bận tâm về cái sống hay cái chết của chính mình.
Theo thiển ý, ba bài kệ của các thiền sư Chân Không, Mãn Giác và Giác Hải đã mượn cảnh xuân để hướng dẫn mọi người, tìm được con đường tự giải thoát những đau khổ của mình, do sự lầm tưởng ảo và thực. Con đường tự giải thoát là phải coi mọi sự vật chung quanh mình và chính thân xác mình là huyễn ảo, để khỏi quá bận tâm đến sự sống chết, đến thân xác hủy hoại của mình, đến trạng thái phù du của cuộc đời (tạm bợ) ngắn ngủi của con người, mà cho rằng đời người cô đơn, cô lập, bé nhỏ để rồi sinh ra bi quan yếm thế; trái lại phải biết lạc quan, hãy chủ động hòa mình với bầu không gian rộng lớn của trời đất; dấn thân và tham dự vào cuộc tuần hoàn của vũ trụ, biết hội nhập vào sự vĩnh cửu của trình tự thiên nhiên; hướng về “thiên nhân hợp nhất天人合一 ” hàm chứa ở trong hệ tư tưởng, văn hóa truyền thống của dân tộc Việt.
****
Tham khảo:
Thiền Học Việt Nam, Nguyễn Đăng Thục, Lá Bối, Sài-gòn, 1967, Xuân Thu.