tam bình đẳng quán

Phật Quang Đại Từ Điển

(三平等觀) Cũng gọi Tam tam muội da quán. Quán xét 3 thứ đều bình đẳng, đây là giáo nghĩa của Mật giáo. Tức quán Phật, Pháp, Tăng; hoặc thân, ngữ, ý; hoặc tâm, Phật và chúng sinh là bình đẳng. Tam bình đẳng quán theo nghĩa rộng là dùng Tam mật thu nhiếp tất cả các pháp, tức là: Tất cả sắc nhiếp về thân mật, thân mật chính là ấn khế; tất cả thanh nhiếp về ngữ mật, ngữ mật chính là chân ngôn; tất cả lí nhiếp về tâm mật, tâm mật chính là thực tướng. Tam mật bình đẳng bao trùm khắp cả mọi nơi, cho nên cảnh giới mà hành giả trông thấy đều là thân trùm khắp mọi nơi của Đại nhật Như lai, âm thanh mà hành giả nghe thấy đều là Đà la ni, là tiếng nói pháp của chư Phật. Tam bình đẳng quán theo nghĩa hẹp thì chia làm 3 loại: 1. tự tam bình đẳng quán: quán xét Tam mật bình đẳng của hành giả là bình đẳng, bao trùm khắp pháp giới. 2. Tha tam bình đẳng quán: Quán xét Tam bình đẳng của hành giả và Tam bình đẳng của Bản tôn là cùng 1 duyên tướng. 3. Cộng tam bình đẳng quán: Quán tưởng hành giả, Bản tôn và hết thảy chư Phật đã thành, chưa thành đều là cùng 1 duyên tướng. Quán xét như thế, hành giả và Bản tôn dung hòa làm 1 thể, tức là chỗ tột cùng nhập ngã ngã nhập của năng chứng. Pháp quán trên đây thuộc về pháp quán Chính niệm tụng hoặc lúc bình thường. Nếu khi tu Hộ ma thì dựa vào Tam mật: Bản tôn, Lư đàn, Hành giả mà quán tưởng, Tam mật ấy là bình đẳng, gọi là Nội hộ ma quán. Nhờ tu quán tam bình đẳng của Nội hộ ma mà sự lí trong ngoài ứng hợp nhau, đạt được Tất địa. Bản tôn được quán tưởng và hành giả có thân khẩu ý, lư đàn cũng có thân khẩu ý (tức thân lò, miệng lò, lửa lò), thân của Bản tôn chính là thân lò, cũng là thân của hành giả; khẩu của Bản tôn chính là miệng lò, cũng là khẩu của hành giả; trí của Bản tôn chính là lửa lò, cũng là lửa trí của hành giả; quán xét sự bình đẳng của Tam mật này như thế cũng gọi là Tam bình đẳng quán. [X. phẩm Cụ duyên kinh Đại nhật Q.2; Đại nhật kinh sớ Q.20; Quán nội hộ ma; Bí tạng kí; Hộ ma kí bản trong A sa phược sao Q.40].