thập ngưu đồ

Phật Quang Đại Từ Điển

(十牛圖) Chỉ cho 10 bức tranh lấy việc chăn trâu làm chủ đề nói về phương pháp và thứ tự tu thiền do ngài Quách am Sư viễn vẽ vào đời Tống(có thuyết nói do Thiền sư Thanh cư vẽ), có phụ thêm lời tựa và kệ tụng của tác giả. Tức Thập ngưu đồ tụng (gọi đủ: Trụ Đỉnh châu Lương sơn Quách am hòa thượng thập ngưu đồ tụng tinhtự), 1 quyển, được thu vào Vạn tục tạng tập 113. Toàn tập sách gồm 10 bức tranh chăn trâu, dưới mỗi bức có một bài kệ 4 câu nói rõ nội dung của bức tranh.Mười bức theo thứ tự như sau: 1. Tìm trâu: Dụ cho việc đánh mất bản tâm viên thành sẵn có mà đi tìm kiếm trong các cảnh được mất, phải quấy. 2. Thấy dấu chân trâu: Dụ cho việc xem kinh hiểu nghĩa, dần dần thấy được dấu vết của bản tâm. 3. Thoáng thấy bóng trâu: Dụ cho công đức nghe pháp tu học mà thấy được tâm sẵn có. 4. Đã bắt được trâu: Dụ cho việc tuy đã được tâm nhưng tập khí phiền não vẫn còn đó, sợ lại phóng tâm, cho nên cần phải gia công tu luyện. 5. Chăn trâu: Dụ cho việc điều hòa tâm sau khi ngộ khiến tâm thuần thục hoàn toàn, tức tiếp tục tu luyện. 6. Cỡi trâu về nhà: Dụ cho việc thoát khỏi sự ràng buộc của tình thức vọng tưởng, trở về quê hương xưa nay của chính mình. 7. Quên trâu còn người: Dụ cho việc đã trở về quê hương bản giác vô vi, không còn cần tu luyện thì an nhàn vô sự. 8. Trâu người đều quên: Dụ cho việc đã trút sạch phàm tình, toàn cõi không một vật, phàm thánh cũng mất, chúng sinh và Phật đều không. 9. Trở về cội nguồn: Dụ cho bản tâm của mình xưa nay vốn thanh tịnh, không phiền não, vọng niệm, đương thể tức thực tướng các pháp. 10. Thõng tay vào chợ: Dụ cho việchòa quang đồng trần làm lợi ích chúng sinh. 1. Bức tranh tìm trâu 2. Bức thấy dấu chân trâu 3. Bức thoáng thấy bóng trâu 4. Bức đã bắt được trâu 5. Bức chăn trâu 6. Bức cỡi trâu về nhà 7. Bức quên trâu còn người 8. Bức quên cả trâu và người 9. Bức trở về cội nguồn 10. Thõng tay vào chợ Thập ngưu đồ, Tín tâm minh, Chứng đạo ca và Tọa thiền nghi, hợp lại in chung, gọi là Tứ bộ lục. Mười bài tụng (dịch thoát): 1. Tìm trâu: Nước biếc non xanh nhuộm một màu. Um tùm lối cỏ biết tìm đâu? Hơi tàn chân mỏi hồn hiu quạnh, Chiều xuống ve kêu gợi nỗi sầu! 2. Thấy dấu chân trâu: Ven suối bìa rừng in dấu chân, Hỏi tin hoa lá đứng tần ngần, Trời xa ráng nhạt mờ sương khói, Núi thẳm rừng sâu một chiếc thân. 3. Thoáng thấy bóng trâu: Trên cành thỏ thẻ tiếng hoàng oanh, Gió nhẹ trời quang dặm liễu xanh, Thấp thoáng đâu đây hình bóng cũ, Mơ màng giấc mộng vẫn chưa thành. 4. Đã bắt được trâu: Giờ đây trâu đã dắt nơi tay, Cố giữ làm sao khỏi sút dây, Có lúc như trèo lên đỉnh núi, Nhưng rồi chợt thấy ngủ trong mây. 5. Chăn trâu: Sợ quen đường cũ lại đi hoang, Từng phút từng dây phải buộc ràng; Đến một ngày kia nên thuần thục, Tha hồ trời rộng bước thênh thang. 6. Cỡi trâu về nhà: Cỡi trâu lững thững trở về nhà, Tiếng địch chiều thu tiễn ráng xa; Bát ngát bốn bề hương trầm tỏa, Tri âm nào biết cõi lòng ta. 7. Quên trâu còn người: Cỡi trâu giờ đã đến nhà rồi, Roi gác trâu buông ngủ thảnh thơi; Rực rỡ vầng hồng còn dệt mộng, Trong gian nhà cỏ một mình thôi. 8. Trâu người đều quên: Trâu người nhà cỏ thảy đều không, Lồng lộng trời xanh tin chẳng thông; Sợi tuyết trên lò đang rực lửa, Đến được đấy rồi hợp tổ tông. 9. Trở về cội nguồn: Tìm gốc quay về những uổng công, Nào biết xưa nay lí vốn không; Trước mắt bao la nhưng chẳng thấy, Hoa cười tươi thắm nước mênh mông. 10. Thõng tay vào chợ: Mình trần lem luốt cười ha ha, Ngất ngưỡng rong chơi chốn chợ xa; Phép lạ thần tiên không màng đến, Cây cỗi cành khô khiến trổ hoa!