tam thân

Phật Quang Đại Từ Điển

(三身) Phạm: Traya# kàyaø#. Cũng gọi Tam thân Phật, Tam Phật thân, Tam Phật. Chỉ cho Pháp thân, Báo thân và Ứng thân của chư Phật. Thân nghĩa là tụ tập, tụ tập các pháp mà thành thân, vì thế sự tụ tập về lí pháp gọi là Pháp thân (Phạm: Dharma-kàya), sự tụ tập về trí pháp gọi là Báo thân (Phạm: Saôbhoga-kàya), sự tụ tập của các pháp công đức gọi là Ứng thân (Phạm: Nirmàịa-kàya). Hoặc gọi là Pháp thân Phật Báo thân Phật Ứng thân Phật, Pháp Phật Báo Phật Ứng Phật, Pháp thân Ứng thân Hóa thân, Pháp thân Phật Báo Phật Hóa Phật, Pháp Phật Báo Phật Ứng hóa Phật, Chân thân Báo thân Ứng thân, Tự tính thân Mãn tư dụng thân Hóa thân, Tự tính thân Ứng thân Hóa thân, Pháp thân Ứng thân Hóa thân, Pháp tính thân Thụ dụng thân Biến hóa thân, Tự tính thân Thụ dụng thân Biến hóa thân, Tự tính thân Thực thân Biến hóa thân, Pháp thân Phật Thụ dụng thân Phật Hóa thân Phật, Chính pháp Phật Tu thành Phật Ứng hóa Phật, Phật sở kiến thân Bồ tát sở kiến thân Nhị thừa phàm phu sở kiến thân. Kim quang minh tối thắng vương kinh sớ quyển 3 cho rằng Hóa thân Phật có 5 tên gọi: Hóa thân, Phụ mẫu sinh thân, Tùy thế gian thân, Sinh thân và Giả danh thân; Ứng thân Phật có 6 tên gọi: Ứng thân, Thụ dụng thân, Báo thân, Trí tuệ thân, Công đức thân và Pháp tính sinh thân; Pháp thân Phật có 5 tên gọi: Pháp thân, Tự tính thân, Chân thực thân, Như như Phật và Pháp Phật.Theo Kim quang minh tối thắng vương kinh huyền xu quyển 4, 5 tên gọi của Hóa thân nói trên, nếu thêm 4 tên nữa là Thích ca thân, Nhị thừa phàm phu sở kiến thân, Ứng thân và Biến hóa thân thì thành tất cả 9 tên; 6 tên gọi của Ứng thân nếu thêm 2 tên nữa là Xá na thân và Bồ tát sở kiến thân thì tất cả là 8 tên; Pháp thân có 5 tên, nếu thêm 2 tên nữa là Phật sở kiến thân và Tì lô giá na thì thành 7 tên. Các kinh luận nêu tên gọi của 3 thân và giải thích rất khác nhau. 1. Ba thân nói trong Phật địa kinh luận: a. Pháp thân: Chứng ngộ và hiển bày lí thể của chân như thực tướng, không 2 không khác, thường trụ vắng lặng, gọi là Pháp thân. b. Báo thân: Thân báo đáp lại những công đức tu hành ở nhân vị và hiển hiện tướng hảo trang nghiêm. c. Ứng thân: Thân ứng theo căn tính của chúng sinh mà hiển hiện để giáo hóa. 2. Ba thân nói trong phẩm Tam thân phân biệt kinh Hợp bộ Kim quang minh quyển 1: a. Hóa thân: Khi còn tu hành ở nhân địa trong quá khứ, đức Như lai đã tu nhiều pháp, đến khi tu hành thành tựu viên mãn, tế độ tất cả chúng sinh, nhờ năng lực tu hành mà được tự tại và tùy theo căn cơ chúng sinh, ứng hiện các loại thân tướng dưới nhiều hình thức để cứu độ, gọi là Hóa thân.b. Ứng thân: Để khiến các Bồ tát được thông suốt, đồng thời thể nhận được sinh tử và Niết bàn là nhất vị, lấy đó làm căn bản cho vô biên Phật pháp, nên chư Phật Như lai thị hiện thân này có đầy đủ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, có vòng hào quang phía sau lưng, gọi là Ứng thân. c. Pháp thân: Để diệt trừ tất cả phiền não chướng mà đầy đủ hết thảy các thiện pháp, nên chỉ có Như như và Như như trí, gọi là Pháp thân. Hai loại thân trước(Hóa thân, Ứng thân) là Giả danh hữu, loại thân thứ ba(Pháp thân) là Chân hữu và là gốc của 2 loại thân trước. 3. Ba thân nói trong kinh Giải thâm mật quyển 5: Tức Pháp thân, Giải thoát thân và Hóa thân. Trong đó, Hóa thân là chỉ cho thân thị hiện 8 tướng; Giải thoát thân chỉ cho Ngũ phần pháp thân; Pháp thân chỉ cho Ba la mật đa ở các Địa, khéo tu diệu quả xuất li chuyển y thành tựu viên mãn. Vì Ngũ phần pháp thân hàng Thanh văn Độc giác cũng có thể chứng được, cho nên nếu chỉ nói theo phạm vi của thân này thôi thì Nhị thừa và Như lai không khác nhau. Nhiếp đại thừa luận thích (bản dịch đời Lương) quyển 13 (Đại 31, 249 trung) nói: Quả cùng tột củađạo Nhị thừa gọi là Giải thoát tri kiến. Trong Giải thoát tri kiến của Nhị thừa không có 3 thân. Trong Giải thoát tri kiến của Bồ tát có 3 thân khác nhau. Tại sao vậy? Vì Nhị thừa không diệt được trí chướng, không có Nhất thiết trí, không được Pháp thân thanh tịnh viên mãn, không có đại từ bi, không thực hành các việc lợi ích người khác, không có Ứng thân và Hóa thân. Vì thế mà biết Giải thoát thân của Nhị thừa không có Pháp thân, Ứng thân và Hóa thân. 4. Ba thân nói trong Tông kính lục quyển 89: a. Tự tính thân: Chư Phật Như lai có vô biên tế công đức chân thường, thực tính bình đẳng này của tất cả các pháp chính là Tự tính, cũng gọi Pháp thân. b. Thụ dụng thân: Được chia làm 2 thứ: -Tự thụ dụng thân: Các đức Như lai tu tập vô lượng phúc tuệ, tạo vô biên công đức chân thực, thường tự thụ dụng pháp lạc rộng lớn. -Tha thụ dụng thân: Các đức Như lai do trí bình đẳng thị hiện thân công đức thanh tịnh vi diệu, trụ ở cõi nước thuần tịnh, vì chúng Bồ tát Thập địa mà hiển hiện đại thần thông, quay bánh xe chánh pháp. c. Biến hóa thân: Các đức Như lai dùng thần lực bất tư nghị, biến hiện vô lượng, tùy theo các loài mà hóa thân, trụ ở các cõi tịnh uế, tùy theo cơ nghi của các Bồ tát Địa tiền và Nhị thừa mà hiện thần thông nói pháp. Cũng trong Tông kính lục quyển 89 còn nêu ra thuyết chuyển 3 tâm được 3 thân, tức là: Chuyển Căn bản tâm(thức thứ 8) thì được Pháp thân, chuyển Y bản tâm(thức thứ 7)thì được Báo thân và chuyển Khởi sự tâm (thức thứ 6)thì được Hóa thân. 5. Ba thân theo sự giải thích của Lục tổ Tuệ năng thuộc Thiền tông: a. Thanh tịnh pháp thân Phật: Thân của chúng ta chính là pháp thân Như lai, cho nên tự tính của chúng ta vốn thanh tịnh và có khả năng sinh ra tất cả các pháp. b. Viên mãn báo thân Phật: Ánh sáng Bát nhã do tự tính sinh ra có năng lực trừ sạch tất cả tình cảm dục vọng, giống như vầng mặt trời chói lọi trên cao, chiếu xa muôn dặm, tỏa ánh sáng khắp hư không, xua tan mây mù tăm tối. c. Tự tính hóa thân Phật: Nếu chúng ta tin chắc rằng năng lực của tự tính hơn tất cả hóa thân Phật thì khi tâm này hướng theo ác liền vào địa ngục, nếu khởi tâm độc hại liền biến làm rồng, rắn; nếu tâm này hướng theo thiện thì liền sinh trí tuệ, nếu khởi tâm từ bi thì liền biến làm Bồ tát.[X. kinh Kim quang minh tối thắng vương Q.2; Nhiếp đại thừa luận thích Q.10 (bản dịch đời Lương); luận Du già sư địa Q.78; Phật địa kinh luận Q.7; Quán kinh huyền nghĩa phần truyền thông kí Q.6]. (xt. Phật Thân).