Phật Giáo Việt Nam

Từ Điển Đạo Uyển

越南佛教
Lịch sử Phật giáo tại Việt Nam được trình bày khá rõ trong Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang. Theo tác phẩm này, trong thế kỉ thứ nhất, thứ hai sau Công nguyên, ngoài hai trung tâm Phật giáo tại Trung Quốc là Lạc Dương và Bành Thành, một trung tâm thứ ba xuất hiện tại Luy Lâu, thuộc xứ Giao Chỉ, ngày nay thuộc tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam. Có người cho rằng, Luy Lâu hình thành trong đầu thế kỉ thứ nhất, sớm hơn cả Lạc Dương và Bành Thành, làm bàn đạp cho sự thành lập hai nơi đó. Ðiều chắc chắn là trung tâm Luy Lâu được hình thành do các tăng sĩ Ấn Ðộ trực tiếp mang lại, chứ không phải từ Trung Quốc truyền xuống. Tập luận thuyết đầu tiên về đạo Phật được Mâu Tử (sinh khoảng năm 165) viết tại Giao Châu. Khang Tăng Hội (康僧會; cuối thế kỉ thứ hai) được xem là tăng sĩ đầu tiên của Việt Nam. Qua thế kỉ thứ ba thì tại Giao Châu đã có khoảng năm trăm vị tăng sĩ và lưu hành ít nhất 15 bộ kinh, trong đó bộ Tứ thập nhị chương (四十二章經; s: dvācat-vāriṃśat-khanda-sūtra) là kinh chủ yếu dành cho người xuất gia. Sau đó Thiền tông vào Việt Nam rất sớm, Khang Tăng Hội được xem là Khai tổ của Thiền học Việt Nam. Sư là tác giả của tập Nê-hoàn phạm bối (泥洹梵唄), một tập thi ca về Niết-bàn dịch từ văn hệ Pā-li. Sư cũng viết tựa cho tập kinh An-ban thủ ý (安般守意; p: ānāpānasati), soạn bộ Lục độ tập kinh (六度集經) và dịch một kinh bản của kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa. Như thế, trong đầu thế kỉ thứ ba, Phật giáo Việt Nam đã là Phật giáo Ðại thừa.
Khoảng thế kỉ thứ năm, người ta nhắc đến hai vị Thiền sư ở Giao Châu là Pháp Thiên (法天; s: dharmadeva) và Huệ Thắng (慧勝), theo thiền pháp Ðại thừa. Người ta biết rằng Sơ tổ Thiền tông Trung Quốc là Bồ-đề Ðạt-ma đến nước này năm 520, nhưng có truyền thuyết cho rằng, Ngài có thể đã cùng Pháp Thiên đến Giao Châu cuối đời nhà Tống (khoảng năm 470).
Cuối thế kỉ thứ sáu, Thiền sư Tì-ni-đa Lưu-chi (毘尼多流支; s: vinītaruci; cũng gọi là Diệt Hỉ) – học trò của vị Tổ thứ ba của Thiền Trung Quốc là Tăng Xán (僧璨) – đến Giao Châu khai sáng dòng thiền cùng tên. Sau đó còn có phái thiền Vô Ngôn Thông (無言通) và Thảo Ðường cũng xuất phát từ Trung Quốc lưu hành tại Việt Nam. Phái Thiền của Tì-ni-đa Lưu-chi truyền được 19 đời (đến năm 1213), bắt đầu bằng kinh Tượng đầu tinh xá (象頭精舍經), một bộ kinh thuộc hệ thống Bát-nhã, tạo sự lớn mạnh của Phật giáo Ðại thừa và cả Mật tông tại Việt Nam. Phái Thiền Vô Ngôn Thông truyền được bốn thế kỉ, sử dụng chủ yếu các kinh Viên giác (圓覺), Pháp hoa (法華), chủ trương “Ðốn ngộ” (頓悟) và “Vô sở đắc” (無所得), rất gần với Thiền phương nam của Trung Quốc. Phái thiền Thảo Ðường (草堂) bắt đầu từ cuối thế kỉ thứ mười một, do Thiền sư Thảo Ðường sáng lập, vốn là một tù nhân của vua Lí Thánh Tông bị bắt năm 1096. Sách Thiền uyển tập anh (禪苑集英) cho rằng Thảo Ðường là môn đệ của Thiền sư Tuyết Ðậu Trọng Hiển (雪竇重顯), là phái chủ trương dung hợp giữa Phật và Nho giáo tại Trung Quốc. Phái Thảo Ðường truyền được sáu thế hệ trong đó có những người nổi tiếng như Không Lộ (空露) và Giác Hải (覺海; hai vị cũng được xếp vào thiền phái Vô Ngôn Thông).
Khoảng thế kỉ thứ mười, Việt Nam giành được quyền độc lập và Phật giáo bắt đầu có ảnh hưởng trong giới vua quan. Năm 971 Ðinh Tiên Hoàng ban chức “Tăng thống” đầu tiên cho Thiền sư Khuông Việt (匡越; Ngô Chân Lưu; 吳真流). Vua Lê Ðại Hành mời Thiền sư Pháp Thuận (法順) và Vạn Hạnh (萬行) làm cố vấn chính trị. Về sau Vạn Hạnh phò Lí Công Uẩn (李公蘊) lên ngôi (1010), nhà vua cho dựng nhiều chùa chiền, sùng bái đạo Phật. Năm 1036, Lí Thái Tông (李太宗) lên ngôi, cũng là một nhà vua quý trọng đạo Phật. Năm 1049, chùa Một Cột (延祐; Diên Hựu) được xây dựng. Các nhà vua đời Lí về sau đều tôn sùng đạo Phật và lấy đạo từ bi làm phương pháp trị nước. Trong thời gian này, Phật giáo Ðại thừa với các bộ kinh như Kim cương, Dược sư, Pháp hoa, Viên giác… được truyền tụng.
Ðầu thế kỉ thứ 13, nhà Trần lên ngôi, đồng thời ba thiền phái Tì-ni-đa Lưu-chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Ðường dần dần nhập lại một. Ðây là thời kì phát triển rực rỡ nhất của Phật giáo Việt Nam. Các nhà vua đời Trần cũng đều là những Thiền sư uyên bác, mà một trong những người xuất sắc nhất phải kể đến là vua Trần Thái Tông (陳太宗; 1218-1277). Thiền phái duy nhất Việt Nam thời này, được xem là sự tổng hợp của ba thiền phái kia là thiền Yên Tử hay Trúc Lâm. Trần Thái Tông đã để lại một loạt tác phẩm thiền học rất quan trọng. Một nhân vật quan trọng của Phật giáo đời Trần là Huệ Trung Thượng sĩ (慧忠上士), tức là Trần Quốc Tung, anh cả của Trần Hưng Ðạo, anh vợ của Trần Thánh Tông. Sau Thái Tông là Trần Nhân Tông (陳仁宗), cũng là một ông vua xuất gia, trở thành tổ thứ sáu của trường phái Yên Tử và Ðệ nhất tổ của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Trong thời nhà Trần, các bộ kinh Kim cương, Pháp hoa, Bát-nhã, Nhập Lăng-già và Hoa nghiêm được lưu truyền rất rộng rãi. Hai nhà sư đóng góp lớn nhất vào việc học Phật thời đó là Pháp Loa (法螺) và Huyền Quang (玄光).
Ðến cuối thế kỉ 14, Phật giáo bắt đầu suy đồi, nhà Trần đã nằm trong tay Hồ Quý Li. Trong đời nhà Lê, vua quan coi trọng Nho giáo với kết quả là năm 1464, Lê Thánh Tông cấm xây dựng chùa mới.
Khoảng giữa thế kỉ 17, lúc Nam Bắc phân tranh, Phật giáo lại phục hưng, trong đó Thiền sư Chân Nguyên và Hương Hải hoạt động ở Ðàng ngoài. Ở Ðàng trong, chúa Nguyễn Hoàng (1558-1613) là người tôn trọng đạo Phật, cho xây chùa Thiên Mụ năm 1601. Tại đây, môn phái của Thiền sư Liễu Quán (了觀) có công phục hưng Phật giáo. Ðầu thế kỉ thứ 19, Gia Long thắng Tây Sơn, chấm dứt những năm chinh chiến, trong đó đạo Phật cũng bị thương tổn. Các vua triều Nguyễn như Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Ðức cũng có để tâm phục hưng lại đạo Phật. Trong tiến trình lịch sử Việt Nam, tuy có lúc thịnh lúc suy, nhưng nói chung Phật giáo chưa bao giờ mất ảnh hưởng trong dân tộc Việt Nam.