VÌ SAO GỌI LÀ THÂN TIỀN HỮU

Sa môn Thích Hải Quang

 

Nội dung chính trong bức thư:

* Tiết 1: Thân tiền hữu và thân trung hữu.
– Các giai đoạn thọ báo của thân trung hữu
– Trường hợp thọ báo đặc biệt của thân trung hữu

* Tiết 2: Các tướng trạng sai biệt của thân trung hữu.
– Trung ấm thân khi đầu thai:
– Trung ấm thân sanh về đường ác:
– Tướng trạng khi sắp lâm chung sanh về nơi ác đạo:

Trước khi vào chuyện:

… Nhân có một Phật tử đến thăm, trong phần mạn đàm về đạo lý, Phật tử nầy xin được biết về một vài điều liên quan đến cái “kiếp lai sinh” của con người mà từ lâu trong lòng vẫn còn mang ít nhiều thắc mắc, nghi vấn….

Vị (thanh niên) Phật tử nầy là người hấp thụ một nền học vấn Tây phương, có khả năng và kiến thức tương đối cao cùng trình độ ngoại ngữ giỏi, cho nên có thể xem được các kinh sách và giáo lý viết bằng Anh ngữ của một vài tôn giáo bạn…Các thắc mắc hỏi ra thì rất nhiều, nhưng điều quan trọng nhứt trong buổi thưa hỏi về giáo lý cùng với tôi hôm đó liên quan đến một vài vấn đề sau đây:

– Bạch thầy, con có xem vài quyển sách giáo lý của một tôn giáo bạn nói về sự đầu thai chuyển kiếp của con người, nhưng chung cuộc lại con cũng vẫn chưa hiểu rõ là con người sau khi chết rồi thì linh hồn hoặc là được siêu thoát lên thiên đàng, hay là bị đọa lạc xuống địa ngục bằng cách nào, do nguyên nhân nào dẫn dắt… sự lên xuống đó ra sao, trong bao lâu, và thời gian lên xuống đó… như thế nào ‌ ?

Ðây là sự thắc mắc của cá nhân và con thiết nghĩ có lẽ cũng là nghi vấn chung cho các Phật tử tân học cũng như con muốn tìm hiểu về phương diện đầu thai, chuyển kiếp theo quan niệm của đạo Phật mình, bởi vì có một vài tôn giáo khác họ bài bác lý thuyết nhân quả, luân hồi và nói rằng con người chết đi là mất hết, chẳng có kiếp sau, hoặc nói chỉ có vị giáo chủ của họ mới là người duy nhất cứu rỗi được linh hồn sau khi chết, ngoài ra không còn ai là người có đủ quyền phép nữa hết, vv… vậy cho nên có một số tín đồ Phật giáo chưa từng học hỏi và tham cứu kinh điển, giáo lý của đạo mình – trong đó cũng có cả con nữa – nghe thấy, những lời nói đó xong cảm thấy chán nản muốn thối thất tâm đạo (Phật) của mình, quay về tôn giáo khác. Là một Phật tử có đôi chút tâm hồn vị đạo, nên con cũng rất buồn khi thấy có một số các sự việc như thế xảy ra. Nhưng chính con đây cũng còn chưa hiểu rõ thay, thì làm sao có thể vì các người ấy mà phân bày, chỉ vẽ được.

Dám xin thầy là người trong cửa đạo và là người mà các Phật tử tin tưởng, nương dựa tinh thần, thường hay đến học hỏi cùng tham cầu về đạo lý, từ bi giảng giải cho con hiểu rõ… rất lấy làm cảm tạ…Vào chuyện…

Qua các lời vấn pháp trong đề yếu nêu trên, nay tôi trước vì người thưa hỏi, sau nữa là chung đến cho các Phật tử nào muốn tìm hiểu và học hỏi các điều diệu lý trong đạo pháp của ta, nhưng lại không được chỉ dẫn rõ ràng, thành ra không tin, không biết, vì thế cho nên thường hay bị xảy ra các việc đáng buồn là nghe theo những người ngoại giáo nói pháp sai lầm…. rồi thối thất đạo tâm đi mà phủ nhận những gì cao đẹp sẵn có của đạo mình mà quay bước về nơi hướng khác.Trước cái cảnh “ngọc quý nơi tay” mà đành lòng buông bỏ để nhặt lấy một viên đá sỏi tầm thường, riêng cá nhân tôi đứng trên cương vị của một người tăng sĩ, làm sứ giả Như Lai, hướng dẫn tinh thần trong Phật giáo, là người trực tiếp nghe hỏi về việc nầy mà lại không vì đó đốt lên ngọn đuốc sáng để hiển rõ lên các nghi vấn ấy hay sao‌

Cho nên hôm nay tôi tạm biên khảo lên đây đôi dòng bày tỏ, minh giải các điều thắc mắc kia ra, hầu giúp ích cho các hàng Phật tử khắp nơi được rộng thêm ít nhiều kiến giải để khỏi bị lâm vào trong cảnh “nhắm mắt đi đường” mà uổng danh làm “người con của Phật”.

Loạt bài nầy mang tên là :Thoát Kiếp Phù Sinh.

Bất luận là một chúng sanh nào thuộc vào trong hàng tứ sanh [1] đều phải bị mang lấy một sắc thân, hay nói cách khác hơn là phải có thân xác để duy trì mạng sống.

Theo kinh dạy thì cái thân xác (mà chúng ta) hiện đang mang đó gọi là “thân tiền hữu”.Vì sao gọi là thân tiền hữu ‌

– Tiền có nghĩa là trước, khởi thủy, đầu tiên…

– Hữu là có, là đang mang, đang nhận lấy….

Vậy thân tiền hữu là cái thân xác tứ đại do các nghiệp duyên tiền kiếp tạo thành mà chúng sanh chúng ta đang mang lấy hiện nay. Thân tiền hữu nầy lần lượt sẽ phải bị trải qua bốn giai đoạn vô thường là Sanh, Già, Bệnh, Chết. Không có nhứt “thân tiền hữu” của bất cứ một loại chúng sanh nào vượt qua được bốn cái định luật vô thường bất di, bất dịch ấy cả. Kể luôn đến các bậc thiên tiên [2] hay hàng thiên dân [3] nơi những thiên xứ nữa…Thân tiền hữu chỉ lưu trụ (sống còn) được trong một thời gian hoặc chậm hay mau, ngắn ngủi hoặc lâu dài nào đó mà thôi chớ không được vững bền, trường cửu. Bởi lẽ hễ có sanh tất phải bị hoại diệt, dù cho có luyện thành tiên đơn (thuốc tiên) uống vào để kéo dài thêm tuổi thọ cho thế mấy đi nữa, bất quá cũng chỉ được sự trường sanh (sống lâu) mà thôi, chớ không bao giờ được bất tử (không chết) cả.

Thần thức sau khi mạng chung

Tiết 1: Thân tiền hữu và thân trung hữu 

A. Thân tiền hữu:
Thân tiền hữu tức là thân sống hiện tại mà ta đang mang lấy và giữ gìn vô cùng kỹ lưỡng (khi ta còn sống ở trên thế gian nầy).

B. Thân trung hữu:
Hễ có thân “tiền hữu” thì đương nhiên là phải có thân “trung hữu” và thân “hậu hữu”.

Nay hãy nói đến thân trung hữu trước hết. Thế nào gọi là thân trung hữu ‌?

– Trung là ở khoảng giữa,

– Hữu là hiện có, là đang mang lấy…..

Vậy cho nên thân trung hữu tức là thân kế sau của thân tiền hữu. Hay nói một cách khác hơn nữa là tất cả các loại hữu tình chúng sanh sau khi mạng chung (chết) tức là đã bỏ thân tiền hữu rồi. Khi đó thân xác hoàn toàn bị hư hoại, ngũ ấm chia lìa, tứ đại phân ly, linh hồn [4] liền thoát ngay ra khỏi xác thân tiền hữu, trước khi chưa thọ lấy thân hậu hữu (tức là thân của đời sau) thì linh hồn nầy ở vào trong giai đoạn thọ cảm lấy một cảnh giới khác và mang lấy một thân thể khác gọi là thân trung hữu.Tóm tắt lại thân trung hữu đây tức là “linh hồn” của người chết vậy.

1. Các giai đoạn thọ báo của thân trung hữu

Thân trung hữu do năm ấm vi tế [5]  sắc, thọ, tưởng, hành, thức kết thành, cho nên còn có thêm một tên nữa là Trung ấm thân. Trung ấm thân nầy có nhiều hình sắc khác nhau nhưng đại khái thì có hai loại chánh:

– Một là hình sắc xinh đẹp,

– Hai là hình sắc xấu xa.

Trung ấm thân nầy trước khi thọ cảm lấy thân hậu ấm (nói ở phần sau) sẽ phải trải qua một thời gian là 49 ngày để “minh định nghiệp báo”, tức là cảm thọ lấy các nghiệp nhân hoặc thiện hoặc ác mà kẻ ấy đã gây tạo ra trong lúc còn mang thân tiền hữu (còn sống).

Kinh Ðịa Tạng có dạy rằng:

– “vô thường đại quỷ bất kỳ nhi đáo, minh minh du thần, vị tri tội phước, thất thất nhựt nội, như si như lung, hoặc tại chư ty biện luận nghiệp quả, thẩm định chi hậu, cứ nghiệp thọ báo…”

Nghĩa là:

– “Con quỷ vô thường kia không hẹn mà đến, thần hồn vơ vẫn mịt mù chưa rõ là tội hay phước, trong 49 ngày như ngây, như điếc, hoặc ở tại các ty, sở để biện luận về nghiệp quả, khi thẩm định xong, thời cứ y theo nghiệp mà thọ lấy quả báo…”

Như vậy thì thân trung hữu, hay nói cách khác hơn là “Trung ấm thân” không liền được đi “đầu thai chuyển kiếp” sau khi thoát ra khỏi xác thân tiền hữu, mà (bắt buộc) phải trải qua 49 ngày bị giam cầm tại các ty sở nơi cõi u minh (âm phủ). Nơi đó có một hội đồng phán xét gồm các vị phán quan và Minh vương (vua Diêm vương), những vị nầy chiếu theo sổ bộ mà hai vị thần “tả, hữu vai giáp” (tên là Ðồng Sanh, Ðồng Danh) đã ghi chép lại hết tất cả các việc thiện ác mà kẻ đó đã tạo tác ra lúc còn mang thân tiền hữu (tức là lúc còn sống), một mảy mún cũng không sót thiếu, rồi y theo đó mà cân phân, định đoạt số phần để cho thân trung hữu đi đầu thai (tức là cho đi thọ “thân hậu hữu” nơi kiếp đời kế tiếp).

Hai sổ bộ thiện ác nầy lúc còn sống cũng như sau khi chết đều đi theo bên mình chúng sanh không rời như hình với bóng, chẳng bao giờ dứt đoạn (Kinh gọi là “nghiệp nhân gây tạo”). Khi thần thức (linh hồn) thoát ra khỏi xác “thân tiền hữu” và trở thành “thân trung hữu” rồi thì phải bị nghiệp nhân (tức là sổ bộ thiệc, ác) nầy dẫn dắt ra trước một “hội đồng phán xét” (như vừa nói ở trên) để thẩm định tội phước trong vòng 49 ngày.

Sau đó rồi cứ lấy kết quả cuối cùng mà cho đi đầu thai chuyển kiếp (tức là thọ lấy thân hậu hữu) tương xứng với tội phước (mà khi còn mang thân tiền hữu đã gây ra) trong sáu nẻo luân hồi, không bao giờ lầm lẫn hoặc oan uổng chút nào hết cả.

Trong kinh Ðịa Tạng có dạy rằng:

– “Nhược năng cánh vị thân tử chi hậu, thất thất nhựt nội, quảng tạo chúng thiện, năng sử thị chư chúng sanh vĩnh ly ác thú, đắc sanh nhơn thiên, thọ thắng diệu lạc, hiện tại quyến thuộc, lợi ích vô lượng…”

Nghĩa là:

– “Như sau khi người đã chết, lại có thể trong vòng 49 ngày thân quyến vì người ấy mà tu tạo nhiều phước lành, thời có thể làm cho người chết đó ra khỏi hẳn chốn ác đạo, được sanh lên cõi trời hoặc trong loài người, hưởng lấy những sự vui sướng, mà kẻ thân quyến hiện tại đó cũng được rất nhiều các sự lợi ích…”

Y theo lời kinh vừa dẫn chiếu trên đây, nếu như các thân quyến biết rằng người thân nhân vừa mới quá cố của mình khi còn sanh tiền đã gây tạo nên nhiều ác nghiệp, tất sẽ phải bị thọ báo nơi địa ngục. Lúc đó các người ấy vì thương xót kẻ quá cố nên y theo lời Phật dạy, đứng ra làm các việc công đức, phước lành như bố thí, phóng sanh, trì tụng kinh chú,… rồi đem những công đức ấy mà hồi hướng cho quá cố hương linh (lúc đó kẻ ấy vẫn đang còn mang “thân Trung ấm” chớ chưa đi đầu thai, chuyển kiếp).

Trong vòng 49 ngày (kể từ ngày chết), nếu như y biết theo pháp Phật đã dạy mà thực hành, thì “Trung ấm thân” của người quá cố ấy, sẽ được tội tiêu, chướng diệt, lìa hẳn chốn ác đạo mà sanh về cõi trời, người, thọ lấy những điều an vui, sung sướng. Chẳng những thân trung hữu kia được lợi lạc như thế (sau khi đã thọ lấy thân hậu hữu) mà những người quyến thuộc đứng ra làm các việc phước đức ấy cũng hưởng được nhiều điều lợi ích.

Tóm lại, giai đoạn thọ báo của thân trung hữu trong Trường hợp thông thường là phải trải qua 49 ngày, thời gian đó gọi là giai đoạn “chuyển tiếp” cực kỳ quan trọng cho kiếp lai sinh của Trung ấm thân [6]. Sau 49 ngày đó rồi thì phải bị theo dòng nghiệp lực dẫn dắt mà luân lưu vào trong sáu nẻo luân hồi.

Tuy nhiên thời gian thọ báo của thân trung hữu nầy không phải chỉ có một Trường hợp duy nhất như trên mà thôi, ngoài ra còn thêm vào vài ba Trường hợp ngoại lệ đặc biệt khác nữa.

2. Trường hợp thọ báo đặc biệt của thân trung hữu

Như trên vừa mới nói, thân trung hữu phải trải qua một thời gian chuyển tiếp là 7 lần 7 ngày, sau đó mới cảm thọ lấy thân hậu hữu. Tuy nhiên cũng có những Trường hợp đặc biệt mà thân trung hữu không cần phải trải qua giai đoạn chuyển tiếp thông thường đó. Có hai trường hợp đặc biệt như sau:

– Chúng sanh khi còn mang thân tiền hữu đã có gây tạo nên những nghiệp nhân cực thiện (lành tốt bậc nhất) – tức là gieo nhân thập thiện bậc thượng – thuộc các cõi trời dục giới.

– Chúng sanh khi còn mang thân tiền hữu đã gây tạo những nghiệp nhân cực ác (ác độc bậc nhất) – như phạm tội tứ trọng [7], ngũ nghịch [8], thập ác [9] – thuộc đại địa ngục A tỳ.

Hai loại chúng sanh nầy sau khi đã bỏ thân tiền hữu rồi thì thần thức hoặc liền được siêu thoát ngay về các cõi trời tương xứng (nhân cực thiện), hoặc bị đọa thẳng xuống đại địa ngục (A tỳ) tức khắc (nhân cực ác) chớ không có trải qua giai đoạn 49 ngày thông thường của Trung ấm thân như trên đã nói.

Tất cả các loài Trung ấm thân vừa kể trên đều còn phải bị lệ thuộc vào trong ba cõi, sáu đường (trời dục giới, sắc giới, vô sắc giới và sáu nẻo luân hồi).

Ngoài ra còn lại có thêm một loại chúng sanh “ngoại hạng” không cần phải trải qua giai đoạn thân Trung ấm và cũng không bị lệ thuộc vào trong ba cõi, sáu đường nữa. Ðó là các chúng sanh khi còn mang thân tiền hữu đã có y theo pháp Phật tu hành, như niệm Phật và phát lòng tín, nguyện cầu sanh Cực Lạc.

Các chúng sanh ấy sau khi bỏ thân tiền hữu rồi thì thần thức liền siêu thoát ngang qua ba cõi, nương theo nguyện lực nhiếp thọ của chư Phật, Bồ tát, trong khoảng sát na (một sát na có 36 cái chớp mắt) lập tức được hóa sanh ngay về cõi nước Cực Lạc của đức Phật A Di Ðà, ngự trên tòa sen báu, vĩnh viễn thoát khỏi các cảnh luân hồi, sanh tử.

Trên đây là phần sơ lược về các loại thân trung hữu để cho qúy Phật tử cùng chư hiền tu học Phật pháp muốn nghiên cứu về phương diện nầy hiểu rõ thêm về linh hồn (thần thức) của con người sau khi chết sẽ được diễn tiến như thế nào.

Tiết mục kế tiếp đây sẽ nói về hình dáng và các sự sai biệt của thân trung hữu cùng với những sự thọ sanh về các nơi trong sáu đạo luân hồi.

Tiết 2: Các tướng trạng sai biệt của thân trung hữu

A. Thân trung hữu và các hình tướng sai biệt:

Một lần nữa để định nghĩa cho rõ ràng hơn vì sao mà gọi là “thân trung hữu” 

“trung hữu thân”  “thân quả báo” ở giữa khoảng đời nầy và đời sau, vì vậy cho nên gọi là Trung, còn các quả báo sẽ phải bị cảm thọ kia vốn thật có chớ chẳng phải không nên mới gọi là hữu.

Phật dạy cùng với ngài Nan Ðà [10] rằng:

– trung hữu thân có hai loại:

  1. Một là đẹp.
  2. Hai là xấu.

– trung hữu thân của địa ngục hình dáng rất xấu, sắc đen như mực.

– trung hữu thân của loài bàng sanh (súc vật) sắc nám đen như khói.

– trung hữu thân của loài ngạ quỷ (quỷ đói) sắc trắng như nước.

– trung hữu thân của loài người màu sắc vàng tươi.

– trung hữu thân của chư thiên nơi cõi trời dục giới sắc như vàng ròng, rực rỡ.

Cả hai loại thân trung hữu của người và chư thiên nầy lớn bằng đứa bé năm bảy tuổi, không có trang phục tùy thân.

– trung hữu thân của chư thiên ở cõi trời sắc giới rất đẹp, màu trắng tươi, sáng rỡ như ngọc, lớn bằng thân tiền hữu và có y phục mặc sẵn trong mình (do những chủng tử tiềm tu trong nhiều kiếp tạo thành). 

– chúng sanh ở cõi trời vô sắc vì không có thân, sắc tướng cho nên không có thân Trung ấm như chúng sanh ở hai cõi Dục và Sắc.

Trung ấm thân có loài hai tay, hai chân, nhiều tay, nhiều chân, hoặc không có tay chân. Sở dĩ Trung ấm thân có nhiều hình tướng sai biệt như vậy là do nơi nghiệp nhân đã gây tạo ra lúc còn mang thân tiền hữu mà cảm thành.

Chúng hữu tình hễ thác sanh về loài nào, đạo nào thì thân Trung ấm phải mang hình dạng của loài ấy. Ví dụ như thác sanh về loài người thì mang thân người, về loài trâu, bò thì mang thân trâu bò… Các loài khác cũng vậy.

B.Trung ấm thân khi đầu thai:

Trong Trường hợp thông thường, nghĩa là sau khi mãn 49 ngày và các nghiệp nhân gây tạo lúc còn mang thân tiền hữu cũng đã được cân phân, định liệu xong rồi, thời cứ theo kết quả còn sót lại sau cùng, Trung ấm thân phải nương theo đó mà chuyển kiếp, tức là thọ lấy thân hậu hữu. (Hay nói theo cách khác nữa là đi đầu thai), hoặc siêu thoát lên các cõi trời, hoặc tái sanh lại làm người, hoặc chuyển thành loài bàng sanh, hay bị đọa vào trong loài các quỷ đói, địa ngục, vv…

Mỗi mỗi loại chúng sanh đều có hình dáng xấu đẹp, sang hèn, phân định khác nhau, đó đều là do các nghiệp nhân đã tạo ra khi còn mang thân tiền hữu cảm thành. Cho nên trên thế gian nầy có đến vô lượng giống loại khác nhau, chính là như vậy.

Có một vị tăng thưa hỏi Phật rằng:

– Bạch đức Thế Tôn, cớ sao trên cõi nhân gian nầy lại có nhiều chúng sanh mang các hình dáng khác nhau, thậm chí đến cả loài người trong hàng anh em ruột thịt mà cũng không ai giống nhau hết cả ‌

Phật đáp:

– Thiện nam tử, bởi các chúng sanh, Mỗi mỗi đều gây tạo nên những nghiệp báo bất đồng, cho nên khi thọ thân hậu hữu cũng đều phải khác nhau như vậy.

Tóm lại:

Sau 49 ngày, Trung ấm thân sẽ cảm nhận lấy dư nghiệp còn sót lại mà đi “đầu thai”.

– Trung ấm thân của chư thiên (người cõi trời) lớn như một đứa con nít năm bảy tuổi, không có y phục tùy thân, màu sắc như vàng ròng, đầu hướng về phía trên mà bay đi (vì siêu lên cõi trên nên đầu hướng lên).

– Trung ấm thân của loài người màu sắc vàng tươi, lớn bằng đứa con nít năm tuổi, không có y phục tùy thân, nằm ngang mà bay đi (bởi vì không lên, không xuống nên phải nằm ngang).

– Trung ấm thân của bàng sanh (súc loại) mang lấy hình dạng của loài (mà họ) sắp phải thọ sanh, sắc nám đen như khói, nằm ngang mà bay đi.

– Trung ấm thân của địa ngục hình dáng bất định, màu đen như than, nằm sấp, đầu trút xuống đất mà bay đi (bởi vì phải bị đọa cho nên đầu trút xuống đất).

Tất cả các Trung ấm thân đều có thần thông, nương nơi hư không mà bay đi, mắt nhìn rất xa và sáng suốt, trong chớp mắt đã tìm được đến nơi phải thọ sanh rồi.

Trung ấm thân cũng có đầy đủ các căn như tai, mắt, mũi, miệng, vv… chung quanh mình đều có ánh sáng, tùy theo nghiệp đã tạo ra lúc còn mang thân tiền hữu mà ánh sáng ấy đều có màu sắc thắng, liệt (hơn, kém) khác nhau.

– Trung hữu thân của kẻ tạo nghiệp ác, chung quanh mình ánh ra màu sắc đen xám như đêm tối mờ mờ.

– Trung hữu thân của kẻ tạo nghiệp thiện, chung quanh mình ánh ra màu sắc trắng, tựa như đêm trăng tỏ…

Lại nữa, mắt của Trung ấm thân nhìn rất xa, thấu suốt như thiên nhản, không bị trở ngại, có thể thấy được các thân trung hữu khác và chỗ mà mình sẽ phải thọ sanh (lấy thân hậu hữu).

Trong giây phút thân Trung ấm có thể bay giáp vòng núi Tu Di, xuyên qua đất đá, núi non, tường vách, vv… đều không bị trở ngại, chỉ trừ có tòa Kim cang của Phật và bào thai của mẹ mà thôi.

Như trên đã nói, đây chỉ xin lược lại:

– Thân trung hữu nào thuộc về nghiệp ác thì úp mặt cúi xuống mà bay đi.

– Thân trung hữu nào thuộc về nghiệp thiện thì đầu ngước lên mà bay đi.

Thông thường Trung ấm thân chỉ lưu trụ được bảy ngày. Như không tìm được chỗ thọ sanh trong thời hạn ấy thì phải chết đi rồi sống lại. Nhưng đại khái không quá bảy lần (tức là 49 ngày) thì phải thọ sanh lấy thân hậu hữu.

trung hữu thân khi chết đi, hoặc sanh trở lại y như thân trước, hoặc do nơi nghiệp nhân chiêu cảm có thể biến đổi thành ra thân trung hữu của loài khác trước khi thọ thân hậu hữu. [11] trung hữu thân cũng có thêm một tên khác nữa là Kiền đạt phược (hán dịch là Hương hành). Sở dĩ có tên nầy vì thân trung hữu đi tìm mùi và dùng mùi vị mà sống.

Khi thân trung hữu sắp diệt để thọ lấy thân hậu hữu, bấy giờ tùy theo các hành nghiệp đã gây tạo mà cảm thấy có nhiều Tướng trạng khác nhau. Lúc đó tâm thức của trung hữu thân có cảm giác mơ màng dường như ở trong mộng (tức là thấy, biết không được nhứt định rõ ràng).

Những kẻ gây nghiệp sát như lúc sanh tiền chuyên nghề giết heo, dê, gà, vịt, vv… thì lúc đó tự nhiên thấy toàn là những loài vật ấy. Hoặc mắt thấy có những kẻ hàng thịt tay còn đang cầm dao, búa làm thịt, hay tai nghe tiếng thú vật kêu la. Bởi do túc nghiệp chiêu cảm, trung hữu thân tự nhiên sanh ra tâm niệm yêu thích muốn đến tận nơi ngắm nhìn. Khi đến nơi rồi, liền bị các cảnh sắc đó làm cho trở ngại không thể nào thoát ly được. Trong chớp mắt liền bị diệt thân trung hữu mà thọ lấy thân hậu hữu (mang thân súc loại).

Lúc sắp diệt, thân trung hữu thấy nhiều màu sắc sanh diệt liên tục, như người bệnh sắp chết, trong cơn mê loạn thấy những hình tướng khác nhau, mắt chăm chú nhìn, tay chỉ chỗ nầy, chỗ nọ.

C. Trung ấm thân sanh về đường ác:

Trung ấm thân nào sắp sanh về cõi ác thường gặp các Tướng trạng sau đây, xin được kể khái lược:

a) Trung ấm thân sắp sửa chuyển sanh về cõi thần A tu la, thì sẽ thấy những vườn cây khả ái, xinh đẹp, trong đó có những vòng lửa lẫn lộn chuyển xoay. Nếu thấy cảnh tượng đó mà đem lòng vui vẻ đi đến xem, tức là bị thác sanh về nẻo nầy.

b) Trung ấm thân sắp sanh vào loài chó, lợn, thường thấy nhiều cô gái đẹp, liền sanh tâm ưa thích chạy theo. Do nhân duyên đó mà bị thác sanh.

c) Trung ấm thân nào sắp đọa vào các loài bàng sanh (thú vật) khác, tự nhiên cảm thấy có luồng gió mãnh liệt cuốn xoay không sao cưỡng lại được. Hoặc thấy vô số quỷ thần tay cầm khí giới, binh giáp rượt theo, hoặc thấy lửa cháy lan tới rần rần, sấm sét nổ phủ đầu dữ dội…

Hoặc thấy sương giăng mù mịt, núi lở, nước cuốn ầm ầm, tự mình sanh ra sợ hãi, chạy trốn vào trong rừng bụi, hang đá để ẩn thân, hoặc thấy ba cái hố màu trắng, đỏ, đen, liền nhào xuống để ẩn núp. Ngay khi (ẩn, núp, trốn) đó là lúc thần thức đã (bị lọt) vào trong bào thai, vừa mở mắt (sanh ra) đã thấy mình thọ thân dị loại như chồn, cáo, hùm beo, rắn rít, vv…

d) Trung ấm thân nào sắp sửa đọa vào đường ngạ quỷ, tự nhiên thấy trước mặt hiện ra một bãi sa mạc rộng lớn mênh mông, không cây cối, hoặc chỉ thấy toàn là những hang hố, cây cỏ khô héo…

Lúc ấy tự thấy mình bị gió nghiệp thổi đến nơi đó, trong khi thảng thốt, liền bị thác sanh về đường ngạ quỷ, chịu nhiều nóng bức, đói khát vô cùng.

e) Trung ấm thân nào sắp sanh về đường địa ngục, bên tai bỗng nhiên nghe có tiếng những bài ca hát hết sức buồn rầu, bi thảm (đó là tiếng kêu la, rên siết của tội nhân dưới địa ngục), kế đến lại thấy cảnh giới mù mịt, tối tăm hiện ra trước mặt, nhà cửa sắc đen hoặc trắng đượm đầy màu tang chế, âm u.

Hoặc thấy hang hố sâu thẳm, đường xá lờ mờ. Lúc ấy thấy chính mình bị các loài quỷ dữ tay cầm binh khí xua đuổi đi vào trong đó, khi vào rồi thì thân không được tự do, liền bị thác sanh vào trong địa ngục, tùy theo nghiệp báo, chịu vô lượng thống khổ.

f) Trung ấm thân nào sắp sửa bị đọa vào địa ngục hàn băng, do nơi sức nghiệp chiêu cảm, thân thể bỗng nhiên sanh ra nóng bức không kham, gặp hơi lạnh ở nơi hàn ngục xông lên, tự cảm thấy mát mẻ dễ chịu, liền khởi lòng ưa thích vội bay tìm đến nơi đó để cho được mát mẻ, liền bị thác sanh…

g) Trung ấm thân nào sắp sửa bị đọa vào ngục viêm nhiệt (hỏa ngục), do sức nghiệp chiêu cảm, bỗng nhiên thân thể cảm thấy lạnh lẽo vô cùng, khó thể kham nổi. Gặp hơi nóng ở hỏa ngục xông lên, tự nhiên cảm thấy ấm áp dễ chịu, liền khởi lòng ưa thích, vội vã tìm bay xuống nơi đó để sưởi ấm, ngay khi ấy là lúc thọ sanh.

h) Trung ấm thân nào sắp sửa bị đọa vào địa ngục phẩn uế (ngục hôi thúi), do nơi sức nghiệp chiêu cảm, bỗng cảm nhận được một mùi thơm ngạt ngào đến mức chịu không kham. Bấy giờ trong tâm liền khởi niệm muốn tìm một mùi hôi thúi nào đó để lấn át mùi thơm kia đi. Gặp hơi thúi từ ngục phẩn uế xông lên, liền sanh tâm niệm ưa thích, bay đến nơi….. Do nhân duyên đó, liền bị thác sanh.

i) Trung ấm thân nào sắp sửa chuyển thân vào nẻo A tu la, do sức nghiệp chiêu cảm tự nhiên trước mặt thấy một vùng ánh sáng lờ mờ, liền khởi lòng ưa thích, đi vào trong đó, liền bị thọ sanh.

j) Trung ấm thân nào thấy một vùng ánh sáng màu xanh nhạt, khởi niệm ưa thích muốn vào dạo chơi trong đó. Ngay khi đi vào là lúc thọ sanh mang thân súc loại.

k) Trung ấm thân nào thấy ánh sáng màu đỏ nhạt, khởi niệm ưa thích muốn vào dạo chơi trong đó. Ngay khi đi vào liền thọ thân loài ngạ quỷ (quỷ đói).

l) Trung ấm thân nào thấy ánh sáng mờ đục như khói đen, khởi niệm ưa thích muốn vào dạo chơi trong đó. Ngay khi bước vào liền bị thọ thân địa ngục…chịu vô lượng thống khổ.

Lúc bấy giờ Ngài Ðại Dược Bồ tát thưa hỏi Phật rằng:

– “Bạch đức Thế Tôn, chúng sanh bị đọa vào nơi địa ngục có tướng trạng như thế nào‌

Phật bảo với Ngài Ðại Dược Bồ tát:

-…Những chúng sanh nào tạo nên nghiệp ác, sắp sửa đọa vào trong địa ngục, tự nhiên có lòng buồn thảm, kinh sợ. Tùy theo nghiệp của mình chiêu cảm mà tự thấy hình tượng của các cảnh địa ngục hiện ra…”

Khi thần thức vừa lìa khỏi xác thân, liền thác sanh về nơi đó mà không cần phải trải qua giai đoạn 49 ngày của thân Trung ấm.

Hoặc có kẻ thấy nơi phương khác, có hình dáng đỏ tươi dường như máu rưới, liền sanh lòng nhiễm đắm. Do nhân duyên đó mà bị thọ sanh…

…..Bấy giờ, ngài Bạt Ðà La Bà Lê; thưa với Phật rằng:

– Bạch Thế Tôn, các chúng sanh ở địa ngục có thân hình và màu sắc gì, sự thọ thân như thế nào ‌

Ðức Thế Tôn bảo rằng:

– Nếu chúng sanh nào nhiễm đắm vào trong chỗ máu thì thân thể có sắc đỏ tươi như máu.

– Nếu chúng sanh nào nhiễm đắm sông Tỳ la ni (sông Nại hà) thì thân thể dường như sắc mây, không trắng, không đen.

– Nếu chúng sanh nào nhiễm trước sông Khôi Hà thì thân thể có sắc vằn…(như ngựa vằn).

Về sự thọ thân thì các chúng sanh ở nơi địa ngục có thân thể to lớn, cao tám chẩu rưỡi [12] râu ria cùng tóc lông rất dài, bàn chân hướng ngược về phía sau, dáng mạo vô cùng kỳ dị. 

Giả sử như có chúng sanh nào ở châu Diêm phù đề trông thấy các hình tướng ghê gớm ấy, cũng đủ kinh sợ mà chết…” (kinh Ðại Bảo tích)

A. Tướng trạng khi sắp lâm chung sanh về nơi ác đạo:

Một chúng sanh khi còn đang mang thân tiền hữu – (lúc gần chết) – mà sắp sửa bị đọa về nơi ác đạo (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh) sẽ có những Tướng trạng báo trước như sau:

1. Ðọa vào loài thú vật:

(Người đó) trước khi lâm chung sẽ có các triệu chứng sau:

– Thân mang bệnh nặng, tâm mê mờ tán loạn như ở trong mây mù.

– Sợ nghe các danh hiệu Phật, không chịu nghe ai khuyên bảo điều lành.

– Ưa thích mùi cá, thịt.

– Quyến luyến vợ con, đắm đuối không bỏ.

– Các ngón tay và chân đều co quắp lại.

– Cả mình toát ra mồ hôi.

– Khóe miệng chảy ra nước.

– Tiếng nói khò khè, rít róng rất khó nghe.

– Miệng thường ngậm đồ ăn.

Người vào khi lâm chung mà có 9 triệu chứng như trên, quyết định sẽ bị đọa vào trong loài súc vật.

2. Ðọa vào loài quỷ đói:

(Người đó) trước khi lâm chung sẽ có các triệu chứng như sau:

– Thân mình nóng như lửa.

– Lưỡi luôn luôn liếm môi.

– Thường cảm thấy đói khát, ưa nói đến các việc ăn uống.

– Miệng hả ra không ngậm lại.

– Tham tiếc tiền của, dây dưa khó chết, làm khổ gia quyến.

– Mắt thường mở trướng lên mà không nhắm lại.

– Ðôi mắt khô khan như mắt chim gỗ.

– Không có tiểu tiện, nhưng đại tiện thì nhiều.

– Ðầu gối bên mặt lạnh trước.

– Tay bên mặt thường nắm lại, tiêu biểu cho lòng tham lam, bỏn sẻn.

– Lúc tắt hơi, hai mắt vẫn mở.

Người nào khi lâm chung mà có 11 triệu chứng như trên, quyết định sẽ phải bị đọa vào trong loài quỷ đói, không sao thoát được.

3. Ðọa vào nẻo địa ngục:

(Người đó) trước khi lâm chung có các triệu chứng báo trước như sau :

– Nhìn ngó thân quyến bằng con mắt giận ghét.

– Hai tay đưa lên quờ quạng trong chốn hư không.

– Ði đại, tiểu tiện trên chỗ nằm mà không tự hay biết.

– Thân thường có mùi hôi hám.

– Nằm úp mặt xuống hoặc che giấu mặt mày.

– Hai mắt đỏ ngầu.

– Nằm co quắp và nghiêng về bên trái.

– Các lóng xương đau nhức.

– Thiện tri thức dù có chỉ bảo họ cũng không tùy thuận.

– Ðôi mắt nhắm nghiền không mở.

– Mắt bên trái hay động đậy.

– Sống mũi xiêng xẹo.

– Gót chân, đầu gối luôn luôn run rẫy.

– Thấy ác tướng hiện ra, vẻ mặt sợ sệt, không nói được, thảng thốt kêu la lớn lên là có ma quỷ hiện.

– Tâm hồn rối loạn.

– Cả mình lạnh giá, tay nắm lại, thân thể cứng đơ.

Người nào trước khi lâm chung mà có 16 triệu chứng nầy, quyết định sẽ bị đọa vào nơi địa ngục.

Trên đây là ba Trường hợp bị đọa vào nơi “tam đồ, ác đạo.”[13] Tuy nhiên cũng có những triệu chứng khác để cho các thân quyến dễ nhận biết rõ ràng hơn. Ấy là do các nghiệp nhân lành dữ đã gây tạo ra khi còn sanh tiền chiêu cảm, khi sắp lâm chung thần thức phân tán, tứ đại chia lìa, thân thể dần dần trở nên lạnh, chỗ nào còn nóng sau cùng là thần thức (Trung ấm thân) xuất ra từ nơi đó.

Có bài kệ tụng rằng:

Ðảnh thánh, mắt sanh trời,
Bụng nóng ngạ quỷ, tim nóng người,
bàng sanh thần thức ra đầu gối,
Nóng ở bàn chân địa ngục thôi.

Trong kinh dạy, thân thể của ta do bốn chất lớn gọi là “tứ đại” (giả) hợp lại mà thành.

Những gì là tứ đại ?

Chính là đất, nước, gió, lửa vậy.

Vì sao bốn chất nầy lại được gọi là đại?

– Bởi vì nó có đầy dẫy hết khắp tất cả mọi nơi, nhỏ thì như hạt bụi vi trần, lớn thì bao phủ khắp mọi nơi trên quả địa cầu…

1. Trong thân thể ta thì những gì thuộc về ÐẤT (địa đại) ‌

Ðó là những thứ: Da thịt, tóc, lông, răng, móng… Sau khi ta chết đi rồi thì những thứ nầy lần lượt tan rã ra thành bụi đất. Vì thế nên nó thuộc về Ðịa đại.

2. Những gì trong thân thể ta thuộc về NƯỚC (thủy đại) ‌

Chính là những thứ: đờm dãi, nước mắt, nước mũi, máu huyết… Sau khi ta chết đi rồi thì những chất nước nầy thảy đều cạn khô không còn nữa, hay nói một cách khác hơn là nước hoàn trả về cho nước.

Trong thân thể ta thì những gì thuộc về GIÓ (phong đại) ‌

Chính là: hơi thở ra vào cùng với các cử động tay chân, máu mạch, vv… co dãn… Khi ta chết đi rồi thì hơi thở dứt bặt, thân thể cứng đơ (vì phong đại đã ngừng không còn lưu hành trong cơ thể nữa).

3. Những gì thuộc về LỬA (hỏa đại) ‌

Chính là: sức nóng của thân thể hay còn gọi là thân nhiệt vậy. Khi ta chết đi rồi thì chất lửa nầy tắt mất, vì thế nên thân xác lạnh tanh.

Có bài kệ rằng:

Khổ, khổ, khổ…
Hơi trả đông phong, hình về hoàng thổ.
Cải hình, đổi xác đến rồi đi,
Ðổi mặt, thay đầu ai kể số…

Cho nên gọi thân thể ta đây là thân tạm bợ, chỉ do nơi tứ đại hòa hợp giả tạm lại mà thành, nên một khi chết đi rồi thì hơi thở hoàn lại cho gió đông, thân tan về nơi bụi đất. Chừng đó thì thần thức sẽ phải theo các nghiệp lực đã gây tạo ra lúc còn sanh tiền mà chuyển sanh vào trong sáu nẻo, cải hình, đổi xác, thay mặt, đổi đầu… luân hồi không dứt trong ba cõi tử sanh !

(Trở lại phần đầu).

Phàm một người khi đã chết thì thân thể trở nên lạnh giá vì “hỏa đại” đã tắt mất. Tuy nhiên sau khi đã tắt thở rồi, nhưng trong thân thể cũng vẫn còn có được một chỗ nóng tối hậu trước khi hoàn toàn trở nên lạnh giá, hoặc nóng nơi đỉnh đầu, nóng ở nơi mắt, nóng nơi ngực, nóng nơi bụng, nóng nơi đầu gối hoặc nóng nơi hai lòng bàn chân, có khi đến bốn năm giờ đồng hồ (sau khi chết rồi) mà hơi nóng tối hậu ấy cũng vẫn còn chớ chưa dứt tuyệt.

Tại sao lại có các sự việc như thế‌ ?

Như trước đã lược nói, khi ta tắt thở rồi thì thần thức [15] lìa ra khỏi xác thân. Nơi nào còn nóng sau rốt là thần thức xuất ra ở đó.

Nay xin lần lượt đề cập đến ý nghĩa của bốn câu kệ trên.

a. Sao gọi là “Ðảnh thánh, mắt sanh trời ”?

Như trường hợp của một người đã chết được ba bốn giờ đồng hồ rồi, khắp thân thể chỗ nào cũng giá lạnh như băng, nhưng nơi đỉnh đầu (thiên môn) hơi nóng ấm cũng còn gần bằng như lúc sống. Y theo lời kinh dạy thì thần thức (tức là linh hồn của người chết nầy) do nơi đỉnh đầu mà xuất ra khỏi xác. Hai chữ “Ðảnh thánh” ở đây là phần tóm lược của câu “thần thức xuất ra từ nơi đảnh đầu” và ở vào trường hợp nầy thì ta biết chắc chắn rằng thần thức của người chết ấy được siêu thoát về nơi thánh cảnh (tức là cõi Tịnh độ của Phật A Di Ðà – nếu tu theo pháp môn Niệm Phật).

b. Trường hợp cũng như trên, nghĩa là các phần khác nơi thân thể đều lạnh hết nhưng nơi mắt (và trên trán) vẫn còn nóng thì ta biết chắc chắn rằng thần thức của người chết ấy xuất ra từ nơi mắt và như thế, y theo lời kinh dạy thì người nầy được siêu thoát về cõi trời.

Câu “Ðảnh thánh, mắt sanh trời” chính là hai việc được “siêu thăng” vừa nêu trên đây vậy.

c. Tương tự như thế, một người đã chết được ba bốn giờ đồng hồ rồi, nhưng nếu như nơi tim và ngực là chỗ nóng tối hậu thì thần thức của người chết đó sẽ được đáo sanh trở lại cõi người.

d. Nơi bụng là chỗ nóng sau cùng thì thần thức của người chết đó sẽ bị đọa vào trong loài quỷ đói (ngạ quỷ).

e. Nơi đầu gối là chỗ nóng rốt sau thì thần thức của người chết đó sẽ bị đọa vào trong loài bàng sanh (loài có xương sống nằm ngang) như trâu, bò, chó, ngựa, vv…

f. Như ở nơi lòng bàn chân là chỗ nóng sau cùng thì thần thức của người chết ấy quyết định sẽ bị đọa vào trong địa ngục.

Câu:

Bụng nóng ngạ quỷ, tim nóng người,
Bành sanh thần thức ra đầu gối,
Nóng ở bàn chân địa ngục thôi.
Chính là tổng ý của những lời vừa được giải thích (c, d, e, f) nêu trên.

4/- Tướng trạng khi sắp lâm chung được sanh về thiện đạo:

Qua tiết mục trên, người viết đã kể ra ba trường hợp sanh về nơi ác đạo (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh) rồi, trong phần kế tiếp đây xin đề cập đến những trường hợp báo trước (tiên triệu) cho thân quyến của người chết biết rằng thần thức kẻ đó sẽ được sanh về nơi thiện đạo (đường lành).

a. Sanh lại cõi người:

Người nào khi lâm chung sẽ đáo sanh trở lại cõi người thì có những tiên triệu (triệu chứng báo trước) như sau.

1. Thân không bệnh nặng.

2. Khởi niệm lành, sanh lòng hòa diệu, tâm vui vẻ, vô tư, ưa việc phước đức.

3. Ít sự nói phô, nghĩ đến cha mẹ, vợ con.

4. Ðối với các việc lành hay dữ, tâm phân biệt rõ ràng không lầm lẫn.

5. Sanh lòng tịnh tín, thỉnh Tam bảo đến đối diện quy y.

6. Con trai, con gái… đều đem lòng thương mến và gần gũi xem như việc thường.

7. Tai muốn nghe tên họ của anh chị em và bè bạn.

8. Tâm chánh trực không dua nịnh.

9. Rõ biết bạn bè giúp đỡ mình, khi thấy bà con đến săn sóc thời sanh lòng vui mừng.

10. Dặn dò, phó thác lại các công việc cho thân quyến rồi từ biệt mà đi.

Nếu người nào có đầy đủ mười điều “tiên triệu” như trên thì sau khi chết 49 ngày, thân trung ấm (tức là thần thức) của người chết đó sẽ đáo sanh trở lại cõi người, hưởng sự tôn quý.

b. Sanh lên cõi Trời:

Người nào khi sắp lâm chung sẽ sanh lên cõi Trời thì có những tiên triệu sau đây:

1. Sanh lòng thương xót.

2. Phát khởi tâm lành.

3. Lòng thường vui vẻ.

4. Chánh niệm hiện ra.

5. Ðối với tiền của, vợ con… không còn tham luyến.

6. Ðôi mắt có vẻ sáng sạch.

7. Ngước mắt nhìn lên không trung mỉm cười, hoặc tai nghe tiếng thiên nhạc, mắt trông thấy tiên đồng.

8. Thân không hôi hám.

9. Sống mũi ngay thẳng, không xiên xẹo.

10. Lòng không giận dữ.

Nếu có được những tiên triệu như thế, thì thần thức của người chết ấy quyết định sẽ được sanh lên cõi Trời.

c. Sanh về Tịnh độ:

Có hai trường hợp sanh về Tịnh độ (cõi Phật):

Một là sanh về chánh quốc (thuộc vào 9 phẩm sen).

Hai là sanh về nghi thành ở ngoài biên phương Tịnh độ.

1. Sanh về biên phương (nghi thành) Tịnh độ:

Như người nào bình thường giữ giới, cũng có niệm Phật nhưng không được tinh tấn và tin tưởng cho lắm, khi lâm chung không có tướng lành, dữ chi cả, nhắm mắt đi xuôi tựa như người ngủ, vì kẻ ấy “nghi tình” chưa dứt (tức là tuy có niệm Phật mà lòng không tin tưởng tuyệt đối) nên không được sanh thẳng vào nơi chánh quốc mà chỉ trụ vào một nơi ở ngoài biên phương Tịnh độ mà thôi.

Chỗ đó tên gọi là nghi thành.

Người sanh về cõi nầy có thọ số (tuổi thọ) là 500 năm (một ngày nơi cõi đó bằng 100 năm ở cõi người). Mãn kiếp xong thời sẽ bị đáo sanh trở lại trong sáu nẻo luân hồi. [16]

2. Sanh về Tịnh độ:

Người nào bình thường niệm Phật tinh tấn, một lòng thành tín không lui sụt, khi lâm chung biết trước ngày giờ, Chánh niệm rõ ràng, tự mình tắm gội, thay y phục, hoặc được quang minh của Phật chiếu đến thân, hoặc thấy tướng hảo của chư Phật cùng chư thánh chúng hiện thân ra giữa không trung hay đi kinh hành trước mặt, các điềm lành hiển hiện rõ ràng, kẻ ấy trong một sát na liền được sanh thẳng về nơi Tịnh độ, gần gũi chư thượng thiện nhơn, dự vào một trong 9 phẩm sen nơi chốn liên trì, hằng nghe được pháp âm của chư Phật, rốt ráo thành tựu được chánh quả.

Riêng về các chúng hữu tình ở nơi ba đường ác là Ðịa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thì khi nghiệp tiêu, tội hết, nếu như trong quá khứ có gây tạo duyên lành (túc phước) cũng được chuyển sanh lên các cõi Trời.

Sau đây là Tướng trạng của các chúng hữu tình trong ba ác đạo được sanh lên cõi Trời.

a. Ðối với loài bàng sanh (thú vật):

Các loài bàng sanh có túc phước [17] khi lâm chung thần thức được sanh lên cõi thiên cung, tự thấy trước mắt mình có ánh sáng rực rỡ, lòng si mê nhẹ bớt, trí huệ mở mang, tâm cảm thấy an vui, khi thần thức vừa ra khỏi xác liền được sanh ngay về nơi thiên giới.

b. Ðối với loài ngạ quỷ:

Các loài ngạ quỷ có túc phước khi lâm chung thần thức được sanh lên cõi thiên cung, thì tự mình có cảm giác không còn bị đói khát như trước, tuy thấy các thức ăn uống nhưng lòng không còn ham muốn chỉ lấy mắt nhìn mà thôi, nơi tâm vắng lặng vui vẻ, khi thần thức vừa rời khỏi xác liền được sanh ngay về nơi thiên giới.

c. Ðối với chúng sanh nơi địa ngục:

Các chúng sanh bị đọa nơi địa ngục, khi nghiệp tiêu, tội hết, nếu có túc phước, khi lâm chung, thần thức sẽ được sanh về cõi thiên cung, thì ngay khi bị thọ các hình phạt như nước sôi, lửa cháy, nằm giường sắt nóng, hay ác thú cắn mổ liền chết ngay chớ không còn sống lại. Bấy giờ bên tai nghe có tiếng chư thiên cười cười, nói nói, nhạc trời dìu dặt thanh tao, gió thơm thổi hắt vào mình… khi thần thức vừa lìa khỏi địa ngục thì liền được sanh về nơi thiên giới.

Các loài hữu tình khi mạng chung, thân trung ấm đang lúc bơ vơ không nơi nương dựa, lúc ấy trong chốn hư không có nhiều loại ánh sáng nhợt nhạt, lu mờ của lục phàm (tức là ánh sáng của sáu đạo luân hồi) soi đến. Tùy theo duyên nghiệp chiêu cảm sẽ được sanh về cõi nào thì thân trung ấm thấy ánh sáng của cõi ấy càng thêm rực rỡ, liền sanh niệm ưa thích bay theo, ngay lúc ấy liền được thọ sanh.

Trong sáu loại quang minh của lục phàm nầy, ngoại trừ quang minh của cõi Trời thì có màu trắng, của cõi người thì màu vàng nhạt, còn quang minh của bốn đạo kia (A tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh) thì có màu sắc u ám, nhạt nhòa (như trên vừa lược nói).

Ngoài ánh quanh minh của lục phàm nầy ra, các cõi Phật ở mười phương cũng phóng ra các ánh “đại quang minh” để nhiếp thọ các chúng hữu tình.

Các “đại quang minh” nầy có ánh sáng đẹp đẽ, mạnh mẽ và rực rỡ tuyệt vời như hào quang sắc xanh thanh tịnh chói lòa, hào quang sắc vàng lộng lẫy, hào quang sắc trắng trong sạch chói suốt như ngọc, hào quang sắc đỏ chói rực ánh xích quang, vv… như thế có rất nhiều đạo hào quang khác nhau của chư Phật trong mười phương chan hòa, chói suốt lẫn nhau để nhiếp lấy những chúng hữu tình nào có nhiều công đức hay đã từng gieo kết Phật duyên, đem về nơi Tịnh độ.

Thân trung ấm vì có thiên nhãn nên cũng trông thấy được các ánh đại quang minh nầy nhưng do vì nghiệp nhơn xấu ác khiến xui nên tự nhiên sanh ra lòng sợ hãi các loại quang minh đó, trái lại tâm chỉ ưa thích các thứ ánh sáng lu mờ, yếu ớt của lục đạo nên bay đến gần và khởi lòng ưa thích. Do vậy mà thọ sanh, kết cuộc cứ mãi xoay vần trong sáu nẻo, chịu khổ luân hồi nối luôn không dứt.

5/- Tướng trạng sẽ sanh lại trong tứ đại bộ châu:

Tóm lại, chúng hữu tình ở trong bốn đại bộ châu (Ðông Thắng Thần, Tây Ngưu Hóa, Nam Thiện Bộ, Bắc Câu Lư) chết nơi nầy rồi sanh lại nơi kia. Khi chết đi tự thấy trước mắt có một cái hang màu đen tối, trong có một lá phướng dài rủ xuống tỏa ánh sáng màu đỏ nhấp nháng như ánh điện chớp. Lại thấy tự thân mình nắm lấy ngọn phướng ấy mà đi vào, ngay khi ấy liền thọ thân trung ấm. Sau khi thọ thân nầy rồi thì tùy theo duyên nghiệp đã gây tạo lúc còn sanh tiền mà thọ lấy thân “hậu hữu” (tức là thân đời sau) trong ba cõi, sáu đường… chịu khổ xoay vần nối nhau không dứt…

a) Sanh lại châu Nam Thiện Bộ:

Loài người hiện tại ở nơi châu Nam Thiện Bộ (quả địa cầu) khi mạng chung sẽ tái sanh trở lại châu nầy, trước tiên thấy có một hòn núi to lơ lững trên không trung như sắp muốn rớt xuống đầu mình. Trong lòng sợ hãi liền đưa hai tay lên đỡ. Liền khi ấy lại thấy tòa núi đó đổi ra hình giống như một dải nệm trắng, thấy chính mình ngồi trên nệm ấy mà bay đi.

Ngay trong khi bay, lại thấy nệm trắng ấy biến ra thành màu đỏ, kế đến thấy trước mặt có ánh sáng nhấp nháng, trong ánh sánh ấy thấy có nam nữ (tức là cha và mẹ) đang giao hợp.

Bấy giờ thân trung ấm diệt, liền nhập vào trong bào thai.

– Nếu như thân trung ấm sẽ sanh làm thân nam thì tự thấy mình cùng với mẹ giao hợp, đối với cha cho là chướng ngại, khởi lòng ganh ghét.

– Nếu như thân trung ấm sẽ sanh làm thân nữ thì tự thấy mình cùng với cha giao hợp, đối với mẹ cho là chướng ngại, khởi lòng ganh ghét…

b. Hữu tình nơi châu Nam Thiện Bộ sanh về châu Ðông Phất Bà Ðề (Ðông Thắng Thần châu):

Khi chúng hữu tình ở nơi châu Nam Thiện Bộ mạng chung sẽ sanh về châu Ðông Phất Bà Ðề, trước tiên thấy trước mắt mình tất cả nhà cửa, sự vật đều có sắc xanh, trên không thấy có một giải lụa màu xanh rớt xuống phủ đầu, trong lòng sanh ra kinh sợ liền đưa hai tay lên đỡ. Liền đó lại thấy có một cái hồ, bốn bên hồ có bầy ngựa chạy chơi đùa giỡn trên bãi cỏ. Cha là ngựa đực, mẹ là ngựa cái. Nếu như thân trung ấm sẽ sanh ra làm thân nam thì tự thấy mình là ngựa đực, đối với cha sanh lòng ghét, đối với mẹ khởi niệm yêu thương. Như thân trung ấm sẽ sanh ra làm người nữ thì thấy mình là ngựa cái, đối với cha sanh lòng thương yêu, đối với mẹ khởi lòng ganh ghét.

Bấy giờ thân trung ấm liền diệt và nhập vào trong thai.

c. Hữu tình nơi châu Nam Thiện Bộ sanh về châu Tây Ngưu Hóa (Cù Ðà Ni):

Chúng hữu tình ở nơi châu Nam Thiện Bộ mạng chung sẽ sanh về châu Tây Ngưu Hóa trước tiên thấy có một giải nệm vàng quấn lấy thân, tất cả sự vật chung quanh và nhà cửa đều hóa thành màu sắc hoàng kim. Kế đó lại thấy có một cái hồ, bốn bên hồ đều là bãi cỏ, trên đó có trâu đang gặm cỏ. Do nơi niệm điên đảo vọng tưởng nên tự thấy thân mình là trâu. Cha là trâu đực, mẹ là trâu cái. Tùy theo duyên nghiệp thọ sanh làm trai hay gái mà khởi tâm niệm điên đảo yêu ghét mẹ cha.

Ngay lúc đó liền được thọ sanh.

d. Hữu tình nơi châu Nam Thiện Bộ sanh về châu Bắc Uất Ðan Việt (Bắc Câu Lư châu.):

Chúng hữu tình nơi châu Nam Thiện Bộ khi mạng chung được sanh về châu Bắc Uất Ðan Việt, trước tiên thấy có một giải lụa đỏ mịn màng hiện ra ở trên đầu, trong lòng sanh niệm ưa thích liền đưa tay lên tiếp lấy. Kế đó lại thấy có một cái hồ, trong hồ có hoa sen xanh, các loài chim như chim Bạch nga, chim hồng, chim nhạn, chim oan ương… lội đùa trên mặt nước và chính mình cũng vào trong đó lội chơi đùa giỡn. Khi ở dưới hồ bước lên vừa đúng lúc cha mẹ đang giao hợp bất tịnh. Do nơi nghiệp nhân điên đão nên tự thấy mình là chim ngỗng. Cha là ngỗng trống, mẹ là ngỗng mái. Bấy giờ tùy theo nghiệp nhân sẽ sanh làm trai hay gái mà đối với cha mẹ sanh lòng yêu ghét.

Ngay lúc đó liền được thọ sanh.

e. Hữu tình nơi châu Nam Thiện Bộ sanh lên cõi Trời:

Chúng hữu tình nơi châu Nam Thiện Bộ mạng chung được sanh lên cõi Trời, trước tiên thấy có một giải nệm trắng cực kỳ tế nhuyễn, mịn màng rủ xuống như muốn rớt, liền sanh ra niệm ưa thích, hai tay đưa lên khuấy động như muốn tiếp lấy. Kế đến trông thấy các tướng khác như vườn cây, ao hoa, chư thiên múa ca xướng hát… Lúc đó dù quyến thuộc có khóc than kêu gọi, do bởi duyên nghiệp được sanh về cõi chư thiên, cho nên người ấy không còn nghe, biết đến nữa. Mũi chỉ ngửi thấy mùi thơm, tai chỉ nghe tiếng thiên nhạc… trong lòng vui vẻ, không còn tưởng nhớ chi (đến các hàng lục thân, quyến thuộc nữa) hết.

Ngay khi đó liền được hóa sanh (về nơi thiên giới).

f. Hữu tình châu Ðông Phất Bà Ðề sanh lên cõi Trời:

Chúng hữu tình ở châu Ðông Phất Bà Đề (Ðông thắng thần châu) khi mạng chung được sanh về cõi Trời, trước tiên tự thấy có cung điện nghiêm đẹp, chung quanh có các thiên tử, thiên nữ đang vui vẻ cất bước nhàn du. Lúc đó trong lòng khởi ra niệm hoan hỷ, tự có cảm giác như người ngủ vừa mới thức dậy.

Bấy giờ liền được hóa sanh.

g. Hữu tình châu Cù Ðà Ni sanh lên cõi Trời:

Chúng hữu tình ở châu Tây Cù Ðà Ni (Tây ngưu hóa châu) khi mạng chung được sanh lên cõi Trời, trước tiên thấy có những dòng nước chảy xao xuyến trong ao đầm rộng lớn. Lúc đó tự thấy mình nương theo ngọn nước trôi qua đến bờ bên kia. Kế đến lại trông thấy các thiên nữ xinh đẹp, tự mình chạy đến mà ôm lấy.

Khi ấy liền được hóa sanh.

h. Hữu tình nơi châu Bắc Uất Ðan Việt sanh lên cõi Trời:

Chúng hữu tình nơi châu Bắc Uất Ðan Việt (Bắc Câu Lư châu) khi mạng chung được sanh lên cõi Trời, tự thấy có nhiều Tướng trạng khác lạ hơn ba châu kia (bởi vì chúng sanh ở châu nầy có nhiều phước báo hơn các châu khác).

– Nếu là người có phước đức bậc hai thì khi lâm chung, mũi ngửi được mùi thơm lạ, mắt thấy hoa quý đẹp đẽ, trong lòng ưa thích muốn leo lên cây cao. Ðang khi leo lên ấy chính là lúc thần thức bay lên núi Tu Di. Khi đến nơi liền thấy thế giới của chư thiên, nơi đó có cung điện, vườn hoa, tất cả đều trang nghiêm xinh đẹp. Lúc ấy tùy theo nhân duyên kẻ đáng làm cha mẹ mà được hóa sanh.

– Như là người có phước đức bậc trung thì khi lâm chung thấy có một bầy ong bay vần vũ chung quanh trên mặt hồ sen, lại thấy tự mình bước lên hoa sen ấy bay đến thiên cung. Lúc đó liền thấy thế giới chư thiên, cung điện, vườn hoa trang nghiêm đẹp lạ. Tùy theo nhân duyên kẻ đáng làm cha mẹ mà được hóa sanh.

– Như kẻ lâm chung là người có phước đức bậc thượng, thì tự thấy có cung điện cực kỳ tốt đẹp, trang nghiêm, thân trung hữu nương nơi cung điện đó mà bay lên hóa sanh nơi thiên giới.

i. Chư thiên mạng chung sanh lại cõi trời:

Các chúng chư thiên nơi cõi Trời khi mạng hết cũng phải thọ chung hoặc là sanh trở lại cõi trời cũ, hoặc sanh lên cõi trời cao hơn, hay xuống cõi trời thấp hơn, (hoặc có thể bị sanh về một trong bốn đại bộ châu, hoặc có thể bị đọa vào nơi tam đồ, ác đạo…tùy theo túc nghiệp).

– Như chư thiên khi thọ chung được sanh lại cõi Trời cũ của mình, thì tự thấy các đồ trang nghiêm nơi thân như vòng hoa, châu bảo… không mất, nơi bản tọa của mình không có vị thiên tử nào khác đến ngồi. Lúc ấy tự thân bỗng diệt rồi lại sanh như ngọn đèn tắt rồi lại cháy trở lại.

– Nếu như sanh lên cõi trời cao hơn thì tự thấy có thêm những Tướng trạng thù thắng ưa thích gấp bội.

– Như sanh xuống cõi trời thấp hơn thì thấy vườn cây, ao hoa, cung điện xấu xa không bằng như khi trước, tự sanh ra cảm niệm u buồn, đói khát. Ngay khi đó liền được hóa sanh.

………………………………..

(Xuất Tạng Kinh)

Bấy giờ có một vị Bồ tát tên là Ðại Dược cung kính đứng dậy, trịch áo bày vai hữu, lễ Phật mà thưa rằng:

– Bạch đức Thế Tôn, loài hữu tình chúng sanh sau khi mạng chung, Tướng trạng thọ lấy thiên thân (thân tướng của người cõi trời) như thế nào?

Ðức Thế Tôn bảo rằng:

– Nầy Ðại Dược, những chúng hữu tình có phước báo và nghiệp lành khi sanh lên thiên giới (cõi trời) thì tự có được thiên nhãn, thấy rõ các y báo và chánh báo ở sáu cõi dục giới.

– Chúng sanh đó thấy nhiều cung điện tốt đẹp như ao hoa, vườn cây quý lạ, rừng Hoan hỷ, vườn Tạp lâm, vườn Chúng xa, hồ Như ý,… Các nơi ấy đều có những tòa cao trải lót thiên y cùng vô lượng những sự trang nghiêm khác, chư thiên vị nào cũng đều xinh đẹp, trang nghiêm thân bằng hoa tai, vòng xuyến, chuỗi anh lạc…

– Những thiên tử, ngọc nữ, bảo nữ cùng các thiên dân dạo chơi khắp nơi, đối nhau tươi cười. Lúc thấy các Tướng trạng như thế, chúng sanh ấy tự nhiên khởi lòng vui vẻ ưa thích. Khi người đó mạng chung, tâm không điên đảo, mũi không xiêng xẹo, miệng không có mùi hôi, tai và mắt giống như hoa sen sắc xanh, thân thể không chảy máu cũng không chảy ra các đồ bất tịnh, tay chơn không co rút, khi thần thức vừa ra khỏi sắc thân liền thấy trước có xe, kiệu lộng lẫy hiện ra tiếp rước, xe đó rộng lớn có đến ngàn cây cột, trang nghiêm bằng các thứ hoa trời quý lạ, chuỗi ngọc, lưới châu, chuông báu… từ nơi các chuông báu ấy phát ra các tiếng nhiệm mầu vi diệu, mùi hương chiên đàn phảng phất đó đây.

– Lại thấy có vô lượng thiên đồng cùng theo xe đi đến. Khi thấy các Tướng trạng như thế, người ấy thân tâm vui vẻ, yên ổn mà xả thân.

– Chư thiên ở cõi trời lục dục khi mới hóa sanh tùy theo thiên giới cao thấp mà cảm thọ thân hình lớn nhỏ sai biệt khác nhau, hoặc như đứa bé khoảng chừng năm tuổi, sáu tuổi, bảy tuổi, tám tuổi, chín tuổi, mười tuổi, … Sau khi hóa sanh, thiên đồng cảm thấy đói khát, liền đó trước mặt có các bảo khí (như chén dĩa bằng vàng, ngọc…) đựng các vị tô đà, cam lộ hiện ra. Khi ấy tùy theo phước báo thắng hay liệt mà thiên đồng tự cảm thấy thức ăn có những màu sắc hoặc trắng, vàng, xanh, đỏ khác nhau…

– Sau khi thọ dụng các thức ăn ấy xong thân thể liền hóa hiện trang nghiêm, cao lớn. Thường thường thiên nam hóa sanh nơi đầu gối bên trái của mẹ, hoặc có khi cả chư thiên nam, thiên nữ đều hóa sanh trong đóa hoa cầm nơi tay của thiên mẫu (mẹ).

– Chư thiên nơi cõi trời Sắc giới khi mới sanh thân tướng liền viên mãn không trải qua các sự ăn uống, tất cả thiên chúng đều tự biết thánh ngữ chớ không cần phải học tập chi cả.

Chư thiên nào khi sắp mạng chung có năm tướng suy hiện ra như sau:

Năm tướng nầy gọi là năm tướng “tiểu suy” (suy yếu nhỏ) có khi nhằm vào trường hợp khác không nhất định là phải bị chết.

1. Y phục và các đồ trang nghiêm nơi thân như vòng xuyến và chuỗi anh lạc kêu vang ra những tiếng không được thanh tao êm dịu như lúc bình thường.

2. Ánh quang minh (hào quang) nơi thân bỗng nhiên mờ yếu.

3. Sau khi tắm gội xong các giọt nước dính đọng nơi mình chớ không khô đi như lúc trước.

4. Tánh tình bình thường thung dung, phóng khoáng nay bị trì trệ lại một chỗ.

5. Mắt luôn luôn máy động không được trong lặng như mọi khi.

Chư thiên nào quyết định mạng chung sẽ bị năm tướng đại suy (suy yếu lớn) hiện ra như sau:

Khi nào năm tướng “đại suy” nầy hiện ra, quyết định sẽ mạng chung.

1. Y phục dính bụi.

2. Vòng hoa trên đầu khô héo.

3. Hai nách chảy ra mồ hôi.

4. Thân thể có mùi hôi bay ra.

5. Tự nhiên không còn cảm thấy ưa thích ở chỗ của mình nữa.

(Theo kinh Nhơn Quả và luận Câu Xá thì trong năm tướng đại suy nầy, điều một là hai mắt luôn luôn máy động, điều bốn là ánh quang minh nơi thân tắt mất.)

6/- Nghiệp Duyên thọ sanh.

Ðể tạm kết thúc loạt bài “Thoát Kiếp Phù Sinh” nầy, nay người viết sẽ lược kể ra sau đây vài lời dạy của đức Phật về duyên nghiệp thọ sanh.

……..(Xuất Tạng Kinh)

Ðức Phật bảo:

“Nầy A Nan, tất cả các chúng hữu tình chết nơi đây sanh lại nơi kia, sống chết nối nhau không dứt. Mỗi khi lâm chung các nghiệp lành dữ trong một đời thảy đều hiện ra trước mắt. Thì sau khi mãn phạt ở ngục Ðại A Tỳ nầy sẽ chuyển sanh thọ phạt nơi các ngục Ðại A Tỳ khác ở mười phương, vĩnh viễn không bao giờ thoát ly cho được.

Bởi nơi ba cõi (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới) định ngôi, sáu đường (Trời, Thần, Người, Ðịa ngục, Ngạ quỷ, súc sanh) chia loại nên bày ra hình dung xấu đẹp, quả báo có khổ, có vui. Tìm ra điểm đầu tiên sanh khởi thiệt chẳng rời khỏi Sắc Tâm, bỏ chỗ hội quy (tức là tìm về) thiệt chẳng ngoài nơi Sanh Diệt.

– Như chúng sanh nào thuộc hạng thuần tưởng (lòng luôn luôn có đức tin vào nơi Phật, Trời) thì thân thể nhẹ nhàng bay lên hóa sanh nơi cõi Trời. Nếu trong sự thuần tưởng nầy gồm có việc tu phước huệ và tịnh nguyện (Tịnh độ và phát nguyện vãng sanh) thì tâm tánh tự khai, được thấy mười phương chư Phật, tùy theo hạnh nguyện đã phát mà sanh về các cõi Tịnh độ của chư Phật.

– Như chúng sanh nào thuộc hạng tình ít, tưởng nhiều (tức là sự ham muốn lục dục ít, tưởng Trời, Phật nhiều) thì sanh vào hàng phi tiên, bay đi nhẹ nhàng, nhưng có giới hạn trong một phạm vi nhứt định chớ không đi xa bằng hạng thuần tưởng (vừa kể ở trên).

– Như chúng sanh nào tình, tưởng bằng nhau sẽ thác sanh lại cõi người, bởi tưởng là thông sáng, tình là tối mê cho nên không nặng, không nhẹ, không lên, không xuống.

– Như chúng sanh nào tình nhiều, tưởng ít thì sẽ lạc vào loài bàng sanh (loài có xương sống nằm ngang như trâu, bò, voi, ngựa, …) nhẹ thì làm loại phi cầm (chim bay) nặng thì làm loài tẩu thú (thú chạy sống trên mặt đất).

– Như chúng sanh nào có bảy phần tình, ba phần tưởng, sẽ bị đọa làm thân ngạ quỷ, thường chịu cảnh nóng bức, đói khát trải qua hằng trăm ngàn kiếp mới được thoát ly.

– Như chúng sanh nào có chín phần tình, một phần tưởng thì sẽ đọa vào Nại Lạc Ca (địa ngục) nhẹ thì sanh vào ngục Hữu gián thọ phạt trong một thời gian có giới hạn, nặng thì đọa vào trong ngục Vô gián thọ phạt trong một thời gian lâu dài không thể nào đếm tính cho xiết được.

– Như chúng sanh nào thuần tình (nghĩa là không hề có chút tưởng nào) thì sẽ đọa vào ngục Ðại A Tỳ. Nếu trong tâm thuần tình ấy còn kiêm thêm các tội khác như:

  1. Phá hủy cấm giới của Phật,
  2. Khinh báng kinh pháp đại thừa,
  3. Tham lam của đàn na tín thí,
  4. Lạm thọ sự cung kính,
  5. Phạm tội ngũ nghịch, thập ác …

Người Phật tử chúng ta phải biết Sanh, Diệt, luân hồi chính thật là vô thường, sắc thân, tâm tưởng hư huyễn, không bền nguyên là Gốc Khổ. Bởi thế cho nên trong kinh Pháp Hoa dạy rằng:

Ba cõi không an, in như nhà lửa,
Sự khổ dẫy đầy, rất đáng sợ hãi…

Vì vậy cho nên các bậc thánh nhơn khởi lòng thương xót giáng xuống dương trần bày đủ các môn phương tiện, thiết giáo độ đời đưa nhân loại vượt ra khỏi sông mê nơi ba cõi để quy về nơi giác lộ Niết Bàn, tỏ rõ chân tâm, thấy nguồn Phật tánh là do các lẽ trên vậy.

Ðến như phước báo nơi cõi Trời, tuy lầu quỳnh, áo gấm, cảnh đẹp, người xinh… nhưng trên trời Tha Hóa vẫn còn có thiên ma, trong cõi trời Vô Vân (tức là trời vô tưởng) vẫn có nhiều ngoại đạo. Lại cao hơn nữa, cõi trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng vẫn còn bị đọa xuống nhơn gian, trời Ðâu Suất cũng vẫn còn đam mê ngũ dục.

Là người học Phật ta phải nên biết rằng:

– Phước báo dễ sanh kiêu mạn.

– Cảnh vui khó học Niết Bàn.

Ðến khi phước nghiệp hết rồi thì tướng ngũ suy hiển hiện. Chừng ấy ắt tóc tiên hoa héo, áo ngọc bụi vương, điện vàng tắt ánh quang minh, thân nhơ nhớp còn chi vẻ đẹp! Khắp khuyên tất cả chúng sanh kể từ nay nên rửa lòng sám hối, niệm Phật làm lành, xa thì vui quả chân thường (giải thoát) gần thì được về nơi Tịnh độ, hưởng cảnh màu bất diệt vô sanh.

Ðó mới thật là người đại trí và như thế há chẳng phải là vô vàn hân hạnh hay sao.

Trước khi chấm dứt loạt bài nầy, người viết chỉ có một niềm mong ước duy nhất là nguyện cho khắp chúng hữu tình kể từ nay rửa lòng nơi cõi Phật, phát đại nguyện vãng sanh, nhìn xem ba cõi tợ oan gia, sáu đường như tù ngục mà khởi lòng lo sợ, y theo lời Phật dạy mà tinh tấn tu hành để sớm được thoát ly cảnh khổ.

Nếu như công việc nầy có gây tạo nên được chút ít công đức, phước lành chi, nguyện xin hồi hướng hết đến cho tất cả chúng sanh trong pháp giới hữu tình.

Trân trọng.

Thơ….

(Bài thứ 1)
LẠC DIỆP – THU PHONG
(ÐỐI CẢNH)
THI
Thu phong thổi rụng lá khô vàng,
Xót cảnh duyên đời mãi hợp tan.
Xanh tươi qua mất thay màu úa,
Xuân sắc còn đâu lắm ngỡ ngàng !
Phù Sinh một kiếp mau như thoáng,
Luân hồi sáu nẻo nghiệp mênh mang.
A DI như biết gìn tâm niệm,
Bờ kia giải thoát quyết sang ngang.
THÍCH HẢI QUANG
(Hải Quang thi tập)

 

Thơ..

(Bài thứ 2)
LẠC DIỆP – THU PHONG
(đối cảnh)
T H I
Lá chết rơi đầy ngập lối đi,
Cuốn bay theo gió tợ khô thi. 
Thu phong, lạc diệp sầu ly biệt,
Kim cổ tồn vong kể xiết chi.
Kham thán nhân sinh đa khổ lụy,
Sanh, già, bệnh, chết lắm ai bi.
Ngùi thương trước cảnh vô thường hoại,
Chắp tay qùy vội NIỆM A DI.
THÍCH HẢI QUANG
(Hải Quang thi tập)

***********

[1] Tứ sanh : là bốn loài chúng sanh, đó là:

– Loài sanh ra bằng thai (như người ta, trâu, bò, vv…)

– Loài sanh ra bằng trứng (như gà, vịt, chim chóc, vv…)

– Loài sanh ra từ nơi ẩm ướt (như tôm, cá, vv…)

– Loài sanh ra bằng cách biến hóa (như vòi hóa ruồi, sâu hóa bướm, vv…)

[2] thiên tiên : là các người tu tiên đắc đạo được lên trời.
[3] Thiên dân : là những người dân trên các cõi trời.
[4] Linh hồn : tức là thức “A Lại Da” thứ 8.
[5] vi tế : là cực kỳ nhỏ nhiệm, chỉ có thiên nhãn mới thấy biết được.
[6] 49 ngày đây không phải là trọn một lần, mà phải chia ra làm 7 kỳ hạn. Mỗi kỳ hạn là 7 ngày, sau 7 ngày ấy thì thân Trung ấm chết đi, rồi sống lại… Như thế cho xong được 7×7 = 49 ngày thì bắt buộc phải đi đầu thai (thọ thân hậu hữu).
Nếu trong vòng 7 ngày của mỗi kỳ hạn mà được thân quyến tạo phước và hồi hướng cho thì thân Trung ấm ấy sau khi sống lại, sẽ được tươi đẹp hơn 7 ngày trước. Ngược lại, nếu như thân quyến không biết mà còn gây tạo thêm việc ác (như sát sanh gà, vịt, heo, bò, vv… để cúng tế cho người chết) thì thân Trung ấm ấy sau khi sống lại sẽ bị đen tối, u ám, khổ sở hơn.(7 ngày trước kia).

[7] Tứ trọng : là bốn tội đứng hàng đầu, ấy là :

  1. Dâm ( dục).
  2. Sát ( sanh).
  3. Ðạo (trộm cắp).
  4. Vọng (nói láo).

[8] ngũ nghịch : là 5 tội “bội ơn, nghịch nghĩa” (gọi tắt là bội nghịch). Ðó là :

– Giết cha.

– Giết mẹ.

– Làm cho thân Phật ra máu (cố ý đập bể tượng Phật cũng là tội làm cho thân Phật ra máu).

– Giết hại A la hán, Hòa thượng, A Xà Lê(tức là thầy dạy đạo).

– Phá hoại hòa hợp tăng (làm cho đoàn thể chư tăng bị chia lìa).

Riêng tội thứ năm nầy, có Kinh dạy là:

– Làm ô uế người tu tịnh hạnh. (Cưỡng dâm người ni như sa di ni, tỳ kheo ni).

[9] Thập ác : là 10 tội ác của Thân, Khẩu, Ý.
Ðó là :

a/- Thân  3 tội :

  1. Sát sanh.
  2. Trộm cắp.
  3. Tà dâm.

b/- Khẩu (miệng)  4 tội :

  1. Nói láo.
  2. Nói hung ác (nói lời trù rủa, mắng chưởi).
  3. Nói thêu dệt (nói lời bay bướm, ngọt ngào với dụng ý dụ dỗ, phá hoại trinh tiết người).
  4. Nói hai chiều (nói lời đâm thọc với mục đích gây thù hận cho cả hai bên).

c/- Ý  3 tội :

  1. Tham lam.
  2. Nóng giận.
  3. Ngu si.
[10] Nan Ðà : là tên của một vị A La Hán (nguyên là em bà con chú bác của Phật trong dòng họ thích ca).

[11] – Trường hợp nầy thì đại khái có 2 loại biến đổi như sau:

a/- Hoặc thân nhân trong 49 ngày vì người chết đó mà gây tạo ra các nhân lành, như bố thí, phóng sanh, niệm Phật, tụng kinh, trì chú, sám hối vv….rồi đem công đức đó mà hồi hướng cho người chết….thì sau khi sống lại (qua 7 ngày sau) thân Trung ấm ấy sẽ được biến đổi khác với 7 ngày trước, nghĩa là đẹp đẽ, tươi nhuận, sáng sủa hơn….

– Nếu như công đức mới gây tạo được đầy đủ để sanh thiên thì Trung ấm thân đó sẽ mang hình dáng chư thiên, thân màu như vàng ròng (xem lại phần trước về “Thiên Trung ấm thân”).

– Hoặc sẽ chuyển thân làm người lại thì sẽ mang “Nhơn Trung ấm thân”).

b/- Còn như trong vòng 49 ngày đó mà thân nhân (hoặc vô tình hay cố ý) gây nhân giết-hại sanh-mạng (như gà, vịt, heo bò vv….) để cúng tế cho người chết đó, thì thân Trung ấm ấy sẽ bị mang tội nặng thêm. Sau 7 ngày chết đi rồi sống lại, thân Trung ấm ấy sẽ biến đổi ra thân khác, hoặc đen đúa, xấu xa hơn, hoặc mang thân của loài súc vật, địa ngục, ngạ qủy….tùy theo tội (do thân nhân không biết đạo gây tạo thêm ra cho người chết) nặng hay nhẹ….

[12]- Chẩu : là đơn vị đo lường hồi xưa dài khoảng 7 thước (tây).

[13] a/- Tam đồ : là 3 hình phạt lớn của địa ngục. Ấy là :

– Nhục đồ : Hình phạt xẻo thịt (lăng trì).

– Ðao đồ : Hình phạt dùng đao kiếm phân thây (gươm đao bay đầy khắp hư không chém chặt).

– Huyết đồ : Hình phạt dìm vào trong sông máu. Cả mình đều bị tiêu ra huyết.

b/- Ác đạo : Nói chung là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.
(14)- Khô thi : là thây chết khô, đây ý nói là “lá khô” (cũng như thân xác chết khô vậy).
(15) – Kham thán nhân sinh đa khổ lụy : (Là : – Than thở kiếp người nhiều khổ lụy).