Phật Thuyết Vô Lượng Thọ Kinh
Giảng Ký
佛說無量壽經講記
Chủ giảng: Trưởng lão Đạo Nguyên (道源長老)
Địa điểm: Chí Liên Tinh Xá Đài Bắc
Thời gian: Tháng Tám năm Dân Quốc 67 (1978)
Cư sĩ Thí Vượng Khôn bút ký
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
(theo bản điện tử của Đài Trung Liên Xã)
Giảo chánh: Đức Phong và Huệ Trang
PHẦN 5
2.2.3.3.1.2. Khuyên mọi người vãng sanh cõi ấy
(Kinh) Phật cáo Di Lặc Bồ Tát chư thiên nhân đẳng: – Vô Lượng Thọ Quốc, Thanh Văn, Bồ Tát, công đức, trí huệ, bất khả xưng thuyết. Hựu kỳ quốc độ, vi diệu an lạc, thanh tịnh nhược thử, bà bất lực vi thiện? Niệm đạo chi tự nhiên, trước ư vô thượng hạ, đỗng đạt vô biên tế, nghi các cần tinh tấn, nỗ lực tự cầu chi, tất đắc siêu tuyệt khứ, vãng sanh An Lạc quốc, hoành tiệt ngũ ác đạo, ác đạo tự nhiên bế, thăng đạo vô cùng cực, dị vãng nhi vô nhân, kỳ quốc bất nghịch vi, tự nhiên chi sở khiên, hà bất khí thế sự? Cần hành cầu đạo đức, khả đắc cực trường sanh, thọ lạc vô hữu cực.
(經)佛告彌勒菩薩諸天人等:無量壽國,聲聞菩薩,功德智慧,不可稱說。又其國土,微妙安樂,清淨若此。何不力為善?念道之自然。著於無上下,洞達無邊際,宜各勤精進,努力自求之。必得超絕去,往生安樂國。橫截五惡道,惡道自然閉。昇道無窮極,易往而無人。其國不逆違,自然之所牽。何不棄世事?勤行求道德。可得極長生,壽樂 無有極。
(Kinh: Đức Phật bảo Di Lặc Bồ Tát và các hàng trời người: – Công đức và trí huệ của hàng Bồ Tát, Thanh Văn trong nước Vô Lượng Thọ chẳng thể nói kể. Thêm nữa, cõi nước ấy vi diệu, an lạc, thanh tịnh dường ấy, sao chẳng nỗ lực làm lành? Nghĩ tới đạo tự nhiên, phủ trùm [khắp các căn cơ, chẳng phân biệt] thượng căn hay hạ căn, liễu đạt thông suốt, chẳng có ngằn mé. Ai nấy hãy nên siêng năng, tinh tấn, nỗ lực tự cầu, ắt sẽ được vượt thoát [tam giới], đoạn tuyệt [sanh tử], sanh về cõi An Lạc, cắt ngang năm đường ác, ác đạo tự nhiên đóng lại, vượt lên Phật đạo chẳng có hạn cực. Dễ đi mà không có ai, cõi nước ấy chẳng trái nghịch, tự nhiên lôi kéo, sao chẳng bỏ việc đời? Siêng năng hành trì cầu đạo đức, sẽ có thể đạt được trường sanh tột bậc, thọ mạng và vui sướng chẳng có cùng cực).
“Phật cáo Di Lặc Bồ Tát chư thiên nhân đẳng” (đức Phật bảo Di Lặc và các hàng trời người): Đức Phật nói với Di Lặc Bồ Tát cũng là nói cho thiên chúng và nhân chúng trong thế giới Sa Bà nghe. Nghe gì vậy? Trong phần trên, đức Phật đã nói với tôn giả A Nan về các thứ vui sướng nhiệm mầu trong cõi nước của Vô Lượng Thọ Phật ở phương Tây, hãy nên ngay lập tức phát nguyện sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới. “Vô Lượng Thọ quốc, Thanh Văn, Bồ Tát, công đức, trí huệ, bất khả xưng thuyết” (công đức và trí huệ của hàng Thanh Văn, Bồ Tát trong cõi Vô Lượng Thọ chẳng thể nói kể được ): Công đức và trí huệ của họ quá nhiều, “bất khả xưng thuyết”: Nếu nói ra, sẽ chẳng thể nói trọn hết. “Hựu kỳ quốc độ, vi diệu an lạc, thanh tịnh nhược thử” [nghĩa là] Tây Phương Cực Lạc thế giới vi diệu, an vui, thanh tịnh dường ấy, tốt đẹp như đã nói trong phần trước. “Hà bất lực vi thiện?” (sao không gắng sức làm lành): Hàng thiên chúng và nhân chúng quý vị, cớ sao chẳng ngay lập tức tu trì thiện pháp này? “Niệm đạo chi tự nhiên” (nghĩ tới lẽ đạo tự nhiên), nghĩa là nếu nghĩ đi theo con đường vãng sanh, sẽ tự nhiên có thể vãng sanh. Bởi lẽ, do bốn mươi tám đại nguyện của A Di Đà Phật, quý vị niệm danh hiệu của Ngài thì sẽ có thể vãng sanh, giống như tự nhiên mà sanh vậy. Các công đức của Tây Phương Cực Lạc thế giới rất hiển nhiên. “Trước ư vô thượng hạ” (phù hợp [các căn tánh], chẳng phân biệt thượng căn hay hạ căn): Thích hợp trọn khắp cả ba căn, chẳng phân biệt thượng, trung, hạ căn. Quý vị chỉ cần phát nguyện vãng sanh thì sẽ có thể sanh sang đó. “Đỗng đạt vô biên tế” (liễu đạt thông suốt, chẳng có ngằn mé): Quý vị sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, trí huệ và thần thông đều liễu đạt thông suốt, chẳng ngăn ngại, chẳng có ngằn mé.
“Nghi các cần tinh tấn, nỗ lực tự cầu chi” (ai nấy hãy nên siêng năng tinh tấn, nỗ lực tự cầu sanh về đó): Thiên chúng và nhân chúng các vị hãy nên ai nấy tinh tấn dụng công, tự mình nỗ lực cầu sanh về Tây Phương. “Tất đắc siêu tuyệt khứ, vãng sanh An Lạc quốc” [nghĩa là] ắt có thể vượt thoát thế giới Sa Bà, đoạn tuyệt sanh tử, vãng sanh Tây Phương An Dưỡng quốc. “Hoành tiệt ngũ ác đạo, ác đạo tự nhiên bế” (cắt ngang năm đường ác, ác đạo tự nhiên đóng): Đối với sự luân hồi trong năm đường của thế giới Sa Bà, [tức là đối với sáu đường luân hồi], tách riêng A Tu La đạo ra, sẽ còn lại năm đường là trời, người, địa ngục, ngạ quỷ, và súc sanh. Trong năm đường ấy, trừ ba ác đạo ra thì chỉ có hai đường thiên đạo và nhân đạo là thiện đạo. “Thiện đạo” là do so với ba ác đạo mà gọi là Thiện, chứ so với Tây Phương Cực Lạc thế giới thì chúng nó (thiên đạo và nhân đạo trong thế giới Sa Bà) vẫn là ác đạo! Vì chúng chẳng phải là thuần thiện, có xen tạp ác pháp. Do vậy, trên thực tế, [thế giới Sa Bà] có đến năm ác đạo. Chúng ta mong vượt thoát năm ác đạo ấy, phải đoạn phiền não, giống như trèo cầu thang, lên cao từng nấc một, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới. “Hoành tiệt ngũ ác đạo”: Chặt ngang, ngay lập tức vượt thoát năm đường ác. “Ác đạo tự nhiên bế” (ác đạo tự nhiên đóng): Năm đường ác tự nhiên bị đóng lại. “Thăng đạo vô cùng cực”: Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới chính là siêu thăng lên con đường Phật đạo, siêu thăng Phật đạo chẳng cùng tột, trong một đời có thể thành Phật.
“Dị vãng nhi vô nhân” (dễ đi mà không có người): Thích Ca Mâu Ni Phật đối trước Di Lặc Bồ Tát, các hàng trời người than dài: “Có thể vãng sanh rất dễ dàng! Một niệm liền có thể vãng sanh, mười niệm bèn có thể vãng sanh. Vì sao chẳng có ai phát tâm?” “Kỳ quốc bất nghịch vi, tự nhiên chi sở khiên”: Chẳng phải là vì Tây Phương An Lạc quốc có điều gì trái nghịch đến nỗi khó sanh về đó, bên ấy thường mở toang cửa, hoan nghênh chúng ta, [sở dĩ chúng ta chẳng chịu phát nguyện, tu trì vãng sanh] là do tự nhiên bị các nghiệp ràng buộc, lôi kéo. Vì sao quý vị chẳng vãng sanh Tây Phương? Chính là do quý vị tự nhiên bị các nghiệp tham, sân, si, và tập khí từ vô thỉ kiếp đến nay tự nhiên tích tập, chúng lôi kéo, ràng buộc quý vị, chẳng để cho quý vị ra đi. Thích Ca Mâu Ni Phật dạy chúng ta: “Hà bất khí thế sự? Cần hành cầu đạo đức” (sao chẳng bỏ việc đời? Siêng hành cầu đạo đức). Những chuyện thế gian đều là hư huyễn, chẳng thật, kết quả đều là hứng chịu nỗi khổ sanh tử luân hồi. Quý vị vứt bỏ chuyện thế gian, hãy tinh tấn tu hành, cầu lấy đạo đức do vãng sanh Tây Phương. “Khả đắc cực trường sanh” (có thể đạt được trường sanh tột bậc): Ở đây, [đức Phật] lại khuyên dạy chúng ta, ngoại đạo cầu trường sanh, hễ sanh về Tây Phương thì mới là đạt được trường sanh cực độ, vì là cõi Vô Lượng Thọ mà! “Thọ lạc vô hữu cực” (thọ lượng và sự vui sướng chẳng có cùng cực): Không chỉ là sống lâu mà còn hưởng niềm vui mầu nhiệm, cả hai thứ ấy đều chẳng có cực hạn. Vì sao quý vị chẳng phát tâm cầu sanh về chốn đạo đức ấy?
2.2.3.3.2. Thế giới Sa Bà uế ác ngập tràn khiến cho mọi người ghét bỏ
2.2.3.3.2.1. Nêu ra lỗi phiền não
2.2.3.3.2.1.1. Lỗi lầm do tham
(Kinh) Nhiên thế nhân bạc tục, cộng tranh bất cấp chi sự, ư thử kịch ác cực khổ chi trung, cần thân doanh vụ, dĩ tự cấp tế. Vô tôn, vô ty, vô bần, vô phú, thiếu, trưởng, nam, nữ, cộng ưu tiền tài. Hữu vô đồng nhiên, ưu tư thích đẳng. Bính doanh sầu khổ, lũy niệm tích lự, vị tâm tẩu sử, vô hữu an thời. Hữu điền ưu điền, hữu trạch ưu trạch. Ngưu, mã, lục súc, nô tỳ, tiền tài, y thực, thập vật, phục cộng ưu chi. Trùng tư lũy tức, ưu niệm sầu bố, hoạnh vị phi thường thủy hỏa, đạo tặc, oán gia, trái chủ, phần phiêu kiếp đoạt, tiêu tán ma diệt. Ưu độc chung chung, vô hữu giải thời, kết phẫn tâm trung, bất ly ưu não. Tâm kiên ý cố, thích vô túng xả. Hoặc tọa tồi toái, thân vong mạng chung, khí quyên chi khứ, mạc thùy tùy giả, tôn quý hào phú, diệc hữu tư hoạn, ưu cụ vạn đoan, cần khổ nhược thử, kết chúng hàn nhiệt, dữ thống cộng cư, bần cùng hạ liệt, khốn phạp thường vô. Vô điền diệc ưu dục hữu điền, vô trạch diệc ưu dục hữu trạch. Vô ngưu, mã, lục súc, nô tỳ, tiền tài, y thực thập vật, diệc ưu dục hữu chi. Thích hữu nhất, phục thiểu nhất, hữu thị thiểu thị, tư hữu tề đẳng. Thích dục cụ hữu, tiện phục mi tán. Như thị ưu khổ, đương phục cầu sách, bất năng thời đắc, tư tưởng vô ích, thân tâm câu lao, tọa khởi bất an, ưu niệm tương tùy, cần khổ nhược thử, diệc kết chúng hàn nhiệt, dữ thống cộng cư. Hoặc thời tọa chi, chung thân yểu mạng, bất khẳng vi thiện, hành đạo tấn đức. Thọ chung thân tử, đương độc viễn khứ. Hữu sở thú hướng, thiện ác chi đạo, mạc năng tri giả.
(經)然世人薄俗,共諍不急之事,於此劇惡極苦之中,勤身營務,以自給濟。無尊無卑,無貧無富,少長男女,共憂錢財。有無同然,憂思適等。屏營愁苦,累念積慮。為心走使,無有安時。有田憂田,有宅憂宅。牛馬六畜,奴婢錢財,衣食什物,復共憂之。重思累息,憂念愁怖。橫為非常水火、盜賊、怨家、債主,焚漂劫奪,消散磨滅。憂毒忪忪,無有解時。結憤心中,不離憂惱。心堅意固,適無縱捨。或坐摧碎,身亡命終,棄捐之去,莫誰隨者。尊貴豪富,亦有斯患。憂懼萬端,勤苦若此,結眾寒熱,與痛共居。貧窮下劣,困乏常無。無田亦憂欲有田,無宅亦憂欲有宅。無牛馬六畜,奴婢錢財,衣食什物,亦憂欲有之。適有一,復少一,有是少是,思有齊等。適欲具有,便復糜散。如是憂苦,當復求索。不能時得,思想無益。身心俱勞,坐起不安。憂念相隨,勤苦若此,亦結眾寒熱,與痛共居。或時坐之,終身夭命,不肯為善,行道進德。壽終身死,當獨遠去。有所趣向,善惡之道,莫能知者。
(Kinh: Nhưng người đời quen thói bạc bẽo, cùng bận bịu vì những chuyện chẳng cần kíp. Trong chốn ác khổ cùng cực này, vất vả lo liệu để tự chi dùng. Bất luận sang, hèn, nghèo, giàu, bé, lớn, trai, gái, đều cùng lo lắng tiền tài. Có hay không đều giống hệt, lo nghĩ y hệt như nhau. Lo lắng, băn khoăn, bươn bả sầu khổ, lo toan chồng chất, bị cái tâm sai khiến, chẳng có lúc nào yên! Có ruộng lo ruộng, có nhà lo nhà. Trâu, ngựa, gia súc, tôi tớ, tiền của, áo cơm, đồ đạc, lại lo âu thêm. Lo quẩn nghĩ quanh, ngẫm nghĩ lo âu, sầu muộn, sợ hãi, bỗng dưng bị nước, lửa vô thường, trộm cướp, oán gia trái chủ đốt, trôi, cướp đoạt, tiêu tan mòn mất. Lo buồn dằn vặt, bứt rứt, chẳng có lúc cởi gỡ, kết thành nỗi phẫn hận trong tâm, chẳng lìa ưu não. Tâm ý kiên cố, nếu chẳng buông bỏ được, thì hoặc là do bị vùi dập tan nát mà thân chết, mạng hết, lìa đời ra đi, chẳng có ai theo. Tôn quý, giàu sang, cũng có nỗi ương hoạn ấy. Lo sợ muôn mối, nhọc nhằn, khổ sở dường ấy, trải bao mùa nóng lạnh, thường sống với khổ đau, bần cùng, hèn kém, khốn đốn, thiếu hụt, thường chẳng có gì. Không có ruộng cũng lo lắng, mong sao có ruộng. Không có nhà bèn lo lắng, mong sao có nhà. Không có trâu, ngựa, gia súc, tôi tớ, tiền của, áo cơm, đồ đạc, cũng lo lắng muốn có. Nếu có được một, lại [cảm thấy] thiếu một. Có thứ gì bèn cảm thấy thiếu thứ đó, mong sao có được [của cải, vật chất] bằng kẻ khác. Vừa mới có đủ theo lòng ham muốn, sẽ liền tan nát. Ưu khổ như thế, vẫn lại mong cầu, tìm kiếm, chẳng thể có được [những thứ mong cầu] đúng lúc! Suy nghĩ vô ích, thân lẫn tâm đều mệt, đứng ngồi chẳng yên, thường luôn lo nghĩ, nhọc nhằn dường ấy, cũng trải bao mùa nóng lạnh, thường sống trong đau khổ. Hoặc là có lúc do bởi đó mà táng thân yểu mạng, chẳng chịu làm lành, tu đạo để tăng tấn đức. Tuổi thọ đã hết, thân chết, một mình đi đến chốn xa xôi, sẽ đi vào đường thiện hay nẻo ác, không ai có thể biết được).
“Nhiên thế nhân bạc tục” [nghĩa là] người trong thế gian quen thói rất bạc bẽo. “Cộng tranh bất cấp chi sự” (cùng bận bịu vì những chuyện chẳng cần kíp): Mọi người đều cùng bận rộn túi bụi thì nói là “cộng tranh” (共諍). Bận bịu vì đã coi cơm, áo, chỗ ở, mưu sinh kiếm sống là chuyện khẩn yếu, chẳng biết những thứ ấy chẳng phải là chuyện hết sức cần kíp. Chuyện hết sức cần kíp là đại sự sanh tử của chính mình; nhưng người đời chẳng biết, hằng ngày cứ đầu tắt mặt tối nơi chuyện không cần kíp. “Ư thử kịch ác cực khổ chi trung” (ở trong cảnh ác khổ cùng cực): Ở trong thế giới Sa Bà này, quý vị chỉ tham cầu sống sót, hứng chịu sự ác to lớn, chịu sống trong cảnh khổ sở tột cùng.
“Cần thân doanh vụ, dĩ tự cấp tế” (nhọc nhằn lo toan để tự mình chi dụng): Hằng ngày bận bịu, tất bật siêng gắng đều là chuốc lấy nỗi khổ, chuốc lấy ác pháp. Kết quả của sự bận bịu là chén cơm để chính mình ăn, là tấm áo để chính mình mặc, trên thực tế là đang chịu khổ trong ấy, gây tạo các ác nghiệp trong ấy! Đức Thế Tôn lại nói toạc ra tập khí của chúng ta. Điều tranh giành, mong cầu đầu tiên là tiền tài. “Vô tôn, vô ty, vô bần, vô phú, thiếu, trưởng, nam, nữ, cộng ưu tiền tài”, [ý nói]: Bất luận quý vị là bậc tôn quý hay kẻ ty tiện, bất luận quý vị là kẻ bần cùng hay người giàu có, bất luận quý vị là người lớn tuổi, hay kẻ trẻ trung, bất luận quý vị là nam hay nữ, đều cùng lo rầu vì tiền tài. Chúng sanh dấy lên tâm tham, tâm tham đã dấy khởi, chẳng có tiền tài bèn tham tiền tài. Đã có tiền tài, vẫn cứ tham lam tiền tài. Đấy gọi là “hữu vô đồng nhiên, ưu tư thích đẳng” (có hay không đều giống hệt, lo nghĩ y hệt như nhau). Cái tâm ưu sầu, lo nghĩ, tham tiền, ai nấy đều như nhau!
“Bính doanh sầu khổ”: Chữ Bính (屏) đọc là Bing (ㄅㄧㄥ). “Bính doanh” (屏營): Tự mình bôn ba, bận bịu, hứng chịu ưu sầu khổ não. “Lũy niệm tích lự” (nghĩ chồng lo chất) là hằng ngày dấy lên vọng tưởng. “Lũy niệm” (累念 ) là nghĩ tới, nghĩ lui. “Tích lự” (積慮) là lo toan lẩn quẩn. “Vị tâm tẩu sử” (bị cái tâm sai khiến): Bị cái tâm vọng tưởng sai khiến. Tâm vọng tưởng là tâm tham. Tâm tham thúc giục quý vị làm như thế nào, quý vị bèn làm như thế đó. “Vô hữu an thời” (chẳng có lúc nào yên): Ban ngày bận rộn suốt ngày, tối ngủ cũng chẳng được yên ổn!
“Hữu điền ưu điền, hữu trạch ưu trạch” (có ruộng lo ruộng, có nhà lo nhà). Quái lạ! Chẳng có ruộng thì lo chẳng có cơm ăn, nhưng đã có ruộng vẫn cứ lo ruộng! Chẳng có nhà để ở, đương nhiên phải lo lắng, nhưng đã có nhà vẫn lo rầu vì nhà! “Ngưu, mã, lục súc, nô tỳ, tiền tài, y thực, thập vật, phục cộng ưu chi” (trâu, ngựa, gia súc, tôi tớ, tiền của, áo, cơm, đồ dùng, lại cùng lo toan). “Thập vật” (什物) là các thứ đồ dùng khác. “Phục cộng ưu chi” (lại cùng lo lắng): Chẳng có bèn lo lắng, đã có vẫn lo lắng. “Trùng ưu lũy tức, ưu niệm sầu bố” (lo quẩn nghĩ quanh, ngẫm nghĩ lo âu, sầu muộn, sợ hãi): “Trùng tư lũy tức” có cùng ý nghĩa với “lũy niệm tích lự” trong phần trước, lo quẩn, nghĩ quanh, kết quả là ngẫm nghĩ, lo âu, sầu muộn sợ hãi. Hằng ngày phát rầu, hằng ngày sợ hãi, chẳng biết tiền tài trong thế gian là thứ chẳng kiên cố. Tiếp đó, [kinh văn] cho biết tiền tài sẽ bị mất mát.
“Hoạnh vị phi thường thủy, hỏa, đạo tặc, oán gia, trái chủ” (bỗng dưng bị nước, lửa vô thường, trộm cướp, oán gia trái chủ): “Hoạnh vị” (橫為) là bỗng dưng tai nạn xảy đến, tai nạn chẳng thể đề phòng được! Bỗng dưng phát sanh thủy tai, bỗng dưng phát sanh hỏa tai, bỗng dưng gặp đạo tặc cướp đoạt, trộm mất, hoặc bị oan gia, trái chủ đoạt mất. Đó gọi là “phần phiêu, kiếp đoạt, tiêu tán ma diệt” (đốt, trôi, cướp đoạt, tiêu tán mòn diệt). “Ưu độc chung chung, vô hữu giải thời” (lo buồn dằn vặt, bứt rứt, chẳng có lúc cởi gỡ được): Thứ đang vốn có, gặp phải tai nạn bèn chẳng còn nữa, nỗi ưu lự trong tâm biến thành một thứ “ưu độc” (憂毒, lo buồn dằn vặt). Từ ngữ “chung chung” (忪忪) hình dung trạng thái lo sầu, khổ sở, bất an trong tâm. “Vô hữu giải thời” (chẳng có lúc cởi gỡ): Ban ngày trong tâm suy nghĩ, gieo nỗi ưu độc xuống, ban đêm cũng chẳng ngủ được, chẳng có lúc giải trừ được! “Kết phẫn tâm trung, bất ly ưu não” (kết thành phẫn hận trong tâm, chẳng lìa ưu não): Cái tâm phẫn hận kết lại trong tâm. Vĩnh viễn chẳng lìa cái tâm ưu não. “Tâm kiên ý cố” (tâm ý kiên cố): Ai khuyên lơn cũng chẳng khuyên giải được. “Thích vô túng xả” (nếu như chẳng buông bỏ): Đã là chẳng có thì quý vị hãy bỏ đi [đừng tiếc nuối nữa], nhưng kẻ ấy chẳng có tâm niệm đó, chẳng buông lỏng, vứt bỏ ý niệm ấy được.
Trên đây là nói những của cải ngoài thân đã chẳng có, gặp phải oan gia đối đầu, họ còn muốn cái mạng của quý vị, mạng chính là tài sản ở bên trong thân. “Hoặc tọa tồi toái” (Hoặc gặp phải sự vùi dập khiến bị tan nát), “tọa” (坐) là gặp phải. [“Hoặc tọa tồi toái”] là bị vùi dập khiến cho thân thể hư hoại. “Thân vong mạng chung, khí quyên chi khứ, mạc thùy tùy giả” (thân mất, mạng hết, vứt bỏ ra đi, chẳng có ai theo): Khi ấy, quý vị chẳng xả thân cũng không được, thân thể đã bị phá hư tan nát. “Mạc thùy tùy giả” (chẳng có ai theo): Khi ấy, ai sẽ đi theo? Quý vị chẳng thể mang theo tiền tài được. Người nhà, quyến thuộc cũng chẳng có ai đi theo quý vị. “Tôn quý hào phú, diệc hữu tư hoạn” (kẻ tôn quý, giàu sang, có thế lực cũng vẫn có nỗi hoạn nạn ấy): Trong phần trước đã nói, [đối với chuyện] mất tài, mất mạng thì kẻ tôn quý, quyền thế, giàu có đều gặp phải nỗi tai ương, hoạn nạn này. “Ưu cụ vạn đoan” (lo sầu muôn mối): Hằng ngày đều ưu sầu, kinh sợ nhiều đến muôn mối.
“Cần khổ nhược thử” (nhọc nhằn dường ấy): Chịu đựng nỗi khổ sở nhọc nhằn như thế ấy. “Kết chúng hàn nhiệt, dữ thống cộng cư” (trải qua bao mùa nóng lạnh, sống chung với nỗi đau khổ): “Kết chúng hàn nhiệt” là chất chứa từng năm này qua năm khác, trải qua mấy chục năm, đó gọi là “kết chúng hàn nhiệt”. “Dữ thống cộng cư” là thường sống chung với đau khổ, đời người hưởng thụ khoái lạc chi đâu? Ngoài hứng chịu đau khổ ra, vẫn là chịu khổ!
Kinh văn nói vì sao [chúng sanh trong] thế giới Sa Bà hứng chịu thống khổ? Trong phần trước đã nói [chúng sanh trong] Tây Phương Cực Lạc thế giới chỉ hưởng các niềm vui, vì sao họ hưởng niềm vui? Thứ nhất là vì A Di Đà Phật vun bồi công đức, vun đắp thành thế giới Cực Lạc. Đã thế, chư đại Bồ Tát ai nấy đều góp một phần công đức, trang nghiêm thế giới Cực Lạc. Do vậy, chúng sanh trong Tây Phương Cực Lạc “vô hữu chúng khổ, đản thọ chư lạc” (chẳng có các nỗi khổ, chỉ hưởng các niềm vui). Nhưng vì sao chúng sanh trong thế giới Sa Bà hứng chịu thống khổ nhiều ngần ấy? Đức Phật Thích Ca lại nói chúng sanh trong thế giới Sa Bà chịu khổ, cái nhân của khổ do đâu mà có? Phiền não là cái nhân gây khổ. Phiền não có ba món căn bản phiền não là tham, sân, si. Chúng sanh trong thế giới Sa Bà vì có cái nhân tạo khổ là ba căn bản phiền não tham, sân, si, cho nên mới gặp phải quả khổ. Trong đoạn trước, [kinh văn] đã nói về tham phiền não, kẻ đại phú đại quý có tham phiền não y hệt [như kẻ nghèo khó] vì tâm họ tham lam, chẳng biết đủ. Đã có, vẫn mong có thêm, đã có nhiều rồi vẫn muốn có nhiều hơn nữa! Tiếp đó, [đức Phật nói] kẻ bần tiện cũng có tham phiền não.
“Bần cùng hạ liệt” (nghèo túng, kém hèn): Kẻ bần cùng tức là kẻ chẳng phú quý. Kẻ hạ liệt (下劣) là những kẻ chẳng làm quan to. Những người bần cùng, hèn kém “khốn phạp thường vô” (thiếu hụt, thường chẳng có thứ gì), nghèo nàn, khốn khổ, thường thiếu hụt, trắng tay, tức là cơm áo lẫn chỗ ở thường chẳng đầy đủ. Vì thường xuyên thiếu thốn cơm, áo, chỗ ở, và những vật dụng cần thiết cho đời sống, họ sẽ càng tham! “Vô điền diệc ưu dục hữu điền” (không có ruộng cũng lo lắng, mong sao có ruộng), chẳng có ruộng đất, hằng ngày ưu sầu. “Dục” (欲) là hy vọng, hy vọng có mấy mẫu ruộng. “Vô trạch diệc ưu hữu trạch” (không có nhà cũng lo lắng, mong sao có nhà), ngay cả chỗ ở cũng không có, ưu sầu mong mỏi sẽ có nơi để ở. “Vô ngưu, mã, lục súc” (không có trâu, ngựa, gia súc), không có “nô tỳ, tiền tài”, không có “y, thực, thập vật” (áo cơm, đồ đạc), “thập vật” (什物) là các đồ dùng, thảy đều chẳng có. “Diệc ưu dục hữu chi” (cũng lo sầu mong sao cho có), hằng ngày ưu sầu hy vọng sẽ có ruộng, đất, nhà ở, trâu, ngựa, gia súc, nô tỳ, tiền của, hết thảy đồ dùng. “Thích hữu nhất, phục thiểu nhất” (vừa có được một thứ, lại thấy thiếu một thứ): Chữ “thích” (適) nên hiểu là “cương” (剛, vừa mới). Vừa mới có được một thứ này, lại [cảm thấy] thiếu thứ khác. Chẳng hạn như không có ruộng, vừa mới mua được mấy mẫu ruộng, [lại cảm thấy] còn thiếu nhà ở. “Hữu thị thiểu thị” (có thứ gì bèn thấy thiếu thứ đó): Đã có ruộng, vẫn hiềm là ít. Ví như nói đã có ba mẫu ruộng, kẻ ấy muốn có sáu mẫu ruộng. Mua được hai căn nhà, mong muốn mua thêm sáu căn nữa! Có thứ này, vẫn thấy thứ này là ít! “Tư hữu tề đẳng” (mong sao có của cải bằng với người khác): Kẻ ấy thấy người đại phú đại quý hưởng phước, muốn được như kẻ đại phú đại quý. Như thế thì nỗi ưu sầu vĩnh viễn chẳng chấm dứt, trong tâm vĩnh viễn chẳng thỏa mãn! “Thích dục cụ hữu” (vừa mới sắp có đầy đủ): Những thứ vừa mới mong muốn gần như đều đã có cả rồi, chẳng biết pháp thế gian là vô thường, vừa mới có đầy đủ, “tiện phục mi tán” [nghĩa là] ngay lập tức gặp tai nạn liền tan tác, tan nát mất sạch!
Trong phần trên, kẻ đại phú đại quý gặp phải thủy tai, hỏa tai, tai nạn giặc cướp, tai nạn do oan gia trái chủ, ngay lập tức [tài vật] tan nát. Đã tan nát rồi, chớ nên nghĩ tới nữa, nhưng có lẽ nào họ chẳng nghĩ tưởng? “Như thị ưu khổ” (sầu khổ như thế), đã ưu sầu lại còn thêm khổ não. Nỗi sầu khổ trước kia là lo sao cho có, nay là lo mất mát, đã mất đi vẫn mong sẽ có lại, ưu sầu khổ não! “Đương phục cầu sách”, [nghĩa là] lại thường xuyên mong cầu, tìm kiếm, vẫn mong gia tài đã tiêu tán sẽ lại phục hồi như cũ. “Bất năng thời đắc” (chẳng thể ngay lập tức có được): Có lẽ nào quý vị mong đạt được sẽ liền có? Chẳng thể nào ngay lập tức có được! “Tư tưởng vô ích” (suy nghĩ vô ích), quý vị cứ nghĩ đăm đăm vào đó, chẳng có một tí lợi lạc nào! Nhưng kẻ ấy vẫn cứ suy nghĩ; do vậy, “thân tâm câu lao” (thân lẫn tâm đều nhọc nhằn), thân thể do mong cầu tiền của, bèn bôn ba, tất bật, trong tâm suốt ngày từ sáng đến tối ưu sầu, khổ não. “Tọa khởi bất an” (đứng ngồi không yên): Ngồi chẳng yên, đứng cũng chẳng ổn. “Ưu niệm tương tùy” (luôn luôn lo nghĩ): Suốt ngày từ sáng đến tối, toàn là những ý niệm ưu sầu vương vấn theo mình. “Cần khổ nhược thử” (nhọc nhằn dường ấy): Hứng chịu khổ nhọc đến mức như thế ấy. “Diệc kết chúng hàn nhiệt” (cũng trải qua bao mùa nóng lạnh): Cũng giống như kẻ phú quý trong phần trước. Người sống trên cõi đời mấy chục năm, mỗi năm là một mùa nóng, một mùa lạnh, quý vị chất chứa lại, trải qua mấy chục năm. “Dữ thống cộng cư” (sống chung với đau khổ): Quý vị chẳng sống với niềm vui sướng, mà chung sống với nỗi đau khổ. “Hoặc thời tọa chi, chung thân yểu mạng” (hoặc có khi do vì lẽ đó, táng thân mất mạng): Hoặc là do quý vị cầu tiền của, mà đánh mất sanh mạng. “Yểu” (夭) là đoản mạng. Trước khi kẻ ấy chết, “bất khẳng vi thiện” (chẳng chịu làm lành), suốt ngày từ sáng đến tối tham muốn tiền tài, tất bật bận bịu vài chục năm, khi còn sống chẳng chịu làm tí xíu chuyện tốt nào, cũng chẳng chịu “hành đạo tấn đức” (tu đạo, tăng tấn đức hạnh). “Thọ chung thân tử” nghĩa là thọ mạng của kẻ ấy đã hết, thân thể chết đi. “Đương độc viễn khứ” (sẽ một mình đi đến chốn xa xôi), [ý nói] kẻ ấy đơn độc đi đến nơi xa xôi. “Hữu sở thú hướng” (có chỗ hướng đến), hướng đến nơi đâu? “Thiện ác chi đạo, mạc năng tri giả” (đường thiện, lẽ ác, không ai có thể biết): Ngoại trừ thánh nhân mới biết, phàm phu chẳng biết kẻ ấy sẽ tới nơi đâu? Xét theo nhân quả để suy tính, kẻ ấy sống khổ sở suốt cả một đời, chết đi, nhất định đọa vào ba ác đạo, vẫn là đến chịu khổ! Vì sao biết kẻ ấy nhất định đọa trong ba ác đạo? Vì kẻ ấy “bất khẳng vi thiện” (không chịu làm lành), mà cũng chẳng chịu “hành đạo tấn đức” (sống theo đạo để tăng tấn đức hạnh). Lúc còn sống toàn làm chuyện ác, chẳng đọa trong ba ác đạo thì sẽ đến nơi đâu?
Nếu đối với kẻ chẳng liễu giải Phật giáo, nghe [nói như vậy], sẽ dấy lên phản cảm: [Các ngươi] nói “cái này đừng tham, cái kia cũng đừng tham. Điền sản, nhà cửa đều đừng nên tham, áo cơm cũng đừng nên tham. Vậy thì khỏi sống nữa!” Kẻ ấy hỏi như vậy có lý lắm chớ! Đệ tử Phật giáo thì có đệ tử xuất gia và đệ tử tại gia. Tứ chúng đệ tử đều là phàm phu, thảy đều chẳng rời khỏi áo, cơm, chỗ ở! Hoàn toàn chẳng phải là bảo quý vị đừng nên sinh tồn. Đệ tử tại gia chưa xuất gia, chuyện gì cũng đều có thể làm, kinh doanh, buôn bán, trồng trọt, cày cấy đều có thể làm được. Nhưng đệ tử tại gia có giới luật, tức là chẳng thể sát hại chúng sanh. Người thọ tại gia Bồ Tát giới chẳng thể bán rượu, chuyện gì [chẳng vi phạm giới luật thì] cũng đều có thể làm. Nói theo giới luật, tại gia đệ tử không được sát hại chúng sanh, không được bán rượu, lại còn không được bán dầu. Vì sao không thể bán dầu? Vì Ấn Độ có một loại dầu, không giống dầu ăn trích từ thực vật của Trung Hoa. Dầu thực vật từ mè, đậu nành, hoặc đậu phộng ép ra, còn dầu của Ấn Độ là do từ một loài du trùng (trùng có dầu) ép ra. Do điều này, sẽ làm tổn thương khá nhiều sanh mạng. Vì thế, đệ tử Phật giáo Ấn Độ chẳng thể bán dầu.
Đệ tử tại gia cần sống, đệ tử xuất gia cũng cần sống. Xuất gia vẫn là phàm phu, chẳng lìa khỏi áo, cơm, chỗ ở, lại còn có thể ngã bệnh. Đối với cuộc sống của đệ tử xuất gia, Phật Thích Ca có quy định về y phục, ăn uống, ngọa cụ, thuốc men, bốn thứ này đều chẳng thể xả. Người xuất gia chẳng thể không mặc quần áo, nhưng quý vị chẳng thể mặc quần áo của người tại gia. Người xuất gia phải ăn uống, chẳng ăn uống sẽ không thể tu hành. Chẳng ngủ sẽ không được. Hôm nay quý vị không ngủ, ngày mai tinh thần sẽ uể oải, làm sao dụng công cho nổi? Ngủ thì cần phải có phòng, đồ trải, mền đắp. Người xuất gia ngã bệnh cũng cần phải đi khám bác sĩ, uống thuốc giống hệt [người tại gia]. Bốn thứ ấy là những vật dụng cần dùng trong đời sống, là những thứ để duy trì, nuôi dưỡng sanh mạng, người xuất gia cần phải sống chứ!
Vậy thì dựa theo đoạn kinh văn này để nói, [tham cầu áo, cơm, chỗ ở, tiền của] có gì là không đúng? Đoạn kinh văn này có ý nói, người phú quý chẳng được tham dục, kẻ bần cùng cũng chẳng được tham dục! Vậy thì đệ tử Phật vẫn là có tham dục! Kiến giải kiểu này khiên cưỡng, chẳng phải là luận định theo lý. Trong phần trước, [chánh kinh] đã nói Vô Lượng Thọ Phật xuất gia tu hành bèn thực hiện như thế nào? Thứ nhất là thiểu dục, thứ hai là tri túc (biết đủ). Tỳ-kheo Pháp Tạng xuất gia cũng là một phàm phu, Ngài cũng phải sống, nhưng Ngài thiểu dục, đã thiểu dục lại còn tri túc. Tứ chúng đệ tử của đức Phật đều tiếp nhận sự chỉ dạy ấy. Thiểu dục là chẳng dấy lên tâm tham, hãy thuận theo nhân duyên để sống. Khi nhân duyên chẳng quá tốt đẹp, chịu đựng một chút gian nan, đau khổ, trong tâm an định, phải tri túc, chịu khổ một chút chẳng sao cả. Như vậy thì quý vị mới chẳng dấy động cái tâm tham dục. Chẳng dấy động tâm tham dục, sẽ chẳng có loại phiền não này, sẽ không ngày đêm sáu thời, suốt ngày từ sáng đến tối ưu sầu mong mỏi phát tài! Trong kinh Di Giáo, đức Phật nói càng rõ ràng hơn: “Tri túc chi nhân, tuy ngọa địa thượng, do vi an lạc. Bất tri túc giả, tuy xử thiên thượng, diệc bất xứng ý” (người biết đủ tuy nằm trên mặt đất, vẫn thấy an vui. Kẻ chẳng biết đủ, tuy ở trên trời, vẫn chẳng thỏa lòng). Người biết tri túc ở trên đất vẫn cảm thấy vui sướng. Kẻ chẳng tri túc ở trên cõi trời, vẫn chẳng cảm thấy sung sướng. Đấy là dụng công tri túc.
Lại xem tiếp kinh văn. Đoạn kế tiếp nói về sân phiền não. Sân là nổi giận, nóng máu, dấy động sân hận.
2.2.3.3.2.1.2. Lỗi lầm do sân
(Kinh) Thế gian nhân dân, phụ tử, huynh đệ, phu phụ gia thất, trung ngoại thân thuộc, đương tương kính ái, vô tương tăng tật. Hữu vô tương thông, vô đắc tham tích, ngôn sắc thường hòa, mạc tương vi lệ. Hoặc thời tâm tránh, hữu sở khuể nộ. Kim thế hận ý, vi tương tăng tật, hậu thế chuyển kịch, chí thành đại oán. Sở dĩ giả hà? Thế gian chi sự, cánh tương hoạn hại. Tuy bất tức thời, ưng cấp tương phá. Nhiên hàm độc súc nộ, kết phẫn tinh thần, tự nhiên khắc thức, bất đắc tương ly, giai đương đối sanh, cánh tương báo phục. Nhân tại thế gian, ái dục chi trung, độc sanh, độc tử, độc khứ, độc lai, đương hành chí thú khổ lạc chi địa, thân tự đương chi, vô hữu đại giả. Thiện ác biến hóa, ương phước dị xứ, túc dự nghiêm đãi, đương độc thú nhập, viễn đáo tha sở, mạc năng kiến giả. Thiện ác tự nhiên truy hành sở sanh, yểu yểu minh minh, biệt ly cửu trường, đạo lộ bất đồng, hội kiến vô kỳ. Thậm nan! Thậm nan! Kim đắc tương trị, hà bất khí chúng sự, các ngộ cường kiện thời, nỗ lực cần tu thiện, tinh tấn nguyện độ thế, khả đắc cực trường sanh. Như hà bất cầu đạo, an sở tu đãi, dục hà lạc hồ?
(經)世間人民,父子兄弟,夫婦家室,中外親屬,當相敬愛,無相憎嫉。有無相通,無得貪惜,言色常和,莫相違戾。或時心諍,有所恚怒。今世恨意,微相憎嫉,後世轉劇,至成大怨。所以者何?世間之事,更相患害。雖不即時,應急相破。然含毒畜怒,結憤精神,自然剋識,不得相離。皆當對生,更相報復。人在世間,愛欲之中,獨生獨死,獨去獨來,當行至趣苦樂之地,身自當之,無有代者。善惡變化,殃福異處,宿豫嚴待,當獨趣入,遠到他所,莫能見者。善惡自然追行所生,窈窈冥冥,別離久長,道路不同,會見無期。甚難!甚難!今得相值。何不棄眾事,各遇強健時,努力勤修善,精進願度世,可得極長生。如何不求道,安所須待,欲何樂乎?
(Kinh: Nhân dân trong thế gian, cha, con, anh, em, vợ chồng, gia đình, thân thuộc trong ngoài, hãy nên kính yêu nhau, đừng ganh ghét nhau. Kẻ có [tiền của] hãy chia sẻ cho người không, đừng nên tham tiếc. Lời lẽ, vẻ mặt thường hòa dịu, đừng nên chống trái nhau. Hoặc là có lúc tâm tranh chấp, có những điều giận dữ. Trong đời này, ý căm hận, ganh ghét lẫn nhau còn nhẹ, đời sau sẽ chuyển thành dữ dội, đến nỗi trở thành niềm oán hận to lớn. Vì cớ sao vậy? Chuyện trong thế gian gây nên tai ương, họa hại lẫn nhau, dẫu chẳng ngay lập tức [xảy ra], hãy nên cấp tốc phá trừ. Nhưng chất chứa sự độc ác, tích lũy giận dữ, kết thành nỗi căm phẫn trong tinh thần, tự nhiên in hằn trong tâm thức, chẳng thể lìa bỏ được, sẽ đều sanh ra kết quả đối đầu, báo thù lẫn nhau. Người sống trong thế gian, ở trong ái dục, một mình sanh ra, một một lìa đi, một mình đến, một mình đi, sẽ đi đến nơi khổ hay vui, tự mình gánh chịu, chẳng có ai thay thế. Thiện ác biến hóa, họa phước khác chỗ, do nghiệp duyên đã tạo sẵn trong quá khứ mà sẽ nghiêm ngặt hứng chịu cái quả, sẽ một mình tiến vào [chỗ thọ quả], đến nơi khác xa xôi, không ai có thể thấy. Thiện ác tự nhiên ruổi theo chỗ sẽ sanh về, mù tăm, mịt mờ, biệt ly dài lâu, đường lối khác nhau, chẳng có kỳ hạn gặp gỡ. Rất khó! Rất khó! Nay được gặp gỡ, sao không vứt bỏ mọi chuyện, ai nấy hãy nhằm lúc khỏe mạnh mà nỗ lực siêng năng tu thiện, tinh tấn nguyện độ đời, ngõ hầu đạt được trường sanh cùng cực. Vì sao chẳng cầu đạo, há nên chờ đợi? Dục thì có gì vui sướng đâu nhỉ?)
Đoạn kinh văn này nhằm khai thị hàng đệ tử tại gia, Thích Ca Mâu Ni Phật dạy chúng ta cách làm người trong xã hội như thế nào. Quý vị chẳng xuất gia, là “thế gian nhân dân” (nhân dân trong thế gian), có “phụ tử, huynh đệ, phu phụ gia thất” (cha con, anh em, vợ chồng, gia đình), còn có “trung ngoại thân thuộc”, [tức là] thân thích quyến thuộc trong ngoài. “Đương tương kính ái”, [nghĩa là] hãy nên kính yêu lẫn nhau. “Vô tương tăng tật” (chẳng ganh ghét nhau), “tăng” là “tăng ố” (憎惡, ghét bỏ). Nhìn chẳng vừa mắt, quý vị bèn ghét bỏ, chán ghét kẻ ấy. Người ta cao minh hơn quý vị, quý vị liền ganh tỵ người ta. Hai cái tâm ấy là không nên nhất. Có hai cái tâm ấy, quý vị sẽ dấy lòng sân hận. Tâm sân hận dấy lên như thế nào? Do ganh tỵ mà dấy lên. [Nếu như] quý vị kính yêu lẫn nhau, làm sao có thể dấy lên sự ghét bỏ, ganh tỵ cho được? “Hữu vô tương thông” (kẻ có chia sẻ cho người không): Người một nhà, kẻ có chia sẻ cho người không, tức là đối với thân thích ngoài gia đình, có lúc một người thân thích không thể xoay sở được, chúng ta vẫn còn có thể sống được, bèn giúp đỡ người ấy. [Người ấy] chẳng có gạo, bèn tặng gạo; chẳng có quần áo, bèn tặng quần áo; họ chẳng có tiền thì cho người ta mượn mấy đồng. “Vô đắc tham tích” (chẳng được tham tiếc): Quý vị chớ nên dấy động cái tâm tham tiếc của chính mình, yêu tiếc tiền tài, một cái lông cũng chẳng nhổ, chẳng bỏ một đồng!
“Ngôn sắc thường hòa” (lời nói và vẻ mặt thường hòa dịu): Phải nói lời dễ nghe. “Sắc” (色) là vẻ mặt, vẻ mặt phải hiền hòa, tươi vui. “Mạc tương vi lệ” (đừng nên xung đột, hung dữ với nhau): Nói năng chớ nên dấy lên xung đột, đừng nên lộ vẻ cau có. “Hoặc thời tâm tránh, hữu sở khuể nộ” (hoặc là có lúc trong tâm tranh chấp, có điều gì cáu giận): Ba nghiệp thân khẩu ý dấy động “khuể nộ”, khẩu nghiệp sẽ chửi nhau, thân nghiệp sẽ đánh nhau. Nhưng trước hết là dấy lên ý nghiệp, [tức là] trước hết, trong tâm chúng ta dấy lên cái tâm tranh đấu. Đối phương chẳng vừa ý quý vị, quý vị sẽ tranh luận. Tranh luận đến nỗi miệng lưỡi chua cay, trước hết là dấy động “tâm tránh” (心諍, ý niệm tranh cãi trong tâm). Hễ “tâm tránh” thì trong tâm sẽ dấy động phẫn nộ, sẽ nổi nóng, sẽ tức giận. Lúc đó, quý vị phải biết: Tâm đã dấy động “khuể nộ” (恚怒, bực tức, nóng giận), miệng sẽ chửi bới, cãi lộn. Khi ấy, quý vị phải dụng công, chẳng để cho nó sanh khởi, tức là sanh khởi cái tâm khuể nộ, hãy ngay lập tức hàng phục nó. Quý vị phải hiểu “kim thế hận ý, vi tương tăng tật, hậu thế chuyển kịch, chí thành đại oán” (đời này hận ý ganh ghét còn nhẹ, đời sau chuyển thành trầm trọng, đến mức trở thành nỗi oán thù to lớn): Đời này, kiếp này, quý vị chưa dấy động khẩu nghiệp chửi rủa nhau, chưa dấy động thân nghiệp đánh nhau, trong tâm đã phát sanh tức giận, vậy là xong rồi, quý vị đã dấy động hận tâm! “Vi tương tăng tật” (ganh ghét nhau còn nhẹ): Quý vị ghét bỏ, ganh tỵ đối phương. “Hậu thế chuyển kịch” (đời sau chuyển thành dữ dội): Sang đời thứ hai, tâm sân hận càng thêm mạnh mẽ. “Chí thành đại oán” (đến nỗi trở thành nỗi oán thù to lớn): Kết oan gia với chúng sanh. Tuy chưa gây lộn, nhưng đã động tâm sân hận, sẽ ganh tỵ, chán ghét kẻ ấy. Đời này, kiếp này chưa thấy, chứ đời sau, kiếp sau, sẽ kết thành đại oan gia. Phật giáo nói nhân quả thông ba đời. Nếu chẳng nói là “thông ba đời”, đối với chuyện rất giản dị, nông cạn, cũng chẳng nói sao cho suông được! Ví như có kẻ mà ta chẳng hề quen biết họ, vừa trông thấy kẻ ấy, [ta bèn cảm thấy] rất có duyên, rất hoan hỷ, dường như đã từng gặp gỡ. Đấy là do đã kết thiện duyên trong đời trước. Lại có kẻ mà ta cũng chưa từng quen biết, vừa thấy kẻ đó, [đã cảm thấy] hắn rất đáng ghét, giống như là oan gia đối đầu. Đấy là do đời trước, kiếp trước, quý vị đã từng hận kẻ đó, đời trước đã kết ác duyên. “Sở dĩ giả hà?” (vì cớ sao vậy?) Là vì “chí thành đại oán” (đến nỗi trở thành nỗi oán thù to lớn): Đã hình thành oan gia đối đầu. Chẳng phải là quý vị chán ghét kẻ đó, thì là kẻ đó chán ghét quý vị. Quý vị chẳng hại kẻ đó, thì là kẻ đó cũng sẽ hại quý vị.
Đấy là đạo lý gì vậy? “Thế gian chi sự, cánh tương hoạn hại” (chuyện trong thế gian đều là [người với người] làm hại lẫn nhau): Chuyện trong thế gian đều là đối đãi! Quý vị trở ngại người ta, người ta sẽ trở ngại quý vị. Quý vị phải hiểu: Đối phương cũng là phàm phu, họ chẳng phải là Phật, cũng chẳng phải là Bồ Tát. Quý vị hận họ, họ chẳng hận quý vị ư? Quý vị hại họ, họ chẳng hại quý vị ư? Do vậy, kết quả là biến thành đại oan gia. “Tuy bất tức thời” (tuy chẳng phải là ngay lập tức): Đời này, kiếp này tuy chẳng biến thành đại oan gia, quý vị đừng nên mong được tiện nghi như thế nhé. Dẫu chẳng ngay lập tức biến thành oan gia, “ưng cấp tương phá” (hãy nên gấp phá trừ), quý vị phải ngay lập tức phá trừ cái tâm nóng giận, đừng nên giữ cái tâm ấy. Hễ giữ cái tâm ấy, đời sau, đời kế, sẽ kết thành oán gia, có phải là đã xong chưa? Cớ sao đời này, kiếp này dấy động nóng giận, dấy động hận tâm, sẽ mang sang đời kế, đời sau? “Nhiên hàm độc súc nộ” (nhưng đã chất chứa mầm độc, tích lũy sự giận dữ), quý vị đã dấy động tâm sân hận, đó là một trong Tam Độc. Trong tâm đã chứa chất độc, chất chứa, chăm bẵm sự phẫn nộ. Do vậy, “kết phẫn tinh thần” (kết thành nỗi căm phẫn trong tinh thần), đấy là nói thuận theo pháp thế gian. “Tự nhiên khắc thức” (tự nhiên in hằn trong tâm thức) là danh từ chuyên môn trong Phật giáo. “Thức” là nói tới thức thứ tám. Chuyển sanh sang đời sau, đời kế, đều là do thức thứ tám chuyển. Thức thứ tám chứa đựng hết thảy các chủng tử. “Khắc thức” (剋識) là từ ngữ để hình dung. Quý vị dấy tâm phẫn nộ, giống như dùng dao khắc vào thức thứ tám, tức là quý vị đã gieo một chủng tử phẫn nộ vào thức thứ tám. “Bất đắc tương ly” (chẳng thể bỏ lìa): Quý vị chết thì là nhục thể (cái thân xác thịt) hư hoại, chứ thức thứ tám sẽ chuyển sanh, vĩnh viễn chẳng lìa khỏi [những chủng tử thiện ác đã gieo trong ấy]. “Giai đương đối sanh, cánh tương báo phục” (sẽ đều sanh ra đối đầu, báo thù lẫn nhau): Đây là giải thích vì sao đời sau, đời kế sẽ kết thành đại oan gia? “Giai đương đối sanh” (sẽ đều sanh ra kết quả đối đầu): Vì trong thức thứ tám của quý vị đã từng gieo chủng tử độc, sanh ra một mầm độc, kết thành quả độc! Đối phương cũng là phàm phu, trong thức thứ tám của kẻ ấy cũng dấy động sân hận giống hệt như vậy, cũng gieo xuống chủng tử độc, cũng sanh thành mầm độc, kết thành quả độc. Hai người đối đầu. “Cánh tương báo phục” (báo thù lẫn nhau): Vì thế, khi gặp gỡ, sẽ nẩy sanh ý niệm trả đũa lẫn nhau. Đấy là nói: Sanh tâm sân hận thì đời sau, đời kế, sẽ kết thành oan gia.
“Nhân tại thế gian, ái dục chi trung” (người sống trong thế gian, ở trong ái dục): Đời này, kiếp này, chúng ta thọ sanh trong ái dục. “Độc sanh, độc tử, độc khứ, độc lai”: Nhưng khi quý vị sanh ra là một mình đến, khi chết là một mình đi. “Đương hành chí thú khổ lạc chi địa” (sẽ đi đến chỗ khổ hay vui): Đời này, kiếp này tạo ác nghiệp, quý vị sẽ đến chỗ thọ khổ. Đời này, kiếp này làm thiện nghiệp, quý vị sẽ đến chỗ hưởng vui. Trong khi quý vị sắp đi vào đường lành hay đường ác, cũng là nơi để chịu khổ hay hưởng vui, “thân tự đương chi, vô hữu đại giả” (tự mình gánh chịu, chẳng có ai thay thế). Nghiệp của chính quý vị thì do bản thân quý vị gánh vác, chẳng có ai thay thế. “Thiện ác biến hóa, ương phước dị xứ” (thiện ác biến hóa, bị ương họa hay hưởng phước khác chỗ): Quý vị làm thiện hay làm ác, biến hóa chẳng nhất định. Quý vị gặp tai ương hay hưởng phước ở nơi khác, chẳng phải là cùng một chỗ. “Túc dự nghiêm đãi, đương độc thú nhập” (do nghiệp duyên trong quá khứ, sẽ có báo ứng nghiêm ngặt, sẽ một mình tiến vào đó)1: Quý vị đáng hưởng phước [trong đường nào], sẽ đến hưởng phước trong đường ấy. “Viễn đáo tha sở” (đến chỗ khác xa xôi), quý vị lên trời hưởng phước, cũng lìa khỏi người nhà rất xa. Quý vị vào địa ngục chịu khổ, cũng lìa khỏi người nhà rất xa. “Mạc năng kiến giả” (không ai có thể trông thấy): Phàm phu ai cũng chẳng thể thấy! Phàm phu chẳng tin tưởng nhân quả báo ứng trong lục đạo luân hồi, vì họ chẳng trông thấy. “Thiện ác tự nhiên truy hành sở sanh” (thiện ác tự nhiên đi theo đến tận chỗ người ấy sẽ sanh về): Nhục nhãn của loài người thường chẳng thấy nhân quả báo ứng, chẳng thể trên là nhìn thấy thiên đường, dưới là thấy địa ngục. Phật, Bồ Tát đều thấy rất rõ ràng. Chúng ta chẳng thấy, dựa theo lý để bình luận, thì quý vị làm lành nhất định có thiện báo, làm ác nhất định có ác báo. Đó là nhân quả tự nhiên, pháp luật tự nhiên, nhất định là “truy hành sở sanh” ([những nghiệp đã tạo] đi theo đến chỗ [người tạo nghiệp] sẽ sanh về). Quý vị tạo thiện nghiệp, thiện nghiệp sẽ đi theo quý vị, nhất định tiến vào thiện đạo. Quý vị tạo ác nghiệp, ác nghiệp sẽ ruổi theo quý vị, nhất định tiến vào ác đạo. Đấy là “trồng dưa nhất định được dưa, trồng đậu nhất định được đậu”. “Yểu yểu minh minh” (窈窈冥冥, mù tăm, mờ mịt): “Yểu yểu minh minh” hình dung con đường mà người sau khi đã chết phải đi rất u ám, sâu xa vời vợi! “Biệt ly cửu trường” (ly biệt dài lâu): Biệt ly người nhà, quyến thuộc, thân thích, bằng hữu rất lâu xa. “Đạo lộ bất đồng” (đường nẻo khác nhau): Do mỗi người tạo thiện hay tạo ác bất đồng, cũng sẽ đi theo những đường nẻo khác nhau! Quý vị đến hưởng phước của quý vị, tôi đi chịu tội của tôi, ai cũng chẳng thể thay thế kẻ khác được! “Hội kiến vô kỳ” [nghĩa là] muốn gặp mặt cũng chẳng có kỳ hạn! “Thậm nan! Thậm nan!”: Mong gặp mặt rất khó, quá khó! Kinh văn trong kinh Vô Lượng Thọ có những chỗ dịch không suông sẻ cho lắm. Ở đây, nói tương ứng với những điều kinh văn đã nói trong phần trước thì là [người đã mất] biệt ly người nhà quyến thuộc rất lâu xa, ai đi theo đường nấy, ai chịu báo nấy, mong gặp gỡ rất khó!
“Kim đắc tương trị” (đời này gặp gỡ): Đời này, kiếp này, may mắn được gặp gỡ, “hà bất khí chúng sự?” (sao không buông bỏ các việc?): Sao quý vị chẳng vứt bỏ những chuyện chẳng liên quan? “Các ngộ cường kiện thời, nỗ lực cần tu thiện” (ai nấy gặp lúc đang khỏe mạnh, hãy nỗ lực siêng năng tu thiện): Nhằm lúc thân thể quý vị hãy còn mạnh mẽ, hãy ngay lập tức nỗ lực tu thiện đạo. “Tinh tấn nguyện độ thế” (tinh tấn nguyện độ đời), [đức Phật] bảo quý vị hãy siêng tu thiện pháp Đại Thừa, hãy ngay lập tức tinh tấn tu hành, phát nguyện độ chúng sanh trong thế gian. “Khả đắc cực trường sanh” (có thể đạt được sự sống lâu tột bậc): Quý vị nghe pháp môn Vô Lượng Thọ, sanh về Tây Phương thì cũng là vô lượng thọ đấy nhé! “Như hà bất cầu đạo” (cớ sao chẳng cầu đạo): Vì sao quý vị chẳng nghe lời đức Phật dạy mà ngay lập tức cầu Phật đạo? “An sở tu đãi” (há nên chờ đợi): Quý vị còn phải đợi nhân duyên gì nữa? “Dục hà lạc hồ?” (dục có gì đáng vui đâu?) Quý vị còn muốn chuyện khoái lạc chi nữa! Hãy nghĩ thế gian chẳng có niềm vui ấy, quý vị vẫn [phải nên] ngay lập tức nghe lời Phật dạy, ngay lập tức niệm Vô Lượng Thọ Phật vãng sanh Tây Phương thì mới đúng!
Trên đây đã nói về hai căn bản phiền não là tham và sân, ngoài chịu khổ ra thì vẫn là phải chịu khổ. Dưới đây là nói đến món [phiền não] thứ ba, tức ngu si. Do ngu si, vẫn phải chịu khổ.
2.2.3.3.2.1.3. Lỗi lầm do si
(Kinh) Như thị thế nhân, bất tín tác thiện đắc thiện, vi đạo đắc đạo, bất tín nhân tử cánh sanh, huệ thí đắc phước. Thiện ác chi sự, đô bất tín chi. Vị chi bất nhiên, chung vô hữu thị. Đản tọa thử cố, thả tự kiến chi, cánh tương chiêm thị, tiên hậu đồng nhiên. Chuyển tương thừa thọ, phụ dư giáo lệnh, tiên nhân tổ phụ, tố bất vi thiện, bất thức đạo đức. Thân ngu thần ám, tâm tắc ý bế. Tử sanh chi thú, thiện ác chi đạo, tự bất năng kiến, vô hữu ngữ giả. Cát hung họa phước, cạnh các tác chi, vô nhất quái dã. Sanh tử thường đạo, chuyển tương tự lập. Hoặc phụ khốc tử, hoặc tử khốc phụ. Huynh đệ phu phụ, cánh tương khốc khấp, điên đảo thượng hạ, vô thường căn bổn, giai đương quá khứ, bất khả thường bảo. Giáo ngữ khai đạo, tín chi giả thiểu. Thị dĩ sanh tử lưu chuyển, vô hữu hưu chỉ. Như thử chi nhân, mông minh để đột, bất tín kinh pháp, tâm vô viễn lự, các dục khoái ý, si hoặc ái dục. Bất đạt ư đạo đức, mê một ư sân nộ, tham lang ư tài sắc, tọa chi bất đắc đạo. Đương cánh ác thú khổ, sanh tử vô cùng dĩ, ai tai thậm khả thương! Hoặc thời thất gia phụ tử, huynh đệ phu phụ, nhất tử, nhất sanh, cánh tương ai mẫn. Ân ái tư mộ, ưu niệm kết phược, tâm ý thống trước, điệt tương cố luyến, cùng nhật tốt tuế, vô hữu giải dĩ. Giáo ngữ đạo đức, tâm bất khai minh, tư tưởng ân hảo, bất ly tình dục. Hôn mông ám tắc, ngu hoặc sở phú, bất năng thâm tư thục kế, tâm tự đoan chánh, chuyên tinh hành đạo, quyết đoạn thế sự. Tiện toàn chí cánh, niên thọ chung tận, bất khả đắc đạo, vô khả nại hà! Tổng ổi hội nhiễu, giai tham ái dục. Hoặc đạo giả chúng, ngộ chi giả thiểu! Thế gian thông thông, vô khả liêu lại. Tôn ty thượng hạ, bần phú quý tiện, cần khổ thông vụ, các hoài sát độc. Ác khí yểu minh, vi vọng hưng sự, vi nghịch thiên địa, bất tùng nhân tâm. Tự nhiên phi ác, tiên tùy dữ chi, tứ thính sở vi, đãi kỳ tội cực. Kỳ thọ vị chung tận, tiện đốn đoạt chi. Hạ nhập ác đạo, lũy thế cần khổ, triển chuyển kỳ trung, sổ thiên ức kiếp, vô hữu xuất kỳ. Thống bất khả ngôn, thậm khả ai mẫn!
(經)如是世人,不信作善得善,為道得道。不信人死更生,惠施得福。善惡之事,都不信之。謂之不然,終無有是。但坐此故,且自見之,更相瞻視,先後同然。轉相承受,父餘教令,先人祖父,素不為善,不識道德。身愚神闇,心塞意閉。死生之趣,善惡之道,自不能見,無有語者。吉凶禍福,競各作之,無一怪也。生死常道,轉相嗣立。或父哭子,或子哭父。兄弟夫婦,更相哭泣。顛倒上下,無常根本,皆當過去,不可常保。教語開導,信之者少。是以生死流轉,無有休止。如此之人,蒙冥抵突,不信經法,心無遠慮,各欲快意,癡惑愛欲。不達於道德,迷沒於瞋怒,貪狼於財色,坐之不得道。當更惡趣苦,生死無窮已,哀哉甚可傷!或時室家父子,兄弟夫婦,一死一生,更相哀愍。恩愛思慕,憂念結縛,心意痛著,迭相顧戀,窮日卒歲,無有解已。教語道德,心不開明,思想恩好,不離情欲。昏蒙闇塞,愚惑所覆,不能深思熟計,心自端正,專精行道,決斷世事。便旋至竟,年壽終盡,不能得道,無可奈何。總猥憒擾,皆貪愛欲。惑道者眾,悟之者少。世間匆匆,無可聊賴。尊卑上下,貧富貴賤,勤苦匆務,各懷殺毒。惡氣窈冥,為妄興事。違逆天地,不從人心。自然非惡,先隨與之,恣聽所為,待其罪極。其壽未終盡,便頓奪之。下入惡道,累世勤苦,展轉其中,數千億劫,無有出期。痛不可言,甚可哀愍!
(Kinh: Người đời như thế đó, chẳng tin làm lành sẽ được lành, tu đạo sẽ đắc đạo, chẳng tin con người chết rồi sẽ lại sanh, do bố thí rộng rãi sẽ được phước. Đối với chuyện thiện ác, họ đều chẳng tin, bảo là “chẳng phải vậy, rốt cuộc chẳng có chuyện ấy”. Chỉ vì lẽ ấy, họ lại còn tự thấy, cùng nhau nhìn ngó, trước sau đều là như thế. Lần lượt dạy bảo lẫn nhau, cha đã truyền dạy [kiến chấp ấy cho con], người đời trước, ông, cha, trọn chẳng làm lành, chẳng biết đạo đức. Thân tâm ngu tối, tâm ý bế tắc. Nẻo tử sanh, đường thiện ác chẳng thể tự thấy, không ai bảo ban. Cát, hung, họa, phước, ai nấy đua nhau làm, chẳng lấy gì làm lạ. Đạo sanh tử thường hằng, lần lượt nối dõi cho nhau. Hoặc cha khóc con, hoặc con khóc cha. Anh em, vợ chồng, khóc than lẫn nhau. Trên dưới điên đảo, vô thường là điều căn bản, [tất cả mọi mối quan hệ, mọi pháp trong thế gian] rồi sẽ qua đi, chẳng thể giữ mãi. Dạy, nói, chỉ bày, kẻ tin thì ít. Do vậy, lưu chuyển trong sanh tử, chẳng hề ngưng nghỉ. Hạng người như thế tối tăm, hung hăng, chẳng tin kinh pháp, tâm chẳng lo xa, mỗi chuyện đều muốn khoái ý, si mê, ngu hoặc bởi ái dục, chẳng thông đạt đạo đức, mê muội, chìm đắm trong giận dữ, tham lam tài sắc. Do vậy, kẻ ấy chẳng đắc đạo, sẽ chịu khổ trong nẻo ác, sanh tử chẳng có cùng tận, buồn thay, quá đáng thương! Hoặc là có lúc gia đình, cha con, anh em, chồng vợ, một đằng sống, một đằng chết, thương xót lẫn nhau. Nhớ nghĩ niềm ân ái, buồn thương ràng buộc, tâm ý đau đớn, quyến luyến lẫn nhau, năm tàn tháng lụn, chẳng hề cởi gỡ. Dạy bảo đạo đức, tâm chẳng mở mang, sáng suốt, cứ nghĩ đến ân tình thắm thiết, chẳng lìa tình dục. Tối tăm, bế tắc, bị sự ngu hoặc che lấp, chẳng thể suy sâu nghĩ chín, tự đoan chánh cái tâm, chuyên ròng tu đạo, quyết đoán cắt đứt chuyện đời. Chẳng mấy chốc đã hết đời, tuổi thọ chấm dứt, chẳng thể đắc đạo, biết làm sao đây! Luôn bị quấy nhiễu bởi xấu hèn, hồ đồ, đều là vì tham ái dục. Kẻ lầm lạc nơi đạo thì đông, người ngộ ít ỏi. Thế gian tất bật, chẳng thể nương cậy. Tôn, ty, trên, dưới, nghèo, giàu, sang, nhọc nhằn, bận bịu, ai nấy ôm ấp phiền não giết hại. Ác khí mù mịt, xằng bậy làm càn, trái nghịch trời đất, chẳng thuận lòng người. Tự nhiên là sai quấy, xấu ác, [cho nên chúng sanh trong cõi này vừa sanh ra] đã có [những điều sai, ác] theo sẵn2 từ trước, mặc sức mà làm, cho đến khi tội lỗi cùng cực, tuổi thọ chưa hết, đã bị nhanh chóng đoạt mất, rơi vào ác đạo, vất vả bao đời, xoay vần trong đó, mấy ngàn ức kiếp, chẳng có thuở thoát ra. Đau chẳng thể nói, hết sức đáng thương xót!)
Vì sao người đời chẳng tin nhân quả? Do ngu si, chẳng có trí huệ. Ở đây là nói tới sự khổ não do ngu si. “Như thị thế nhân” (người đời như thế đó) là nói đến kẻ ngu si trong thế gian. “Bất tín tác thiện đắc thiện” (chẳng tin làm lành sẽ được lành): Họ chẳng tin tưởng “gieo thiện nhân, sẽ đắc thiện báo”. “Vi đạo đắc đạo” (tu đạo sẽ đắc đạo): Họ chẳng tin tu đạo thì trong tương lai sẽ đắc đạo. “Bất tín nhân tử cánh sanh” (chẳng tin người chết rồi sẽ lại sanh): Họ cho rằng người đã chết thì chẳng còn nữa, làm sao có thể tái sanh cho được? Họ chẳng tin sau khi con người đã chết, sẽ có luân hồi sanh tử. “Huệ thí đắc phước” (bố thí, tạo ân huệ thì sẽ được phước): Khuyên chúng sanh phải hành bố thí, tạo ân huệ cho người khác sẽ được phước, họ chẳng tin. “Thiện ác chi sự, đô bất tín chi, vị chi bất nhiên” (đối với chuyện thiện ác, họ đều chẳng tin, bảo chẳng phải là như vậy): “Thiện có thiện báo, ác có ác báo”, họ đều chẳng tin tưởng. Có người khuyên dạy họ: “Ngươi phải tin tưởng thiện có thiện báo, ác có ác báo, ngươi chẳng tin sẽ không được đâu nhé!” “Chung vô hữu thị” (rốt cuộc chẳng có chuyện ấy): Kết quả là họ chẳng tiếp nhận sự khai thị của quý vị, họ nói “há có chuyện quả báo thiện ác ấy?”
“Đản tọa thử cố” (chỉ vì lẽ ấy), “tọa thử” (坐此) là vì lý do này, họ chẳng tin tưởng đạo lý “thiện có thiện báo, ác có ác báo”. “Thả tự kiến chi” (họ lại còn tự thấy): Họ vẫn thấy làm lành chẳng có thiện báo, làm ác chẳng có ác báo. Họ còn nêu ra sự thật để chứng minh: “Kẻ nào đó toàn làm chuyện ác, kết quả là giàu sụ, hưởng phước lớn. Người nào đó hằng ngày tu thiện, cớ sao nghèo túng, khó khăn chẳng chịu đựng nổi?” Chính họ tận mắt thấy, thiện chẳng có thiện báo, ác chẳng có ác báo, cho nên tà kiến của họ càng tăng thêm. “Cánh tương chiêm thị, tiên hậu đồng nhiên” (cùng nhau nhìn ngó, trước sau đều là giống như vậy): Họ thấy rất nhiều người đều là như vậy, thiện ác đều chẳng có báo ứng, chẳng có đạo lý “thiện có thiện báo, ác có ác báo” như vậy. Cái kiểu chẳng tin tưởng nhân quả báo ứng như vậy, “chuyển tương thừa thọ” (thế hệ trước lần lượt truyền dạy, thế hệ sau tiếp nhận): Chẳng phải là một thế hệ trong đời này là như vậy, mà thế hệ này qua thế hệ khác đều là như vậy! “Phụ dư giáo lệnh” (cha đã truyền dạy): Họ nghe cha mình nói chẳng tin tưởng nhân quả báo ứng, lại truy ngược lên. “Tiên nhân tổ phụ”, ý nói tổ tiên, ông nội của họ thảy đều chẳng tin tưởng nhân quả báo ứng. “Tố bất vi thiện” (trọn chẳng làm lành): Đây là một gia đình ác, trước nay tổ tông cả tám đời đều chẳng biết làm việc thiện. “Bất thức đạo đức” (chẳng biết đạo đức): Cũng chẳng nhận biết đạo đức là chuyện như thế nào? “Thân ngu thần ám” [nghĩa là] người nhà kẻ đó thân thể ngu si, tinh thần tăm tối. “Tâm tắc ý bế” (tâm ý bế tắc): Hoàn toàn là kẻ ngu si, tâm tư bế tắc, trong tâm nghẹt cứng, ý nghiệp đóng chặt. “Tử sanh chi thú, thiện ác chi đạo, tự bất năng kiến” (chẳng thể tự thấy nẻo sống chết, đường thiện ác): Quý vị nói nhân quả ba đời với họ, sẽ sanh vào đường nào, chết rồi sẽ đi vào đường nào, kẻ ấy chẳng thể tự mình trông thấy. “Vô hữu ngữ giả” (chẳng có ai bảo ban): Cũng chẳng có thiện tri thức gợi mở, dẫn dắt họ. “Cát hung họa phước, cạnh các tác chi, vô nhất quái dã” (cát, hung, họa, phước, mỗi kẻ đều tranh nhau làm, chẳng có gì là lạ): Họ chẳng làm điều lành, toàn làm điều hung hiểm, tận lực làm những chuyện ương họa, chẳng làm phước, thích làm ác, chẳng có gì lạ lùng cả! Vì kẻ ấy cho rằng: Làm ác chẳng có ác báo, chẳng có gì đáng lạ lùng cả!
Hiện thời, kẻ không tin tưởng nhân quả báo ứng nghiễm nhiên rất đông, nhưng có thể là đối với các đệ tử Phật chúng ta đã gặp phải những trường hợp ương bướng cũng rất nhiều. Quý vị phải nhớ: Hễ bàn luận Phật pháp thì nhân quả báo ứng nhất định phải thông ba đời. Quý vị chẳng tin tưởng ba đời, sẽ chẳng có cách nào nói với quý vị được. Nếu quý vị tin tưởng có đời kế, đời sau, tôi mới nói với quý vị được. Nếu quý vị chẳng tin thì kể như thôi rồi! Quý vị làm chuyện ác, trong tương lai, quý vị sẽ bị báo ứng. Pháp luật thiên nhiên, luật nhân quả chẳng thể dung tha cái mạng của quý vị đâu nhé! Trong kinh Phật, có bài kệ về nhân quả ba đời như sau: “Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị. Dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị” (muốn biết nhân đời trước, những gì đã hứng chịu trong đời này chính là nó. Muốn biết cái quả đời sau, những gì đã làm trong đời này chính là nó đấy).
“Dục tri tiền thế nhân” (muốn biết cái nhân trong đời trước): Nếu quý vị muốn biết kiếp trước đã tạo cái nhân gì, “kim sanh thọ giả thị” (những gì phải hứng chịu trong đời này chính là nó đấy): Hãy nhìn vào những gì quý vị đạt được trong hiện tại, đấy chính là do cái nhân đã tạo trong đời trước, kiếp trước. Đời này là quả báo. Vì sao đời này quý vị phát tài, vì sao hưởng phước? Chính là vì đời trước, kiếp trước, quý vị đã từng làm thiện nghiệp. Vì sao đời này, quý vị chịu cảnh nghèo khổ? Do đời trước, kiếp trước đã tạo cái nhân ác. Đấy là “dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị” (muốn biết cái nhân đời trước, những gì hứng chịu trong đời này chính là nó). Quý vị muốn biết đời sau, đời kế, sẽ là quả gì ư? “Dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị” (muốn biết cái quả trong đời sau, những gì đã làm trong đời này chính là nó): Đời này quý vị đã tạo cái nhân gì ư? Chính quý vị hiểu rõ ràng, đời sau, đời kế nhất định sẽ mắc phải cái quả ấy. Quý vị đời này làm lành, đời sau nhất định đạt được thiện báo. Đời này quý vị làm ác, đời sau nhất định gặp ác báo! Nếu dùng sự thật để chứng minh, người ấy hiện tại làm ác lắm nỗi, cớ sao người ấy phát tài, cớ sao người ấy hưởng phước? Đấy là nhân quả báo ứng gì vậy? Kẻ ấy phát tài, hưởng phước là quả báo, [là vì] đời trước, kiếp trước đã làm thiện nhân. Đời này làm ác lắm nỗi là nhân, do quả báo [của cái nhân ấy] còn chưa chín muồi. Đời sau, đời kế, nhất định sẽ đọa vào ba ác đạo chịu khổ. Quý vị thấy kẻ khác tận sức làm lành, cớ sao hứng chịu nỗi khổ bần cùng như vậy? Hứng chịu quả báo khổ sở bần cùng, là do đời trước, kiếp trước đã tạo cái nhân ác, cho nên hứng chịu nỗi khổ bần cùng. Đời này, kẻ ấy tận hết sức làm chuyện tốt, nhưng [quả báo của những cái nhân lành ấy] vẫn chưa chín muồi! Đời sau, đời kế, nhất định có thể hưởng phước báo đại phú đại quý. Lại nói đến nỗi khổ do ngu si, do ngu si bèn bị sanh tử, chịu luân hồi điên đảo. Đấy cũng là nỗi khổ do chúng sanh ngu si!
“Sanh tử thường đạo”: Sanh tử là đường nẻo bình thường. Có sanh, ắt có tử; có sanh có tử thì người ấy lại chuyển sanh. “Chuyển tương tự lập” (lần lượt nối dõi cho nhau): Cha có thể chuyển sanh làm con trong nhà quý vị. “Hoặc phụ khốc tử, hoặc tử khốc phụ” (hoặc cha khóc con, hoặc con khóc cha): Chết mất một người thì sẽ khóc. Có thể là cha khóc con, cũng có thể là con khóc cha. “Huynh đệ, phu phụ, cánh tương khốc khấp, điên đảo thượng hạ” (anh em, vợ chồng, khóc than lẫn nhau, điên đảo trên dưới): Vốn là cha trong kiếp này, đời này; chết đi, con cái sẽ khóc cha. Đợi đến khi cha mẹ chết đi, trong tương lai, chuyển sanh làm con của con cái của chính mình. Người làm cha đã chuyển sanh làm con của con cái mình [trong đời trước], đợi đến mai sau, người con ấy chết đi, người cha đã chuyển thân làm đứa trẻ lại khóc con [của mình trong đời trước]. Anh em, vợ chồng, hễ bên nào chết thì cũng lại giống như vậy. Đấy gọi là điên đảo lầm loạn, [kinh văn chép là] “điên đảo thượng hạ”.
“Vô thường căn bổn, giai đương quá khứ, bất khả thường bảo” (căn bản là vô thường, sẽ đều qua đi, chẳng thể giữ mãi): Pháp thế gian lấy vô thường làm căn bản, sẽ phải qua đi, chẳng thể giữ mãi. “Giáo ngữ khai đạo, tín chi giả thiểu” (dạy, nói, chỉ dẫn, kẻ tin tưởng thì ít): Nếu quý vị ngay lập tức niệm A Di Đà Phật cầu lẽ thường trụ, tức là đạo trường sanh, nhưng kẻ tin tưởng rất ít. Vì kẻ tin tưởng rất ít, “thị dĩ sanh tử lưu chuyển, vô hữu hưu chỉ” (cho nên sanh tử lưu chuyển, chẳng có ngưng dứt). Do đó, sanh rồi chết, chết rồi sanh, sanh tử lưu chuyển, vĩnh viễn chẳng ngưng ngớt.
“Như thử chi nhân, mông minh để đột” (hạng người như vậy, tối tăm, hung hãn): “Mông minh” (蒙冥) là ngu si, chẳng có trí huệ. “Để đột” (抵突) là tánh tình nóng nảy. “Bất tín kinh pháp” (chẳng tin kinh pháp): Chẳng tiếp nhận lời khai thị từ kinh pháp. Trong phần trước đã nói: “Tín chi giả thiểu” (kẻ tin tưởng thì ít). Căn bản là chẳng tiếp nhận, quý vị nói sanh tử luân hồi gì đi nữa, kẻ ấy chẳng tiếp nhận. “Tâm vô viễn lự” (tâm chẳng lo xa): Quý vị thường xuyên nói pháp môn, kẻ ấy nhất loạt chẳng tin tưởng! Quý vị nói đời sau, kiếp sau phải chịu khổ, đời sau, kiếp sau sẽ sanh về Tây Phương, kẻ ấy chẳng suy nghĩ sâu xa như thế! Có thể là kẻ ấy còn thốt những lời tà kiến: “Ta kiếp này còn chưa xong, cần gì phải hỏi đến đời sau? Chuyện trong đời này, ta làm còn chưa xong, còn nghĩ tới đời sau, đời kế nỗi gì?” Kẻ ấy tự cho là mình rất có lý. “Các dục khoái ý” (ai nấy đều muốn khoái ý): Đời này, kiếp này, kẻ ấy mong cầu khoái lạc. “Si hoặc ái dục”: Do cầu vui sướng bèn nghĩ tới “ái dục”, đấy là ngu si, mê hoặc nơi ác dục. “Bất đạt ư đạo đức” (chẳng thông đạt đạo đức): Vĩnh viễn chẳng thể thấu đạt Phật đạo. “Mê một ư sân nộ” (mê muội, chìm đắm trong giận dữ): Do ngu si bèn dấy lòng sân hận, giận dữ. “Tham lang” (貪狼) là cái tâm tham lam, “tham lang ư tài sắc” (tham lam nơi tài sắc). “Tọa chi bất đắc đạo” [nghĩa là] do đó, sẽ chẳng đắc đạo. “Đương cánh ác thú khổ” (sẽ chịu khổ trong đường ác): Quý vị tận sức tham tài, tham sắc, nổi cơn giận dữ, nổi nóng, tạo các ác nghiệp, đương nhiên là quý vị phải đến chịu khổ trong đường ác. “Sanh tử vô cùng dĩ” (sanh tử chẳng có cùng tận): Quý vị vĩnh viễn sanh tử vô cùng vô tận. “Ai tai thậm khả thương” (buồn thay, hết sức đáng thương): Chúng sanh ngu si khiến cho Phật quá đau lòng!
“Hoặc thời thất gia, phụ tử, huynh đệ, phu phụ, nhất tử, nhất sanh” (hoặc có lúc gia đình, cha con, anh em, chồng vợ, một đằng sống, một đằng chết): Hoặc là cha con, anh em, vợ chồng, giữa đôi bên có một bên đã chết, một người còn sống. “Cánh tương ai mẫn. Ân ái tư mộ, ưu niệm kết phược, tâm ý thống trước” (buồn thương lẫn nhau. Nhớ nghĩ niềm ân ái, buồn thương buộc ràng, tâm ý đau đớn): Người đã chết khiến cho người còn sống một mực tưởng nhớ, đau khổ khôn ngằn! “Điệt tương cố luyến, cùng nhật tốt tuế” (quyến luyến lẫn nhau, năm tàn tháng lụn): Mỗi ngày đều ưu sầu như thế đó. “Vô hữu giải dĩ” (chẳng hề cởi gỡ): Chẳng có lúc nguôi ngoai. “Giáo ngữ đạo đức, tâm bất khai minh” (dạy bảo đạo đức, [nhưng] tâm họ chẳng mở mang, thông sáng): Quý vị bảo họ tu đạo, tu đức, họ chẳng nghe lọt tai, tâm chẳng hiểu rõ. “Tư tưởng ân hảo, bất ly tình dục” (tơ tưởng ân tình thắm thiết, chẳng lìa tình dục): “Tình dục” khiến cho họ mê hoặc, đấy vẫn là nỗi khổ do ngu si! “Hôn mông ám tắc, ngu hoặc sở phú” (tối tăm, bế tắc, bị ngu si, mê hoặc che lấp): Có ân ái tham dục tồn tại, sẽ càng tăng thêm ngu si, bị ngu si che lấp. “Bất năng thâm tư thục kế” (chẳng thể suy sâu, nghĩ chín): Chẳng thể tính toán kỹ càng, vì sao ta phải lưu chuyển sanh tử? Không thể nghĩ đến chỗ này! “Tâm tự đoan chánh, chuyên tinh hành đạo, quyết đoạn thế sự” (tự đoan chánh cái tâm, chuyên ròng hành đạo, nhất quyết dứt bỏ chuyện đời): Chẳng thể suy sâu nghĩ chín, ta hãy khéo dụng công tu hành, quyết định đoạn trừ chuyện thế gian để tu hành. Kẻ ấy chẳng thể nghĩ đến điều này! “Tiện toàn chí cánh, niên thọ chung tận” (chẳng mấy chốc sẽ hết đời, tuổi thọ chấm dứt): Khi quý vị còn chưa tu hành, thọ mạng đã tận. “Bất năng đắc đạo, vô khả nại hà” (chẳng thể đắc đạo, biết làm sao được): Căn bản là vẫn chẳng tu hành, thọ mạng của quý vị đã tận!
Người trong thế gian, “tổng ổi hội nhiễu, giai tham dục cố” (luôn bị quấy động bởi phiền tạp, hồ đồ, đều là do tham dục): “Hội nhiễu” (憒擾) là hồ đồ rối loạn, bị nhiễu loạn đều là vì tham ái dục. “Hoặc đạo giả chúng, ngộ chi giả thiểu” (kẻ lầm lẫn nơi đạo thì đông, người ngộ ít ỏi): Kẻ mê hoặc nơi đạo này rất nhiều, người ngộ đạo rất ít. “Thế gian thông thông, vô khả liêu lại” (thế gian bận rộn túi bụi, chẳng thể nương cậy): “Thông thông” (匆匆) là rất bận rộn, người thế gian suốt ngày từ sáng đến tối đều bận bịu, “liêu lại” (聊賴) là nhờ cậy, dựa vào. Chính mình bận bịu suốt cả một đời, chết rồi tự mình thọ báo, chẳng có gì để có thể nương cậy! “Tôn ty thượng hạ, bần phú quý tiện” (tôn, ty, trên, dưới, nghèo, giàu, sang, hèn): Hết thảy mọi người trong thế gian, “cần khổ thông vụ, các hoài sát độc” (nhọc nhằn bận rộn, ai nấy đều ôm phiền não giết chóc): Mọi người tất bật, bận bịu, đều chịu đựng khó nhọc trong ấy, đều có cái tâm tham tài. Hễ tham chẳng được bèn ôm lòng độc sát (giết hại, tàn hại đối phương để tranh giành). “Ác khí yểu minh, vi vọng hưng sự” (ác khí mù mịt, càn quấy làm xằng): Do ôm lòng sát độc, trong tâm ngày càng u ám, càng mờ mịt, vì vọng tưởng mà hành động. “Vi nghịch thiên địa, bất tùng nhân tâm” (trái nghịch trời đất, chẳng thuận lòng người): Trời đất có chánh khí; nếu quý vị hại kẻ khác, tức là đã trái nghịch chánh khí trong trời đất. Bản tánh của con người cũng thoạt đầu là lành, tánh vốn lành, quý vị hoàn toàn do ác tâm mà làm những chuyện trái nghịch trời đất, chẳng thuận lòng người.
“Tự nhiên phi ác, tiên tùy dữ chi, tứ thính sở vi” (tự nhiên là những điều sai trái, xấu ác, sẽ theo con người ngay từ trước (ngay từ lúc mới sanh), mặc tình mà làm): Quý vị toàn làm chuyện ác, mặc tình mà làm! “Đãi kỳ tội cực” (đến khi tội lỗi cùng cực): Quý vị tạo tội nghiệp đã đến cực điểm. “Kỳ thọ vị chung tận, tiện đốn đoạt chi” (tuổi thọ chưa hết, đã bị nhanh chóng đoạt mất): Quý vị đã tạo quá nhiều tội nghiệp, tội ác ngập đầu, thọ mạng chưa đến mà đã bị đoạt mất thọ mạng. “Hạ nhập ác đạo, lũy thế cần khổ” (đọa lạc trong đường ác, nhọc nhằn bao đời): Quý vị chết rồi sẽ đọa vào ba ác đạo chịu khổ. Hễ quý vị sa vào ba ác đạo, thời gian trong ba ác đạo lâu dài. “Triển chuyển kỳ trung” (xoay vần trong ấy): Rơi vào địa ngục, chịu xong quả báo trong địa ngục này, lại chuyển sang một địa ngục khác. Chịu tội trong địa ngục xong, lại chuyển sang ngạ quỷ đạo. Thọ báo trong ngạ quỷ đạo đã mãn, lại chuyển sang súc sanh đạo. Thời gian xoay vần trong ấy lâu dài. “Sổ thiên ức kiếp, vô hữu xuất kỳ” (mấy ngàn ức kiếp, chẳng có thuở ra): Chẳng biết ngày nào sẽ thoát khỏi ba ác đạo. Sự thống khổ trong ba ác đạo còn dữ dội hơn trong nhân gian. “Thống bất khả ngôn, thậm khả ai mẫn” (đau chẳng thể nói nổi, hết sức đáng buồn thương).
Trong đoạn kinh văn kế đó, Thích Ca Mâu Ni Phật đã khai thị Di Lặc Bồ Tát và các hàng trời người v.v… phải hiểu rõ Phật lý. Kinh văn gồm hai đoạn lớn. Đoạn thứ nhất là cầu Giải, đoạn thứ hai là cầu Hành. Do đó, người học Phật phải Giải và Hành đều xem trọng, vừa cầu Giải, vừa cầu Hành, phải nương theo đạo lý đã liễu giải để tu hành, chớ nên lệch về một bên! Những người học Phật trong hiện thời, có kẻ chỉ chú trọng tu nơi phương diện Giải. Chẳng hạn như họ thích nghiên cứu Phật lý, xem chú giải, viết văn chương, nghe kinh. Những điều ấy đều thuộc về bộ phận cầu Giải, nhưng quý vị bảo họ tu hành, họ chẳng chịu tu. Họ ngỡ chính mình đã liễu giải Phật pháp, ngỡ mình đã có bản lãnh rồi, đã có trí huệ rồi. Thật ra, trí huệ ấy chẳng phải là trí huệ thực tại, đã biến thành cuồng huệ, tức là trí huệ do phát cuồng! Đấy là vì họ chẳng biết tu, chỉ cần liễu giải mà thôi. Lệch về một phía như vậy (chỉ cầu Giải) thì sẽ chẳng được!
Một hạng người khác thì thiên về phương diện tu. Quý vị bảo họ nghe kinh, họ chẳng chịu. Bảo họ liễu giải đạo lý Phật pháp, họ cũng không chịu. Họ chỉ một mực nói họ đang tu, tu kiểu đó là “si tu”. Vì sao gọi là “si tu”? Vì tu kiểu ấy chính là tu hành ngu si, giống như tu mù luyện đui, kết quả là lọt hầm, sụp rãnh, giống như kẻ mù đi đường hết sức nguy hiểm. Phía trước có vách núi cheo leo cũng không biết, rất dễ lọt nhào xuống đó. Họ chẳng biết tu như thế nào, đi vào ngõ rẽ, tu trở thành ngoại đạo mà không biết. Hai loại người trên đây, mỗi loại có sự thiên trọng riêng; do vậy, ta học Phật thì dụng công như thế nào? Nhất định là Giải lẫn Hành đều trọng, vừa cầu liễu giải đạo lý Phật pháp, rồi lại nương theo đạo lý để tu hành, như thế thì mới không lầm đường, lạc lối! Trước hết là cầu liễu giải Phật lý. Phật lý được chia thành lý thế gian và lý xuất thế gian, cũng là phải liễu giải Tứ Thánh Đế của Phật pháp. Pháp thế gian có Khổ Đế và Tập Đế; pháp xuất thế gian có Diệt Đế và Đạo Đế. “Đế” (諦) là lý chân thật, chẳng dối. Quý vị phải liễu giải rõ ràng đạo lý thế gian; đối với pháp thế gian thì khổ quả thật sự là khổ. Những đạo lý này chân thật, chẳng dối, nên gọi là Khổ Đế. Khổ quả do từ Tập Đế mà có. Tập (集) là phiền não, phiền não tích tụ chiêu cảm khổ quả. Đạo lý này chân thật, chẳng dối, nên gọi là Tập Đế. Đấy là đạo lý thế gian quý vị phải hiểu rõ trước đã, rồi mới liễu giải đạo lý xuất thế gian. Pháp xuất thế gian là Diệt Đế và Đạo Đế, Diệt (滅) là Tịch Diệt. Tịch Diệt trong tiếng Phạn là Niết Bàn. Chứng đắc Tịch Diệt Niết Bàn, tức là đã liễu sanh thoát tử. Nó là bất sanh bất diệt, nên gọi là Tịch Diệt, Diệt là xuất thế gian quả. Làm thế nào để đạt tới cảnh giới bất sanh bất diệt? Quý vị phải tu đạo, Đạo Đế là cái nhân xuất thế gian. Quý vị liễu giải đạo lý thế gian, và cũng liễu giải đạo lý xuất thế gian. Quý vị liễu giải Phật lý rồi tu hành, tuyệt đối sẽ chẳng đi lạc đường!
2.2.3.3.2.2. Khuyên mọi người hãy tu xả
2.2.3.3.2.2.1. Chánh thức khuyên tu xả
(Kinh) Phật cáo Di Lặc Bồ Tát, chư thiên nhân đẳng: – Ngã kim ngữ nhữ, thế gian chi sự, nhân dụng thị cố, tọa bất đắc đạo. Đương thục tư kế, viễn ly chúng ác. Trạch kỳ thiện giả, cần nhi hành chi. Ái dục vinh hoa, bất khả thường bảo, giai đương biệt ly, vô khả lạc giả. Ngộ Phật tại thế, đương cần tinh tấn. Kỳ hữu chí nguyện sanh An Lạc quốc giả, khả đắc trí huệ minh đạt, công đức thù thắng. Vật đắc tùy tâm sở dục, khuy phụ kinh giới, tại nhân hậu dã. Thảng hữu nghi ý, bất giải kinh giả, khả cụ vấn Phật, đương vị thuyết chi.
(經)佛告彌勒菩薩,諸天人等:我今語汝,世間之事,人用是故,坐不得道。當熟思計,遠離眾惡。擇其善者,勤而行之。愛欲榮華,不可常保,皆當別離,無可樂者。遇佛在世,當勤精進。其有至願生安樂國者,可得智慧明達,功德殊勝。勿得隨心所欲,虧負經戒,在人後也。儻有疑意,不解經者,可具問佛,當為說之。
(Kinh: Đức Phật bảo Di Lặc Bồ Tát và các hàng trời người: – Ta nay bảo các ông, chuyện trong thế gian, con người do những điều ấy, cho nên chẳng đắc đạo. Hãy nên suy nghĩ kỹ càng, xa lìa các điều ác, chọn lựa điều thiện để siêng làm. Ái dục vinh hoa chẳng thể giữ mãi, sẽ đều biệt ly, chẳng có gì đáng vui thích. Gặp Phật tại thế, hãy nên siêng tinh tấn. Ai có chí nguyện sanh về nước An Lạc, có thể đạt được trí huệ sáng suốt, thông đạt, công đức thù thắng. Đừng nên thuận theo lòng ham muốn trong tâm, mà thiếu sót, phụ bạc kinh giới, tụt sau người khác. Nếu có ý ngờ, chẳng hiểu kinh điển, có thể hỏi Phật trọn vẹn, ta sẽ nói cho các ông).
“Phật cáo Di Lặc Bồ Tát, chư thiên nhân đẳng” (đức Phật bảo ngài Di Lặc Bồ Tát và các hàng trời, người): Đức Phật bảo Di Lặc Bồ Tát, thực ra chẳng phải là nói với Di Lặc Bồ Tát, mà là nói với các hàng trời người. Thực tế cũng chẳng phải là bảo với những người [hiện diện] trong pháp hội, thật ra, đức Phật nhằm bảo chúng ta. “Ngã kim ngữ nhữ, thế gian chi sự” (ta nay nói với các ông, chuyện trong thế gian): Đấy là những điều được nói trong ba đoạn lớn ở phần trước. Vì sao chúng sanh trong thế gian hứng chịu đau khổ? Do vì ba căn bản phiền não tham, sân si. Do ba cái nhân tham, sân, si chiêu cảm, tạo thành khổ quả; đấy đều là chuyện thế gian. “Nhân dụng thị cố, tọa bất đắc đạo” (con người do vì những điều ấy, cho nên chẳng đắc đạo): Chữ Dụng (用) nên hiểu là Dĩ (以, vì, bởi), chữ Tọa (坐) nên hiểu là “do thử” (由此, do vậy, do những điều ấy). “Nhân” là người thế gian, “dụng thị cố” nghĩa là do bởi nguyên cớ ấy, do vì tham, sân, si. “Tọa bất đắc đạo”, [nghĩa là] do đó, chẳng đạt được Phật đạo. “Đương thục tư kế, viễn ly chúng ác” (hãy nên suy sâu, nghĩ chín, xa lìa các điều ác): Đấy là nhằm bảo chúng ta, trước hết, quý vị phải suy nghĩ sâu xa, chín chắn. Suy đi nghĩ lại là “thục tư” (熟思), tính đi tính lại gọi là “tư kế” (思計). Bảo quý vị hãy khéo nghiên cứu, suy nghĩ, xét suy, đừng nên hời hợt, cẩu thả, cứ tưởng chính mình đã hiểu Phật pháp, thật ra chẳng hiểu, hãy suy nghĩ kỹ càng!
Trong phần Thất Giác Chi như đã nói trong phần trước, chi thứ nhất là Trạch Pháp Giác Chi. Trước hết, quý vị hãy quyết trạch3 rành rẽ thiện pháp và ác pháp. Chẳng phân định rõ ràng pháp thiện và ác, tu đạo bằng cách nào đây? Do vậy, quý vị phải suy sâu nghĩ chín. Sau khi đã phân định rõ ràng thiện pháp và ác pháp, bèn “viễn ly chúng ác” (xa lìa các điều ác), ta đã biết thiện pháp là gì? Ác pháp là gì? Đức Phật dạy: Những pháp sanh bởi tham, sân, si phiền não thì đều là ác pháp, đều phải xa lìa các ác pháp! “Trạch kỳ thiện giả, cần nhi hành chi” (chọn lấy những điều thiện để siêng năng thực hiện): Lại chọn lựa thiện pháp để tu hành. Đức Phật dạy chúng ta niệm danh hiệu A Di Đà Phật, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới; đấy là pháp tối thiện, như vậy thì quý vị mới có thể đắc đạo.
Người học Phật pháp mà chẳng phân định rõ pháp thiện và ác rồi tu hành, chắc chắn sẽ không thể đắc đạo. Quý vị hằng ngày tu hành, hằng ngày niệm Phật, lạy Phật, tụng kinh, tĩnh tọa, điều này chẳng sai lầm, nhưng quý vị có hàng phục tham, sân, si hay chăng? Hàng phục rồi thì mới có thể đoạn. Trước tiên, hãy hàng phục khiến cho chúng nó chẳng dấy lên, rồi tiến thêm bước nữa là đoạn trừ. Quý vị chẳng dụng công hàng phục tham, sân, si, hằng ngày tu hành niệm Phật, lạy Phật, tụng kinh, tĩnh tọa, dụng công tu hành sẽ chẳng thể đắc lực, vì bị tham, sân, si xen tạp. Kết quả là chúng nó có sức mạnh rất lớn. Tham, sân, si là tập khí từ vô thỉ kiếp đến nay. Quý vị chẳng dụng công, tự nhiên tham, sân, si sẽ dấy lên. Chúng ta niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì là hiện thời mới dụng công, sức mạnh này nhỏ nhoi! Do vậy, quý vị dụng công thì trước hết là phải hàng phục ác pháp, sau đấy dụng công tu hành thì mới có thể đạt được lợi ích. Chẳng liễu giải rõ ràng đạo lý này, dụng công sẽ chẳng đạt được lợi ích, niệm Phật suốt đời mà chẳng sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Vì sao? Bị nhuốm bẩn bởi tham, sân, si. Sức mạnh của chúng rất lớn, sẽ lôi quý vị vào thế giới Sa Bà, quý vị cầu sanh Tây Phương mà chẳng sanh về đó được! Cần phải cầu giải điều này, [tức là] phải liễu giải những đạo lý này. Do vậy, quý vị phải “viễn ly chúng ác, trạch kỳ thiện giả, cần nhi hành chi” (xa lìa các điều ác, chọn lấy điều lành để siêng năng thực hiện). Quý vị bèn liễu giải: Vinh hoa trong thế gian là pháp vô thường, tham, sân, si đều phải xa lìa.
Trong ba căn bản phiền não, tham dục là căn bản của căn bản. Do vậy, trước hết phải chú ý “ái dục vinh hoa, bất khả thường bảo” (ái dục vinh hoa, chẳng thể giữ mãi). Nó là pháp vô thường, vì sao phải tham nó? Hễ tham nó (ái dục, vinh hoa) thì là ngu si, tức là chẳng liễu giải Phật lý. Do đó, quý vị phải nghĩ, chẳng thể thường gìn giữ nó. “Giai đương biệt ly” (đều sẽ xa lìa): Chẳng thể giữ mãi nó, sẽ phải biệt ly. Vì thế, hiện thời quý vị phải xa lìa nó, vì pháp thế gian đều là như huyễn, như hóa. “Vô khả lạc giả” (chẳng có gì đáng vui thích): Há có gì đáng vui? Những thứ tham dục, vinh hoa trong pháp thế gian là chuyện khoái lạc, nhưng chúng chẳng lâu dài, chúng sẽ hư hoại. Hễ hư hoại, quý vị sẽ cảm thấy đau khổ. Đấy gọi là Hoại Khổ. Quý vị phải liễu giải đạo lý này thì mới có thể xa lìa chúng nó. Quý vị chẳng liễu giải thì gọi là “ngu si”, cứ ngỡ chúng nó là pháp thường trụ. Nếu tham ái chúng nó, chẳng biết là kết quả sẽ khiến cho quý vị chịu khổ. Biết rõ nó sẽ hư hoại, biết rõ “lạc là Hoại Khổ”, nhưng quý vị vẫn muốn tham ái chúng nó; đó là “dĩ khổ vi lạc” (coi khổ là lạc). Đấy gọi là “điên đảo”.
Kinh Phật có nói: “Phàm phu là kẻ đáng thương xót”. Vì sao? Thứ nhất, ngu si, chẳng biết lạc là gì, khổ là gì? Thứ hai, điên đảo, coi khổ là lạc. Do vậy, đức Phật bảo chúng ta chớ nên dấy tâm tham dục. Tâm tham dục sẽ chẳng lâu dài, trong tương lai sẽ chịu khổ to lớn. Vậy thì sao hiện thời quý vị chẳng xa lìa chúng nó? Có điều gì thật sự vui sướng? “Ngộ Phật tại thế, đương cần tinh tấn” (gặp Phật tại thế, hãy nên siêng năng, tinh tấn). Đức Phật khuyên dạy chúng ta, quý vị gặp đức Phật tại thế, hãy nên siêng năng tinh tấn. Hiện thời, Phật Thích Ca đã nhập Niết Bàn, hãy còn có Phật pháp trên cõi đời. Sau khi đức Phật nhập Niết Bàn, Chánh Pháp là một ngàn năm, Tượng Pháp một ngàn năm, Mạt Pháp một vạn năm, pháp vận [của Thích Ca Mâu Ni Phật là] một vạn hai ngàn năm. Đó gọi là “Phật thế”, tức là Phật pháp xuất hiện trên thế gian. Pháp vận hiện thời mới trôi qua hai ngàn năm trăm năm, vẫn thuộc vào Phật thế. Phật pháp hãy còn trên cõi đời, quý vị phải gắng tinh tấn. Phật Thích Ca hướng về chúng ta nói kinh Vô Lượng Thọ nhằm khuyên dạy chúng ta niệm thánh hiệu Vô Lượng Thọ Phật, cầu sanh về nước An Dưỡng. Do vậy, quý vị phải phát tâm tinh tấn.
“Kỳ hữu chí nguyện sanh An Lạc quốc giả” (nếu ai có chí nguyện sanh về nước An Lạc): Do vậy, có người phát nguyện chí thành, khẩn thiết, nguyện sanh về nước An Lạc. “Khả đắc trí huệ minh đạt, công đức thù thắng” (có thể đạt được trí huệ sáng suốt, thông đạt): Người sanh về cõi An Lạc, trí huệ có thể sáng suốt, thông đạt. Nếu quý vị cầu Giải, sẽ có thể đạt được trí huệ sáng suốt, thông đạt. Chỉ cần sanh về cõi An Lạc, gặp A Di Đà Phật thuyết pháp cho quý vị, trí huệ liền mở mang. “Trí huệ minh đạt” là không pháp nào chẳng biết, không pháp nào chẳng hiểu rõ. “Công đức thù thắng”: Quý vị tu công đức rất dễ thành tựu, lại còn là công đức thù thắng. “Vật đắc tùy tâm sở dục” (đừng thuận theo ham muốn trong tâm): Nếu quý vị cầu trí huệ, sẽ đạt được trí huệ, nếu cầu phước báo, sẽ có phước báo, nếu cầu thần thông, sẽ có thần thông, nếu cầu biện tài, sẽ có biện tài. Đấy chính là “tùy tâm sở dục”. Nếu quý vị muốn trở về thế giới Sa Bà cứu chúng sanh, trí huệ, biện tài, thần thông đều có, thuận theo nguyện của quý vị mà trở lại, gọi là “thừa nguyện tái lai”, đều là “tùy tâm sở dục”, đều có thể mãn nguyện của quý vị. “Vật đắc tùy tâm sở dục, khuy phụ kinh giới, tại nhân hậu dã” (đừng thuận theo sự ham muốn trong tâm mà thiếu sót, phụ bạc kinh giới để rồi tụt sau người khác): Đừng nên thuận theo cái tâm vọng tưởng của quý vị mà “tùy tâm sở dục” (thuận theo sự ham muốn trong tâm). Ham muốn trong cái tâm vọng tưởng chính là tham, sân, si. [Ở trong cảnh] ái dục vinh hoa phú quý, chớ nên thuận theo lòng ham muốn trong tâm, [để rồi] bị ngũ dục xoay chuyển, đến nỗi “khuy phụ kinh giới, tại nhân hậu dã” (thiếu sót, phụ bạc kinh giới để rồi tụt lùi sau người khác): Đối với kinh giới do đức Như Lai đã nói, chúng ta rất đáng thẹn, đã cô phụ kinh giới. Chúng ta đều là đệ tử đức Phật, phải “kiến hiền tư tề”, nghĩa là thấy người hiền đức chúng ta liền mong được bằng họ, đừng nên rớt lại đằng sau họ. Người ta sanh về Tây Phương, chúng ta vẫn sanh tử trong thế giới Sa Bà, chịu khổ vô cùng.
“Thảng hữu nghi ý” (nếu có ý ngờ): Nếu quý vị có những nghĩa lý cảm thấy đáng ngờ, còn có chỗ hoài nghi. “Bất giải kinh giả” (chẳng hiểu kinh điển): Đối với kinh do ta (đức Phật) đã nói, quý vị còn chưa hoàn toàn liễu giải; đối với bộ kinh Vô Lượng Thọ này, quý vị còn có chỗ không hiểu. “Khả cụ vấn Phật, đương vị thuyết chi” (có thể thưa hỏi đầy đủ với Phật, ta sẽ nói cho các ông hiểu): Có thể xin đức Phật giải thích, đức Phật nhất định sẽ giải đáp cho quý vị. Đây là khơi gợi, hướng dẫn, khuyên dạy chúng ta phải cầu Giải. Hiện thời, đức Phật đã nhập Niết Bàn, đức Phật chẳng tại thế, nhưng hãy còn Phật pháp hiện diện trên cõi đời, có kinh điển trên cõi đời, chúng ta xem không hiểu thì làm như thế nào? Phải nghe pháp sư giảng, phải thưa hỏi pháp sư, nhất định là phải đa văn. Đối với chỗ không hiểu, nhất định phải hỏi. Quý vị chẳng hiểu mà không nêu câu hỏi, chờ pháp sư đi rồi, tâm nghi của quý vị sẽ không có cách nào giải đáp.
2.2.3.3.2.2.2. Ngài Di Lặc lãnh ngộ
(Kinh) Di Lặc Bồ Tát trường quỵ, bạch ngôn: – Phật oai thần tôn trọng, sở thuyết khoái thiện. Thính Phật kinh ngữ, quán tâm tư chi, thế nhân thật nhĩ, như Phật sở ngôn. Kim Phật từ mẫn, hiển thị đại đạo, nhĩ mục khai minh, trưởng đắc độ thoát, văn Phật sở thuyết, mạc bất hoan hỷ. Chư thiên nhân dân nhuyễn động chi loại, giai mông từ ân, giải thoát ưu khổ. Phật ngữ giáo giới, thậm thâm thậm thiện, trí huệ minh kiến bát phương thượng hạ khứ lai kim sự, mạc bất cứu sướng. Kim ngã chúng đẳng, sở dĩ mông đắc độ thoát, giai Phật tiền thế cầu đạo chi thời, khiêm khổ sở trí. Ân đức phổ phú, phước lộc nguy nguy, quang minh triệt chiếu, đạt không vô cực, khai nhập Nê Hoàn. Giáo thọ điển lãm, oai chế tiêu hóa, cảm động thập phương, vô cùng vô cực. Phật vi pháp vương, tôn siêu chúng thánh, phổ vị nhất thiết thiên nhân chi sư, tùy tâm sở nguyện, giai linh đắc đạo. Kim đắc trị Phật, phục văn Vô Lượng Thọ thanh, mị bất hoan hỷ, tâm đắc khai minh.
(經)彌勒菩薩長跪白言:佛威神尊重,所說快善。聽佛經語,貫心思之,世人實爾,如佛所言。今佛慈愍,顯示大道,耳目開明,長得度脫,聞佛所說,莫不歡喜。諸天人民蝡動之類,皆蒙慈恩,解脫憂苦。佛語教戒,甚深甚善,智慧明見八方上下去來今事,莫不究暢。今我眾等,所以蒙得度脫,皆佛前世求道之時,謙苦所致。恩德普覆,福祿巍巍,光明徹照,達空無極,開入泥洹。教授典攬,威制消化。感動十方,無窮無極。佛為法王,尊超眾聖,普為一切天人之師,隨心所願,皆令得道。今得值佛,復聞無量壽聲,靡不歡喜,心得開明。
(Kinh: Di Lặc Bồ Tát quỳ thẳng, bạch rằng: – Oai đức và thần thông của Phật tôn trọng, những lời Ngài nói thật hay khéo. Nghe lời kinh do đức Phật dạy, dốc lòng suy nghĩ, [chúng con nhận thấy] người trong cõi đời thật sự là như thế, đúng như lời Phật dạy. Nay đức Phật từ bi thương xót, tỏ bày đại đạo, tai mắt được sáng suốt, sẽ được độ thoát. Nghe lời Phật dạy, không ai chẳng hoan hỷ. Chư thiên nhân dân, các loài trùng bọ, đều được hưởng từ ân, giải thoát nỗi ưu khổ. Phật thốt lời răn dạy, rất sâu, rất lành, trí huệ thấy rõ chuyện trong tám phương, trên, dưới, quá khứ, vị lai, hiện tại, không gì chẳng thông đạt rốt ráo. Nay bọn chúng con sở dĩ được Ngài độ thoát, đều là do trong đời trước, khi Phật cầu đạo, đã khiêm tốn, khổ nhọc mà ra. Ân đức che khắp, phước lộc vòi vọi, quang minh chiếu thấu triệt, thấu đạt lẽ Không chẳng có cùng cực, mở ra phương cách chứng nhập Nê Hoàn. Ngài dạy chúng con học tập kinh điển. Ngài dùng oai đức chế định giới luật hòng giáo hóa khiến cho chúng con tiêu trừ phiền não, cảm động mười phương chẳng có cùng cực. Phật là đấng pháp vương, tôn quý vượt trỗi các bậc thánh, làm thầy của khắp hết thảy trời người, tùy theo tâm nguyện [của từng chúng sanh] khiến cho họ đều đắc đạo. Nay được gặp gỡ đức Phật, lại được nghe âm thanh của Vô Lượng Thọ Phật, không ai chẳng hoan hỷ, tâm được mở mang, thông sáng).
“Di Lặc Bồ Tát trường quỵ bạch ngôn” (Di Lặc Bồ Tát quỳ thẳng, bạch rằng): Di Lặc Bồ Tát muốn thỉnh vấn đức Phật Thích Ca, quỳ thẳng, bạch rằng: “Phật oai thần tôn trọng”: Oai đức và thần thông của Phật đáng tôn trọng nhất. “Sở thuyết khoái thiện”: Những lời khai thị của đức Phật, “khoái thiện” (快善) là xứng hợp tâm ta, [những lời Phật dạy] là thiện pháp phù hợp tâm ý của chúng ta nhất. “Thính Phật kinh ngữ” (nghe lời kinh do đức Phật đã nói): Nghe lời nói của đức Phật chính là kinh. Sau khi đức Phật nhập Niết Bàn, [những lời dạy của Ngài] được ghi chép lại, gọi là kinh điển. “Quán tâm tư chi” (dốc lòng suy nghĩ): “Quán” (貫) là xuyên suốt, có thể xuyên thấu tâm ý, suy nghĩ nghiên cứu một phen. “Thế nhân thật nhĩ, như Phật sở thuyết” (người đời đúng là như vậy, đúng như lời đức Phật đã nói): “Thế nhân” là người trong thế gian, thật sự là như vậy, đúng như lời đức Phật dạy. Chúng sanh do tạo ác nghiệp tham, sân, si, chịu khổ vô cùng. “Kim Phật từ mẫn, hiển thị đại đạo” (nay đức Phật từ bi, thương xót, tỏ lộ đạo lớn): Nay đức Phật đại từ đại bi, thương xót bọn chúng sanh chúng ta, dạy chúng ta đều phải phát nguyện cầu sanh An Dưỡng quốc. “Nhĩ mục khai minh, trưởng đắc độ thoát” (tai mắt mở sáng, sẽ được độ thoát): Trong quá khứ, tai mắt của chúng ta chẳng mở mang, chẳng sáng suốt, nay vừa nghe đức Phật dạy đạo lý to lớn này, khiến cho chúng ta thông sáng, có thể vĩnh viễn vượt thoát sanh tử. “Văn Phật sở thuyết, mạc bất hoan hỷ” (nghe lời đức Phật dạy, chẳng có ai không hoan hỷ): Mọi người đều sanh lòng hoan hỷ. “Chư thiên nhân dân nhuyễn động chi loại, giai mông từ ân, giải thoát ưu khổ” (chư thiên, nhân dân, các loài trùng bọ đều được hưởng từ ân, giải thoát ưu khổ): Chư thiên nhân dân đều được lợi ích. “Nhuyễn động chi loại” là loài tiểu động vật chỉ biết ngọ ngoạy, đều được hưởng ân huệ từ bi của Phật, hết thảy chúng sanh sẽ đều giải thoát những ưu sầu khổ não của họ. “Phật ngữ giáo giới, thậm thâm, thậm thiện” (những lời đức Phật răn dạy rất sâu, rất lành): Những lời lẽ, những đạo lý do đức Phật đã nói hòng răn dạy bọn chúng sanh đều rất sâu, rất tốt lành.
“Trí huệ minh kiến bát phương, thượng, hạ, khứ, lai, kim sự” (trí huệ của đức Phật thấy rõ chuyện trong tám phương, trên, dưới, quá khứ, vị lai, hiện tại): Tám phương cùng với phương trên và phương dưới, hợp lại thành mười phương, “khứ lai kim sự” là chuyện trong quá khứ, vị lai, và hiện tại. “Mạc bất cứu sướng” (không gì chẳng thông suốt rốt ráo): Chẳng có gì đức Phật không biết. “Kim ngã chúng đẳng, sở dĩ mông đắc độ thoát” (sở dĩ nay bọn chúng ta được nhờ ân mà độ thoát): Do vậy, ngày nay lũ chúng sanh chúng con đều được độ thoát. “Giai Phật tiền thế cầu đạo chi thời, khiêm khổ sở trí” (đều là do trong đời trước khi đức Phật cầu đạo đã khiêm tốn, siêng khổ mà ra): Nay đức Phật đã thành Phật, có phước đức, có đại trí huệ, thuyết pháp cho chúng ta, nên [chúng ta] mới có thể vượt thoát ưu khổ, nhưng sở dĩ đức Phật thành Phật là vì trong đời trước, kiếp trước khi Ngài cầu đạo, đã chịu đựng rất nhiều sự khổ nhọc nên Ngài mới có thể đắc đạo. Đời trước, kiếp trước, đức Phật tu hành, đã vì lũ chúng sanh chúng ta mà hứng chịu rất nhiều nỗi khổ. Do vậy, chúng ta cảm niệm ân Phật. “Ân đức phổ phú, phước lộc nguy nguy” (ân đức che phủ trọn khắp, phước lộc vòi vọi): Đại ân đại đức của Phật phủ trùm trọn khắp chúng ta. Hai chữ “phước” và “lộc” gộp lại là nói đến phước. “Nguy nguy” (巍巍) có nghĩa là to tát. Đức Phật phước báo to tát, trí huệ lớn lao. “Quang minh triệt chiếu”: Quang minh của Phật chiếu thấu suốt hết thảy. “Đạt không vô cực” (thông đạt lẽ Không chẳng có cùng cực): Đức Phật thấu đạt hết thảy lý Không vô cùng, vô cực. “Khai nhập Nê Hoàn”: Bắt đầu ngộ nhập đại đạo Nê Hoàn, tức là đại đạo Niết Bàn. “Giáo thọ điển lãm” (dạy truyền xem đọc kinh điển): Dạy chúng ta nghiên cứu kinh điển. “Oai chế tiêu hóa”: Đức Phật có oai đức, lại chế định giới luật để hàng phục, giáo hóa chúng ta. “Cảm động thập phương, vô cùng vô cực” (cảm động mười phương, chẳng có cùng cực). “Phật vi pháp vương” (Phật là đấng pháp vương): Trong hết thảy các pháp, đức Phật tự tại, nên được gọi là “pháp vương”. “Tôn siêu chúng thánh” (tôn quý vượt trỗi các vị thánh): Thanh Văn, Duyên Giác được gọi là “thánh nhân”, Bồ Tát cũng gọi là “thánh nhân”. Thánh nhân trong ba thừa chẳng có ai tôn quý như đức Phật. Đức Phật tôn quý vượt trỗi thánh nhân tam thừa. “Phổ vị nhất thiết thiên nhân chi sư” (làm thầy của khắp hết thảy trời người): Do đức Phật đã vượt trỗi hết thảy các vị thánh; do đó, Ngài là sư trưởng của hết thảy thiên chúng và nhân chúng. “Tùy tâm sở nguyện, giai linh đắc đạo” (tùy theo tâm nguyện mà khiến cho họ đều đắc đạo): Nguyện lực của chúng sanh khác nhau, nhưng đức Phật có thể quán cơ (xem xét căn cơ) để ban bố giáo pháp thích hợp, có thể thuyết pháp thuận theo căn cơ, tùy theo ước nguyện của quý vị mà đều có thể đắc đạo. “Kim đắc trị Phật, phục văn Vô Lượng Thọ thanh, mị bất hoan hỷ, tâm đắc khai minh” (nay được gặp Phật, lại được nghe âm thanh của Vô Lượng Thọ Phật, không ai chẳng hoan hỷ, tâm được mở mang, sáng suốt): Nay gặp gỡ Phật [Thích Ca], lại được nghe pháp âm do Vô Lượng Thọ Phật đã nói, thì gọi là “Vô Lượng Thọ thanh”, nghe âm thanh của bộ kinh Vô Lượng Thọ này, mọi người không ai chẳng hoan hỷ. “Tâm đắc khai minh”: Trong tâm mọi người ngay lập tức hết sức rộng mở, sáng suốt, ai nấy đều tán thán đạo lý do đức Phật đã dạy.
Nói đến đây, chúng ta biết vì sao đức Phật phải gọi ngài Di Lặc làm bậc đương cơ, rồi đối trước ngài Di Lặc mà thuyết pháp? Vốn là nói cho hàng thiên nhân đại chúng được nghe. Đại chúng thiên nhân nghe đức Phật thuyết pháp rất hay, nhưng họ chẳng thể tán thán nổi. Như vậy thì do một vị Nhất Sanh Bổ Xứ là Di Lặc Bồ Tát tán thán, Ngài sẽ tán thán hay khéo, càng khiến cho đại chúng tín tâm kiên định. Vì thế, phải mời Di Lặc Bồ Tát làm bậc đương cơ!
2.2.3.3.2.2.3. Lại khuyên hãy tu xả
2.2.3.3.2.2.3.1. Tán thán ngài Di Lặc đã lãnh thọ ân Phật
(Kinh) Phật cáo Di Lặc: – Nhữ ngôn thị dã. Nhược hữu từ kính ư Phật giả, thật vi đại thiện. Thiên hạ cửu cửu, nãi phục hữu Phật. Kim ngã ư thử thế tác Phật, diễn thuyết kinh pháp, tuyên bố đạo giáo, đoạn chư nghi võng, bạt ái dục chi bổn, đỗ chúng ác chi nguyên, du bộ tam giới, vô sở quái ngại, điển lãm trí huệ, chúng đạo chi yếu, chấp trì cương duy, chiêu nhiên phân minh, khai thị ngũ thú, độ vị độ giả, quyết chánh sanh tử Nê Hoàn chi đạo.
(經)佛告彌勒:汝言是也。若有慈敬於佛者,實為大善。天下久久,乃復有佛。今我於此世作佛,演說經法,宣布道教,斷諸疑網。拔愛欲之本,杜眾惡之源。遊步三界,無所罣礙。典攬智慧,眾道之要。執持綱維,昭然分明。開示五趣,度未度者,決正生死泥洹之道。
(Kinh: Đức Phật bảo ngài Di Lặc: – Ông nói đúng đấy. Nếu có kẻ từ ái, tôn kính đức Phật, quả thật là rất tốt lành. Trong thiên hạ rất lâu mới lại có Phật. Nay ta làm Phật trong đời này, diễn nói kinh pháp, tuyên dương, lưu truyền đạo giáo, dứt các lưới nghi, dẹp trừ cội rễ ái dục, lấp cội nguồn của các điều ác, dạo chơi trong tam giới chẳng bị ngăn ngại, trí huệ nghiên cứu thấu suốt lẽ trọng yếu của các đạo, nắm giữ giềng mối rạng ngời rành rẽ, chỉ bày năm đường, độ kẻ chưa độ, vạch rõ hai đường Niết Bàn và sanh tử).
“Phật cáo Di Lặc: – Nhữ ngôn thị dã” [nghĩa là] đức Phật bảo Di Lặc Bồ Tát: Ông nói hoàn toàn đúng. “Nhược hữu từ kính ư Phật giả, thật vi đại thiện” (nếu có kẻ từ ái, tôn kính đức Phật, thật sự là điều thiện to lớn):“Từ” là từ ái. Nếu có những chúng sanh từ ái đức Phật, tôn kính đức Phật, đó là việc thiện lớn nhất. “Thiên hạ cửu cửu, nãi phục hữu Phật” (thiên hạ đã lâu mới lại có Phật): “Thiên hạ” là nhân gian. Phải rất lâu sau mới có một vị Phật xuất thế. “Kim ngã ư thử thế tác Phật, diễn thuyết kinh pháp, tuyên bố đạo giáo”, [nghĩa là] nay ta xuất thế vì các vị diễn nói kinh pháp, tuyên dương, lưu truyền đạo giáo. “Đoạn chư nghi võng, bạt ái dục chi bổn, đỗ chúng ác chi nguyên” (dứt các lưới nghi, nhổ gốc ái dục, lấp cội nguồn các điều ác): Chúng sanh lưu chuyển trong sanh tử, là vì chúng sanh có cái tâm ái dục, có tâm tham dục. Ái dục là cội rễ của sanh tử, đức Phật chẳng nói, chúng ta sẽ không biết. Sau khi đức Phật đã nói, chúng ta bèn biết, tức là Ngài đã vì chúng sanh nhổ trừ gốc rễ ái dục. “Đỗ chúng ác chi nguyên” (lấp cội nguồn các điều ác): “Đỗ” (杜) là trừ bỏ, đoạn dứt. “Chúng ác chi nguyên” (cội nguồn của các điều ác) là ba thứ căn bản phiền não tham, sân, si, thảy đều bỏ đi. “Du bộ tam giới, vô sở quái ngại” (dạo chơi trong ba cõi, không gì ngăn ngại): Đức Phật du hóa trong tam giới, tự do tự tại, chẳng có gì ngăn ngại, vướng mắc. “Điển lãm trí huệ, chúng đạo chi yếu” (trí huệ nghiên cứu thấu suốt lẽ trọng yếu của các đạo): Đức Phật dạy chúng ta phải khai trí huệ, phải nghiên cứu kinh điển. “Điển lãm” (典攬) có nghĩa là nghiên cứu. Nghiên cứu kinh điển của Phật thì quý vị sẽ có thể khai trí huệ. “Chúng đạo chi yếu”: Đạo lý yếu diệu nhất trong hết thảy các đạo pháp, quý vị sẽ đều có thể đạt được. “Chấp trì cương duy” (nắm giữ giềng mối): Đại cương đại yếu do đức Phật đã định, dạy chúng ta tu hành như thế nào, trì giới như thế nào; [quý vị đều phụng hành], đấy gọi là “chấp trì cương duy”. “Chiêu nhiên phân minh” (sáng tỏ phân minh): Những Phật pháp và giới luật được nói trên đây đều rất rõ ràng. “Khai thị ngũ thú, độ vị độ giả” (chỉ bày năm đường, độ kẻ chưa độ): Độ những người chưa từng độ. “Quyết chánh sanh tử Nê Hoàn chi đạo” (vạch rõ đường sanh tử và Niết Bàn): Đức Phật thuyết pháp phân minh, đạo sanh tử là gì? Đạo Niết Bàn là gì? Ngài đều chỉ điểm rất rõ ràng, chẳng hàm hồ tí nào!
2.2.3.3.2.2.3.2. Mừng cho Di Lặc gặp Phật nghe pháp, lại được nghe danh hiệu Vô Lượng Thọ Phật
(Kinh) Di Lặc đương tri, nhữ tùng vô số kiếp lai, tu Bồ Tát hạnh, dục độ chúng sanh, kỳ dĩ cửu viễn. Tùng nhữ đắc đạo, chí ư Nê Hoàn, bất khả xưng số. Nhữ cập thập phương chư thiên nhân dân, nhất thiết tứ chúng, vĩnh kiếp dĩ lai, triển chuyển ngũ đạo, ưu úy cần khổ, bất khả cụ ngôn. Nãi chí kim thế, sanh tử bất tuyệt, dữ Phật tương trị, thính thọ kinh pháp, hựu phục đắc văn Vô Lượng Thọ Phật, khoái tai thậm thiện! Ngô trợ nhĩ hỷ!
(經)彌勒當知:汝從無數劫來,修菩薩行,欲度眾生,其已久遠。從汝得道,至於泥洹,不可稱數。汝及十方諸天人民一切四眾,永劫已來,展轉五道,憂畏勤苦,不可具言。乃至今世,生死不絕,與佛相值,聽受經法,又復得聞無量壽佛,快哉甚善!吾助爾喜。
(Kinh: Di Lặc hãy nên biết, ông từ vô thỉ kiếp đến nay, tu Bồ Tát hạnh, muốn độ chúng sanh đã lâu xa rồi. Những kẻ do ông mà đắc đạo, cho đến nhập Niết Bàn chẳng thể tính kể số lượng. Ông và mười phương chư thiên nhân dân, hết thảy tứ chúng, từ bao kiếp lâu xa đến nay xoay vần trong năm đường, ưu sầu, lo sợ, nhọc nhằn, chẳng thể nói trọn. Cho đến đời này, sanh tử chẳng dứt, được gặp gỡ Phật, nghe nhận kinh pháp. Lại được nghe về Vô Lượng Thọ Phật, vui thay, rất lành! Ta giúp cho ông đạt được pháp hỷ).
Tiếp đó, đức Phật tán thán Di Lặc Bồ Tát, “Di Lặc đương tri: – Nhữ tùng vô số kiếp lai, tu Bồ Tát hạnh, dục độ chúng sanh” (Di Lặc hãy nên biết: – Ông từ vô số kiếp đến nay, tu Bồ Tát hạnh, muốn độ chúng sanh): Di Lặc Bồ Tát là Nhất Sanh Bổ Xứ Bồ Tát trong hiện tại. Trong quá khứ, Ngài đã phát Bồ Đề tâm, hành Bồ Tát đạo. Từ vô số kiếp đến nay, Ngài đã hành Bồ Tát đạo chính là để độ các chúng sanh. “Kỳ cửu dĩ viễn” [nghĩa là] thời gian từ vô số kiếp đến nay đã rất lâu xa. “Tùng nhữ đắc đạo, chí ư Nê Hoàn, bất khả xưng số” (những kẻ do ông mà đắc đạo cho đến nhập Niết Bàn chẳng thể tính kể số lượng): Những chúng sanh đã được Di Lặc Bồ Tát giáo hóa, ở trước mặt Ngài đạt đến Niết Bàn, chẳng thể tính nổi số lượng, rất ư là nhiều. “Nhữ cập thập phương chư thiên nhân dân nhất thiết tứ chúng” (ông và mười phương chư thiên nhân dân, hết thảy tứ chúng): “Nhữ” là Di Lặc Bồ Tát cùng với chư thiên nhân dân, hết thảy tứ chúng đệ tử, tức tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di. “Vĩnh kiếp dĩ lai” [nghĩa là] nhiều kiếp lâu dài đến nay, thời gian rất dài! “Triển chuyển ngũ đạo” (xoay vần trong năm đường): “Ngũ đạo” là ngũ thú (五趣). “Ngũ đạo” là trời, người, địa ngục, ác quỷ, súc sanh, từ bao kiếp lâu xa đến nay xoay vần, trôi lăn trong ngũ đạo. “Ưu úy cần khổ” (lo sầu, sợ hãi, nhọc nhằn): Thường xuyên ưu sầu, sợ hãi, vất vả. “Bất khả cụ ngôn” nghĩa là chẳng thể nói trọn. “Nãi chí kim thế, sanh tử bất tuyệt” (cho đến đời này, sanh tử chẳng dứt): Từ kiếp lâu xa đến nay, trôi lăn trong sanh tử, từ kiếp này sang kiếp khác vẫn chẳng đoạn tuyệt. “Dữ Phật tương trị, thính thọ kinh pháp, hựu phục đắc văn Vô Lượng Thọ Phật” (được gặp gỡ đức Phật, nghe nhận kinh pháp, lại được nghe về Vô Lượng Thọ Phật): Nay quý vị lại nghe danh hiệu Vô Lượng Thọ Phật. “Khoái tai thậm thiện” (sướng thay, rất lành): Khoái ý, hài lòng, tốt đẹp quá! “Ngô trợ nhĩ hỷ”: Ta nhất định giúp các vị đạt được pháp hỷ!
2.2.3.3.2.2.3.3. Chánh thức khuyên tu hành
(Kinh) Nhữ kim diệc khả tự yếm sanh tử lão bệnh thống khổ, ác lộ bất tịnh, vô khả nhạo giả. Nghi tự quyết đoạn, đoan thân chánh hạnh, ích tác chư thiện. Tu kỷ khiết tịnh, tẩy trừ tâm cấu. Ngôn hạnh trung tín, biểu lý tương ứng. Nhân năng tự độ, chuyển tương chửng tế, tinh minh cầu nguyện, tích lũy thiện bổn. Tuy nhất thế cần khổ, Tu Di chi gian, hậu sanh Vô Lượng Thọ quốc, khoái lạc vô cực. Trường dữ đạo đức hợp minh, vĩnh bạt sanh tử căn bổn. Vô phục tham khuể ngu si khổ não chi hoạn, dục thọ nhất kiếp, bách kiếp, thiên ức vạn kiếp, tự tại tùy ý, giai khả đắc chi, vô vi tự nhiên, thứ ư Nê Hoàn chi đạo.
(經)汝今亦可自厭生死老病痛苦,惡露不淨,無可樂者。宜自決斷,端身正行,益作諸善。修己潔淨,洗除心垢。言行忠信,表裏相應。人能自度,轉相拯濟,精明求願,積累善本。雖一世勤苦,須臾之間。後生無量壽國,快樂無極。長與道德合明,永拔生死根本。無復貪恚愚癡苦惱之患,欲壽一劫、百劫、千億萬劫,自在隨意,皆可得之。無為自然,次於泥洹之道。
(Kinh: Nay ông cũng nên tự chán nỗi đau khổ vì sanh, tử, già, bệnh, điều ác phơi bày bất tịnh, chẳng đáng ưa thích. Hãy nên dứt khoát đoạn tuyệt, đoan chánh thân hạnh, càng làm các điều thiện nhiều hơn, tu sửa sao cho chính mình trong sạch, gột trừ cấu nhơ trong tâm, lời nói và việc làm trung tín, trong ngoài tương ứng. Người có thể tự độ rồi sẽ lần lượt cứu vớt [kẻ khác], chuyên ròng, sáng suốt cầu nguyện, tích lũy gốc lành, dẫu siêng khổ một đời [chỉ là] trong khoảnh khắc, mai sau sanh vào cõi Vô Lượng Thọ, vui sướng chẳng cùng cực, luôn sáng ngời cùng đạo đức, vĩnh viễn nhổ bỏ cội gốc sanh tử, chẳng còn sợ khổ não vì tham, giận, ngu si. Muốn thọ một kiếp, trăm kiếp, hay ngàn ức vạn kiếp, đều tự tại tùy ý, đều có thể đạt được. Vô vi tự nhiên, chỉ kém đạo Nê Hoàn).
“Nhữ kim diệc khả tự yếm sanh tử lão bệnh thống khổ” (nay ông cũng nên tự chán nỗi đau khổ vì sanh, tử, già, bệnh): Lẽ nào Di Lặc Bồ Tát chẳng biết; đấy là [đức Phật] khuyên bọn đại chúng phàm phu trời, người chúng ta, chính quý vị hãy nên chán nhàm nỗi đau khổ sanh, tử, lão, bệnh. [Nếu] đức Phật không nói thì căn bản là chúng sanh sẽ chẳng biết. Nỗi khổ “sanh, lão, bệnh, tử” là gì? Chính quý vị hãy nên chán ghét, chán lìa nỗi đau khổ sanh, tử, lão, bệnh. “Ác lộ bất tịnh, vô khả lạc giả” (những thứ xấu ác bộc lộ, bất tịnh, chẳng có gì đáng vui thích): Đây là hai câu hình dung, những thứ trong và ngoài thân thể đều là bất tịnh. Thân thể là một cái đãy thịt thối tha, có gì khiến cho chúng ta vui sướng đâu nhỉ? “Nghi tự quyết đoạn” (hãy nên tự dứt khoát đoạn trừ): Chính quý vị hãy nên hạ quyết tâm đoạn diệt sanh tử.
Quý vị muốn đoạn tuyệt nỗi khổ sanh lão bệnh tử thì phải tu hành. Đức Phật dạy chúng ta hãy liễu giải sự lợi ích do tu hành. Tu bằng cách nào? “Đoan thân chánh hạnh, ích tác chư thiện” (đoan chánh thân hạnh, càng làm các điều thiện nhiều hơn): Đoan nghiêm thân thể, chánh đáng cái hạnh, thân thể của quý vị phải đoan chánh, hành vi phải đoan chánh. “Ích” (益) là nhiều, [“ích tác chư thiện” là] làm nhiều thiện sự. “Tu kỷ khiết tịnh” (sửa đổi sao cho chính mình trong sạch): Quý vị phải sửa đổi chính mình, đoạn trừ hết thảy các ác pháp. Thân thể đã khiết tịnh, tâm còn phải khiết tịnh. “Tẩy trừ tâm cấu” (gột trừ cấu nhơ trong tâm): Tham, sân, si gọi là Tam Cấu. Đấy là những thứ nhơ bẩn trong tâm. Đoạn trừ tham, sân, si, [tức là] diệt trừ tâm cấu (những thứ nhơ bẩn trong tâm). “Ngôn hạnh trung tín” (lời nói và việc làm phải trung tín): Quý vị phải dụng công tu hành, ngôn ngữ và hành vi phải trung tín. “Biểu lý tương ứng” (trong tâm và những gì biểu lộ bên ngoài phải tương ứng): Những lời quý vị nói thì [người khác] nghe thấy được, chứ trong tâm quý vị [thật sự suy nghĩ như thế nào, người khác] chẳng thấy, nhưng tâm và lời nói của quý vị nhất định phải là trong và ngoài tương ứng. Tất cả hành vi và lời ăn tiếng nói của quý vị trong và ngoài nhất định phải là tương ứng, tức là phải trì giới thanh tịnh, đừng nên nói dối. “Nhân năng tự độ” (người có thể tự độ): Quý vị có thể trì giới tu hành, trừ khử tâm cấu, chính mình đã vượt thoát sanh tử thì mới có thể “chuyển tương chửng tế”, [tức là] mới có thể cứu vớt, tế độ hết thảy chúng sanh. Đã có thể tự lợi thì mới có thể lợi tha. Quý vị phải “tinh minh cầu nguyện” (chuyên ròng, sáng suốt cầu nguyện). “Tinh minh cầu nguyện” chính là “biểu lý tương ứng” (trong ngoài tương ứng ) thuộc phần trước. Đây là lại phát nguyện vãng sanh Tây Phương. Cầu nguyện sanh về Tây Phương thì còn phải “tích lũy thiện bổn” (tích lũy cội lành): Chẳng thể dùng chút ít thiện căn! Kinh A Di Đà nói là “chẳng thể do chút thiện căn, phước đức và nhân duyên mà được sanh về cõi ấy”.
“Tuy nhất sanh cần khổ, tu du chi gian, hậu sanh Vô Lượng Thọ quốc, khoái lạc vô cực” (tuy siêng năng, khổ nhọc một đời, [nhưng chỉ là] trong khoảnh khắc, mai sau sanh về cõi Vô Lượng Thọ, [hưởng thụ] niềm vui sướng chẳng có cùng tận): Quý vị kiếp này, đời này tu nhiều thiện căn, đương nhiên là phải suốt một đời nhọc nhằn, nhưng vào lúc lâm chung, “tu du chi gian” (trong khoảnh khắc), quý vị sẽ rất nhanh chóng sanh về cõi Vô Lượng Thọ Phật. “Khoái lạc vô cực” (vui sướng khôn ngằn): Quý vị suốt đời tu hành niệm Phật rất siêng khổ, nhưng sanh vào thế giới Cực Lạc, vui sướng không cùng cực. “Trường dữ đạo đức hợp minh” (luôn sáng ngời với đạo đức): Hễ quý vị sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, sẽ có thể thường tương ứng với đạo đức. “Vĩnh bạt sanh tử căn bổn” [nghĩa là] vĩnh viễn nhổ dẹp cội gốc căn bản. “Vô phục tham khuể ngu si khổ não chi hoạn” [nghĩa là] chẳng còn sanh khởi tham dục, sân hận, ngu si, đủ thứ khổ não, ưu hoạn. “Dục thọ nhất kiếp, bách kiếp, thiên ức vạn kiếp” [nghĩa là] quý vị muốn thọ mạng sống trên đời một kiếp, hoặc là trăm kiếp, hay ngàn ức vạn kiếp. “Tự tại tùy ý, giai khả đắc chi” [nghĩa là] tùy lòng mong mỏi của quý vị mà đều có thể đạt được. “Vô vi tự nhiên, thứ ư Nê Hoàn chi đạo” (vô vi tự nhiên, chỉ kém đạo Niết Bàn): Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, vô vi tự nhiên đạt được tiến bộ, gần như “thứ ư Nê Hoàn chi đạo”, [tức là] chỉ kém đạo Niết Bàn một bậc.
2.2.3.3.2.2.3.4. Khuyên bỏ nghi hoặc
(Kinh) Nhữ đẳng nghi các tinh tấn, cầu tâm sở nguyện, vô đắc nghi hoặc trung hối, tự vi quá cữu, sanh bỉ Biên Địa thất bảo cung điện, ngũ bách tuế trung thọ chư ách dã.
(經)汝等宜各精進,求心所願,無得疑惑中悔,自為過咎。生彼邊地七寶宮殿,五百歲中受諸厄也。
(Kinh: Các ông đều nên tinh tấn, đối với những điều nguyện cầu trong tâm, chớ nên nghi hoặc, hối hận giữa chừng, tự tạo tội lỗi, sanh về cung điện bảy báu trong Biên Địa của cõi ấy, chịu đựng các tai ách trong năm trăm năm).
“Nhữ đẳng nghi các tinh tấn, cầu tâm sở nguyện” (các ông ai nấy phải nên tinh tấn. Đối với những điều nguyện cầu trong tâm): Chính quý vị phải tinh tấn dụng công niệm Phật, đối với những điều nguyện cầu của quý vị, “vô đắc nghi hoặc, trung hối” (đừng nên nghi hoặc, hối hận giữa chừng): Quý vị chớ nên sanh khởi cái tâm ngờ vực, chớ nên giữa đường sanh khởi tâm hối hận, lui sụt. “Tự vi quá cữu” (tự gây tội lỗi): Quý vị sanh khởi tâm nghi hoặc, giống như chính mình chẳng có lầm lỗi mà tìm tòi lầm lỗi. “Sanh bỉ Biên Địa thất bảo cung điện, ngũ bách tuế trung thọ chư ách dã” (sanh vào Biên Địa của cõi ấy, ở trong cung điện bảy báu, chịu đựng các tai ách trong năm trăm năm): Quý vị do cái tâm nghi hoặc, giữa chừng sanh tâm lui sụt, hối hận, niệm Phật sanh về Tây Phương thì vãng sanh, nhưng sanh vào Biên Địa của Tây Phương, ở trong cung điện bảy báu, chịu đựng các tai ách trong năm trăm năm.
Từ ngữ “trung quốc” và “biên địa” trong kinh Phật là danh từ đối đãi. Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, có trung quốc và biên địa. Nơi nào được gọi là “trung quốc”? Chỗ có Phật, Pháp, Tăng Tam Bảo thì được gọi là “trung quốc”. Chỗ chẳng có Phật, Pháp, Tăng thì gọi là “biên địa”. Kẻ có tâm nghi hoặc, niệm Phật sanh về Tây Phương, ở trong cung điện bảy báu, chẳng nghe danh tự Phật, Pháp, Tăng Tam Bảo, phải trải qua thời gian lâu hơn năm trăm năm. Chốn Biên Địa ấy được gọi là Nghi Thành, còn gọi là Thai Cung. Nghi Thành là một tòa thành lớn có lầu gác bảy báu. Do vì người niệm Phật có tâm nghi sanh về đó, nên gọi là Nghi Thành. Thai Cung: Sống trong lầu gác bảy báu, giống như hoài thai mười tháng trong bụng mẹ, chịu đựng nỗi khổ vì thai nghén. Suốt năm trăm năm, chẳng nghe danh tự Tam Bảo, điều này gọi là “thọ chư tai ách” (chịu đựng các tai ách). Sau năm trăm năm, giống như trẻ nhỏ ra khỏi bào thai, ngay khi ấy, vẫn chẳng thấy Phật, Bồ Tát. Phật, Bồ Tát thật sự đại từ bi, ứng hợp căn cơ của quý vị, Quán Thế Âm Bồ Tát thị hiện một hóa thân Bồ Tát hướng về quý vị thuyết pháp, thong thả khuyên dạy quý vị phát Bồ Đề tâm. Đã phát Bồ Đề tâm thì mới có thể thấy Quán Thế Âm Bồ Tát, mới có thể thấy A Di Đà Phật. Chúng ta hiểu đạo lý này là cầu Giải. Tam bối vãng sanh trong phần trước đều là phát Bồ Đề tâm; nay quý vị phát Bồ Đề tâm, chẳng muốn đi một đường vòng to, [tức là] sanh về Tây Phương chịu đựng nỗi khổ thai nghén rồi mới phát Bồ Đề tâm. Hiện thời, quý vị phát Bồ Đề tâm thì chẳng phải là tốt hơn lắm hay không?
2.2.3.3.2.2.4. Di Lặc lãnh nhận, hành trì
(Kinh) Di Lặc bạch ngôn: – Thọ Phật trọng hối, chuyên tinh tu học, như giáo phụng hành, bất cảm hữu nghi.
(經)彌勒白言:受佛重誨,專精修學,如教奉行,不敢有疑。
(Kinh: Ngài Di Lặc bạch đức Phật rằng: – Con vâng nhận giáo huấn ân cần của đức Phật, chuyên ròng tu học, vâng làm theo đúng lời dạy, chẳng dám nghi ngờ).
Dưới đây, đức Phật lại khuyên: Sau khi đã liễu giải Phật lý thì phải tu hành.
2.2.3.3.2.3. Rộng nêu lỗi của nghiệp khổ ngũ ác, ngũ thống, ngũ thiêu, hòng khiến cho mọi người chán nhàm
2.2.3.3.2.3.1. Nêu chung năm lỗi ác
(Kinh) Phật cáo Di Lặc: – Nhữ đẳng năng ư thử thế, đoan tâm chánh ý, bất tác chúng ác, thậm vi chí đức. Thập phương thế giới, tối vô luân thất. Sở dĩ giả hà? Chư Phật quốc độ, thiên nhân chi loại, tự nhiên tác thiện, bất đại vi ác, dị khả khai hóa. Kim ngã ư thử thế gian tác Phật, xử ư ngũ ác, ngũ thống, ngũ thiêu chi trung, vi tối kịch khổ, giáo hóa quần sanh, linh xả ngũ ác, linh khử ngũ thống, linh ly ngũ thiêu, hàng hóa kỳ ý, linh trì ngũ thiện, hoạch kỳ phước đức, độ thế, trường thọ, Nê Hoàn chi đạo.
Phật ngôn: – Hà đẳng ngũ ác? Hà đẳng ngũ thống? Hà đẳng ngũ thiêu? Hà đẳng tiêu hóa ngũ ác, linh trì ngũ thiện, hoạch kỳ phước đức độ thế trường thọ Nê Hoàn chi đạo?
(經)佛告彌勒:汝等能於此世,端心正意,不作眾惡,甚為至德。十方世界,最無倫匹。所以者何?諸佛國土,天人之類,自然作善,不大為惡,易可開化。今我於此世間作佛,處於五惡五痛五燒之中,為最劇苦,教化羣生,令捨五惡,令去五痛,令離五燒,降化其意,令持五善,獲其福德度世長壽泥洹之道。佛言:何等五惡?何等五痛?何等五燒?何等消化五惡,令持五善,獲其福德度世長壽泥洹之道?
(Kinh: Đức Phật bảo ngài Di Lặc: – Các ông có thể ở trong đời này, đoan chánh tâm ý, chẳng làm các điều ác, thật là đức hạnh tột cùng, mười phương thế giới khó sánh bằng nhất. Vì cớ sao vậy? Các loài trời người trong các cõi Phật, tự nhiên làm lành, chẳng làm ác quá lớn, có thể khai hóa dễ dàng. Nay ta ở trong thế gian này làm Phật, ở trong năm sự ác, năm sự đau, năm sự đốt, chịu khổ cùng cực nhất, giáo hóa quần sanh, khiến họ bỏ năm sự ác, khiến họ trừ khử năm sự đau, khiến cho họ lìa năm sự đốt, khiến họ giữ năm sự lành, đạt được phước đức, độ đời, sống lâu, đắc đạo Nê Hoàn.
Đức Phật nói: – Những gì là năm sự ác? Những gì là năm sự đau? Những gì là năm sự đốt? Những gì sẽ tiêu hóa năm điều ác, khiến họ trì năm sự lành, đạt được phước đức, độ đời, sống lâu, đắc đạo Nê Hoàn?)
“Phật cáo Di Lặc: – Nhữ đẳng năng ư thử thế, đoan tâm chánh ý, bất tác chúng ác, thậm vi chí đức” (đức Phật bảo ngài Di Lặc: – Các ông hãy nên ở trong đời này, đoan chánh tâm ý, chẳng làm các điều ác, thật là đức cùng tột): Khi ấy, đức Phật bảo ngài Di Lặc Bồ Tát: Các vị ở trong thế giới Sa Bà này, có thể đoan chánh tâm ý, chẳng làm các điều ác. Đấy là đạo đức cao nhất. “Thập phương thế giới, tối vô luân thất” (mười phương thế giới, chẳng sánh bằng nhất): So sánh giữa chư vị và các hàng Bồ Tát trong mười phương thế giới, chư vị cao nhất, chẳng ai sánh bằng quý vị. “Sở dĩ giả hà?”: Vì sao vậy? Quý vị vượt trỗi các vị Bồ Tát trong mười phương thế giới! “Chư Phật quốc độ, thiên nhân chi loại, tự nhiên tác thiện, bất đại vi ác, dị khả khai hóa” (trong các cõi Phật, hàng trời người tự nhiên làm lành, chẳng làm ác to lớn, có thể khai hóa dễ dàng): Trong các thế giới khác, trong các cõi nước Phật, hàng trời người tự nhiên làm lành. “Bất đại vi ác”: Chẳng làm ác to lớn, làm ác nho nhỏ. “Dị khả khai hóa”: Nhân dân trong mười phương quốc độ dễ dàng hướng dẫn, giáo hóa nhất.
“Kim ngã ư thử thế gian tác Phật” (nay ta làm Phật trong thế gian này): Ta là Thích Ca Mâu Ni Phật, nay đang làm Phật trong thế giới Sa Bà này. “Xử ư ngũ ác, ngũ thống, ngũ thiêu chi trung, vi tối kịch khổ” (ở trong năm sự ác, năm sự đau, năm sự đốt, khổ sở cùng cực nhất): Thế giới Sa Bà này có năm loại ác là giết, trộm, dâm, dối, và uống rượu. Có năm thứ đau, [tức là phạm phải những sự ác ấy], nếu ở trong nhân gian sẽ bị pháp luật của quốc gia xử phạt. Có năm thứ đốt, [tức là] sẽ đọa trong ba ác đạo chịu nỗi khổ thiêu đốt. Ở trong năm thứ ác, năm thứ đau, năm thứ đốt [như thế đó], “vi tối kịch khổ” [nghĩa là] khổ não nặng nhất, lớn nhất. “Giáo hóa quần sanh, linh xả ngũ ác” (giáo hóa các loài chúng sanh, khiến cho họ bỏ năm điều ác): Ta là Thích Ca Mâu Ni Phật ở trong đời ác ngũ trược này, giáo hóa chúng sanh, khiến cho họ trừ khử năm loại ác pháp, khiến cho họ trừ khử năm thứ đau, chẳng bị pháp luật quốc gia chế tài. “Linh ly ngũ thiêu, hàng hóa kỳ ý” (khiến cho họ lìa khỏi năm sự đốt, hàng phục, giáo hóa tâm ý của họ): Khiến cho họ lìa khỏi nỗi khổ trong ba ác đạo, giáo hóa tâm ý của họ. “Linh trì ngũ thiện” [nghĩa là] làm cho họ trì năm điều lành, tức là sẽ giữ năm giới, đừng phạm giết, trộm, dâm, dối, uống rượu. “Hoạch kỳ phước đức độ thế trường thọ Nê Hoàn chi đạo” (đạt được phước đức, độ đời, sống lâu, đắc đạo Nê Hoàn): Dạy họ trì năm thứ thiện pháp hòng có thể đạt được phước đức, có thể “độ thế, trường thọ”, giáo hóa họ có thể đạt được trường thọ, đạt được đạo Nê Hoàn.
“Phật ngôn: – Hà đẳng ngũ ác? Hà đẳng ngũ thống? Hà đẳng ngũ thiêu?” (đức Phật nói: – Những gì năm sự ác? Những gì là năm sự đau? Những gì là năm sự đốt): Trong đoạn trước, chính đức Phật nói ra năm điều ác, nay Ngài tự gạn hỏi, rồi lại giải đáp, nhằm bảo chúng ta hãy nghe, những gì là năm điều ác? Những gì năm sự đau? Những gì là năm sự đốt? Làm thế nào để gìn giữ năm loại thiện, đạt được phước đức, sống lâu trên cõi đời, đạt được đạo Nê Hoàn? Đấy là đức Phật tự gạn hỏi rồi Ngài giải thích nỗi nghi hoặc ấy.
2.2.3.3.2.3.2. Biện luận riêng năm lỗi ác
2.2.3.3.2.3.2.1. Điều ác do sát nghiệp
(Kinh) Kỳ nhất ác giả: Chư thiên nhân dân nhuyễn động chi loại, dục vi chúng ác, mạc bất giai nhiên. Cường giả phục nhược, chuyển tương khắc tặc, tàn hại sát lục, điệt tương thôn phệ, bất tri tu thiện, ác nghịch vô đạo. Hậu thọ ương phạt, tự nhiên thú hướng. Thần minh ký thức, phạm giả bất xá. Cố hữu bần cùng hạ tiện, khất cái cô độc, lung manh ấm á, ngu si tệ ác, chí hữu uông cuồng bất đãi chi thuộc. Hựu hữu tôn quý hào phú, cao tài minh đạt, giai do túc thế từ hiếu, tu thiện tích đức sở trí. Thế hữu thường đạo, vương pháp lao ngục, bất khẳng úy thận, vi ác nhập tội, thọ kỳ ương phạt, cầu vọng giải thoát, nan đắc miễn xuất. Thế gian hữu thử mục tiền hiện sự, thọ chung hậu thế, vưu thâm vưu kịch. Nhập kỳ u minh, chuyển sanh thọ thân. Thí như vương pháp, thống khổ cực hình. Cố hữu tự nhiên tam đồ, vô lượng khổ não, chuyển mậu kỳ thân, cải hình dịch đạo. Sở thọ thọ mạng, hoặc trường hoặc đoản, hồn thần tinh thức, tự nhiên thú chi. Đương độc trị hướng, tương tùng cộng sanh, cánh tương báo phục, vô hữu chỉ dĩ. Ương ác vị tận, bất đắc tương ly, triển chuyển kỳ trung, vô hữu xuất kỳ, nan đắc giải thoát, thống bất khả ngôn. Thiên địa chi gian, tự nhiên hữu thị, tuy bất tức thời tốt bạo ứng chí, thiện ác chi đạo, hội đương quy chi. Thị vi nhất đại ác, nhất thống, nhất thiêu, cần khổ như thị. Thí như đại hỏa phần thiêu nhân thân, nhân năng ư trung nhất tâm chế ý, đoan thân chánh hạnh, độc tác chư thiện, bất vi chúng ác giả, thân độc độ thoát, hoạch kỳ phước đức, độ thế, thượng thiên, Nê Hoàn chi đạo, thị vi nhất đại thiện dã.
(經)其一惡者:諸天人民蝡動之類,欲為眾惡,莫不皆然。強者伏弱,轉相剋賊。殘害殺戮,迭相吞噬。不知修善,惡逆無道。後受殃罰,自然趣向。神明記識,犯者不赦。故有貧窮下賤,乞丐孤獨,聾盲瘖啞,愚癡弊惡,至有尫狂不逮之屬。又有尊貴豪富,高才明達,皆由宿世慈孝,修善積德所致。世有常道,王法牢獄,不肯畏慎,為惡入罪,受其殃罰,求望解脫,難得勉出。世間有此目前現事,壽終後世,尤深尤劇。入其幽冥,轉生受身。譬如王法,痛苦極刑。故有自然三塗,無量苦惱。轉貿其身,改形易道。所受壽命,或長或短。魂神精識,自然趣之。當獨值向,相從共生。更相報復,無有止已。殃惡未盡,不得相離。展轉其中,無有出期,難得解脫,痛不可言。天地之間,自然有是,雖不即時卒暴應至,善惡之道,會當歸之。是為一大惡一痛一燒,勤苦如是。譬如大火焚燒人身,人能於中一心制意,端身正行,獨作諸善,不為眾惡者,身獨度脫,獲其福德度世上天泥洹之道,是為一大善也。
(Kinh: Điều ác thứ nhất là: Chư thiên, nhân dân, các loài trùng bọ, đều muốn làm các điều ác, không ai chẳng phải là như vậy. Kẻ mạnh chèn ép kẻ yếu, đàn áp lẫn nhau, tàn hại, giết chóc, nhai nuốt lẫn nhau. Chẳng biết tu thiện, độc ác, trái nghịch, vô đạo. Về sau hứng chịu tai ương, hình phạt, tự nhiên tiến đến [chỗ phải thọ báo]. Thần minh ghi chép, chẳng dung tha kẻ đã trái phạm. Vì thế có bần cùng, hèn kém, ăn mày, cô độc, điếc, mù, ngọng, câm, ngu si, tệ ác, cho đến có kẻ cuồng dại, thiểu năng. Lại có kẻ tôn quý, có thế lực, giàu có, tài cao, sáng suốt, thông đạt, đều là do đời trước họ nhân từ, hiếu thảo, tu thiện tích đức mà ra. Trong cõi đời có lẽ thường, phép vua, tù ngục, mà họ chẳng chịu kiêng sợ, dè dặt. Do làm ác mắc tội mà bị xử phạt, cầu mong thoát khỏi, khó thể thoát ra. Thế gian có chuyện ở ngay trước mắt như thế. Sau khi hết tuổi thọ, sanh sang đời sau, càng sâu nặng, càng dữ dội hơn! Vào chốn tối tăm, chuyển sanh thọ thân. Ví như cực hình thống khổ trong phép vua. Do vậy, tự nhiên có tam đồ, vô lượng khổ não, lần lượt thọ thân trong ấy, thay hình, đổi nẻo. Nhận lấy thọ mạng hoặc dài hoặc ngắn, hồn thần tinh thức tự nhiên tiến đến [nơi phải thọ sanh], một mình tiến vào, [nghiệp báo] theo kẻ ấy cùng sanh, báo đền lẫn nhau, chẳng hề ngưng dứt. Ương họa, sự ác chưa hết, sẽ chẳng thể rời khỏi. Xoay vần trong ấy, chẳng có thuở ra, khó được giải thoát, đau đớn chẳng thể nói nổi! Trong vòng trời đất, tự nhiên có lẽ ấy, dẫu chẳng ngay lập tức báo ứng dữ dội, nhưng [do nghiệp nhân đã tạo], sẽ tự theo về đường lành, nẻo ác. Đấy là sự ác to lớn thứ nhất, sự đau thứ nhất, sự đốt thứ nhất, nhọc nhằn như thế đó. Ví như lửa lớn thiêu đốt thân người. Ai có thể ở trong ấy mà một dạ kiềm chế tâm ý, đoan chánh thân hạnh, chỉ làm các điều lành, chẳng làm những điều ác, thân riêng được độ thoát, đạt được phước đức, vượt thoát cõi đời, sanh lên trời, đạt được đạo Niết Bàn. Đấy là điều thiện to lớn thứ nhất vậy).
“Kỳ nhất ác giả” (sự ác thứ nhất là…): Trong năm loại ác pháp này, loại ác pháp thứ nhất là sát sanh. “Chư thiên, nhân dân, nhuyễn động chi loại” (chư thiên, nhân dân, hết thảy loài trùng bọ) bao gồm hết thảy chúng sanh lớn, nhỏ, cho đến côn trùng vi tế. “Dục vi chúng ác, mạc bất giai nhiên” (đều muốn làm ác, không ai chẳng như vậy): Chúng sanh phàm phu thảy đều muốn làm ác. “Cường giả phục nhược, chuyển tương khắc tặc” (kẻ mạnh chèn ép kẻ yếu, hiếp đáp lẫn nhau): Kẻ mạnh hiếp đáp kẻ yếu, làm hại lẫn nhau. Kẻ lớn lấn hiếp kẻ nhỏ, kẻ nhỏ lại bắt nạt kẻ nhỏ hơn. “Tàn hại sát lục, điệt tương thôn phệ” (tàn hại giết chóc, cắn nuốt lẫn nhau): Ngươi giết ta, ta giết ngươi, ngươi ăn ta, ta nuốt ngươi. “Bất tri tu thiện, ác nghịch vô đạo” (chẳng biết tu thiện, ác nghịch, vô đạo): Hết thảy chúng sanh, lớn thì là các loài trời, người, nhỏ thì như các loài tiểu trùng, đều chẳng chịu tu thiện pháp, chẳng có một tí đạo đức nào! “Hậu thọ ương phạt, tự nhiên thú hướng” (về sau bị tai ương, trừng phạt, tự nhiên tiến đến [chỗ thọ báo]): Quý vị giết hại chúng sanh, tự nhiên bị tai ương, trừng phạt. “Thần minh ký thức, phạm giả bất xá” (thần minh ghi chép, chẳng dung tha kẻ trái phạm): Thần minh chuyên môn ghi điều ác, nhất định sẽ ghi lại những chuyện ác quý vị đã làm, sẽ không dung tha quý vị. “Cố hữu bần cùng, hạ tiện, khất cái, cô độc, lung, manh, ấm, á, ngu si, tệ ác, chí hữu uông cuồng bất đãi chi thuộc” (vì thế, có kẻ bần cùng, kém hèn, ăn mày, cô độc, điếc, mù, ngọng, câm, cho đến có kẻ cuồng dại, chẳng ra người): Do đó, có kẻ bần cùng hạ tiện, còn có kẻ ăn mày, cô độc, điếc, đui, ngọng, câm, ngu si, tệ ác, cho đến còn có kẻ “uông cuồng” (尪狂) tức bệnh nhân thần kinh. “Hựu hữu tôn quý, hào phú, cao tài minh đạt” (lại có kẻ tôn quý, có thế lực, giàu có, tài cao, sáng suốt, thông đạt): Vì sao người thế gian bất bình đẳng như vậy? Có kẻ bần cùng, hạ tiện, ăn mày, cô độc, trôi lăn trong năm đường, có kẻ tôn quý, giàu có, quyền uy, tài cao sáng suốt, thông đạt. “Giai do túc thế từ hiếu, tu thiện tích đức sở trí” (đều là do đời trước nhân từ, hiếu thuận, tu thiện tích đức mà ra): Đây là do đời trước, kiếp trước tu thiện, tích đức mà đạt được. Đấy là nói về loại ác thứ nhất do tạo ác nghiệp sát sanh, lại nói [do tạo ác] mà gặp phải loại đau thứ nhất, [tức là] bị vương pháp xử phạt.
“Thế hữu thường đạo, vương pháp lao ngục, bất khẳng úy thận” (đời có thường đạo, phép vua, nhà tù, [thế mà] chẳng chịu kiêng sợ, dè dặt): Bản thân quý vị chẳng sợ hãi, chẳng cẩn thận. “Vi ác nhập tội, thọ kỳ ương phạt, cầu vọng giải thoát, nan đắc miễn xuất” (làm ác mắc tội, chịu đựng tai ương, xử phạt, cầu mong thoát khỏi, khó thể được thoát): Đợi đến khi quý vị bị nhốt trong nhà tù, quý vị mong thoát ra mà chẳng thoát được. “Thế gian hữu thử mục tiền hiện sự” (thế gian có chuyện ở ngay trước mắt như vậy): Đã bị quốc pháp xử phạt là chuyện trước mắt mọi người đều trông thấy. Đấy là loại đau thứ nhất.
Lại nói về loại đốt thứ nhất: “Thọ chung hậu thế, vưu thâm, vưu kịch” (hết tuổi thọ, sanh sang đời sau, càng sâu nặng hơn, càng dữ dội hơn): Người sau khi đã chết sẽ chịu khổ, chịu đựng dữ dội nên gọi là “đốt”. “Nhập kỳ u minh, chuyển sanh thọ thân. Thí như vương pháp, thống khổ cực hình. Cố hữu tự nhiên tam đồ, vô lượng khổ não. Chuyển mậu kỳ thân, cải hình dịch đạo” (vào chốn tối tăm, chuyển sanh, thọ thân. Ví như cực hình thống khổ trong phép vua. Vì thế, tự nhiên có tam đồ, vô lượng khổ não. Lần lượt thọ thân trong ấy, thay hình, đổi nẻo): “Mậu” (貿) là biến đổi. Từ thân hình trong địa ngục chuyển sang thân thể quỷ đói, từ thân thể quỷ đói chuyển thành thân hình súc sanh. “Sở thọ thọ mạng, hoặc trường hoặc đoản” (nhận lãnh thọ mạng, hoặc dài hay ngắn): Thọ mạng có dài hay ngắn. “Hồn thần tinh thức, tự nhiên thú chi, đương độc trị hướng” (hồn thần tinh thức tự nhiên tiến nhập, một mình tiến vào chỗ tương ứng): Bản thân quý vị tạo ác nghiệp, chính mình rơi vào tam đồ, thọ mạng hoặc dài hay ngắn, tùy thuộc báo ứng của quý vị nhẹ hay nặng. Hồn thần tinh thức của quý vị tự nhiên như vậy mà tiến hướng vào trong ác đạo, ứng hợp với cái nghiệp do quý vị đã tạo. “Tương tùng cộng sanh” (theo nhau cùng sanh): Ác nghiệp của quý vị sẽ cùng sanh với quý vị. “Cánh tương báo phục, vô hữu chỉ dĩ” (báo đền lẫn nhau, chẳng có ngưng dứt): Quý vị bị nỗi khổ vì tam ác thiêu đốt nhằm báo đền ác nghiệp của quý vị, chẳng có ngưng dứt. “Ương ác vị tận, bất đắc tương ly” (ương họa xấu ác chưa hết, sẽ chẳng rời khỏi): Quý vị hứng chịu ác nghiệp chưa hết, mong thoát ra mà không thoát được. “Triển chuyển kỳ trung, vô hữu xuất kỳ, nan đắc giải thoát, thống bất khả ngôn” (xoay vần trong ấy, chẳng có thuở ra, khó được giải thoát, đau đớn chẳng thể nói được): Do càng nghiêm trọng hơn “đau”, nên gọi là “thiêu” (đốt).
“Thiên địa chi gian, tự nhiên hữu thị, tuy bất tức thời tốt bạo ứng chí, thiện ác chi đạo, hội đương quy chi” (trong vòng trời đất, tự nhiên có điều ấy. Tuy chẳng ngay lập tức xảy đến báo ứng dữ dội, nhưng sẽ đều theo về đường thiện nẻo ác [ứng hợp nghiệp nhân đã tạo]): Quý vị tạo ác nghiệp, nhất định đọa vào địa ngục, nhưng chẳng mau chóng như vậy. Chẳng phải là ngay lập tức làm ác, sẽ ngay lập tức đọa địa ngục, nhưng đã tạo ác nghiệp, nhất định sẽ đọa vào ba ác đạo. “Thị vi nhất đại ác, nhất thống, nhất thiêu, cần khổ như thị” (đấy là sự ác to lớn thứ nhất, sự đau thứ nhất, sự đốt thứ nhất, nhọc nhằn như thế đó): Quý vị đã tạo đại ác nghiệp thứ nhất, nhất định sẽ bị phép nước chế tài4. Đấy là nỗi đau thứ nhất. “Thí như đại hỏa phần thiêu nhân thân” (ví như lửa lớn thiêu đốt thân người): Lại nói đến nỗi đau khổ do sự đốt thứ nhất. “Nhân năng ư trung nhất tâm chế ý” (ai có thể ở trong ấy mà một dạ kiềm chế tâm ý): Nếu có thể kiềm chế chính mình, kiềm chế cái tâm của chính mình. “Đoan thân chánh hạnh, độc tác chư thiện, bất vi chúng ác giả” (đoan chánh thân hạnh, chỉ làm các điều làm, chẳng tạo các điều ác): Quý vị phải nghe lời chỉ dạy của đức Phật, phải trì giới điều thứ nhất của đức Phật là sát giới (giới đừng sát sanh). “Thân độc độ thoát, hoạch kỳ phước đức, độ thế, thượng thiên, Nê Hoàn chi đạo” (thân riêng được độ thoát, đạt được phước đức, độ đời, sanh lên trời, đắc đạo Niết Bàn): Bản thân quý vị đạt được hết thảy phước đức, còn độ hết thảy mọi người, ai nấy đều có thể thăng lên trời, kết quả là còn thể đạt được đạo Nê Hoàn (Niết Bàn). “Thị vi nhất đại thiện dã”: Đấy là điều thiện to lớn do giữ sát giới.
2.2.3.3.2.3.2.2. Điều ác do trộm cắp
(Kinh) Phật ngôn: – Kỳ nhị ác giả, thế gian nhân dân, phụ tử, huynh đệ, thất gia, phu phụ, đô vô nghĩa lý, bất thuận pháp độ. Xa dâm kiêu túng, các dục khoái ý. Nhậm tâm tự tứ, cánh tương khi hoặc. Tâm khẩu các dị, ngôn niệm vô thật. Nịnh siểm bất trung, xảo ngôn du mị, tật hiền báng thiện, hãm nhập oan uổng. Chúa thượng bất minh, nhậm dụng thần hạ. Thần hạ tự tại, cơ ngụy đa đoan, tiễn độ năng hành, tri kỳ hình thế, tại vị bất chánh, vi kỳ sở khi, vọng tổn trung lương, bất đáng thiên tâm. Thần khi kỳ quân, tử khi kỳ phụ, huynh đệ phu phụ, trung ngoại tri thức, cánh tương khi cuống, các hoài tham dục, sân khuể, ngu si, dục tự hậu kỷ, dục tham đa hữu. Tôn ty thượng hạ, tâm câu đồng nhiên. Phá gia vong thân, bất cố tiền hậu, thân thuộc nội ngoại, tọa chi diệt tộc. Hoặc thời thất gia tri thức, hương đảng thị lý, ngu dân, dã nhân, chuyển cộng tùng sự, cánh tương lợi hại, phẫn thành oán kết. Phú hữu xan tích, bất khẳng thí dữ. Ái bảo tham trọng, tâm lao thân khổ. Như thị chí cánh, vô sở thị hỗ, độc lai, độc khứ, vô nhất tùy giả. Thiện ác họa phước, truy mạng sở sanh. Hoặc tại lạc xứ, hoặc nhập khổ độc, nhiên hậu nãi hối, đương phục hà cập! Thế gian nhân dân, tâm ngu thiểu trí, kiến thiện tăng báng, bất tư mộ cập, đản dục vi ác, vọng tác phi pháp, thường hoài đạo tâm, hy vọng tha lợi, tiêu tán ma tận, nhi phục cầu sách, tà tâm bất chánh, cụ nhân hữu sắc, bất dự tư kế, sự chí nãi hối. Kim thế hiện hữu vương pháp lao ngục, tùy tội thú hướng, thọ kỳ ương phạt. Nhân kỳ tiền thế bất tín đạo đức, bất tu thiện bổn, kim phục vi ác, thiên thần khắc thức, biệt kỳ danh tịch. Thọ chung thần thệ, hạ nhập ác đạo. Cố hữu tự nhiên tam đồ, vô lượng khổ não. Triển chuyển kỳ trung, thế thế lũy kiếp, vô hữu xuất kỳ, nan đắc giải thoát, thống bất khả ngôn. Thị vi nhị đại ác, nhị thống, nhị thiêu, cần khổ như thị. Thí như đại hỏa phần thiêu nhân thân, nhân năng ư trung nhất tâm chế ý, đoan thân chánh hạnh, độc tác chư thiện, bất vi chúng ác giả, thân độc độ thoát, hoạch kỳ phước đức, độ thế, thượng thiên, Nê Hoàn chi đạo. Thị vi nhị đại thiện dã. (經)佛言:其二惡者,世間人民,父子兄弟,室家夫婦,都無義理,不順法度。奢淫憍縱,各欲快意。任心自恣,更相欺惑。心口各異,言念無實。佞諂不忠,巧言諛媚。嫉賢謗善,陷入怨枉。主上不明,任用臣下。臣下自在,機偽多端。踐度能行,知其形勢。在位不正,為其所欺。妄損忠良,不當天心。臣欺其君,子欺其父。兄弟夫婦,中外知識,更相欺誑。各懷貪欲瞋恚愚癡。欲自厚己,欲貪多有。尊卑上下,心俱同然。破家亡身,不顧前後。親屬內外,坐之滅族。或時室家知識,鄉黨市里,愚民野人,轉共從事。更相利害,忿成怨結。富有慳惜,不肯施與。愛保貪重,心勞身苦。如是至竟,無所恃怙,獨來獨去,無一隨者。善惡禍福,追命所生。或在樂處,或入苦毒,然後乃悔,當復何及!世間人民,心愚少智,見善憎謗,不思慕及。但欲為惡,妄作非法。常懷盜心,悕望他利。消散磨盡,而復求索。邪心不正,懼人有色。不豫思計,事至乃悔。今世現有王法牢獄,隨罪趣向,受其殃罰。因其前世不信道德,不修善本,今復為惡。天神剋識,別其名籍。壽終神逝,下入惡道。故有自然三塗,無量苦惱。展轉其中,世世累劫,無有出期,難得解脫,痛不可言。是為二大惡二痛二燒,勤苦如是。譬如大火焚燒人身,人能於中一心制意,端身正行,獨作諸善,不為眾惡者,身獨度脫,獲其福德度世上天泥洹之道,是為二大善也。
(Kinh: Đức Phật nói: – Sự ác thứ hai là nhân dân trong thế gian, cha con, anh em, vợ chồng trong gia đình, đều chẳng có nghĩa lý, chẳng thuận theo pháp tắc, luật lệ. Xa xỉ, dâm dật, kiêu ngạo, phóng túng, ai nấy chỉ muốn khoái ý, mặc tình buông lung, dối gạt lẫn nhau. Tâm và miệng khác nhau, nói năng, suy nghĩ chẳng thành thật. Nịnh hót, bợ đỡ, bất trung, nói năng hoa mỹ, a dua, ton hót, ghét người hiền, gièm báng người lành, hãm hại họ chịu cảnh oan uổng. Chúa thượng chẳng sáng suốt, tùy tiện trọng dụng bầy tôi. Bầy tôi tự tung tự tác, mưu mẹo, dối trá lắm nỗi, cân nhắc để thực hiện [những âm mưu lừa trên gạt dưới], họ hiểu biết tình thế [để bày mưu tính kế]. Kẻ đang giữ chức mà bất chánh, sẽ bị họ lừa dối, xằng bậy tổn hại bậc trung lương, chẳng hợp lòng trời. Bầy tôi dối vua, con lừa dối cha. Anh em, vợ chồng, kẻ quen biết trong ngoài, dối gạt lẫn nhau. Ai nấy ôm lòng tham dục, nóng giận, ngu si, muốn hậu đãi chính mình, tham muốn được nhiều. Sang, hèn, trên, dưới, tâm đều như nhau! Tan nhà, mất mạng, chẳng đoái trước sau, thân thuộc trong ngoài, do vậy mà diệt tộc. Hoặc là có lúc, gia tộc, người quen biết, xóm giềng, làng nước, những kẻ ngu muội, thô lậu cùng hùa nhau làm, tạo lợi gây hại lẫn nhau, giận dữ kết thành oán thù. Kẻ giàu có thì keo tiếc, chẳng chịu bố thí. Yêu tiền, giữ của, lòng tham nặng nề, tâm mệt, thân khổ. Như thế cho đến khi hết mạng, không nơi nương cậy, một mình đến, một mình đi, chẳng có một ai theo. Thiện, ác, họa, phước, theo mạng mà sanh, hoặc ở chốn vui, hoặc vào nơi khổ độc, sau đấy mới hối, há còn kịp chăng? Nhân dân trong thế gian, tâm ngu, trí kém, thấy người lành càng thêm ghét bỏ, báng bổ, chẳng nghĩ ngưỡng mộ, mong được bằng, chỉ muốn làm ác, xằng bậy làm điều phi pháp, thường ôm lòng trộm cắp, mong mỏi lợi lộc của người khác. [Tiền của kiếm được phi pháp] bị tiêu tan, mòn mất, lại mong cầu, tìm tòi. Tà tâm bất chánh, sợ người khác đẹp đẽ hơn mình. Chẳng suy tính sẵn, chuyện xảy đến mới hối. Trong đời này thì phép vua, lao ngục, tùy theo tội mà tiến vào, chịu đựng trừng phạt. Do kẻ đó đời trước chẳng tin đạo đức, chẳng tu cội lành, nay lại làm ác, thiên thần ghi chép, viết vào sổ sách. Hết tuổi thọ, thần thức rời đi, đọa vào ác đạo. Do vậy, tự nhiên có tam đồ, vô lượng khổ não. Xoay vần trong ấy, đời đời nhiều kiếp, chẳng có thuở ra, khó được giải thoát, đau đớn chẳng thể nói nổi. Đấy là sự ác lớn thứ hai, sự đau thứ hai, sự đốt thứ hai, nhọc nhằn như thế đó. Ví như lửa lớn thiêu đốt thân người, ai có thể ở trong ấy mà một dạ kiềm chế tâm ý, đoan chánh thân hạnh, chỉ làm các điều lành, chẳng làm các điều ác, thân riêng được độ thoát, đạt được phước đức, độ đời, sanh lên trời, đắc đạo Nê Hoàn. Đấy là điều thiện lớn thứ hai vậy).
“Phật ngôn: – Kỳ nhị ác giả” (đức Phật nói: – Sự ác thứ hai là…): Kinh văn chẳng nói về tội trộm cướp, mà nói rất nhiều về tội trộm do nói năng dối trá, lừa phỉnh, tức là lừa gạt tiền tài của người khác, vậy thì giống như cướp đoạt người khác, cho nên là “cường đạo”. Đấy là loại ác thứ hai. “Thế gian nhân dân, phụ tử, huynh đệ, thất gia phu phụ” (nhân dân trong thế gian, cha con, anh em, vợ chồng trong gia đình): Trong thế gian, những người ấy là kẻ phạm phải ác nghiệp trộm cắp. Vì sao họ sẽ phạm ác nghiệp trộm cắp vậy? Họ “đô vô nghĩa lý, bất thuận pháp độ” (đều chẳng quan tâm đến nghĩa lý, chẳng vâng theo pháp tắc, luật lệ), họ chẳng vâng theo pháp luật của đất nước. “Xa dâm kiêu túng, các dục khoái ý” (xa xỉ, dâm dật, kiêu căng, phóng túng, ai nấy đều muốn khoái ý): Đấy là nhân duyên phạm tội trộm cắp. “Xa dâm kiêu túng” là hoang dâm vô độ. Hoang dâm vô độ thì sẽ “các dục khoái ý” (ai nấy đều muốn khoái ý). Họ chẳng biết thâu liễm chính mình thì là “nhậm tâm tự tứ” (mặc tình buông lung), “tự tứ” (自恣) là để mặc cho cái tâm của chính mình buông lung. Do vậy, “cánh tương khi hoặc” (lừa dối lẫn nhau).
Hoang dâm vô độ sẽ cần có tiền xài; do chẳng có tiền bèn lừa gạt. Đây gọi là Khi Biến Đạo (欺騙盜, trộm cắp bằng cách lừa gạt). “Tâm khẩu các dị, ngôn niệm vô thật” (tâm và miệng khác nhau, lời nói và suy nghĩ chẳng thật): Tâm và miệng của kẻ lừa gạt người khác chẳng giống nhau, nên gọi là “tâm khẩu các dị”. Trong tâm biết là như thế này, miệng nói như thế khác. “Ngôn” (言) là lời ăn tiếng nói, “niệm” (念) là tâm, “vô thật” (無實) là chẳng thật. “Nịnh siểm bất trung”: “Bất trung” (不忠) là chẳng trung thực, chính là “vô thật” trong câu “ngôn niệm vô thật”. “Nịnh siểm” (佞諂, nịnh nọt, bợ đỡ ) chính là câu “xảo ngôn du mị” kế ngay đó. “Xảo ngôn” (巧言, lời lẽ hoa mỹ) là chữ Nịnh (佞). “Du mị” (諛媚, a dua, ton hót) là chữ Siểm (諂), tức là nói những lời êm tai, kết quả là lừa gạt người khác. “Tật hiền báng thiện” (ganh ghét người hiền, gièm báng kẻ thiện): Bản thân kẻ ấy làm ác, trông thấy hiền nhân hoặc thiện nhân chẳng vừa mắt, sẽ ganh ghét hiền nhân, hủy báng thiện nhân. “Hãm nhập oan uổng” (hãm hại khiến cho họ mắc tội oan uổng), “hãm” (陷) là hãm hại. [“Hãm nhập oan uổng” là] hãm hại hiền nhân, thiện nhân, khiến cho họ mắc tội oan uổng.
“Chúa thượng bất minh, nhậm dụng thần hạ” (chúa thượng chẳng sáng suốt, tùy tiện trọng dụng bầy tôi): Vào thời đại chuyên chế thuở xưa, quốc vương là một gã hôn quân chẳng hiểu đạo lý, hồ đồ, chẳng sáng suốt. “Nhậm dụng thần hạ” (tùy tiện trọng dụng bầy tôi) tức là chẳng thể biết trọng dụng người hiền, bầy tôi sẽ làm ác. “Thần hạ tự tại, cơ ngụy đa đoan” (bầy tôi lộng quyền, mưu mẹo, hư ngụy lắm nỗi): Vì chúa thượng chẳng sáng suốt, bầy tôi sẽ tha hồ tự tung tự tác, chẳng làm chuyện tốt đẹp. “Cơ” (機) là “cơ trá” (機詐, mưu mẹo gian trá), “ngụy” (偽) là hư ngụy, “đa đoan” (多端): Có nhiều hành vi lươn lẹo, dối trá. “Tiễn độ năng hành” (cân nhắc để xem có thể thực hiện hay không): “Tiễn độ” (踐度) là kẻ ấy cân nhắc để thực hiện, tức là có thể thực hiện [những mưu kế nào] để hại người hay không? Hại bằng cách nào? “Tri kỳ hình thế” (hiểu biết tình thế): Kẻ đó biết tình thế của người bị hại, đáng nên làm hại họ như thế nào! “Tại vị bất chánh, vi kỳ sở khi” (người nắm giữ chức vị bất chánh, bị những kẻ đó lừa dối): Kẻ làm chúa thượng ấy đã “bất minh”, lại còn “bất chánh”, bị những đứa gian thần ấy lừa dối. “Vọng tổn trung lương, bất đáng thiên tâm” (xằng bậy tổn hại bậc trung lương, chẳng hợp lòng trời): Chúng nó hãm hại những người tốt, trung lương. “Thiên tâm” là thiên lý, [“bất đáng thiên tâm”] là chẳng hợp lẽ trời. “Thần khi kỳ quân, tử khi kỳ phụ” (bầy tôi lừa dối vua, con lừa dối cha): Kẻ làm bầy tôi dối gạt vua, con dối gạt cha. Đấy chính là “bất trung” đã nói trong phần trước. “Huynh đệ phu phụ, trung ngoại tri thức” (anh em, chồng vợ, người quen biết trong ngoài): [Ở đây],“tri thức” là người quen biết, không nhằm nói đến bậc thiện tri thức. “Cánh tương khi cuống” (lừa gạt lẫn nhau): Ngươi dối gạt ta, ta dối gạt ngươi. “Các hoài tham dục, sân khuể, ngu si” [nghĩa là] mọi người đều ôm ấp phiền não tham, sân, si. “Dục tự hậu kỷ, dục tham đa hữu” (mong hậu đãi chính mình, tham muốn có nhiều hơn): Vì sao phải lừa gạt người khác? Lừa gạt tiền tài của kẻ khác để chính mình nặng túi, tham muốn có được nhiều hơn.
“Tôn, ty, thượng, hạ, tâm câu đồng nhiên” (sang, hèn, trên dưới, cái tâm đều là như vậy): Ai nấy lường gạt lẫn nhau, lừa lọc tiền tài của ngươi về trong tay ta, nhằm đạt tới mục đích; bất luận sang, hèn, bất luận kẻ trên, người dưới, cái tâm đều là như vậy. Đấy là do làm ác bèn phạm vào phép nước. “Phá gia vong thân, bất cố tiền hậu. Thân thuộc nội ngoại, tọa chi diệt tộc” (nhà tan, thân chết, chẳng đoái hoài tiền nhân hậu quả. Thân thuộc trong ngoài, do vậy mà bị diệt tộc): Quý vị làm ác, lừa gạt người khác, hoặc hãm hại bậc trung lương, hoặc là bầy tôi lừa dối vua, tự chuốc lấy nhục. Trong tương lai, quý vị phạm tội, thậm chí nhà tan, người chết. Kẻ đó “bất cố đoái tiền hậu” (chẳng đoái hoài tiền nhân hậu quả), chẳng thể ngờ được chuyện này! Đối với “thân thuộc nội ngoại”, kẻ ấy đều lừa dối, kết quả của lừa dối là như thế nào? “Tọa chi diệt tộc” (bởi đó mà bị diệt tộc): Vào thời xưa kia, pháp luật quốc gia rất ngặt nghèo. Trong thời đại chuyên chế, thậm chí [triều đình] còn tiêu diệt toàn bộ gia tộc của quý vị. Trên đây là nói theo phương diện một người làm ác, còn dưới đây là mọi người cùng nhau hùa vào giúp đỡ làm ác.
“Hoặc thời thất gia, tri thức” (hoặc là có lúc gia tộc, người quen biết): Toàn thể gia đình hoặc là bạn bè, người quen biết của quý vị, hoặc là “hương đảng thị lý” (xóm giềng, làng nước) tức người trong vùng ấy, đều là phường “ngu nhân, dã nhân” (kẻ ngu, kẻ thô thiển), thảy đều là kẻ chẳng hiểu biết. “Chuyển cộng tùng sự” (cùng hùa nhau làm), muốn lừa gạt kẻ khác. Mọi người hùa nhau cùng lừa gạt. “Cánh tương lợi hại, phẫn thành oán kết” (cùng nhau tranh giành lợi hại, căm phẫn kết thành oán thù): Mọi người đều ham muốn, tham lợi, kết quả là mắc hại càng dữ dội hơn, kết thành oán cừu, phẫn hận với người khác. “Phú hữu xan tích” (kẻ giàu có keo tiếc): Lừa gạt tiền tài của người khác, chẳng riêng gì kẻ nghèo, mà người giàu cũng có. Kẻ giàu chính mình đã giàu có, nhưng keo kiệt, yêu tiếc, “bất khẳng thí dữ” [nghĩa là] không chịu bố thí cho người khác. “Ái bảo tham trọng” [nghĩa là] kẻ đó yêu mến, giữ chặt tiền tài của chính mình, tâm tham nặng nề. Do vậy, “tâm lao thân khổ” (tâm mệt, thân khổ): Hằng ngày sáng tối nhọc lòng, thân thể hứng chịu khổ não, tới khi mạng chung, sẽ đọa trong địa ngục. “Như thị chí cánh, vô sở thị hỗ” (như thế cho đến khi hết đời, không nơi nương cậy): Tới khi mạng chung, chẳng có “thị hỗ” (恃怙), tức là chẳng có một ai bảo bọc quý vị. “Độc lai, độc khứ, vô nhất tùy giả” (đến một mình, đi một mình, chẳng có ai theo): Quý vị một mình chết đi, một mình ra đi, chẳng có ai đi cùng với quý vị. “Thiện ác họa phước, truy mạng sở sanh” (thiện, ác, họa, phước sẽ theo mạng mà sanh): Quý vị làm chuyện ác, chuyện lành, sẽ mắc họa, hưởng phước. “Truy” (追) là theo, sanh theo cái mạng của quý vị. “Hoặc tại lạc xứ, hoặc nhập khổ độc” (hoặc ở chỗ vui sướng, hay vào nơi khổ độc): Hoặc là ở nơi vui sướng, kinh văn nói kèm thêm, vì như [đã kể ra trên đây, kẻ ấy] toàn làm ác, làm sao người ấy có thể sanh vào chốn vui sướng cho được? Vì theo một câu văn trên kia, có thể là quý vị đã từng làm chuyện tốt, làm việc thiện, nên được phước báo sanh về chỗ yên vui. Vậy thì quý vị làm ác, đáng phải nên sanh vào chỗ biển khổ. “Nhiên hậu nãi hối, đương phục hà cập” (sau đấy mới hối, há còn kịp chăng): Chờ đến khi quý vị đọa vào trong địa ngục mới hối hận, chẳng còn kịp nữa!
“Thế gian nhân dân, tâm ngu, thiểu trí” (nhân dân trong thế gian, tâm ngu, trí kém): Nhưng nhân dân trong thế gian, trong tâm ngu si, thiếu khuyết trí huệ. “Kiến thiện tăng báng” (thấy thiện nhân càng thêm ghét bỏ, báng bổ): Thấy người lành làm việc lành, kẻ đó sẽ ganh ghét, sẽ hủy báng. “Bất tư mộ cập” tức là chẳng hề nghĩ “thấy người hiền liền mong được bằng”. Người ta làm lành, mình cũng làm lành. Ta rất ngưỡng mộ người ấy, ta phải bắt chước làm lành giống như người ấy. “Bất tư mộ cập” là chẳng ngưỡng mộ thiện sự. “Đản dục vi ác” (chỉ muốn làm ác): Lòng kẻ ấy đầy ắp ý tưởng làm chuyện ác. “Vọng tác phi pháp” (xằng bậy làm điều phi pháp): Do vậy, vọng tưởng làm những chuyện ác phi pháp. “Thường hoài đạo tâm, hy vọng tha lợi” (thường ôm lòng trộm cắp, mong mỏi chiếm được lợi ích của kẻ khác): Tâm của kẻ làm ác sẽ dấy lên vọng tưởng gì? “Đạo tâm” (盜心, cái tâm trộm cắp): Phàm là trộm cắp bằng cách lừa gạt, hoặc là trộm bằng cách cướp đoạt, đều luôn mong mỏi lợi lộc của người khác sẽ lọt vào tay ta, ôm ấp cái tâm trộm cắp ấy. “Tiêu tán ma tận, nhi phục cầu sách” (tiêu tan mòn sạch, lại cầu tìm): Dối gạt mấy đồng, kẻ ấy phát tài dễ dàng. “Tiêu tán ma tận”, “ma tận” (磨盡) là mòn mất, diệt mất. Tiền xài hết sạch, vẫn muốn tìm kiếm, vẫn muốn tiếp tục lường gạt tiền tài. “Tà tâm bất chánh”: Trong phần trước là “hoang dâm vô độ”, còn ở đây là tà tâm bất chánh. Giữ cái tâm trộm cắp cũng là tà tâm bất chánh. “Cụ nhân hữu sắc” nghĩa là: Trông thấy người khác có diện mạo dễ ưa, trong tâm sẽ sợ hãi, ganh tỵ với người đó. “Bất dự tư kế” [nghĩa là] chẳng tính toán, suy nghĩ trước. Chuyện nói dối chớ nên làm. Chuyện lừa đảo, trộm cắp chớ nên làm, chớ nên nghĩ tưởng. “Sự chí nãi hối”, [nghĩa là] đợi cho tới khi đọa lạc trong ba ác đạo rồi mới hối hận thì đã muộn!
“Kim thế hiện hữu vương pháp, lao ngục” (đời này đang có phép vua, tù ngục): Chịu đựng nỗi khổ trong lao ngục, đấy là nỗi đau khổ thứ hai trong năm sự ác, năm sự đau. Quý vị trộm cắp, lừa đảo tiền tài của người ta, phạm vào phép nước, sẽ phải hứng chịu nỗi khổ trong lao ngục. Hiện thời còn có người bị phép vua chế tài, mọi người đều đã trông thấy. “Tùy tội thú hướng” [nghĩa là] quý vị phạm tội gì, sẽ định theo tội đó. “Thọ kỳ ương phạt” là phải hứng chịu pháp luật quốc gia trừng phạt. “Nhân kỳ tiền thế bất tín đạo đức, bất tu thiện bổn, kim phục vi ác” (do kẻ ấy đời trước chẳng tin đạo đức, chẳng tu cội lành, nay lại làm ác): Kẻ làm ác ấy mang theo thói quen ác từ đời trước. Đời trước, kiếp trước, kẻ ấy cũng chẳng tin đạo đức, mà cũng chẳng tu gốc lành, chẳng gieo một tí thiện căn nào. “Kim phục vi ác” (nay lại làm ác): Đời này lại càng thêm làm ác. “Thiên thần khắc thức” là thiên thần ghi chép [những hành vi ác của kẻ ấy] vào sổ sách. “Biệt kỳ danh tịch” [nghĩa là] ghi tên kẻ ấy vào sổ sách. “Thọ chung thần thệ” [tức là] thọ mạng chấm dứt, thần hồn ra đi, liền “hạ nhập ác đạo” (đọa vào ác đạo).
“Cố hữu tự nhiên tam đồ” (vì thế, tự nhiên có tam đồ), “tam đồ” từ đâu ra? Người tạo ác, tự nhiên có ba ác đạo. Chẳng có ba ác đạo, sẽ đưa người ác vào chỗ nào? “Vô lượng khổ não”: Hễ đọa lạc vào ba ác đạo, sẽ khổ não rất nhiều. “Triển chuyển kỳ trung” (xoay vần trong ấy), chịu đựng vô lượng khổ não. “Thế thế lũy kiếp” (đời đời bao kiếp), thời gian rất dài. “Vô hữu xuất kỳ, nan đắc giải thoát, thống bất khả ngôn” (chẳng có thuở thoát ra, khó được giải thoát, đau đớn chẳng thể nói nổi): Đây là nói tới sự ác thứ hai, sự đau thứ hai, sự đốt thứ hai trong ba ác đạo, “cần khổ như thị” (nhọc nhằn như thế đấy), tình trạng là như thế đó. “Thí như đại hỏa phần thiêu nhân thân” (ví như lửa lớn thiêu đốt thân người): Vì sao gọi là đau, gọi là đốt? Giống như nỗi đau khổ do lửa lớn thiêu đốt con người vậy. Đây là khuyên dạy, Phật Thích Ca từ bi chẳng mong chúng ta chịu đau đớn, bị thiêu đốt.
“Nhân năng ư trung nhất tâm chế ý” (ai có thể ở trong ấy mà một lòng kiềm chế tâm ý): Ai có thể kiềm chế tâm ý của chính mình, đoan chánh thân hạnh. “Độc tác chư thiện” (chỉ làm các điều lành): Chẳng làm các điều ác, chỉ làm các điều lành. “Bất vi chúng ác giả, thân độc độ thoát” (chẳng làm các điều ác, thân riêng được độ thoát): Quý vị tự mình có thể độ thoát chính mình. “Hoạch kỳ phước đức” là đạt được đại phước, đại đức. “Độ thế, thượng thiên, Nê Hoàn chi đạo” (độ đời, sanh lên trời, đắc đạo Niết Bàn): Quý vị đã tự mình có thể độ thoát chính mình, lại còn có thể độ chúng sanh trong thế gian. Làm lành thì trước hết có báo ứng là thăng thiên, lại còn thành Phật, sẽ đạt được đạo Nê Hoàn. “Thị vi nhị đại thiện dã” (đấy là điều thiện lớn thứ hai vậy).
2.2.3.3.2.3.2.3. Điều ác do tà dâm
(Kinh) Phật ngôn: – Kỳ tam ác giả, thế gian nhân dân, tương nhân ký sanh, cộng cư thiên địa chi gian, xử niên thọ mạng, vô năng kỷ hà? Thượng hữu hiền minh trưởng giả, tôn quý hào phú; hạ hữu bần cùng tư tiện uông liệt ngu phu; trung hữu bất thiện chi nhân, thường hoài tà ác, đản niệm dâm dật, phiền mãn hung trung. Ái dục giao loạn, tọa khởi bất an. Tham ý thủ tích, đản dục đường đắc, miện lãi tế sắc, tà thái ngoại dật, tự thê yếm tắng, tư vọng xuất nhập, phí tổn gia tài, sự vi phi pháp, giao kết tụ hội, hưng sư tương phạt, công kiếp sát lục, cưỡng đoạt vô đạo, ác tâm tại ngoại, bất tự tu nghiệp. Đạo thiết thú đắc, dục kích thành sự, khủng thế bách hiếp, quy cấp thê tử. Tứ tâm khoái ý, cực thân tác lạc. Hoặc ư thân thuộc, bất tỵ tôn ty, gia thất trung ngoại, hoạn nhi khổ chi, diệc phục bất úy vương pháp cấm lệnh. Như thị chi ác, trước ư nhân quỷ, nhật nguyệt chiếu kiến, thần minh ký thức. Cố hữu tự nhiên tam đồ, vô lượng khổ não, triển chuyển kỳ trung, thế thế lũy kiếp, vô hữu xuất kỳ, nan đắc giải thoát, thống bất khả ngôn. Thị vi tam đại ác, tam thống, tam thiêu, cần khổ như thị. Thí như đại hỏa phần thiêu nhân thân, nhân năng ư trung nhất tâm chế ý, đoan thân chánh hạnh, độc tác chư thiện, bất vi chúng ác giả, thân độc độ thoát, hoạch kỳ phước đức, độ thế, thượng thiên, Nê Hoàn chi đạo. Thị vi tam đại thiện dã.
(經)佛言:其三惡者,世間人民,相因寄生,共居天地之間。處年壽命,無能幾何?上有賢明長者尊貴豪富;下有貧窮廝賤尫劣愚夫;中有不善之人,常懷邪惡,但念淫泆,煩滿胸中。愛欲交亂,坐起不安。貪意守惜,但欲唐得。眄睞細色,邪態外逸。自妻厭憎,私妄出入。費損家財,事為非法。交結聚會,興師相伐。攻劫殺戮,強奪無道。惡心在外,不自修業。盜竊趣得,欲擊成事。恐勢迫脅,歸給妻子。恣心快意,極身作樂。或於親屬,不避尊卑。家室中外,患而苦之。亦復不畏王法禁令。如是之惡,著於人鬼。日月照見,神明記識。故有自然三塗,無量苦惱。展轉其中,世世累劫,無有出期,難得解脫,痛不可言。是為三大惡三痛三燒,勤苦如是。譬如大火焚燒人身,人能於中一心制意,端身正行,獨作諸善,不為眾惡者,身獨度脫,獲其福德度世上天泥洹之道,是為三大善也。
(Kinh: Đức Phật nói: – Sự ác thứ ba là nhân dân trong thế gian, do nhờ vào cái nhân mà sống gởi [trong cõi đời], cùng ở trong vòng trời đất, năm tháng thọ mạng, chẳng thể được mấy chốc? Trên thì có bậc hiền minh trưởng giả, tôn quý, có thế lực, giàu có. Dưới thì có kẻ bần cùng, ty tiện, ngu phu điên cuồng, kém cỏi. Giữa thì có kẻ bất thiện, thường ôm lòng tà ác, chỉ nghĩ tới dâm dật, phiền não đầy ắp dạ. Ái dục chen nhau rối bời, ngồi đứng chẳng yên. Ý tham cầu chiếm lấy, mến tiếc, chỉ mong không tốn công mà đạt được, liếc ngó sắc đẹp, tâm thái tà vạy, [thể hiện thành] bề ngoài luông tuồng. Chán ghét vợ nhà, lén lút xằng bậy ra vào. Hao tốn gia tài, khăng khăng làm chuyện trái pháp. Kết giao, tụ hội, kéo bè kết đảng đánh lẫn nhau, công kích, cướp đoạt, giết chóc, cưỡng đoạt, vô đạo đức, ác tâm bộc lộ ra ngoài, chẳng tự tu tỉnh hạnh nghiệp của chính mình. Trộm cắp hòng đạt được, muốn thúc đẩy cho sự việc thành công. [Kẻ khác do] sợ oai thế bức bách, [phải dâng lên. Kẻ đó đoạt lấy], đem về cho vợ con. Mặc tình sướng ý, tận sức theo đuổi hoan lạc. Hoặc là đối với thân thuộc, chẳng tỵ hiềm tôn ty. Trong ngoài gia đình, lo buồn, khổ sở. [Kẻ tà dâm ấy] cũng chẳng sợ phép vua, lệnh cấm. Do sự ác như thế, trở thành quỷ mang hình người, mặt trời, mặt trăng soi tỏ, thần minh ghi chép. Vì thế, tự nhiên có tam đồ, vô lượng khổ não, xoay vần trong đó, đời đời bao kiếp, chẳng có thuở thoát ra, khó được giải thoát, đau đớn chẳng thể nói nổi. Đó là điều ác lớn thứ ba, sự đau thứ ba, sự đốt thứ ba, nhọc nhằn như thế đó. Ví như lửa lớn thiêu đốt thân người. Ai có thể ở trong ấy mà một lòng kiềm chế tâm ý, đoan chánh thân hạnh, chỉ làm các điều thiện, chẳng làm các điều ác, thân riêng được độ thoát, đạt được phước đức, độ đời, sanh lên trời, đắc đạo Nê Hoàn. Đấy là điều lành lớn thứ ba vậy).
“Phật ngôn: – Kỳ tam ác giả” (đức Phật nói: – Sự ác thứ ba là…): Loại chuyện ác thứ ba là tà dâm. “Thế gian nhân dân, tương nhân ký sanh, cộng cư thiên địa chi gian. Xử niên thọ mạng, vô năng kỷ hà?” (nhân dân trong thế gian, do cái nhân mà sống gởi, cùng ở trong vòng trời đất, năm tháng thọ mạng chẳng thể được mấy chốc): Chuyển sanh làm một người trong nhân gian, sống trong vòng trời đất, thọ mạng rất ngắn ngủi; vì sao chẳng làm lành, cứ muốn làm ác? Đấy là trước hết, đức Phật khuyên dạy quý vị, đừng nghĩ quý vị sống rất lâu trên cõi đời. Chẳng có thọ mạng dài lâu như thế đâu nhé! “Thượng hữu hiền minh trưởng giả tôn quý, hào phú; hạ hữu bần cùng tư tiện uông liệt ngu phu, trung hữu bất thiện chi nhân” (trên là có bậc hiền minh trưởng giả, tôn quý, có thế lực, giàu có, dưới là có kẻ nghèo cùng, ty tiện, cuồng dại, kém cỏi, ngu phu. Giữa là có kẻ bất thiện): Ngoài những người tốt ra, còn có những kẻ bất thiện. Bất thiện như thế nào? “Thường hoài tà ác, đản niệm dâm dật”, [tức là] trong tâm ôm ấp ý niệm tà ác, chỉ nghĩ tới “dâm dật”, thuộc về phương diện tà dâm giữa nam và nữ. “Phiền mãn hung trung” tức là phiền não đầy ắp trong lòng. “Ái dục giao loạn” (ái dục chen nhau rối bời): Tâm tham ái dâm dục rối ren trong lòng, khiến cho kẻ đó “tọa khởi bất an” (ngồi đứng chẳng yên). “Tham ý thủ tích” (ý tham lam muốn chiếm lấy, yêu tiếc): Kẻ ấy một dạ nghĩ tới tà dâm, tham sắc. Do “tham ý” bèn “thủ tích”, tức là giữ chặt chẳng lìa, yêu tiếc chẳng bỏ. “Đản dục đường đắc” (chỉ mong không tốn công sức mà đạt được): Do vậy bỗng dưng mà nghĩ muốn có được đối tượng tà dâm của kẻ đó. Kẻ đó trong tâm bất chánh, tướng mạo bên ngoài cũng chẳng đoan chánh. “Miện lãi tế sắc” (liếc ngó sắc đẹp): “Miện lãi” (眄睞) là mắt liếc xéo người khác. “Tế sắc” (細色) là sắc đẹp. “Tà thái ngoại dật” (tâm thái tà vạy bộc lộc ra ngoài thành dáng vẻ luông tuồng): Kẻ ấy trong lòng tà tâm tà niệm, hiện ra ngoài thành thái độ tà vạy. “Tự thê yếm tắng” (chán ghét vợ nhà): Kẻ ấy chán ghét vợ mình; do đó, “tư vọng xuất nhập” (lén lút, xằng bậy làm chuyện ra vào): Do chính mình si tâm vọng tưởng liền “xuất nhập”, tức là ra ngoài tìm đối tượng tà dâm, hoang dâm vô độ. Cho nên “phí tổn gia tài, sự vi phi pháp” [nghĩa là] lãng phí hết sạch tài sản trong nhà của chính mình, còn làm những chuyện phi pháp.
Vì tham dâm háo sắc, lại còn gây tạo ác nghiệp sát sanh. “Giao kết tụ hội” nghĩa là kẻ xấu vây bè kết đảng với nhau. “Hưng sư tương phạt” (kéo bầy đoàn đánh nhau), bên này một phe, bên kia một bầy, hai bên đánh nhau. Do vậy, “công kiếp sát lục” (tấn công, cướp bóc, giết chóc), kéo bè vầy đoàn giết người. “Cưỡng đoạt vô đạo” (cưỡng đoạt, chẳng có đạo đức), chẳng có một chút đạo đức nào. “Ác tâm tại ngoại” (ác tâm lộ ra ngoài): Ác tâm vốn ở bên trong, nay cái ác lộ ra ngoài, muốn giết người, muốn cướp đoạt. “Bất tự tu nghiệp” nghĩa là chính mình một tí thiện nghiệp cũng chẳng tu. “Đạo thiết thú đắc” (trộm cắp hòng đạt được): Kẻ ấy do tà dâm, làm chuyện chẳng chánh đáng, hoặc trộm cắp để thỏa lòng tà dâm. “Dục kích thành sự” (muốn thúc đẩy chuyện [tà dâm] được thành công): Có thể thành tựu những chuyện tà dâm ấy. “Khủng thế bách hiếp, quy cấp thê tử” [nghĩa là] trong nhà chính mình có người vợ chánh đáng; do vậy, bèn dọa nạt cô ta, dùng thế lực ức hiếp cô ta, lừa dối vợ của chính mình. “Tứ tâm khoái ý, cực thân tác lạc” (mặc tình sướng ý, tận lực làm chuyện khoái lạc): Kẻ đó “tứ tâm khoái ý” (mặc sức sướng ý), buông lung theo niềm vui tà dâm của hắn. “Hoặc ư thân thuộc, bất tỵ tôn ty” (hoặc là đối với thân thuộc, chẳng nề hà tôn ty): Tâm tà dâm dấy lên, đối với người nhà, quyến thuộc của chính mình, kẻ ấy cũng chẳng e ngại, cũng chẳng quan tâm người khác là trưởng bối hoặc vãn bối. “Gia thất trung ngoại, hoạn nhi khổ chi” nghĩa là kẻ tà dâm hiếu sắc bị mọi người chán ghét. Thân thích bằng hữu đều chán ghét kẻ đó, coi kẻ đó là nỗi khổ. “Diệc phục bất úy vương pháp cấm lệnh” (cũng lại chẳng sợ phép vua, lệnh cấm): Pháp luật quốc gia cấm tà dâm, kẻ ấy chẳng sợ hãi.
“Như thị chi ác” (sự ác như thế), lỗi ác tà dâm ấy, “trước ư nhân quỷ” (trở thành quỷ trong loài người), kẻ tham tài hiếu sắc ấy, tương lai sẽ biến thành một thứ ma quỷ tà dâm. “Nhật nguyệt chiếu kiến, thần minh ký thức” nghĩa là quang minh của mặt trời, mặt trăng soi tỏ quý vị làm ác, thần minh đều ghi chép trong sổ sách. “Cố hữu tự nhiên tam đồ, vô lượng khổ não, triển chuyển kỳ trung” (vì thế, tự nhiên có tam đồ, vô lượng khổ não, xoay vần trong đó): Quý vị sẽ đọa trong ba ác đạo. “Thế thế lũy kiếp, vô hữu xuất kỳ, nan đắc giải thoát, thống bất khả ngôn. Thị tam đại ác, tam thống, tam thiêu, cần khổ như thị. Thí như đại hỏa phần thiêu nhân thân” (đời đời bao kiếp, chẳng có thuở thoát ra, khó được giải thoát, đau đớn chẳng thể nói nổi. Đấy là sự ác lớn thứ ba, sự đau thứ ba, sự đốt thứ ba, nhọc nhằn như thế đó. Ví như lửa lớn thiêu đốt thân người), giống như thế đó. Đức Thích Ca Thế Tôn nói điều ác tà dâm xong; tiếp đó, Ngài còn khuyên dạy chúng ta. “Nhân năng ư trung nhất tâm chế ý” (ai có thể ở trong ấy một dạ kiềm chế tâm ý): Kiềm chế cái ý tà dâm của quý vị, đoan thân chánh hạnh, “độc tác chư thiện” (chỉ làm các điều lành), bản thân quý vị làm lành, hết thảy các điều thiện đều làm. “Bất vi chúng ác giả” [nghĩa là] đừng nên làm các chuyện ác. “Thân độc độ thoát, hoạch kỳ phước đức” (thân riêng được độ thoát, đạt được phước đức): Chính quý vị độ thoát chính mình, nên gọi là “thân độc độ thoát”, đạt được phước đức. Vậy thì quý vị lại “độ thế” (hóa độ người đời), có thể “thượng thiên” (thăng lên trời), có thể đạt được “Nê Hoàn chi đạo” (đạo Niết Bàn). “Thị vi tam đại thiện dã” (đấy là điều thiện lớn thứ ba).
2.2.3.3.2.3.2.4. Điều ác do vọng ngữ
(Kinh) Phật ngôn: – Kỳ tứ ác giả, thế gian nhân dân, bất niệm tu thiện, chuyển tương giáo lệnh, cộng vi chúng ác, lưỡng thiệt, ác khẩu, vọng ngôn, ỷ ngữ, sàm tặc đấu loạn, tăng tật thiện nhân, bại hoại hiền minh, ư bàng khoái hỷ, bất hiếu nhị thân, khinh mạn sư trưởng, bằng hữu vô tín, nan đắc thành thật, tôn quý tự đại, vị kỷ hữu đạo, hoành hành oai thế, xâm dịch ư nhân, bất năng tự tri, vi ác vô sỉ. Tự dĩ cường kiện, dục nhân kính nạn, bất úy thiên, địa, thần minh, nhật, nguyệt, bất khẳng tác thiện, nan khả hàng hóa. Tự dụng yển kiển, vị khả thường nhĩ. Vô sở ưu cụ, thường hoài kiêu mạn. Như thị chúng ác, thiên thần ký thức. Lại kỳ tiền thế phả tác phước đức, tiểu thiện phù tiếp, doanh hộ trợ chi. Kim thế vi ác, phước đức tận diệt. Chư thiện thần quỷ, các khứ ly chi. Thân độc không lập, vô sở phục y. Thọ mạng chung tận, chư ác sở quy. Tự nhiên bách xúc, cộng thú đoạt chi. Hựu kỳ danh tịch, ký tại thần minh, ương cữu khiên dẫn, đương vãng thú hướng, tội báo tự nhiên, vô tùng xả ly, đản đắc tiền hành, nhập ư hỏa hoạch, thân tâm tồi toái, tinh thần thống khổ. Đương tư chi thời, hối phục hà cập! Thiên đạo quýnh nhiên, bất đắc tha điệt. Cố hữu tự nhiên tam đồ, vô lượng khổ não, triển chuyển kỳ trung, thế thế lũy kiếp, vô hữu xuất kỳ, nan đắc giải thoát, thống bất khả ngôn. Thị vi tứ đại ác, tứ thống, tứ thiêu, cần khổ như thị. Thí như đại hỏa phần thiêu nhân thân, nhân năng ư trung nhất tâm chế ý, đoan thân, chánh hạnh, độc tác chư thiện, bất vi chúng ác, thân độc độ thoát, hoạch kỳ phước đức, độ thế, thượng thiên, Nê Hoàn chi đạo. Thị vi tứ đại thiện dã.
(經)佛言:「其四惡者,世間人民,不念修善。轉相教令,共為眾惡。兩舌、惡口、妄言、綺語。讒賊鬭亂,憎嫉善人。敗壞賢明,於傍快喜。不孝二親,輕慢師長。朋友無信,難得誠實,尊貴自大,謂己有道。橫行威勢,侵易於人,不能自知,為惡無恥。自以強健,欲人敬難。不畏天地神明日月,不肯作善,難可降化。自用偃蹇,謂可常爾。無所憂懼,常懷憍慢。如是眾惡,天神記識。賴其前世頗作福德,小善扶接,營護助之。今世為惡,福德盡滅。諸善神鬼,各去離之。身獨空立,無所復依。壽命終盡,諸惡所歸。自然迫促,共趣奪之。又其名籍,記在神明。殃咎牽引,當往趣向。罪報自然,無從捨離。但得前行,入於火鑊。身心摧碎,精神痛苦。當斯之時,悔復何及!天道冏然,不得蹉跌。故有自然三塗,無量苦惱。展轉其中,世世累劫,無有出期,難得解脫,痛不可言。是為四大惡四痛四燒,勤苦如是。譬如大火焚燒人身,人能於中一心制意,端身正行,獨作諸善,不為眾惡,身獨度脫,獲其福德度世上天泥洹之道,是為四大善也。
(Kinh: Đức Phật nói: – Sự ác thứ tư là nhân dân trong thế gian chẳng nghĩ tu thiện, lại dạy bảo lẫn nhau cùng làm các chuyện ác: Nói đôi chiều, nói thô ác, nói dối, nói thêu dệt, gièm siểm hãm hại, xúi giục đấu đá rối ren, ganh ghét thiện nhân, bại hoại bậc hiền minh. Kẻ ấy ở bên cạnh [trông thấy kẻ khác do bị xúi giục mà hiềm khích] bèn vui sướng. Chẳng hiếu thảo với cha mẹ, khinh mạn sư trưởng, chẳng giữ chữ tín với bạn bè, khó thể thành thật. Tự cao tự đại mình là bậc tôn quý, tự cho là mình có đạo đức. Cậy vào oai thế mà ngang ngược, xâm phạm, làm hại người khác mà chẳng thể tự biết. Làm ác chẳng hổ thẹn. Tự cậy mình mạnh khỏe, muốn cho người khác kính sợ. Chẳng sợ trời đất, thần minh, mặt trời, mặt trăng, chẳng chịu làm lành, khó thể hàng phục, hóa độ. Tự cao, tự đại, cho là [mọi sự] sẽ thường hằng, chẳng hề lo lắng, sợ hãi. Thường ôm lòng kiêu căng, ngạo mạn. Các điều ác như thế được thiên thần ghi chép. Nhờ vào đời trước đã tạo phước đức kha khá, [hãy nên] có những điều lành nho nhỏ tiếp nối, giúp sức thêm cho, nhưng đời này làm ác, phước đức tận diệt. Các thiện quỷ thần đều bỏ đi hết, một thân trơ trọi, chẳng còn nương tựa vào đâu được nữa. Thọ mạng kết thúc, các điều ác nhóm về, tự nhiên thúc ép, cùng nhau đoạt lấy. Đã thế, tên tuổi được ghi chép bởi thần minh, ương họa lôi kéo, sẽ tiến đến chỗ [thọ báo]. Tội báo tự nhiên chưa hề lìa bỏ, chỉ đành tiến bước, vào chốn vạc lửa, thân tâm vỡ nát, tinh thần thống khổ. Ngay trong khi ấy, hối làm sao kịp? Đạo trời vằng vặc, chẳng hề sai suyển. Vì thế, tự nhiên có tam đồ, vô lượng khổ não, xoay vần trong ấy, đời đời bao kiếp, chẳng có thuở thoát ra, khó được giải thoát, đau đớn chẳng thể nói nổi. Đấy là điều ác lớn thứ tư, sự đau thứ tư, sự đốt thứ tư, nhọc nhằn như thế đó. Ví như lửa lớn thiêu đốt thân người. Ai có thể ở trong đó mà một dạ kiềm chế tâm ý, đoan chánh thân hạnh, chỉ làm các điều thiện, chẳng làm các điều ác, thân riêng được độ thoát, đạt được phước đức, độ đời, thăng lên trời, đạt được đạo Niết Bàn. Đấy là điều lành lớn thứ tư vậy).
“Phật ngôn: – Kỳ tứ ác giả” (đức Phật nói: – Sự ác thứ tư là…), đối với loại ác pháp thứ tư, kinh văn nói rất rõ rệt. “Thế gian nhân dân, bất niệm tu thiện. Chuyển tương giáo lệnh, cộng vi chúng ác” (nhân dân trong thế gian, chẳng nghĩ tu thiện, dạy bảo lẫn nhau, cùng làm các điều ác): Người trong thế gian đều là phàm phu, [sống nhằm thời] ngũ trược ác thế, được gọi là Chúng Sanh Trược. Chúng sanh ô trược, chẳng trong sạch. Mọi người không chỉ chẳng khuyên ta tu thiện, “ta khuyên ngươi hãy tu thiện”, mà còn “ngươi dạy ta làm ác, ta dạy ngươi làm ác”. Do vậy, sanh vào thế giới Sa Bà khổ não như thế đó, ở cùng một chỗ với kẻ ác. Trong phần trước, [đức Phật] đã khuyên dạy chúng ta: Các ngươi sanh sang Tây Phương Cực Lạc thế giới, đều là các vị đại Bồ Tát, đều là bậc Nhất Sanh Bổ Xứ Bồ Tát, chư thượng thiện nhân tụ hội một chỗ, làm sao quý vị có thể làm ác cho được? Do sanh vào thế giới Sa Bà khổ não, mọi người “chuyển tương giáo lệnh, cộng vi chúng ác” (dạy bảo lẫn nhau, cùng làm các điều ác), dạy dỗ làm hết thảy chuyện ác.
Tiếp đó, kinh văn nói rõ sự ác thứ tư là vọng ngữ. “Lưỡng thiệt, ác khẩu, vọng ngôn, ỷ ngữ, sàm tặc đấu loạn, tăng tật thiện nhân, bại hoại hiền minh, ư bàng khoái hỷ” (nói đôi chiều, nói thô ác, nói dối, nói thêu dệt, gièm báng hãm hại, xúi giục đấu đá, gây rối loạn, ganh ghét người lành, bại hoại bậc hiền minh, ở bên cạnh [trông thấy thiên hạ bị xúi giục mà rối ren] bèn vui sướng): Lưỡng thiệt, ác khẩu, vọng ngôn, ỷ ngữ, bốn thứ ác nghiệp ấy đều được gọi gộp chung là “vọng ngữ”.
1) “Lưỡng thiệt” là từ ngữ hình dung, ý nói “đâm thọc, nói đôi chiều”, khuấy động thị phi, giống như trong một miệng sanh ra hai cái lưỡi. Phàm là kẻ phạm phải lưỡng thiệt, hại người nhất. Ví như trong gia đình của quý vị, nếu có một bằng hữu phạm lỗi lưỡng thiệt, gia đình ấy chẳng có thị phi, sẽ nẩy sanh thị phi. Kẻ đó gặp cha bèn nói xấu về con, gặp con bèn nói xấu về cha. Kẻ đó gặp chồng bèn nói xấu vợ, gặp vợ bèn nói xấu chồng. [Do vậy], gia đình chẳng có chuyện sẽ nẩy sanh chuyện! Trong tự viện, nếu có kẻ lưỡng thiệt như thế, trong tự viện cũng sẽ nẩy sanh chuyện. Kẻ đó gặp thầy sẽ nói đồ đệ chửi thầy như thế này, như thế nọ, gặp đồ đệ sẽ nói “sư phụ của ngươi nói ngươi chẳng tốt như thế nào”, khiến cho tình cảm thầy trò, tình cảm huynh đệ đều bị lật nhào, đều là do kẻ phạm tội lưỡng thiệt đã tạo khẩu nghiệp.
2) “Ác khẩu”: Thốt ra lời thương tổn người khác, hoặc là chửi bới người khác, hoặc là rêu rao những chuyện riêng của người khác. Người ta có khuyết điểm gì kẻ ấy đều biết. Thốt lời tổn thương người khác thì gọi là “ác khẩu”.
3) “Vọng ngôn” là nói lời chẳng thật.
4) “Ỷ ngữ” là nói lời chẳng chánh đáng.
Bốn loại này đều gọi là “khẩu nghiệp”. “Sàm tặc đấu loạn”: “Tặc” (賊) có nghĩa là “hại”. Kẻ đó nói lời sàm báng. Lời sàm báng gần như đều là hại người khác. “Đấu loạn” (gây rối ren) cảm tình của người khác. Đó là kẻ lưỡng thiệt.
“Tăng tật thiện nhân” (ghen ghét người lành): Do ghen ghét, ganh tỵ người lành, kẻ ấy sẽ nói lời xấu xa. “Bại hoại hiền minh”: Bậc hiền nhân có đức hiền minh, kẻ ấy muốn cho người ấy bị bại hoại. Điều này thuộc loại ác khẩu. “Ư bàng khoái hỷ” (ở bên cạnh vui sướng): Đã hủy báng, làm hại người khác mà kẻ ấy còn ở bên cạnh rất vui sướng. “Bất hiếu nhị thân, khinh mạn sư trưởng” (chẳng hiếu thảo với cha mẹ, khinh mạn sư trưởng): Kẻ ấy chẳng hiếu thuận với cha mẹ. Phàm là kẻ tạo khẩu nghiệp, quá nửa là chẳng hiếu thuận, đối với sư trưởng thì khinh mạn. “Bằng hữu vô tín” (chẳng giữ chữ tín đối với bạn bè): Chẳng có sự đáng tin, chân thật [đối với bạn bè]. “Nan đắc thành thật, tôn quý tự đại” (khó thể thành thật, tự cao tự đại mình là bậc tôn quý): Kẻ ấy tự khen ngợi chính mình, thích nói dối, làm sao thành thật cho nổi? Đã khó thể thành thật, kẻ ấy còn tự cho là mình tôn quý, tự cao tự đại. “Vị kỷ hữu đạo” (nói mình có đạo đức): Thế mà vẫn nói dối, tự khoe chính mình có đạo đức. Do vậy, kẻ ấy có thế lực bèn “hoành hành oai thế, xâm dịch ư nhân, bất năng tự tri” (cậy vào oai thế mà hoành hành, xâm phạm, tổn hại người khác, mà chẳng thể tự biết): Suốt ngày từ sáng đến tối kẻ ấy tác oai tác phước, tận lực xâm phạm, làm hại kẻ khác, chính mình vẫn chẳng biết! “Vi ác vô sỉ” (làm ác chẳng thẹn): Hằng ngày làm ác, vẫn chẳng cảm thấy hổ thẹn. “Tự dĩ cường kiện, dục nhân kính nạn” (tự cậy mình khỏe mạnh, muốn kẻ khác kính sợ): Kẻ ấy cứ ngỡ [chính mình] rất mạnh mẽ, [cho nên] chẳng làm việc lành, cứ làm việc ác, [cứ tưởng làm như vậy thì] lẽ nào người khác chẳng tôn kính kẻ đó? Muốn cho người ta tôn kính hắn rất khó, hắn còn chẳng sợ trời sợ đất. “Bất úy thiên, địa, thần minh, nhật, nguyệt, bất khẳng tác thiện, nan khả hàng hóa” (chẳng sợ trời, đất, thần minh, mặt trời, mặt trăng, chẳng chịu làm lành, khó thể hàng phục, hóa độ): Ai muốn hàng phục, giáo hóa kẻ ấy, rất ư là khó! “Tự dụng yển kiển” (ngạo mạn, kiêu căng): “Yển kiển” (偃蹇) là tự cao, tự đại, hành xử theo cách nghĩ của riêng mình, muốn làm như thế nào bèn làm như thế ấy. Do vậy, cũng chẳng có cách nào giáo hóa kẻ ấy! “Vị khả thường nhĩ” [nghĩa là] kẻ ấy cho rằng những gì trong tâm chính mình nghĩ tưởng, sẽ “thường nhĩ”, [tức là] vĩnh viễn giống như thế ấy. Do đó, kẻ ấy ôm lòng “vô sở ưu cụ, thường hoài kiêu mạn” (chẳng lo rầu, kiêng sợ, thường mang lòng kiêu căng, ngạo mạn).
“Như thị chúng ác, thiên thần ký thức” (các điều ác như thế, thiên thần ghi chép): Các điều ác trên đây, thiên thần đều ghi vào sổ sách. “Lại kỳ tiền thế phả tác phước đức, tiểu thiện phù tiếp, doanh hộ trợ chi” (cậy vào đời trước đã tạo phước đức kha khá, có những điều lành nho nhỏ tiếp nối, giúp sức thêm cho): Kiếp trước, đời trước, kẻ ấy đã từng làm một tí chuyện tốt, có chút phước đức, nếu đời này làm một chút điều thiện để khéo tiếp nối, khéo giúp đỡ; thế nhưng “kim thế vi ác” (đời này làm ác), chẳng làm chuyện tốt lành, kiêu căng, ngã mạn, tự cho mình là tuyệt vời, tận lực làm chuyện ác. “Phước đức tận diệt” (phước đức diệt sạch): Một tí phước đã vun bồi trong đời trước, kiếp trước đều bị kẻ ấy phá hủy tan tành. “Chư thiện quỷ thần, các khứ ly chi” (các thiện quỷ thần đều rời đi): Do đời trước tu phước, có thiện thần, thiện quỷ đến nâng đỡ kẻ ấy, nay họ đều rời khỏi kẻ đó. “Thân độc không lập” (một thân trơ trọi): Một người bảo hộ hắn cũng chẳng có! “Vô sở phục y” (chẳng có nơi nào để nương cậy nữa) chính là “vô sở thị hỗ” (không nơi nương cậy) trong phần trước, chẳng có một ai để hắn nương tựa!
Đoạn kinh văn này nói về kẻ tạo khẩu nghiệp, vẫn là kẻ có phước báo, lại nói kẻ ấy tự cao tự đại, lại nói kẻ ấy rất kiêu mạn, đều là do cậy vào phước báo của chính mình. Quý vị phải dùng phước để bồi đắp phước! Phước báo giống như chúng ta kinh doanh, đã có tiền vốn thì phải khéo kinh doanh. Kẻ ấy chẳng khéo kinh doanh, lại khiến cho mấy món tiền vốn đều bị cụt sạch, lại còn thuận theo cảnh mà tạo nghiệp, bỏ sạch phước báo, thiện thần đều lìa bỏ, chỉ còn trơ trọi một thân, há chẳng đọa lạc ư?
“Thọ mạng chung tận, chư ác sở quy. Tự nhiên bách xúc, cộng thú đoạt chi” (thọ mạng đã hết, các điều ác nhóm về, tự nhiên thúc ép, cùng nhau đoạt lấy): Quý vị bỏ sạch phước báo, tận lực tạo ác nghiệp. “Thọ mạng chung tận, chư ác sở quy” (thọ mạng đã hết, các điều ác nhóm về): Các điều ác quay lại trên thân quý vị. “Tự nhiên bách xúc, cộng thú đoạt chi” (tự nhiên thúc ép, cùng nhau đoạt lấy): Muốn đoạt mất sanh mạng của quý vị. “Hựu kỳ danh tịch, ký tại thần minh” (lại còn tên tuổi đã ghi chép nơi thần minh): Vị thần minh biên chép thiện ác đã ghi tên quý vị vào trong sổ. “Ương cữu khiên dẫn, đương vãng thú hướng” (ương họa lôi kéo, sẽ tiến nhập [chỗ thọ báo]): Tạo ương họa, tạo tội, nó sẽ lôi kéo quý vị phải đi theo phương hướng nào? “Tội báo tự nhiên, vô tùng xả ly” (tội báo tự nhiên chưa hề lìa bỏ): Quý vị tạo tội, đáng mắc phải ác báo. Đấy là lẽ tự nhiên, quý vị muốn lìa bỏ cũng chẳng lìa bỏ được! “Đản đắc hành tiền, nhập ư hỏa hoạch” (chỉ đành tiến bước, vào trong vạc lửa): Quý vị tạo đại ác nghiệp, đọa vào địa ngục, đọa vào Hỏa Thang Lô Thán địa ngục, đọa trong Du Oa địa ngục. “Hoạch” (鑊) là một cái vạc lớn. “Thân tâm tồi toái, tinh thần thống khổ” (thân tâm vỡ nát, tinh thần đau khổ): Cho đến khi ấy, thân lẫn tâm của quý vị đều vỡ vụn, tinh thần đau khổ. “Đương tư chi thời, hối phục hà cập” (ngay trong khi ấy, hối hận sao kịp): Chờ đến khi quý vị đọa vào địa ngục, [quỷ sứ] sẽ dùng nồi dầu chiên quý vị, quý vị mới hối hận, há còn kịp chăng? “Thiên đạo quýnh nhiên, bất đắc tha dật” (đạo trời vằng vặc, chẳng hề sai sẩy): “Thiên đạo” là đạo nhân quả báo ứng. “Quýnh nhiên” (冏然) là rất rõ rệt. “Bất đắc tha điệt”: “Tha điệt” (蹉跌) nên hiểu là “sai thất” (差失, sai lầm), [ý nói] nhân quả báo ứng chẳng sai sẩy mảy may, chẳng thể lầm lộn. “Cố hữu tự nhiên tam đồ, vô lượng khổ não” (vì thế, tự nhiên có tam đồ, vô lượng khổ não): Tự nhiên là quý vị sẽ đọa vào trong ba ác đạo, hứng chịu vô lượng khổ não. “Triển chuyển kỳ trung, thế thế lũy kiếp, vô hữu xuất kỳ, nan đắc giải thoát, thống bất khả ngôn. Thị vi tứ đại ác, tứ thống, tứ thiêu, cần khổ như thị. Thí như đại hỏa phần thiêu nhân thân, nhân năng ư trung nhất tâm chế ý, đoan thân chánh hạnh, độc tác chư thiện, bất vi chúng ác, thân độc độ thoát, hoạch kỳ phước đức độ thế thượng thiên Nê Hoàn chi đạo, thị vi tứ đại thiện dã” (xoay vần trong ấy, đời đời bao kiếp, chẳng có thuở thoát ra, khó được giải thoát, đau đớn chẳng thể nói nổi. Đấy là sự ác lớn thứ tư, sự đau thứ tư, sự đốt thứ tư, nhọc nhằn như thế. Ví như lửa lớn thiêu đốt thân người. Ai có thể ở trong ấy mà một lòng kiềm chế tâm ý, đoan chánh thân hạnh, chỉ làm các điều lành, chẳng làm các điều ác, thân được độ thoát, đạt được phước đức, độ đời, thăng lên cõi trời, đắc đạo Niết Bàn. Đấy là điều lành lớn thứ tư).
Đây là đức Phật khuyên răn chúng ta, kinh văn giống như trong phần trước. Loại ác thứ tư là ác khẩu. Khẩu nghiệp rất khó ngăn ngừa, vì môi trên và môi dưới hễ chập vào nhau sẽ thốt thành lời; hễ chẳng chú tâm, sẽ tạo khẩu nghiệp. Vì thế, khẩu nghiệp rất khó ngăn ngừa, cần phải dụng công tu hành. Cổ nhân nói: “Thiểu thuyết nhất cú thoại, đa niệm nhất cú Phật” (nói ít một câu chuyện, niệm nhiều một câu Phật). Tốt nhất là ít nói. Nói nhiều, lắm lời, ắt sẽ sai sót, có thể là chính mình tạo khẩu nghiệp mà chính mình vẫn chẳng biết. Tạo khẩu nghiệp là kẻ miệng lưỡi lanh lợi, chứ kẻ ăn nói vụng về, sẽ chẳng đặt điều, sẽ chẳng thốt ra lắm lời bậy bạ dường ấy. Ở đây, [kinh văn] chẳng nhằm nói về kẻ không biết ăn nói, mà là toàn nói về những lời ăn tiếng nói tạo thành khẩu nghiệp. Vậy thì quý vị phải nên phản tỉnh: Khéo ăn nói thì quý vị học giảng kinh sẽ tốt đẹp. Giảng kinh là học lời đức Phật nói, những lời tốt đẹp trong thế gian đức Phật đã nói hết cả rồi! Những lời đức Phật nói ra, hoàn toàn là những lời tốt lành. Học giảng kinh là học lời ăn tiếng nói của đức Phật, chắc chắn chẳng phải là tạo khẩu nghiệp, lại còn là tích khẩu đức, tích đại đức.
2.2.3.3.2.3.2.5. Điều ác do uống rượu
(Kinh) Phật ngôn: – Kỳ ngũ ác giả, thế gian nhân dân, tỷ ỷ giải nọa, bất khẳng tác thiện, trị thân tu nghiệp. Gia thất quyến thuộc, cơ hàn khốn khổ. Phụ mẫu giáo hối, sân mục nộ ứng. Ngôn lệnh bất hòa, vi lệ phản nghịch. Thí như oán gia, bất như vô tử. Thủ dữ vô tiết, chúng cộng hoạn yếm. Phụ ân vi nghĩa, vô hữu báo thường chi tâm. Bần cùng khốn phạp, bất năng phục đắc. Cô giảo túng đoạt, phóng tứ du tán, quán sổ đường đắc, dụng tự chẩn cấp. Đam tửu thị mỹ, ẩm thực vô độ. Tứ tâm đãng dật, lỗ hỗ để đột. Bất thức nhân tình, cưỡng dục ức chế. Kiến nhân hữu thiện, đố tật ố chi. Vô nghĩa, vô lễ, vô sở cố nạn, tự dụng thức đáng, bất khả gián hiểu. Lục thân quyến thuộc, sở tư hữu vô, bất năng ưu niệm. Bất duy phụ mẫu chi ân, bất tồn sư hữu chi nghĩa. Tâm thường niệm ác, khẩu thường ngôn ác, thân thường hành ác, tằng vô nhất thiện. Bất tín tiên thánh, chư Phật kinh pháp, bất tín hành đạo khả đắc độ thế, bất tín tử hậu thần minh cánh sanh, bất tín tác thiện đắc thiện, vi ác đắc ác. Dục sát chân nhân, đấu loạn chúng tăng. Dục hại phụ mẫu, huynh đệ, quyến thuộc. Lục thân tắng ố, nguyện linh kỳ tử. Như thị thế nhân, tâm ý câu nhiên. Ngu si mông muội, nhi tự dĩ trí huệ. Bất tri sanh sở tùng lai, tử sở thú hướng. Bất nhân bất thuận, ác nghịch thiên địa, nhi ư kỳ trung, hy vọng kiểu hãnh. Dục cầu trường sanh, hội đương quy tử. Từ tâm giáo hối, linh kỳ niệm thiện. Khai thị sanh tử thiện ác chi thú, tự nhiên hữu thị, nhi bất khẳng tín chi. Khổ tâm dữ ngữ, vô ích kỳ nhân, tâm trung bế tắc, ý bất khai giải, đại mạng tương chung, hối cụ giao chí. Bất dự tu thiện, lâm cùng phương hối. Hối chi ư hậu, tương hà cập hồ? Thiên địa chi gian, ngũ đạo phân minh, khôi khoách yểu minh, hạo hạo mang mang. Thiện ác báo ứng, họa phước tương thừa, thân tự đương chi, vô thùy đại giả. Số chi tự nhiên, ứng kỳ sở hành, ương cữu truy mạng, vô đắc túng xả. Thiện nhân hành thiện, tùng lạc nhập lạc, tùng minh nhập minh. Ác nhân hành ác, tùng khổ nhập khổ, tùng minh nhập minh, thùy năng tri giả? Độc Phật tri nhĩ. Giáo ngữ khai thị, tín dụng giả thiểu, sanh tử bất hưu, ác đạo bất tuyệt. Như thị thế nhân nan khả cụ tận. Cố hữu tự nhiên tam đồ, vô lượng khổ não. Triển chuyển kỳ trung, thế thế lũy kiếp, vô hữu xuất kỳ, nan đắc giải thoát, thống bất khả ngôn. Thị vi ngũ đại ác, ngũ thống, ngũ thiêu, cần khổ như thị. Thí như đại hỏa phần thiêu nhân thân, nhân năng ư trung nhất tâm chế ý, đoan thân chánh niệm, ngôn hạnh tương phó, sở tác chí thành, sở ngữ như ngữ, tâm khẩu bất chuyển, độc tác chư thiện, bất vi chúng ác, thân độc độ thoát, hoạch kỳ phước đức, độ thế, thượng thiên, Nê Hoàn chi đạo, thị vi ngũ đại thiện dã.
(經)佛言:其五惡者,世間人民,徙倚懈惰,不肯作善,治身修業。家室眷屬,飢寒困苦。父母教誨,瞋目怒應。言令不和,違戾反逆。譬如怨家,不如無子。取與無節,眾共患厭。負恩違義,無有報償之心。貧窮困乏,不能復得。辜較縱奪,放恣遊散。串數唐得,用自賑給。耽酒嗜美,飲食無度。肆心蕩逸,魯扈抵突。不識人情,強欲抑制。見人有善,妬嫉惡之。無義無禮,無所顧難,自用識當,不可諫曉。六親眷屬,所資有無,不能憂念。不惟父母之恩,不存師友之義。心常念惡,口常言惡,身常行惡,曾無一善。不信先聖諸佛經法,不信行道可得度世,不信死後神明更生。不信作善得善,為惡得惡。欲殺真人,鬭亂眾僧。欲害父母兄弟眷屬。六親憎惡,願令其死。如是世人,心意俱然。愚癡蒙昧,而自以智慧。不知生所從來,死所趣向。不仁不順,惡逆天地。而於其中,悕望僥倖。欲求長生,會當歸死。慈心教誨,令其念善。開示生死善惡之趣,自然有是,而不肯信之。苦心與語,無益其人,心中閉塞,意不開解。大命將終,悔懼交至。不豫修善,臨窮方悔。悔之於後,將何及乎?天地之間,五道分明,恢廓窈冥,浩浩茫茫。善惡報應,禍福相承。身自當之,無誰代者。數之自然,應期所行,殃咎追命,無得從捨。善人行善,從樂入樂,從明入明。惡人行惡,從苦入苦,從冥入冥。誰能知者?獨佛知耳。教語開示,信用者少。生死不休,惡道不絕。如是世人,難可具盡。故有自然三塗,無量苦惱。展轉其中,世世累劫,無有出期,難得解脫,痛不可言。是為五大惡五痛五燒,勤苦如是。譬如大火焚燒人身,人能於中一心制意,端身正念,言行相副,所作至誠,所語如語,心口不轉,獨作諸善,不為眾惡,身獨度脫,獲其福德度世上天泥洹之道,是為五大善也。
(Kinh: Đức Phật nói: – Sự ác thứ năm là nhân dân trong thế gian, lần chần, biếng nhác, chẳng chịu làm lành, tu sửa cái thân, tu tập thiện nghiệp. Vợ con, quyến thuộc, đói rét, khốn khổ. Cha mẹ răn bảo bèn trừng mắt, giận dữ đáp trả. Ăn nói chẳng hòa nhã, trái nghịch, hung hăng, chống đối, ví như oán gia, chẳng bằng không có con! Tiêu xài chẳng có chừng mực, mọi người đều lo rầu, chán ngán. Phụ ân bội nghĩa, chẳng có tâm báo đáp. Nghèo cùng, thiếu hụt, chẳng thể có tiền tài trở lại được! Tạo tội hiển nhiên, phóng túng chiếm đoạt, buông tuồng, phiêu đãng, quen thói đoạt ngang để tự tiêu dùng. Mê rượu, ham vị ngon, ăn uống vô độ. Mặc tình phóng đãng, buông lung, ngu độn, thô lỗ, ương bướng, chẳng biết tình người, [chẳng biết] chế ngự những ham muốn mạnh mẽ. Thấy người khác có điều thiện bèn ganh tỵ, ghét bỏ. Vô nghĩa, vô lễ, chẳng quan tâm hậu quả, tự tiện hành xử theo ý mình, cứ cho như vậy là thích đáng, chẳng thể can gián, khuyên nhủ. Lục thân quyến thuộc có cái để chi dụng hay không, chẳng hề lo nghĩ. Chẳng nhớ tới ân cha mẹ, chẳng màng đạo nghĩa thầy bạn. Tâm thường nghĩ chuyện ác, miệng thường nói lời ác, thân thường làm ác, chưa hề có một điều thiện nào. Chẳng tin kinh pháp của những bậc thánh hiền thuở trước và chư Phật. Chẳng tin hành đạo sẽ có thể độ đời, chẳng tin sau khi chết thần hồn sẽ tái sanh, chẳng tin làm lành sẽ được quả lành, làm ác mắc quả ác. Muốn giết bậc chân nhân, gây rối chúng tăng. Muốn hại cha mẹ, anh em, quyến thuộc. Lục thân ghét bỏ, mong kẻ ấy chết phứt đi. Người đời là như thế đó, tâm ý đều là như vậy. Ngu si, tăm tối, mà cứ nghĩ mình có trí huệ. Chẳng biết sanh từ đâu đến, chết sẽ hướng về đâu, bất nhân, bất thuận, ác nghịch trời đất, thế mà ở trong ấy (sống trong vòng trời đất) vẫn mong mỏi gặp may. Muốn cầu sống lâu, rồi cũng phải chết. [Bậc tri thức] từ tâm khuyên răn, mong cho kẻ ấy tu thiện, khai thị đường sanh tử thiện ác, tự nhiên có đạo lý ấy, nhưng [kẻ ấy] chẳng chịu tin. Khổ tâm bảo ban, chẳng có ích gì cho kẻ đó. Trong tâm bế tắc, ý chẳng hiểu biết, tử vong sắp đến, hối hận lo sợ lẫn lộn. Chẳng tu thiện sẵn, đến bước đường cùng mới hối. Hối hận thì há có kịp chăng? Trong vòng trời đất, năm đường phân minh, rộng lớn, mịt mờ, bát ngát, mênh mang. Thiện ác báo ứng, họa phước nương nhau, thân tự gánh chịu, chẳng ai thay cho! Chiếu theo lẽ tự nhiên, [quả báo] ứng hợp với những gì đã làm, họa ương theo sát cái mạng, chẳng hề bỏ lìa. Người lành làm lành, từ lạc vào lạc, từ sáng vào sáng. Kẻ ác hành ác, từ khổ vào khổ, từ tối vào tối, ai có thể biết? Riêng mình Phật biết! Dạy bảo, khai thị, kẻ tin tưởng, hành theo thì ít. Sanh tử chẳng ngơi, ác đạo chẳng dứt. Người đời như thế đó, khó thể nói trọn. Vì thế, tự nhiên có tam đồ, vô lượng khổ não, xoay vần trong đó, đời đời bao kiếp, chẳng có thuở ra, khó được giải thoát, đau đớn chẳng thể nói nổi. Đấy là sự ác lớn thứ năm, sự đau thứ năm, sự đốt thứ năm, nhọc nhằn như thế đó. Ví như lửa lớn thiêu đốt thân người. Ai có thể ở trong ấy, một dạ kiềm chế tâm ý, đoan thân, chánh niệm, lời nói và hành vi phù hợp nhau, hành xử chí thành, nói lời đúng thật, tâm và miệng chẳng sai chạy, chỉ làm các điều lành, chẳng làm các điều ác, thân riêng được độ thoát, đạt được phước đức, độ đời, thăng lên cõi trời, đắc đạo Niết Bàn. Đấy là điều lành lớn thứ năm vậy).
“Phật ngôn: – Kỳ ngũ ác giả” (đức Phật nói: – Sự ác thứ năm là…): Loại ác pháp thứ năm chính là uống rượu. “Thế gian nhân dân, tỷ ỷ, giải nọa, bất khẳng tác thiện, trị thân tu nghiệp. Gia thất quyến thuộc, cơ hàn khốn khổ. Phụ mẫu giáo hối, sân mục nộ ứng, ngôn lệnh bất hòa, vi lệ phản nghịch” (nhân dân trong thế gian, lần chần, biếng nhác, chẳng chịu làm lành, tu sửa cái thân, tu tập thiện nghiệp. Vợ con, quyến thuộc, đói rét khốn khổ. Cha mẹ răn bảo, bèn trừng mắt, giận dữ đáp trả. Ăn nói chẳng hòa nhã, trái nghịch, hung hăng, chống đối): Đây là trước hết nói về kẻ uống rượu. Căn bản là kẻ tánh tình thối nát, [đã là] kẻ ham uống rượu, còn là kẻ chây lười, biếng nhác. Trong “thế gian nhân dân”, kẻ ấy là một gã ham chè chén, là dạng người như thế nào? “Tỷ ỷ giải nọa” (徙倚懈惰): Chây lười, biếng nhác. “Bất khẳng tác thiện” (chẳng chịu làm lành): Dạy kẻ ấy làm chuyện tốt, kẻ ấy chẳng làm, cũng chẳng chịu “trị thân tu nghiệp” (tu sửa cái thân, tu tập thiện nghiệp): Đối trị thân mình, tu nghiệp của chính mình, kẻ ấy chẳng làm thiện nghiệp. “Gia thất quyến thuộc, cơ hàn khốn khổ” (gia đình, quyến thuộc, đói rét khốn khổ), kẻ ấy vẫn chẳng màng, cũng không đoái hoài tới. “Phụ mẫu giáo hối” (cha mẹ răn dạy) kẻ đó, kẻ đó sẽ “sân mục nộ ứng” (trừng mắt, giận dữ đáp trả). “Sân mục” (瞋目) là hai mắt trợn trừng thật lớn, [“nộ ứng” là] dùng giọng điệu tức giận để đáp lời cha mẹ. “Ngôn lệnh bất hòa” (nói năng chẳng hòa nhã): Lời nói hoàn toàn chẳng có một tí hòa khí nào! “Vi lệ phản nghịch” [nghĩa là] chống trái cha mẹ, hung bạo, ngỗ nghịch, tánh tình rất phản loạn. “Thí như oán gia, bất như vô tử” (ví như oán gia, chẳng bằng không có con): Đứa con hư đốn ấy đối với cha mẹ giống như oan gia. Sanh ra đứa con hư hỏng này, còn chẳng bằng không có con! “Thủ dữ vô tiết” (vòi tiền, tiêu xài chẳng có chừng mực): Kẻ ấy tiêu xài chẳng có chừng mực. Chẳng có tiền bèn vòi tiền cha mẹ. Đấy là Thủ. Hoặc là vòi tiền từ anh, em, hoặc vợ, chẳng có một chút chừng mực nào! “Chúng cộng hoạn yếm” (mọi người đều cùng lo rầu, chán ngán): Mọi người trong gia đình đều buồn rầu vì hắn, chẳng có một ai không chán ghét hắn.
“Phụ ân vi nghĩa, vô hữu báo thường chi tâm” (bội ân phụ nghĩa, chẳng có tâm báo đáp): Cha mẹ có ân, có nghĩa đối với chúng ta, [thế mà] kẻ đó trái nghịch ân nghĩa của cha mẹ, chẳng có ý nghĩ đền đáp. Làm sao trọn hết hiếu đạo cho được? Kẻ ấy chẳng có cái tâm đó! “Bần cùng khốn phạp, bất khả phục đắc” (nghèo nàn, cùng quẫn, thiếu thốn, [tiền của đã hoang phí hết sạch rồi], chẳng thể có lại được): Sanh phải đứa con xấu xa như vậy, chẳng thể kiếm tiền, chỉ xài tiền. Nó tiêu xài khiến nhà ấy bần cùng, thiếu hụt, vẫn cứ muốn được tiền mà chẳng được. Trong nhà chẳng có tiền thì sống bằng cách nào? Do vậy, “cô giảo túng đoạt, phóng tứ du tán. Quán sổ đường đắc, dụng tự chẩn cấp” (tạo tội hiển nhiên, phóng túng chiếm đoạt, buông tuồng, phiêu đãng, quen thói đoạt ngang để tự tiêu dùng)5: “Cô giảo túng đoạt”: Nếu có thể cướp đoạt đôi chút tiền, kẻ ấy liền cướp đoạt. “Phóng tứ du tán”: Mặc tình buông lung, la cà, lười nhác. “Quán số đường đắc” (quen thói chẳng tốn công sức mà đoạt được tài vật): Chữ Quán (串) đọc là (ㄍㄨㄢˋ, Kuàn), tức là chữ Quán (慣) trong Tập Quán (習慣, thói quen). “Quán sổ” là lần này sang lần khác, kẻ ấy quen thói ngang ngược đạt được tài vật, [nghĩa là] không phí tiền vốn, chẳng tốn công sức mà có thể đạt được! “Dụng tự chẩn cấp” (để tự tiêu dùng), hòng chính mình có thể sống sót.
“Đam tửu thị mỹ, ẩm thực vô độ” (mê rượu, ham vị ngon, ăn uống vô độ): Tới đây mới nói đến “ác thị” (惡嗜, thú đam mê xấu), tức là thói xấu rượu chè, ham mê nhậu nhẹt. “Thị mỹ” (嗜美) là thích uống rượu, thích ăn những món ngon, ăn uống chẳng có chừng mực. “Tứ tâm đãng dật” (mặc tình phóng đãng, buông lung), Tứ (肆) là làm càn, cái tâm phóng đãng. “Lỗ hỗ để đột”: “Lỗ hỗ” (魯扈) là rất thô bạo, “để đột” (抵突) là kẻ đó nói những lời chói tai. Người khác khuyên bảo hắn, hắn liền gây lộn với người ta. “Bất thức nhân tình” (chẳng biết tình người): Một tí cư xử cho đúng tình người cũng không biết! “Cưỡng dục ức chế”: Chẳng thể ức chế [những ham muốn] được!
“Kiến nhân hữu thiện, đố tật ố chi” (thấy người khác có điều lành bèn ganh tỵ, ghét bỏ): Kẻ đó còn thấy người khác làm chuyện lành liền dấy lòng ganh tỵ, khởi tâm ghét bỏ. “Vô nghĩa vô lễ, vô sở cố nạn” (vô nghĩa, vô lễ, chẳng quan tâm tới hậu quả): Chẳng có một tí nhân, nghĩa, lễ, trí, tín nào, thảy đều chẳng thèm nhắc tới, chẳng buồn quan tâm tới! “Tự dụng thức đương” (tự làm những gì mình thích, luôn nghĩ mình đúng): Hành xử tùy tiện theo ý nghĩ. Kẻ ấy tự cho những chuyện mình đã làm rất thích đáng. “Bất khả gián hiểu” (chẳng thể can gián, khuyên nhủ): Muốn khuyên lơn, can gián kẻ ấy, hoàn toàn chẳng thể được!
“Lục thân quyến thuộc, sở tư hữu vô, bất năng ưu niệm” (lục thân quyến thuộc có cái để chi dụng hay không, [kẻ ấy] chẳng hề lo nghĩ): Trước nay kẻ đó chẳng hề hỏi tới lục thân6
quyến thuộc, người nhà có [đủ sống] hay không? Kẻ ấy chẳng buồn quan tâm! “Bất duy phụ mẫu chi ân, bất tồn sư hữu chi nghĩa” (chẳng nghĩ tới ân cha mẹ, chẳng màng đạo nghĩa thầy bạn): Kẻ ấy chẳng nghĩ báo đáp ân cha mẹ, nên nói là “bất duy”. Nghĩa thầy bạn kẻ đó chẳng để trong lòng! “Tâm thường niệm ác, khẩu thường ngôn ác, thân thường hành ác” (tâm thường nghĩ điều ác, miệng thường thốt lời ác, thân thường làm chuyện ác): Thân, khẩu, ý đều biến thành ác pháp. Tâm là ý, thường xuyên nghĩ đến ác pháp, miệng thường xuyên thốt lời xấu xa, thân thể thường xuyên làm chuyện ác. “Tằng vô nhất thiện” (chưa hề có một điều lành): Một chuyện thiện cũng chẳng làm! “Bất tín tiên thánh chư Phật kinh pháp, bất tín hành đạo khả đắc độ thế, bất tín tử hậu thần minh cánh sanh” (chẳng tin kinh pháp của tiên thánh (先聖, các bậc cổ thánh tiên hiền), chư Phật, chẳng tin tu đạo sẽ có thể hóa độ cõi đời, chẳng tin chết rồi thần thức sẽ tái sanh): [Nghe thiện tri thức] nói còn có đời sau, đời kế, kẻ đó chẳng tin. “Bất tín tác thiện đắc thiện, vi ác đắc ác” (chẳng tin làm lành được quả lành, làm ác bị quả ác): Nhân quả báo ứng thảy đều chẳng tin tưởng. “Dục sát chân nhân” (muốn giết bậc chân nhân): Kẻ ấy còn tạo đại tội Ngũ Nghịch. “Chân nhân” là thánh nhân. Quý vị nói xem, quý vị đã đắc đạo, chứng A La Hán, kẻ đó còn muốn giết quý vị! “Đấu loạn chúng tăng” (gây rối chúng Tăng) là phá hòa hợp Tăng. “Dục hại phụ mẫu, huynh đệ, quyến thuộc” (muốn hại cha mẹ, anh em, quyến thuộc): Cha mẹ của chính mình mà kẻ đó đều dám giết, đấy là trọng tội Ngũ Nghịch. “Lục thân tắng ố” (lục thân ghét bỏ): Lục thân thảy đều căm ghét kẻ đó. “Nguyện linh kỳ tử” (mong cho kẻ ấy chết phứt đi): Ai nấy đều mong mỏi kẻ đó chết phứt cho lẹ, kẻ ấy ác đến tột bậc!
“Như thị thế nhân” [nghĩa là] người trong cõi đời như thế đó, “tâm ý câu nhiên” (tâm ý đều như vậy đấy), tâm ý hồ đồ. “Ngu si mông muội”: Ngu độn, si ám, tăm tối, chẳng hiểu sự lý. “Nhi tự dĩ trí huệ” (nhưng tự cho là có trí huệ): Thế mà kẻ ấy tự cho là chính mình có trí huệ. “Bất tri sanh sở tùng lai, tử sở thú hướng” [nghĩa] là chẳng biết sanh từ nơi nào đến, cũng chẳng biết chết rồi sẽ đi về đâu, kẻ ấy thảy đều chẳng quan tâm những chuyện này! “Bất nhân, bất thuận, ác nghịch thiên địa. Nhi ư kỳ trung, hy vọng kiểu hãnh” (bất nhân, bất thuận, ác nghịch trời đất, nhưng ở trong ấy vẫn mong cầu may mắn), vẫn “dục cầu trường sanh” (mong muốn trường sanh), kẻ ấy vẫn mong sống thêm mấy năm nữa! “Hội đương quy tử” (rồi sẽ phải chết): Ngay lập tức sẽ chết mà kẻ ấy vẫn chẳng biết, vẫn cứ mong sống thêm mấy năm. “Từ tâm giáo hối, linh kỳ niệm thiện” ([thiện tri thức] từ tâm dạy bảo, khuyên nhủ, khiến cho kẻ ấy nghĩ đến điều lành): Nếu một vị thiện tri thức trông thấy kẻ ấy do làm ác, sẽ phải đọa địa ngục, bèn phát tâm từ bi giáo huấn kẻ đó, khuyên kẻ đó hãy nghĩ đến thiện pháp. “Khai thị sanh tử thiện ác chi thú, tự nhiên hữu thị” (khai thị đường sanh tử, thiện ác, tự nhiên có đạo lý ấy): Quý vị đừng nên làm ác, làm ác thì nhất định phải đọa vào địa ngục. Quý vị hãy nên làm việc thiện, tự nhiên là có thể thăng lên cõi trời. “Nhi bất khẳng tín chi” (nhưng kẻ ấy chẳng chịu tin tưởng): Khó thể khuyên răn, can gián kẻ ấy. Kẻ ấy tuyệt đối chẳng tin tưởng! “Khổ tâm dữ ngữ, vô ích kỳ nhân” (khổ tâm bảo ban, vô ích đối với kẻ ấy): Quý vị rất khổ tâm, bảo ban, khuyên dạy, mà chẳng tạo lợi ích cho kẻ ấy. “Tâm trung bế tắc, ý bất khai giải” (trong tâm bế tắc, ý chẳng thông hiểu): Trong tâm kẻ ấy bế tắc, chẳng biết cư xử, phán đoán theo kiểu nào! Quý vị khơi mở cho kẻ ấy kiểu nào đi nữa, vẫn chẳng khơi gợi, cởi gỡ được!
“Đại mạng tương chung” nghĩa là thọ mạng sắp hết, “hối cụ giao chí” (hối hận và sợ hãi xen lẫn): Khi ấy sợ hãi, tướng địa ngục hiện tiền. “Giao chí” (交至, chen nhau đưa tới): Hối hận lẫn sợ hãi. “Bất dự tu thiện, lâm cùng phương hối, hối chi ư hậu, tương hà cập hồ?” (chẳng tu thiện sẵn, đến bước đường cùng mới hối, đã hối hận rồi, há còn kịp chăng?): Quý vị chẳng tu thiện sẵn, đợi đến khi quý vị mạng chung mới hối hận, sau rốt mới hối, dẫu hối hận có kịp hay chăng? “Thiên địa chi gian, ngũ đạo phân minh” (trong vòng trời đất, năm đường phân minh): Thiên đạo, nhân đạo, và ba ác đạo rất phân minh. “Khôi khoách yểu minh, hạo hạo mang mang” (thênh thang, mờ mịt, bát ngát, mênh mang): Rộng lớn không bờ, chẳng có ngằn mé. “Thiện ác báo ứng, họa phước tương thừa” (thiện ác báo ứng, họa phước tiếp nối): Quý vị làm thiện, làm ác, báo ứng chẳng sai tí nào, họa hay phước do chính mình gánh vác. “Thân tự đương chi, vô thùy đại giả” (tự mình gánh vác, không ai chịu thay): Chính quý vị gánh vác, không ai có thể thay quý vị chịu báo. “Số chi tự nhiên, ứng kỳ sở hành” (thuận theo tự nhiên, [quả báo] tương ứng với những gì đã làm): Chiếu theo cách tính toán này, quý vị tạo cái nhân gì, sẽ được cái quả đó. Đấy là tự nhiên. “Ương cữu truy mạng, vô đắc túng xả” (ương họa đuổi theo mạng, chẳng hề lìa bỏ): Quý vị gây tạo họa ương, tạo tội, chúng nó sẽ ruổi theo sanh mạng của quý vị, quý vị chẳng lìa bỏ được.
“Thiện nhân hành thiện, tùng lạc nhập lạc, tùng minh nhập minh” (người lành làm lành, từ vui vào vui, từ sáng vào sáng): Người lành đã làm thiện sự, họ từ chỗ vui sướng đi vào chỗ vui sướng, từ quang minh tiến nhập quang minh. “Ác nhân hành ác, tùng khổ nhập khổ, tùng minh nhập minh, thùy năng tri giả? Độc Phật tri nhĩ” (kẻ ác làm ác, từ khổ vào khổ, từ tối vào tối, ai có thể biết? Chỉ riêng Phật biết): Ai cũng chẳng biết, chỉ có Phật biết mà thôi! Do Phật biết bèn “giáo ngữ khai thị, tín dụng giả thiểu” (dạy bảo, khai thị; kẻ tin tưởng, hành theo thì ít): Chúng ta hãy nên tin tưởng, ngưỡng mộ Phật, nhưng người tin tưởng, hành theo thì ít, cho nên “sanh tử bất hưu, ác đạo bất tuyệt” (sanh tử chẳng ngơi, ác đạo chẳng dứt). Vì chẳng tin tưởng Phật pháp, sanh tử chẳng thể ngưng dứt, ác đạo vĩnh viễn chẳng thể đoạn tuyệt!
“Như thị thế nhân, nan khả cụ tận” (người đời như thế, chẳng thể nói trọn): Kẻ như vậy nói chẳng xong, nói chẳng trọn hết được! “Cố hữu tự nhiên tam đồ, vô lượng khổ não, triển chuyển kỳ trung, thế thế lũy kiếp, vô hữu xuất kỳ, nan đắc giải thoát, thống bất khả ngôn. Thị vi ngũ đại ác, ngũ thống, ngũ thiêu, cần khổ như thị. Thí như đại hỏa phần thiêu nhân thân. Nhân năng ư trung nhất tâm chế ý, đoan thân chánh niệm, ngôn hạnh tương phó” (vì thế, tự nhiên có tam đồ, vô lượng khổ não, xoay vần trong ấy, đời đời bao kiếp, chẳng có thuở ra, khó được giải thoát, đau đớn chẳng thể nói nổi. Đấy là sự ác lớn thứ năm, sự đau thứ năm, sự đốt thứ năm. Ví như lửa lớn thiêu đốt thân người, ai có thể ở trong ấy một dạ kiềm chế tâm ý, đoan thân chánh niệm, lời nói và việc làm phù hợp). So với đoạn văn trước, đoạn này thay đổi một vài chữ: Đoan nghiêm cái thân, chánh đáng tâm niệm, tất cả ngôn ngữ và hành vi của quý vị phải phù hợp với nhau. “Sở tác chí thành” (việc làm chí thành), đừng nên lừa gạt kẻ khác. “Sở ngữ như ngữ” (nói những lời đúng thật), những lời quý vị nói ra hoàn toàn là lời thành thật. “Tâm khẩu bất chuyển” (tâm và miệng đừng sai chạy), tâm và miệng đừng biến đổi [sai khác]. “Độc tác chư thiện, bất vi chúng ác, thân độc độ thoát, hoạch kỳ phước đức độ thế thượng thiên Nê Hoàn chi đạo, thị vi ngũ đại thiện dã” (chỉ làm các điều lành, chẳng làm các điều ác, thân riêng được độ thoát, đạt được phước đức, độ đời, thăng lên cõi trời, đắc đạo Niết Bàn. Đấy là điều thiện lớn thứ năm vậy).
2.2.3.3.2.3.3. Nhắc lại [những điều vừa nói] để biện định chung
(Kinh) Phật cáo Di Lặc: – Ngô ngữ nhữ đẳng, thị thế ngũ ác, cần khổ nhược thử. Ngũ thống, ngũ thiêu, triển chuyển tương sanh, đản tác chúng ác, bất tu thiện bổn, giai tất tự nhiên nhập chư ác thú. Hoặc kỳ kim thế tiên bị ương bệnh, cầu tử bất đắc, cầu sanh bất đắc, tội ác sở chiêu, thị chúng kiến chi. Thân tử tùy hành, nhập tam ác đạo, khổ độc vô lượng, tự tương tiêu nhiên. Chí kỳ cửu hậu, cộng tác oán kết, tùng tiểu vi khởi, toại thành đại ác, giai do tham trước tài sắc, bất năng thí huệ. Si dục sở bách, tùy tâm tư tưởng, phiền não kết phược, vô hữu giải dĩ. Hậu kỷ tranh lợi, vô sở tỉnh lục. Phú quý vinh hoa, đương thời khoái ý, bất năng nhẫn nhục, bất vụ tu thiện. Oai thế vô kỷ, tùy dĩ ma diệt, thân tọa lao khổ, cửu hậu đại kịch. Thiên đạo thỉ trương, tự nhiên củ cử, cương duy la võng, thượng hạ tương ứng, quỳnh quỳnh chung chung, đương nhập kỳ trung. Cổ kim hữu thị, thống tai khả thương!
Phật ngữ Di Lặc: – Thế gian như thị, Phật giai ai chi. Dĩ oai thần lực, tồi diệt chúng ác, tất linh tựu thiện, khí quyên sở tư, phụng trì kinh giới, thọ hành đạo pháp, vô sở vi thất, chung đắc độ thế, Nê Hoàn chi đạo.
(經)佛告彌勒:吾語汝等,是世五惡,勤苦若此。五痛五燒,展轉相生。但作眾惡,不修善本,皆悉自然入諸惡趣。或其今世先被殃病,求死不得,求生不得,罪惡所招,示眾見之。身死隨行,入三惡道。苦毒無量,自相燋然。至其久後,共作怨結。從小微起,遂成大惡。皆由貪著財色,不能施惠。癡欲所迫,隨心思想。煩惱結縛,無有解已。厚己諍利,無所省錄。富貴榮華,當時快意。不能忍辱,不務修善。威勢無幾,隨以磨滅。身坐勞苦,久後大劇。天道弛張,自然糺舉,綱維羅網,上下相應,煢煢忪忪,當入其中。古今有是,痛哉可傷!佛語彌勒:世間如是,佛皆哀之。以威神力,摧滅眾惡,悉令就善。棄捐所思,奉持經戒。受行道法,無所違失。終得度世泥洹之道。
(Kinh: Đức Phật bảo ngài Di Lặc: – Ta nói với các ông, đấy là năm sự ác trong cõi đời, nhọc nhằn như thế đó. Năm sự đau, năm sự đốt, lần lượt sanh ra nhau. Chỉ làm các điều ác, chẳng tu cội lành, thảy đều tự nhiên vào trong các đường ác. Hoặc là trong đời này, trước hết mắc phải bệnh ngặt, cầu chết chẳng được, cầu sống chẳng xong! Do tội ác chiêu cảm, phô bày cho mọi người trông thấy. Thân chết rồi, sẽ theo [ác nghiệp đã tạo] mà vào trong ba đường ác, khổ độc vô lượng, tự bị thiêu đốt. Đến lúc lâu sau, cùng nhau tạo thành oán kết. Khởi đầu từ chuyện nhỏ nhặt mà dần dần trở thành điều ác to lớn, đều do tham đắm tài sắc, chẳng thể bố thí, tạo ân huệ, bị si dục bức bách, thuận theo điều suy nghĩ trong tâm, phiền não trói buộc, chẳng thể cởi gỡ, đối xử trọng hậu với chính mình, tranh giành lợi lộc, chẳng hề phản tỉnh, thâu liễm. Phú quý, vinh hoa, sướng ý trong khi đó, chẳng thể nhẫn nhục, chẳng chú trọng tu thiện. Oai thế được mấy chốc, rồi sẽ mòn diệt, thân vướng phải nỗi nhọc nhằn, khổ sở, lâu sau trở thành hết sức dữ dội. Đạo trời hoãn đãi hoặc khẩn cấp, tự nhiên uốn nắn, xem xét7, giềng mối lưới rập, trên dưới tương ứng, trơ trọi, run rẩy, sa thân vào đó. Xưa nay là như thế, đau đớn đáng thương thay.
Đức Phật bảo ngài Di Lặc: – Thế gian là như vậy, Phật luôn thương xót, dùng sức oai thần dẹp tan các sự ác, ắt đều khiến cho [chúng sanh] hướng về điều lành, buông bỏ những điều suy nghĩ, vâng giữ kinh giới, tiếp nhận, thực hành đạo pháp, đừng nên chống trái, đánh mất, rốt cuộc sẽ đạt được đạo độ đời, chứng nhập Niết Bàn).
Trong phần trên, nói đến năm sự ác, năm sự đau, năm sự đốt là nói tách ra, nói từng điều một, nay tổng kết lại, nhắc lại lần nữa. Đấy là đức Phật từ bi, hy vọng chúng ta sẽ chẳng gây tạo năm thứ ác nghiệp ấy nữa, hòng khỏi bị khổ sở vì năm sự đau, năm sự đốt.
“Phật cáo Di Lặc: – Ngô ngữ nhữ đẳng” (đức Phật bảo ngài Di Lặc: – Ta nay nói với các ông): Di Lặc Bồ Tát là bậc đương cơ, [nói với ngài Di Lặc chính là] đức Thế Tôn nói với đại chúng trời, người. “Thị thế ngũ ác, cần khổ nhược thử” (năm điều ác trong đời này nhọc nhằn như thế đó), tức là do quý vị tạo năm thứ ác nghiệp giết, trộm, dâm, dối, rượu chè, quý vị bị nhọc nhằn như thế ấy, như đã nói trong phần trên: “Ngũ thống, ngũ thiêu, triển chuyển tương sanh” (năm sự đau, năm sự đốt, lần lượt sanh ra nhau): Tạo năm thứ ác nghiệp, sẽ phải hứng chịu năm thứ đau đớn ấy, năm thứ nỗi khổ thiêu đốt, lại còn phải “triển chuyển tương sanh” (lần lượt sanh ra nhau). Đấy là nói tổng kết, nói tới đạo lý lần lượt sanh ra nhau [tức là do có ngũ ác, bèn có ngũ thống, ngũ thiêu. Đã bị ngũ thống, ngũ thiêu, lại gây tạo ngũ ác]. “Đản tác chúng ác, bất tu thiện bổn” (chỉ làm ác điều ác, chẳng tu cội lành): Kẻ làm ác trong thế gian, “bất tu thiện bổn” (chẳng tu cội lành), [tức là] cũng chẳng làm một tí thiện sự nào! “Giai tất tự nhiên nhập chư ác thú” (thảy đều tự nhiên vào trong các nẻo ác). Hai chữ “tự nhiên” nhằm nói đến luật nhân quả: Quý vị đã tạo ác nghiệp, nó sẽ mặc tình tự nhiên khiến cho quý vị đọa lạc trong ba ác đạo, trọn chẳng do kẻ nào gọi quý vị đi theo! Ví như chúng ta thường biết địa ngục có Diêm La Vương cai quản, hoàn toàn chẳng phải do Diêm La Vương khiến cho quý vị đến đó, mà là do chính quý vị đã tạo ác nghiệp, chính mình cảm vời vào địa ngục. Do vậy, dùng hai chữ “tự nhiên”. “Hoặc kỳ kim thế tiên bị ương bệnh” (hoặc ngay trong đời hiện tại bị bệnh ngặt): Đây là nói về năm thứ đau, đời này, kiếp này hứng chịu đau khổ. Trong phần trước đã nói tới năm thứ đau là bị pháp luật quốc gia chế tài, bị giam vào trong tù ngục chịu đau khổ. Ở đây lại nói không nhất định bị giam vào ngục chịu khổ, mà sẽ “tiên bị ương bệnh” (trước hết sẽ bị bệnh ngặt). “Ương bệnh” (殃病) là bệnh do tai ương. Bệnh thông thường thì thuốc men có thể trị lành, ương bệnh còn gọi là nghiệp bệnh, tức bệnh do quý vị tạo ác nghiệp mà chiêu cảm, thuốc thang vô hiệu! “Cầu tử bất đắc, cầu sanh bất đắc” (cầu chết chẳng được, cầu sống chẳng thể). Do căn bệnh này, ngủ vùi trên giường, ngủ suốt mấy tháng, mấy năm, muốn chết chẳng được, cầu sống chẳng thể. Vì sao mắc phải ương bệnh ấy? Đấy là do “tội ác sở chiêu” (tội ác chiêu cảm), [tức là] quý vị tạo tội ác rất nhiều, sẽ chiêu cảm ương bệnh ấy. “Thị chúng kiến chi” [nghĩa là] trước hết phô bày ra khiến cho mọi người trông thấy, [để họ biết] là có nhân quả báo ứng. Kẻ ấy do làm chuyện chẳng lành mới mắc phải căn bệnh nghiệp chướng đó!
“Thân tử tùy hành, nhập tam ác đạo, khổ độc vô lượng, tự tương tiêu nhiên” (thân chết rồi, sẽ đi theo [nghiệp báo], vào trong ba ác đạo, khổ độc vô lượng, tự bị thiêu đốt): Quý vị chịu đựng cái tội bệnh khổ đã xong, kết quả là còn phải chết. Chết rồi, ác nghiệp của chính quý vị sẽ theo quý vị ra đi, [đó là ý nghĩa của câu] “thân tử tùy hành”. Ai cũng chẳng theo quý vị ra đi, chỉ có ác nghiệp đã tạo liền theo sát quý vị. Quý vị vẫn đọa lạc trong ba ác đạo. Nỗi khổ do đọa lạc trong ba ác đạo còn dữ dội hơn nỗi khổ trong nhân gian. Đã khổ lại còn thêm độc, “khổ độc vô lượng, tự tương tiêu nhiên” (khổ độc vô lượng, tự bị thiêu đốt): Sống trong nhân gian, quý vị mang hình tướng con người, dẫu bệnh đến nỗi muốn chết mà chẳng chết được, muốn sống mà sống chẳng nổi, vẫn là hình tướng con người. Vào trong ba ác đạo, hình tướng con người chẳng còn nữa! Nhất là rơi vào địa ngục Hỏa Thang Lô Thán (vạc lửa, lò than), bị chiên trong chảo dầu, “tự tương tiêu nhiên” (tự bị thiêu đốt), đúng là chỉ giống như một miếng than cháy sém, ngay cả hình tướng con người cũng chẳng có!
“Chí kỳ cửu hậu, cộng tác oán kết” (cho đến lâu sau, cùng tạo thành oán kết): Trong ba ác đạo từ kiếp lâu xa đến nay, chịu khổ đã xong, lại chuyển sanh vào nhân gian, do đời trước, kiếp trước, hoặc nhiều kiếp trước kia, quý vị ở trong nhân gian đã kết ác nghiệp với kẻ khác, kết thành oán cừu, vẫn phải gặp gỡ. Kiếp lâu xa mai sau gặp mặt, do quý vị làm ác, oán cừu đã kết vẫn phải báo đền. “Tùng tiểu vi khởi” (bắt đầu từ chuyện nhỏ nhặt): Do đã kết từ đời trước, kiếp trước, từ một chút oán cừu be bé, “toại thành đại ác” (trở thành sự ác to lớn), kết thành chuyện ác to lớn. “Giai do tham trước tài sắc, bất năng thí huệ. Si dục sở bách, tùy tâm tư tưởng, phiền não kết phược, vô hữu giải dĩ” (đều do tham đắm tài sắc, chẳng thể bố thí, tạo ân huệ, bị si dục bức bách, thuận theo điều mình suy nghĩ, phiền não trói buộc, chẳng hề cởi gỡ): Đây là nói đến mối quan hệ xoay vần giữa năm sự ác, năm sự đau, năm sự đốt. Quý vị đã tạo năm thứ ác nghiệp, đời này bèn chuốc lấy quả báo. Trong phần trước đã nói là sẽ chuốc lấy tình cảnh bị vương pháp của đất nước chế tài, đau khổ vì bị giam cầm trong ngục; ở đây thì nói quý vị mắc bệnh lâu ngày, bị khổ sở vì ương bệnh. Điều này vẫn thuộc về nỗi khổ do năm sự đau, tức là chịu đựng bệnh khổ lâu ngày, lại còn sẽ đọa vào ba ác đạo. Đấy vẫn là sự thiêu đốt của năm sự đốt. Thời gian trong ba ác đạo rất lâu dài; chịu xong nỗi khổ trong ba ác đạo, sanh ra đời làm người, do trước kia quý vị kết oán cừu nhỏ nhặt với người khác, về sau, biến thành sự ác to lớn. Vì sao nỗi oán cừu bé tí biến thành chuyện ác to lớn? Đều là do “tham trước tài sắc” (tham đắm tài sắc): Do quý vị đã nhiều đời trước kia tham đắm tài sắc, lại còn chấp trước chẳng xả. “Bất năng thí huệ” (chẳng thể bố thí, tạo ân huệ): Sợ thiếu tiền tài, bố thí cho người khác một chút ân huệ, bố thí làm ơn cho người khác một chút tốt lành nhưng quý vị chẳng chịu! Chẳng thể bố thí, tạo ân huệ, đều là vì tham đắm tiền tài. “Si dục sở bách” (bị si dục bức bách): [Câu này] giải thích [vì sao người đời] tham sắc. “Tùy tâm tư tưởng, phiền não kết phược” (thuận theo điều suy nghĩ trong tâm mà bị phiền não trói buộc): Thuận theo điều suy nghĩ trong tâm của quý vị, quý vị suy nghĩ tài, sắc, kết quả là sanh ra phiền não trói buộc quý vị. Phiền não giống như một sợi dây, trói chặt quý vị, chẳng tháo gỡ được. “Vô hữu giải dĩ” (chẳng hề cởi gỡ): Quý vị đã tạo ác nghiệp thì chính quý vị phải chịu báo, ai cũng chẳng tháo gỡ được!
Nay quý vị tạo ác nghiệp, hiện tại gặp quả báo. Ở đây, còn có mấy danh từ, tôi thuận tiện giải thích một chút. Có một danh từ là “hoa báo” (華報), giống như nở hoa. “Quả báo”: Quả báo trong địa ngục, hứng chịu nỗi khổ thiêu đốt trong ba ác đạo. “Hoa báo” chỉ nở hoa, còn chưa kết quả. Đã chịu xong hoa báo, còn phải chịu quả báo, [tức là] phải lọt vào trong ba ác đạo hứng chịu quả báo. Chịu xong quả báo trong địa ngục, sanh ra đời làm người, còn mang theo bao nhiêu dư báo. Gọi là “dư báo” (餘報) là ví như ngày hôm qua tôi đã nói, khẩu nghiệp khó báo. Quý vị tạo khẩu nghiệp, miệng quý vị biết ăn nói, nhưng chẳng nói lời tốt lành, mà tận sức nói lời xấu xa hại người. Quý vị chết đi, sẽ đọa vào địa ngục, có địa ngục dành riêng cho khẩu nghiệp, tên là Bạt Thiệt địa ngục (địa ngục rút lưỡi) và Canh Thiệt địa ngục (địa ngục cày lưỡi). Ác quỷ trong những địa ngục ấy lấy móc câu kéo lưỡi quý vị ra. Kéo ra rồi vặt đứt, khiến cho quý vị đau đớn nát lòng, đau đớn [đến nỗi] chết đi. Gió nghiệp vừa thổi, a! Lại hồi sanh, [trong miệng] lại có lưỡi để cho quỷ sứ vặt đứt lưỡi từ lần này sang lần khác. Đấy gọi là Bạt Thiệt địa ngục. Canh Thiệt địa ngục thì sao? Càng chẳng thể nghĩ bàn! Lôi lưỡi ra ngoài to rộng đến vài cây số, bắt một con trâu sắt, dùng lưỡi cày sắt để cày trên đó, giống như cày ruộng, khiến cho quý vị đau đớn đến nỗi chết đi. Đau đớn chết đi rồi, gió nghiệp vừa thổi bèn sống lại. Đấy gọi là Canh Thiệt địa ngục. Vì sao? Do cái lưỡi của quý vị tạo nghiệp đấy mà!
Đợi đến khi chịu tội trong địa ngục đã xong, chịu xong quả báo rồi, ra đời làm người, do dư báo dữ dội của khẩu nghiệp, sẽ sanh làm kẻ câm ngọng, chẳng thể nói năng! Nếu nhẹ hơn một chút thì sao? Đầu lưỡi sanh ghẻ, trị cách nào cũng chẳng hết! Nhẹ hơn chút nữa thì sao? Nói năng chẳng rõ ràng cho mấy. Những điều này đều là dư báo. Trong các kinh khác, đức Phật đã giảng như vậy; ở đây, chẳng nói đến những chuyện ấy, chỉ nói: Hễ tạo khẩu nghiệp thì tức là quý vị đã tạo ác nghiệp, nay quý vị mắc ương bệnh. Bị bệnh chết đi, đọa vào ba ác đạo. Ra khỏi ba ác đạo, do trong đời trước, hoặc nhiều đời, nhiều kiếp trước đã kết oán với người khác, nay gặp mặt, vẫn kết oán cừu [với nhau]. Do một tí không đúng vặt vãnh, sẽ kết thành đại ác. Đấy đều là dư báo, tạo ác nghiệp thì sao? Giết, trộm, dâm, dối, uống rượu, đều là tạo ác nghiệp. Tham tài, tham sắc, chúng sanh đều muốn tham. Thậm chí đọa làm súc sanh, thành con trùng bé xíu chỉ biết ngọ ngoạy vẫn cứ tham. Tham tài còn phổ biến hơn tham sắc, vì có tiền tài là sẽ có thể thỏa mãn bất cứ dục vọng nào của người ấy, chuyện gì cũng đều có thể làm. Tham sắc là căn bản của sanh tử. Do đó, đối với hai pháp tài và sắc, chẳng có một ai không tham! Chúng ta dụng công tu hành nhằm trừ khử ác nghiệp, chớ nên tạo ác nghiệp. Dụng công tu hành thì thực hiện từ chỗ nào? Trước hết, hãy khống chế cái tâm tham dục đối với tài và sắc. Chẳng tham tài, chẳng tham sắc, công phu của quý vị rất dễ tiến bộ. Nếu không, quý vị vừa dụng công tu hành, vừa tham tài, tham sắc, làm sao có thể đạt được công phu ấy? Tham tài thì không ai là chẳng tham! Lý do lớn thứ nhất là ta chẳng có tiền, sẽ không thể sống được. Trong phần trước, tôi đã từng nói: “Người không tin Phật phải sống, mà tứ chúng đệ tử của Phật cũng phải sống. Đệ tử tại gia phải sống, mà đệ tử xuất gia cũng phải sống”. Chẳng có tiền bạc, sống làm sao được? Nhưng quý vị chớ nên dấy động tâm tham. Hễ dấy động tâm tham, sẽ tạo ác nghiệp. Thích Ca Thế Tôn khuyên dạy chúng ta chớ nên tham tài.
“Hậu kỷ tránh lợi, vô sở tỉnh lục” (hậu đãi chính mình, tranh giành lợi lộc, chẳng hề phản tỉnh, thâu liễm): “Hậu kỷ” (厚己) là đối đãi với chính mình rất tốt, đối đãi người khác rất bạc bẽo. Điều này thường nói là “tổn nhân lợi kỷ” (tổn người, lợi mình). Kẻ ấy đối đãi chính mình tốt đẹp, nhưng “tránh lợi” với người khác. “Tránh lợi” (諍利) là tranh giành tiền tài. “Vô sở tỉnh lục” (chẳng phản tỉnh, thâu liễm): “Tỉnh” (省) là phản tỉnh. Tăng Tử nói: “Ngô nhật tam tỉnh ngô thân” (ta mỗi ngày phản tỉnh bản thân ba lần). Chữ Tỉnh không đọc là Shǐng (ㄕㄥˇ) mà đọc là Xǐng (ㄒㄧㄥˇ). “Lục” (錄) là kiểm nghiệm, xem xét chính mình, kiểm điểm chính mình, kiềm chế chính mình. Chữ Lục nên hiểu là Thâu (收, thâu thập). Một người ban ngày làm việc suốt cả ngày, đến tối đi ngủ cũng nên “tính sổ” ngày hôm nay, suy đi xét lại, ta hôm nay có làm chuyện gì chẳng đúng hay không? Giống như Tăng Tử đã nói: “Ngô nhật tam tỉnh ngô thân, vị nhân mưu, nhi bất trung hồ? Dữ bằng hữu giao, nhi bất tín hồ? Truyền, bất tập hồ?” (ta mỗi ngày phản tỉnh bản thân ba lượt, vì người khác mưu tính, có trung thực hay không? Chơi với bạn bè, có giữ chữ tín hay không? Được [thầy] truyền dạy, có tu tập hay không?) “Nhật” (日) là một ngày. Tăng Tử mỗi ngày ba lượt phản tỉnh thân tâm của chính mình, [xét coi] có ba sự kiện mà [chính mình] có làm được hay không? Mưu sự thay cho người khác, có tận tâm hay không? Kết giao với bằng hữu, có trung tín, chân thật hay không? Thầy dạy ta, ta có từng ôn luyện nhuần nhuyễn hay không? Đấy là Tăng Tử vận dụng công phu, chúng ta là đệ tử Phật, quý vị hãy phản tỉnh ngày hôm nay ta có tham tài hay không? Có phải là đối đãi rất tốt với chính mình, đối xử người khác quá khắc bạc hay không? Có tranh lợi với người khác hay không? Phải phản tỉnh. Nếu có chuyện ấy, phải biết “lục”. “Lục” là “thâu lục” (收錄). “Thâu lục” là thâu liễm, bó buộc, ngày mai sẽ chẳng làm chuyện ấy nữa, công phu dần dần tiến bộ. Ở đây nói là “vô sở tỉnh lục” (chẳng phản tỉnh, thâu liễm), đối đãi tốt đẹp với chính mình, cùng người khác tranh lợi, không hề chẳng nhận biết chính mình sai, chẳng phản tỉnh, chẳng kiểm điểm chính mình.
Tiếp đó, đức Thế Tôn lại khuyên chúng ta hãy thấy thấu suốt. “Phú quý vinh hoa, đương thời khoái ý” (phú quý, vinh hoa, sướng lòng trong khi ấy): Phàm phu mong cầu đại phú, đại quý, sống cuộc đời vinh hoa, quý vị có thể hiểu sự vui sướng khi ấy, làm quan to, giàu sụ, [đấy là] “đương thời khoái ý” (sướng lòng trong khi ấy). “Bất năng nhẫn nhục” (chẳng thể nhẫn nhục): Khi đại phú, đại quý, người khác có lỗi với kẻ ấy đôi chút, kẻ ấy liền cho là bị lăng nhục, liền trả đũa người ta quá lố. “Bất vụ tu thiện” (chẳng chú trọng tu thiện): Đại phú, đại quý, vừa khéo có tiền tài, có thế lực, phải nên làm nhiều việc thiện hơn, kẻ ấy chẳng tu thiện. Quý vị phải biết, “oai thế vô kỷ, tùy dĩ ma diệt” (oai thế chẳng được mấy chốc, rồi sẽ mòn diệt): Thế gian vô thường, quý vị xem đó! “Đương thời khoái ý” (sướng lòng trong lúc ấy), thỏa lòng đẹp ý, quý vị rất cao hứng, đúng không? Chẳng bao lâu, oai thế của quý vị chẳng còn nữa, có thể bị tiêu tan, diệt mất bất cứ lúc nào. Tiêu tan, diệt mất thì sao? “Thân tọa lao khổ” (thân do vậy mà nhọc nhằn, khổ sở): Quý vị từng làm quan to; hễ ngã ngựa, chẳng làm quan to nữa, nỗi khổ não ấy khá lớn. Quý vị từng giàu sụ, bỗng chốc bần cùng, nỗi khổ não ấy khá lớn! “Cửu hậu đại kịch” (lâu sau sẽ trở thành sự khổ hết sức dữ dội): Quý vị chẳng tu thiện sự, cứ tận lực tạo ác nghiệp, tự nhiên là sẽ đọa lạc trong ba ác đạo. Sự khổ sở dữ dội, to lớn hãy còn ở phía sau!
“Thiên đạo thỉ trương, tự nhiên củ cử”: “Thiên đạo thỉ trương” (đạo trời hoãn đãi hay gấp gáp) là nhân quả, gọi là luật nhân quả, gọi là thiên đạo. “Thỉ trương” (弛張) là một đằng hoãn đãi, một đằng gấp gáp. Quý vị vinh hoa, phú quý; đấy là hoãn đãi. Cho đến khi quý vị chiêu cảm quả báo, tạo ác nghiệp, sẽ lập tức căng thẳng. “Tự nhiên củ cử”: “Củ” (糾) là chữ Củ trong Củ Sát (糾察, dò xét để uốn nắn), ai sẽ “củ cử” quý vị? Những ác nghiệp do quý vị đã tạo sẽ tự nhiên đến dò xét, uốn nắn quý vị. “Cương duy la võng, thượng hạ tương ứng” (giềng mối lưới rập, trên dưới tương ứng): “Cương duy” (綱維) là sợi dây chài trong lưới rập. Quý vị lôi sợi dây chài, màng lưới sẽ căng ra, trên dưới nhất định sẽ tự nhiên [hiển lộ rõ ràng].
“Quỳnh quỳnh chung chung, đương nhập kỳ trung” (trơ trọi, hồ đồ, sẽ lọt vào trong đó). Đây là sẽ đọa vào địa ngục. Khi quý vị đọa vào địa ngục, tình trạng như thế nào? Dùng [từ ngữ] “quỳnh quỳnh chung chung” để hình dung. “Quỳnh quỳnh” (煢煢) là cô đơn, chẳng có một ai ở cùng quý vị, tức là “vô thị vô hỗ” (không ai nương cậy) như đã nói trong phần kinh văn trước, giống như đứa trẻ chẳng có cha mẹ, chỉ một thân cô đơn, đọa vào ba ác đạo. “Chung chung” (忪忪): Dáng vẻ kinh hoảng, sợ hãi, rất sợ sệt, sẽ đến nơi đâu? Tiền đồ tối tăm, xa thẳm, chẳng biết sẽ đến nơi đâu? Trong tâm rất sợ hãi thì gọi là “chung chung”. Dáng vẻ cô đơn, kinh hoảng, quý vị “đương nhập kỳ trung” (sẽ vào trong ấy). “Cổ kim hữu thị, thống tai khả thương” (xưa nay đều là như vậy, đau đớn, đáng thương thay): Từ xưa đến nay thảy đều là dáng vẻ này, đức Thế Tôn nghĩ tưởng, trong tâm đau lòng thay cho chúng sanh. “Thống tai khả thương” (đau đớn, đáng thương thay): Đấy là đức Thế Tôn từ bi, thương tâm, đau lòng thay cho chúng ta.
Tiếp đó, đức Thế Tôn lại gọi bậc đương cơ một tiếng: “Phật ngữ Di Lặc: – Thế gian như thị, Phật giai ai chi” (đức Phật bảo ngài Di Lặc: – Thế gian là như thế đó, đức Phật luôn thương xót). Chúng sanh trong thế gian chịu khổ như thế đó! “Phật giai ai chi” (Phật đều thương xót), “ai” là ai mẫn (哀憫), có nghĩa là thương xót. Vậy thì đức Phật sẽ cứu chúng sanh, cứu bằng cách nào? “Dĩ oai thần lực, tồi diệt chúng ác” (dùng sức oai thần dẹp tan các điều ác): Đức Phật dùng sức oai đức, thần thông của Ngài, dẹp tan các thứ ác nghiệp của chúng sanh. “Tất linh tựu thiện” (khiến cho họ đều hướng về điều lành), thảy đều dạy họ tu thiện pháp.
“Khí quyên sở tư, phụng trì kinh giới, thọ hành đạo pháp, vô sở vi thất, chung đắc độ thế, Nê Hoàn chi đạo” (vứt bỏ những điều suy nghĩ, vâng giữ kinh giới, tiếp nhận, thực hành đạo pháp, chẳng hề trái nghịch, mất mát, rốt cuộc sẽ có thể độ đời, đắc đạo Niết Bàn): Trong phần trước là quý vị tạo ác nghiệp, chịu đựng đau khổ, đọa trong ba ác đạo. Ở đây lại nói đến chuyện chúng ta hồi tâm hướng thiện, sẽ đạt được đạo Nê Hoàn. Đức Phật hiển lộ oai đức thần thông để tiêu diệt ác nghiệp của chúng ta như thế nào? Chính là dạy chúng ta tu thiện nghiệp. Tuy đức Phật có đại oai đức, đại thần thông, nhưng chẳng thể biến đổi chúng sanh thành Phật. Ngài dạy chúng ta thành Phật, tức là dạy chúng ta phương pháp để thành Phật. Thứ nhất là phải sửa lỗi, hướng thiện, đừng nên tạo ác nghiệp, hãy tạo thiện nghiệp. Tạo thiện nghiệp như thế nào? “Quyên khí sở tư”, [tức là] quý vị vứt bỏ những suy nghĩ trước kia, hãy bỏ chúng đi. Trước kia, quý vị nghĩ tưởng gì vậy? Nghĩ đến tài, nghĩ đến sắc, không được rồi! “Phụng trì kinh giới” (vâng giữ kinh giới): Thích Ca Như Lai giảng kinh cho chúng ta; đối với chuyện trì giới, quý vị phải phụng hành, thọ trì. “Thọ hành đạo pháp” (tiếp nhận, thực hành đạo pháp): Quý vị đã trì giới thanh tịnh, lại nương theo pháp môn do đức Phật đã dạy để tu hành. Chẳng hạn như [đức Phật] giảng kinh Vô Lượng Thọ, dạy chúng ta niệm Phật cầu sanh Tây Phương, quý vị bèn phụng hành đạo pháp ấy. “Thọ hành đạo pháp” là trì giới. Quý vị chẳng trì giới, niệm Phật cầu sanh Tây Phương sẽ chẳng thể vãng sanh được! Trì giới để làm gì? Phòng ngừa sai trái, dứt điều ác. Quý vị vừa niệm Phật, lại còn vừa tham tài, tham sắc, đồng thời làm ác, làm sao sanh về Tây Phương cho nổi? Phải phụng trì kinh giới, giữ giới luật tốt đẹp rồi sẽ thọ trì đạo pháp. “Vô sở vi thất” (đừng nên trái nghịch, đánh mất): Đừng nên trái phạm giới luật, chớ nên đánh mất đạo pháp, “Chung đắc độ thế, Nê Hoàn chi đạo”, [nghĩa là rốt cuộc] quý vị sẽ vượt thoát thế giới, đạt được “đạo Nê Hoàn”. Kết quả là quý vị có thể thành Phật, chứng đại đạo Niết Bàn.
2.2.3.3.2.4. Khuyên mọi người hãy tu xả
(Kinh) Phật ngôn: – Nhữ kim chư thiên nhân dân, cập hậu thế nhân, đắc Phật kinh ngữ, đương thục tư chi. Năng ư kỳ trung đoan tâm, chánh hạnh. Chúa thượng vi thiện, suất hóa kỳ hạ, chuyển tương sắc lệnh, các tự đoan thủ, tôn thánh kính thiện, nhân từ bác ái. Phật ngữ giáo hối, vô cảm khuy phụ. Đương cầu độ thế, bạt đoạn sanh tử chúng ác chi bổn, đương ly tam đồ vô lượng ưu bố khổ thống chi đạo. Nhữ đẳng ư thị quảng thực đức bổn, bố ân thí huệ, vật phạm đạo cấm, nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm trí huệ, chuyển tương giáo hóa, vi đức lập thiện, chánh tâm, chánh ý, trai giới thanh tịnh nhất nhật, nhất dạ, thắng tại Vô Lượng Thọ quốc vi thiện bách tuế. Sở dĩ giả hà? Bỉ Phật quốc độ, vô vi tự nhiên, giai tích chúng thiện, vô mao phát chi ác. Ư thử tu thiện, thập nhật, thập dạ, thắng ư tha phương chư Phật quốc trung vi thiện thiên tuế. Sở dĩ giả hà? Tha phương Phật quốc, vi thiện giả đa, vi ác giả thiểu, phước đức tự nhiên, vô tạo ác chi địa. Duy thử gian đa ác, vô hữu tự nhiên, cần khổ cầu dục, chuyển tương khi đãi. Tâm lao hình khốn, ẩm khổ thực độc. Như thị ác vụ, vị thường ninh tức. Ngô ai nhữ đẳng thiên nhân chi loại, khổ tâm hối dụ, giáo linh tu thiện, tùy nghi khai đạo, thọ dữ kinh pháp, mạc bất thừa dụng, tại ý sở nguyện, giai linh đắc đạo. Phật sở du lý, quốc ấp khâu tụ, mị bất mông hóa. Thiên hạ hòa thuận, nhật nguyệt thanh minh, phong vũ dĩ thời, tai lệ bất khởi, quốc phong dân an, binh qua vô dụng, sùng đức hưng nhân, vụ tu lễ nhượng.
Phật ngôn: – Ngã ai mẫn nhữ đẳng chư thiên nhân dân, thậm ư phụ mẫu niệm tử. Kim ngã ư thử thế tác Phật, hàng hóa ngũ ác, tiêu trừ ngũ thống, tuyệt diệt ngũ thiêu. Dĩ thiện công ác, bạt sanh tử chi khổ, linh hoạch ngũ đức, thăng vô vi chi an. Ngô khứ thế hậu, kinh đạo tiệm diệt, nhân dân siểm ngụy, phục vi chúng ác. Ngũ thiêu, ngũ thống, hoàn như tiền pháp, cửu hậu chuyển kịch, bất khả tất thuyết, ngã đản vị nhữ lược ngôn chi nhĩ.
Phật ngữ Di Lặc: – Nhữ đẳng các thiện tư chi, chuyển tương giáo giới, như Phật kinh pháp, vô đắc phạm dã.
Ư thị, Di Lặc Bồ Tát hiệp chưởng bạch ngôn: – Phật sở thuyết thậm thiện, thế nhân thật nhĩ. Như Lai phổ từ ai mẫn, tất linh độ thoát, thọ Phật trọng hối, bất cảm vi thất.
(經)佛言:汝今諸天人民,及後世人,得佛經語,當熟思之。能於其中端心正行。主上為善,率化其下。轉相勅令,各自端守。尊聖敬善,仁慈博愛。佛語教誨,無敢虧負。當求度世,拔斷生死眾惡之本。當離三塗無量憂怖苦痛之道。汝等於是廣植德本,布恩施惠,勿犯道禁。忍辱精進,一心智慧。轉相教化,為德立善。正心正意,齋戒清淨一日一夜,勝在無量壽國為善百歲。所以者何?彼佛國土,無為自然,皆積眾善,無毛髮之惡。於此修善,十日十夜,勝於他方諸佛國中為善千歲。所以者何?他方佛國,為善者多,為惡者少,福德自然,無造惡之地。唯此間多惡,無有自然,勤苦求欲,轉相欺殆。心勞形困,飲苦食毒。如是惡務,未嘗寧息。吾哀汝等天人之類,苦心誨喻,教令修善。隨宜開導,授與經法,莫不承用。在意所願,皆令得道。佛所遊履,國邑丘聚,靡不蒙化。天下和順,日月清明。風雨以時,災厲不起。國豐民安,兵戈無用。崇德興仁,務修禮讓。佛言:我哀愍汝等諸天人民,甚於父母念子。今我於此世作佛,降化五惡,消除五痛,絕滅五燒。以善攻惡,拔生死之苦。令獲五德,升無為之安。吾去世後,經道漸滅,人民諂偽,復為眾惡。五燒五痛,還如前法。久後轉劇,不可悉說,我但為汝略言之耳。佛語彌勒:汝等各善思之,轉相教誡,如佛經法,無得犯也。於是彌勒菩薩,合掌白言:佛所說甚善,世人實爾。如來普慈哀愍,悉令度脫,受佛重誨,不敢違失。
(Kinh: Đức Phật nói: – Nay các ông là chư thiên, nhân dân và những người đời sau có được lời giảng kinh của Phật, hãy nên suy nghĩ chín chắn, có thể từ trong ấy mà đoan nghiêm cái tâm, chánh đáng cái hạnh. Chúa thượng làm lành, xướng suất hóa độ thuộc hạ, truyền dạy lẫn nhau, ai nấy tự giữ mình đoan chánh, tôn trọng bậc thánh, kính trọng người lành, nhân từ, bác ái. Đối với lời Phật dạy răn, chẳng dám thiếu sót, cô phụ, hãy nên mong hóa độ cõi đời, dẹp dứt cội gốc của sanh tử và các điều ác, sẽ lìa đường nẻo tam đồ vô lượng ưu sầu, sợ hãi, đau khổ. Do vậy, các ông hãy rộng trồng cội lành, ban ân thí huệ, đừng phạm giới cấm, nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm trí huệ, lần lượt giáo hóa lẫn nhau, tạo đức, làm lành, chánh tâm, chánh ý, trai giới thanh tịnh một ngày, một đêm, hơn làm lành cả trăm năm trong cõi Vô Lượng Thọ. Vì cớ sao vậy? Cõi nước Phật ấy, vô vi tự nhiên, đều là tích lũy các điều lành, chẳng có mảy may điều ác. Tu thiện ở nơi đây (cõi Sa Bà) mười ngày, mười đêm, vượt trỗi làm lành ngàn năm trong các cõi Phật ở phương khác. Vì cớ sao vậy? Các cõi Phật ở phương khác, kẻ làm lành nhiều, kẻ làm ác ít, phước đức tự nhiên, chẳng có chỗ tạo ác. Chỉ trong cõi này là nhiều điều ác, chẳng tự nhiên, nhọc nhằn mong cầu, lần lượt lường gạt, hãm hại nhau. Tâm mệt, thân nhọc, uống khổ, ăn độc. Những chuyện ác như thế chưa hề ngưng nghỉ. Ta thương xót các loài trời, người các ông, khổ tâm răn dạy, khuyên nhủ, dạy hãy tu thiện, tùy theo cơ nghi mà khơi gợi, hướng dẫn, trao truyền kinh pháp, không ai chẳng vâng theo hành trì, theo như ý nguyện đều khiến cho họ đắc đạo. Đức Phật đi đến nơi nào, quốc gia, thành thị, gò đống, xóm giềng, không ai chẳng được giáo hóa. Thiên hạ hòa thuận, mặt trời, mặt trăng trong sáng, mưa gió đúng thời, tai ương chẳng dấy lên, nước giàu, dân yên, binh khí vô dụng, tôn sùng đức hạnh, hưng khởi điều nhân, chú trọng tu tập lễ nghĩa, nhân nhượng.
Đức Phật nói: – Ta thương xót chư thiên, nhân dân các ông còn hơn cha mẹ nghĩ đến con. Nay ta làm Phật trong cõi này, hàng phục năm sự ác, tiêu trừ năm sự đau, dứt bặt năm sự đốt. Dùng thiện để trừ ác, dẹp trừ nỗi khổ sanh tử, khiến cho đạt được ngũ đức, đạt tới sự an định vô vi. Sau khi ta qua đời, kinh đạo sẽ dần dần bị diệt, nhân dân siểm ngụy, lại làm các điều ác. Năm sự đốt, năm sự đau, sẽ lại như trước, lâu sau chuyển thành dữ dội, chẳng thể nói trọn. Ta nay chỉ vì các ông nói đại lược đó thôi!
Đức Phật bảo ngài Di Lặc: – Các ông ai nấy hãy khéo suy nghĩ, lần lượt răn dạy lẫn nhau, hãy theo đúng kinh pháp của Phật, đừng nên trái phạm.
Ngay khi đó, Di Lặc Bồ Tát chắp tay, bạch rằng: – Đức Phật nói rất lành, người đời thật sự là như vậy. Đức Như Lai lòng từ thương xót trọn khắp, đều độ cho họ được giải thoát. Chúng con vâng nhận lời răn dạy trịnh trọng của đức Phật, chẳng dám trái nghịch, quên mất).
“Phật ngôn: – Nhữ kim chư thiên nhân dân, cập hậu thế nhân” (đức Phật nói: – Nay chư thiên, nhân dân các ông, và những người trong đời sau): Đức Phật bảo Di Lặc Bồ Tát, trong thực tế là nói với chư thiên nhân dân thuở ấy, càng thực tế hơn nữa là nói với bọn người đời sau như chúng ta, cũng nhằm dạy chúng ta hãy chú ý. “Đắc Phật kinh ngữ, đương thục tư chi” (có được lời kinh của Phật, hãy nên suy nghĩ chín chắn): Được nghe kinh Phật rất khó! Quý vị đời trước, kiếp trước chẳng có thiện căn, sẽ chẳng nghe kinh Phật. Được nghe lời dạy trong kinh Phật, chẳng phải là chuyện đơn giản đâu nhé! Đời trước, kiếp trước, quý vị đã từng gieo thiện căn, đời này gặp duyên, được thầy giáo hóa, quý vị mới được biết đến kinh Phật. “Đương thục tư chi” (hãy nên suy nghĩ chín chắn), “thục tư” (熟 思) là quý vị hãy suy nghĩ cặn kẽ, rành rẽ, hãy suy xét. Quý vị suy nghĩ cặn kẽ đạo lý trong kinh Phật, đấy là cầu Giải. Quý vị đã liễu giải, sẽ tự nhiên tu hành. “Năng ư kỳ trung đoan tâm chánh hạnh” (có thể từ trong ấy mà đoan nghiêm cái thân, chánh đáng cái hạnh): Quý vị tư duy đạo lý trong kinh Phật, sẽ đoan nghiêm cái tâm, chánh đáng cái hạnh. Tâm đã đoan nghiêm thì hạnh sẽ chánh.
“Chúa thượng vi thiện, suất hóa kỳ hạ” (chúa thượng làm lành, xướng suất, giáo hóa kẻ dưới): Thuở đức Phật tại thế, đó là thời đại chuyên chế. “Chúa thượng” là quốc vương. Nếu quốc vương tin tưởng Phật pháp, tự mình làm lành, sẽ “suất hóa kỳ hạ” (suất lãnh, giáo hóa kẻ dưới). Phật giáo tiến nhập Trung Hoa, quốc vương thuộc triều đại nào tin tưởng Phật pháp, ngay lập tức, Phật giáo sẽ hưng khởi to tát. Hiện thời chẳng có quốc vương, đang là chế độ dân chủ, chúng ta hãy thu hẹp phạm vi. Trong một gia đình, quý vị là người làm cha mẹ, quý vị chính là Chúa Thượng, quý vị phải “suất hóa kỳ hạ”, [tức là] phải dạy dỗ con cái của chính mình. Nếu quý vị kinh doanh, mở công ty, quý vị làm Kinh Lý, thì cũng có thể giáo hóa công nhân trong công ty của quý vị. Nếu quý vị mở công xưởng, làm Kinh Lý, quý vị cũng có thể giáo hóa thợ trong công xưởng. Đấy đều là đạo lý “chúa thượng vi thiện, suất hóa kỳ hạ” (chúa thượng làm lành, xướng suất, giáo hóa kẻ dưới).
“Chuyển tương sắc lệnh” (truyền dạy lẫn nhau) tức là quý vị giáo hóa họ, khiến cho họ “các tự đoan thủ” (ai nấy đều giữ mình đoan chánh), đều tự đoan chánh. Quý vị phải giữ lấy kinh giáo của Phật giáo, “tôn thánh kính thiện”, [nghĩa là] quý vị phải tôn trọng thánh nhân, phải cung kính thiện pháp. “Nhân từ bác ái”: Đối với hết thảy chúng sanh phải phát tâm nhân từ, tâm bác ái. “Phật ngữ giáo hối, vô cảm khuy phụ” ([đối với] lời Phật răn dạy, chẳng dám thiếu sót, cô phụ): “Giáo hối” (教誨) là nói về giới luật, dạy quý vị đừng nên làm như thế này, đừng nên làm như thế kia, quý vị phải nhận lấy giới ấy, đừng nên làm toàn ác sự, ác pháp. Đối với lời Phật răn dạy, quý vị “vô cảm khuy phụ”, [nghĩa là] chớ nên thiếu sót, chớ nên cô phụ, đừng nên phạm vào những điều răn trong kinh Phật. “Đương cầu độ thế” (hãy nên mong độ đời): Quý vị mong độ đời, nhất định phải trì giới thanh tịnh. Vì sao vậy? Quý vị trì giới thanh tịnh, hết thảy các ác pháp đều chẳng làm nữa! Giới luật là để ngăn ngừa sai trái, dứt điều ác; hết thảy điều ác đều chẳng làm, quý vị sẽ có thể độ đời. Hễ độ đời, sẽ “bạt đoạn sanh tử chúng ác chi bổn” (dẹp dứt cội gốc của sanh tử và các điều ác), tham, sân, si đều đoạn trừ, đoạn sạch căn bản của hết thảy các điều ác trong sanh tử. “Đương ly tam đồ vô lượng ưu bố khổ thống chi đạo” (sẽ lìa nẻo tam đồ vô lượng ưu sầu, sợ hãi, đau khổ): Quý vị tự nhiên xa lìa ác đạo, chẳng còn hứng chịu vô lượng nỗi khổ não lo âu, hoảng sợ trong ba ác đạo.
“Nhữ đẳng ư thị quảng thực đức bổn” (do vậy, các ông hãy rộng trồng cội lành): Quý vị mong dụng công tu hành, hãy nên “ư thị quảng thực đức bổn”. “Ư thị” tức là hãy biết [những điều được nói trong] đoạn kinh văn tiếp theo. “Quảng thực đức bổn” là tu hết thảy công đức, tu như thế nào? Tu pháp môn Lục Độ, Đại Thừa Phật giáo là Lục Độ. “Bố ân thí huệ” (ban ân, tạo ân huệ), thứ nhất là hành Bố Thí. “Vật phạm đạo cấm” (đừng phạm giới cấm) là độ thứ hai, tức Trì Giới. “Nhẫn nhục, tinh tấn”: Độ thứ ba là Nhẫn Nhục, độ thứ tư là Tinh Tấn. “Nhất tâm trí huệ”: Nhất tâm là độ thứ năm, tức Thiền Định, độ thứ sáu là trí huệ. “Chuyển tương giáo hóa” (lần lượt giáo hóa lẫn nhau): Quý vị tự mình tu Lục Độ, còn phải giáo hóa người khác cũng tu Lục Độ. “Vi đức lập thiện” (hành đức, lập thiện): Quý vị tạo cội gốc của công đức, lập cội rễ thiện pháp. “Chánh tâm, chánh ý, trai giới thanh tịnh”: Phải là “tâm chánh, ý chánh”, phải trì trai, giữ giới, trì giới thanh tịnh. Trong pháp môn Lục Độ, Trì Giới là độ thứ hai. Trì giới nhằm ngăn ngừa sai trái, dứt tuyệt điều ác. Trai giới mà chẳng thanh tịnh, thì Phật pháp cũng chẳng thanh tịnh. Do vậy, phải “trai giới thanh tịnh”.
Tiếp đó, kinh văn dạy, nếu quý vị phát khởi đạo tâm, trì trai giới thanh tịnh, “nhất nhật, nhất dạ, thắng ư Vô Lượng Thọ quốc vi thiện bách tuế” (một ngày, một đêm, sẽ vượt trỗi làm lành suốt một trăm năm trong cõi Vô Lượng Thọ): Nếu quý vị dụng công tu hành trong thế giới Sa Bà, công đức một ngày một đêm trì giới sẽ vượt trỗi công đức [trì giới thanh tịnh] trong thế giới Cực Lạc cả trăm năm. Tiếp đó là giải thích: “Sở dĩ giả hà? Bỉ Phật quốc độ, vô vi tự nhiên, giai tích chúng thiện, vô mao phát chi ác” (vì cớ sao vậy? Trong cõi nước Phật ấy, vô vi tự nhiên, đều là tích lũy các điều thiện, chẳng có mảy may điều ác): Quý vị sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, đó là một cảnh giới vô vi, cảnh giới tự nhiên, các vị thượng thiện nhân tụ hội một chỗ. Ai nấy thảy đều tích tập các điều thiện, chẳng có một chút chuyện ác nào bằng mảy lông, sợi tóc. Vậy thì quý vị sẽ trì giới gì đây? Pháp môn Lục Độ, ngoại trừ Thiền Định và trí huệ thì Tây Phương có thể có, chứ bốn Độ trước đó đều chẳng dễ tu [trong thế giới Cực Lạc]. Tức là tính ra, Tây Phương còn có Tinh Tấn, chứ đối với ba Độ trước đó, tức Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục thì trong Tây Phương Cực Lạc thế giới đều chẳng có cách nào tu được. Quý vị hành Bố Thí Độ, hành Tài Bố Thí, Tây Phương Cực Lạc thế giới lầu gác bằng bảy báu, bảy báu làm đại địa, quý vị hành Tài Bố Thí thì bố thí cho người nào đây? Vô Úy Bố Thí là cứu tai cứu nạn, Tây Phương chẳng có tai nạn để cứu, quý vị làm gì để hành Vô Úy Bố Thí? Hành Pháp Bố Thí, sanh vào thế giới Cực Lạc, tiếng cây, tiếng gió đều có thể thuyết pháp, vậy thì quý vị sẽ nói pháp gì đây? Do đó, hành Bố Thí Độ sẽ chẳng có chỗ nào để hành! Trì Giới nhằm ngăn ngừa điều sai, dứt bặt điều ác, Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có điều sai, chẳng có sự ác, quý vị sẽ trì giới gì vậy? Nhẫn Nhục thì phải có kẻ ác có lỗi đối với quý vị, lăng nhục quý vị thì quý vị mới nhẫn nhục. Tây Phương Cực Lạc thế giới toàn là thiện nhân, ai sẽ lăng nhục quý vị? Quý vị tu Nhẫn Nhục Độ ở chỗ nào? Bởi lẽ, quý vị chẳng có đối tượng để tu. Thế nhưng thế giới Sa Bà là ngũ trược ác thế, khắp nơi đều hại người, quý vị tu hành thì sao? Tích lũy, vun bồi công đức cũng rất nhanh chóng. Hiểu đạo lý này, sẽ thấy sự so sánh ngay sau đó dễ hiểu! “Ư thử tu thiện thập nhật, thập dạ, thắng ư tha phương chư Phật quốc trung vi thiện thiên tuế. Sở dĩ giả hà? Tha phương Phật quốc, vi thiện giả đa, vi ác giả thiểu, phước đức tự nhiên, vô tạo ác chi địa” (trong cõi này, tu thiện mười ngày, mười đêm hơn làm lành cả ngàn năm trong các cõi Phật ở phương khác. Vì cớ sao vậy? Các cõi Phật ở phương khác, làm lành nhiều, làm ác ít, phước đức tự nhiên, không có chỗ để tạo ác): Các cõi nước Phật trong mười phương tuy thua kém thế giới Cực Lạc đôi chút, nhưng tạo thiện thì nhiều, tạo ác thì ít, phước đức tự nhiên, chẳng có hoàn cảnh tạo ác.
“Duy thử gian đa ác, vô hữu tự nhiên” (chỉ có trong cõi này lắm điều ác, chẳng có tự nhiên): Thế giới Sa Bà là ngũ trược ác thế, nhiều ác trược, chẳng tự nhiên. “Cần khổ cầu dục, chuyển tương khi đãi” (nhọc nhằn cầu mong, lần lượt lừa gạt, hãm hại lẫn nhau): Ngươi lấn hiếp, lừa dối ta, ta lấn hiếp, lừa dối ngươi. “Đãi” (殆) là gây nguy hại cho kẻ khác. Ngươi hại ta, ta hại ngươi. “Tâm lao hình khốn” (tâm mệt, thân nhọc): Hại tới hại lui, trong tâm mọi người đều rất mệt, thân thể cũng rất khốn khổ, nhiễu loạn. “Ẩm khổ thực độc” (uống khổ, ăn độc): Mọi người đói khát thì sẽ uống trà, uống nước, ăn cơm, kết quả là uống những thứ nước đắng, nuốt những thứ độc dược. Đây là thí dụ. “Như thị ác vụ, vị thường ninh tức” (những chuyện ác như thế, chưa hề ngưng dứt): “Ác vụ” trong thế giới Sa Bà này chính là những sự vụ ác, chưa hề an tĩnh, chẳng hề ngừng nghỉ.
“Ngô ai nhữ đẳng thiên nhân chi loại, khổ tâm hối dụ” (ta thương xót hàng trời người các ông, khổ tâm giáo hóa, khuyên nhủ): Vì bọn trời người chúng ta, vì các chúng sanh, Thích Ca Như Lai đã khổ tâm giáo hóa chúng ta, nói tỷ dụ cho chúng ta nghe. “Giáo linh tu thiện, tùy nghi khai đạo, thọ dữ kinh pháp, mạc bất thừa dụng” (truyền dạy tu thiện, tùy theo cơ nghi mà khơi gợi, hướng dẫn, không ai chẳng vâng nhận, hành theo): Mọi người đều vâng nhận, đều dụng công. Thuở đức Phật tại thế, điều này rất thành công. “Tại ý sở nguyện, giai linh đắc đạo” (tùy theo ý nguyện, đều khiến cho họ đắc đạo): Bổn nguyện của ta là hy vọng mọi người đều thành Phật, nhưng khi chưa thành Phật thì sao? Trong thế giới này thì trước hết là đạt được an lạc. “Phật sở du lý, quốc ấp khâu tụ” nghĩa là chỗ đức Phật đi qua, quốc gia, thành ấp, hoặc là núi đồi, làng xóm. “Mị bất mông hóa” (không ai chẳng được giáo hóa): Mọi người đều được giáo hóa. “Thiên hạ hòa thuận, nhật nguyệt thanh minh” [nghĩa là] do vậy, thiên hạ hòa thuận, mặt trời, mặt trăng trong sáng. “Phong vũ dĩ thời”: Gió mưa đều đúng thời. “Tai lệ bất khởi, quốc phong dân an” (tai ương chẳng dấy lên, nước giàu, dân yên): Quốc gia giàu có, hòa thuận, dân chúng đều an lạc. “Binh qua vô dụng” (chẳng dùng đến binh khí): Mọi người chẳng cần đánh nhau, chẳng có tai ương vì chiến tranh. “Sùng đức hưng nhân” [nghĩa là] ai nấy đều tôn sùng đạo đức, dấy lòng nhân từ. “Vụ tu lễ nhượng” (chú trọng tu tập lễ nghĩa, nhân nhượng): Tuân theo lễ nghĩa, tu tập sự nhân nhượng. Đấy là sự giáo hóa thành công thuở đức Phật tại thế, xã hội đều biến thành thiên hạ thái bình.
“Phật ngôn: – Ngã ai mẫn nhữ đẳng chư thiên nhân dân, thậm ư phụ mẫu niệm tử” (đức Phật nói: – Ta thương xót chư thiên, nhân dân các ông còn hơn cha mẹ nghĩ đến con): Thích Ca Thế Tôn thương xót chư thiên và nhân dân còn hơn cha mẹ nghĩ đến con. “Kim ngã ư thử thế tác Phật, hàng hóa ngũ ác” (nay ta làm Phật trong cõi đời này, hàng phục dẹp tan năm điều ác): Hàng phục, tiêu trừ năm loại ác pháp ấy. “Tiêu trừ ngũ thống, tuyệt diệt ngũ thiêu”: Làm thế nào để có thể diệt trừ năm sự ác, năm sự đau, năm sự đốt? “Dĩ thiện công ác” [tức là] dùng năm thứ đại thiện pháp để tấn công, trừ diệt ác pháp. “Bạt sanh tử chi khổ, linh hoạch ngũ đức” (dẹp trừ nỗi khổ sanh tử, khiến đạt được ngũ đức): Ngũ đức là công đức trì ngũ giới. “Thăng vô vi chi an” (đạt được sự an định vô vi): Trong tương lai sẽ có thể chứng đắc sự an lạc vô vi Niết Bàn.
“Ngô khứ thế hậu” [nghĩa là] sau khi đức Phật nhập Niết Bàn. “Kinh đạo tiệm diệt, nhân dân siểm ngụy” (kinh đạo dần dần diệt mất, nhân dân siểm mị, hư ngụy): Ai nấy đều siểm mị, hư ngụy đối với nhau. “Phục vi chúng ác” [nghĩa là] lại tạo rất nhiều ác pháp, quý vị tạo các điều ác. “Ngũ thiêu, ngũ thống, hoàn như tiền pháp, cửu hậu chuyển kịch” (năm sự đốt, năm sự đau lại giống như trước, lâu sau chuyển thành dữ dội): Càng về sau, càng nặng nề, càng sâu hơn. “Bất khả tất thuyết, ngã đản vị nhữ lược ngôn chi nhĩ” (chẳng thể nói trọn hết, ta chỉ vì các ông nói đại lược đó thôi): Trong tương lai, chúng sanh sẽ chịu khổ như thế nào? Nỗi khổ cùng cực như thế nào? Nay ta chẳng thể nói ra [trọn hết], ta chỉ nói giản lược mà thôi!
“Phật ngữ Di Lặc: – Nhữ đẳng các thiện tư chi, chuyển tương giáo giới, như Phật kinh pháp, vô đắc phạm dã” (đức Phật bảo ngài Di Lặc: – Các ông ai nấy hãy khéo suy nghĩ, lần lượt răn dạy lẫn nhau, đúng như kinh pháp của Phật, chẳng được trái phạm): Sau khi ta nhập Niết Bàn, hãy coi kinh pháp của ta như đức Thế Tôn của các ngươi, như cha mẹ, như sư trưởng của các ngươi, chớ nên trái nghịch kinh, đừng phạm pháp. Pháp là giới luật. “Ư thị, Di Lặc Bồ Tát hiệp chưởng, bạch ngôn: – Phật sở thuyết thậm thiện” (ngay khi đó, Di Lặc Bồ Tát chắp tay, bạch rằng: – Đức Phật nói rất lành): Đức Phật nói quá hay. “Thế nhân thật nhĩ” [nghĩa là] người trong thế gian thật sự là như vậy đấy. “Như Lai phổ từ ai mẫn, tất linh độ thoát. Thọ Phật trọng hối, bất cảm vi thất” (đức Như Lai lòng từ xót thương trọn khắp, đều làm cho họ được độ thoát. Chúng con vâng nhận lời răn trịnh trọng của Phật, chẳng dám trái nghịch, quên mất): Chúng ta quyết định phải nương theo lời đức Phật chỉ dạy để tu hành, khuyến hóa chúng sanh.
2.2.3.3.3. Dựa theo quốc độ Vô Lượng Thọ để biện định lẽ được mất hòng khiến cho mọi người tu xả
2.2.2.3.3.1. Đức Phật khuyên ngài A Nan lễ Vô Lượng Thọ Phật
(Kinh) Phật cáo A Nan: – Nhữ khởi, cánh chỉnh y phục, hiệp chưởng cung kính, lễ Vô Lượng Thọ Phật. Thập phương quốc độ chư Phật Như Lai, thường cộng xưng dương, tán thán bỉ Phật, vô trước, vô ngại.
(經)佛告阿難:汝起,更整衣服,合掌恭敬,禮無量壽佛。十方國土諸佛如來,常共稱揚讚歎彼佛,無著無礙。
(Kinh: Đức Phật bảo ngài A Nan: – Ông hãy đứng dậy, chỉnh đốn y phục, chắp tay cung kính lễ Vô Lượng Thọ Phật. Chư Phật Như Lai trong mười phương quốc độ thường cùng xưng dương, tán thán đức Phật ấy không chấp trước, không ngăn ngại).
“Phật cáo A Nan” (đức Phật bảo ngài A Nan): Khởi đầu kinh Vô Lượng Thọ, tôn giả A Nan là bậc đương cơ, vì tôn giả A Nan đa văn bậc nhất, Ngài sẽ chịu trách nhiệm kết tập Kinh Tạng. Sau đấy, đức Phật nói với Di Lặc Bồ Tát, bảo Di Lặc Bồ Tát làm bậc đương cơ, vì sau khi Thích Ca Như Lai nhập Niết Bàn, bậc đương lai hạ sanh là Di Lặc Bồ Tát sẽ thành Phật, Ngài sẽ phải nên chịu trách nhiệm hoằng pháp. Do vậy, bảo Di Lặc Bồ Tát làm đương cơ. Đã nói xong, Di Lặc Bồ Tát cũng đã vâng lời chịu trách nhiệm giáo hóa chúng sanh; ở đây, đức Thế Tôn lại gọi tôn giả A Nan, [bởi lẽ] ngài A Nan còn phải chịu trách nhiệm kết tập Kinh Tạng. Đức Phật lại bảo ngài A Nan hãy đích thân nhìn Tây Phương Cực Lạc thế giới, thấy A Di Đà Phật, tự mình nghe A Di Đà Phật thuyết pháp. “Nhữ khởi, cánh chỉnh y phục” [nghĩa là] ông hãy từ chỗ ngồi của chính mình mà đứng dậy, chỉnh đốn y phục của chính mình. “Hiệp chưởng cung kính, lễ Vô Lượng Thọ Phật. Thập phương quốc độ chư Phật Như Lai, thường cộng xưng dương tán thán bỉ Phật, vô trước vô ngại” (chắp tay cung kính lễ Vô Lượng Thọ Phật, chư Phật Như Lai trong mười phương quốc độ xưng dương, tán thán đức Phật ấy không chấp trước, chẳng ngăn ngại).
2.2.2.3.3.2. Ngài A Nan phụng mạng, lễ kính đức Phật ấy, và nguyện cầu được trông thấy
(Kinh) Ư thị, A Nan khởi chỉnh y phục, chánh thân Tây diện, cung kính hiệp chưởng, ngũ thể đầu địa, lễ Vô Lượng Thọ Phật, bạch ngôn: – Thế Tôn, nguyện kiến bỉ Phật An Lạc quốc độ, cập chư Bồ Tát, Thanh Văn đại chúng.
(經)於是阿難起整衣服,正身西面,恭敬合掌,五體投地,禮無量壽佛。白言:世尊,願見彼佛安樂國土,及諸菩薩聲聞大眾。
(Kinh: Ngay khi ấy, ngài A Nan đứng dậy, chỉnh đốn y phục, giữ tư thế đoan chánh, hướng về phía Tây, cung kính chắp tay, năm vóc gieo xuống đất, lễ Vô Lượng Thọ Phật, bạch rằng: – Bạch Thế Tôn! Nguyện thấy đức Phật ấy, cõi nước An Lạc, và các hàng Bồ Tát, Thanh Văn, đại chúng).
Ngài A Nan đối diện phương Tây, “cung kính hiệp chưởng, ngũ thể đầu địa, lễ Vô Lượng Thọ Phật. Bạch ngôn: – Thế Tôn, nguyện kiến bỉ Phật An Lạc quốc độ, cập chư Bồ Tát Thanh Văn đại chúng” (cung kính chắp tay, năm vóc gieo xuống đất, lễ Vô Lượng Thọ Phật, bạch rằng: “Bạch Thế Tôn! Nguyện thấy đức Phật ấy, cõi nước An Lạc, và các hàng Bồ Tát, Thanh Văn, đại chúng”): Con muốn được thấy Vô Lượng Thọ Phật, nguyện trông thấy Tây Phương Cực Lạc thế giới An Lạc quốc, còn muốn trông thấy Bồ Tát, Thanh Văn, đại chúng trong Tây Phương An Lạc quốc.
2.2.2.3.3.3. Do sự khải thỉnh trên đây, Vô Lượng Thọ Phật phóng quang chiếu trọn khắp
(Kinh) Thuyết thị ngữ dĩ, tức thời Vô Lượng Thọ Phật, phóng đại quang minh, phổ chiếu nhất thiết chư Phật thế giới, Kim Cang vi sơn, Tu Di sơn vương, đại tiểu chư sơn, nhất thiết sở hữu, giai đồng nhất sắc. Thí như kiếp thủy, di mãn thế giới, kỳ trung vạn vật trầm một bất hiện, hoảng dưỡng hạo hãn, duy kiến đại thủy, bỉ Phật quang minh, diệc phục như thị. Thanh Văn, Bồ Tát nhất thiết quang minh, giai tất ẩn tế, duy kiến Phật quang, minh diệu hiển hách.
(經)說是語已,即時無量壽佛,放大光明,普照一切諸佛世界。金剛圍山、須彌山王、大小諸山,一切所有,皆同一色。譬如劫水彌滿世界,其中萬物沈沒不現,滉瀁浩汗,唯見大水,彼佛光明,亦復如是。聲聞菩薩一切光明,皆悉隱蔽,唯見佛光,明耀顯赫。
(Kinh: Nói lời ấy xong, ngay lập tức Vô Lượng Thọ Phật phóng quang minh lớn, chiếu trọn khắp hết thảy các thế giới của chư Phật, núi Kim Cang, Thiết Vi, núi chúa Tu Di, các núi lớn nhỏ, hết thảy tất cả đều cùng một màu. Ví như lúc kiếp thủy ngập tràn thế giới, vạn vật trong ấy đều chìm ngập, chẳng hiện, mênh mông, bát ngát, chỉ thấy nước lụt. Quang minh của đức Phật ấy cũng giống như thế, hết thảy quang minh của Thanh Văn, Bồ Tát thảy đều ẩn lấp, chỉ thấy Phật quang sáng ngời rực rỡ).
“Thuyết thị ngữ dĩ” (nói lời ấy xong): Tôn giả A Nan nói lời ấy xong. “Tức thời Vô Lượng Thọ Phật, phóng đại quang minh, phổ chiếu nhất thiết chư Phật thế giới” (ngay lập tức, Vô Lượng Thọ Phật phóng quang minh lớn, chiếu trọn khắp hết thảy các thế giới của chư Phật): Cảm ứng đạo giao nhanh chóng ngần ấy, sao mà nhanh thế? Khi tôn giả A Nan kết tập Kinh Tạng, Ngài mới chứng Tứ Quả. Tam Quả thánh nhân cầu [đắc quả sẽ] mau chóng hơn chúng ta. Trên thực tế, Tam Quả thánh nhân hoàn toàn chẳng thể cầu mau chóng như thế. Do có sức gia bị của đức Phật, cho nên cảm ứng đạo giao hết sức nhanh chóng, vừa đảnh lễ bèn lập tức trông thấy quang minh của A Di Đà Phật chiếu trọn khắp hết thảy các thế giới của chư Phật. “Kim Cang vi sơn, Tu Di sơn vương, đại tiểu chư sơn, nhất thiết sở hữu, giai đồng nhất sắc” (núi Kim Cang, Thiết Vi, núi chúa Tu Di, các núi lớn nhỏ, hết thảy tất cả đều cùng một màu): Toàn là quang minh của Phật. Nói cách khác, “thí như kiếp thủy di mãn thế giới” (ví như kiếp thủy tràn ngập thế giới): “Kiếp thủy” là khi thế giới đến lúc Hoại Kiếp, tức là lúc đáng nên bị hư hoại, sẽ bị đại thủy tai, trọn khắp thế giới đều là nước. “Kỳ trung vạn vật trầm một bất hiện, hoảng dưỡng hạo hãn, duy kiến đại thủy” (vạn vật trong ấy đều chìm đắm chẳng hiện, mênh mông, bát ngát, chỉ thấy nước lụt): Từ ngữ “hoảng dưỡng hạo hãn” (滉瀁浩汗) hình dung dáng vẻ lũ lụt khắp thế giới. “Bỉ Phật quang minh, diệc phục như thị” (quang minh của đức Phật ấy cũng giống như thế): Nay đang thấy Vô Lượng Thọ Phật phóng quang minh giống như nước lụt trọn khắp thế giới! “Thanh Văn, Bồ Tát nhất thiết quang minh, giai tất ẩn tế” (hết thảy quang minh của Thanh Văn và Bồ Tát đều ẩn khuất): Thanh Văn, Bồ Tát đều có quang minh, nhưng thảy đều chẳng thấy. “Duy kiến Phật quang, minh diệu hiển hách” (chỉ thấy Phật quang sáng ngời rực rỡ): Chỉ thấy quang minh rất lớn của đức Phật.
2.2.2.3.3.4. Do quang minh của đức Phật chiếu soi, đôi bên trông thấy nhau
(Kinh) Nhĩ thời A Nan tức kiến Vô Lượng Thọ Phật, oai đức nguy nguy, như Tu Di sơn vương, cao xuất nhất thiết chư thế giới thượng, tướng hảo, quang minh, mị bất chiếu diệu. Thử hội tứ chúng, nhất thời tất kiến. Bỉ kiến thử độ, diệc phục như thị.
(經)爾時阿難,即見無量壽佛,威德巍巍,如須彌山王,高出一切諸世界上,相好光明,靡不照耀。此會四眾,一時悉見。彼見此土,亦復如是。
(Kinh: Lúc bấy giờ, ngài A Nan liền thấy Vô Lượng Thọ Phật oai đức vòi vọi, như núi chúa Tu Di cao vượt trỗi hết thảy các thế giới, tướng hảo, quang minh, không đâu chẳng chiếu sáng rực. Tứ chúng trong hội này cùng lúc đều trông thấy. Chúng sanh trong cõi kia trông thấy cõi này cũng giống như vậy).
“Nhĩ thời A Nan tức kiến Vô Lượng Thọ Phật” (lúc bấy giờ, ngài A Nan liền trông thấy Vô Lượng Thọ Phật): Khi ấy, tôn giả A Nan từ trong quang minh trông thấy Vô Lượng Thọ Phật. “Oai đức nguy nguy” (oai đức vòi vọi): Oai đức to lớn. “Như Tu Di sơn vương, cao xuất nhất thiết chư thế giới thượng” [nghĩa là] giống như núi chúa Tu Di, cao vượt khỏi hết thảy các thế giới. “Tướng hảo, quang minh, mị bất chiếu diệu. Thử hội tứ chúng, nhất thời tất kiến” (tướng hảo, quang minh, không đâu chẳng chiếu sáng rực. Tứ chúng trong hội này đều cùng lúc trông thấy): Trước là một mình tôn giả A Nan trông thấy; khi ấy, tứ chúng trong pháp hội của Phật Thích Ca cũng đều trông thấy. “Bỉ kiến thử độ, diệc phục như thị” nghĩa là các vị Bồ Tát trong Tây Phương Cực Lạc thế giới trông thấy quốc độ của Phật Thích Ca cũng đều thấy rõ ràng, rành rẽ.
2.2.2.3.3.5. Do trông thấy nhau mà nêu bày sự được mất trong cõi ấy
(Kinh) Nhĩ thời, Phật cáo A Nan cập Từ Thị Bồ Tát: – Nhữ kiến bỉ quốc, tùng địa dĩ thượng, chí Tịnh Cư Thiên, kỳ trung sở hữu vi diệu nghiêm tịnh tự nhiên chi vật, vi tất kiến phủ?
A Nan đối viết: – Dụy nhiên, dĩ kiến.
– Nhữ ninh phục văn Vô Lượng Thọ Phật đại âm tuyên bố nhất thiết thế giới hóa chúng sanh phủ?
A Nan đối viết: – Dụy nhiên, dĩ văn.
– Bỉ quốc nhân dân, thừa bách thiên do-tuần thất bảo cung điện, vô sở chướng ngại, biến chí thập phương cúng dường chư Phật, nhữ phục kiến phủ?
Đối viết: – Dĩ kiến.
– Bỉ quốc nhân dân hữu thai sanh giả, nhữ phục kiến phủ?
Đối viết: – Dĩ kiến.
– Kỳ thai sanh giả, sở xử cung điện, hoặc bách do-tuần, hoặc ngũ bách do-tuần, các ư kỳ trung, thọ chư khoái lạc, như Đao Lợi thiên thượng, diệc giai tự nhiên.
Nhĩ thời, Từ Thị Bồ Tát bạch Phật ngôn: – Thế Tôn! Hà nhân, hà duyên, bỉ quốc nhân dân, thai sanh, hóa sanh?
Phật cáo Từ Thị: – Nhược hữu chúng sanh, dĩ nghi hoặc tâm, tu chư công đức, nguyện sanh bỉ quốc, bất liễu Phật trí, bất tư nghị trí, bất khả xưng trí, Đại Thừa quảng trí, vô đẳng vô luân tối thượng thắng trí, ư thử chư trí, nghi hoặc bất tín. Nhiên do tín tội phước, tu tập thiện bổn, nguyện sanh kỳ quốc. Thử chư chúng sanh, sanh bỉ cung điện, thọ ngũ bách tuế, thường bất kiến Phật, bất văn kinh pháp, bất kiến Bồ Tát, Thanh Văn thánh chúng. Thị cố ư bỉ quốc độ, vị chi thai sanh. Nhược hữu chúng sanh, minh tín Phật trí, nãi chí thắng trí, tác chư công đức, tín tâm hồi hướng. Thử chư chúng sanh, ư thất bảo hoa trung, tự nhiên hóa sanh, già phu nhi tọa, tu du chi khoảnh, thân tướng, quang minh, trí huệ, công đức như chư Bồ Tát cụ túc thành tựu.
Phục thứ Từ Thị! Tha phương chư đại Bồ Tát, phát tâm dục kiến Vô Lượng Thọ Phật, cung kính cúng dường, cập chư Bồ Tát, Thanh Văn thánh chúng. Bỉ Bồ Tát đẳng, mạng chung đắc sanh Vô Lượng Thọ quốc, ư thất bảo hoa trung, tự nhiên hóa sanh.
Di Lặc đương tri! Bỉ hóa sanh giả, trí huệ thắng cố. Kỳ thai sanh giả, giai vô trí huệ, ư ngũ bách tuế trung, thường bất kiến Phật, bất văn kinh pháp, bất kiến Bồ Tát, chư Thanh Văn chúng, vô do cúng dường ư Phật, bất tri Bồ Tát pháp thức, bất đắc tu tập công đức. Đương tri thử nhân, túc thế chi thời, vô hữu trí huệ, nghi hoặc sở trí.
Phật cáo Di Lặc: – Thí như Chuyển Luân thánh vương, hữu thất bảo lao ngục, chủng chủng trang nghiêm, trương thiết sàng trướng, huyền chư tăng cái. Nhược hữu chư tiểu vương tử, đắc tội ư vương, triếp nội bỉ ngục trung, hệ dĩ kim tỏa. Cúng dường phạn thực, y phục, sàng nhục, hoa hương, kỹ nhạc, như Chuyển Luân vương, vô sở phạp thiểu. Ư ý vân hà? Thử chư vương tử, ninh nhạo bỉ xứ phủ?
Đối viết: – Bất dã! Đản chủng chủng phương tiện, cầu chư đại lực, dục tự miễn xuất.
Phật cáo Di Lặc: – Thử chư chúng sanh, diệc phục như thị. Dĩ nghi hoặc Phật trí cố, sanh bỉ thất bảo cung diện, vô hữu hình phạt, nãi chí nhất niệm ác sự, đản ư ngũ bách tuế trung, bất kiến Tam Bảo, bất đắc cúng dường, tu chư thiện bổn, dĩ thử vi khổ. Tuy hữu dư lạc, do bất nhạo bỉ xứ. Nhược thử chúng sanh, thức kỳ bổn tội, thâm tự hối trách, cầu ly bỉ xứ, tức đắc như ý, vãng nghệ Vô Lượng Thọ Phật sở, cung kính cúng dường, diệc đắc biến chí vô lượng vô số chư dư Phật sở, tu chư công đức. Di Lặc đương tri! Kỳ hữu Bồ Tát, sanh nghi hoặc giả, vi thất đại lợi. Thị cố ưng đương minh tín chư Phật vô thượng trí huệ.
(經)爾時,佛告阿難及慈氏菩薩:汝見彼國,從地已上,至淨居天,其中所有微妙嚴淨自然之物,為悉見不?阿難對曰:唯然,已見。汝寧復聞無量壽佛大音宣布一切世界化眾生不?阿難對曰:唯然,已聞。彼國人民,乘百千由旬七寶宮殿,無所障礙,徧至十方供養諸佛,汝復見不?對曰:已見。彼國人民有胎生者,汝復見不?對曰:已見。其胎生者,所處宮殿,或百由旬,或五百由旬,各於其中受諸快樂,如忉利天上,亦皆自然。爾時慈氏菩薩白佛言:世尊!何因何緣,彼國人民,胎生、化生?佛告慈氏:若有眾生,以疑惑心,修諸功德,願生彼國。不了佛智、不思議智、不可稱智、大乘廣智、無等無倫最上勝智,於此諸智,疑惑不信。然猶信罪福,修習善本,願生其國。此諸眾生,生彼宮殿,壽五百歲,常不見佛,不聞經法,不見菩薩聲聞聖眾。是故於彼國土,謂之胎生。若有眾生,明信佛智,乃至勝智,作諸功德,信心迴向。此諸眾生,於七寶華中,自然化生,跏趺而坐。須臾之頃,身相光明,智慧功德,如諸菩薩具足成就。復次慈氏!他方諸大菩薩,發心欲見無量壽佛,恭敬供養,及諸菩薩聲聞聖眾。彼菩薩等,命終得生無量壽國,於七寶華中,自然化生。彌勒當知!彼化生者,智慧勝故。其胎生者,皆無智慧,於五百歲中,常不見佛,不聞經法,不見菩薩諸聲聞眾。無由供養於佛,不知菩薩法式,不得修習功德。當知此人,宿世之時,無有智慧,疑惑所致。佛告彌勒:譬如轉輪聖王,有七寶牢獄,種種莊嚴,張設床帳,懸諸繒蓋。若有諸小王子,得罪於王,輒內彼獄中,繫以金鎖。供養飯食衣服床蓐,華香伎樂,如轉輪王,無所乏少。於意云何?此諸王子,寧樂彼處不?對曰:不也!但種種方便,求諸大力,欲自勉出。佛告彌勒:此諸眾生,亦復如是。以疑惑佛智故,生彼七寶宮殿,無有刑罰,乃至一念惡事。但於五百歲中,不見三寶,不得供養修諸善本,以此為苦。雖有餘樂,猶不樂彼處。若此眾生,識其本罪,深自悔責,求離彼處,即得如意,往詣無量壽佛所,恭敬供養,亦得徧至無量無數諸餘佛所,修諸功德。彌勒當知!其有菩薩,生疑惑者,為失大利。是故應當明信諸佛無上智慧。
(Kinh: Lúc bấy giờ, đức Phật bảo ngài A Nan và Từ Thị Bồ Tát: – Ông thấy cõi ấy, từ mặt đất trở lên cho đến cõi trời Tịnh Cư, tất cả những vật tự nhiên vi diệu trang nghiêm, thanh tịnh trong ấy, ông có đều trông thấy hay chăng?
Ngài A Nan thưa: – Vâng ạ, con đã thấy.
– Ông lại còn nghe âm thanh to lớn của Vô Lượng Thọ Phật tuyên bố trong hết thảy các thế giới để giáo hóa chúng sanh hay chăng?
Ngài A Nan thưa: – Vâng ạ, con đã nghe.
– Nhân dân trong cõi ấy cưỡi cung điện bảy báu to trăm ngàn do-tuần chẳng bị chướng ngại đến trọn khắp mười phương cúng dường chư Phật, ông lại có thấy hay không?
Thưa rằng: – Con đã thấy.
– Nhân dân trong cõi ấy có kẻ thai sanh, ông lại có thấy hay chăng?
Thưa rằng: – Đã thấy.
– Kẻ thai sanh ở trong cung điện, hoặc to một trăm do-tuần, hoặc năm trăm do-tuần, ai nấy ở trong đó hưởng những sự vui sướng như trên cõi trời Đao Lợi cũng đều là tự nhiên.
Lúc bấy giờ, Từ Thị Bồ Tát bạch đức Phật rằng: – Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà nhân dân trong cõi ấy có thai sanh và hóa sanh?
Đức Phật bảo ngài Từ Thị: – Nếu có chúng sanh dùng cái tâm ngờ vực để tu các công đức, nguyện sanh về cõi ấy, chẳng hiểu rõ Phật trí, trí chẳng thể nghĩ bàn, trí chẳng thể diễn tả, trí Đại Thừa rộng lớn, trí tối thượng thù thắng không sánh bằng, đối với các trí ấy, ngờ vực chẳng tin, nhưng vẫn tin tội phước, tu tập cội lành, nguyện sanh về cõi ấy. Các chúng sanh đó sống trong cung điện ấy, thọ năm trăm năm, thường chẳng thấy Phật, chẳng nghe kinh pháp, chẳng thấy Bồ Tát, Thanh Văn thánh chúng. Do vậy, ở trong cõi nước ấy, được gọi là “thai sanh”. Nếu có chúng sanh tin hiểu rõ ràng Phật trí cho đến thắng trí, làm các công đức, tín tâm hồi hướng. Các chúng sanh ấy ở trong hoa bảy báu, tự nhiên hóa sanh, ngồi xếp bằng, trong khoảnh khắc, thân tướng, quang minh, trí huệ, công đức thành tựu trọn đủ như các vị Bồ Tát.
Lại nữa, Từ Thị! Các vị đại Bồ Tát ở phương khác phát tâm muốn thấy Vô Lượng Thọ Phật, các vị Bồ Tát, Thanh Văn thánh chúng để cung kính cúng dường, hàng Bồ Tát ấy mạng chung sẽ được sanh về cõi Vô Lượng Thọ, tự nhiên hóa sanh trong hoa bảy báu.
Di Lặc hãy nên biết! Người hóa sanh ấy do trí huệ thù thắng, còn kẻ thai sanh đều là không có trí huệ, trong năm trăm năm, thường chẳng thấy Phật, chẳng nghe kinh pháp, chẳng thấy các vị Bồ Tát và Thanh Văn, không có cách nào cúng dường Phật, chẳng biết pháp thức của Bồ Tát, chẳng được tu tập công đức. Hãy nên biết người ấy trong đời trước chẳng có trí huệ, do nghi hoặc mà nên nỗi!
Phật cáo Di Lặc: – Ví như Chuyển Luân thánh vương có lao ngục bằng bảy báu, các thứ trang nghiêm, xếp đặt giường, màn, treo các phan, lọng. Nếu có các tiểu vương tử mắc tội với vua, liền bị giam vào trong ngục ấy, dùng xích vàng trói lại. Họ được cung cấp cơm ăn, y phục, giường, đệm, hoa, hương, kỹ nhạc, như vua Chuyển Luân, chẳng bị thiếu thốn, ý ông nghĩ sao? Các vương tử ấy có ưa thích nơi đó hay chăng?
Thưa rằng: – Không ạ! Họ chỉ dùng đủ mọi phương tiện, cầu cứu những người có thế lực lớn, mong được thoát ra.
Đức Phật bảo ngài Di Lặc: – Các chúng sanh ấy cũng giống như thế. Do nghi hoặc Phật trí, sanh trong cung điện bảy báu ấy, chẳng có hình phạt, cho đến chẳng có sự ác trong khoảng một niệm, chỉ là trong năm trăm năm, chẳng thấy Tam Bảo, chẳng được cúng dường, tu các cội lành, coi đó là khổ. Tuy có các điều vui khác, vẫn chẳng ưa thích chỗ đó! Nếu các chúng sanh ấy, biết rõ cái tội gốc của chính mình, tự hối hận, tự trách sâu xa, cầu lìa chốn ấy, liền được như ý, đến chỗ Vô Lượng Thọ Phật, cung kính cúng dường, cũng được đến trọn khắp vô lượng vô số chỗ của các vị Phật khác, tu các công đức. Di Lặc hãy nên biết! Nếu có Bồ Tát, sanh lòng ngờ vực, sẽ đánh mất lợi ích to lớn. Vì thế, hãy nên tin tưởng rành rẽ trí huệ vô thượng của chư Phật).
“Nhĩ thời, Phật cáo A Nan cập Từ Thị Bồ Tát” (khi ấy, đức Phật bảo ngài A Nan và Từ Thị Bồ Tát): “Từ Thị Bồ Tát” là Di Lặc Bồ Tát, tiếng Hán dịch [danh hiệu Di Lặc] thành Từ Thị. “Nhữ kiến bỉ quốc, tùng địa dĩ thượng, chí Tịnh Cư Thiên, kỳ trung sở hữu vi diệu nghiêm tịnh tự nhiên chi vật, vi tất kiến phủ?” (ông thấy cõi ấy, từ mặt đất trở lên cho đến cõi trời Tịnh Cư, tất cả những vật tự nhiên vi diệu trang nghiêm, thanh tịnh trong ấy, ông có đều trông thấy hay chăng?) Các vị đều trông thấy cõi nước An Dưỡng ấy, hãy xem từ mặt đất cho đến bầu trời, hãy xem Tịnh Cư Thiên. Tịnh Cư Thiên (Śuddhāvāsa) là Tứ Thiền Thiên, tất cả những vật tự nhiên thanh tịnh, trang nghiêm trong ấy, các vị có thảy đều trông thấy hay chăng? “A Nan đối viết: – Dụy nhiên, dĩ kiến” (ngài A Nan thưa: – Vâng ạ! Con đã thấy): Chúng con thảy đều trông thấy.
Ở chỗ này, đáng lẽ phải thêm hai chữ [“Phật ngôn” vào trước câu kinh kế tiếp]. “Phật ngôn: – Nhữ ninh phục văn Vô Lượng Thọ Phật đại âm tuyên bố nhất thiết thế giới hóa chúng sanh phủ?” (đức Phật nói: – Ông lại còn nghe âm thanh to lớn của Vô Lượng Thọ Phật tuyên bố trong hết thảy các thế giới để giáo hóa chúng sanh hay chăng?) Quý vị có nghe thấy âm thanh thuyết pháp của Vô Lượng Thọ Phật? Ngài ở nơi đó, tuyên bố giáo hóa hết thảy các thế giới. Các ông có nghe âm thanh giáo hóa chúng sanh hay không? Chữ Bất (不) ở đây [do dùng ở cuối câu, mang ý nghĩa nghi vấn], phải đọc là Fǒu (ㄈㄡˇ, âm Hán Việt là Phủ). “A Nan đối viết: – Dụy nhiên, dĩ văn” (ngài A Nan thưa: – Vâng ạ, con đã nghe): Con đều nghe thấy.
Đức Phật lại hỏi: “Bỉ quốc nhân dân, thừa bách thiên do-tuần thất bảo cung điện, vô sở chướng ngại, biến chí thập phương cúng dường chư Phật, nhữ phục kiến phủ?” (nhân dân trong nước ấy, cưỡi cung điện bằng bảy báu, to trăm ngàn do-tuần, chẳng bị chướng ngại, đến trọn khắp mười phương để cúng dường chư Phật. Ông có lại trông thấy hay không?): Đây càng là cảnh giới đặc biệt của Tây Phương Cực Lạc thế giới. [Nhân dân] từ Tây Phương Cực Lạc thế giới đến các quốc độ của chư Phật để cúng dường đều có thần thông, đều là bay đến, bay đi. Họ còn có đại phước báo, đều ngồi trong cung điện bảy báu, đưa cung điện bảy báu đến các quốc độ của mười phương chư Phật để cúng dường chư Phật. Khi ấy, quý vị có trông thấy hay chăng? Đấy là cảnh giới Phật lực chẳng thể nghĩ bàn, nhất định có chuyện ấy. Nay chúng tôi dùng tỷ dụ, hiện thời, kẻ có tiền đi đến đâu đều ngồi máy bay. Quý vị có thấy họ ngồi máy bay trên không trung, bay tới nước Mỹ, bay tới châu Âu, có ý nghĩa này. “Đối viết: – Dĩ kiến” (thưa rằng: – Con đã thấy).
“Bỉ quốc nhân dân, hữu thai sanh giả, nhữ phục kiến phủ? Đối viết: Dĩ kiến. Kỳ thai sanh giả, hoặc bách do-tuần, hoặc ngũ bách do-tuần, các ư kỳ trung thọ chư khoái lạc, như Đao Lợi thiên thượng, diệc giai tự nhiên” (nhân dân trong cõi ấy có kẻ thai sanh, ông lại có thấy hay chăng? Thưa rằng: “Đã thấy”. “Kẻ thai sanh ở trong cung điện, hoặc to một trăm do-tuần, hoặc năm trăm do-tuần, ai nấy ở trong đó hưởng những sự vui sướng như trên cõi trời Đao Lợi, cũng đều là tự nhiên”): Nhân dân trong cõi ấy có kẻ thai sanh, quý vị có trông thấy hay không? Ngài A Nan trả lời: “Con đã thấy”. Thấy thai sanh như thế nào? Ở trong cung điện, hoặc là to một trăm do-tuần, hoặc to năm trăm do-tuần, đều tự ở trong cung điện rất vui sướng, vui sướng cỡ nào? Vui sướng như trên cõi trời Đao Lợi. Trong phần trên đã nói nơi ấy chính là Biên Địa của Tây Phương, suốt năm trăm năm chẳng nghe danh hiệu Tam Bảo, giống như đọa vào trong thai mẹ, nên gọi là “thai sanh”.
“Nhĩ thời, Từ Thị Bồ Tát bạch Phật ngôn: – Thế Tôn! Hà nhân, hà duyên, bỉ quốc nhân dân, thai sanh, hóa sanh?” (lúc bấy giờ, Từ Thị Bồ Tát bạch đức Phật rằng: – Bạch Thế Tôn, do nhân duyên gì mà nhân dân trong cõi ấy có thai sanh và hóa sanh): Từ Thị Bồ Tát là Di Lặc Bồ Tát. Ngài họ Từ (Maitreya), nên gọi là Từ Thị, giống như hiện thời chúng ta họ Trương thì gọi là Trương Thị, họ Vương thì gọi là Vương Thị. Tên Ngài là A Dật Đa (Ajita), dịch sang tiếng Hán là Vô Năng Thắng (無能勝, không ai có thể vượt trỗi được). Bộ kinh Vô Lượng Thọ này gọi Ngài là Từ Thị Bồ Tát. Do Ngài thưa hỏi đức Thế Tôn vì nhân duyên nào mà nhân dân trong cõi ấy có thai sanh và hóa sanh? “Bỉ quốc” là cõi Vô Lượng Thọ. Trong phần trên đã nói tôn giả A Nan chính mắt trông thấy Vô Lượng Thọ Phật và Tây Phương An Lạc thế giới, trông thấy nhân dân ở trong cung điện đến cúng dường mười phương chư Phật, còn trông thấy những người thai sanh ở trong cung điện bảy báu đều rất vui sướng, vui sướng như ở trong cung trời Đao Lợi vậy. Di Lặc Bồ Tát sợ chúng ta không hiểu, liền thay chúng ta thưa hỏi: “Vì sao thế giới An Lạc có thai sanh? Còn có kẻ hóa sanh? Xin đức Phật khai thị!”
“Phật cáo Từ Thị” nghĩa là đức Phật Thích Ca bảo Từ Thị Bồ Tát. “Nhược hữu chúng sanh, dĩ nghi hoặc tâm, tu chư công đức, nguyện sanh bỉ quốc, bất liễu Phật trí, bất tư nghị trí, bất khả xưng trí, Đại Thừa quảng trí, vô đẳng vô luân tối thượng thắng trí, ư thử chư trí, nghi hoặc bất tín, nhiên do tín tội phước, tu tập thiện bổn, nguyện sanh kỳ quốc. Thử chư chúng sanh, sanh bỉ cung điện, thọ ngũ bách tuế, thường bất kiến Phật, bất văn kinh pháp, bất kiến Bồ Tát, Thanh Văn thánh chúng” (nếu có chúng sanh dùng cái tâm ngờ vực để tu các công đức, nguyện sanh về cõi ấy, chẳng hiểu rõ Phật trí, trí chẳng thể nghĩ bàn, trí chẳng thể diễn tả, trí Đại Thừa rộng lớn, trí tối thượng thù thắng không sánh bằng, đối với các trí ấy, ngờ vực chẳng tin, nhưng vẫn tin tội phước, tu tập cội lành, nguyện sanh về cõi ấy. Các chúng sanh đó sống trong cung điện ấy, thọ năm trăm năm, thường chẳng thấy Phật, chẳng nghe kinh pháp, chẳng thấy Bồ Tát, Thanh Văn thánh chúng): Đấy là đức Phật Thích Ca trả lời Di Lặc Bồ Tát, cũng nhằm nói cho chúng ta nghe. Trong phần trước đã có nói, Biên Địa của Tây Phương Cực Lạc thế giới gọi là Nghi Thành, còn gọi là Thai Cung. Nay do tôn giả A Nan đích thân trông thấy, Di Lặc Bồ Tát lại thưa hỏi, lại xin đức Phật giải thích ngõ hầu chúng ta hiểu rõ hơn đôi chút. “Nhược hữu chúng sanh, dĩ nghi hoặc tâm, tu chư công đức” (nếu có chúng sanh dùng tâm nghi hoặc để tu các công đức): Cái tâm nghi hoặc ấy chẳng phải là nghi ngờ không tin, mà là chẳng tin vào trí huệ của Phật. Nếu kẻ ấy nghi mà chẳng tin, sẽ chẳng tu các công đức. Vì kẻ ấy chẳng đủ trí huệ, [cho nên có] nỗi nghi hoặc ấy, nhưng kẻ đó vẫn tu công đức, vẫn nguyện sanh về cõi ấy. Vậy thì sanh về đâu? Kết quả là sanh về Biên Địa của Tây Phương, vào trong cung điện bảy báu. Đấy là do kẻ ấy nghi hoặc, nghi hoặc điều gì vậy? Nghi hoặc là vì trí huệ của chính kẻ ấy chẳng đủ. “Bất liễu Phật trí” (chẳng hiểu rõ Phật trí): Câu này nói tổng quát, kẻ ấy chẳng thể hiểu rõ trí huệ của Phật. Trí huệ của Phật là trí huệ gì vậy? Kế đó, [đức Phật] lại giảng rõ. “Bất tư nghị trí”: Trí huệ của Phật quá sâu, phàm phu chẳng thể nghĩ bàn được. “Bất khả xưng trí”: Người khác xưng tụng, tán dương trí huệ của Phật to lớn cỡ nào, vẫn đều là chẳng thể xưng dương, tán thán. Đấy là nói trí huệ của đức Phật rất rộng lớn. Do trí huệ của Phật quá rộng lớn, chẳng thể diễn tả nổi! “Đại Thừa quảng trí”: Hết thảy các pháp, không gì chẳng biết, không gì chẳng hiểu. Đức Phật biết quá ư là nhiều, phàm phu chẳng thể thấu hiểu trí huệ của đức Phật to cỡ nào. “Vô đẳng vô luân tối thượng thắng trí”: Trí huệ của Tam Thừa thánh nhân, tức Thanh Văn, Duyên Giác, và Bồ Tát đều chẳng sánh bằng trí huệ của đức Phật, mà cũng chẳng thể so sánh được! “Đẳng luân” (等倫) là so sánh, chẳng có cách nào so sánh, vì trí huệ của đức Phật là “tối thượng thắng trí” (trí thù thắng tối thượng). Trên đây là biệt thuyết (nói từng điều riêng biệt), kế đó lại tổng kết: “Ư thử chư trí, nghi hoặc bất tín” (đối với các trí huệ ấy, ngờ vực chẳng tin): Trí huệ của đức Phật to như vậy, chúng ta chẳng có cách nào thấu hiểu. Đây là nghi hoặc, chứ chẳng phải là hoàn toàn không tin. “Nhiên do tín tội phước” (nhưng vẫn tin tội phước), “nhiên” (然) là từ ngữ chuyển tiếp [hàm nghĩa “tuy vậy”], kẻ đó vẫn tin tưởng nhân quả báo ứng, tức là làm ác nhất định phải chịu tội, tu thiện nhất định được phước. Kẻ ấy tin tưởng chuyện này. “Tu tập thiện bổn, nguyện sanh kỳ quốc” (tu tập cội lành, nguyện sanh về cõi ấy): Kẻ ấy tu rộng rãi hết thảy các thiện sự, mong cầu phước; do vậy, đem các công đức tu các cội lành hồi hướng Tây Phương, nguyện sanh về cõi ấy.
“Thử chư chúng sanh, sanh bỉ cung điện” (các chúng sanh ấy sanh trong cung điện đó): Loại chúng sanh ấy, tức là những chúng sanh hoài nghi trí huệ cao sâu rộng lớn của Phật, sanh về Tây Phương Cực Lạc, sẽ sanh trong cung điện bảy báu nơi Biên Địa của Tây Phương. “Thọ ngũ bách tuế”: Thọ mạng dài năm trăm năm, ở trong cung điện bảy báu, bị nhốt suốt năm trăm năm. Chẳng phải là sau năm trăm năm sẽ chết, mà là ở trong cung điện bên đó năm trăm năm, giống như bị giam trong ngục. “Thường bất kiến Phật” (thường chẳng thấy Phật), mà cũng “bất văn kinh pháp” (chẳng nghe kinh pháp), cũng “bất kiến Bồ Tát, Thanh Văn thánh chúng” (chẳng thấy Bồ Tát, Thanh Văn thánh chúng), tức là chẳng thấy tăng nhân. “Thị cố ư bỉ quốc độ, vị chi thai sanh” (do vậy được gọi là “thai sanh” trong cõi nước ấy): Chẳng thấy cảnh giới bên ngoài, tức là cảnh giới Phật, Pháp, Tăng Tam Bảo, giống như chúng ta ở trong thai mẹ suốt mười tháng nơi thế giới Sa Bà, nên đặt ra một danh xưng là Thai Sanh.
Lại nói tiếp Hóa Sanh là gì? “Nhược hữu chúng sanh, minh tín Phật trí” (nếu có chúng sanh tin hiểu rõ ràng Phật trí): “Minh” là hiểu rõ, “tín” là tín ngưỡng, hiểu rõ trí huệ của Phật, tin tưởng, ngưỡng mộ trí huệ của Phật. “Nãi chí thắng trí”, “nãi chí” (乃至) là từ ngữ tỉnh lược, [hàm nghĩa] hiểu rõ Phật trí cho đến những trí đã nói trên đây, tức “bất tư nghị trí, bất khả xưng trí, Đại Thừa quảng trí, nãi chí vô đẳng vô luân tối thượng thắng trí”: Thảy đều hiểu rõ, sanh lòng tín ngưỡng. “Tác chư công đức, tín tâm hồi hướng” (làm các công đức, tín tâm hồi hướng): Đến cõi Tây Phương Cực Lạc thế giới, “thử chư chúng sanh, ư thất bảo hoa trung, tự nhiên hóa sanh” (các chúng sanh ấy tự nhiên hóa sanh trong hoa bảy báu): Ở trong hoa sen bảy báu đều là chúng sanh hóa sanh, tự nhiên hóa sanh trong hoa sen bảy báu. “Già phu nhi tọa”: Hai đùi xếp chéo nhau, gọi là “già phu tọa” (跏趺坐, ngồi xếp bằng, ngồi kiết già). “Tu du chi khoảnh, thân tướng, quang minh, trí huệ, công đức, như chư Bồ Tát cụ túc thành tựu” (trong khoảnh khắc, thân tướng, quang minh, trí huệ, công đức thành tựu trọn đủ như các vị Bồ Tát): “Tu du chi khoảnh” là thời gian rất ngắn. Ví như một chúng sanh niệm Phật trong thế giới Sa Bà, tới khi lâm chung, A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, đích thân trông thấy A Di Đà Phật, gá thân vào đài hoa sen, ngồi trong hoa sen sanh về Tây Phương. Hoa nở thấy Phật, hoa sen vừa nở, chúng sanh ấy bước ra đảnh lễ đức Phật, nghe Phật thuyết pháp. Thời gian ấy chừng bao lâu? “Đàn chỉ chi khoảnh”, tức là thời gian khảy ngón tay một cái, đã sanh về Tây Phương, hoa nở thấy Phật. Vì thế, “tu du chi khoảnh” (trong khoảnh khắc), người ấy từ hoa sen bước ra, thân tướng, trang nghiêm, đều là ba mươi hai tướng, cũng có quang minh, hết thảy trí huệ, hết thảy công đức đều giống như các vị Bồ Tát khác, đều thành tựu trọn đủ.
“Phục thứ Từ Thị!” (lại nữa, Từ Thị): Đức Phật lại gọi Di Lặc Bồ Tát một tiếng. “Tha phương chư đại Bồ Tát, phát tâm dục kiến Vô Lượng Thọ Phật” (các vị đại Bồ Tát trong các phương khác, phát tâm muốn thấy Vô Lượng Thọ Phật): Trong hư không có vô biên thế giới, trong các thế giới phương khác cũng có những vị đại Bồ Tát phát tâm muốn thấy Vô Lượng Thọ Phật. “Cung kính cúng dường, cập chư Bồ Tát, Thanh Văn thánh chúng” (cung kính cúng dường Phật và các vị đại Bồ Tát, Thanh Văn thánh chúng): Lại còn cúng dường các vị đại Bồ Tát và Thanh Văn thánh chúng. “Bỉ Bồ Tát đẳng, mạng chung đắc sanh Vô Lượng Thọ quốc” (các hàng Bồ Tát ấy, mạng chung sẽ được sanh về cõi Vô Lượng Thọ): “Bỉ Bồ Tát đẳng” là những Bồ Tát ở các thế giới phương khác, đến khi mạng chung, sẽ sanh vào cõi Vô Lượng Thọ, “ư thất bảo hoa trung, tự nhiên hóa sanh” (tự nhiên hóa sanh trong hoa bảy báu).
“Di Lặc đương tri! Bỉ hóa sanh giả, trí huệ thắng cố” (Di Lặc hãy nên biết, những người hóa sanh là do trí huệ thù thắng): Đức Phật bảo: “Di Lặc! Ông hãy nên biết, vì sao họ có thể hóa sanh? Vì trí huệ của họ thù thắng vượt trỗi”. “Kỳ thai sanh giả, giai vô trí huệ” (những kẻ thai sanh đều chẳng có trí huệ): Thai sanh là vì họ chẳng có trí huệ. Nói đến trí huệ to lớn của đức Phật, họ chẳng thể tiếp nhận, chẳng thể tín ngưỡng. “Ư ngũ bách tuế trung, thường bất kiến Phật, bất văn kinh pháp, bất kiến Bồ Tát, chư Thanh Văn chúng” (trong năm trăm năm, thường chẳng thấy Phật, chẳng nghe kinh pháp, chẳng thấy Bồ Tát và các vị Thanh Văn). Kẻ ấy sanh về Tây Phương Biên Địa, sanh trong cung điện bảy báu, chẳng thấy Phật, chẳng nghe kinh pháp, chẳng thấy Tăng, chẳng thấy Tam Bảo. “Vô do cúng dường ư Phật” (không có cách nào cúng dường Phật): Kẻ ấy chẳng thấy Phật, cúng dường bằng cách nào đây? Chẳng có cách nào cúng dường! “Bất tri Bồ Tát pháp thức” (chẳng biết pháp thức của hàng Bồ Tát): Có gì để uốn nắn kẻ ấy, [kẻ ấy] cũng chẳng biết, vì kẻ ấy chẳng thấy Bồ Tát. “Bất đắc tu tập công đức” (chẳng được tu tập công đức): Đã đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, vẫn phải dụng công tu tập công đức, kẻ ấy cũng không biết. “Đương tri thử nhân, túc thế chi thời, vô hữu trí huệ, nghi hoặc sở trí” (hãy nên biết kẻ ấy trong đời trước chẳng có trí huệ, do nghi hoặc mà nên nỗi): Hãy nên biết, kẻ ấy sanh vào Biên Địa của Tây Phương. “Túc thế” (宿世) là đời trước, kiếp trước chẳng có trí huệ. “Nghi hoặc”: Nghi hoặc Phật chẳng có trí huệ to lớn dường ấy, do vậy, sanh vào Biên Địa của Tây Phương.
“Phật cáo Di Lặc: – Thí như Chuyển Luân thánh vương, hữu thất bảo lao ngục, chủng chủng trang nghiêm, trương thiết sàng trướng, huyền chư tăng cái” (đức Phật bảo ngài Di Lặc: – Ví như Chuyển Luân thánh vương có lao tù bằng bảy báu, trang nghiêm mọi thứ, xếp bày giường, màn, treo các phan lọng): Chúng ta thấy chúng sanh thai sanh tại Biên Địa như đã nói trong phần trước chẳng hề chịu khổ, họ vẫn đang hưởng sự vui, chẳng có gì không tốt đẹp. Ở đây bèn nói một tỷ dụ, quý vị sẽ biết họ chẳng vui thích! Ví như người có phước báo nhất trong thế giới Sa Bà là Chuyển Luân thánh vương. Chuyển Luân thánh vương có nhà tù bằng bảy báu. Đấy là một nhà giam, trong ấy vẫn có đủ mọi thứ trang nghiêm, vẫn treo bày màn, giường, còn treo phan, treo lọng, hết sức trang nghiêm. “Nhược hữu chư tiểu vương tử, đắc tội ư vương” (nếu có các tiểu vương tử mắc tội với vua), tiểu vương tử đắc tội với Chuyển Luân thánh vương, “triếp nội bỉ ngục trung” (liền bị nhốt vào ngục đó). Chữ Nội (內) đọc là Nà (ㄋㄚˋ), tống họ vào trong nhà tù bảy báu. “Hệ dĩ kim tỏa, cúng dường phạn thực, y phục, sàng nhục, hoa hương, kỹ nhạc” (trói bằng xích vàng, cung cấp cơm nước, quần áo, giường đệm, hoa, hương, âm nhạc): Trói bằng xiềng xích quý báu, còn là bằng vàng, chẳng phải bằng sắt. “Cúng dường phạn thực”: Ăn những thứ ngon lành nhất, lại còn có y phục, giường, đệm, toàn là cung cấp những thứ tốt đẹp nhất, lại còn có các thứ hoa thơm, kỹ nhạc cúng dường. “Như Chuyển Luân vương, vô sở thiểu phạp” (như vua Chuyển Luân chẳng hề thiếu thốn): Hưởng thụ chẳng khác Chuyển Luân thánh vương cho mấy, chẳng thiếu thốn gì! “Ư ý vân hà?” (ý ông nghĩ sao): [Đức Phật] hỏi Di Lặc Bồ Tát. “Thử chư vương tử, ninh nhạo bỉ xứ phủ?” (các vương tử ấy há có ưa thích nơi ấy hay không?) Chữ Nhạo (樂)8 ở đây đọc là Yào (ㄧㄠˋ), tức là chữ Nhạo trong Hảo Nhạo Bất Hảo Nhạo (có ưa thích hay không). “Đối viết: Bất dã!” (thưa: – Không ạ!): Chữ Bất (不) trong câu trước đọc là Fǒu (ㄈㄡˇ, Phủ), chữ Bất trong câu dưới đọc là Bù (ㄅㄨˋ, âm Hán Việt là Bất), [ý nói] họ chẳng ưa thích. “Đản chủng chủng phương tiện, cầu chư đại lực” (chỉ dùng đủ mọi phương tiện cầu cạnh bậc có thế lực lớn): Trong tâm họ rất nóng ruột, hết sức bồn chồn, mong mỏi có ai có sức mạnh to lớn đến bảo đảm cho họ thoát ra. “Dục tự miễn xuất” là có thể cứu họ ra. Do vậy, đối với đủ mọi thứ hưởng thụ trong lao ngục bảy báu, họ chẳng vui sướng.
“Phật cáo Di Lặc: – Thử chư chúng sanh, diệc phục như thị” (đức Phật bảo ngài Di Lặc: – Các chúng sanh ấy cũng giống như thế): “Thử chư chúng sanh” là các chúng sanh trong lầu gác bảy báu nơi Tây Phương Biên Địa, “diệc phục như thị”, [ý nói] cũng giống như các tiểu vương tử trong lao ngục bằng bảy báu của Chuyển Luân thánh vương. “Dĩ nghi hoặc Phật trí cố”, [nghĩa là] do họ nghi hoặc trí huệ của Phật. “Sanh bỉ thất bảo cung điện, vô hữu hình phạt, nãi chí nhất niệm ác sự” (sanh trong cung điện bảy báu ấy, chẳng có hình phạt, cho đến chẳng có ác sự trong khoảng một niệm): Sanh trong cung điện ấy chẳng có một chút hình phạt khổ sở nào, cho đến mảy may ác sự cũng chẳng có, cớ sao chẳng tốt đẹp? “Đản ư ngũ bách tuế trung, bất kiến Tam Bảo, bất đắc cúng dường, tu chư thiện bổn, dĩ thử vi khổ, tuy hữu dư lạc, do bất nhạo bỉ xứ” (chỉ vì trong năm trăm năm, chẳng thấy Tam Bảo, chẳng được cúng dường, tu các cội lành, coi đó là khổ, tuy có những sự vui khác, vẫn chẳng ưa thích nơi ấy). “Dư lạc”, chữ Lạc (樂) đọc là Luò (ㄌㄜˋ, Lạc), không đọc là Yào (ㄧㄠˋ, Nhạo). Tuy có những thứ vui sướng khác, nhưng chẳng ưa thích chốn ấy.
“Nhược thử chúng sanh, thức kỳ bổn tội” (nếu các chúng sanh ấy, biết cái tội gốc của chính mình): Giả sử chúng sanh trong thai cung bảy báu ấy biết chính mình hoài nghi trí huệ của Phật là cái tội gốc của chính mình. “Thâm tự hối trách” (tự hối trách sâu xa): Tự mình cầu sám hối, quở trách chính mình chẳng nên hoài nghi trí huệ của đức Phật. “Cầu ly bỉ xứ” (cầu lìa khỏi chỗ ấy): Mong cầu ngay lập tức thoát khỏi chỗ ấy. “Tức đắc như ý” (liền được như ý): Quý vị vừa cầu sám hối, ngay lập tức thoát ra. “Vãng nghệ Vô Lượng Thọ Phật sở, cung kính cúng dường” (tới chỗ Vô Lượng Thọ Phật, cung kính, cúng dường): Quý vị bèn tức khắc “vãng nghệ”, “nghệ” (詣) là đến, đến chỗ Vô Lượng Thọ Phật, bèn “cung kính cúng dường”. “Diệc đắc biến chí vô lượng vô số chư dư Phật sở, tu chư công đức” (cũng được đến khắp chỗ của vô số chư Phật, tu các công đức): Quý vị thấy Vô Lượng Thọ Phật, còn có thần thông, tức là có thể đến vô lượng thế giới của chư Phật, đến cúng dường vô lượng chư Phật, ở trước vô lượng chư Phật, “tu chư công đức”.
“Di Lặc đương tri”: Đức Phật tổng kết đoạn văn này, bảo Di Lặc Bồ Tát hãy nên biết, tức là bảo chúng ta hãy nên biết. “Kỳ hữu Bồ Tát” (nếu có Bồ Tát): Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới đều là đại Bồ Tát. “Sanh nghi hoặc giả, vi thất đại lợi” (do sanh nghi hoặc mà đánh mất lợi lớn): Nếu quý vị sanh tâm nghi hoặc, nghi hoặc Phật chẳng có trí huệ to lớn như vậy; vậy thì quý vị sẽ mất lợi ích to tát, tối thiểu là năm trăm năm chẳng thấy Tam Bảo. “Thị cố ưng đương minh tín chư Phật vô thượng trí huệ” (vì thế, hãy nên tin rõ trí huệ vô thượng của chư Phật): Các vị phải nên hiểu rõ, tín phụng trí huệ vô thượng của chư Phật, như vậy thì sẽ chẳng đánh mất lợi ích to lớn, sẽ hóa sanh trong hoa sen bảy báu.
Đoạn này nhằm nói Tây Phương có Biên Địa, còn gọi là Nghi Thành, còn gọi là Thai Cung, đã giảng xong đoạn này. Giả như chúng ta có nghi vấn thì chúng ta cũng là kẻ chẳng có trí huệ. Chúng ta niệm Phật vãng sanh Tây Phương, sẽ hóa sanh trong hoa sen, hay thai sanh trong cung điện bảy báu? Có nghi hoặc, chúng ta hãy giải trừ. Chúng sanh sanh trong thai cung là vì mắc khuyết điểm chính mình chẳng có trí huệ, hoài nghi trí huệ của Phật. Chúng ta sẽ chẳng sanh vào thai cung, mà nhất định hóa sanh trong hoa sen. Vì sao? Chúng ta chẳng hoài nghi trí huệ của Phật. Đương nhiên là đức Phật có trí huệ chẳng thể nghĩ bàn, đương nhiên là Ngài có trí huệ chẳng thể xưng tụng, tán dương, Ngài có trí huệ rộng lớn, Ngài có trí huệ tối thượng thắng không gì so sánh được. Chúng ta đều tin tưởng, ngưỡng mộ đức Phật, chẳng hoài nghi mảy may. Đức Phật dạy chúng ta phát Bồ Đề tâm, tu các công đức, vãng sanh Tây Phương, chúng ta bèn phát Bồ Đề tâm, tùy sức, tùy phần làm các việc lành, tu các công đức, niệm danh hiệu Vô Lượng Thọ Phật cầu sanh Tây Phương, nhất định sẽ hóa sanh trong hoa sen. Đức Phật nói những chúng sanh không có trí huệ, khi ở trong thế giới Sa Bà, bản thân họ chẳng có trí huệ, chẳng thân cận bậc danh sư, chẳng nghe kinh pháp. Họ thân cận một vị thiện tri thức nào đó, vị ấy chẳng cao minh cho lắm, chỉ biết chớ nên làm chuyện ác, hễ làm sẽ tạo tội. Phải làm thiện sự, làm để mong cầu phước. Nói về nhân quả báo ứng, họ sẽ tiếp nhận. [Bảo họ] “quý vị phải niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tây Phương”, họ tiếp nhận, sanh về như thế đó. Vị thiện tri thức ấy đối với kinh pháp, chẳng hiểu rõ, cũng chẳng biết trí huệ của Phật, chẳng giảng cho họ nghe. Tới khi có người nói “đức Phật có trí huệ to lớn dường ấy, thật sự sâu ngần ấy”, họ bèn hoài nghi. Đấy là vì chẳng thân cận bậc danh sư, chẳng nghe kinh pháp, lỗi lầm ở chỗ này. Nếu chúng ta là người thường nghe kinh điển Đại Thừa, đối với trí huệ chẳng thể nghĩ bàn của Phật, sẽ nghe rất nhiều, nhất định sẽ tin tưởng, sẽ tuyệt đối chẳng hoài nghi. Vì vậy, chúng ta phát Bồ Đề tâm, niệm Phật cầu sanh Tây Phương, không chỉ là hoa sen hóa sanh, mà còn là thượng phẩm thượng sanh. Qua sự biện định này, chúng ta chắc chắn hóa sanh trong hoa sen vì chúng ta chẳng hoài nghi trí huệ của đức Phật. Những kẻ hoài nghi trí huệ của Phật như kinh đã nói, đều là những kẻ thật thà niệm Phật, [nhưng] chẳng thân cận danh sư, chẳng nghe nhiều kinh pháp.
Nhưng trong thời đại hiện tại, còn có các đệ tử Phật thông minh, trí huệ, nhưng chẳng tin tưởng Phật có trí huệ rộng lớn cho lắm. Đó là chuyện rất kỳ quái! Gần đây, những sách báo Phật giáo xuất bản rất nhiều, thường xuyên có những bài viết phát biểu kỳ quái. Họ nói xằng bậy đức Phật là một kẻ bình phàm, chẳng có gì đặc biệt, tuyệt diệu gì cả, vì Ngài có cha, mẹ, vợ, con, giống hệt như bọn chúng ta! Những điều được nói trong kinh Phật như đức Phật có trí huệ to lớn dường ấy, thần thông lớn dường ấy, [đối với những kẻ xằng bậy ấy], đều là chuyện chẳng đáng tin, đều là do người đời sau sùng bái, cung kính đức Phật mà tán thán. Càng tán thán [đức Phật càng trở thành] càng cao minh, tán thán Phật đến mức chẳng thể nghĩ bàn! Kẻ viết những bài ấy, ngay cả kinh Đại Thừa cũng chẳng tin tưởng. Họ còn nói kinh Đại Thừa toàn là do người đời sau ngụy tạo, căn bản là chẳng phải do đức Phật nói. Họ khăng khăng lôi đức Phật từ tòa sen xuống, [đặt Ngài] ngồi trên chiếc ghế nhỏ, nói đức Phật chẳng có gì cao minh cả! Kẻ có thể viết văn đương nhiên là đệ tử Phật thông minh, [thế nhưng] ương ngạnh, chẳng tin tưởng đức Phật, hoài nghi đức Phật như thế đó, thật sự là kỳ quái! Chúng ta phải nói thoái lui một bước. Tôi vừa mới nói “chúng ta nhất định sẽ chẳng thai sanh, nhất định sẽ là hóa sanh, vì chúng ta đối với trí huệ của Phật luôn tin tưởng chẳng nghi”. Theo kinh Vô Lượng Thọ dạy, kẻ chẳng có trí huệ ấy, so với sống trong thế giới Sa Bà thì [sanh về Cực Lạc] vẫn tốt đẹp hơn! Chỉ cần sanh về Tây Phương, sanh trong Biên Địa Thai Cung, bất quá năm trăm năm chẳng thấy Tam Bảo. Sau năm trăm năm, họ vẫn thấy Phật, nghe pháp, khi ấy bèn có trọn đủ thần thông, cúng dường vô lượng chư Phật, so ra vẫn tốt hơn làm một phàm phu khổ não trong thế giới Sa Bà từ vô thỉ kiếp tới nay! Hiện thời làm một kẻ chẳng thể sanh về Tây Phương; đời sau, kiếp sau, ai bảo đảm có đọa vào ba ác đạo hay chăng? Thời gian đọa trong ba ác đạo quá dài, chịu khổ vô cùng! Đấy là một bước sa chân, trở thành nỗi hận ngàn đời. Do đó, nếu quý vị tin tưởng pháp môn Tịnh Độ, đối với ba tư lương của pháp môn Tịnh Độ, món thứ nhất là quý vị phải tin tưởng, ta tình nguyện sanh về Tây Phương Biên Địa, [bất quá] năm trăm năm chẳng thấy Tam Bảo. Sau năm trăm năm, vẫn được thấy Tam Bảo, ta chẳng muốn ở lại thế giới Sa Bà chịu khổ vô cùng.
Đoạn kinh văn này là Thích Ca Mâu Ni Phật cảnh cáo chúng ta: Nếu quý vị phát nguyện sanh về Tây Phương, nhất định đừng nên hoài nghi trí huệ của Phật. Trong đoạn kinh văn trước đó, đức Phật cũng khai thị quý vị phải phát Bồ Đề tâm, tu các công đức thiện bổn, quyết định là thượng bối vãng sanh trong Tây Phương. Ý của đức Phật là như thế đó, vậy thì chúng ta nghiên cứu kinh Phật, [sẽ thấy] hãy còn có một ý nghĩa khác, chính là [pháp môn Tịnh Độ] tiếp dẫn chúng sanh thấp kém nhất, chúng sanh chẳng có trí huệ. Họ chẳng thể tin tưởng trí huệ của Phật, chúng sanh thấp kém chỉ cần phát nguyện vãng sanh, sẽ có thể vãng sanh. Đấy là một ý nghĩa ở ngoài kinh văn, phô bày đại nguyện, đại lực của A Di Đà: Chúng sanh ngu si chỉ cần bằng lòng vãng sanh, Ngài vẫn có thể tiếp dẫn quý vị về Tây Phương. Đoạn văn kế tiếp nói về những chúng sanh bậc thượng vãng sanh, hoàn toàn là các vị đại Bồ Tát, là bậc Bất Thoái Bồ Tát vãng sanh Tây Phương.
2.2.2.4. Lại nhiếp thọ bậc thượng nhân sanh về cõi ấy
(Kinh) Di Lặc Bồ Tát bạch Phật ngôn: – Thế Tôn! Ư thử thế giới, hữu kỷ sở Bất Thoái Bồ Tát sanh bỉ Phật quốc?
Phật cáo Di Lặc: – Ư thử thế giới, hữu lục thập thất ức Bất Thoái Bồ Tát, vãng sanh bỉ quốc. Nhất nhất Bồ Tát, dĩ tằng cúng dường vô số chư Phật, thứ như Di Lặc giả dã. Chư tiểu hạnh Bồ Tát, cập tu tập thiểu công đức giả, bất khả xưng kế, giai đương vãng sanh.
Phật cáo Di Lặc: – Bất đản ngã sát chư Bồ Tát đẳng, vãng sanh bỉ quốc. Tha phương Phật độ, diệc phục như thị. Kỳ đệ nhất Phật, danh viết Viễn Chiếu, bỉ hữu bách bát thập ức Bồ Tát, giai đương vãng sanh. Kỳ đệ nhị Phật, danh viết Bảo Tạng, bỉ hữu cửu thập ức Bồ Tát, giai đương vãng sanh. Kỳ đệ tam Phật, danh viết Vô Lượng Âm, bỉ hữu nhị bách nhị thập ức Bồ Tát giai đương vãng sanh. Kỳ đệ tứ Phật, danh viết Cam Lộ Vị, bỉ hữu nhị bách ngũ thập ức Bồ Tát giai đương vãng sanh. Kỳ đệ ngũ Phật, danh viết Long Thắng, bỉ hữu thập tứ ức Bồ Tát, giai đương vãng sanh. Kỳ đệ lục Phật, danh viết Thắng Lực, bỉ hữu vạn tứ thiên Bồ Tát, giai đương vãng sanh. Kỳ đệ thất Phật, danh viết Sư Tử, bỉ hữu ngũ bách Bồ Tát giai đương vãng sanh. Kỳ đệ bát Phật, danh viết Ly Cấu Quang, bỉ hữu bát thập ức Bồ Tát, giai đương vãng sanh. Kỳ đệ cửu Phật, danh viết Đức Thủ, bỉ hữu lục thập ức Bồ Tát, giai đương vãng sanh. Kỳ đệ thập Phật, danh viết Diệu Đức Sơn, bỉ hữu lục thập ức Bồ Tát, giai đương vãng sanh. Kỳ đệ thập nhất Phật, danh viết Nhân Vương, bỉ hữu thập ức Bồ Tát, giai đương vãng sanh. Kỳ đệ thập nhị Phật, danh viết Vô Thượng Hoa, bỉ hữu vô số bất khả xưng kế chư Bồ Tát chúng, giai bất thoái chuyển, trí huệ dũng mãnh, dĩ tằng cúng dường vô lượng chư Phật, ư thất nhật trung, tức năng nhiếp thủ bách thiên ức kiếp đại sĩ sở tu kiên cố chi pháp. Tư đẳng Bồ Tát, giai đương vãng sanh. Kỳ đệ thập tam Phật, danh viết Vô Úy, bỉ hữu thất bách cửu thập ức đại Bồ Tát chúng, chư tiểu Bồ Tát, cập tỳ-kheo đẳng, bất khả xưng kế, giai đương vãng sanh.
Phật ngữ Di Lặc: – Bất đản thử thập tứ Phật quốc trung chư Bồ Tát đẳng, đương vãng sanh dã, thập phương thế giới vô lượng Phật quốc, kỳ vãng sanh giả, diệc phục như thị, thậm đa vô số. Ngã đản thuyết thập phương chư Phật danh hiệu, cập Bồ Tát tỳ-kheo sanh bỉ quốc giả, trú dạ nhất kiếp, thượng vị năng tận. Ngã kim vị nhữ lược thuyết chi nhĩ.
(經)彌勒菩薩白佛言:世尊!於此世界,有幾所不退菩薩,生彼佛國?佛告彌勒:於此世界,有六十七億不退菩薩,往生彼國。一一菩薩,已曾供養無數諸佛,次如彌勒者也。諸小行菩薩,及修習少功德者,不可稱計,皆當往生。佛告彌勒:不但我剎諸菩薩等,往生彼國。他方佛土,亦復如是。其第一佛,名曰遠照,彼有百八十億菩薩,皆當往生。其第二佛,名曰寶藏,彼有九十億菩薩,皆當往生。其第三佛,名曰無量音,彼有二百二十億菩薩,皆當往生。其第四佛,名曰甘露味,彼有二百五十億菩薩,皆當往生。其第五佛,名曰龍勝,彼有十四億菩薩,皆當往生。其第六佛,名曰勝力,彼有萬四千菩薩,皆當往生。其第七佛,名曰師子,彼有五百菩薩,皆當往生。其第八佛,名曰離垢光,彼有八十億菩薩,皆當往生。其第九佛,名曰德首,彼有六十億菩薩,皆當往生。其第十佛,名曰妙德山,彼有六十億菩薩,皆當往生。其第十一佛,名曰人王,彼有十億菩薩,皆當往生。其第十二佛,名曰無上華,彼有無數不可稱計諸菩薩眾,皆不退轉,智慧勇猛,已曾供養無量諸佛。於七日中,即能攝取百千億劫大士所修堅固之法。斯等菩薩,皆當往生。其第十三佛,名曰無畏,彼有七百九十億大菩薩眾,諸小菩薩,及比丘等,不可稱計,皆當往生。佛語彌勒:不但此十四佛國中諸菩薩等,當往生也,十方世界無量佛國,其往生者,亦復如是,甚多無數。我但說十方諸佛名號,及菩薩比丘生彼國者,晝夜一劫,尚未能盡。我今為汝略說之耳。
(Kinh: Di Lặc Bồ Tát bạch đức Phật rằng: – Bạch đức Thế Tôn! Trong thế giới này, có bao nhiêu vị Bất Thoái Bồ Tát sanh về cõi Phật ấy?
Đức Phật bảo ngài Di Lặc: – Trong thế giới này có sáu mươi bảy ức Bất Thoái Bồ Tát vãng sanh cõi ấy. Mỗi vị Bồ Tát đã từng cúng dường vô số chư Phật, chỉ kém Di Lặc. Các vị tiểu hạnh Bồ Tát và những người tu tập công đức ít ỏi, chẳng thể nói kể, sẽ đều vãng sanh.
Đức Phật bảo ngài Di Lặc: – Không chỉ riêng các vị Bồ Tát trong cõi ta vãng sanh cõi ấy, mà các cõi Phật ở phương khác cũng giống như thế. Vị Phật thứ nhất tên là Viễn Chiếu, Ngài có một trăm tám mươi ức Bồ Tát sẽ đều vãng sanh. Vị Phật thứ hai tên là Bảo Tạng, Ngài có chín mươi ức Bồ Tát sẽ đều vãng sanh. Vị Phật thứ ba tên là Vô Lượng Âm, Ngài có hai trăm hai mươi ức Bồ Tát sẽ đều vãng sanh. Vị Phật thứ tư, tên là Cam Lộ Vị, Ngài có hai trăm năm mươi ức Bồ Tát sẽ đều vãng sanh. Vị Phật thứ năm tên là Long Thắng, Ngài có mười bốn ức Bồ Tát sẽ đều vãng sanh. Vị Phật thứ sáu tên là Thắng Lực, Ngài có một vạn bốn ngàn vị Bồ Tát, sẽ đều vãng sanh. Vị Phật thứ bảy tên là Sư Tử, Ngài có năm trăm vị Bồ Tát sẽ đều vãng sanh. Vị Phật thứ tám tên là Ly Cấu Quang, Ngài có tám mươi ức Bồ Tát sẽ đều vãng sanh. Vị Phật thứ chín tên là Đức Thủ, Ngài có sáu mươi ức Bồ Tát, sẽ đều vãng sanh. Vị Phật thứ mười tên là Diệu Đức Sơn, Ngài có sáu mươi ức Bồ Tát, sẽ đều vãng sanh. Vị Phật thứ mười một tên là Nhân Vương, Ngài có mười ức Bồ Tát sẽ đều vãng sanh. Vị Phật thứ mười hai tên là Vô Thượng Hoa, Ngài có vô số chẳng thể tính kể các vị Bồ Tát đều là Bất Thoái Chuyển, trí huệ dũng mãnh, đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, trong vòng bảy ngày liền có thể nhiếp thủ các pháp kiên cố do bậc đại sĩ tu tập trong trăm ngàn ức kiếp. Các vị Bồ Tát ấy sẽ đều vãng sanh. Vị Phật thứ mười ba tên là Vô Úy, Ngài có bảy trăm chín mươi ức đại Bồ Tát chúng, các vị tiểu Bồ Tát, và hàng tỳ-kheo v.v… chẳng thể tính kể, sẽ đều vãng sanh.
Đức Phật bảo ngài Di Lặc: – Không chỉ là các vị Bồ Tát trong mười bốn cõi Phật ấy sẽ đều vãng sanh, mà mười phương thế giới vô lượng cõi Phật, những người vãng sanh cũng giống như thế, rất nhiều vô số. Ta chỉ nói danh hiệu của mười phương chư Phật và các vị Bồ Tát, tỳ-kheo sanh về cõi ấy thì trọn một kiếp suốt cả ngày đêm vẫn chẳng thể nói trọn. Ta nay nói đại lược cho ông đó thôi!)
“Di Lặc Bồ Tát bạch Phật ngôn: – Thế Tôn! Ư thử thế giới” (Di Lặc Bồ Tát bạch với đức Phật: – Bạch Thế Tôn! Trong thế giới này): Trong thế giới Sa Bà này, “hữu kỷ sở Bất Thoái Bồ Tát, sanh bỉ Phật quốc” (có bao nhiêu vị Bất Thoái Bồ Tát sanh về cõi Phật ấy): Trong phần trên đã có nói, địa vị thánh hiền có ba loại, địa vị đầu tiên là Thập Trụ vị, các vị ấy là bất thoái chuyển. Địa vị thứ hai là bậc trung, tức Đăng Địa Bồ Tát, các Ngài đã chứng Phật địa bèn bất thoái chuyển. Bất thoái cao nhất là từ Bát Địa Bồ Tát trở lên. Bất luận sâu hay cạn, đều gọi là Bất Thoái Bồ Tát, bất luận địa vị nông cạn nhất là địa vị Tam Hiền, hay địa vị sâu nhất là hàng Bát Địa Bồ Tát trở lên, vậy thì rốt cuộc có bao nhiêu vị Bất Thoái Bồ Tát sanh về cõi ấy?
Đấy đều là chúng sanh bậc thượng vãng sanh. Đức Phật liền trả lời ngài Di Lặc Bồ Tát. “Phật cáo Di Lặc: – Ư thử thế giới” (đức Phật bảo ngài Di Lặc Bồ Tát: – Trong thế giới này), tức là thế giới Sa Bà, có “lục thập thất ức Bất Thoái Bồ Tát vãng sanh bỉ quốc” (sáu mươi bảy ức Bất Thoái Bồ Tát sanh về cõi ấy). Rất nhiều, nhiều đến sáu mươi bảy ức. “Nhất nhất Bồ Tát dĩ tằng cúng dường vô số chư Phật”, ý nói mỗi vị Bồ Tát đã từng cúng dường vô số chư Phật. Không chỉ ở trong thế giới Sa Bà cúng dường Thích Ca Mâu Ni Phật, mà còn cúng dường mười phương thế giới vô lượng vô số chư Phật. “Thứ như Di Lặc giả dã” (kém hơn Di Lặc): Những vị Bồ Tát vừa nói đó, địa vị nông cạn nhất là Thập Trụ vị, địa vị bậc trung là hàng Bồ Tát từ Đăng Địa trở lên, cao hơn nữa là hàng Bồ Tát từ Bát Địa trở lên. Di Lặc Bồ Tát là Nhất Sanh Bổ Xứ Bồ Tát, là bậc Đẳng Giác Bồ Tát cao nhất. Kém hơn Ngài thì cũng là Đẳng Giác Bồ Tát. Dẫu chẳng phải là Bổ Xứ Bồ Tát, nhưng cũng đều là từ Bát Địa trở lên, đã đạt đến địa vị Đẳng Giác Bồ Tát. “Chư tiểu hạnh Bồ Tát, cập tu tập thiểu công đức giả, bất khả xưng kế, giai đương vãng sanh” (các vị tiểu hạnh Bồ Tát và những người tu tập công đức ít ỏi, chẳng thể tính kể, sẽ đều vãng sanh). Đấy là nói tới những người còn chưa vãng sanh, là hàng Bồ Tát trong thế giới Sa Bà. “Tiểu hạnh Bồ Tát” là nói hàng Bồ Tát thuộc địa vị Thập Tín, ngay cả địa vị Tam Hiền còn chưa đạt được. “Bất khả xưng kế” (chẳng thể tính kể): trong phần trước đã nói có sáu mươi bảy ức đại Bồ Tát vãng sanh, những vị tiểu hạnh Bồ Tát, còn có những vị “tu tập thiểu công đức” chẳng thể tính kể, số lượng quá ư là nhiều, “giai đương vãng sanh”, [ý nói] trong tương lai sẽ đều vãng sanh. Câu “tu tập thiểu công đức” giống như kinh Di Đà đã nói: “Bất khả dĩ thiểu thiện căn, phước đức, nhân duyên đắc sanh bỉ quốc” (chẳng thể do ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về cõi ấy). Quý vị tu tập ít công đức, sẽ chẳng thể vãng sanh; quý vị tu tập nhiều, sẽ có thể vãng sanh.
Có người chê pháp môn Tịnh Độ, bảo pháp môn Niệm Phật là pháp môn tiêu cực. Đấy là hủy báng Tịnh Độ. Ba kinh Tịnh Độ, chẳng có kinh nào không dạy chúng ta vun bồi ba loại phước? Quý vị chẳng có phước thì căn bản là chẳng thể vãng sanh. Kinh văn của kinh A Di Đà là: “Bất khả dĩ thiểu thiện căn, phước đức, nhân duyên đắc sanh bỉ quốc” (chẳng thể do ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về cõi ấy). Trong bộ kinh Vô Lượng Thọ này, trước sau chẳng biết đã nói bao nhiêu lần, phải tu các thiện căn cho nhiều, tu các công đức. Tu các công đức thì làm sao mà tiêu cực cho được? Tiêu cực thì làm sao có thể vun bồi công đức, vun bồi thiện căn? Quý vị bận bịu suốt ngày từ sáng đến tối, chẳng phải vì tham danh, tham lợi, [mà vì] tu các công đức, tu các gốc lành, tiêu cực ở chỗ nào? Tiếp đó, [kinh văn] nói: Không chỉ các vị đại Bồ Tát trong thế giới Sa Bà vãng sanh, ngay cả các vị đại Bồ Tát trong những quốc độ khác vãng sanh cũng rất đông. Đoạn kinh văn nói về danh hiệu chư Phật và Bồ Tát, chúng tôi có thể không cần nói tới, mọi người hãy tự xem.
“Phật cáo Di Lặc: – Bất đản ngã sát chư Bồ Tát đẳng, vãng sanh bỉ quốc” (đức Phật bảo ngài Di Lặc: – Không chỉ các hàng Bồ Tát trong cõi ta sanh về nước đó). “Sát” (剎) là thế giới. Không chỉ hàng Bồ Tát trong thế giới Sa Bà vãng sanh cõi ấy, mà “tha phương quốc độ”, tức các cõi nước khác, “diệc phục như thị” (cũng giống như vậy), cũng có chư đại Bồ Tát vãng sanh cõi ấy.
“Kỳ đệ nhất Phật, danh viết Viễn Chiếu, bỉ hữu bách bát thập ức Bồ Tát, giai đương vãng sanh. Kỳ đệ nhị Phật, danh viết Bảo Tạng, bỉ hữu cửu thập ức Bồ Tát, giai đương vãng sanh. Kỳ đệ tam Phật, danh viết Vô Lượng Âm, bỉ hữu nhị bách nhị thập ức Bồ Tát giai đương vãng sanh. Kỳ đệ tứ Phật, danh viết Cam Lộ Vị, bỉ hữu nhị bách ngũ thập ức Bồ Tát giai đương vãng sanh. Kỳ đệ ngũ Phật, danh viết Long Thắng, bỉ hữu thập tứ ức Bồ Tát, giai đương vãng sanh. Kỳ đệ lục Phật, danh viết Thắng Lực, bỉ hữu vạn tứ thiên Bồ Tát, giai đương vãng sanh. Kỳ đệ thất Phật, danh viết Sư Tử, bỉ hữu ngũ bách Bồ Tát giai đương vãng sanh. Kỳ đệ bát Phật, danh viết Ly Cấu Quang, bỉ hữu bát thập ức Bồ Tát, giai đương vãng sanh. Kỳ đệ cửu Phật, danh viết Đức Thủ, bỉ hữu lục thập ức Bồ Tát, giai đương vãng sanh. Kỳ đệ thập Phật, danh viết Diệu Đức Sơn, bỉ hữu lục thập ức Bồ Tát, giai đương vãng sanh. Kỳ đệ thập nhất Phật, danh viết Nhân Vương, bỉ hữu thập ức Bồ Tát, giai đương vãng sanh. Kỳ đệ thập nhị Phật, danh viết Vô Thượng Hoa, bỉ hữu vô số bất khả xưng kế chư Bồ Tát chúng, giai bất thoái chuyển, trí huệ dũng mãnh, dĩ tằng cúng dường vô lượng chư Phật, ư thất nhật trung, tức năng nhiếp thủ bách thiên ức kiếp đại sĩ sở tu kiên cố chi pháp. Tư đẳng Bồ Tát, giai đương vãng sanh. Kỳ đệ thập tam Phật, danh viết Vô Úy, bỉ hữu thất bách cửu thập ức đại Bồ Tát chúng, chư tiểu Bồ Tát, cập tỳ-kheo đẳng, bất khả xưng kế, giai đương vãng sanh” (vị Phật thứ nhất tên là Viễn Chiếu, Ngài có một trăm tám mươi ức Bồ Tát sẽ đều vãng sanh. Vị Phật thứ hai tên là Bảo Tạng, Ngài có chín mươi ức Bồ Tát sẽ đều vãng sanh. Vị Phật thứ ba tên là Vô Lượng Âm, Ngài có hai trăm hai mươi ức Bồ Tát sẽ đều vãng sanh. Vị Phật thứ tư tên là Cam Lộ Vị, Ngài có hai trăm năm mươi ức Bồ Tát sẽ đều vãng sanh. Vị Phật thứ năm tên là Long Thắng, Ngài có mười bốn ức Bồ Tát sẽ đều vãng sanh. Vị Phật thứ sáu tên là Thắng Lực, Ngài có một vạn bốn ngàn vị Bồ Tát, sẽ đều vãng sanh. Vị Phật thứ bảy tên là Sư Tử, Ngài có năm trăm vị Bồ Tát sẽ đều vãng sanh. Vị Phật thứ tám tên là Ly Cấu Quang, Ngài có tám mươi ức Bồ Tát sẽ đều vãng sanh. Vị Phật thứ chín tên là Đức Thủ, Ngài có sáu mươi ức Bồ Tát, sẽ đều vãng sanh. Vị Phật thứ mười tên là Diệu Đức Sơn, Ngài có sáu mươi ức Bồ Tát, sẽ đều vãng sanh. Vị Phật thứ mười một tên là Nhân Vương, Ngài có mười ức Bồ Tát sẽ đều vãng sanh. Vị Phật thứ mười hai tên là Vô Thượng Hoa, Ngài có vô số chẳng thể tính kể các vị Bồ Tát đều là Bất Thoái Chuyển, trí huệ dũng mãnh, đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, trong vòng bảy ngày liền có thể nhiếp thủ các pháp kiên cố do bậc đại sĩ tu tập trong trăm ngàn ức kiếp. Các vị Bồ Tát ấy sẽ đều vãng sanh. Vị Phật thứ mười ba tên là Vô Úy, Ngài có bảy trăm chín mươi ức đại Bồ Tát chúng, các vị tiểu Bồ Tát, và hàng tỳ-kheo v.v… chẳng thể tính kể, sẽ đều vãng sanh).
Cho đến vị Phật thứ mười hai, đức Phật bèn nói các vị Bồ Tát trong cõi nước ấy đều là hàng đại Bồ Tát chẳng thể nghĩ bàn. “Kỳ đệ thập nhị Phật, danh viết Vô Thượng Hoa. Bỉ hữu vô số bất khả xưng kế chư Bồ Tát, giai bất thoái chuyển” (vị Phật thứ mười hai tên là Vô Thượng Hoa, Ngài có vô số chẳng thể tính kể Bồ Tát, đã đều là Bất Thoái Chuyển), tức là đã đắc từ Bát Địa Bồ Tát trở lên. “Trí huệ dũng mãnh, dĩ tằng cúng dường vô lượng chư Phật” (trí huệ dũng mãnh, đã từng cúng dường vô lượng chư Phật). Họ cúng Phật đến mức độ nào? “Ư thất nhật trung, tức năng nhiếp thủ bách thiên ức kiếp đại sĩ sở tu kiên cố chi pháp” (trong vòng bảy ngày liền có thể nhiếp thủ pháp kiên cố do hàng đại sĩ đã tu trong trăm ngàn kiếp): “Đại sĩ” tức là đại Bồ Tát. Đã tu pháp kiên cố trong trăm ngàn ức kiếp. Hàng Bồ Tát của vị Phật thứ mười hai trong vòng bảy ngày có thể nhiếp thủ công phu to tát dường ấy. “Tư đẳng Bồ Tát giai đương vãng sanh” (các vị Bồ Tát ấy sẽ đều vãng sanh), sẽ đều vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới.
Đây là dạy cho chúng ta biết điều này: Các vị đại Bồ Tát vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới đều chẳng phải là hạng Bồ Tát tầm thường, mà đều là bậc Bồ Tát thuộc địa vị Đẳng Giác. Bồ Tát thuộc địa vị Đẳng Giác chỉ kém Phật một bậc, Ngài còn mong vãng sanh Tây Phương Cực Lạc để làm gì? Vì Ngài kém Phật một bậc, vẫn phải thân cận Phật. Vậy thì còn phải hỏi một câu nữa: Ngài đã là Đẳng Giác Bồ Tát, chỉ kém Phật một bậc, vẫn phải thân cận Phật, Ngài đã từng thân cận vô lượng chư Phật, cần gì cứ phải thân cận Vô Lượng Thọ Phật? Trong phần trước đã nói, các cõi Phật của chư Phật trong mười phương đều chẳng trang nghiêm vi diệu như Tây Phương Cực Lạc thế giới. Chư đại Bồ Tát đến Tây Phương Cực Lạc thế giới tham quan, phát đại nguyện, muốn trở về trang nghiêm cõi Phật của chính mình. Vì thế, chư Phật trong các cõi bằng lòng để các vị Bồ Tát trong cõi mình đến Tây Phương để tham học. Còn có một đạo lý khẩn yếu nhất: Họ phải học theo Vô Lượng Thọ Phật phát đại nguyện, thế mà quý vị chỉ học theo Ngài trang nghiêm thế giới, quý vị làm thế nào để trang nghiêm thế giới? Chính là phổ độ chúng sanh, phải học theo Vô Lượng Thọ Phật phát đại nguyện. Vì thế, các vị đại Bồ Tát đều muốn đến thân cận Vô Lượng Thọ Phật. Nói đến đây là đã nói xong cả mười ba cõi rồi. Tiếp đó là tổng kết: “Phật ngữ Di Lặc, bất đản thử thập tứ Phật quốc trung chư Bồ Tát đẳng, đương vãng sanh dã” (đức Phật bảo ngài Di Lặc: – Không chỉ là các hàng Bồ Tát trong mười bốn cõi Phật ấy, sẽ đều vãng sanh). Trong phần trên đã nói mười ba vị Phật thì sao? Không chỉ mười bốn cõi Phật ấy, [tức là] kể cả sáu mươi bảy ức Bồ Tát vãng sanh từ thế giới Sa Bà, tính gộp cả thế giới Sa Bà vào đó, tổng cộng có các vị Bồ Tát từ mười bốn cõi Phật sẽ đều vãng sanh. “Thập phương thế giới vô lượng Phật quốc, kỳ vãng sanh giả, diệc phục như thị, thậm đa vô số. Ngã đản thuyết chư Phật danh hiệu cập Bồ Tát, tỳ-kheo sanh bỉ quốc giả, trú dạ nhất kiếp, thượng vị năng tận. Ngã kim vị nhữ lược thuyết chi nhĩ” (mười phương thế giới vô lượng cõi Phật, những kẻ vãng sanh cũng giống như thế, rất nhiều vô số. Ta chỉ nói danh hiệu của chư Phật và Bồ Tát, cùng với hàng tỳ-kheo sanh về cõi ấy, suốt ngày đêm trọn hết một kiếp còn chưa thể nói trọn hết. Nay ta vì ông nói đại lược như thế thôi): Ta muốn nói danh hiệu của mười phương chư Phật và số lượng tỳ-kheo và Bồ Tát vãng sanh, suốt ngày đêm nói chẳng ngừng, nói suốt một đại kiếp, vẫn nói chẳng xong! Hiện tại, ta chỉ nói đại lược cùng các vị. Nói đến đây thì phần Chánh Tông đã xong.
2.3. Lưu Thông Phần
2.3.1. Như Lai tán thán kinh, khuyên học tập
2.3.1.1. Nêu ra lợi ích do nghe kinh này, khuyên mọi bây giờ hãy nhận lấy, hành theo
(Kinh) Phật cáo Di Lặc: – Kỳ hữu đắc văn bỉ Phật danh hiệu, hoan hỷ, dũng dược, nãi chí nhất niệm, đương tri thử nhân vi đắc đại lợi, tắc thị cụ túc vô thượng công đức. Thị cố Di Lặc! Thiết hữu đại hỏa, sung mãn tam thiên đại thiên thế giới, yếu đương quá thử, văn thị kinh pháp, hoan hỷ, tín nhạo, thọ trì, độc tụng, như thuyết tu hành. Sở dĩ giả hà? Đa hữu Bồ Tát, dục văn thử kinh, nhi bất năng đắc. Nhược hữu chúng sanh, văn thử kinh giả, ư vô thượng đạo, chung bất thoái chuyển. Thị cố ưng đương chuyên tâm tín thọ, trì tụng, thuyết, hành.
(經)佛告彌勒:其有得聞彼佛名號,歡喜踊躍,乃至一念,當知此人為得大利,則是具足無上功德。是故彌勒!設有大火,充滿三千大千世界,要當過此,聞是經法,歡喜信樂,受持讀誦,如說修行。所以者何?多有菩薩,欲聞此經,而不能得。若有眾生,聞此經者,於無上道,終不退轉。是故應當專心信受,持誦說行。
(Kinh: Đức Phật bảo ngài Di Lặc: – Có người nào được nghe danh hiệu của đức Phật ấy mà hoan hỷ, hớn hở, dẫu chỉ một niệm, hãy nên biết người ấy đạt được lợi ích to lớn, sẽ là đầy đủ công đức vô thượng. Vì thế, này Di Lặc! Giả sử có lửa lớn đầy ắp tam thiên đại thiên thế giới, phải nên vượt qua để nghe kinh pháp này, hoan hỷ, tin ưa, thọ trì, đọc, tụng, tu hành đúng như lời dạy. Vì cớ sao vậy? Có nhiều vị Bồ Tát muốn nghe kinh này mà chẳng thể được. Nếu có chúng sanh nghe kinh này, đối với vô thượng đạo trọn chẳng thoái chuyển. Vì thế, hãy nên chuyên tâm tin nhận, trì tụng, giảng nói, tu hành).
“Phật cáo Di Lặc: – Kỳ hữu đắc văn bỉ Phật danh hiệu, hoan hỷ, dũng dược, nãi chí nhất niệm, đương tri thử nhân vi đắc đại lợi, tắc thị cụ túc vô thượng công đức” (đức Phật bảo ngài Di Lặc: – Có người nào được nghe danh hiệu của đức Phật ấy mà hoan hỷ, hớn hở, dẫu chỉ một niệm, hãy nên biết người ấy đạt được lợi ích to lớn, sẽ là đầy đủ công đức vô thượng): Vì kinh Vô Lượng Thọ nói công đức của A Di Đà Phật chẳng thể nghĩ bàn, nếu có chúng sanh nào có thể nghe danh hiệu A Di Đà Phật, phát tâm “hoan hỷ dũng dược” (hoan hỷ, hớn hở), “nãi chí nhất niệm” (dẫu chỉ một niệm), trong tâm sanh hoan hỷ, người ấy sẽ được lợi ích to lớn, sẽ “cụ túc vô thượng công đức” (đầy đủ công đức vô thượng). Vì sao được lợi ích to lớn? Quý vị có thể sanh về Tây Phương, sẽ có thể thoát khỏi sanh tử từ vô thỉ kiếp đến nay trong một ngày, chẳng phải là đạt được lợi ích to lớn ư? Sanh về Tây Phương, hết thảy công đức đều trọn đủ, chẳng phải là công đức vô thượng ư?
“Thị cố Di Lặc! Thiết hữu đại hỏa, sung mãn tam thiên đại thiên thế giới, yếu đương quá thử, văn thị kinh pháp, hoan hỷ tín nhạo, thọ trì độc tụng, như thuyết tu hành. Sở dĩ giả hà?” (giả sử có lửa lớn đầy ắp tam thiên đại thiên thế giới, phải nên vượt qua để nghe kinh pháp này, hoan hỷ, tin ưa, thọ trì, đọc, tụng, tu hành đúng như lời dạy. Vì cớ sao vậy?): Nếu tam thiên đại thiên thế giới đầy ắp lửa lớn, quý vị nhất định phải vượt qua trận lửa lớn ấy để nghe kinh pháp này. Trong phần trước đã nói “nghe danh hiệu Vô Lượng Thọ Phật”, ở đây là nói “nghe kinh pháp”. Phải lưu thông bộ kinh này! Chẳng lưu thông bộ kinh này, làm sao quý vị có thể nghe danh hiệu A Di Đà Phật? Đây là phối ứng việc nghe danh hiệu Phật với công đức do nghe bộ kinh này. Quý vị nghe bộ kinh này, phải “hoan hỷ tín nhạo”, [tức là] phát tâm hoan hỷ, phát tâm tín ngưỡng, phát tâm ưa thích. “Thọ trì độc tụng”: Thọ trì nghĩa này, đọc tụng kinh văn này, tu hành đúng như kinh đã dạy, quý vị phát nguyện niệm danh hiệu Vô Lượng Thọ Phật, vãng sanh Tây Phương. “Sở dĩ giả hà?” (vì cớ sao vậy?) Vì sao đoạn kinh văn này dạy chúng ta nhất định phải vượt qua lửa lớn tràn ngập tam thiên đại thiên thế giới? Do muốn đến nghe kinh này, [bởi lẽ], chẳng dễ nghe bộ kinh văn này! “Đa hữu Bồ Tát, dục văn thử kinh, nhi bất năng đắc” (có nhiều vị Bồ Tát, muốn nghe kinh này mà chẳng thể được). Quý vị có duyên với kinh Vô Lượng Thọ nên mới có thể nghe bộ kinh này. “Nhược hữu chúng sanh, văn thử kinh giả, ư vô thượng đạo, chung bất thoái chuyển. Thị cố ưng đương chuyên tâm tín thọ, trì tụng thuyết hành” (nếu có chúng sanh nghe kinh này, sẽ trọn chẳng thoái chuyển nơi đạo vô thượng. Vì thế, hãy nên chuyên tâm tin nhận, trì tụng, giảng nói, tu hành).
2.3.1.2. Dạy mọi người hãy thưa hỏi hòng trừ nghi, ngăn ngừa nỗi nghi của người đời sau
(Kinh) Ngô kim vị chư chúng sanh thuyết thử kinh pháp, linh kiến Vô Lượng Thọ Phật, cập kỳ quốc độ nhất thiết sở hữu. Sở đương vi giả, giai khả cầu chi, vô đắc dĩ ngã diệt độ chi hậu, phục sanh nghi hoặc.
(經)吾今為諸眾生,說此經法,令見無量壽佛,及其國土一切所有。所當為者,皆可求之,無得以我滅度之後,復生疑惑。
(Kinh: Nay ta vì các chúng sanh nói kinh pháp này, khiến cho họ thấy Vô Lượng Thọ Phật và hết thảy tất cả mọi thứ trong cõi nước ấy. Những gì đáng nên làm đều có thể cầu được, chớ nên để sau khi ta đã diệt độ, lại sanh nghi hoặc).
“Ngô kim vị chư chúng sanh, thuyết thử kinh pháp”, [nghĩa là] nay ta vì chúng sanh nói kinh pháp Vô Lượng Thọ này, “linh kiến Vô Lượng Thọ Phật, cập kỳ quốc độ nhất thiết sở hữu” (khiến cho họ thấy Vô Lượng Thọ Phật và hết thảy tất cả mọi thứ trong cõi nước ấy): Không chỉ tôn giả A Nan trông thấy Vô Lượng Thọ Phật và cõi nước của Ngài, mà hết thảy đại chúng trong pháp hội cũng đều trông thấy. “Sở đương vi giả, giai khả cầu chi” [nghĩa là] mọi người nếu bằng lòng phát tâm sanh về Tây Phương, sẽ đều có thể sanh về. “Vô đắc dĩ ngã diệt độ chi hậu, phục sanh nghi hoặc” [nghĩa là] quý vị chớ nên chờ đến sau khi Phật Thích Ca đã nhập Niết Bàn rồi mới nẩy sanh nghi hoặc đối với chuyện có nên phát nguyện sanh về Tây Phương hay không?
2.3.1.3. Nêu rõ kinh pháp này là pháp trọng yếu để cứu đời, riêng lưu lại một trăm năm
(Kinh) Đương lai chi thế, kinh đạo diệt tận, ngã dĩ từ bi, ai mẫn, đặc lưu thử kinh chỉ trụ bách tuế. Kỳ hữu chúng sanh, trị tư kinh giả, tùy ý sở nguyện, giai khả đắc độ.
(經)當來之世,經道滅盡,我以慈悲哀愍,特留此經,止住百歲。其有眾生,值斯經者,隨意所願,皆可得度。
(Kinh: Trong đời tương lai, kinh đạo diệt hết, ta do lòng từ bi, thương xót, đặc biệt lưu lại kinh này tồn tại một trăm năm. Nếu có chúng sanh gặp kinh này, sẽ tùy theo ý nguyện đều có thể đắc độ).
Phải biết chỗ này hết sức quan trọng. Pháp vận của Thích Ca Mâu Ni Phật: Chánh Pháp một ngàn năm, Tượng Pháp một ngàn năm, Mạt Pháp một vạn năm, cho tới một vạn năm thời Mạt Pháp đã qua, hết thảy kinh pháp đều chẳng có. Phật Thích Ca đại từ đại bi gia bị giữ kinh Vô Lượng Thọ ở lại trên đời một trăm năm nữa. “Kỳ hữu chúng sanh, trị tư kinh giả” (nếu có chúng sanh gặp được kinh này): Gặp được bộ kinh Vô Lượng Thọ này, “tùy ý sở nguyện, giai khả đắc độ” [nghĩa là] tùy tâm quý vị phát nguyện vãng sanh Tây Phương, quý vị sẽ có thể sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, chẳng phải là độ thoát sanh tử ư?
2.3.1.4. Nêu rõ kinh này khó nghe, để người nghe sanh lòng kính trọng
(Kinh) Phật ngữ Di Lặc: – Như Lai hưng thế, nan trị, nan kiến. Chư Phật kinh đạo, nan đắc, nan văn, Bồ Tát thắng pháp, chư Ba La Mật, đắc văn diệc nan. Ngộ thiện tri thức, văn pháp năng hành, thử diệc vi nan. Nhược văn tư kinh, tín nhạo thọ trì, nan trung chi nan, vô quá thử nan.
(經)佛語彌勒:如來興世,難值難見。諸佛經道,難得難聞。菩薩勝法,諸波羅蜜,得聞亦難。遇善知識,聞法能行,此亦為難。若聞斯經,信樂受持,難中之難,無過此難。
(Kinh: Đức Phật bảo ngài Di Lặc: – Như Lai xuất hiện trong cõi đời, khó gặp, khó thấy. Kinh đạo của chư Phật khó được, khó nghe. Pháp thù thắng của Bồ Tát, các Ba La Mật cũng khó được nghe. Gặp thiện tri thức, nghe pháp mà có thể hành, điều này cũng khó. Nếu nghe kinh này, tin ưa, thọ trì, [sẽ là điều] khó khăn nhất trong các sự khó, không gì khó khăn hơn chuyện này).
“Phật ngữ Di Lặc: – Như Lai hưng thế, nan trị, nan kiến” (đức Phật bảo ngài Di Lặc: – Như Lai xuất hiện trong cõi đời, khó gặp, khó thấy): Như Lai sanh trong thế gian để hoằng dương Phật pháp, khó có thể gặp gỡ, trông thấy. “Chư Phật kinh đạo, nan đắc, nan văn” [nghĩa là] kinh đạo của chư Phật cũng khó thể nghe được. “Bồ Tát thắng pháp, chư Ba La Mật, đắc văn diệc nan”: Pháp môn công đức thù thắng của Bồ Tát, Lục Độ, các Ba La Mật, cũng khó thể được nghe. “Ngộ thiện tri thức, văn pháp năng hành, thử diệc vi nan” [nghĩa là] nếu quý vị gặp thiện tri thức, nghe Phật pháp mà có thể tu hành, điều này cũng rất khó. “Nhược văn tư kinh, tín nhạo thọ trì, nan trung chi nan, vô quá thử nan” (nếu nghe kinh này, tin ưa, thọ trì, đấy là điều khó nhất trong các chuyện khó, không gì hơn nổi): Đây là đức Phật cổ vũ, khích lệ chúng ta, nhất định phải tin tưởng pháp môn trong kinh Vô Lượng Thọ, phải phát nguyện vãng sanh Tây Phương.
2.3.1.5. Tiểu kết, khuyên hãy tu học
(Kinh) Thị cố ngã pháp, như thị tác, như thị thuyết, như thị giáo. Ưng đương tín thuận, như pháp tu hành.
(經)是故我法,如是作,如是說,如是教。應當信順,如法修行。
(Kinh: Vì thế, pháp của ta, hành như thế, nói như thế, dạy như thế. Hãy nên tín thuận, tu hành đúng pháp).
“Thị cố ngã pháp” (vì thế, pháp của ta): Do vậy, ta nói kinh pháp Vô Lượng Thọ. “Như thị tác” (làm như thế), hãy học theo cách làm của A Di Đà Phật. Ngài phát nguyện thành tựu Tây Phương Cực Lạc thế giới, phổ độ hết thảy chúng sanh. “Như thị thuyết” (nói như thế): Ta chiếu theo cách làm của A Di Đà Phật, nói với các vị. “Như thị giáo” (dạy như thế): Ta cũng chỉ dạy quý vị như thế, các vị hãy nên “tín thuận”, “như pháp tu hành”.
2.3.2. Nêu rõ lợi ích, mọi người ngộ đạo
(Kinh) Nhĩ thời, Thế Tôn, thuyết thử kinh pháp, vô lượng chúng sanh, giai phát vô thượng chánh giác chi tâm. Vạn nhị thiên na-do-tha nhân đắc thanh tịnh pháp nhãn. Nhị thập nhị ức chư thiên nhân dân, đắc A Na Hàm quả. Bát thập vạn tỳ-kheo lậu tận ý giải. Tứ thập ức Bồ Tát, đắc Bất Thoái Chuyển, dĩ hoằng thệ công đức nhi tự trang nghiêm, ư tương lai thế, đương thành Chánh Giác.
(經)爾時世尊,說此經法,無量眾生,皆發無上正覺之心。萬二千那由他人,得清淨法眼。二十二億諸天人民,得阿那含果。八十萬比丘,漏盡意解。四十億菩薩,得不退轉。以弘誓功德而自莊嚴。於將來世,當成正覺。
(Kinh: Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn nói kinh pháp này, vô lượng chúng sanh đều phát tâm Vô Thượng Chánh Giác. Một vạn hai ngàn na-do-tha người đắc pháp nhãn thanh tịnh. Hai mươi hai ức chư thiên nhân dân đắc quả A Na Hàm. Tám mươi vạn tỳ-kheo lậu tận ý giải. Bốn mươi ức Bồ Tát đắc Bất Thoái Chuyển, dùng công đức hoằng thệ để tự trang nghiêm, trong đời tương lai, sẽ thành Chánh Giác).
“Nhĩ thời Thế Tôn, thuyết thử kinh pháp” (lúc bấy giờ, đức Thế Tôn nói kinh pháp này): Trong pháp hội lúc ấy, “vô lượng chúng sanh, giai phát Vô Thượng Chánh Giác chi tâm” (vô lượng chúng sanh đều phát tâm Vô Thượng Chánh Giác), tức là phát Bồ Đề tâm. “Vạn nhị thiên na-do-tha nhân đắc thanh tịnh pháp nhãn” (một vạn hai ngàn na-do-tha người đắc pháp nhãn thanh tịnh): “Đắc thanh tịnh pháp nhãn” là đạt được Sơ Quả, thấy lý Tứ Đế. “Nhị thập nhị ức chư thiên nhân dân, đắc A Na Hàm quả” (hai mươi hai ức chư thiên, nhân dân, đắc quả A Na Hàm). Đắc quả A Na Hàm là đắc Tam Quả. “Bát thập vạn tỳ-kheo lậu tận ý giải” (tám mươi vạn tỳ-kheo lậu tận ý giải): “Lậu tận ý giải” là chứng Tứ Quả A La Hán. Đấy là chúng Thanh Văn. Còn có “tứ thập ức Bồ Tát, đắc bất thoái chuyển, dĩ hoằng thệ công đức nhi tự trang nghiêm, ư tương lai thế, đương thành Chánh Giác” (bốn mươi ức Bồ Tát đắc Bất Thoái Chuyển, dùng công đức hoằng thệ để tự trang nghiêm, trong đời tương lai, sẽ thành Chánh Giác): Điều này có nghĩa là khi đức Phật Thích Ca nói kinh Vô Lượng Thọ, có nhiều người được lợi ích như thế đó. Tiếp đó, còn có sự cảm ứng.
2.3.3. Đất chấn động, tỏa quang minh, mưa hoa, trỗi nhạc, tăng trưởng lòng tin sâu xa nơi đại chúng
(Kinh) Nhĩ thời, tam thiên đại thiên thế giới lục chủng chấn động, đại quang phổ chiếu thập phương quốc độ, bách thiên âm nhạc tự nhiên nhi tác, vô lượng diệu hoa phân phân nhi giáng.
(經)時三千大千世界六種震動,大光普照十方國土。百千音樂,自然而作。無量妙華,紛紛而降。
(Kinh: Lúc bấy giờ, tam thiên đại thiên thế giới sáu thứ chấn động, quang minh to lớn chiếu khắp các cõi nước trong mười phương, trăm ngàn thứ âm nhạc tự nhiên tấu lên, vô lượng hoa mầu nhiệm phất phới rơi xuống)9.
2.3.4. Nêu rõ lợi ích, đại chúng cùng hoan hỷ
(Kinh) Phật thuyết kinh dĩ, Di Lặc Bồ Tát, cập thập phương lai chư Bồ Tát chúng, trưởng lão A Nan, chư đại Thanh Văn, nhất thiết đại chúng văn Phật sở thuyết, mị bất hoan hỷ.
(經)佛說經已,彌勒菩薩,及十方來諸菩薩眾、長老阿難、諸大聲聞、一切大眾,聞佛所說,靡不歡喜。
(Kinh: Đức Phật nói kinh này xong, Di Lặc Bồ Tát và các vị Bồ Tát đến từ mười phương, trưởng lão A Nan, các vị đại Thanh Văn, hết thảy đại chúng, nghe đức Phật dạy, không ai chẳng hoan hỷ).
“Phật thuyết kinh dĩ”, đức Phật Thích Ca nói kinh Vô Lượng Thọ xong, Di Lặc Bồ Tát và các vị Bồ Tát đến từ mười phương, trưởng lão A Nan, còn có các vị đại Thanh Văn, cũng như hết thảy đại chúng, bao gồm tứ chúng đệ tử, tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, còn bao gồm thiên long bát bộ, nghe lời Phật dạy, “mị bất hoan hỷ” (không ai chẳng hoan hỷ), đều đại hoan hỷ. Bộ kinh Vô Lượng Thọ này đã giảng xong. Năm kinh Tịnh Độ giảng về ba chữ Tín, Nguyện, Hạnh, quý vị phải tín ngưỡng pháp môn Tịnh Độ, phải phát nguyện vãng sanh Tây Phương. Quý vị muốn sanh về đó bèn trì niệm danh hiệu A Di Đà Phật, quyết định sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Kinh Vô Lượng Thọ dịch [A Di Đà Phật] là Vô Lượng Thọ Phật, [dịch thế giới Cực Lạc] là thế giới An Lạc, nhưng đều giống hệt như kinh A Di Đà và niệm A Di Đà Phật, cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới trong công khóa sáng tối của chúng ta. Giảng diễn toàn bộ kinh Vô Lượng Thọ đã xong, nói và nghe đều viên mãn.
Phật Thuyết Kinh Vô Lượng Thọ Giảng Ký
Trọn Bộ
Nguồn: Di Đà Nguyện Hải