tất địa

Phật Quang Đại Từ Điển

(悉地) Phạm: Siddhi Tạng: Grub-pa. Hán dịch: Thành tựu, Diệu thành tựu. Phạm Hán: Thành tựu tất địa, Tất địa thành tựu. Hành giả Mật giáo tụng trì chân ngôn, do tam mật(thân, khẩu, ý) tương ứng mà thành tựu các diệu quả thế và xuất thế gian. Cứ theo Đại nhật kinh sớ quyển 15, nếu hoàn thành được giai vị Chính giác thì gọi là Vô thượng tất địa. Nhưng khi chưa đạt đến giai vị ấy thì vẫn còn có 5 thứ Tất địa là: Tín, Nhập địa, Ngũ thông, Nhị thừa và Thành Phật. Về 5 Tất địa này, theo Hiển giáo, Tín là Tín hành của các giai vị trước 10 địa, Nhập địa là vào Sơ hoan hỉ địa(tương đương với nhập Kiến đạo của Thanh văn), Ngũ thông là cảnh giới của 5 thần thông biết khắp thế gian, khi vượt qua giai vị Ngũ thông tiên nhân thì đến Địa thứ 4, Nhị thừa là vượt qua cảnh giới của Thanh văn và Duyên giác và đến Địa thứ 8, Thành Phật tức là từ Địa thứ 9 tu đạo Bồ đề, tiến tới hoàn thành giai vị Như lai. Còn theo Mật giáo thì Sơ hoan hỉ địa có 10 tâm, tâm đầu tiên đến tâm thứ 4 là Ngũ thông, tâm thứ 5 đến tâm thứ 8 là Nhị thừa, tâm thứ 9 đến tâm thứ 10 là Thành Phật. Tức 10 tâm của Sơ địa được chia làm 3 phẩm, 4 tâm đầu là Hạ phẩm, 4 tâm kế là Trung phẩm, 2 tâm cuối là Thượng phẩm. Tôn thắng nghi quĩ lại chia Tất địa làm 2 loại là Hữu tướng và Vô tướng, được sự sống lâu và phúc đức thế gian, gọi là Hữu tướng tất địa; còn thành tựu quả đức xuất thế gian thì gọi là Vô tướng tất địa. Hai Tất địa này, mỗi Tất địa cũng có 3 phẩm khác nhau. Nếu phối hợp 2 Tất địa này với 5 loại Tất địa và Vô lượng tất địa nói trên thì Hạ tất địa và Trung tất địa của Hữu tướng tương đương với 3 Tất địa đầu tiên trong 5 loại Tất địa, Thượng tất địa tương đương với Nhị thừa tất địa thứ 4; còn Hạ tất địa của Vô tướng thì tương đương với Hữu tướng tất địa, Trung tất địa tương đương với Thành Phật tất địa thứ 5, Thượng tất địa tương đương với Vô thượng tất địa. Trong nghĩa Tức thân thành Phật của ngài Không hải người Nhật bản gọi Tất địa của nhân vị Thủy giác là Trì minh tất địa(trì minh nghĩa là tụng trì chân ngôn), còn gọi Tất địa của quả mãn Bản giác là Pháp Phật tất địa. Đồng thời, theo Đại nhật kinh sớ quyển 3, thì cảnh giới hiện ra trong quán tâm của hành giả Chân ngôn được chia làm 3 phẩm Tất địa: Thượng phẩm an trụ ở cõi Phật mật nghiêm, Trung phẩm an trụ ở Tịnh độ 10 phương và Hạ phẩm an trụ ở các cung trời và Tu la. Ngoài ra, Tô tất địa (Phạm:Su-siddhi) nghĩa là diệu thành tựu, tức là thắng diệu thành tựu. Thai Mật ở Nhật bản y cứ vào kinh Tô tất địa, 1 trong 3 bộ Đại pháp, mà nói pháp Tô tất địa, là pháp sâu xa bí mật nhất biểu thị ý nghĩa 2 bộ Kim cương và Thai tạng là bất nhị. [X. phẩm Tất địa xuất hiện trong kinh Đại nhật Q.3; phẩm Bí mật mạn đồ la trong kinh Đại nhật Q.5; phẩm Tất địa thành tựu trong kinh Như ý bảo châu chuyển luân bí mật hiện thân thành Phật Kim luân chú vương].