thiên cổ lôi âm phật

Phật Quang Đại Từ Điển

(天鼓雷音佛) Thiên cổ lôi âm, Phạm: Divyadundubhi meghanirghowa. Cũng gọi Cổ âm Như lai, Cổ âm Phật, Cổ âm vương. Chỉ cho đức Như lai ở phương bắc (1 trong 4 đức Phật ở 4 phương) ngồi trong viện Trung đài Bát diệp thuộc Mạn đồ la Thai tạng giới của Mật giáo. Theo phẩm Cụ duyên trong kinh Đại nhật và Đại nhật kinh sớ quyển 4 thì đức Phật này an trụ trong tướng tịch định, chủ về đức Đại niết bàn, cho nên căn cứ theo nghĩa mà gọi là Bất động. Nhưng Đại niết bàn này khác với niết bàn vĩnh tịch, không có diệu dụng của Nhị thừa, giống như Thiên cổ không có hình tướng mà thường diễn nói pháp âm của Như lai, thành tựu mọi sự nghiệp, cho nên gọi là Cổ âm Như lai. Về hình tượng thì toàn thân Ngài màu vàng ròng, tay trái nắm lại để ở dưới rốn, các đầu ngón tay phải chấm đất, kết ấn Xúc địa(chạm đất), ngồi kết già trên hoa sen báu, mật hiệu là Bất động kim cương, chủng tử là (a#) hoặc (haô), hình Tam muội da là Vạn đức trang nghiêm ấn hoặc Bảo loa(vỏ ốc báu). Có thuyết cho rằng đức Phật này và đức A súc Như lai ở phương đông thuộc Kim cương giới cùng là 1 vị tôn.[X. phẩm Bí mật bát ấn trong kinh Đại nhật Q.5; phẩm Nhập bí mật mạn đồ la vị trong kinh Đại nhật Q.5; Nhiếp đại nghi quĩ Q.2; Quảng đại nghi quĩ Q.hạ; Đại nhật kinh sớ Q.17, 20; Bí tạng kí].