thập ngũ y xứ

Phật Quang Đại Từ Điển

(十五依處) Cũng gọi Thập ngũ chủng nhân duyên y xứ.Chỉ cho 15 chỗ nương của 15 nhân do tông Duy thức lập ra. Đó là: 1. Ngữ y xứ: Chỉ cho ngữ tính khởi lên cùng với pháp, danh và tưởng; nương theo chỗ này mà lập Tùy thuyết nhân. 2. Lãnh thụ y xứ: Chỉ cho tính năng thụ, sở thụ của sở quan đãi, Năng thụ này là tâm sở của Thụ, còn Sở thụ thì chung cho tất cả pháp. Nương theo chỗ này mà lập Quan đãi nhân.3. Tập khí y xứ: Chỉ cho giai vị hữu lậu, vô lậu, chủng tử trong ngoài chưa thuần thục, nương vào chỗ này mà lập Khiên dẫn nhân. 4. Hữu nhuận chủng tử y xứ: Chỉ cho giai vị hữu lậu, vô lậu, chủng tử trong ngoài đã thuần thục, nương theo chỗ này mà lập Sinh khởi nhân. 5. Vô gián diệt y xứ: Chỉ cho Đẳng vô gián duyên của tâm, tâm sở. 6. Cảnh y xứ: Chỉ cho Sở duyên duyên của tâm, tâm sở. 7. Căn y xứ: Chỉ cho 6 căn sở y của tâm, tâm sở. 8. Tác dụng y xứ: Đối với nghiệp sở tác có tác dụng của công cụ tạo tác, chỉ cho Trợ hiện duyên ngoài các loại chủng tử khác. 9. Sĩ dụng y xứ: Chỉ cho nghiệp sở tác có tác dụng của tác giả, tức các Tác hiện duyên khác ngoài chủng tử. 10. Chân thực kiến y xứ: Kiến giải vô lậu ngoài việc huân tập để sinh ra tự chủng, còn có công năng giúp cho việc chứng được pháp vô lậu. Nương vào 6 y xứ trên đây (từ y xứ 5 đến y xứ 10) mà lập Nhiếp thụ nhân. 11. Tùy thuận y xứ: Chỉ cho các chủng tử hiện hành hữu lậu, vô lậu, tam tính, có công năng tùy thuận các pháp đồng loại và thắng phẩm, nương theo chỗ này mà lập Dẫn phát nhân. 12. Sai biệt công năng y xứ: Tức pháp hữu vi đối với mỗi mỗi tự quả có công năng khởi chứng và thế lực sai biệt, nương theo chỗ này mà lập Định dị nhân. 13. Hòa hợp y xứ: Từ Lãnh thụ y xứ đến Sai biệt công năng y xứ, trong các quả Sinh, Trụ, Thành, Đắc có năng lực hòa hợp, nương theo chỗ này mà lập Đồng sự nhân. 14. Chướng ngại y xứ: Chỉ cho pháp có khả năng gây chướng ngại trong việc sinh trụ thành đắc, nương theo chỗ này mà lập Tương vi nhân. 15. Bất chướng ngại y xứ: Chỉ cho pháp không ngăn trở việc sinh trụ thành đắc, nương theo chỗ này mà lập Bất tương vi nhân. [X. luận Thành duy thức Q.8; Thành duy thức luận diễn bí Q.6, phần cuối].(xt. Thập Nhân).