thái căn đàm

Phật Quang Đại Từ Điển

(菜根譚) Tác phẩm, 2 quyển, do ông Hồng tự thành soạn vào đời Minh. Hai chữ Thái căn(rễ rau)của tên sách có xuất xứ từ câu Nhai được rễ rau, làm được trăm việc. Sách này dùng hình thức ngữ lục, đứng trên phương diện tư tưởng Nho gia là chính yếu, rồi dựa vào thuyết của LãoTrang và Thiền học mà bàn về đạo làm quan, cách giữ mình, việc đãi nhân xử thế và niềm vui nhàn cư sau khi từ quan. Trong sách thường dùng các từ ngữ của Nho gia và Thiền tông làm thành thơ văn để hiển bày trạng thái tự do tự tại của thân tâm sau khi thấu suốt, thể ngộ cảnh giới của Thiền. Sách này cũng dung hòa tư tưởng của Nho, Phật và Đạo, rất phù hợp với trào lưu Tam giáo hợp nhất của tín ngưỡng dân gian đương thời, cho nên sách được lưu truyền rất rộng trong dân gian cũng như giai tầng trí thức. Cho đến nay, trong hình thức sinh hoạt tông giáo dân gian trong xã hội của người Hoa ở Trung quốc, Hương cảng và Đông nam á vẫn còn bao hàm tư tưởng Tam giáo hợp nhất được trình bày trong tác phẩm này.